BÁO CÁO CHÍNH TRỊ CỦA CHÍNH PHỦ
TẠI KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA III
(Do Thủ tướng Phạm Văn Đồng trình bày,
ngày 01-6-1970)
Thưa Chủ tịch Tôn Đức Thắng,
Thưa Đoàn Chủ tịch,
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Lần đầu tiên từ 25 năm nay, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu của chúng ta vắng mặt một kỳ họp Quốc hội.
Hôm nay, nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhớ đến người đã sáng lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á. Đó là Nhà nước của một chế độ mà tính ưu việt bắt nguồn từ chỗ quần chúng nhân dân làm chủ vận mệnh của mình, phát huy đến mức cao nhất mọi sức mạnh và tài năng của mình, làm nên sự nghiệp lớn.
Dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch và của Đảng ta, chế độ dân chủ nhân dân ở nước ta đã tỏ rõ tính ưu việt trong cuộc chiến đấu gian khổ, lâu dài và tất thắng chống đế quốc xâm lược, vì độc lập, tự do, vì chủ nghĩa xã hội. Chiến tranh là một thử thách rất lớn đối với một chế độ, chế độ dân chủ nhân dân của nước ta trải qua 25 năm chiến đấu chống đế quốc xâm lược đã không ngừng được củng cố, không ngừng lớn mạnh, là cột trụ để động viên sức đoàn kết và chiến đấu của toàn dân ta, đồng thời là cột trụ để động viên sự đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân thế giới đối với cuộc chiến đấu thần thánh của dân tộc. Tưởng nhớ Hồ Chủ tịch, Quốc hội ta và nhân dân ta đã ra sức củng cố hơn nữa chế độ dân chủ nhân dân của ta, phát huy hơn nữa tính ưu việt của nó để chiến đấu và chiến thắng giặc Mỹ xâm lược.
Từ sau cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, chúng ta từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Một nửa nước ta bước vào thời kỳ cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Chế độ xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc đã tỏ rõ tính ưu việt của nó. Mặc dù phải tập trung lực lượng về mọi mặt để đánh giặc, chúng ta đã có những cố gắng rất lớn và đã thu được những thành tựu rất đáng tự hào trong công cuộc xây dựng xã hội mới, đời sống mới và con người mới, xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên chúng ta còn phải làm nhiều hơn nữa, phải phát huy tốt hơn nữa tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa theo hai hướng: một là phải biết vận dụng những quy luật của chủ nghĩa xã hội trong sự nghiệp xây dựng đất nước ta, hai là động viên quần chúng nhân dân tham gia một cách tích cực nhất vào sự nghiệp vĩ đại và khó khăn đó. Tưởng nhớ Hồ Chủ tịch, chúng ta phải ngày đêm suy nghĩ để làm tốt hơn nữa những việc kể trên.
PHẦN THỨ NHẤT
CUỘC CHIẾN ĐẤU CHỐNG MỸ, CỨU NƯỚC
TỪ ĐẦU NĂM 1969 LẠI ĐÂY
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Hiện nay sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta đang có những phát triển mới, về cơ bản đem lại cho chúng ta những thuận lợi lớn mà chúng ta phải ra sức phát huy nhằm đánh thắng hoàn toàn đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc.
Để thấy rõ tình hình hiện nay của cuộc chiến tranh và xu thế tất yếu của nó, nghĩa là địch nhất định thua và ta nhất định thắng, chúng ta hãy ôn lại bước ngoặt lớn của cuộc chiến tranh, đợt tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt ở miền Nam hồi tết Mậu Thân (Xuân năm 1968), một thắng lợi rất lớn về mọi mặt, một bước nhảy vọt, thể hiện ở những kết quả sau đây:
Ở miền Nam, địch phải thú nhận sự thất bại của chiến lược phản công gọi là chiến lược “hai gọng kìm” của tướng Oétmôlen, thú nhận thất bại trong việc tìm một thắng lợi quân sự, từ đó mà phải chuyển sang một chiến lược mới: “quét và giữ”, một chiến lược phòng ngự bị động.
Ở miền Bắc, đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đế quốc Mỹ thú nhận sự thất bại rõ rệt của cuộc chiến tranh phá hoại và buộc phải chấm dứt không điều kiện cuộc chiến tranh đó, một cuộc chiến tranh đã gây cho chúng những tổn thất rất nặng về nhiều mặt.
Vì tình hình khốn quẫn do những thất bại trên chiến trường Việt Nam, ở miền Nam cũng như ở miền Bắc, chính phủ Mỹ buộc phải thừa nhận cuộc nói chuyện giữa bốn bên ở Pari. Một mặt trận mới trong cuộc chiến đấu của ta đã mở ra: mặt trận ngoại giao, kết hợp với mặt trận quân sự và mặt trận chính trị ở trong nước.
Những thắng lợi dồn dập kể trên, nhất là thắng lợi trên chiến trường miền Nam, đã đưa đến sự thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, một sự kiện chính trị có ý nghĩa rất lớn đối với cuộc chiến đấu của nhân dân ta ở miền Nam và đã có tiếng vang mạnh mẽ trên thế giới.
Vì thất bại quá rõ trong cuộc chiến tranh xâm lược ở Việt Nam, vì nhân dân tiến bộ Mỹ phản đối ngày càng rộng rãi và kiên quyết, Tổng thống Giônxơn phải rút lui, đảng dân chủ thua cuộc trong tuyển cử tổng thống và R.Níchxơn đã thắng với khẩu hiệu mị dân: đem lại hòa bình cho nước Mỹ! Nhưng đó chẳng qua là một sự bịp bợm khổng lồ: R.Níchxơn nói hòa bình để che đậy chính sách tiếp tục và đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam. Chính sách đó được gọi bằng những cái tên khá dễ đánh lừa dư luận: “phi Mỹ hóa chiến tranh” và “Việt Nam hóa chiến tranh”. Về thực chất, chính sách đó một mặt phản ánh thế thua, thế yếu, thế xuống dốc của đế quốc Mỹ trong cuộc chiến tranh, mặt khác phản ánh bản chất cực kỳ ngoan cố và phản động của đế quốc Mỹ đã và đang dùng trăm phương nghìn kế hòng cứu vãn tình hình và thực hiện âm mưu rất thâm độc của chúng.
Chúng ta cần vạch rõ với nhân dân ta và nhân dân thế giới âm mưu thâm độc đó, nhằm cố sống cố chết bám lấy miền Nam nước ta, ôm ấp ước mơ điên cuồng của chúng là biến miền Nam thành một thuộc địa kiểu mới và một căn cứ quân sự của Mỹ, chia cắt lâu dài nước ta. Miền Nam Việt Nam là một khâu rất trọng yếu trong chiến lược của đế quốc Mỹ ở khu vực Đông Nam Á về các mặt chính trị, quân sự và kinh tế. Đế quốc Mỹ hy vọng bám được ở miền Nam Việt Nam là tránh khỏi một thất bại của chiến lược toàn cầu của Mỹ.
Cái gọi là “Việt Nam hóa chiến tranh” không những không thể che đậy mà còn làm bộc lộ rõ rệt ý đồ đen tối và ngu xuẩn đó:
1. Về việc rút quân đội khỏi miền Nam Việt Nam, cái luận điệu rút có điều kiện và cách rút từng bước rất dè dặt của Níchxơn chứng tỏ đế quốc Mỹ muốn chiếm đóng lâu dài miền Nam Việt Nam, dùng quân đội Mỹ làm chỗ dựa tiếp tục cuộc chiến tranh xâm lược.
2. Mỹ ráo riết tăng cường ngụy quân, củng cố ngụy quyền của bọn Thiệu - Kỳ - Khiêm(1), hết sức giúp đỡ bọn này về nhiều mặt, chính trị, quân sự, kinh tế, tài chính, không chỉ trước mắt mà còn tính toán về lâu dài, hòng dùng bọn chúng làm công cụ đắc lực cho ý đồ trên đây.
3. Cả Mỹ lẫn ngụy, mặc dù biết bao thất bại liên tiếp, vẫn cố gắng hết sức thực hiện chương trình “bình định” của chúng với những thủ đoạn ngày càng tàn bạo, dã man. Từ thời Diệm – Nhu, bọn xâm lược Mỹ biết rất rõ rằng chúng rất yếu, vì chúng không được lòng dân. Toàn bộ cuộc chiến tranh xâm lược của chúng và những tội ác nghê tởm của chính sách “bình định” càng thúc đẩy quần chúng nhân dân ở miền Nam đấu tranh quyết liệt chống lại chúng.
Như vậy, rõ ràng “Việt Nam hóa chiến tranh” là kéo dài chiến tranh và về mặt nào đó là đẩy mạnh chiến tranh xâm lược của Mỹ ở miền Nam Việt Nam.
Hơn thế nữa, “Việt Nam hóa chiến tranh” còn gắn liền với việc Mỹ tăng cường “chiến tranh đặc biệt” ở Lào, và gần đây, mở rộng chiến tranh xâm lược sang Campuchia. Cuộc đảo chính ngày 18 tháng 3 năm 1970 ở Campuchia chống Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc, đưa bọn tay sai của Mỹ lên cầm quyền, tiếp đó việc quân Mỹ ồ ạt xâm lược lãnh thổ Campuchia đi đôi với những lời tuyên bố trắng trợn, láo xược của Tổng thống Níchxơn càng chứng minh rằng đế quốc Mỹ đương kéo dài và mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương. Rất rõ ràng đây là sự thể hiện của “học thuyết Níchxơn”, và học thuyết hiểm độc này còn gây cho nhân dân các nước châu Á những nguy cơ mới. Trong lúc ra lệnh ngang nhiên tiến quân xâm lược Campuchia, Tổng thống Níchxơn cũng ra lệnh ném bom ồ ạt nhiều nơi ở tỉnh Quảng Bình và Nghệ An trên lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Bọn xâm lược Mỹ hãy coi chừng! Gieo gió thì gặt bão! Bão táp mạnh mẽ đang và sẽ đến với chúng ở Việt Nam, ở Campuchia, ở Lào, ở nhiều nơi khác trên thế giới, ngay tại nước Mỹ. Chính phủ rất nhiều nước và nhân dân thế giới đã cực lực phản đối sự thách thức cực kỳ láo xược của chính quyền Níchxơn và phong trào nhân dân thế giới chống đế quốc Mỹ, ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam, của nhân dân Đông Dương sẽ càng ngày càng lớn mạnh và sâu rộng hơn.
