Thưa Chủ tịch Đoàn,
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Uỷ ban Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội đã nghiên cứu bản báo cáo của Chính phủ về "Phương hướng, nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế hai năm 1966-1967 và kế hoạch nhà nước năm 1966", đã tham khảo ý kiến của các đại biểu Quốc hội phát biểu trong các tổ, và sau khi thảo luận, Uỷ ban chúng tôi xin trình bày với Quốc hội những ý kiến của Uỷ ban về Bản báo cáo của Chính phủ.
I- Uỷ ban chúng tôi nhất trí với sự đánh giá của Chính phủ về tình hình thực hiện kế hoạch nhà nước 1965 và nhận định rằng: năm 1965 là năm đầu tiên nhân dân ta ở miền Bắc đối phó với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa sản xuất, vừa chiến đấu đã thu được những thắng lợi hết sức to lớn.
Dựa vào phương hướng đúng, phát huy cao độ lòng yêu nước và sức chiến đấu của mình, và được sự giúp đỡ quý báu của các nước anh em, nhân dân ta đã nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1965, đồng thời hoàn thành thắng lợi những mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965).
Dựa vào quan hệ sản xuất ngày càng được củng cố, với sự chuyển biến bước đầu của phong trào thâm canh, tăng năng suất, sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển tốt; các ngành trồng trọt và chăn nuôi, nhất là sản xuất lương thực và thực phẩm được đẩy mạnh, đã góp phần bảo đảm nhu cầu to lớn của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, làm cho tình hình kinh tế, tình hình đời sống về căn bản được ổn định.
Nhờ tích cực bảo vệ và phát huy năng lực sản xuất sẵn có, đồng thời tiếp tục xây dựng mới, công nghiệp Trung ương và công nghiệp địa phương vẫn tiếp tục phát triển. Nhiều sản phẩm công nghiệp tăng thêm rõ rệt, nhiều mặt hàng mới đã được sản xuất, phục vụ tốt hơn các nhu cầu của nông nghiệp, giao thông vận tải, cũng như các nhu cầu chiến đấu và đời sống nhân dân.
Mặc dầu bị địch tập trung sức phá hoại, giao thông vận tải của ta vẫn bảo đảm thông suốt và ngày càng có chuyển biến tốt. Trên nhiều đường quan trọng, khối lượng vận tải không những không giảm sút, mà lại cao hơn mức bình thường.
Vốn xây dựng cơ bản đã tăng với nhịp độ cao hơn tất cả các năm trước trong kế hoạch 5 năm lần thứ nhất, và đã được tập trung vào việc xây dựng thủy lợi, phát triển công nghiệp Trung ương và công nghiệp địa phương, bảo đảm giao thông, xây dựng kho tàng, v.v..
Để bảo đảm nhu cầu sản xuất và chiến đấu tăng lên nhiều, nhân dân ta đã nêu cao truyền thống yêu nước, chống ngoại xâm, hăng hái đóng góp sức người, sức của với nhiệt tình sôi nổi hơn bao giờ hết. Số lương thực do Nhà nước thu mua được, đạt mức cao nhất so với những năm trước đây.
Trong điều kiện chiến tranh, đời sống của nhân dân được đảm bảo, các công tác bảo vệ sức khỏe, sự nghiệp văn hóa giáo dục và đào tạo cán bộ đều được đẩy mạnh, tiền tệ và tài chính được giữ vững, giá cả về căn bản được ổn định.
Những thắng lợi kể trên có ý nghĩa rất quan trọng đã góp phần tăng cường sự đoàn kết nhất trí của các tầng lớp nhân dân, nâng cao lòng tin tưởng và ý chí quyết chiến, quyết thắng của toàn dân. Qua một năm anh dũng phấn đấu, nhân dân ta đã đi vào một nền nếp sinh hoạt mới, vừa sản xuất vừa chiến đấu, giặc đến là đánh, giặc đi lại sản xuất và sản xuất hăng hơn. Thực tiễn ở những địa phương chiến sự xảy ra ác liệt nhất, như nhiều tỉnh ở Liên khu IV cũ, lại là những nơi lập được nhiều chiến công oanh liệt, mà công việc sản xuất lại có nhiều thành tích xuất sắc.
Uỷ ban chúng tôi đề nghị Quốc hội nhiệt liệt biểu dương những thành tích về sản xuất và chiến đấu của nhân dân miền Bắc nước ta trong năm 1965, đã nêu cao chí khí quật cường của dân tộc, học tập đồng bào miền Nam anh hùng, anh dũng giết giặc, dũng cảm lao động. Uỷ ban chúng tôi đề nghị Quốc hội đặc biệt khen ngợi đồng bào, cán bộ và lực lượng vũ trang các tỉnh Liên khu IV đang đứng ở vị trí tiền tiêu và đã anh dũng hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, chiến đấu, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước.
