DIỄN VĂN
CỦA CHỦ TỊCH UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
TRƯỜNG CHINH TRONG PHIÊN HỌP TRUY ĐIỆU HỒ CHỦ TỊCH
TẠI KỲ HỌP THỨ 5, QUỐC HỘI KHOÁ III, NGÀY 25-9-1969
Thưa Đoàn Chủ tịch,
Thưa các đồng chí đại biểu,
Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ thiên tài của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, của toàn thể dân tộc Việt Nam, người thầy kính mến của cách mạng Việt Nam, đã qua đời! Vị anh hùng dân tộc vĩ đại của nước ta đã qua đời! Sự kiện đó làm cho chúng ta vô cùng đau xót!
Hồ Chủ tịch là một nhà mácxít lỗi lạc đã vận dụng một cách độc lập, tự chủ và có sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, để định ra đường lối đúng đắn đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Đó là đường lối cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến lên cách mạng xã hội chủ nghĩa ở một nước vốn là thuộc địa và nửa phong kiến, một nước nông nghiệp lạc hậu, không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa.
Hồ Chủ tịch là người sáng lập ra Đảng cách mạng của giai cấp công nhân, Đảng mácxít lêninít ở Việt Nam. Người sáng lập ra Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam, sáng lập ra các lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở nước ta và ở Đông Nam Á. Người đã tạo ra những nhân tố cơ bản bảo đảm thắng lợi hoàn toàn cho cách mạng Việt Nam.
Hồ Chủ tịch luôn luôn chăm lo rèn luyện cán bộ, đảng viên, rèn luyện đoàn viên thanh niên lao động thành những chiến sĩ cộng sản chân chính; giáo dục nhân dân ta thành những người yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội; bồi dưỡng thế hệ trẻ nước ta thành lớp người kế tục xuất sắc sự nghiệp cách mạng của Đảng, của nhân dân, của dân tộc ta.
Hồ Chủ tịch đã lãnh đạo hai cuộc cách mạng ở nước ta: cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, lãnh đạo hai cuộc kháng chiến lâu dài của nhân dân ta chống bọn xâm lược; kháng chiến chống thực dân Pháp trước đây và kháng chiến chống đế quốc Mỹ ngày nay.
Hồ Chủ tịch và Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta làm Cách mạng tháng Tám, lật đổ ách thống trị của đế quốc Nhật và ngụy quyền thân Nhật, giành chính quyền về tay nhân dân và tiếp đó kháng chiến chống ngoại xâm để giữ vững và củng cố chính quyền dân chủ nhân dân, củng cố Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, làm cho cách mạng nước ta không ngừng phát triển và góp phần đẩy mạnh phong trào cách mạng trên thế giới.
Lãnh đạo Cách mạng tháng Tám thắng lợi, Hồ Chủ tịch đã chứng tỏ rằng: ở thời đại chúng ta, một cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân do giai cấp công nhân lãnh đạo hoàn toàn có khả năng thắng lợi ở một nước thuộc địa bị bọn đế quốc và phong kiến bao vây tứ phía; cuộc cách mạng đó mật thiết quan hệ với cách mạng xã hội chủ nghĩa ở chính quốc, nhưng không lệ thuộc vào cách mạng ở chính quốc; trái lại, nó có thể giành được thắng lợi ở nước thuộc địa trước khi giai cấp công nhân chính quốc lên nắm chính quyền.
Lãnh đạo cách mạng xã hội chủ nghĩa thắng lợi ở miền Bắc Việt Nam, Hồ Chủ tịch đã chứng tỏ rằng: ở thời đại chúng ta, một nước nông nghiệp lạc hậu hoàn toàn có thể tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội, không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa; cách mạng xã hội chủ nghĩa và sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước đó hoàn toàn có khả năng thắng lợi, nếu được lãnh đạo theo một đường lối đúng đắn và được các nước xã hội chủ nghĩa anh em hết lòng giúp đỡ.
Hồ Chủ tịch và Đảng đã lập nên chính quyền dân chủ nhân dân đầu tiên ở nước ta. Suốt mấy nghìn năm lịch sử, những chế độ xã hội, những chính quyền nhà nước, những triều đại tiếp tục thay thế nhau, cho đến khi thực dân Pháp xâm lược Việt Nam, thiết lập chế độ thuộc địa. Trong thời gian ấy, giai cấp thống trị ở nước ta chỉ là một số ít người bóc lột, còn nhân dân lao động chiếm số đông thì hết đời này qua đời khác chỉ làm tôi đòi cho bọn bóc lột ăn bám mà thôi. Cách mạng tháng Tám đánh dấu một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Vì từ đó - và cũng chỉ từ đó - chính quyền Nhà nước mới thật sự về tay nhân dân ta.