Bọn xâm lược Mỹ điên rồ tưởng rằng chúng có thể cứu vãn tình thế nguy khốn của chúng ở miền Nam Việt Nam bằng cách kéo dài và mở rộng chiến tranh. Chúng chỉ gây cho chúng những khó khăn mới không thể vượt qua, đưa đến những thất bại càng nặng nề hơn. Cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam là cuộc chiến tranh dài nhất trong lịch sử nước Mỹ và cũng là cuộc chiến tranh gây cho nước Mỹ những thua thiệt nặng nề nhất về vật chất, về chính trị, về tinh thần, gây một cuộc khủng hoảng sâu rộng chưa từng xảy ra ở nước Mỹ. Cho nên trong nhân dân Mỹ càng ngày càng có nhiều người, kể cả các giới chính trị, kinh tế, văn hóa, v.v., đã biết rút ra những kết luận đúng đắn cho tình thế nguy kịch của nước Mỹ do chiến tranh xâm lược ở Việt Nam gây ra. Do đó, họ đòi phải chấm dứt chiến tranh, rút quân Mỹ về nước.
Đáp lại chính sách mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương, nhân dân ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào đã có câu trả lời đanh thép. Đó là cuộc Hội nghị cấp cao của nhân dân Đông Dương và bản Tuyên bố có ý nghĩa lịch sử của Hội nghị. Đây là cơ hội rất tốt để cho nhân dân ba nước Đông Dương cùng nhau đoàn kết, cùng nhau chiến đấu, cùng nhau thắng lợi. Đồng thời sự đoàn kết chiến đấu này làm cho nhân dân ba nước láng giềng và anh em hiểu biết nhau hơn, càng hợp tác với nhau, giúp đỡ lẫn nhau một cách có hiệu quả hơn, hiện nay trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung, cũng như sau này trong công cuộc xây dựng đời sống mới của mình theo đường lối riêng của từng nước. Kẻ thù chắc chắn sẽ gây cho nhân dân ba nước chúng ta những khó khăn mới, chúng sẽ tìm mọi cách để chia rẽ chúng ta. Chúng chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân ba nước Đông Dương tăng cường sức đoàn kết và chiến đấu, thúc đẩy sự đoàn kết và chiến đấu của nhân dân ở từng nước, thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng cuộc chiến tranh yêu nước, cuộc chiến tranh nhân dân và phong trào cách mạng của hàng triệu quần chúng nhân dân khắp nơi trên đất nước chúng ta. Trái hẳn với ý muốn của quân thù, chúng đã tạo nên cho nhân dân ba nước Đông Dương cơ hội thuận lợi để phát triển sự nghiệp giải phóng của mình một cách vững chắc, toàn diện, về lượng và về chất. Đồng thời, hành động xâm lược cực kỳ ngang ngược của Mỹ vào Campuchia là một thách thức láo xược đối với nhân dân thế giới. Và nhân dân thế giới đã và sẽ có sự trả lời đích đáng đối với chúng. Chúng đã tự vạch bộ mặt thật của chúng, làm cho mọi người thấy rõ chân tướng của chúng và càng kiên quyết đấu tranh chống lại chúng, ủng hộ nhân dân ba nước Đông Dương.
Tóm lại, hiện nay chúng ta đứng trước những cái mới rất thuận lợi đương phát triển trong tình hình ở Việt Nam, ở Đông Dương, ở châu Á và trên thế giới. Chúng ta phải biết phát huy những thuận lợi đó, khắc phục những khó khăn, đẩy cuộc đấu tranh tiến tới ở nước ta, ở Đông Dương và trên thế giới, kể cả ở nước Mỹ. Đồng thời, chúng ta phải hết sức tỉnh táo, đề phòng những âm mưu và hành động phiêu lưu mới của đế quốc Mỹ, của đồng minh, chư hầu và tay sai của chúng, luôn luôn sẵn sàng chống lại và đánh bại những âm mưu và hành động đó. Một cuộc đấu tranh kiên quyết, bền bỉ, triệt để như vậy nhất định sẽ đem lại cho nhân dân Việt Nam, cho nhân dân Campuchia và nhân dân Lào, cho nhân dân các nước trên thế giới và cho nhân dân Mỹ những thắng lợi càng to lớn hơn.
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Ở đây cần trả lời một câu hỏi: dư luận Mỹ cũng như dư luận quốc tế đều lên án nghiêm khắc hành động xâm lược Campuchia, cho đó là một việc làm “điên rồ”, “phiêu lưu”, như vậy thì vì sao Níchxơn lại “nhảy” vào chỗ nguy hiểm đó?
Bởi vì chính sách “Việt Nam hóa” của Níchxơn, như nhiều người đã thấy rõ, đang thất bại nặng ở miền Nam Việt Nam và xu thế tất yếu của nó là đi đến thất bại hoàn toàn, không có gì cứu vãn được.
Chúng ta hãy điểm lại bức tranh của cuộc chiến đấu của nhân dân ta ở miền Nam từ khi Tổng thống Níchxơn lên cầm quyền, nghĩa là từ năm 1969 đến nay.
Phát huy thắng lợi to lớn của xuân Mậu Thân, sang năm 1969, quân và dân miền Nam đã giữ vững và phát triển thế chiến lược tiến công, liên tục giáng cho địch những đòn mạnh mẽ, gây thiệt hại nặng cho quân Mỹ, quân ngụy và quân chư hầu của Mỹ, cả về sinh lực và phương diện chiến tranh của chúng.
Ngay từ những ngày Níchxơn vừa bước vào Nhà trắng, quân và dân miền Nam đã giáng cho quân Mỹ những trận đánh mãnh liệt trên khắp các chiến trường. Tiếp theo đó, qua các đợt hoạt động mạnh và các hoạt động thường xuyên trong năm 1969, quân và dân miền Nam đã loại ra ngoài vòng chiến đấu một số lực lượng rất lớn quân Mỹ, đánh thiệt hại nặng nhiều đơn vị tinh nhuệ của Mỹ như: sư đoàn kỵ binh bay, sư đoàn Amêricơn, sư đoàn 4 bộ binh… những cuộc tiến công mới đây lại bồi cho quân Mỹ một đòn mạnh. Đó là những trận đánh đau, đập tan ý đồ và những cố gắng tìm cách giảm thương vong của quân Mỹ, hòng làm dịu sức ép của phong trào nhân dân Mỹ chống chiến tranh xâm lược Việt Nam.
Đồng thời quân và dân miền Nam giáng những đòn đích đáng vào quân ngụy, là lực lượng đang trở thành công cụ chủ yếu để thực hiện âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh”. Một số rất lớn quân ngụy đã bị loại ra ngoài vòng chiến đấu, và những đơn vị cỡ trung đoàn, sư đoàn của quân ngụy cũng không thoát khỏi số phận bi thảm của những đơn vị tinh nhuệ trong đạo quân viễn chinh Mỹ. Từ đầu năm 1970 đến nay, lại có thêm hàng chục vạn quân ngụy bị loại khỏi vòng chiến đấu. Đó là đòn đánh đau vào âm mưu của đế quốc Mỹ đang ra sức củng cố và tăng cường quân ngụy hòng “thay đổi màu da của xác chết”, để kéo dài chiến tranh xâm lược miền Nam.
Đi đôi với việc tiêu diệt sinh lực Mỹ ngụy, quân và dân miền Nam chú ý đánh phá cơ sở hậu cần và phương tiện chiến tranh, là chỗ dựa, là lá bùa để nâng đỡ tinh thần chiến đấu bạc nhược của chúng. Số lượng phương tiện chiến tranh như: máy bay, xe tăng, đại bác, tàu và xuồng chiến đấu bị phá hủy hoặc phá hỏng trong năm 1969 cao hơn năm 1968, có loại gần gấp đôi.
Điều đặc biệt đáng chú ý là những thắng lợi kể trên đạt được trong tình hình quân địch đã chuyển từ chiến lược phản công sang chiến lược phòng ngự, đã ráo riết lập các vành đai phòng thủ để bảo vệ các thành thị, căn cứ quân sự và đường giao thông quan trọng, nghĩa là đã chui khá sâu vào các hệ thống công sự phòng ngự dày đặc, được sự yểm hộ của hỏa lực không quân, kể cả B.52, và pháo binh với mật độ rất cao.
Chính trong tình hình kẻ địch đã có thay đổi về chiến lược, chiến thuật như vậy, quân và dân miền Nam ta đã phát huy sức mạnh của chiến tranh nhân dân, nêu cao tinh thần dũng cảm và mưu trí, sáng tạo, giải quyết một loạt vấn đề về chiến lược, chiến thuật để đánh địch một cách có hiệu quả nhất. Các lực lượng vũ trang nhân dân miền Nam đã dùng nhiều lối đánh biến hóa rất linh hoạt, đặc biệt là lối đánh bằng đơn vị tinh nhuệ, đánh được địch ở mọi nơi với hiệu suất chiến đấu rất cao và giữ cho thương vong của mình ở mức thấp nhất. Thích ứng với phương thức hoạt động mới của địch, các lực lượng vũ trang nhân dân đã giải quyết tốt vấn đề tổ chức lực lượng và cách đánh để tiêu diệt chúng.
Biết đánh một cách thông minh như vậy, các lực lượng vũ trang nhân dân miền Nam càng đánh càng mạnh, càng thắng, cùng toàn dân từng bước vững chắc đánh thắng kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh” của Níchxơn.