*
* *
Hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1965, nhân dân ta cũng đã hoàn thành thắng lợi những mục tiêu chủ yếu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1961-1965).
Trong thời gian 5 năm qua, quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, đã không ngừng được tăng cường; kinh tế quốc doanh phát triển với nhịp độ nhanh đã trở thành một lực lượng mạnh mẽ, và là đòn bẩy chủ yếu để lãnh đạo phát triển có kế hoạch nền kinh tế quốc dân;
Thành phần kinh tế tập thể được tiếp tục củng cố và mở rộng, tính hơn hẳn của hợp tác xã được phát huy rõ rệt trên nhiều mặt, mở đường cho cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp tiến lên, xúc tiến sự phân công lao động mới trong nền kinh tế quốc dân, làm cho sản xuất nông nghiệp và nông thôn tiến lên những bước quan trọng theo con đường của chủ nghĩa xã hội.
Trong kế hoạch 5 năm qua, song song với việc tăng cường quan hệ sản xuất mới, chúng ta đã tập trung sức đẩy mạnh bước đầu công cuộc công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội.
Dựa vào việc tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật trong nông nghiệp, trước hết là đẩy mạnh công cuộc thủy lợi hóa, sản xuất nông nghiệp từ tình trạng sản xuất nhỏ, phân tán, nặng tính chất độc canh, tự túc tự cấp, đang trở thành một nền nông nghiệp phát triển toàn diện, có nhiều sản phẩm hàng hóa.
Nhiều cơ sở công nghiệp nặng: cơ khí, điện lực, luyện kim, và hóa chất, v.v., đã được xây dựng và đi vào sản xuất, công nghiệp nhẹ phát triển thêm nhiều ngành mới và sản xuất thêm nhiều mặt hàng mới. Ở miền Bắc nước ta đã bắt đầu hình thành một hệ thống công nghiệp nặng và công nghiệp nhẹ bao gồm những xí nghiệp nòng cốt được trang bị kỹ thuật hiện đại do Trung ương quản lý, và nhiều xí nghiệp nhỏ và vừa do địa phương quản lý, cùng với các tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp hợp tác hóa không ngừng được củng cố. Sản xuất công nghiệp nước ta đã bảo đảm được phần lớn hàng tiêu dùng trong nước và cung cấp ngày càng nhiều một số tư liệu sản xuất và hàng xuất khẩu, góp phần trang bị lại các ngành kinh tế quốc dân.
Trong quá trình xây dựng bước đầu cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, nền khoa học và kỹ thuật của chúng ta phát triển đúng hướng và đem lại kết quả thiết thực. Đội ngũ cán bộ khoa học - kỹ thuật và công nhân chuyên nghiệp đã lớn mạnh gấp bội so với trước và đang phát huy tác dụng ngày càng nhiều. Cơ sở nghiên cứu và thí nghiệm khoa học - kỹ thuật tăng hơn trước rõ rệt, công tác nghiên cứu thí nghiệm và áp dụng khoa học - kỹ thuật cũng như công tác điều tra nghiên cứu cơ bản đang phát triển.
Song song với những tiến bộ về cách mạng kỹ thuật, một sự phân công mới trong lao động xã hội cũng đang được thực hiện, lực lượng lao động giữa các ngành và các khu vực đang được điều chỉnh theo những phương hướng của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Đời sống vật chất và văn hóa của nhân dân ta đã được nâng cao thêm một bước, cuộc cách mạng tư tưởng và văn hóa được đẩy mạnh, truyền thống tốt đẹp về đạo đức, tình cảm của dân tộc ta được phát huy, tư tưởng mới được bồi dưỡng thêm trong xã hội ta, xây dựng từng bước con người Việt Nam mới, thiết tha yêu Tổ quốc, yêu chủ nghĩa xã hội, có đạo đức cách mạng và có trình độ văn hóa, kỹ thuật, gắn chặt với tập thể, anh dũng đấu tranh không mệt mỏi cho lý tưởng xã hội chủ nghĩa, kiên cường chiến đấu chống quân thù đế quốc xâm lược.
