BÁO CÁO CỦA CHỦ TỊCH UỶ BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI TRƯỜNG CHINH VỀ MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
VÀ NỘI DUNG CỦA KỲ HỌP THỨ 4, QUỐC HỘI KHÓA III
(Trình bày tại phiên họp trù bị ngày 19-5-1968)
I- MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU CỦA KỲ HỌP NÀY
1. Động viên chính trị toàn dân theo khẩu hiệu "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".
Quốc hội họp trong lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đã chuyển sang một thời kỳ mới, thời kỳ tiến công và nổi dậy để giành thắng lợi quyết định cho cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Toàn dân đang ra sức thi đua thực hiện khẩu hiệu: "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược".
Quốc hội là cơ quan đại diện cao nhất của nhân dân, cuộc họp của Quốc hội phải phản ánh cho được ý chí, nguyện vọng và khí thế cách mạng của nhân dân, và phải có tác dụng hướng dẫn, động viên, cổ vũ nhân dân thực hiện các nhiệm vụ trước mắt, nhiệm vụ chống Mỹ, cứu nước cũng như nhiệm vụ tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta.
2. Quyết định về việc kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội khóa III.
Quốc hội khóa III đến 26-6-1968 thì hết nhiệm kỳ là 4 năm; bình thường thì trong tháng Tư phải bầu xong Quốc hội khóa IV.
Bộ Chính trị và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã xét vấn đề bầu cử Quốc hội khóa IV và nhận định như sau:
Hiện nay, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của toàn dân ta đã chuyển sang một thời kỳ mới. Nhiệm vụ khẩn cấp nhất, quan trọng nhất của Nhà nước và nhân dân ta lúc này là tập trung cao độ mọi lực lượng vật chất và tinh thần để thực hiện tốt khẩu hiệu: "Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược". Việc tiến hành bầu cử Quốc hội đòi hỏi nhiều thì giờ và công sức. Tình hình chiến tranh có gây trở ngại nhất định cho việc chuẩn bị và thực hiện bầu cử Quốc hội.
Điều 45 của Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã ghi rõ: "Trong trường hợp xảy ra chiến tranh hoặc các trường hợp bất thường khác, Quốc hội có thể quyết định kéo dài nhiệm kỳ của mình và những biện pháp cần thiết để bảo đảm sự hoạt động của Quốc hội và của đại biểu Quốc hội".
Vì vậy, sau khi đã thỏa thuận với Chính phủ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xét và quyết định:
1. Kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội khóa III.
2. Giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IV khi nào tình hình cho phép.
II- NỘI DUNG KỲ HỌP
Quốc hội sẽ nghe các báo cáo:
- Báo cáo Chính trị của Thủ tướng Chính phủ;
- Báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước;
- Báo cáo bổ sung của Chính phủ về tình hình kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở cả hai miền (báo cáo riêng với các đại biểu Quốc hội);
- Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về đề nghị kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội khóa III;
- Báo cáo công tác của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (phân phát cho các đại biểu Quốc hội, không đọc);
- Báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao (phân phát cho các đại biểu Quốc hội, không đọc);
- Báo cáo công tác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao (phân phát cho các đại biểu Quốc hội, không đọc).
Quốc hội sẽ thông qua các nghị quyết và lời kêu gọi:
- Nghị quyết về Báo cáo Chính trị của Chính phủ;
- Nghị quyết về việc kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội;
- Nghị quyết về việc phê chuẩn các nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội;
- Lời kêu gọi của Quốc hội;
- Cử Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội.
III- THỜI GIAN HỌP QUỐC HỘI
Tranh thủ họp trong ba ngày:
- một ngày nghe báo cáo,
- một ngày họp tổ,
- một ngày tham luận và bế mạc.
Vì thời gian ít, cho nên phải nắm vững trọng tâm, tập trung thảo luận bản báo cáo chính trị của Chính phủ và trao đổi ý kiến về lời kêu gọi của Quốc hội.
IV- THAM LUẬN
Dành 7 tiếng đồng hồ để các đại biểu Quốc hội đọc tham luận.
- Sẽ chọn một số tham luận đọc trước Quốc hội.
- Một số sẽ đăng báo và phát thanh trên đài.
- Số còn lại sẽ in vào tập kỷ yếu của kỳ họp.
Các đồng chí Trưởng đoàn cần giúp đỡ các đại biểu làm tham luận, chủ yếu nói lên lập trường, quan điểm, đề xuất vấn đề với Quốc hội, với Chính phủ, chứ không nên nói nhiều về thành tích của địa phương mình. Các tham luận cần làm gọn, giữ đúng thời gian đọc không quá 15 phút.
V- VẤN ĐỀ BẢO MẬT
Quốc hội họp xong mới công bố tin và kết quả của kỳ họp.
Vì vậy các đại biểu cần giữ bí mật, không tuyên bố mình về họp Quốc hội; không nói cho người không có trách nhiệm biết thời gian và nơi họp.
Phải chấp hành đúng chế độ bảo quản tài liệu.
VI- YÊU CẦU LÃNH ĐẠO TRONG KỲ HỌP NÀY
a) Tập trung thảo luận Báo cáo Chính trị của Chính phủ, thực hiện được sự nhất trí tuyệt đối của Quốc hội đối với đường lối của Đảng và Chính phủ. Ngoài ra, góp ý kiến về nội dung lời kêu gọi của Quốc hội.
b) Các đại biểu Quốc hội cần thông suốt nội dung của kỳ họp, để sau khi họp về, phát huy tác dụng của người đại biểu, lấy kết quả của kỳ họp tuyên truyền, động viên nhân dân ra sức thi đua yêu nước, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trước mắt.
c) Chuẩn bị các tham luận xoáy vào trọng tâm, làm cho gọn và tốt.
d) Bảo đảm tiến hành kỳ họp với tinh thần tích cực, khẩn trương, bí mật và đạt yêu cầu.