Đồng thời với việc tiêu diệt sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch, quân và dân miền Nam ra sức đánh phá kế hoạch “bình định nông thôn” của chúng. Địch coi “bình định” là biện pháp chiến lược chủ yếu để thực hiện kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh”, vừa phục vụ cho yêu cầu quân sự, vừa phục vụ cho yêu cầu chính trị, cho nên chúng ráo riết tiến hành bình định bằng những biện pháp vô cùng tàn bạo. Mị dân và lừa bịp không đạt kết quả, địch đã cho máy bay và pháo binh đánh phá hết sức ác liệt; chúng rải chất độc hóa học nhiều lần với quy mô lớn; chúng dùng xe ủi đất ủi trắng từng vùng và vét dân về các khu tập trung. Nhân dân miền Nam ta căm thù cao độ trước hành động vô cùng dã man của địch, đã đấu tranh bằng mọi hình thức, từ công khai đấu lý đến vũ trang chống lại, từ lẻ tẻ bỏ về quê cũ đến đánh phá các khu dồn dân và ấp chiến lược…, chặn đứng âm mưu “bình định” của địch ở nhiều nơi, và ở những nơi khác đang tiến tới làm sụp đổ những kết quả mỏng manh mà địch mới đạt được bằng sự tàn bạo. Chính báo chí phương Tây dự đoán rằng “chỉ qua một đêm tấn công là “Việt cộng” có thể quét sạch mọi thành quả của chương trình “bình định”. Dự đoán đó được chứng thực trên nhiều chiến trường rộng lớn qua cuộc chiến đấu bền bỉ của quân và dân miền Nam anh hùng.
Từ hơn một năm nay, địch ra sức giành giật quyết liệt với ta, nhưng không sao thoát khỏi thế phòng ngự và thất bại.
Tình cảnh quân Mỹ ở miền Nam ngày càng khốn đốn. Binh lính Mỹ ở miền Nam ngày càng thấy rõ sinh mệnh mình bị đem thí trong ván cờ tuyệt vọng của Níchxơn. Hiện tượng chống lệnh, cáo ốm, từ chối nhiệm vụ, ký kiến nghị tập thể để phản đối chiến tranh, thà chịu ra tòa và đi ngồi tù còn hơn đi đánh nhau đã xuất hiện ở nhiều đơn vị và nhất định sẽ ngày càng phát triển.
Tình hình bọn ngụy càng xấu hơn. Việc tập hợp lực lượng phản động để làm ra vẻ “mở rộng cơ sở chính trị” của ngụy quyền càng phơi bầy tính chất ô hợp của chúng. Nội bộ chúng chia làm năm bè bảy mối và chỉ rình dịp để cắn xé nhau. Quân ngụy ngày càng mất tinh thần, hiện tượng đào ngũ, rã ngũ rất phổ biến(2) và hiện tượng chống lệnh, không chịu hành quân ngày càng nhiều, cả từng đơn vị tương đối lớn. Binh lính ngụy ở nhiều nơi đồng tình với quần chúng, có nơi cùng quần chúng tham gia đấu tranh hoặc quay súng bắn vào bọn sĩ quan chỉ huy ác ôn đàn áp nhân dân. Kinh tế tài chính của ngụy sa sút nghiêm trọng. Vì ngân sách thiếu hụt không gì bù đắp được, nên nạn lạm phát hoành hành và giá sinh hoạt tăng lên vùn vụt(3).
Trong khi đó phong trào đấu tranh của nhân dân ở các thành thị miền Nam dâng lên với khí thế ngày càng cao, hình thức ngày càng mạnh mẽ. Các cuộc đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ của các tầng lớp nhân dân ngày càng phát triển. Những cuộc bãi công của công nhân nổ ra liên tục, có cuộc hàng vạn người tham gia. Suốt mấy tháng nay, hàng chục vạn sinh viên và học sinh đấu tranh quyết liệt và đã tiến tới tổng bãi khóa chống ngụy quyền đàn áp sinh viên và cấu kết với bọn phản động Campuchia sát hại Việt kiều. Sau khi Liên minh Các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam ra đời, xu hướng hòa bình trung lập ngày càng phát triển trong các tầng lớp tư sản, trí thức, chống lại ngụy quyền Sài Gòn. Tất cả những cuộc đấu tranh đó đang hợp thành một dòng thác lớn, cuồn cuộn dâng lên.
Chế độ Thiệu - Kỳ - Khiêm thối nát, bất lực và mất nhân tâm đến cực độ. Chúng giẫy giụa trong một cái vòng luẩn quẩn: càng dựa vào Mỹ, càng áp bức, bóc lột nhân dân, càng độc tài để tồn tại thì càng bị chống lại, nhưng muốn tồn tại thì chúng lại càng phụ thuộc vào Mỹ, càng phát xít hóa. Cái vòng luẩn quẩn đó ngày càng thắt lại và nhất định dẫn đến sự sụp đổ không gì cứu vãn được của chúng.
Trái ngược hẳn với tình hình đen tối trong vùng địch tạm chiếm, tình hình ở vùng giải phóng thể hiện thế thắng và sức vươn lên của cuộc chiến đấu anh dũng của nhân dân miền Nam. Ở đó, chính quyền cách mạng các cấp đã được thành lập và dần dần phát triển rộng rãi và vững chắc, động viên và tổ chức nhân dân chiến đấu và sản xuất, bảo vệ vùng giải phóng và chi viện tiền tuyến. Mặc dù địch đánh phá ác liệt, vùng giải phóng ngày càng được củng cố và phát huy mọi tiềm lực để đánh thắng quân xâm lược. Cùng với nhân dân vùng giải phóng, đồng bào trong các vùng tranh chấp và vùng tạm bị địch kiểm soát luôn luôn hướng về Mặt trận Dân tộc Giải phóng và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam, hăng hái tham gia và ủng hộ kháng chiến bằng mọi hình thức, kể cả đấu tranh vũ trang.
Sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta cũng như của nhân dân Campuchia và nhân dân Lào chứng tỏ đế quốc Mỹ càng ngoan cố thì chỉ càng chuốc lấy thất bại nặng nề.
Thất bại trong “chiến tranh đặc biệt” ở miền Nam, chúng leo thang làm “chiến tranh cục bộ” ở miền Nam và chiến tranh phá hoại miền Bắc, nhưng chúng đã bị thất bại chính vào lúc chúng đưa những cuộc chiến tranh đó lên đến mức cao.
Chúng tăng cường “chiến tranh đặc biệt” ở Lào, hòng lấn chiếm vùng giải phóng và làm suy yếu lực lượng cách mạng Lào, uy hiếp miền Bắc nước ta và trợ lực cho âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam, nhưng mưu đồ của chúng đã bị đánh bại trong chiến thắng vang dội của nhân dân Lào ở Cánh đồng Chum, Xiêng Khoảng.
Bây giờ chúng mở rộng chiến tranh xâm lược sang Campuchia, nhằm một công đôi việc: kéo Campuchia vào quỹ đạo của Mỹ và cô lập cách mạng miền Nam, thực hiện “Việt Nam hóa chiến tranh” ở miền Nam, nhưng hậu quả tất yếu sẽ là sự thất bại của đế quốc Mỹ trước sức mạnh đoàn kết đấu tranh của nhân dân ba nước Đông Dương.
Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, toàn quân và toàn dân ta quyết kiên trì và đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Nhân dân miền Nam ta quyết vượt mọi hy sinh, gian khổ, vừa chiến đấu vừa xây dựng lực lượng ngày càng lớn mạnh, đánh thật trúng, thật mạnh, thật đau và cuối cùng đánh bại hoàn toàn âm mưu “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ.
Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng nhân dân Khơme anh em, đoàn kết trong Mặt trận Thống nhất Dân tộc Campuchia, chiến đấu dưới ngọn cờ cứu nước của Xămđéc Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc, sẽ phát triển cao trào đấu tranh vũ trang và nổi dậy của quần chúng hiện nay, phát huy những thắng lợi đã giành được, tiến lên đánh bại đế quốc Mỹ xâm lược, đánh đổ bọn phản động Lonnon - Xirích Matắc, khôi phục chủ quyền, độc lập và trung lập của mình.
Chúng ta tin tưởng chắc chắn rằng nhân dân Lào anh em, dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Lào Yêu nước đứng đầu là Hoàng thân Xuphanuvông, sẽ củng cố vững chắc và phát huy mạnh mẽ thắng lợi đã giành được, đánh bại cuộc “chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở Lào.
Đế quốc Mỹ nhất định thua. Sức mạnh đoàn kết chiến đấu của nhân dân ba nước Việt Nam, Campuchia và Lào nhất định sẽ giành được thắng lợi hoàn toàn.
PHẦN THỨ HAI
THẮNG LỢI TRONG CÔNG CUỘC BẢO VỆ
VÀ XÂY DỰNG MIỀN BẮC XÃ HỘI CHỦ NGHĨA
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Từ cuối năm 1964 đến cuối năm 1968, đế quốc Mỹ tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc nhằm mục đích thâm độc đánh vào quyết tâm chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta, phá việc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, ngăn chặn sự ủng hộ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn, củng cố tinh thần ngụy quân, ngụy quyền ở miền Nam Việt Nam, tạo điều kiện cho quân viễn chinh Mỹ cố xoay chuyển tình thế thất bại ở miền Nam. Chúng yên trí rằng trước những cuộc đánh phá mạnh mẽ và bất ngờ, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa không thể nào đứng nổi và chỉ trong vòng mấy tháng là phải quỵ.
Nhưng đế quốc Mỹ đã tính nhầm và đã bị thua thiệt nặng nề về mọi mặt. Cuộc chiến tranh diễn ra hoàn toàn ngược lại với ý đồ ngông cuồng của bọn cướp nước. Quân và dân miền Nam anh hùng liên tiếp đánh thắng quân Mỹ, quân ngụy và vững chắc, mạnh mẽ tiến lên đỉnh cao của Tết Mậu Thân. Quân và dân miền Bắc anh hùng liên tiếp đánh thắng chiến tranh phá hoại của Mỹ. Từ đó, vào khoảng cuối tháng 3 năm 1968, chính phủ Mỹ buộc phải hạn chế việc đánh phá miền Bắc, rồi đến cuối năm 1968 phải chấm dứt không điều kiện cuộc chiến tranh phá hoại chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Thắng lợi có ý nghĩa chiến lược trong việc bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa là thắng lợi của cuộc chiến tranh nhân dân, huy động mọi lực lượng vũ trang và toàn dân già, trẻ, gái, trai đánh giặc, kết hợp mọi loại vũ khí từ pháo cao xạ, máy bay, tên lửa đến súng bộ binh, kết hợp những cách phòng tránh hiệu quả nhất với những cách đánh mãnh liệt nhất, luôn luôn chủ động, thắng oanh liệt ngay từ trận đầu, bắt giặc Mỹ phải trả giá rất đắt về những trận đánh phá điên cuồng của chúng, vừa tiêu diệt địch vừa tự bồi dưỡng lực lượng của mình, càng đánh, càng mạnh, càng thắng lớn, cho đến thắng lợi hoàn toàn.
