VAI TRÒ CỦA VĂN PHÒNG QUỐC HỘI TRONG CÔNG TÁC THAM MƯU, ĐỔI MỚI, NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ HOẠT ĐỘNG CỦA QUỐC HỘI

05/08/2019

Hoạt động của Văn phòng Quốc hội ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực cả về cơ cấu tổ chức và phương thức làm việc, làm tốt công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, góp phần quan trọng vào những thành công của Quốc hội.

Phát biểu tham luận tại Hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc hội Lào, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Văn phòng Quốc hội) Vũ Khắc Định cho biết, Văn phòng Quốc hội là cơ quan hành chính, tham mưu tổng hợp, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Với vị trí nêu trên, Văn phòng Quốc hội có nhiệm vụ tổ chức phục vụ các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Văn phòng cũng có trách nhiệm quản lý cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khác phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; quản lý kinh phí hoạt động của Quốc hội; chịu trách nhiệm bảo đảm cơ sở vật chất và các điều kiện khác cho hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội; tạo điều kiện cho đại biểu Quốc hội trong việc trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh.

Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Khắc Định phát biểu tham luận về "vai trò của Văn phòng Quốc hội trong công tác tham mưu, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội"

Cùng với quá trình đổi mới của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã có nhiều chuyển biến tích cực cả về cơ cấu tổ chức và phương thức làm việc. Tổ chức bộ máy đã từng bước được củng cố, kiện toàn; phương thức hoạt động ngày càng trở nên chuyên nghiệp và hiệu quả hơn; hỗ trợ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện các chức năng lập pháp, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước một cách hiệu quả, góp phần quan trọng vào những thành công của Quốc hội.

Trong công tác tham mưu, phục vụ hoạt động lập pháp, Văn phòng Quốc hội ngày càng chủ động, sáng tạo, chuyên nghiệp hơn, góp phần bảo đảm thể chế hóa đầy đủ, kịp thời chủ trương, đường lối của Đảng, quy định mới của Hiến pháp, tính hợp hiến, hợp pháp, tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Phối hợp tham mưu, phục vụ việc triển khai, thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Công tác tham mưu, phục vụ các hoạt động lấy ý kiến, góp ý xây dựng luật của các Văn phòng Đoàn ngày càng được chú trọng và thường xuyên đổi mới hình thức, mở rộng đối tượng tham gia, trong đó đặc biệt chú ý đến các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản luật. Qua đó, đã tiếp nhận được nhiều ý kiến có chất lượng, chuyên sâu, góp phần cung cấp thêm thông tin để đại biểu Quốc hội có cơ sở đóng góp nhiều ý kiến sát thực tiễn.

Công tác tham mưu, phục vụ hoạt động giám sát tiếp tục được đẩy mạnh, có nhiều đổi mới, đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những vấn đề bức xúc, nổi lên ở tầm vĩ mô, phù hợp với thực tiễn cuộc sống, được đại biểu Quốc hội, cử tri và Nhân dân ghi nhận, đánh giá cao.

Công tác tham mưu, phục vụ hoạt động chất vấn được đổi mới qua từng kỳ họp, phiên họp, nhất là việc cải tiến cách thức tiến hành chất vấn như rút ngắn thời gian nêu và trả lời câu hỏi, tăng tính dân chủ, công khai, tranh luận, đối thoại giữa người hỏi và người trả lời, đi đến cùng vấn đề đặt ra, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của cả người điều hành, người chất vấn và người trả lời chất vấn… Qua đó, đã góp phần quan trọng vào thành công của các phiên chất vấn tại các kỳ họp.

Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Trần Thị Kim Nhung phát biểu làm rõ về vai trò của Văn phòng Quốc hội trong công tác tham mưu, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội

Việc tham mưu, phục vụ Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề thuộc thẩm quyền bảo đảm chất lượng, sát với thực tế, đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển đất nước. Các đơn vị luôn chủ động nghiên cứu, cải tiến, nâng cao chất lượng tham mưu, phục vụ công tác thẩm tra, tiếp thu, giải trình, dự thảo các tờ trình, báo cáo, nghị quyết... để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua. Trong một số kỳ họp gần đây, Văn phòng đã tham mưu, phục vụ việc trình Quốc hội thông qua Nghị quyết chung của kỳ họp nhằm nâng cao tính pháp lý của một số nội dung đã được Quốc hội xem xét, quyết định, là căn cứ quan trọng để Chính phủ và các cơ quan hữu quan triển khai một số nhiệm vụ Quốc hội giao.