Với Cách mạng tháng Tám thắng lợi và kháng chiến chống Pháp thành công, Hồ Chủ tịch đã cống hiến một phần công lao đối với cách mạng thế giới, tức là lãnh đạo nhân dân ta chọc thủng hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc ở một khâu yếu nhất của nó, góp phần mở ra giai đoạn tan rã của hệ thống thuộc địa, trong điều kiện Cách mạng tháng Mười đã thắng lợi và hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới đang hình thành.
Lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ, Hồ Chủ tịch đã lãnh đạo cuộc đấu tranh anh hùng của nhân dân ta nhằm giải phóng miền Nam, bảo vệ miền Bắc, tiến tới hòa bình thống nhất nước nhà, bảo vệ tiền đồn của phe xã hội chủ nghĩa ở Đông Nam Á. Bằng những thắng lợi to lớn trong cuộc kháng chiến vô cùng gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang ấy, Hồ Chủ tịch đã chứng tỏ rằng: một dân tộc dù nhỏ, nhưng đoàn kết chặt chẽ, kiên quyết chiến đấu để tự giải phóng theo một đường lối cách mạng đúng đắn, lại được các nước xã hội chủ nghĩa và nhân dân thế giới đồng tình, ủng hộ và giúp đỡ, thì nhất định sẽ chiến thắng được quân xâm lược, dù chúng là bọn đế quốc đầu sỏ đi nữa!
Công lao và sự nghiệp của Hồ Chủ tịch đã góp phần quan trọng quyết định thắng lợi của cách mạng nước ta và đã vượt ra ngoài phạm vi một nước. Vì vậy, việc Người qua đời đã gây xúc động mạnh chẳng những trong toàn thể đồng bào ta, mà cả trong nhân dân các nước. Một bầu không khí đau thương đã bao phủ nước ta (bao gồm cả vùng tạm bị địch kiểm soát ở miền Nam) và khắp thế giới. Lễ tang Hồ Chủ tịch là một dịp biểu dương lực lượng ở trong nước và ngoài nước mà kẻ thù phải hoảng sợ. Nhân dân ta vô cùng thương tiếc Người và tỏ rõ quyết tâm thực hiện ý chí của Người. Nhân dân cách mạng trên thế giới, bằng nhiều hình thức, cũng chia sẻ nỗi đau buồn, thương tiếc của nhân dân ta.
Hồ Chủ tịch là một nhà lãnh đạo xuất sắc và một chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, của phong trào giải phóng dân tộc trong thế kỷ XX này. Người đã phấn đấu không mệt mỏi để góp phần tăng cường đoàn kết quốc tế; đoàn kết phe xã hội chủ nghĩa và đoàn kết phong trào cộng sản quốc tế trên cơ sở chủ nghĩa Mác - Lênin và chủ nghĩa quốc tế vô sản, đoàn kết các dân tộc thuộc địa và nửa thuộc địa chống chủ nghĩa đế quốc, đoàn kết các dân tộc thuộc địa với giai cấp công nhân và nhân dân lao động các nước đế quốc chủ nghĩa, đoàn kết nhân dân thế giới để đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.
Hồ Chủ tịch lớn lên và hoạt động cách mạng trong khi chủ nghĩa đế quốc đã bành trướng ra khắp năm châu, nhưng Cách mạng xã hội chủ nghĩa tháng Mười thắng lợi đã mở ra một thời đại mới trong lịch sử loài người: thời đại quá độ từ chủ nghĩa tư bản lên chủ nghĩa xã hội trên phạm vi toàn thế giới. Là một công nhân, lại là một người dân mất nước, Người đã sớm nhận rõ: muốn giải phóng cho giai cấp công nhân khỏi mọi áp bức, bóc lột, phải giải phóng cho dân tộc khỏi ách thực dân và sự nghiệp giải phóng dân tộc khỏi ách thực dân không thể tách rời sự nghiệp giải phóng loài người khỏi ách đế quốc chủ nghĩa. Cho nên Người đã nói: "Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc, không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản".(1)
Sự nghiệp cách mạng của Hồ Chủ tịch kết hợp ba mặt đấu tranh giải phóng giai cấp công nhân, giải phóng dân tộc và giải phóng loài người khỏi mọi xiềng xích của chủ nghĩa đế quốc.