Để có sức mạnh đánh thắng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ và làm trọn nghĩa vụ hậu phương lớn đối với miền Nam, trong bốn năm chiến tranh, giữa khói lửa của mười vạn lần địch đánh phá và hơn một triệu tấn bom các loại, đồng bào miền Bắc đã làm nên một sự nghiệp phi thường: giữ vững và tăng cường lực lượng miền Bắc về mọi mặt. Nhiều nhà quan sát phương Tây đã đánh giá rất cao những thắng lợi và thành tựu kể trên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa, coi đó là một chuyện thần kỳ về lòng dũng cảm và tài trí của con người.
Lực lượng quốc phòng của miền Bắc lớn mạnh, các quân chủng, binh chủng trưởng thành nhanh chóng về tinh thần, tổ chức, trang bị và kỹ thuật, được tôi luyện trong chiến đấu ác liệt và chiến thắng vẻ vang. Cả ba thứ quân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích phát triển mạnh mẽ và nhịp nhàng, kết thành một trận thế chủ động trên khắp đất nước từ biên giới đến hải đảo; đó là đội ngũ hàng triệu người cầm súng dũng cảm và giàu kinh nghiệm, sẵn sàng đập tan mọi hành động của đế quốc Mỹ xâm phạm chủ quyền và an ninh của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Đồng thời với việc chiến đấu rất kiên cường, nhân dân ta đã thực hiện chủ trương chuyển hướng kinh tế, cố gắng hạn chế những thiệt hại của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, duy trì giao thông vận tải luôn luôn thông suốt, phát triển sản xuất nông nghiệp và công nghiệp hợp với thời chiến, tiếp tục cuộc cách mạng về quan hệ sản xuất, phát triển và củng cố hợp tác xã nông nghiệp ngay trong chiến tranh, cải tiến lưu thông phân phối, chú trọng quản lý chặt chẽ tiền tệ và giá cả, đáp ứng mọi yêu cầu của tiền tuyến lớn và bảo đảm những yêu cầu cơ bản của đời sống nhân dân.
Giao thông vận tải là mục tiêu đánh phá số một của địch và là công tác trung tâm đột xuất suốt 4 năm chiến tranh. Mấy vạn kilômét đường bộ, đường sắt, đường sông và đường biển nối liền các vùng của đất nước, nước ta và nước ngoài, với gần một nghìn chiếc cầu lớn nhỏ và hàng trăm đầu mối giao thông, là nơi ngày đêm diễn ra cuộc chiến đấu quyết liệt nhất giữa ta và địch. Mỗi chiếc cầu, mỗi con đường đã từng là một chiến trường nóng bỏng, một thiên anh hùng ca vĩ đại của dân tộc ta, của thanh niên ta, đã bất chấp bom đạn của địch, luôn luôn gắn liền hậu phương và tiền tuyến, giữ thông suốt mạch máu giao thông, nâng cao khối lượng hàng vận chuyển, mở rộng hệ thống các loại đường, tăng cường các lực lượng giao thông vận tải Trung ương và địa phương, phát triển gấp bội đội ngũ cán bộ và công nhân giao thông vận tải.
Trong 4 năm chiến tranh, sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hóa vẫn tiếp tục phát triển, đó là một trong những thành tựu to lớn nhất của nhân dân ta và chế độ ta.
Địch càng đánh phá điên cuồng, dân tộc ta càng quyết chiến và quyết thắng, càng đoàn kết chặt chẽ chung quanh Hồ Chủ tịch, Đảng ta và Nhà nước ta, càng gắn bó với chế độ xã hội chủ nghĩa, càng thương yêu, đùm bọc lẫn nhau, cùng nhau tổ chức ngay trong thời chiến một cuộc sống tuy khó khăn, gian khổ, nhưng lạc quan, tin tưởng, đẹp đẽ lạ thường. Địch càng đánh phá điên cuồng, dân tộc ta càng thắt chặt tình nghĩa Bắc – Nam, đồng bào miền Bắc sát cánh cùng đồng bào miền Nam chiến đấu, tiền tuyến cần gì, hậu phương luôn luôn sẵn sàng đáp ứng.
Từ đầu năm 1969 đến nay, miền Bắc xã hội chủ nghĩa ra sức khắc phục hậu quả về mọi mặt của chiến tranh phá hoại, khôi phục và bước đầu phát triển kinh tế và văn hóa, chuẩn bị giải quyết những vấn đề to lớn và phức tạp trên con đường xây dựng miền Bắc từ một nền sản xuất nhỏ tiến thẳng lên chủ nghĩa
xã hội.
Nền kinh tế quốc dân đã có chuyển biến bước đầu, tuy còn chậm, và trên một số mặt, đã đạt được những thành tích quan trọng. Tổng sản phẩm xã hội, sản lượng nông nghiệp, sản lượng công nghiệp trong năm 1969 đều cao hơn những năm có chiến tranh. Những sản phẩm chủ yếu như thóc và hoa màu, đàn lợn, sản lượng điện, than, xi măng, vải, giấy… đều bắt đầu tăng.
Nông nghiệp năm 1969 bị thiên tai liên tiếp và vụ đông - xuân 1969 – 1970 có dịch cúm ảnh hưởng đến sức khỏe hàng triệu người lao động. Tuy vậy, nhìn chung nông nghiệp đang bắt đầu có chuyển biến tốt về cây trồng, về chăn nuôi, về củng cố và tăng cường hợp tác xã nông nghiệp. Việc ổn định nghĩa vụ lương thực vừa bắt đầu thực hiện sẽ mang lại kết quả trong việc nâng cao tinh thần phấn khởi sản xuất và làm nghĩa vụ đối với Nhà nước của nông dân xã viên.
Công nghiệp nhẹ đang tích cực khôi phục và mở rộng nhiều loại hàng tiêu dùng; chúng ta đang cố gắng sản xuất trong nước thêm nhiều mặt hàng, giảm bớt tình trạng căng thẳng trong chiến tranh về một số hàng tiêu dùng thiết yếu. Công nghiệp địa phương, nhất là tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, đã bước đầu khai thác nguồn khả năng tiềm tàng to lớn trong địa phương và đã tăng sản lượng nhiều loại hàng tiêu dùng rộng rãi. Một số ngành công nghiệp nặng chủ yếu đang được tích cực khôi phục và đã có chuyển biến bước đầu trong việc cải tiến quản lý, phục vụ tốt hơn sản xuất nông nghiệp, sản xuất hàng tiêu dùng, tích cực chuẩn bị cho bước phát triển mạnh mẽ vào những năm sau.
Ngành giao thông vận tải đã phát huy truyền thống vẻ vang trong chiến tranh, tích cực khôi phục và mở rộng hệ thống cầu, đường, nâng cao năng lực vận chuyển, nhất là trên những tuyến đường trọng điểm.
Đi đôi với việc khôi phục và phát triển sản xuất, Nhà nước đã áp dụng nhiều biện pháp khuyến khích sản xuất, cải tiến một bước việc phân phối hàng hóa nhằm phục vụ tốt hơn chiến đấu, sản xuất và đời sống nhân dân.
Nhờ sản xuất có tăng và năng xuất lao động bắt đầu lên, đời sống của nhân dân nói chung bớt khó khăn và ở một số vùng nông thôn, về một vài mặt, bắt đầu có khá hơn. Trong tình hình hiện nay, cả nước phải tập trung sức đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, đời sống nhân dân tuy còn nhiều khó khăn, nhưng những nhu cầu thiết yếu vẫn được bảo đảm và có mặt tăng lên, đó là cố gắng lớn và là thành tích đáng kể của chúng ta.
Từ đầu năm 1969 đến nay, sự nghiệp giáo dục, văn hóa, y tế tiếp tục đà phát triển vốn có từ trong chiến tranh, và từng bước được củng cố về chất lượng.
Giáo dục phổ thông hiện có trên một triệu tám vạn cháu đi học các lớp mẫu giáo và vỡ lòng, trên bốn triệu rưởi học sinh phổ thông và trên một triệu người học các lớp bổ túc văn hóa tập trung và tại chức. Việc phổ cập học vỡ lòng và cấp I đã thực hiện tại các tỉnh đồng bằng và trung du. Phần đông cán bộ cơ sở và thanh niên công nông đã học hết cấp I và đang học cấp II.
Sự nghiệp đào tạo cán bộ khoa học và kỹ thuật phát triển mạnh, đến nay đã có 36 trường và phân hiệu đại học, với gần 8 vạn học sinh. Miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã có một đội ngũ cán bộ khoa học, kỹ thuật gồm gần 5 vạn người tốt nghiệp đại học, trên 16 vạn người tốt nghiệp các trường trung học chuyên nghiệp; đồng thời chúng ta có hàng chục vạn công nhân kỹ thuật; yêu cầu cấp thiết và có ý nghĩa rất quan trọng hiện nay là phân phối và sử dụng tốt hơn lực lượng quý báu đó.
Công tác nghiên cứu khoa học đã có một số cố gắng tập trung vào các mục tiêu kinh tế và đạt được một số kết quả trong việc áp dụng những thành tựu mới vào sản xuất. Công tác điều tra cơ bản được đẩy mạnh một cách có trọng điểm. Công tác quản lý kỹ thuật được tăng cường một bước. Các ngành kinh tế quốc dân đang cố gắng khôi phục và cải tiến các quy định về kỹ thuật.
Những cơ sở y tế bị đánh phá trong chiến tranh đã được khôi phục từng bước, nhiều cơ sở mới được xây dựng, chất lượng điều trị có khá hơn. Phong trào vệ sinh phòng bệnh tiếp tục mở rộng với những kết quả thiết thực.