Tóm lại, những thành quả tổng quát trên của việc thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất đã tăng cường lực lượng về mọi mặt và nâng cao sức chiến đấu của nhân dân ta, làm cơ sở cho thắng lợi của sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước. Những thắng lợi to lớn đó một lần nữa lại chứng minh rằng đường lối, phương hướng và nhiệm vụ cách mạng do Đảng ta đề ra là hoàn toàn đúng đắn, sức mạnh sáng tạo của nhân dân ta được Đảng bồi dưỡng và giáo dục là vô cùng lớn lao.
Đánh giá đúng đắn những kết quả thực hiện kế hoạch 5 năm lần thứ nhất nói chung và kế hoạch năm 1965 nói riêng, nhận rõ sức mạnh và các thắng lợi của ta, nhân dân ta càng phấn khởi tin tưởng để khẳng định rằng: miền Bắc nước ta có đủ sức đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, đồng thời tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, phối hợp với đồng bào miền Nam để bảo vệ miền Bắc và giải phóng miền Nam; nhân dân cả nước ta có đủ sức để đánh bại hoàn toàn đế quốc Mỹ xâm lược trong mọi tình thế để tiến tới thống nhất Tổ quốc.
II- Trong thời gian trước mắt, nhiệm vụ của chúng ta ở miền Bắc là ra sức thực hiện Nghị quyết của các Hội nghị lần thứ 11 và lần thứ 12 của Trung ương Đảng, vừa đánh Mỹ, vừa tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội, động viên mọi lực lượng đẩy mạnh sản xuất và chiến đấu đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Đi đôi với việc tích cực bảo vệ miền Bắc, phải hết lòng hết sức ủng hộ đồng bào miền Nam đẩy mạnh cách mạng giải phóng miền Nam. Trong khi đối phó với chiến tranh phá hoại, phải tích cực chuẩn bị để đánh bại đế quốc Mỹ nếu chúng liều lĩnh mở rộng chiến tranh xâm lược ra cả nước ta.
Xuất phát từ nhiệm vụ chung của miền Bắc như trên, Uỷ ban chúng tôi nhất trí tán thành những phương hướng nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế trong hai năm 1966-1967, và kế hoạch nhà nước năm 1966 do báo cáo của Chính phủ đã đề ra:
- Ra sức phát triển nông nghiệp và công nghiệp địa phương, đồng thời tăng cường năng lực sản xuất công nghiệp do các Bộ quản lý;
- Kiên quyết bảo đảm giao thông;
- Tăng cường các công tác thương nghiệp, tài chính và giá cả;
- Ra sức tăng năng suất lao động, đẩy mạnh việc đào tạo cán bộ và công nhân;
- Tiến hành các công tác điều tra, thăm dò, khảo sát, thiết kế, tăng cường lực lượng kỹ thuật… chuẩn bị cho những bước phát triển sau này.
Căn cứ vào phương hướng và nhiệm vụ trên đây, những nhiệm vụ cụ thể, những chỉ tiêu lớn và biện pháp chủ yếu đã được đề ra cho các hoạt động kinh tế và văn hóa.
Chúng tôi nhận thấy rằng phương hướng và nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế hai năm và trước mắt là kế hoạch nhà nước năm 1966 sẽ giải đáp được ba yêu cầu lớn:
1. Ra sức động viên mọi lực lượng, phát huy mọi khả năng tiềm tàng, bảo đảm yêu cầu của chiến tranh để đánh thắng đế quốc Mỹ xâm lược.
2. Bảo đảm các nhu cầu thiết yếu về đời sống, bồi dưỡng sức dân để sản xuất và chiến đấu lâu dài.
3. Qua sản xuất và chiến đấu, làm cho nền kinh tế của ta càng thêm lớn mạnh.
Phương hướng về xây dựng và phát triển kinh tế hai năm 1966-1967 và kế hoạch nhà nước năm 1966 có một ý nghĩa rất to lớn. Đó là kế hoạch chống Mỹ, cứu nước, là kế hoạch tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta, đó là công cụ trọng yếu để thực hiện quyết tâm chiến lược của nhân dân ta quyết chiến, quyết thắng đế quốc Mỹ xâm lược trong mọi tình huống, bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam, tiến tới thống nhất Tổ quốc.
Uỷ ban chúng tôi nhấn mạnh một số điểm sau đây:
1. Nông nghiệp nước ta có một vị trí là cơ sở cho việc phát triển công nghiệp, ngày nay trong tình hình phải đối phó với chiến tranh phá hoại của địch, lại càng trở nên trọng yếu, là cơ sở cho hậu cần của cuộc chiến tranh nhân dân. Thế cho nên trong thời gian sắp tới, chúng ta phải bảo đảm cho nông nghiệp miền Bắc nước ta phát triển toàn diện, mạnh mẽ và vững chắc trong bất cứ tình huống nào.
