TỌA ĐÀM "ĐẢM BẢO AN NINH NĂNG LƯỢNG - NỀN TẢNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG"

12/06/2019

Chiều ngày 12/6, tại trụ sở Văn phòng Quốc hội, Báo điện tử Đại biểu nhân dân tổ chức tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Đảm bảo an ninh năng lượng -Nền tảng phát triển bền vững", nhằm thảo luận về nhu cầu và áp lực bảo đảm an ninh năng lượng trong bối cảnh hiện nay; những thách thức giữa tăng trưởng kinh tế và an ninh năng lượng; chính sách và giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo ở Việt Nam thời gian tới.

Toàn cảnh buổi tọa đàm

Dự tọa đàm có ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam - đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng; ông Thạch Phước Bình, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Trà Vinh; ông Dương Minh Tuấn, Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu; bà Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, cùng một số chuyên gia, nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực năng lượng.

Phát biểu tại buổi tọa đàm, nhà báo Nguyễn Quốc Thắng, Phó Tổng biên tập Báo đại biểu nhân dân cho biết: Nhu cầu về năng lượng là thách thức rất lớn với Việt Nam khi các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí… đang được khai thác hết, hoặc đang cạn kiệt, không đủ cho nhu cầu trong nước. Điện năng sản xuất từ thuỷ điện năm 2030 sẽ chỉ chiếm khoảng 12,4%. Mặt khác, các yêu cầu ngày càng cao về bảo vệ môi trường cũng tạo ra áp lực to lớn đối với việc thực hiện chiến lược đảm bảo an ninh năng lượng gắn với phát triển bền vững.

Báo cáo của Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cũng cho thấy, từ năm 2015, Việt Nam đã chuyển từ xuất khẩu sang nhập khẩu năng lượng. Cụ thể, trước đây, Việt Nam từng xuất khẩu điện sang Campuchia, Lào và cũng là nước xuất khẩu than lớn, đỉnh điểm lên tới 20 triệu tấn than/năm. Nhưng từ năm 2015, Việt Nam đã nhập khẩu gần 10 triệu tấn than và dự kiến sẽ nhập 17 triệu tấn than, chiếm khoảng 31% sản lượng than cho nhu cầu phát điện đến năm 2020, tiếp tục tăng mạnh nhập khẩu than vào những năm sau đó.

Tại buổi tọa đàm, các đại biểu cho rằng, chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra mục tiêu phấn đấu đảm bảo cung cấp đủ năng lượng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia điều chỉnh giai đoạn 2011- 2020 có xét đến năm 2030 đặt ra các mục tiêu cung cấp đủ nhu cầu điện trong nước, đáp ứng cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của cả nước với mức tăng GDP bình quân khoảng 7,0%/năm trong giai đoạn 2016- 2030. Theo đó, dự kiến đến năm 2020, tổng công suất các nhà máy điện khoảng 60.000 MW, định hướng đến năm 2030, con số này đạt khoảng 129.500 MW. Thực tế này đòi hỏi Việt Nam tiếp tục phát triển các nguồn năng lượng một cách hài hòa, hợp lý, trên cơ sở bảo đảm phát triển của cả nước trong các lĩnh vực kinh tế- xã hội, đồng thời cũng gắn với yếu tố bảo vệ môi trường, gắn với chất lượng tăng trưởng trên thực tế. 

Thảo luận về nhu cầu đảm bảo an ninh năng lượng, chuyên gia năng lượng Ngô Đức Lâm cho rằng, trên thế giới an ninh năng lượng đứng 5 trong bảng xếp hạng an ninh của một quốc gia. An ninh năng lượng là đảm bảo đủ năng lượng cung cấp cho nền kinh tế quốc dân, phục vụ hoạt động quốc phòng và kinh tế xã hội.

Tại Việt Nam, mỗi năm nhu cầu điện tăng 10%, điều này đồng nghĩa mỗi năm có thêm các nhà máy điện mới được đưa vào sử dụng, nhưng mấy năm gần đây Việt Nam không có nhà máy sản xuât điện nào được khánh thành, khiến nguy cơ thiếu điện đang hiển hiện. Theo phân tích của các chuyên gia, nguyên nhân của tình trạng này là các dự án nhiệt điện than chậm tiến độ vì không huy động được vốn và quy hoạch mặt bằng. Trong khi đó các nguồn năng lượng tái tạo lại không được ưu tiên quy hoạch và phát triển, do vướng mắc về truyền tải và hòa lưới điện. Những vướng mắc này đặt ra yêu cầu cho công tác quản lý nguồn năng lượng ở Việt Nam để đảm bảo sự phát triển bền vững của các cơ quan chức năng. Bài toán sử dụng điện hiệu quả, tiết kiệm cũng cần được ưu tiên để cắt giảm lượng năng lượng tiêu thụ.

Ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, phát biểu tại tọa đàm

Đồng tình với quan điểm này, ông Nghiêm Vũ Khải, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam cho biết, trên thế giới tăng trưởng 1% GDP thì tăng trưởng năng lượng dưới 1%, còn ở Việt Nam, tăng trưởng 7% GDP nhưng tăng trưởng năng lượng trên 10% năng lượng. Vì vậy, bên cạnh sử dụng tiết kiệm năng lượng, cần hạn chế phát triển các ngành, lĩnh vực tiêu hao năng lượng, chú trọng đầu tư phát triển các ngành tốn ít năng lượng. Bên cạnh đó, tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, giảm sử dụng năng lượng hóa thạch để đảm bảo mục tiêu phát triển năng lượng bền vững.

Theo bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm phát triển sáng tạo xanh, để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa năng lượng và kinh tế, chiến lượng phát triển năng lượng cần ưu tiên khai thác tối đa nguồn năng lượng nội địa, giúp Việt Nam đảm bảo tiêu chí an ninh năng lượng, tránh phụ thuộc vào nguồn cung nhập khẩu năng lượng. Để làm được điều này, cần tăng khai thác năng lượng tái tạo thông qua các giải pháp thúc đẩy sử dụng năng lượng hiệu quả, sử dụng năng lượng tái tạo. Để làm được điều này thì chính sách giá cũng cần được đảm bảo, tính đúng, tính đủ về giá năng lượng. Trong quy hoạch điện 8, cần thay đổi về quan điểm, nhận thức, không chỉ phụ thuộc vào nguồn điện hiện tại; khi quy hoạch phát triển năng lượng cần đảm bảo tính khả thi khi áp dụng vào thực tế. Mặc dù năng lượng tái tạo đắt hơn nhưng sẽ tạo giá trị bền vững, đặc biệt là tạo nhiều công ăn việc làm hơn cho người lao động.

Bà Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng, nêu quan điểm để giải quyết vấn đề an ninh năng lượng cần đảm bảo hài hòa lợi ích nhà nước và người dân.

Đồng tình với quan điểm này, bà Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng cho rằng, cần phân tích tác động xã hội của năng lượng làm cho kinh tế phát triển, xã hội văn minh, năng suất lao động tăng lên. Vì vậy, để giải quyết an ninh năng lượng, bên cạnh các giải pháp tổng thể, cần đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân./.

Lan Hương