Trật tự, an ninh của miền Bắc ngay trong chiến tranh luôn luôn vững chắc, điều đó thể hiện sáng tỏ lòng yêu nước và tinh thần cách mạng của nhân dân ta, uy tín và sức mạnh của chế độ ta. Từ đầu năm 1969, chúng ta đã và đang ra sức tăng cường hơn nữa trật tự, an ninh của miền Bắc, đồng thời kiên quyết khắc phục một số hiện tượng chưa tốt về trị an xã hội, nhất là ở các thành phố.
Trong những ngày đầu tháng 5 vừa qua, đế quốc Mỹ dùng nhiều máy bay đánh phá dã man những vùng đông dân ở hai tỉnh Quảng Bình và Nghệ An, vi phạm trắng trợn những điều chúng đã cam kết. Quân và dân hai tỉnh Quảng Bình, Nghệ An đã giáng cho chúng những đòn trừng phạt thích đáng. Hơn bao giờ hết, quân và dân toàn miền Bắc nâng cao cảnh giác, sẵn sàng quật cho bọn xâm lược những trận thật đau, nếu chúng còn xâm phạm an ninh và chủ quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.
Từ cuối năm 1968 đến nay mới chừng một năm rưỡi, trong khoảng thời gian đó, đồng thời với việc đảm nhận những nhiệm vụ to lớn trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn anh hùng, miền Bắc lại phải đương đầu với nhiều thiên tai đột xuất. Trong hoàn cảnh ấy, những việc đã làm được nhằm khắc phục hậu quả về mọi mặt của 4 năm chiến tranh phá hoại ác liệt của địch, khôi phục và bước đầu phát triển kinh tế và văn hóa, là những thành tích quan trọng mà chúng ta phải đánh giá đúng mức. Mặt khác, chúng ta nhận rõ rằng sự chuyển biến còn chậm, nhất là về sản xuất, về kinh tế, chưa kịp yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ, chưa ngang với khả năng của chúng ta và chưa phát huy được những thuận lợi rất to lớn.
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Trong tình hình mới hiện nay do sự xâm lược của đế quốc Mỹ gây ra, miền Bắc xã hội chủ nghĩa có vị trí ngày càng quan trọng đối với sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta. Miền Bắc phải ra sức phát huy những khả năng rất lớn để tăng cường lực lượng về mọi mặt, tiếp tục sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế và văn hóa, bảo đảm chi viện tốt cho tiền tuyến trong mọi tình huống, đồng thời phải luôn luôn nâng cao cảnh giác, sẵn sàng đập tan mọi hành động chiến tranh của đế quốc Mỹ đối với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Nhiệm vụ của kế hoạch nhà nước năm 1970 và trong thời gian trước mắt là:
Đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng, coi đó là phương hướng chủ yếu của kế hoạch nhà nước. Ra sức phát triển kinh tế địa phương, đồng thời khôi phục và phát triển có trọng điểm kinh tế Trung ương. Một mặt, tập trung sức phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện và vững chắc, khôi phục và phát triển sản xuất công nghiệp nhẹ và công nghiệp chế biến thực phẩm, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp; mặt khác, ra sức khôi phục và đẩy mạnh sản xuất một số ngành công nghiệp nặng quan trọng nhất, khôi phục và phát triển giao thông vận tải. Phải rất coi trọng đẩy mạnh xây dựng cơ bản, hoàn thành tốt và đúng hạn các công trình trọng điểm về sản xuất, đồng thời chăm lo làm thêm nhà ở cho công nhân và nhân dân các thành phố. Đi đôi với phát triển sản xuất và xây dựng, phải chú trọng tiếp tục hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp và thương nghiệp nhỏ, cải tiến công tác lưu thông, phân phối.
Bảo đảm đầy đủ và kịp thời yêu cầu chi viện cho tiền tuyến.
Phấn đấu cải thiện từng bước đời sống của nhân dân, trước hết là ở các thành phố và khu công nghiệp tập trung, coi trọng bồi dưỡng sức khỏe và phát huy tinh thần phấn khởi sản xuất của người lao động. Chú trọng thực hiện tốt các chính sách đối với gia đình quân nhân, thương binh, liệt sĩ.
Củng cố hậu phương vững mạnh về mọi mặt, tăng cường tiềm lực kinh tế và quốc phòng, giữ gìn trật tự an ninh thật tốt, sẵn sàng chiến đấu và chiến thắng trong mọi tình thế.
Tích cực chuẩn bị thiết thực cho việc khôi phục và phát triển kinh tế trong những năm sau về điều tra cơ bản, về phân vùng kinh tế, về việc làm quy hoạch và kế hoạch dài hạn, về phân bố sức lao động và đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật, về nghiên cứu hệ thống quản lý kinh tế, v.v..
Để hoàn thành tốt kế hoạch nhà nước năm 1970 cũng như sau này, điều cơ bản có ý nghĩa quyết định nhất là động viên lực lượng lao động sản xuất của toàn xã hội, tập trung vào sản xuất nông nghiệp và sản xuất hàng tiêu dùng, làm cơ sở cho việc phát triển công nghiệp, từng bước thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa. Cần đẩy mạnh cuộc vận động rộng lớn hiện nay nhằm huy động mọi khả năng lao động của xã hội vào mặt trận sản xuất, bao gồm nông dân, công nhân, cán bộ, viên chức, thợ thủ công, học sinh, bộ đội và các người lao động khác ở thành thị và nông thôn, bảo đảm mọi người làm việc, mọi người lao động sản xuất với năng suất lao động và hiệu suất công tác cao, từ đó mà tăng năng suất lao động xã hội và sản phẩm xã hội. Phải tăng số người lao động sản xuất ra của cải vật chất, giảm bớt đến mức thấp nhất số người không trực tiếp lao động sản xuất, giảm nhẹ biên chế của bộ máy nhà nước, sắp xếp hợp lý và sử dụng tốt lực lượng cán bộ và công nhân kỹ thuật, đưa cán bộ xuống cơ sở. Trong khu vực quốc doanh, phải chấn chỉnh và cải tiến tổ chức lao động, giữ vững và tăng cường kỷ luật lao động, bảo đảm ngày công và giờ công theo chế độ, làm đủ 8 giờ một ngày, khắc phục tình trạng đi muộn về sớm. Trong khu vực hợp tác xã, phải tổ chức và quản lý tốt lao động tập thể, động viên xã viên làm việc chuyên cần, bảo đảm thời vụ. Phải ra sức thực hiện tốt nghị quyết của Bộ Chính trị Trung ương Đảng về cuộc vận động phát huy dân chủ, tăng cường chế độ làm chủ tập thể của quần chúng xã viên ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc. Để động viên lực lượng sản xuất của toàn xã hội, một biện pháp hàng đầu là phải ban hành và thực hiện các loại chính sách nhằm khuyến khích sản xuất, khuyến khích người lao động tăng năng suất, tăng phẩm chất hàng hóa và hạ giá thành. Phải kết hợp các mặt động viên tinh thần và khuyến khích vật chất, kết hợp giáo dục tư tưởng với biện pháp hành chính, đề cao kỷ luật để khai thác hết khả năng lao động xã hội, xem đó là mấu chốt hiện nay của việc phát triển sản xuất và cải thiện đời sống.
Nhà nước dân chủ nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng phải ra sức khắc phục chỗ yếu về quản lý và tổ chức, vươn lên làm tròn chức năng cơ bản nhất của mình là quản lý tốt toàn bộ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, quản lý tốt việc phát triển nền kinh tế quốc dân. Muốn như vậy, phải vận dụng sáng tạo các quy luật kinh tế hợp với hoàn cảnh nước ta, phát huy đến mức cao nhất sức lao động và mọi nguồn của cải, kết hợp khéo léo mọi mặt hoạt động, mọi ngành, mọi cấp, để giành năng suất lao động cao nhất và hiệu quả kinh tế lớn nhất, do đó mà có thu nhập quốc dân ngày càng dồi dào, phân phối một cách thật hợp lý để tạo thành quỹ tích lũy nhằm tái sản xuất mở rộng và quỹ tiêu dùng nhằm cải thiện đời sống của nhân dân. Quản lý là tính toán, và sự tính toán chủ yếu là kế hoạch hóa nền kinh tế quốc dân, bằng các kế hoạch dài hạn và kế hoạch hàng năm. Kế hoạch nhà nước phải thể hiện đầy đủ đường lối của Đảng, bảo đảm sự cân đối tích cực và bước tiến nhịp nhàng, đúng quy luật kinh tế, của toàn bộ nền kinh tế quốc dân cũng như của mỗi ngành, mỗi địa phương, kết quả cuối cùng là không ngừng nâng cao số lượng và chất lượng sản phẩm làm ra ở cơ sở: hợp tác xã và xí nghiệp. Chỉ có trí tuệ tập thể của mọi ngành, mọi địa phương, mọi người có trách nhiệm, và nhất là trí tuệ tập thể của quần chúng ở cơ sở mới từng bước làm được những công việc to lớn và phức tạp nói trên. Nhấn mạnh điều này tức là xác nhận quyền làm chủ tập thể của quần chúng nhân dân ở các cấp, các ngành và trực tiếp ở cơ sở. Thảo luận kế hoạch và thực hiện kế hoạch phải là một quá trình phát huy dân chủ rộng rãi, tiến hành dưới sự lãnh đạo tập trung của cơ quan lãnh đạo có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước, khiến cho kế hoạch nhà nước thực sự là cương lĩnh thứ hai của Đảng, pháp lệnh của Nhà nước và ý chí của nhân dân.
Quản lý gắn liền với tổ chức. Để bảo đảm tiến hành tốt công tác quản lý, phải nghiên cứu vững chắc để giải quyết từng bước vấn đề xây dựng hệ thống tổ chức nhà nước, hệ thống tổ chức nền kinh tế quốc dân một cách hợp lý nhất, giúp quản lý có tính toán khoa học để đạt năng suất lao động cao nhất và hiệu quả kinh tế lớn nhất.
