QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

Nguyễn Như Du

Nguyên Vụ trưởng Vụ Tổng hợp,  Văn phòng Quốc hội

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công cuộc đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội đã trải qua ba nhiệm kỳ và đã thu được những thành tựu to lớn. Những kết quả đạt được và sự tin cậy của nhân dân đối với Quốc hội ngày càng tăng. Trên con đường đổi mới đẹp đẽ mà gian truân ấy, những thành quả đạt được gắn liền với tên tuổi những đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Trong bài này, chúng tôi muốn nhắc lại một vài chuyện cụ thể về sự quan tâm của đồng chí Nguyễn Văn Linh đối với vấn đề đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội.

Từ những ngày chuẩn bị…

Những tháng ngày trước Đại hội lần thứ VI của Đảng, việc đổi mới tổ chức, hoạt động của các cơ quan nhà nước cũng bước đầu được chuẩn bị. Hồi ấy, anh em cán bộ phục vụ chúng tôi ở Văn phòng Quốc hội chưa hiểu biết gì nhiều về đường lối đổi mới, chỉ mới được các đồng chí lãnh đạo Quốc hội và Hội đồng Nhà nước phổ biến, hướng dẫn một số điểm sơ bộ về vấn đề này để chuẩn bị một số văn bản về hoạt động của Quốc hội. Dự thảo văn bản được gửi xin ý kiến một số đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Một hôm, Vụ Hành chính tổng hợp chúng tôi nhận được ý kiến của đồng chí Nguyễn Văn Linh, lúc đó là Uỷ viên Bộ Chính trị, về vấn đề tôn trọng quyền làm chủ của nhân dân, đề cao vai trò của cơ quan dân cử và nhấn mạnh: “Đừng biến Quốc hội thành cây cảnh”. Đã trên 16 năm trôi qua, anh em chúng tôi vẫn nhớ mãi điều ấy.

Đừng biến Quốc hội thành cây cảnh! Lúc bấy giờ, chúng tôi chưa hình dung đầy đủ phải làm và được làm những gì, làm như thế nào để phục vụ sự đổi mới hoạt động của Quốc hội. Qua thực tiễn công tác, với những gì mà Quốc hội đạt được và chưa đạt được trên con đường đổi mới, chúng tôi càng thấm thía ý kiến của đồng chí Nguyễn Văn Linh: đừng biến Quốc hội thành cây cảnh, một ý kiến thể hiện bản lĩnh của một cán bộ lãnh đạo chân chính, có chính kiến rõ ràng về vấn đề đổi mới tổ chức, hoạt động của Quốc hội.

Một khuyết điểm lớn của Đảng và sự khắc phục

Ngày 17/6/1987, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá VIII, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã đọc bài diễn văn quan trọng. Đồng chí đã đề cập đến nhiệm vụ nặng nề trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ VI, vấn đề nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, bài học lấy dân làm gốc… và nhấn mạnh đến việc phát huy vai trò, vị trí của Quốc hội, Hội đồng Nhà nước và HĐND các cấp là một điểm mấu chốt của quá trình đổi mới, là điều kiện quan trọng bậc nhất bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với toàn xã hội cũng như thực hiện quyền làm chủ của nhân dân lao động.

Trong bài diễn văn, đồng chí đánh giá: “Bên cạnh những ưu điểm đã đạt được, phải thừa nhận rằng, các khoá Quốc hội trước đây chưa thực hiện được đầy đủ nhiệm vụ và quyền hạn của mình, hiệu quả hoạt động còn hạn chế và kém hiệu lực, chưa đáp ứng được lòng mong mỏi của nhân dân. Đây là một khâu yếu trong hoạt động của bộ máy chuyên chính vô sản và cũng là một khuyết điểm lớn trong công tác lãnh đạo chính quyền của Đảng, đã kéo dài nhiều năm nhưng chậm được khắc phục”. Đồng chí chỉ rõ: “Tất cả những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền quyết định về mặt nhà nước phải được đưa ra Quốc hội, Hội đồng Nhà nước thực sự bàn bạc dân chủ trước khi có nghị quyết chính thức, tuyệt đối không đặt cơ quan dân cử trước những việc đã được quyết định rồi, chỉ còn một cách là thụ động biểu quyết thông qua”. Trong quá trình ấy, “cần tổ chức tốt các cuộc thảo luận, tranh luận công khai và cởi mở. Cái đáng sợ không phải là sự khác nhau về ý kiến trong quá trình tranh luận mà chính là sự thống nhất bề ngoài dẫn đến khi thực hiện thì mỗi người làm một cách”.

