QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

Phạm Văn Hùng

Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Quốc hội
 

1. Tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân tất yếu dẫn đến việc thành lập Quốc hội trong chính thể dân chủ cộng hoà

Trong lịch sử của nhân loại, vấn đề tổ chức thực hiện quyền lực luôn luôn là vấn đề phức tạp nhất và là nguyên nhân của biết bao những cuộc chiến tranh hoặc nội chiến. Thời kỳ phong kiến, toàn bộ quyền lực thuộc về nhà vua. Nhà vua vừa là người ban hành ra pháp luật đồng thời lại là vị pháp quan tối cao trong một nhà nước. Đây là cơ chế tổ chức quyền lực điển hình cho việc ban hành các quyết định tuỳ tiện của người đứng đầu quốc gia. Mác đã phê phán cơ chế tổ chức quyền lực kiểu này và cho rằng: “sự tuỳ tiện là quyền lực của vua” hay “quyền lực của vua là sự tuỳ tiện”1. Giai cấp tư sản khi tiến hành cách mạng đã đưa ra khẩu hiệu tự do, bình đẳng, bác ái nhằm lật đổ chế độ phong kiến và lập nên những thiết chế mới, trong đó nghị viện được lập ra để thực hiện quyền lập pháp thay cho việc ban hành các  chiếu chỉ của nhà vua. Hoạt động của nghị viện cũng như chính phủ, toà án bị giới hạn trong khuôn khổ của Hiến pháp tư sản và giữa các cơ quan này đã có cơ chế về kiểm tra, kiềm chế, đối trọng lẫn nhau. Giai cấp tư sản cũng đưa ra nhiều tuyên ngôn, hiến chương khẳng định địa vị pháp lý của người công dân là chủ thể của quyền lực. Tuy nhiên, sau khi giành được thắng lợi trong việc thủ tiêu các thiết chế phong kiến, toàn bộ quyền lực nhà nước rơi vào tay giai cấp tư sản. Cách mạng tháng Mười Nga mở ra một trang mới trong việc thiết lập những thiết chế nhằm bảo đảm quyền lực thuộc về nhân dân. Khẩu hiệu “toàn bộ chính quyền về tay các Xô Viết” do Lê nin đề xướng đã trở thành mục tiêu phấn đấu không ngừng của các thế hệ đảng viên Đảng cộng sản Bôn-sê-vích ở Nga.

Trên đường đi tìm đường cứu nước, Hồ Chí Minh đã tiến hành một cuộc khảo sát dày công về mọi phương diện để chuẩn bị cho cuộc cách mạng của tương lai, trong đó vấn đề tổ chức quyền lực nhà nước như thế nào thường xuyên là đối tượng để Người nghiên cứu, thể nghiệm. Tuỳ theo hoàn cảnh cụ thể, Hồ Chí Minh bày tỏ quan điểm và tiến hành các biện pháp để thực hiện những quan điểm đó.

Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, đại biểu các nước đế quốc tham gia chiến tranh họp Hội nghị ở Vecxây (Pháp), nhân danh nhóm người Việt Nam yêu nước, Nguyễn Ái Quốc gửi đến Hội nghị bản yêu sách của nhân dân An Nam gồm tám điểm, trong đó nội dung điểm bảy và điểm tám như sau:

“7. Thay đổi chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật;

8. Đoàn đại biểu thường trực của người bản xứ, do người bản xứ bầu ra, tại Nghị viện Pháp để giúp cho Nghị viện biết được nguyện vọng của người bản xứ”2.

Sau này, khi diễn ca bản yêu sách của nhân dân An Nam thành Việt Nam yêu cầu ca, thì các điểm bảy và điểm tám được thể hiện như sau:

“Bảy xin Hiến pháp ban hành

Trăm điều phải có thần linh pháp quyền

Tám xin được cử Nghị viên

Qua Tây thay mặt giữ quyền thổ dân”3.

