Toàn cảnh Hội nghị thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII
Dự hội nghị còn có các đồng Phó Bí thư Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, các đồng chí chí đảng viên là Đại biểu Quốc hội đang sinh hoạt tại các cơ quan của Quốc hội ở Trung ương, lãnh đạo các Ban, Viện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; cùng toàn thể đảng viên của Đảng bộ Cơ quan Văn phòng Quốc hội.
Hội nghị được truyền hình trực tiếp tại điểm cầu Đảng bộ cơ sở Vụ Công tác phía Nam và Chi bộ Vụ Công tác miền Trung - Tây nguyên.
Đồng chí đồng chí Nguyễn Hạnh Phúc,Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bí thư Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thông báo nhanh kết quả Hội nghị lần thứ 11 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Theo đó, từ ngày 7/10 đến ngày 12/10, tại Thủ đô Hà Nội, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII họp Hội nghị lần thứ 11 để thảo luận, cho ý kiến về các dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng: Dự thảo Báo cáo chính trị và dự thảo Báo cáo 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược kinh tế - xã hội 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030; Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện công tác xây dựng Đảng, thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ khóa XII. Tại Hội nghị này, Trung ương cũng cho ý kiến về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 – 2020 và một số vấn đề quan trọng khác.
Bí thư Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc
15 nội dung lớn trong Dự thảo Báo cáo chính trị
Bí thư Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, một trong những nội dung được tập trung cho ý kiến tại Hội nghị Trung ương 11 là Dự thảo Báo cáo chính trị. Nhiều đại biểu đánh giá cao Dự thảo Báo cáo chính trị đã bám sát Cương lĩnh, Hiến pháp, tiếp thu các ý kiến của nhà khoa học ở Trung ương và địa phương. Các nội dung Dự thảo được trình bày gọn, rõ, toàn diện, khái quát về chủ trương, quan điểm, định hướng lớn, phù hợp với tính chất, yêu cầu của Báo cáo chính trị và không có sự trùng lắp với Dự thảo báo cáo tổng kết kinh tế xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021-2030. Theo đó, về kết cấu Dự thảo Báo cáo chính trị có 15 vấn đề chính:
- Kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội 12 của Đảng, diện mạo đất nước qua 30 năm đổi mới;
- Tầm nhìn và định hướng phát triển;
- Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phát triển đất nước nhanh và bền vững.
- Tiếp tục hoàn thiện thể chế và phát triển nền kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa;
- Tiếp tục đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người.
- Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển giao ứng dụng phát triển mạnh mẽ khoa học công nghệ;
- Xây dựng và phát huy giá trị, sức mạnh văn hóa con người Việt Nam;
- Quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm tiến bộ, công bằng xã hội;
- Quản lý sử dụng hiệu quả đất đai tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu;
- Tăng cường quốc phòng an ninh, bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;
- Triển khai đồng bộ, hiệu quả sáng tạo hoạt động đối ngoại;
- Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng;
- Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc dân chủ xã hội chủ nghĩa;
- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng chỉnh đốn đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng;
- Những nhiệm vụ, trong tâm, khâu đột phá trong thời gian tới.
5 quan điểm, 6 nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ 2021-2026
Tại hội nghị lần thứ 11, Trung ương đã thảo luận về các dự thảo văn kiện trình đại hội XIII của Đảng. Trong đó, Trung ương nhấn mạnh, nhìn tổng thể, sau 35 năm đổi mới, 30 năm thực hiện Cương lĩnh, đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, tạo tiền đề quan trọng để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Đồng thời, vẫn còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, bất cập cần tiếp tục nghiên cứu, tập trung giải quyết để đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn.