Ở Người, chủ nghĩa yêu nước đã kết hợp chặt chẽ với chủ nghĩa quốc tế vô sản. Bằng hoạt động cách mạng không mệt mỏi, Người đã chứng rỏ rằng: một nhà yêu nước chân chính thì đồng thời phải là một người quốc tế chủ nghĩa chân chính.
Lúc 15 tuổi, Hồ Chủ tịch đã làm liên lạc cho những nhà cách mạng trong phong trào yêu nước hồi đó và "đã có chí đuổi thực dân Pháp, giải phóng đồng bào"(2). Từ thời niên thiếu đến lúc qua đời, không lúc nào Người không lo cứu dân, cứu nước. Suốt đời Người hy sinh, tận tụy phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, luôn luôn với tinh thần cương nghị, bền bỉ, quên mình.
Hồ Chủ tịch chính là người "lo trước cái lo của thiên hạ, vui sau cái vui của thiên hạ", "phú quý không thể quyến rũ, nghèo khổ không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục". Đời Hồ Chủ tịch đầy chông gai, sóng gió. Nhưng Người luôn luôn lạc quan, bình tĩnh vượt mọi gian khổ, chịu mọi hy sinh, thắng không kiêu, bại không nản, luôn luôn tin ở quần chúng, tin ở thắng lợi cuối cùng của cách mạng.
Đức độ đặc biệt cao quý của Người là khiêm tốn, giản dị, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư.
Người gần gũi nhân dân, ra sức học hỏi kinh nghiệm của quần chúng để lãnh đạo quần chúng, luôn luôn quan tâm đến lợi ích của quần chúng; ân cần, tha thiết đối với nhân dân lao động, lao động chân tay và lao động trí óc, đối với các cụ già, các cháu thanh niên và nhi đồng, các dân tộc ít người, các gia đình bộ đội, v.v.. Người rất quan tâm đến quyền lợi của các chị em phụ nữ.
Hồ Chủ tịch kết hợp tài tình những truyền thống tốt đẹp nhất của dân tộc Việt Nam với tư tưởng cách mạng triệt để của thời đại ta, tư tưởng của chủ nghĩa Mác - Lênin.
Hồ Chủ tịch là một lãnh tụ cách mạng bao gồm được các đức tính: thấm nhuần lý luận cách mạng, nhìn xa thấy rộng, có tài tổ chức và vận động quần chúng luôn luôn nêu gương sáng về đạo đức cách mạng. Người chẳng những là một đồng chí kiên cường, sáng suốt, trung thực và đầy tình thân ái, mà còn là một người cha, người bác độ lượng và hiền từ. Người là bậc đại trí, đại nhân, đại dũng.
Chúng ta vô cùng tự hào về Hồ Chủ tịch, vô cùng vinh hạnh được Người dìu dắt và chiến đấu dưới lá cờ bách chiến bách thắng của Người.
Ngày nay, vị lãnh tụ vĩ đại, người đồng chí vĩ đại của chúng ta, người thầy và người cha vô cùng kính yêu của chúng ta không còn nữa! Chúng ta vô cùng thương tiếc và nhớ ơn Người!
Thương tiếc và nhớ ơn Hồ Chủ tịch một cách xứng đáng nhất là toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta, Quốc hội ta tăng cường đoàn kết, quyết tâm vượt mọi khó khăn, vững bước tiến lên theo đường lối cách mạng của Người, tiếp tục sự nghiệp vĩ đại của Người một cách thắng lợi.
Thưa các đồng chí đại biểu,
Chúng ta đang họp Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước. Tăng cường và củng cố chính quyền nhà nước là một vấn đề mà Hồ Chủ tịch rất quan tâm.
Đã giành được chính quyền về tay nhân dân thì cần phải ra sức phấn đấu để tăng cường và củng cố chính quyền; phải thực hiện dân chủ và chuyên chính; dân chủ với nhân dân và chuyên chính với kẻ thù của nhân dân, kẻ thù của cách mạng.
Muốn tăng cường và củng cố nền chuyên chính dân chủ nhân dân, để bảo vệ và phát triển những thành quả của cách mạng, đưa cách mạng nước ta không ngừng tiến lên, chúng ta phải củng cố những cơ sở của chính quyền và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng tiên phong đối với chính quyền.