Phân tích Bản yêu sách của nhân dân An Nam và một số tác phẩm khác, nhiều tác giả coi đó là những dấu hiệu thể hiện tư tưởng xây dựng nhà nước pháp quyền của Hồ Chí Minh4. Chúng tôi tán thành với những nhận định này, nhưng đúng như có tác giả đã viết: hiểu như thế là chưa đủ và mới chỉ nhấn mạnh yêu cầu về mặt “pháp trị”5. Theo chúng tôi, cùng với nội dung xây dựng nhà nước pháp quyền được hình thành trong tư tưởng Hồ Chí Minh thì điều quan trọng hơn đó là ý tưởng về vấn đề xây dựng nhà nước và pháp luật thể hiện được ý chí của nhân dân. Sau này, trên báo L’ Humanité, cơ quan ngôn luận của Đảng cộng sản Pháp, Hồ Chí Minh có dịp giải thích rõ hơn quan điểm của Người trong Bản yêu sách của nhân dân An Nam như sau: “Báo L’ Humanité ngày 18.6 mới đây đã đăng văn bản thỉnh cầu của những người An Nam gửi Hội nghị Hoà bình đòi ân xá cho tất cả các tù chính trị người bản xứ, đòi cải cách pháp chế ở Đông Dương bằng ban hành những bảo đảm cho người bản xứ cũng như cho người Âu , đòi tự do cho báo chí, tự do hội họp và lập hội, tự do dạy học, đòi thay đổi chế độ sắc lệnh bằng chế độ pháp luật; và sau cùng đòi có một đoàn đại biểu thường trực của dân bản xứ, được bầu vào Nghị viện Pháp. Chúng tôi chỉ có thể coi các yêu sách rất đúng đắn đó cũng là của chính mình, trong thời đại mà ý muốn của nhân dân nắm quyền tự quyết"6.

Như vậy, ngay từ thời kỳ đầu tiên khi thực hiện các biện pháp đấu tranh chính trị ở trên lãnh địa của chủ nghĩa thực dân Pháp, quan điểm quyền lực thuộc về nhân dân đã trở thành mạch suy nghĩ chủ đạo trong tư tưởng của Hồ Chí Minh.

Tiếp đến năm 1926, trong bản yêu sách gửi Hội vạn quốc, một lần nữa Hồ Chí Minh lại đề cập tới vấn đề quyền tự quyết của nhân dân. Trong bản yêu cầu này, Hồ Chí Minh và những người yêu nước khác đã viết:

“Nếu được độc lập ngay thì nước chúng tôi:

3. Xếp đặt một nền Hiến pháp theo những lý tưởng dân quyền"7.

Lý tưởng dân quyền ở đây không phải là một điều gì xa lạ do Hồ Chí Minh tự nghĩ ra mà là sự tiếp nhận có chọn lọc những giá trị mà nhân loại  đạt được trong cuộc đấu tranh chống chế độ phong kiến quân chủ, chuyên chế. Tư tưởng dân quyền này đã được thể chế trong nhiều tuyên ngôn điển hình của các cuộc cách mạng tư sản như Tuyên ngôn độc lập của Mỹ (1776), Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp (1789). Trong suốt cuộc đời hoạt động của mình, Hồ Chí Minh đã nhiều lần vận dụng những chế định quan trọng nhất thể hiện lý tưởng “dân quyền” trong các bản tuyên ngôn đó để làm vũ khí vạch trần tính chất dã man, tàn bạo, giả nhân, giả nghĩa của chủ nghĩa thực dân cũ và mới8.

Từ Bản yêu sách của nhân dân An Nam đến Bản yêu sách gửi Hội vạn quốc, một vấn đề mới đã hình thành trong tư tưởng Hồ Chí Minh là quyền lực của nhân dân chỉ có  thể được bảo đảm bằng Hiến pháp mà có tác giả gọi đó là tư tưởng về “hiến chính”.