Chính kiến của đồng chí là như vậy. Trong buổi đầu đổi mới còn rất nhiều khó khăn, với trách nhiệm và quyền hạn của người đứng đầu Ban chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí đã cố gắng hết sức để thực hiện những gì mình đã nói trong việc thay mặt Đảng lãnh đạo Quốc hội khoá VIII đổi mới tổ chức và hoạt động.

Hai ứng cử viên chức danh Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng

Ngày 18/6/1987, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá VIII bầu đồng chí Phạm Hùng giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Ngày 10/3/1988, đồng chí Phạm Hùng từ trần lúc đang chỉ đạo công tác ở TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam. Hội đồng Nhà nước đã họp và quyết định cử Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng Bộ trưởng Võ Văn Kiệt làm quyền Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng cho đến khi Quốc hội bầu Chủ tịch mới.

Tháng 6/1988, trong chương trình nghị sự của kỳ họp thứ ba Quốc hội khoá VIII có vấn đề bầu Chủ tịch mới của Hội đồng Bộ trưởng. Trong dự kiến, một ứng cử viên được trình Quốc hội. Với tinh thần đổi mới, bàn bạc dân chủ trong việc bầu nhân sự cấp cao của Nhà nước, đại biểu Quốc hội đề xuất việc giới thiệu nhiều ứng cử viên và đề cử thêm một số đồng chí khác. Ý kiến của đại biểu Quốc hội được những người lãnh đạo trực tiếp của Quốc hội là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công, Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo đồng tình và được Bộ Chính trị với người đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nhất trí. Sau khi thảo luận dân chủ về danh sách đề cử, Quốc hội đã quyết định đưa ra hai ứng cử viên để đại biểu lựa chọn và bầu một người giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng- hai đồng chí được giới thiệu đều là Uỷ viên Bộ Chính trị, đã hoặc đang là Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đều có đủ năng lực và tín nhiệm để giữ chức Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nếu được bầu. Kết quả là đồng chí Đỗ Mười trúng cử chức vụ Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

Sự đổi mới ấy được cử tri cả nước hoan nghênh, được bạn bè quốc tế đánh giá cao, đánh dấu sự chuyển biến đặc biệt trong việc bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao của Nhà nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Trong sự kiện có tính lịch sử ấy, có vai trò hết sức quan trọng của đồng chí Nguyễn Văn Linh. Đó cũng là bài học sâu sắc trong hoạt động của Quốc hội mà các đại biểu Quốc hội và nhân dân đang mong muốn sẽ được tiếp tục thực hiện trong các cuộc bầu cử khác.

Không làm tốn thêm tiền của của nhân dân

Tháng 6/1991, tại Đại hội Đảng lần thứ VII, đồng chí Nguyễn Văn Linh thôi giữ chức Tổng Bí thư và làm Cố vấn Ban chấp hành Trung ương Đảng. Sau đó, đồng chí rời Hà Nội và chuyển về TP. Hồ Chí Minh.

Vào một kỳ họp Quốc hội sau đó, thừa lệnh Chủ tịch Quốc hội, Văn phòng Quốc hội đã gửi giấy mời đồng chí Nguyễn Văn Linh đến dự kỳ họp. Trước ngày Quốc hội họp phiên khai mạc, Văn phòng còn điện qua đồng chí Thư ký để xin ý kiến đồng chí Nguyễn Văn Linh về việc ra Hà Nội dự họp Quốc hội. Sáng sớm hôm khai mạc kỳ họp, khi còn tinh mơ, đồng chí Nguyễn Văn Linh điện thoại trực tiếp cho Văn phòng Quốc hội để Văn phòng báo cáo với Chủ tịch Quốc hội: đồng chí không đến dự kỳ họp vì những vấn đề cần góp ý kiến, đồng chí đã đóng góp tất cả; đi lại nhiều chỉ tốn thêm tiền của của nhân dân.

Thế là kỳ họp ấy không có đồng chí Nguyễn Văn Linh dự nhưng như đồng chí nói, đồng chí đã làm tròn trách nhiệm với Quốc hội, đã góp ý kiến về những điều cần thiết. Còn việc đi lại, chúng tôi nghĩ, có tốn kém là bao so với ngân sách nhà nước, nhưng đó là tư tưởng, là ý thức tiết kiệm của cải của nhân dân của một cán bộ lãnh đạo luôn luôn nghĩ đến dân, đến nước, những gì không nhất thiết phải chi tiêu thì kiên quyết không tiêu, nhất là trong lúc đất nước còn gặp khó khăn, nhân dân còn nhiều thiếu thốn./. 


[*] Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp,  số 9/2002.