Chúng ta phải tập trung sức giải quyết vấn đề lương thực và thực phẩm bảo đảm yêu cầu của Quân đội và nhân dân, đồng thời cố gắng tăng thêm nguồn nguyên liệu nông sản cho công nghiệp và hàng xuất khẩu.
Hướng chính để bảo đảm cho nông nghiệp phát triển là tăng cường mạnh mẽ việc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật cho nông nghiệp, đưa khoa học - kỹ thuật vào nông nghiệp, đẩy mạnh thâm canh tăng năng suất trong nông nghiệp, tiếp tục đẩy mạnh công tác thủy lợi, việc xây dựng đồng ruộng, việc đưa cơ khí nhỏ về nông thôn và các biện pháp kỹ thuật khác.
Cần phát huy cao hơn nữa sức tự lực to lớn của các hợp tác xã tự mình vươn lên xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của các hợp tác xã, cả về trồng trọt lẫn chăn nuôi, cần phải chống tư tưởng ỷ lại, trông chờ ở Nhà nước trong các hợp tác xã nông nghiệp, ngay cả đối với những việc được cơ quan nhà nước giúp đỡ, các hợp tác xã cũng phải tự mình đảm nhận được trong việc quản lý, việc xuất vốn, việc tổ chức lao động v.v.. Mặt khác, cần phải tăng cường sự giúp đỡ của Nhà nước đối với nông nghiệp và các hợp tác xã nông nghiệp về các mặt cung cấp thiết bị, vật tư kỹ thuật, khoa học - kỹ thuật đào tạo, bồi dưỡng cán bộ khoa học - kỹ thuật và cán bộ quản lý cho các hợp tác xã, giúp đỡ tiền vốn v.v.. Cần khắc phục các quan điểm bảo thủ của nhiều ngành, nhiều cấp đối với việc đưa khoa học - kỹ thuật vào nông nghiệp, thái độ dè dặt của nhiều người đối với việc đầu tư kỹ thuật, tài chính và cán bộ cho nông nghiệp, đồng thời cũng phải nâng cao hiệu lực giúp đỡ của các cơ quan nhà nước trong mọi hoạt động giúp đỡ nông nghiệp. Trên cơ sở nâng cao tinh thần tự lực cánh sinh của các hợp tác xã nông nghiệp, chúng tôi nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có một chuyển biến sâu sắc trong nhận thức và hành động của các cơ quan nhà nước, các xí nghiệp nhà nước đối với việc giúp đỡ nông nghiệp mạnh mẽ hơn và có hiệu lực hơn. Chúng ta đều thấy rõ là mặc dầu đã có nhiều tiến bộ, nhưng cơ sở vật chất và kỹ thuật của nông nghiệp nước ta còn thấp, sản xuất nông nghiệp còn nhiều bấp bênh, phụ thuộc vào thiên nhiên nhiều, cho nên Nhà nước và nông dân tập thể chúng ta đều phải cố gắng rất nhiều hơn nữa.
Trong mọi công tác chỉ đạo nông nghiệp, cần xây dựng tác phong rất cụ thể và tỉ mỉ, sát với từng loại cây trồng, từng con gia súc, từng địa phương tránh lối làm việc chung chung, rập khuôn, máy móc, từ việc chỉ đạo về thời vụ, cũng như chỉ đạo từng biện pháp kỹ thuật cho từng vùng khác nhau.
Kinh nghiệm thực tiễn chỉ đạo sản xuất vụ đông - xuân năm 1966 đang đòi hỏi chúng ta biết rút nhiều bài học sâu sắc, và đang đòi hỏi chúng ta nhiều nỗ lực mới và quyết tâm cao để bảo đảm sản xuất vụ đông - xuân cũng như vụ thu và vụ mùa sắp tới được tốt.
Trong các biện pháp giúp đỡ nông nghiệp, Nhà nước ta chủ trương trong hai năm sắp tới sẽ đẩy mạnh việc trang bị cơ khí nhỏ cho các hợp tác xã nông nghiệp. Đây là một chủ trương rất đúng đắn, có ý nghĩa thực tiễn lớn lao, mở đường xúc tiến cách mạng kỹ thuật trong nông nghiệp. Trong việc thực hiện chủ trương này, chúng tôi đề nghị các ngành có trách nhiệm ở Trung ương phải có nỗ lực đầy đủ trong việc sản xuất thiết bị, cung cấp thiết bị và phụ tùng, sắp xếp quy hoạch, hướng dẫn quản lý, v.v., và các địa phương phải có kế hoạch cụ thể chỉ đạo thực hiện cho tốt không những trong việc xây lắp, mà còn cả trong quá trình quản lý, sử dụng, sửa chữa, v.v., đào tạo và bồi dưỡng cán bộ quản lý và công nhân kỹ thuật cho các hợp tác xã, làm sao phát huy đầy đủ nhất công suất các điểm cơ khí của các hợp tác xã.