Trở lại vấn đề quyền lực thuộc về nhân dân, chúng ta còn thấy đây là kết quả khảo sát của Hồ Chí Minh trong việc nghiên cứu các cuộc cách mạng điển hình trên thế giới và Người đã thể hiện khá rõ trong tác phẩm Đường cách mệnh9. Đây là tác phẩm được xuất bản năm 1927, trong đó đã ghi nhận những dấu ấn rất quan trọng của tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng. Nghiên cứu cách mạng tư sản ở Mỹ, Hồ Chí Minh rút ra kết luận rằng: chúng ta đã hy sinh làm cách mạng thì làm cho đến nơi, nghĩa là làm cách mạng rồi thì “giao quyền cho dân chúng số nhiều, chớ để trong tay một bọn ít người”; nghiên cứu cách mạng tư sản Pháp, Hồ Chí Minh nhận xét: trong ba lần cách mệnh 1789, 1848,1870 đều vì dân can đảm nhiều; nhưng trí thức ít, cho nên tư bản nó lợi dụng. Công xã Pari thất bại vì không liên lạc với dân cày. Tư bản lừa dân đánh đổ phong kiến rồi lại thay phong kiến mà áp bức dân. Hồ Chí Minh cho rằng: cách mạng tư sản Pháp cũng như cách mạng tư sản Mỹ là cách mạng không đến nơi, tiếng là cộng hoà và dân chủ, kỳ thực trong thì nó tước đoạt công nông, ngoài thì nó áp bức thuộc địa. Từ đó, Người kết luận: “Dân chúng công nông là gốc cách mệnh, tư bản là hoạt đầu (kẻ theo chủ nghĩa cơ hội), khi nó không lợi dụng được dân chúng nữa, thì nó phản cách mệnh”. Nghiên cứu cách mạng tháng mười Nga, Hồ Chí Minh rút ra kết luận có ý nghĩa cực kỳ quan trọng và trở thành phương châm chỉ đạo trong suốt cuộc đời hoạt động của Người là “Cách mệnh Nga dạy cho chúng ta rằng muốn cách mệnh thành công thì phải dân chúng (công nông) làm gốc, phải có Đảng vững bền, phải bền gan, phải hy sinh, phải thống nhất. Nói tóm lại, là phải theo chủ nghĩa Mã Khắc Tư và Lê nin”.

Tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân còn thể hiện ở chỗ Hồ Chí Minh kiên quyết khước từ mọi hình thức ưu đãi mang màu sắc quân chủ trong việc kiến tạo ra một lãnh tụ quốc gia.

Tháng 12.1945, tại Hà Nội, 118 chủ tịch các uỷ ban nhân dân và tất cả các giới đại biểu làng xã công bố một bản kiến nghị: “Yêu cầu Cụ Hồ Chí Minh được miễn phải ứng cử trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới vì Cụ đã được toàn dân suy tôn làm Chủ tịch vĩnh viễn của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà”. Đáp lại nguyện vọng của nhân dân, Hồ Chí Minh đã trả lời như sau: “Tôi là một công dân của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà nên tôi không vượt khỏi thể lệ của Tổng tuyển cử đã định”10.

Ngày 26.12.1945, khi trả lời phỏng vấn của phóng viên các báo, Hồ Chí Minh giải thích rõ hơn lý do vì sao Người không thể không qua bầu cử mà trở thành người lãnh đạo quốc gia. Có nhà báo hỏi: “Thế sao Cụ không ra làm Chủ tịch Việt Nam, Cụ còn phải ra ứng cử lôi thôi?”. Hồ Chí Minh trả lời: “Vì tôi không muốn làm vua Lu-y thập tứ”11.

Tháng 10 năm 1944, trước tình hình thời cơ giải phóng dân tộc đang đến gần, việc thành lập các tổ chức nhà nước như thế nào cho phù hợp  trở thành vấn đề quan trọng được đặt ra đối với cơ quan lãnh đạo của Đảng và của nhân dân. Là người đã dày công nghiên cứu vấn đề này, Hồ Chí Minh viết thư gửi đồng bào và đưa ra phương án rất rõ ràng: “Chúng ta trước phải có  một cái cơ cấu đại biểu cho sự chân thành đoàn kết và hành động nhất trí của toàn thể quốc dân ta. Mà cơ cấu ấy thì phải do một cuộc toàn quốc đại hội gồm tất cả các đảng phái cách mệnh và các đoàn thể ái quốc trong nước bầu cử ra. Một cơ cấu như thế mới đủ lực lượng và oai tín, trong thì lãnh đạo công việc cứu quốc, kiến quốc, ngoài thì giao thiệp với các hữu bang”12. Sau này, diễn biến cuộc cách mạng tháng Tám đã xảy ra đúng như Người dự kiến. Ngày 16.8.1945, tại Tân Trào, Đại hội đại biểu toàn quốc gồm hơn 60 đại biểu đại diện cho các đảng phái chính trị, đoàn thể cứu quốc, các dân tộc, tôn giáo đã thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Sau khi Tổng khởi nghĩa tháng Tám giành được thắng lợi, Uỷ ban dân tộc giải phóng được cải tổ thành Chính phủ lâm thời. Không ai có thể nghi ngờ về những thành tích to lớn mà Chính phủ lâm thời làm được trong cuộc Tổng khởi nghĩa tháng Tám và những ngày đầu tiên của chính quyền cách mạng; không ai có thể nghi ngờ về vai trò đại diện cho nhân dân Việt Nam của Chính phủ lâm thời nhưng dường như Hồ Chí Minh chưa thật yên tâm nếu để kéo dài tình trạng điều hành đất nước bằng thiết chế “Chính phủ lâm thời”. Tại thời điểm quan trọng này, tư tưởng quyền lực thuộc về nhân dân một lần nữa lại được Hồ Chí Minh thể hiện một cách sáng tạo trong việc chỉ đạo thành lập một chính phủ chính thức để kịp thời giải quyết các công việc đối nội và đối ngoại của đất nước. Chính vì vậy mà tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời (ngày 3-9-1945), một trong những công việc khẩn cấp Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ phải tập trung giải quyết là vấn đề bầu cử Quốc hội. Người nói: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc TỔNG TUYỂN CỬ với chế độ phổ thông đầu phiếu”13.