Công tác quản lý kinh tế, cũng như toàn bộ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Điều bảo đảm thành công trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, điều thể hiện cao nhất của quản lý kinh tế, là cả dân tộc ta, mỗi người Việt Nam ta, dưới sự lãnh đạo của Đảng ta, nhìn thấy rõ con đường đi, phấn khởi tiến lên, phát huy lòng dũng cảm, trí thông minh, tài sáng tạo của mình trong lao động, sản xuất để xây dựng đất nước.
Mỗi người chúng ta hãy nghi nhớ và làm theo lời Hồ Chủ tịch: “Lao động là nghĩa vụ thiêng liêng, là nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta”. “Mỗi người lao động cần có tinh thần dám nghĩ, dám làm, vươn lên hàng đầu, thành người lao động tiên tiến. Công nhân, nông dân ta và người lao động trí óc cần tin rằng chúng ra có đầy đủ sức mạnh, can đảm và thông minh để xây dựng cuộc đời mới của mình. Chỉ cần chúng ta có đầy đủ ý thức làm chủ, tinh thần tập thể, kỷ luật và ra sức học tập, nâng cao trình độ văn hóa, kỹ thuật, có tinh thần sáng tạo, tìm tòi cái mới, học tập cái mới, ủng hộ cái mới, thực hiện cái mới thì việc gì chúng ta cũng làm được”. Nhân dân ta nhất định sẽ phát huy mạnh mẽ chủ nghĩa anh hùng cách mạng trong sản xuất cũng như trong chiến đấu, và nhất định sẽ đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta với những sáng tạo độc đáo, đưa đến những thành tựu to lớn, cũng như chúng ta sẽ thắng lợi vẻ vang trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước hiện nay.
PHẦN THỨ BA
CUỘC ĐẤU TRANH TRÊN MẶT TRẬN
QUỐC TẾ VÀ NGOẠI GIAO
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ và tất thắng của dân tộc ta chống đế quốc Mỹ xâm lược dần dần bộc lộ ngày càng rõ rệt tính chất thời đại của nó, phát huy tác dụng ngày càng to lớn và sâu rộng đối với tình hình thế giới.
Để hiểu hết cuộc chiến đấu của chúng ta, phải đặt nó trong hoàn cảnh lịch sử và quốc tế ngày nay, trong thời đại suy yếu và diệt vong của chủ nghĩa đế quốc, đứng đầu là đế quốc Mỹ, thời đại phát triển không ngừng, tiến công và thắng lợi của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân các nước, thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Đó là sự thật khách quan, xu thế tất yếu có tính chất quy luật của lịch sử loài người. Sức mạnh của chúng ta, lòng tin của chúng ta một phần quan trọng bắt nguốn từ đó. Và cũng từ đó mà trong cuộc chiến đấu này, tình đoàn kết chiến đấu giữa chúng ta và nhân dân các nước trên thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ, trở thành một nhân tố thắng lợi của dân tộc ta, một sự cổ vũ đối với cuộc đấu tranh của nhân dân các nước chống chủ nghĩa đế quốc, trước hết là đế quốc Mỹ.
Đánh và thắng đế quốc Mỹ trải qua một cuộc chiến đấu lâu dài, gian khổ và quyết liệt là một cống hiến có ý nghĩa và tác dụng to lớn và sâu xa của dân tộc ta đối với nhân dân thế giới. Từ năm này qua năm nọ, từ lĩnh vực này đến lĩnh vực nọ, từ chiến trường Việt Nam đến nước Mỹ, từ nước Mỹ đến các nơi khác khắp trên thế giới, cuộc chiến đấu kiên cường của nhân dân ta dần dần làm bộc lộ rõ nét những mâu thuẫn có thể nói là bẩm sinh của đế quốc Mỹ, những nhược điểm cơ bản và sự suy yếu không thể cứu vãn nổi của nó.
Cuộc chiến tranh này đối với Mỹ tuy gọi là chiến tranh “cục bộ”, nhưng nó đã động viên một phần rất lớn toàn bộ lực lượng của Mỹ, đồng thời đã lôi kéo một số nước chư hầu của Mỹ tham gia. Nhưng chúng đã làm được cái gì? Chúng đã vấp phải một cuộc kháng chiến thần kỳ với sức mạnh kỳ diệu, bẻ gẫy mọi cố gắng điên cuồng của chúng. Hiện nay, nhân dân ta cũng như số rất đông người trên thế giới đều thấy rõ đế quốc Mỹ càng đánh càng thua, càng suy yếu, còn dân tộc ta càng đánh càng thắng, càng mạnh lên, và kết quả cuối cùng của cuộc chiến tranh nhất định là dân tộc ta sẽ chiến thắng hoàn toàn bọn xâm lược Mỹ. Vì đâu mà có thể diễn ra một quá trình kỳ lạ như vậy trong lúc đế quốc Mỹ có những tiềm lực về quân sự và kinh tế mà người ta tưởng chừng không giới hạn, còn dân tộc ta chỉ có trên 30 triệu người, trên 30 vạn cây số vuông, và miền Nam nước ta thì chỉ bằng khoảng một nửa con số ấy? Đó là vì đế quốc Mỹ tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược chống một dân tộc anh hùng, chống một nước xã hội chủ nghĩa, trong thời đại suy vong của chủ nghĩa đế quốc, thời đại thắng lợi của sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới. Chúng ta hãy so sánh những cuộc chiến tranh thuộc địa trước đây của Anh, Pháp và một số nước châu Âu khác với cuộc chiến tranh thuộc địa này của đế quốc Mỹ. Để chinh phục hầu hết thế giới lúc bấy giờ, bọn ăn cướp Anh, Pháp, v.v., đã mất bao nhiêu quân đội, tiền của, thời gian? Thật là khác nhau rất xa so với cuộc chiến tranh ăn cướp của đế quốc Mỹ ngày nay! Lúc bấy giờ có thể nói là thời hoàng kim của chủ nghĩa thực dân. Còn ngày nay là thời đại các dân tộc làm chủ vận mệnh của mình, thời đại suy yếu và diệt vong của chủ nghĩa đế quốc, kể cả đế quốc Mỹ. Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất và đặc biệt là sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, đế quốc Mỹ bước lên vũ đài quốc tế với những tham vọng điên cuồng làm bá chủ thế giới, thì cũng là lúc phe xã hội chủ nghĩa hình thành và phát triển, phong trào giải phóng dân tộc dâng lên mạnh mẽ, các đế quốc khác lần lượt bị hạ đài, tất cả những điều đó đánh dấu sự xuất hiện của thời đại mới. Cơ đồ của đế quốc Mỹ đã mau chóng suy sụp, số mệnh của nó rất ngắn ngủi! Quy luật của lịch sử cũng như quy luật của thiên nhiên, kẻ nào chống lại sẽ không tránh khỏi bị trừng phạt!
Do đế quốc Mỹ thất bại trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, nước Mỹ dần dần lâm vào một cuộc khủng hoảng ngày càng trầm trọng. Từ khi Tổng thống Níchxơn lên cầm quyền, cuộc khủng hoảng đó nhanh chóng lên đến đỉnh cao chưa từng thấy từ nhiều năm nay, và diễn ra về các mặt: chính trị, kinh tế, tài chính, xã hội, ảnh hưởng đến toàn bộ đời sống của nhân dân Mỹ. Bọn cầm quyền ở Nhà trắng và Lầu năm góc ngày càng lao vào con đường hầm không có lối thoát, đẩy hàng vạn thanh niên Mỹ đi chết oan và gây những thiệt hại không thể lường hết được đối với nhân dân Mỹ. Tổn thất của Mỹ trong cuộc chiến tranh, ở chiến trường Việt Nam, ở nước Mỹ và ở các nơi khác, qua thời gian càng dồn lại và nhân lên.
Mâu thuẫn trong nội bộ các tập đoàn thống trị Mỹ trở nên gay gắt về nhiều vấn đề đối nội, đối ngoại, đặc biệt là về vấn đề Việt Nam. Tình hình kinh tế của nước Mỹ ngày càng xấu. Nạn lạm phát tăng hơn năm 1968, trở thành lớn nhất, dài nhất kể từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai. Ngân sách khó khăn, thuế và công trái lên đến mức cao nhất trong lịch sử nước Mỹ, Níchxơn bị sức ép mạnh đòi giảm thuế, giảm chi tiêu quốc phòng và tăng chi tiêu về phúc lợi. Nguy cơ đình trệ và khủng hoảng đang đe dọa nền kinh tế Mỹ, giá trị các chứng khoán sụt rất nhanh, cán cân thương mại và cán cân thanh toán quốc tế của Mỹ trở nên xấu nhất từ một phần tư thế kỷ nay. Trong xã hội Mỹ, tình trạng phạm tội ác tăng lên, nạn nghèo đói trầm trọng thêm, những vấn đề đời sống ở đô thị càng trở lên cấp cách. Tờ tạp chí “Người quan sát mới” số ra vào trung tuần tháng 5 năm nay đã nhắc lại câu nói của một nhà báo phương Tây: “Những người chiến sĩ du kích đi dép cao su ở Việt Nam làm được một việc lạ lùng là “bẻ gẫy” nền kinh tế mạnh nhất thế giới của Mỹ”.
Mỹ không còn giữ ưu thế tuyệt đối trong phe đế quốc như trước mà đang gặp phải sự cạnh tranh ngày càng mạnh. Xu hướng độc lập và trung lập tiếp tục phát triển trong các nước đồng minh và chư hầu của Mỹ, làm suy yếu hoặc tê liệt các liên minh quân sự, chính trị của phương Tây, làm suy yếu thêm vị trí của Mỹ trên thế giới. Trong khi đó, phong trào giải phóng dân tộc và cuộc đấu tranh nhằm củng cố độc lập dân tộc phát triển không ngừng, giáng những đòn mạnh vào chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới, nhất là chủ nghĩa đế quốc Mỹ.
Trước tình cảnh thất bại và khốn quẫn đó, bọn cầm quyền ở Mỹ hiện nay phải dùng những luận điệu mới và thủ đoạn mới, nào là “học thuyết Níchxơn”, nào là “chiến lược mới vì hòa bình”, để thực hiện chiến lược toàn cầu phản cách mạng của chúng. Điều này đánh dấu sự thay đổi sâu sắc trong so sánh lực lượng trên thế giới có lợi cho cách mạng, đánh tan câu chuyện hoang đường về tiềm lực vô hạn của đế quốc Mỹ, đồng thời cũng chứng tỏ sự ngoan cố và xảo quyệt đến cùng của đế quốc Mỹ chưa chịu từ bỏ tham vọng làm bá chủ thế giới, làm sen đầm quốc tế.