2. Trong thời gian tới, chúng ta vẫn tiếp tục phát triển công nghiệp, đặc biệt đẩy mạnh việc xây dựng công nghiệp địa phương, làm cho công nghiệp gắn rất chặt với yêu cầu phát triển của nông nghiệp, phục vụ giao thông vận tải, chiến đấu và đời sống và yêu cầu xuất khẩu.
Chúng ta cần tích cực bảo vệ các xí nghiệp, và đặc biệt quan tâm việc phát huy năng lực sản xuất của các xí nghiệp sẵn có. Trong khi chú trọng xây dựng mới, chúng ta đều thấy rõ là trong thời gian trước mắt nguồn cung cấp sản phẩm chủ yếu cho chiến đấu, cho sản xuất và cho đời sống, nguồn tích lũy chủ yếu của ngân sách nhà nước vẫn là những cơ sở xí nghiệp sẵn có. Thế cho nên, cần đặc biệt nhấn mạnh đến việc khai thác tốt hơn nữa lực lượng sẵn có nâng cao công suất thiết bị và phương tiện sẵn có, cải tiến thiết bị, cải tiến quá trình công nghệ, bảo đảm cung cấp nguyên liệu và phụ tùng thay thế, đẩy mạnh tăng năng suất lao động ngay trong điều kiện có chiến tranh, v.v.; trong tất cả các xí nghiệp và công trường.
Đây là một yêu cầu bức thiết của cách mạng đối với những người quản lý kinh tế trong các ngành, các cấp, các đơn vị xí nghiệp, công trường.
Về xây dựng mới, đi đôi với việc đẩy mạnh những ngành công nghiệp Trung ương cho phù hợp với yêu cầu thời chiến như những ngành cơ khí, điện lực, khai thác than, v.v., hướng quan trọng bậc nhất là phải đẩy mạnh phát triển công nghiệp địa phương, tranh thủ trong vài ba năm tới xây dựng cho được ở mỗi khu vực, mỗi tỉnh có những cơ sở công nghiệp cần thiết nhằm phục vụ chủ yếu cho nông nghiệp, giao thông vận tải và cung cấp hàng tiêu dùng. Đây là một phương hướng rất phù hợp với yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, nâng cao năng lực tự cung tự cấp của từng vùng, từng tỉnh, thực hiện hậu cần tại chỗ, gắn liền phát triển công nghiệp với phát triển nông nghiệp, và với nhiệm vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu ở từng địa phương, đồng thời thực hiện cách mạng kỹ thuật một cách phổ biến trong quần chúng nhân dân.
Thực hiện chủ trương này đòi hỏi một sự sắp xếp chung cho phù hợp với khả năng và yêu cầu từng nơi, đòi hỏi các cấp địa phương phải vươn lên với khí thế mới khắc phục mọi khó khăn, tự mình đảm đang việc xây dựng và quản lý công nghiệp sát với điều kiện từng địa phương, đồng thời đòi hỏi các ngành ở Trung ương phải tăng cường giúp đỡ mọi mặt cho các địa phương.
Công tác này khó khăn, phức tạp, chúng ta cần nỗ lực phấn đấu nhiều hơn nữa để đẩy mạnh công việc xây dựng công nghiệp địa phương, phù hợp với yêu cầu của tình hình, cần nâng cao tinh thần trách nhiệm, nâng cao quyết tâm để khắc phục những khó khăn to lớn, nâng cao việc tính toán, bố trí kế hoạch tỉ mỉ và chu đáo, tiến hành mọi việc khẩn trương và hợp lý, tiết kiệm, tập trung lực lượng thiết bị, vật tư, lao động, tiền vốn vào những trọng điểm từng vùng, từng tỉnh, giải quyết gọn từng đơn vị xây dựng, tránh việc dàn ra làm cùng một lúc, rất nhiều đơn vị sẽ gây ra chậm chạp và lãng phí lớn.