Tóm lại, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề nhân dân nắm quyền tự quyết được hình thành rất sớm và ngày càng được phát triển phong phú thông qua các hoạt động chỉ đạo thực tiễn cách mạng. Theo quan điểm của Người, sau khi “đoạt” được quyền lực bằng một cuộc tổng khởi nghĩa thì hình thức pháp lý tốt nhất để thể hiện quan điểm quyền lực thuộc về nhân dân chỉ có thể thông qua một bản Hiến pháp do Quốc hội ban hành. Một chính phủ muốn có đủ tư cách pháp lý để điều hành đất nước và tham gia các quan hệ pháp luật quốc tế chỉ có thể là Chính phủ của toàn dân do Quốc hội bầu ra. Có thể nói, việc thành lập Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà là kết quả tất yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề quyền lực thuộc về nhân dân. Và đó cũng là sự vận dụng có tính sáng tạo quan điểm chủ nghĩa Mác-Lênin14 của Hồ Chí Minh về cơ quan đại diện trong điều kiện cụ thể của cách mạng Việt Nam.

2. Quốc hội phải do toàn dân bầu ra theo những nguyên tắc dân chủ

Trong các nhà nước tư sản, Quốc hội là một thiết chế được xác lập trong Hiến pháp từ rất sớm. Tuy nhiên, không phải lúc nào giai cấp tư sản cũng tạo điều kiện về mặt pháp lý để nhân dân lao động tham gia vào các cuộc bầu cử. Lịch sử hình thành chế độ đại nghị tư sản đã xảy ra biết bao câu chuyện vô lý, bất công trong việc xác định quyền bầu cử của người dân.

Thời kỳ đầu của chế độ đại nghị, bầu cử chỉ là công việc của những người thuộc tầng lớp thượng lưu, người có của, người là đàn ông, người có quốc tịch nguyên thuỷ. Chẳng hạn, ở Anh trước thời kỳ Cromwell giữ quyền nhiếp chính (1653-1660) có quy định trong Hiến chương chỉ dành quyền đầu phiếu cho những người có tài sản từ trên 200 Anh kim, nên Quốc hội chỉ là một cơ cấu của tầng lớp thượng lưu. Do những hạn chế đó mà thời kỳ 1688-1689, trong cuộc bầu cử vào Hạ nghị viện ở nước Anh có 25 vạn người có quyền bầu cử trên tổng số bảy triệu dân. Hiến pháp 1791 ở Pháp (sau khi Quốc hội Pháp thông qua Bản tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền) quy định về chế độ bầu cử đã chia công dân thành hai loại tích cực và tiêu cực tuỳ theo giá trị tài sản mà họ có. Những người không có tài sản, quần chúng nhân dân lao động bị coi là “công dân tiêu cực”. Quyền bầu cử chỉ dành cho các công dân tích cực là những người từ 25 tuổi trở nên, không làm thuê cho ai, có tên trong danh sách vệ quốc quân và phải nộp một khoản thuế trực thu ít nhất là ba ngày lương. Những điều kiện do Hiến pháp tư sản quy định làm cho hàng triệu người lao động không có quyền bầu cử. Trong cuộc bầu cử Quốc hội năm 1791, ở Pháp chỉ có 4 triệu 28 vạn người là “công dân tích cực” trên tổng số 26 triệu dân.

Do hoàn cảnh lịch sử, việc thành lập Quốc hội ở Việt Nam muộn hơn nhiều nước trên thế giới. Tuy nhiên, xuất phát từ quan điểm quyền lực thuộc về nhân dân nên trong nhiều tác phẩm và bài viết, Hồ Chí Minh cho rằng, trong cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội càng nhiều cử tri tham gia bỏ phiếu càng tốt. Đó không đơn giản chỉ là vấn đề trực tiếp thực hiện quyền lực của nhân dân mà còn là biểu hiện sinh động của một hình thức đấu tranh chính trị chống lại âm mưu của các thế lực thù địch.