Về công tác Tham mưu, phục vụ việc cải tiến, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Khắc Định cho biết, trong những năm qua, các kỳ họp của Quốc hội đã diễn ra thành công với tinh thần đổi mới, dân chủ, đoàn kết, trách nhiệm, đúng quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực tế cuộc sống và nguyện vọng của Nhân dân. Đóng góp vào thành công chung của các kỳ họp Quốc hội có sự nỗ lực tham mưu, phục vụ của Văn phòng Quốc hội.

Cụ thể là, trong việc chuẩn bị và xem xét, quyết định các nội dung của kỳ họp: Văn phòng đã tham mưu để bảo đảm chương trình kỳ họp, các nội dung trình Quốc hội về cơ bản đều được tuân theo quy trình, thủ tục chặt chẽ, được chuẩn bị chu đáo, xem xét cân nhắc kỹ lưỡng trước khi trình Quốc hội tại kỳ họp.

Chương trình kỳ họp được tham mưu cải tiến một cách khoa học, phù hợp như: ghép việc trình bày các tờ trình, báo cáo, thông qua luật, nghị quyết cùng với thảo luận tại hội trường hoặc trước khi thảo luận tại tổ để hạn chế việc đọc quá nhiều báo cáo trong một buổi; bố trí việc trình bày và thảo luận ở tổ về dự án, dự thảo vào cùng một buổi; bố trí thảo luận cùng buổi hoặc gần nhau đối với những nội dung có liên quan với nhau; tăng thời gian thảo luận tại hội trường đối với các dự án luật quan trọng có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung khó, phức tạp, được nhiều đại biểu quan tâm... Nhờ đó, thời gian tiến hành kỳ họp được rút ngắn nhưng vẫn bảo đảm chất lượng, hiệu quả, đáp ứng được nguyện vọng của cử tri cả nước.

Thời gian qua, nhiều quy trình, cách thức tiến hành được tham mưu sửa đổi phù hợp hơn, đi vào thực chất, giảm bớt tính hình thức; các nội dung được sắp xếp hợp lý hơn, sát với diễn biến thực tế, góp phần sử dụng hiệu quả thời gian kỳ họp, giải quyết khối lượng công việc lớn, phức tạp và bảo đảm nguyên tắc làm việc theo chế độ hội nghị, quyết định theo đa số.

Văn phòng Quốc hội đã xây dựng Cổng thông tin điện tử Quốc hội, hệ thống điều hành điện tử (e-pas), văn phòng điện tử (e-office), phần mềm “hỗ trợ tức thì” đã góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác điều hành của Văn phòng Quốc hội, hỗ trợ cung cấp thông tin cho đại biểu Quốc hội ....

Quang cảnh Hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam và Ban Thư ký Quốc hội Lào

Tại kỳ họp thứ 7 của Quốc hội và phiên họp thứ 35 vừa qua của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã thí điểm ứng dụng các phần mềm cung cấp thông tin, tài liệu, giúp đại biểu tra cứu tài liệu nhanh, kịp thời, theo dõi được tổng thể các hoạt động của kỳ họp, giảm văn bản giấy và số lượng tài liệu phải mang theo, tiết kiệm chi phí. Phần mềm nhận dạng tiếng nói tại phiên chất vấn giúp cho Chủ tọa và người được trả lời chất vấn theo dõi được đầy đủ câu hỏi của đại biểu Quốc hội cũng như giúp cho việc gỡ băng các phiên thảo luận ở tổ, ở hội trường nhanh chóng, tiết kiệm nhân lực, góp phần nâng cao chất lượng công tác  tập hợp, tổng hợp.

Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp Vũ Khắc Định cho biết, trong thời gian tới, Văn phòng Quốc hội sẽ tiếp tục tập trung cải tiến, nâng cao chất lượng toàn diện các mặt công tác; kiện toàn, bảo đảm chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, tăng tính chuyên nghiệp, khoa học; khai thác, sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất-kỹ thuật, cố gắng hoàn thành tốt hơn nữa vai trò tham mưu, tổng hợp, phục vụ có hiệu quả hoạt động của Quốc hội./.

Trọng Quỳnh