Trong nhiệm kỳ khoá XII, mặc dù phải đối phó với nhiều khó khăn, thách thức, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, đạt được nhiều thành tựu rất quan trọng. Đất nước tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực, tạo nhiều dấu ấn nổi bật: Kinh tế tăng trưởng liên tục và cao hơn nhiệm kỳ trước, trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh; kinh tế vĩ mô ổn định và từng bước được tăng cường; sức cạnh tranh, tiềm lực và quy mô của nền kinh tế được nâng cao. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, đặc biệt là công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chuyển biến mạnh mẽ, quyết liệt, có bước đột phá và đạt nhiều kết quả rõ rệt, được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, tin tưởng và ủng hộ.
Bí thư Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết Hội nghị Trung ương 11 đã bầu bổ sung 4 Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XII
Những thành tựu đạt được 5 năm qua có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Đó là kết quả của cả một quá trình phấn đấu bền bỉ, liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta.
Tuy nhiên, Trung ương nhận định thời gian tới, đất nước tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, Trung ương đã đưa ra 5 quan điểm chỉ đạo. Đó là kiên định và vận dụng sáng tạo Chủ nghĩa Mác Lê Nin và Tư tưởng Hồ Chí Minh. Đảm bảo lợi ích quốc gia dân tộc trên cơ sở nguyên tắc cơ bản luật pháp quốc tế, phát triển văn hóa là tinh thần con người Việt Nam. Bồi dưỡng sức dân, phát huy ý chí tự lực, tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thành tựu công nghệ 4.0. Kết hợp sức mạnh dân tộc sức mạnh thời đại. Tăng cường xây dựng chỉnh đốn Đảng, xây dựng hệ thống chính trị tinh gọn hiệu lực, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đáp ứng yêu cầu của đất nước.
Bí thư Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, Trung ương đưa ra 6 nhiệm vụ trọng tâm, gồm:
Tiếp tục đẩy mạnh chỉnh đốn Đảng gắn với xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch về mọi mặt, nâng cao năng lực lãnh đạo cầm quyền của đảng, xây dựng tổ chức bộ máy vận hành thông suốt hiệu lực, hiệu quả. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính đấu tranh phòng chống tham nhũng lãng phí, xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược ngang tầm nghiệm vụ.
Đổi mới mô hình tăng trưởng, phù hợp với nền kinh tế thị trường, phù hợp các loại hình sản xuất kinh doanh; đẩy nhanh ứng dụng mạnh mẽ tiến bộ khoa học vào sản xuất kinh doanh.
Nâng cao chất lượng hoạt động đối ngoại, chủ động xử lý tốt các vấn đề an ninh phi truyền thống, tăng cường tiềm lực quốc phòng an ninh, giữ vững môi trường hòa bình ổn định phát triển.
Tiếp tục xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh, giá trị văn hóa con người Việt Nam, thực hiện hiệu quả công bằng xã hội, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Phát huy quyền làm chủ, quyền con người, tăng cường, củng cố niềm tin của dân với Đảng.
Quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên đất, nước, rừng, biển, tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ đa dạng sinh học, thích nghi và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Đối với công tác nhân sự, Bí thư Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã bầu bổ sung 4 Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá XII; xem xét, quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức khai trừ ra khỏi Đảng đối với ông Nguyễn Bắc Son, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng khoá X, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; ông Trương Minh Tuấn, Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Ban cán sự đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông.
Như vậy, kể từ đầu nhiệm kỳ khoá XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý, trong đó có 01 đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị và 4 đồng chí Uỷ viên Trung ương Đảng khoá XII, 14 đồng chí nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 01 đồng chí nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, 05 đồng chí Bộ trưởng và nguyên Bộ trưởng, 02 đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, 05 đồng chí nguyên Bí thư Tỉnh uỷ và 17 đồng chí là tướng lĩnh; một số cán bộ đã bị xử lý hình sự.
Tại Hội nghị, Bí thư Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội, Tổng thư ký, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cũng thông tin về kết quả thảo luận về Dự thảo Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược kinh tế - xã hội 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2021-2030; Dự thảo Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện công tác xây dựng Đảng, thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ khóa XII; Cho ý kiến về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019 – 2020 và một số vấn đề quan trọng khác./.