3. Trong chiến tranh, giao thông vận tải giữ một vai trò chiến lược quan trọng. Với quyết tâm đánh bại chiến tranh phá hoại của địch trên mặt trận giao thông vận tải, chúng ta đã và sẽ tập trung sức vào việc bảo đảm giao thông để đáp ứng yêu cầu vận tải phục vụ sản xuất và chiến đấu, nhất là trên những tuyến đường chủ yếu. Chúng ta đã có nhiều thành tích và kinh nghiệm tốt, kết hợp lực lượng bảo đảm giao thông với lực lượng bảo đảm vận tải, lực lượng của Trung ương và lực lượng của địa phương, lực lượng của Nhà nước và lực lượng của nhân dân, kết hợp các lực lượng và phương tiện vận tải đường thủy, đường bộ và đường sắt, các phương tiện cơ khí, nửa cơ giới và thô sơ, kết hợp các khâu đường cầu, phà, lạch, cảng, bến bãi, bốc rỡ, v.v.. Chúng ta cần rút kinh nghiệm để đi sâu tăng cường việc thống nhất chỉ huy vận tải tốt hơn nữa, đồng thời ra sức cải tiến việc quản lý phương tiện bảo đảm giao thông, bảo đảm vận tải tốt hơn nữa, nâng cao công suất thiết bị và phương tiện vận tải, tăng nhanh vòng quay của phương tiện, tổ chức việc sửa chữa hợp lý hơn, mạnh dạn cải tiến việc tổ chức bốc rỡ, hết sức tiết kiệm sức lao động sử dụng trên các công trường đường sá và các tuyến giao thông, v.v.. Đó là những vấn đề cụ thể quan trọng, chúng tôi đề nghị ngành Giao thông vận tải, các ngành có phương tiện vận tải và các địa phương cần chú ý giải quyết tốt hơn.
4. Yêu cầu chiến đấu và yêu cầu xây dựng chủ nghĩa xã hội đang đòi hỏi rất nhiều lao động, vật tư, và tiền vốn. Dựa vào sức tự lực cánh sinh của nhân dân ta là chính, để giải đáp những yêu cầu to lớn đó, chúng ta cần tăng cường động viên nhân lực, vật lực, tài lực. Nhân dân ta rất thiết tha yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, lại căm thù giặc Mỹ rất sâu sắc, cho nên rất hăng hái làm mọi nghĩa vụ đối với Nhà nước. Để bảo đảm được yêu cầu động viên thời chiến, chúng tôi thấy Nhà nước ta cần có chính sách động viên một cách toàn diện hơn, động viên nhân lực, kỷ luật lao động trong các xí nghiệp, công trường nhà nước, nghĩa vụ bán lương thực, nông sản, thực phẩm cho Nhà nước, v.v., để giúp cho các cấp, các ngành và mọi người công dân chấp hành được tốt.
Cần chấm dứt tình trạng thuê mướn với giá cả không hợp lý trong nhiều việc làm cần thiết cho chiến đấu và sản xuất hiện nay. Cần vận động quần chúng làm nhiệm vụ bán một số nông sản và thực phẩm một cách tốt hơn để Nhà nước có đủ nông sản thực phẩm cho các nhu cầu to lớn của bộ đội, của các công trường, v.v..
Lại phải chấm dứt việc điều động nhân lực một cách quá mức không cần thiết, làm ảnh hưởng đến sản xuất ở một số địa phương, và việc sử dụng nhân lực một cách không hợp lý trên các công trường.
Chúng ta lại phải chăm lo bồi dưỡng sức dân, để bảo đảm sản xuất và chiến đấu lâu dài. Trong điều kiện có chiến tranh, nhân dân và cán bộ ta rất thông cảm với những khó khăn do địch gây ra, và đã sẵn có truyền thống sinh hoạt cần cù, giản dị, tiết kiệm, hy sinh cho tiền tuyến. Nhưng các cơ quan nhà nước và các cơ quan quản lý kinh tế cần hết sức chăm lo giải quyết với mức cao nhất có thể làm được để bảo đảm những nhu cầu thiết yếu nhất của đời sống nhân dân (về ăn, mặc, học hành, bảo vệ sức khỏe…), chú ý săn sóc những người lao động nặng nhọc nhất, các cháu nhỏ, những người già yếu.
Chúng ta phải làm tốt hơn nữa các việc tổ chức sơ tán và phòng không nhân dân để hạn chế đến mức thấp nhất sự phá hoại của địch. Nói chung, cần giải quyết tốt những vấn đề do chiến tranh phá hoại của địch hoặc do thiên tai có thể gây ra.