Như mọi người đều biết, áp dụng “học thuyết Níchxơn” dùng người châu Á đánh người châu Á, dùng người Đông Dương đánh người Đông Dương, đi đôi với việc kéo dài chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ đã ráo riết tăng cường chiến tranh đặc biệt ở Lào, công khai xâm lược Campuchia, trắng trợn mở rộng chiến tranh ra toàn cõi Đông Dương, gây những tội ác cực kỳ nghê tởm đối với nhân dân Đông Dương, uy hiếp nghiêm trọng hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới.
Trong khi đem quân sang Campuchia, Tổng thống Mỹ Níchxơn lại bào chữa cho hành động xâm lược đó bằng luận điệu cũ rích “bảo vệ sinh mạng binh lính Mỹ” và “sớm chấm dứt chiến tranh”. Đó là những luận điệu bịp bợm, bất chấp lẽ phải, coi thường dư luận Mỹ và dư luận thế giới. Giônxơn đã từng dùng luận điệu ấy và đã thất bại. Nay Níchxơn lặp lại luận điệu ấy một cách láo xược hơn kèm theo những hành động trắng trợn hơn, như vậy nhất định sẽ thất bại nặng nề hơn.
Tại Hội nghị Pari, đoàn đại biểu của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, với sự ủng hộ hoàn toàn và mạnh mẽ của Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã nêu ra giải pháp toàn bộ 10 điểm, trong đó hai vấn đề cơ bản là: Mỹ phải rút hết và không điều kiện quân Mỹ và quân các nước ngoài thuộc phe Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, và tổng tuyển cử tự do và dân chủ ở miền Nam do Chính phủ liên hiệp lâm thời với thành phần rộng rãi đứng ra tổ chức. Giải pháp toàn bộ 10 điểm đã trở thành cương lĩnh đấu tranh của phong trào nhân dân thế giới ủng hộ Việt Nam chống Mỹ xâm lược, đòi Mỹ phải rút hết và không điều kiện quân Mỹ và các nước ngoài thuộc phe Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, để cho nhân dân miền Nam Việt Nam tự giải quyết công việc nội bộ của mình. Nhưng do hành động của chính quyền Níchxơn kéo dài và mở rộng chiến tranh xâm lược, đồng thời hạ thấp và âm mưu phá hoại Hội nghị Pari, cho nên trải qua gần 70 phiên họp, Hội nghị Pari vẫn hoàn toàn bế tắc.
Hành động xâm lược đầy tội ác và thái độ ngoan cố láo xược của đế quốc Mỹ bị nhân dân thế giới và nhân dân Mỹ cực lực lên án. Nhân dân và chính phủ các nước xã hội chủ nghĩa, các nước yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, các tổ chức quốc tế, bằng những hình thức phong phú đã tỏ rõ sự công phẫn sâu sắc và đòi Mỹ phải chấm dứt xâm lược các nước Đông Dương, rút ngay và rút hết quân Mỹ ra khỏi Đông Dương. Ngay các nước đồng minh chủ yếu của Mỹ cũng không đồng tình với cuộc phiêu lưu quân sự của chính quyền Níchxơn.
Tại nước Mỹ, hành động của chính quyền Níchxơn mở rộng chiến tranh xâm lược ở Đông Dương đã gây ra sự phản ứng mạnh mẽ của nhiều nhân vật trong Quốc hội và trong Chính phủ. Một phong trào phản đối chiến tranh chưa từng có trong lịch sử nước Mỹ, dâng lên từ bờ biển phía Đông sang bờ biển phía Tây, lôi cuốn các tầng lớp nhân dân Mỹ, từ thanh niên, sinh viên đủ các màu da, đến trí thức, công đoàn và nhiều tổ chức chính trị ở trong nước Mỹ, cả người Mỹ ở ngoài nước Mỹ cũng tham gia đông đảo. Như vậy là chỉ trong hơn một năm sau khi Níchxơn lên cầm quyền, nhân dân Mỹ đã liên tiếp mở nhiều đợt đấu tranh làm rung chuyển nước Mỹ. Đó là đợt đấu tranh đòi Níchxơn rút nhanh, rút toàn bộ quân Mỹ và định thời hạn rõ ràng cho việc rút hết quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam; đó là đợt đấu tranh biểu thị sự phẫn nộ sâu sắc của nhân dân Mỹ trước những tội ác vô cùng man rợ của Mỹ ở miền Nam Việt Nam mà điển hình là vụ Sơn Mỹ; đó là đợt đấu tranh chống việc tăng cường chiến tranh đặc biệt ở Lào; và giờ đây là đợt đấu tranh chống việc xâm lược Campuchia và ném bom, bắn phá miền Bắc Việt Nam. Những đợt đấu tranh liên tiếp đó chứng tỏ nhân dân Mỹ đã thấy rõ bộ mặt thật của Tổng thống Níchxơn và kiên quyết chống lại chiến tranh xâm lược, để bảo vệ những quyền lợi chân chính của mình.
Trong cuộc chiến đấu này, chúng ta rất phấn khởi về những biểu hiện cao đẹp, nhiệt tình của nhân dân thế giới, ở các nước xã hội chủ nghĩa anh em, ở các nước khác và ở nước Mỹ. Thời đại của chúng ta là thời đại cách mạng, thời đại đấu tranh chống đế quốc Mỹ. Sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta làm nổi bật ý nghĩa của cuộc đấu tranh đó, tính chất quyết liệt của nó và xu thế tất thắng của nó. Không thể tìm ra một ví dụ điển hình hơn cuộc đối chọi lay trời chuyển đất giữa chính sách xâm lược của đế quốc Mỹ và cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc của nhân dân ta. Ở đây, kẻ thù bộc lộ hết bộ mặt gian ác của nó, bản chất phản động của nó, tất cả những âm mưu đen tối và xấu xa của nó, đồng thời nhân dân ta đã phát huy những tư tưởng và tình cảm, những giá trị cao quý nhất của mình. Không thể tìm ra một ví dụ chứng minh hùng hồn hơn chân lý của thời đại: con người và tập thể con người kết thành dân tộc, chiến đấu kiên cường theo một đường lối đúng đắn, nhất định chiến thắng đội quân ăn cướp ghê gớm nhất của lịch sử. Cuộc chiến tranh này dần dần làm cho nhân dân thế giới nhìn thấy nguy cơ của đế quốc Mỹ đối với đời sống của mọi dân tộc. Nhân dân mỗi nước liên hệ với lợi ích gần xa của bản thân mình, do đó càng nhìn rõ những nguy cơ của đế quốc Mỹ đối với mình và càng thấy phải trực tiếp đấu tranh chống lại chúng. Sự ủng hộ quốc tế đối với nhân dân Việt Nam, nhân dân Campuchia và nhân dân Lào dần dần trở thành cuộc đấu tranh tại chỗ chống đế quốc Mỹ.
Ở tất cả các nước trên khắp năm châu và chính tại nước Mỹ, những người hoạt động chính trị, xã hội, luật pháp, tôn giáo, văn hóa, nghệ thuật, khoa học, kỹ thuật cảm thấy ngày càng thiết thân rằng cuộc chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Việt Nam và ở Đông Dương trực tiếp đe dọa mọi cái gì mà các dân tộc, mà tất cả mọi người đều yêu chuộng, trực tiếp xúc phạm một cách không thể dung thứ đến quyền lợi, đến đời sống của mọi dân tộc, của mỗi người. Từ đó những tầng lớp người rất khác nhau ngày càng tích cực thống nhất hành động, hình thành một mặt trận rộng rãi và lớn mạnh chưa từng thấy của nhân dân thế giới ủng hộ nhân dân Việt Nam, nhân dân Campuchia và nhân dân Lào chống đế quốc Mỹ xâm lược. Thất bại của cuộc chiến tranh thuộc địa tàn bạo nhất lịch sử do bọn trùm đế quốc tiến hành dẫn đến kết quả là cả loài người đứng lên chống Mỹ, và nhất định sẽ thắng chúng, đó chính là ý nghĩa và tác dụng quốc tế của cuộc chiến đấu và chiến thắng của dân tộc ta.
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội.
Sức mạnh từ ngàn xưa của dân tộc ta được phát huy đến độ cao để đánh thắng hoàn toàn bọn xâm lược Mỹ gắn liền khăng khít với sức mạnh của thời đại thể hiện trong tình đoàn kết chiến đấu của nhân dân ta với nhân dân hai nước láng giềng anh em, trong sự ủng hộ và giúp đỡ rất to lớn của phe xã hội chủ nghĩa, sự đồng tình và ủng hộ có hiệu lực của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của nhân dân các nước Á, Phi, Mỹ latinh, của mọi lực lượng hòa bình và dân chủ trên thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ. Dân tộc ta luôn luôn ghi nhớ và biết ơn sự ủng hộ quốc tế cao cả đó.
Tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân Việt Nam, nhân dân Campuchia và nhân dân Lào đã hiểu hiện rực rỡ trong Hội nghị cấp cao của nhân dân Đông Dương vừa qua. Bản Tuyên bố chung của Hội nghị thể hiện ý chí của nhân dân ba nước Đông Dương tăng cường đoàn kết, quyết tâm chiến đấu, đánh bại hoàn toàn kẻ thù chung là đế quốc Mỹ và tay sai, bảo vệ quyền dân tộc cơ bản của nhân dân ba nước. Bản Tuyên bố chung là bản hiến chương kiểu mẫu về quan hệ giữa nhân dân các nước láng giềng với nhau, đánh dấu một giai đoạn phát triển mới rất quan trọng của tình hữu nghị lâu đời giữa nhân dân ba nước Đông Dương. Đó là tình đoàn kết chiến đấu tôi luyện trong khói lửa của ba dân tộc anh em, kề vai sát cánh bên nhau, tiến hành cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ nhưng tất thắng chống lại kẻ thù nguy hiểm nhất của nhân dân Đông Dương và của cả loài người, là đế quốc Mỹ. Tình đoàn kết chiến đấu ấy là nhân tố vững chắc của thắng lợi hoàn toàn trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, là nền móng không gì lay chuyển được của sự hợp tác anh em lâu dài giữa ba nước Đông Dương.
