TỔNG THƯ KÝ, CHỦ NHIỆM VĂN PHÒNG QUỐC HỘI NGUYỄN HẠNH PHÚC CHỦ TRÌ HỌP BÁO CÔNG BỐ NỘI DUNG KỲ HỌP THỨ NĂM, QUỐC HỘI KHÓA XIV

19/05/2018

Sáng 19/5, tại Trung tâm Báo chí- Nhà Quốc hội, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì Họp báo công bố nội dung Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XIV.

Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì họp báo

Tham dự họp báo còn có: Phó Tổng thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Phó Tổng Thư ký Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh; Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Đỗ Mạnh Hùng; đại diện thường trực Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đại diện lãnh đạo các đơn vị hữu quan. Cuộc họp báo thu hút nhiều phóng viên, nhà báo của các cơ quan thông tấn, báo chí trong và ngoài nước.

Trình bày Báo cáo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV, Phó Tổng Thư ký, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh nêu rõ, kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV là kỳ họp giữa năm 2018, năm bản lề của nhiệm kỳ 2016 – 2021. Theo thông lệ, tại kỳ họp giữa năm, Quốc hội sẽ dành nhiều thời gian cho công tác lập pháp. Đồng thời, Quốc hội cũng sẽ dành thời gian để thực hiện hoạt động giám sát tối cao và xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội cùng một số vấn đề quan trọng khác.

Phó Tổng thư ký Quốc hội Lê Bộ Lĩnh trình bày Báo cáo dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5

Dự kiến kỳ họp sẽ họp phiên trù bị và khai mạc vào ngày 21/5/2018. Theo chương trình, Quốc hội sẽ làm việc trong thời gian 20 ngày và họp phiên bế mạc vào ngày 15/6/2018. Trong đó, thời gian dành cho công tác xây dựng pháp luật là 12 ngày, chiếm tỷ lệ 60% tổng thời gian của kỳ họp. Thời gian dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn là 03 ngày; giám sát chuyên đề và các vấn đề quan trọng khác là 3,5 ngày; khai mạc mạc là 1,5 ngày.

Về công tác lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ dành 12 ngày  để xem xét, thông qua 08 dự án Luật, 01 dự thảo Nghị quyết và cho ý kiến về 08 dự án Luật khác.

Về hoạt động giám sát và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Quốc hội sẽ xem xét báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018; Phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016; Giám sát tối cao việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016; Xem xét, thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát và việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2019.

Phóng viên,báo chí tác nghiệp tại buổi họp báo

Cũng tại kỳ họp này, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân; Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV và Quốc hội sẽ dành 03 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn. Trong đó, Quốc hội tiếp tục sẽ có những cải tiến, đổi mới về hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Cụ thể, thời gian để mỗi đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi chất vấn là 01 phút và sau khi 3 đại biểu Quốc hội nêu câu hỏi, người bị chất vấn phải trả lời ngay; thời gian dành cho mỗi lần trả lời là 3 phút. Việc cải tiến, đổi mới này được thực hiện trên cơ sở kết quả thí điểm tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Phiên họp lần thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm mục đích tăng cường tính đối thoại, tranh luận trong hoạt động của Quốc hội.

Về công tác báo chí tại kỳ họp Quốc hội, thực hiện đúng nguyên tắc làm việc công khai của Quốc hội, tại kỳ họp này, các cơ quan báo chí tiếp tục được tạo điều kiện thuận lợi tối đa để tiếp cận, đưa tin về các kỳ họp. Trong đó, dự kiến sẽ có 15 phiên họp thuộc nội dung của kỳ họp được tổ chức phát thanh, truyền hình trực tiếp để cử tri và nhân dân cả nước trực tiếp theo dõi (chiếm khoảng 40% thời lượng của kỳ họp). Ngoài những nội dung được tường thuật trực tiếp theo quy định của Nội quy kỳ họp, dự kiến phiên họp giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2016 và phiên thảo luận về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng cũng sẽ được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Bên cạnh đó, để bảo đảm an ninh, trật tự trong việc tổ chức kỳ họp, đề nghị các phóng viên báo chí tuân thủ các quy định, hướng dẫn tác nghiệp trong Nhà Quốc hội, bảo đảm quy định về việc sử dụng thẻ báo chí, thẻ sự kiện hàng ngày.

Toàn cảnh buổi họp báo

Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Bộ Lĩnh cũng nhấn mạnh, kỳ họp Quốc hội là hình thức hoạt động quan trọng và chủ yếu của Quốc hội. Để các hoạt động thông tin, tuyên truyền về kỳ họp đạt hiệu quả, đề nghị phóng viên của các cơ quan thông tấn báo chí sẽ phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Quốc hội; góp phần tuyên truyền kịp thời, sâu rộng, phong phú tới đông đảo cử tri, nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế về các hoạt động của Quốc hội tại kỳ họp thứ 5./.

Hồ Hương