Mục tiêu của thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 là tiếp tục thực hiện công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong việc quản lý và sử dụng kinh phí, tài sản công phục vụ các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội, đặc biệt là tiết kiệm các khoản chi mua sắm phương tiện đi lại, các máy móc, trang thiết bị đắt tiền, hạn chế các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, đoàn ra, đoàn vào, quà tặng, khánh tiết, lễ kỷ niệm và thành phần tham dự đảm bảo phù hợp, tiết kiệm, hiệu quả.
Yêu cầu đặt ra đối với việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 là tiếp tục đề cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, coi đây là việc làm thường xuyên, liên tục, cùng với sự tham gia của tất cả cán bộ, công chức, viên chức và người lao động. Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí phải được tiến hành đồng bộ với các hoạt động phòng chống tham nhũng, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, cải cách hành chính, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được triển khai tới từng đơn vị được giao tài sản, dự toán ngân sách nhà nước.
Thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên
Trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên, Văn phòng Quốc hội xác định thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên tăng thêm thông qua tiết kiệm điện, nước, xăng xe, văn phòng phẩm, sách, báo, tạp chí, in ấn, tiết kiệm chi về thông tin liên lạc.
Văn phòng Quốc hội xác định cụ thể tiết kiệm chi phí hội nghị, hội thảo: 12%; tiết kiệm chi công tác phí: 12%; tiết kiệm chi phí đoàn ra: 15%; tiết kiệm kinh phí đoàn vào, kinh phí tổ chức hội nghị quốc tế: 15%; tiết kiệm chi tiếp khách: Giảm tối thiểu 12% các nội dung chi này so với số thực chi năm trước.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
Tiết kiệm trong quản lý, thuê, mua sắm tài sản. Mua sắm tài sản phải đúng tiêu chuẩn, định mức và chế độ quy định đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, công khai, minh bạch. Xác định cụ thể từng đối tượng được trang bị tài sản, đồng thời xác định công năng sử dụng của tài sản để trang bị cho nhiều đối tượng dùng chung phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thực tế của từng cơ quan, đơn vị tránh lãng phí trong việc trang bị, mua sắm tài sản.
Thực hiện quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định tại Luật Quản lý, sử dụng tài sản công năm 2017. Chống lãng phí trong mua sắm tài sản công thông qua việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả phương thức mua sắm tập trung; mua sắm qua hệ thống mạng đấu thầu quốc gia.
Nhà công vụ phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả và bảo đảm thực hành tiết kiệm; nâng cao hiệu suất sử dụng nhà công vụ; thu hồi 100% nhà công vụ sử dụng không đúng mục đích, không đúng đối tượng, đối tượng hết thời gian sử dụng nhà công vụ theo quy định. Thực hiện quy định tại Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 25/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý các trụ sở, các cơ sở hoạt động sự nghiệp.
Hạn chế mua sắm ô tô và các trang thiết bị đắt tiền ngoài các điều kiện theo quy định tại Nghị định 04/2019/NĐ-CP ngày 11/01/2019 của Chính phủ. Chỉ mua xe ô tô chuyên dùng trong trường hợp xe cũ hư hỏng nặng, việc sửa chữa tốn kém, không hiệu quả, không có xe để điều chuyển.
Rà soát, kiểm kê, có kế hoạch điều chuyển tài sản giữa các đơn vị từ nơi thừa sang nơi thiếu.
Tiết kiệm chi phí tiền công, dịch vụ thuê ngoài.
Quản lý, sử dụng kinh phí khoa học công nghệ theo quy định pháp luật hiện hành về lĩnh vực này, đảm bảo các nghiên cứu, ứng dụng sẽ mang lại hiệu quả cao trong thực tế.
Đối với các đơn vị sự nghiệp công, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Quy định giá dịch vụ sự nghiệp công từng bước tính đủ các chi phí đối với các loại dịch vụ; đối với giá dịch vụ sự nghiệp công không sử dụng ngân sách nhà nước thì giao quyền tự chủ cho các đơn vị cung ứng dịch vụ tự quyết định, theo nguyên tắc bảo đảm bù đắp chi phí và có tích lũy. Giảm chi trực tiếp ngân sách nhà nước cho đơn vị sự nghiệp công.
Cắt giảm các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả đầu tư thấp
Về quản lý đầu tư xây dựng, thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư, chỉ đầu tư các Dự án có hiệu quả; đảm bảo 100% các dự án đầu tư công có đầy đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công. Thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư công, xây dựng và đấu thầu, đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, chất lượng, hiệu quả. Tạm dừng, cắt giảm các hạng mục công trình chưa thực sự cần thiết hoặc hiệu quả đầu tư thấp; hạn chế các nội dung phát sinh dẫn đến phải điều chỉnh thiết kế, thi công, hạn chế tối đa điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án.
Hình ảnh tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2019 và triển khai nhiệm vụ năm 2020 của Văn phòng Quốc hội
Chống lãng phí, nâng cao chất lượng công tác khảo sát, thiết kế, giải pháp thi công, thẩm định dự án để phấn đấu tiết kiệm từ 10% tổng mức đầu tư. Thực hiện nghiêm Chỉ thị số 27/CT-TTg ngày 27/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ, về việc tăng cường, đẩy mạnh công tác quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành sử dụng vốn nhà nước. Không tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản, trừ các công trình có giá trị lớn, có ý nghĩa quan trọng về chính trị.
Giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015
Trong quản lý, sử dụng lao động và thời gian lao động, thực hiện quản lý chặt chẽ thời giờ lao động, kiểm tra, giám sát chất lượng và đảm bảo hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.
Thực hiện tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người lao động theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Thực hiện tinh giản biên chế bảo đảm đến năm 2021 giảm được 10% so với số biên chế giao năm 2015. Năm 2020 phải giảm tối thiểu 2,5% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với số giao năm 2015.
Tiếp tục rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy tinh gọn theo hướng giảm đầu mối các đơn vị trực thuộc; không thành lập tổ chức mới, không thành lập phòng trong vụ. Nghiên cứu sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập để tinh gọn đầu mối, giảm biên chế, nâng cao hiệu quả hoạt động. Rà soát, giảm tối đa các ban quản lý dự án. Sắp xếp lại các đơn vị, văn phòng chuyên trách giúp việc bảo đảm tinh gọn, hiệu quả.
Giải pháp thực hiện
Để thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm đề ra, Văn phòng Quốc hội xác định các giải pháp: Tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, đặc biệt là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Giao quyền và phân cấp mạnh hơn cho các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước, nhằm tạo sự chủ động, trách nhiệm trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, nhân lực, tài chính, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Sắp xếp lại cơ cấu cán bộ, công chức theo vị trí việc làm hợp lý, nâng cao năng lực và trách nhiệm của cán bộ, công chức nói chung.
Thực hiện các quy định về công khai, minh bạch để tạo điều kiện thuận lợi cho việc kiểm tra, thanh tra, giám sát thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, bảo vệ người cung cấp thông tin chống lãng phí. Đưa kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí làm tiêu chí đánh giá thi đua, khen thưởng, bổ nhiệm./.