Thực tế diễn biến của tình hình hơn một tháng qua: thất bại và khó khăn của đế quốc Mỹ xâm lược trên chiến trường và trong nước Mỹ, những thắng lợi to lớn mà quân và dân ba nước Việt Nam, Campuchia, Lào vừa giành được, sự ủng hộ quốc tế rộng rãi và mạnh mẽ đối với bản Tuyên bố chung chứng minh hùng hồn sự đúng đắn của những quyết định được nhất trí thông qua trong Hội nghị và sức mạnh to lớn của những quyết định đó.
Nhân dân Việt Nam kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Khơme anh em đang dùng hình thức vũ trang và các hình thức khác đấu tranh đánh bại sự xâm lược của đế quốc Mỹ, đánh đổ tập đoàn Lonnon - Xirích Matắc; hoàn toàn ủng hộ Tuyên cáo 5 điểm ngày 23 tháng 3 năm 1970 của Xămđéc Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc và Cương lĩnh chính trị của Mặt trận Thống nhất Dân tộc Campuchia; công nhận chính phủ Vương quốc Đoàn kết Dân tộc Campuchia do Xămđéc Pennút làm Thủ tướng dưới sự lãnh đạo của Xămđéc Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc là chính phủ hợp pháp và chân chính duy nhất của Campuchia; cực lực lên án và nghiêm khắc cảnh cáo tập đoàn phát xít và phân biệt chủng tộc Lonnon - Xirích Matắc về những hành động tàn sát hàng loạt thường dân Campuchia, kiều dân Việt Nam và kiều dân Trung Quốc. Nhân dân Việt Nam cực lực tố cáo và lên án bọn phản động châu Á lợi dụng danh nghĩa của Liên hiệp quốc, lợi dụng danh nghĩa của bất cứ tổ chức hoặc hội nghị quốc tế nào khác để tăng cường can thiệp và xâm lược Campuchia, kiên quyết đòi Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược, rút ngay và rút hết quân Mỹ và quân của ngụy quyền Sài Gòn ra khỏi Campuchia.
Cuộc đi thăm hữu nghị hiện nay của Xămđéc Quốc trưởng Nôrôđôm Xihanúc và các vị khách Khơme trên đất nước ta, dạt dào những tình cảm chân thành và sâu sắc gắn bó nhân dân hai nước, đánh dấu một bước tiến mới trong quan hệ đoàn kết chiến đấu và hữu nghị anh em giữa Việt Nam và Campuchia, cổ vũ mạnh mẽ nhân dân hai nước tiến lên giành thắng lợi to lớn hơn nữa, cho đến thắng lợi hoàn toàn trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước.
Nhân dân Việt Nam kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Lào anh em dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Lào Yêu nước, đứng đầu là Hoàng thân Xuphanuvông, chống đế quốc Mỹ và tay sai; hoàn toàn ủng hộ bản Tuyên bố 5 điểm ngày 6 tháng 3 năm 1970 của Mặt trận Lào Yêu nước; kiên quyết đòi Mỹ phải chấm dứt chiến tranh xâm lược Lào, phải rút hết và không điều kiện quân đội, nhân viên quân sự, phương tiện chiến tranh của Mỹ, lính đánh thuê Thái Lan và Nam Việt Nam ra khỏi Lào; trước hết phải chấm dứt hoàn toàn việc ném bom lãnh thổ Lào mà không được đặt điều kiện gì để tạo điều kiện cho các bên hữu quan Lào gặp nhau, cùng nhau giải quyết các vấn đề có liên quan trên cơ sở Hiệp định Giơnevơ năm 1962 về Lào.
Nhân dân Việt Nam trước sau như một mãi mãi tôn trọng những điều cam kết thiêng liêng ghi trong bản Tuyên bố chung của Hội nghị cấp cao của nhân dân Đông Dương, tôn trọng độc lập, hòa bình, trung lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Campuchia trong đường biên giới hiện tại, tôn trọng mọi quyền dân tộc và chế độ chính trị của nhân dân Khơme cũng như của nhân dân Lào.
Với nhận thức rằng phe xã hội chủ nghĩa là thành quả thiêng liêng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động toàn thế giới, là thành trì của cách mạng và thành trì của hòa bình, nhân dân Việt Nam và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn luôn làm hết sức mình để góp phần tăng cường tình đoàn kết hữu nghị giữa các nước anh em, củng cố và phát triển lực lượng của từng nước và của toàn phe xã hội chủ nghĩa. Chúng ta nhiệt liệt chúc mừng những thành tựu rực rỡ về mọi mặt của Liên Xô, của Trung Quốc và của các nước anh em khác trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản, góp phần to lớn vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới và giữ gìn hòa bình thế giới. Chúng ta vui mừng về việc Liên Xô và Trung Quốc đang tiến hành đàm phán tại Bắc Kinh về vấn đề biên giới giữa hai nước, và nhiệt liệt kính chúc cuộc đàm phán thu được kết quả tốt, vì lợi ích của nhân dân Liên Xô, nhân dân Trung Quốc, vì lợi ích của cả phe xã hội chủ nghĩa và của sự nghiệp cách mạng trên thế giới. Thực hiện Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch, chúng ta luôn luôn hết lòng hết sức góp phần vào việc khôi phục và củng cố sự đoàn kết của phe xã hội chủ nghĩa và của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, có lý có tình.
Chúng ta kiên quyết ủng nhân dân Trung Quốc đấu tranh để thu hồi Đài Loan, lãnh thổ không thể chia cắt của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; ủng hộ nhân dân Triều Tiên đấu tranh chống Mỹ xâm lược để giải phóng Nam Triều Tiên, thực hiện thống nhất nước Triều Tiên; ủng hộ nhân dân Cuba đấu tranh kiên cường và chiến thắng oanh liệt chống đế quốc Mỹ xâm phạm an ninh và chủ quyền của nước Cộng hòa Cuba; ủng hộ nhân dân nước Cộng hòa Dân chủ Đức đấu tranh đòi chính phủ Tây Đức phải công nhận nước Cộng hòa Dân chủ Đức về mặt pháp lý quốc tế, công nhận chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa Dân chủ Đức, thừa nhận tính bất khả xâm phạm của các đường biên giới ở châu Âu, kể cả đường biên giới giữa hai nhà nước Đức và đường biên giới Ôđe-Nâyxơ; chúng ta kiên quyết ủng hộ nhân dân Á, Phi, Mỹ latinh đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân cũ và mới, giành độc lập, tự do; ủng hộ nhân dân Palétxtin và nhân dân các nước Ảrập đấu tranh chống bọn xâm lược Ítxraen, tay sai của đế quốc Mỹ nhằm giành các quyền dân tộc cơ bản; ủng hộ nhân dân Mỹ đấu tranh chống chiến tranh xâm lược, chống phân biệt chủng tộc, vì hòa bình và lợi ích chính đáng của nhân dân Mỹ. Chúng ta kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh lâu dài, gian khổ nhưng tất thắng của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Tháng 9 năm nay, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước dân chủ nhân dân của chúng ta, tròn 25 tuổi. Một phần tư thế kỷ vừa qua, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã không ngừng lớn mạnh và phát huy tác dụng rất to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân cả nước ta. Miền Bắc xã hội chủ nghĩa được xây dựng bằng công sức của đồng bào miền Bắc, được bảo vệ bằng sức chiến đấu của cả dân tộc ta và đặc biệt là của đồng bào miền Nam trong suốt 16 năm qua, là căn cứ địa vững chắc của cách mạng cả nước, là hậu phương lớn của miền Nam, gắn liền cuộc kháng chiến của nhân dân ta với phe xã hội chủ nghĩa và cả loài người tiến bộ.
Trong tình hình hiện nay của cuộc kháng chiến của nhân dân ta và của nhân dân Đông Dương chống Mỹ xâm lược, nhiệm vụ của miền Bắc làm căn cứ địa và hậu phương lớn càng nặng nề hơn bao giờ hết. Chúng ta càng phải đem hết ý chí cách mạng kiên cường, tinh thần lao động sản xuất cần cù, sáng tạo để xây dựng và tăng cường miền Bắc xã hội chủ nghĩa về mọi mặt, vì lợi ích cơ bản của nhân dân miền Bắc, vì sự nghiệp thiêng liêng giải phóng miền Nam và tiến tới hòa bình thống nhất Tổ quốc, vì nghĩa vụ quốc tế của chúng ta đối với nhân dân hai nước láng giềng ở Đông Dương và đối với nhân dân thế giới.
Tình hình mới đang làm nảy sinh và phát triển những thuận lợi, những khả năng to lớn. Ta đang trên thế thắng, đế quốc Mỹ đang ở thế thua. Hơn bao giờ hết, nhân dân ta nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, quyết vượt mọi khó khăn, gian khổ, sát cánh cùng nhân dân Campuchia và nhân dân Lào kiên trì và đẩy mạnh kháng chiến, kiên trì cuộc đấu tranh trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị và ngoại giao, dựa vào sức đoàn kết chiến đấu của nhân dân ta là chính, đồng thời ra sức tranh thủ sự ủng hộ và giúp đỡ quốc tế ngày càng mạnh mẽ và có hiệu lực. Nhất định, nhân dân ta sẽ thực hiện Di chúc thiêng liêng của Hồ Chủ tịch: “Cuộc kháng chiến chống Mỹ có thể còn kéo dài. Đồng bào ta có thể phải hy sinh nhiều của, nhiều người. Dù sao, chúng ta phải quyết tâm đánh giặc Mỹ đến thắng lợi hoàn toàn… đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ xum họp một nhà”.
(3). Năm 1968, ngân sách ngụy quyền Sài Gòn hụt 48 tỷ đồng miền Nam. Năm 1969, dự tính hụt từ 80 đến 100 tỷ. Trong 2 năm 1968 và 1969, giá sinh hoạt mỗi năm tăng từ 50 đến 60%.