5. Phương hướng của kế hoạch nhà nước hai năm 1966-1967 coi cách mạng kỹ thuật là then chốt nhằm nâng cao năng suất lao động xã hội, tiết kiệm lao động và vật tư. Đây là một phương hướng rất cơ bản cần được quán triệt trong mọi hoạt động kinh tế và văn hóa, ngay trong điều kiện có chiến tranh phá hoại của địch. Ngoài những biện pháp lớn trang bị thêm cho các ngành kinh tế quốc dân nhất là cho nông nghiệp, công nghiệp địa phương, giao thông vận tải… đã ghi trong kế hoạch nhà nước, chúng tôi thấy cần nhấn mạnh đến các việc cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất trong tất cả các ngành hoạt động. Nhà nước cần có chính sách và chế độ khuyến khích những việc cải tiến kỹ thuật này và tất cả mọi hoạt động trong các ngành kinh tế, cần rất coi trọng những việc cải tiến kỹ thuật, cố gắng từng bước khắc phục những lối làm ăn quá lạc hậu, cũ kỹ mà chúng ta hoàn toàn có điều kiện để khắc phục được.
Chúng ta lại phải đặc biệt quan tâm cải tiến và tăng cường quản lý kinh tế tài chính trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân, cũng như trong từng ngành, từng đơn vị sản xuất, kinh doanh. Những việc tăng cường phân cấp quản lý kinh tế tài chính, cải tiến chế độ kế hoạch hóa, v.v., mà Chính phủ đã đề ra đều là hợp lý và cần thiết. Chúng tôi muốn nhấn mạnh đến việc thúc đẩy tiết kiệm toàn diện trong mọi hoạt động của Nhà nước nhằm yêu cầu phục vụ chiến đấu và sản xuất tốt hơn. Nhà nước ta cần có chế độ tiết kiệm toàn diện và các ngành, các cấp, các đơn vị cần chấp hành một cách tích cực và nghiêm chỉnh, từ việc nâng cao công suất thiết bị, nâng cao năng suất lao động và kỷ luật lao động, tiết kiệm vật tư và nguyên liệu, tiết kiệm tiền vốn và mọi chi phí của Nhà nước, tiết kiệm giá thành và chi phí lưu thông, đồng thời động viên nhân dân cũng tiết kiệm trong sản xuất, xây dựng, và đời sống.
Chúng ta cần nhận thức rằng việc không ngừng nâng cao năng suất lao động xã hội là nhiệm vụ cơ bản của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhiệm vụ này lại càng trở nên cấp thiết trong điều kiện chống Mỹ, cứu nước hiện nay ở nước ta.
Cần khắc phục các quan điểm sai lầm cho rằng trong thời chiến thì không thể nói đến việc tăng năng suất lao động, không thể nói đến việc hạ giá thành, hạ phí lưu thông, v.v., và cần phát huy mọi nhân tố tích cực trong phong trào thi đua yêu nước của công nhân, cán bộ và đông đảo nông dân tập thể để đẩy mạnh cách mạng kỹ thuật, cải tiến kỹ thuật, cải tiến quản lý kinh tế tài chính, nhằm chi phí ít nhất, đạt kết quả cao nhất cho Nhà nước và cho tập thể.
Việc bảo vệ và quản lý tài sản công cộng trong thời chiến cũng là một yêu cầu cấp thiết. Nhân dân ta ngày càng làm chủ một khối lượng tài sản rất lớn lao, lại được sự giúp đỡ to lớn và quý báu của các nước xã hội chủ nghĩa anh em về thiết bị và nguyên liệu vật tư, cho nên cần đề cao pháp luật và kỷ luật bảo vệ tài sản công, và có chế độ và biện pháp quản lý chặt chẽ trong thời chiến. Trên tinh thần này, chúng tôi tán thành đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để Quốc hội cho nghiên cứu và ban hành một đạo luật về bảo vệ tài sản công cộng.
Cuộc vận động “ba xây ba chống” trong các xí nghiệp nhà nước và các ngành quản lý cần được hoàn thành tốt, cũng như cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp vòng hai cần được tiến hành chặt chẽ. Chắc chắn rằng hai cuộc vận động này sẽ góp phần to lớn tăng cường quản lý kinh tế tài chính, thúc đẩy sản xuất và tiết kiệm, tăng cường quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa, tiếp tục hoàn thành cải tạo xã hội chủ nghĩa.