Cơ sở chủ yếu của chính quyền nhân dân là khối liên minh công nông. Công nông chiếm tuyệt đại đa số trong nhân dân. Công nông là những tầng lớp sống cực khổ nhất dưới chế độ cũ, cho nên đồng bào công nông hăng hái cách mạng nhất và được cách mạng mang lại cho nhiều quyền lợi nhất. Họ tha thiết đối với chính quyền cách mạng mà họ đã hy sinh, phấn đấu để xây dựng nên. Vì vậy, chính quyền dựa trên khối liên minh công nông tức là dựa trên cơ sở vững chắc nhất.
Cơ sở của chính quyền nhân dân còn là Mặt trận Dân tộc thống nhất, hoặc nói một cách khác là khối đoàn kết toàn dân, đoàn kết các tầng lớp nhân dân, đoàn kết các tôn giáo, các dân tộc đa số và thiểu số cùng sống chung trên lãnh thổ nước ta, chống kẻ thù chung của dân tộc là chủ nghĩa đế quốc và bè lũ tay sai của chúng. Cách mạng đã giải phóng cho nhân dân, cho các dân tộc khỏi ách đế quốc và phong kiến, khỏi chế độ người bóc lột người, vì vậy nhân dân ta, các dân tộc nước ta tha thiết với chính quyền nhân dân, kiên quyết ủng hộ chính quyền đó. Tất cả những chủ trương, chính sách của chính quyền muốn được thi hành phải được phổ biến trong các đảng phái chính trị, các đoàn thể nhân dân của Mặt trận, làm cho họ tự giác tự nguyện thi hành. Vì thế, chính quyền nhân dân của ta phải dựa vào Mặt trận Dân tộc thống nhất.
Một trong những cơ sở vững chắc của chính quyền nhân dân là các lực lượng vũ trang nhân dân: bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích và dân quân tự vệ, công an nhân dân. Các lực lượng vũ trang nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ những thành quả của cách mạng, bảo vệ chính quyền nhân dân, chống mọi kẻ thù bên trong và bên ngoài. Muốn tăng cường và củng cố chính quyền nhân dân, Đảng và Nhà nước ta phải hết sức chăm lo xây dựng và phát triển các lực lượng vũ trang nhân dân, không ngừng nâng cao trình độ chính trị và quân sự, nâng cao ý thức kỷ luật tự giác, trình độ chiến thuật, kỹ thuật và nghiệp vụ của các lực lượng vũ trang nhân dân. Đặc biệt là phải tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với các lực lượng đó. Phải rèn luyện cho quân đội ta, các lực lượng vũ trang nhân dân của ta luôn luôn trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng"(3) như Hồ Chủ tịch đã dạy.
Một cơ sở nữa của chính quyền nhân dân ta là nền kinh tế quốc dân. Kinh tế có phát triển thì nước mới giàu, dân mới mạnh. Dân no thì chính quyền vững. Chính quyền của ta phải chăm lo cho nhân dân ta về các mặt ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, vệ sinh… Trong Lời di chúc, Hồ Chủ tịch chỉ thị: "… cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân". Chúng ta phải ra sức động viên và tổ chức nhân dân thi đua xây dựng và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa. Kinh tế của ta là kinh tế xã hội chủ nghĩa, cho nên một mặt chúng ta phải đẩy mạnh việc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, củng cố và phát triển kinh tế quốc doanh và kinh tế hợp tác xã; mặt khác, phải tiếp tục hoàn thành công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa, không ngừng phát triển và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, chống lại mọi sự xâm lấn của kinh tế cá thể, kiên quyết không để cho những hình thức bóc lột trá hình hoặc không trá hình phát sinh trở lại. Việc tăng cường quản lý kinh tế là vô cùng cấp bách.
Trong khi củng cố những cơ sở của chính quyền trên đây, chúng ta cần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với cơ quan chính quyền các cấp, vì đó chính là một việc quan trọng bậc nhất, bảo đảm cho chính quyền nhân dân của ta được vững mạnh Đảng lãnh đạo chính quyền bằng cách đề nghị, thuyết phục, chứ không phải bằng mệnh lệnh. Cần phải khắc phục tình trạng bao biện, làm thay của các cấp ủy đảng đối với chính quyền, cũng như phải đề phòng cơ quan chính quyền đi trệch chủ trương, chính sách của Đảng.
Các đồng chí đại biểu thân mến,
Chúng ta có nhiệm vụ tăng cường và củng cố Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, củng cố chính quyền dân chủ nhân dân do Hồ Chủ tịch và Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân chiến đấu gian khổ mà lập nên.