6. Để thực hiện thắng lợi kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế hai năm 1966-1967 và kế hoạch nhà nước năm 1966, chúng ta cần động viên nhân dân ta ra sức đẩy mạnh phong trào thi đua sản xuất và chiến đấu chống Mỹ, cứu nước phát triển mạnh mẽ, rộng khắp và liên tục. Như Trung ương Đảng chỉ thị, cần "thông qua phong trào thi đua mà đẩy mạnh cách mạng kỹ thuật, cách mạng tư tưởng và văn hóa, củng cố và hoàn thiện quan hệ sản xuất mới, tăng cường việc rèn luyện và xây dựng con người mới, tập thể lao động mới, bồi dưỡng những người ưu tú xuất hiện trong phong trào thi đua… Trong mọi hoàn cảnh, cần ra sức cải thiện điều kiện lao động, cố gắng tổ chức tốt đời sống của nhân dân".
Trong việc lãnh đạo phong trào thi đua, cần phải nhấn rất mạnh công tác chính trị và tư tưởng; phải làm cho nhân dân ta có quyết tâm cao độ chiến thắng đế quốc Mỹ xâm lược; cuộc chiến đấu của nhân dân ta nhất định sẽ thắng lợi hoàn toàn, nhưng cần phải thấy rằng chúng ta còn nhiều khó khăn vì cuộc chiến đấu của nhân dân ta phải lâu dài, gian khổ; trong công tác chúng ta còn có nhiều khuyết điểm cần phải khắc phục. Trong công tác sản xuất và chiến đấu, chúng ta cần phải luôn luôn đề cao cảnh giác, luôn luôn ở tư thế sẵn sàng chiến đấu; phải chống xu hướng chủ quan tự mãn trong sản xuất và chiến đấu. Nhân dân ta được các nước xã hội chủ nghĩa anh em và nhân dân thế giới nhiệt tình ủng hộ về vật chất và tinh thần; nhưng chúng ta cần phải nhận rõ rằng sức lực của nhân dân ta mới là yếu tố quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh chống Mỹ, cứu nước của chúng ta; nhân dân ta cần phải đề cao hơn nữa tinh thần tự lực cánh sinh, đồng thời sử dụng tốt viện trợ của các nước anh em.
Tóm lại, chúng ta cần phải đặt công tác chính trị và tư tưởng lên hàng đầu trong phong trào thi đua của nhân dân ta. Các khẩu hiệu "Vững tay búa tay súng", "Vững tay cày tay súng", thanh niên "ba sẵn sàng", phụ nữ "ba đảm đang"… phải là những động cơ tư tưởng, những nội dung và nhiệm vụ thi đua yêu nước của toàn thể nhân dân ta.
Chúng tôi đề nghị các ngành quản lý của Nhà nước cần tăng cường lãnh đạo phong trào thi đua một cách toàn diện, cụ thể và thường xuyên, phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ trong việc chỉ đạo và tổ chức thi đua, tập trung lực lượng của quần chúng vào các mục tiêu cụ thể của kế hoạch nhà nước hai năm, vừa sản xuất, vừa chiến đấu.
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Kế hoạch xây dựng và phát triển kinh tế 2 năm 1966-1967 và trước mắt là kế hoạch nhà nước năm 1966 đang mở ra những triển vọng tốt đẹp cho sự nghiệp đấu tranh cách mạng của toàn dân ta. Miền Bắc nước ta quyết tâm làm đầy đủ nhất vai trò hậu phương lớn đối với tiền tuyến lớn của cách mạng cả nước. Nhiệm vụ của chúng ta rất nặng nề. Địch họa và thiên tai còn có thể gây cho chúng ta không ít khó khăn. Nhưng thuận lợi của chúng ta là căn bản. Đường lối và phương hướng của Đảng là rất đúng đắn, nhân dân ta có tinh thần cách mạng rất cao, đoàn kết nhất trí xung quanh Đảng và Nhà nước ta, những thắng lợi và kinh nghiệm đấu tranh vừa sản xuất, vừa chiến đấu trong một năm qua cũng bảo đảm cho nhiệm vụ sắp tới được nhiều thuận tiện, sự giúp đỡ và ủng hộ to lớn và quý báu của các nước xã hội chủ nghĩa anh em và của nhân dân thế giới, v.v.. Thế cho nên chúng ta hoàn toàn có khả năng khắc phục khó khăn, quyết tâm vươn lên hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1966 và kế hoạch hai năm xây dựng và phát triển kinh tế 1966-1967.
Với lòng tin tưởng đó Uỷ ban chúng tôi xin đề nghị Quốc hội thông qua và phê chuẩn "Phương hướng nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế hai năm 1966-1967 và kế hoạch nhà nước năm 1966".
Chúng tôi sẽ xin phép trình bày với Quốc hội bản dự thảo nghị quyết sau khi các đồng chí đại biểu Quốc hội tham luận xong.