Các đồng chí đại biểu Quốc hội chúng ta thiết thực góp phần vào công việc đó cũng chính là thiết thực cùng toàn dân củng cố miền Bắc để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, hết lòng hết sức cùng đồng bào miền Nam kiên trì kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhằm giải phóng miền Nam, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, để thỏa lòng mong ước của Hồ Chủ tịch. Chúng ta phải thực hiện cho bằng được ý chí của Người: "Dù khó khăn gian khổ đến mấy, nhân dân ta nhất định sẽ hoàn toàn thắng lợi. Đế quốc Mỹ nhất định phải cút khỏi nước ta. Tổ quốc ta nhất định sẽ thống nhất. Đồng bào Nam Bắc nhất định sẽ sum họp một nhà"(4).
Chính quyền nhân dân của chúng ta được tăng cường và củng cố thì Nhà nước ta càng có thêm khả năng động viên lực lượng toàn dân để một mặt ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội; mặt khác, đáp ứng mọi yêu cầu của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, làm tròn nghĩa vụ của hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn miền Nam.
Chúng ta cần ra sức học tập tư tưởng, đạo đức và tác phong của Hồ Chủ tịch, học tập những tác phẩm và Lời di chúc thiêng liêng của Người.
Chúng ta hãy phấn đấu để trau đồi phẩm chất và đạo đức cách mạng, tự rèn luyện để không ngừng nâng cao trình độ chính trị và nghiệp vụ, thực hiện đúng lời dạy của Hồ Chủ tịch: "Luôn luôn cố gắng để xứng đáng là những người đầy tớ trung thành của đồng bào, những đại biểu cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội"(5).
Chúng ta hãy luôn luôn đi sát quần chúng để tìm hiểu yêu cầu và nguyện vọng của nhân dân, quan tâm đến đời sống của đồng bào và kịp thời đề đạt với chính quyền những kiến nghị xác đáng, nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho quần chúng và động viên quần chúng phấn khởi thi đua yêu nước trong sản xuất cũng như trong chiến đấu.
Chúng ta hãy tích cực đóng góp vào sinh hoạt của Quốc hội và, trong phạm vi có thể, vào sinh hoạt của Hội đồng nhân dân các cấp, khiến cho các cơ quan dân cử làm đúng chức năng và nhiệm vụ của mình, do đó mà góp phần phát huy quyền dân chủ thật sự của nhân dân.
Các đồng chí đại biểu thân mến,
Công đức của Hồ Chủ tịch như trời, như biển. Hồ Chủ tịch qua đời là một tổn thất rất lớn cho dân tộc ta, cho Tổ quốc ta. Chúng ta đau thương vô hạn! Nhưng chúng ta phải nén đau thương, tay cầm tay, xiết chặt hàng ngũ chung quanh Đảng Lao động Việt Nam và Ban Chấp hành Trung ương Đảng, biến đau thương thành hành động cách mạng, ra sức cùng nhân dân thi đua yêu nước, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ và công tác trước mắt, kế tục một cách vẻ vang sự nghiệp cách mạng của Hồ Chủ tịch.
Kẻ thù của chúng ta tưởng rằng sau khi Hồ Chủ tịch qua đời, chúng ta sẽ hoang mang, chia rẽ hoặc đi trệch đường lối cách mạng của Người. Nhưng chúng lầm to! Tuân theo Lời di chúc của Người, trung thành với những lời dạy bảo của Người, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta càng tăng cường đoàn kết, phát huy tinh thần tập thể và tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa, hăng hái vươn lên hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao cho. Chúng ta quyết thực hiện Lời di chúc của Hồ Chủ tịch và những lời thề mà đồng chí Lê Duẩn, thay mặt toàn Đảng, toàn dân, đã trịnh trọng nói lên ở Quảng trường Ba Đình trong buổi lễ truy điệu Hồ Chủ tịch ngày 9-9-1969.
Chúng ta nguyện mãi mãi trung thành với Hồ Chủ tịch và suốt đời phấn đấu dưới lá cờ vẻ vang của Người.
Vinh quang thuộc về Hồ Chủ tịch, lãnh tụ thiên tài, người thầy kính mến của giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam, của toàn thể dân tộc Việt Nam!
Hồ Chủ tịch sống mãi trong lòng chúng ta! Tên tuổi của Người vĩnh viễn còn mãi với non sông, đất nước.
Cùng với toàn dân, Quốc hội ta xin kính cẩn nghiêng mình vĩnh biệt Người.