Trong một số bài viết trước ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (6.1.1946), Hồ Chí  Minh có viết: “một lá phiếu cũng có sức lực như một viên đạn”, “hễ là công dân thì đều có quyền đi bầu cử”. Tổng tuyển cử tức là tự do, bình đẳng, tức là dân chủ, đoàn kết. Năm 1953, trong các bài viết về Thường thức chính trị đăng trên báo Cứu quốc, Hồ Chí Minh tiếp tục đề cập tới vấn đề quyền bầu cử của nhân dân. Người viết: “Trong các cuộc bầu cử, công dân Việt Nam từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt gái, trai, tôn giáo, mức tài sản, trình độ văn hoá, không phân biệt nòi giống đều có quyền tham gia. Đó là một cách rất hợp lý để nhân dân lao động thực hành quyền thống trị của mình”15.

Một vấn đề đặt ra là việc Hồ Chí Minh quan niệm mở rộng sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân vào công việc bầu cử và ứng cử liệu có ảnh hưởng gì tới tính chất giai cấp của chính quyền hay không? Đặt ra câu hỏi này bởi lẽ theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin, khái niệm nhân dân là một khái niệm mang bản chất giai cấp. Việc quan niệm những đối tượng nào là nhân dân phụ thuộc vào đặc điểm tình hình cụ thể của cách mạng mỗi nước. Ở nước Nga, trên thực tế, sau cách mạng Tháng Mười đã không có chỗ đứng cho giai cấp địa chủ, quý tộc trong chính trị. Hiến pháp 1936 của Liên Xô (cũ) quy định: Liên bang CHXHCN Xô Viết là một Nhà nước XHCN của công nhân và nông dân. Toàn bộ chính quyền ở Liên Xô thuộc về những người lao động ở thành thị và nông thôn, do các đại biểu lao động thay mặt. Như vậy, quan niệm về nhân dân trong Nhà nước Liên Xô là khá thuần khiết dựa trên việc xác định hình thức sở hữu của người lao động (tài sản nhà nước hoặc tài sản hợp tác xã và nông trường tập thể). Sau cách mạng Tháng Tám và suốt cả trong thời kỳ chống Pháp, do thực tiễn Việt Nam có những đặc điểm riêng nên quan niệm về nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh rất cởi mở. Người cho rằng: “Nhân dân là bốn giai cấp công, nông, tiểu tư sản, tư sản dân tộc và những phần tử khác yêu nước. Đó là nền tảng của quốc dân”16. Nhưng quan niệm về nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh cũng không “bao la” đến mức bất kỳ ai sống trên đất nước Việt Nam đều có quyền lợi như nhân dân, không phân biệt ranh giới bản chất giai cấp. Theo Hồ Chí Minh, “Những bọn phản động chưa đến nỗi xử tử vẫn là quốc dân. Nhưng chúng không được ở trong địa vị nhân dân. Chúng không có quyền tuyển cử, ứng cử, không có quyền tổ chức tuyên truyền... song chúng cần phải làm tròn nghĩa vụ, như phục tùng trật tự, tuân theo pháp luật của nhân dân”17.

Tóm lại, quan niệm của Hồ Chí Minh về việc mở rộng cho mọi tầng lớp nhân dân tham gia bầu cử và ứng cử vào Quốc hội có ý nghiã cực kỳ quan trọng trong việc củng cố chính quyền nhân dân. Quan niệm đó một mặt vẫn giữ được bản chất giai cấp của nhà nước ta là nhà nước của giai cấp công nhân, mặt khác, phúc đáp được yêu cầu của cách mạng Việt Nam trong thời kỳ đó là phải thực hiện đại đoàn kết dân tộc để chống thù trong giặc ngoài, thực hiện thắng lợi sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc. Do có những quan niệm đúng đắn về vấn đề bầu cử của Hồ Chí Minh và dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng ta, trong cuộc bầu cử Quốc hội đầu tiên ngày 6/1/1946 có 89% tổng số cử tri đi bỏ phiếu. Trong hoàn cảnh thực dân Pháp đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam và sự chống đối của các thế lực thù địch ngày càng gia tăng ở miền Bắc thì kết quả của cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên là một kỳ tích, khẳng định được sức mạnh to lớn của chính quyền nhân dân.

3. Đại biểu Quốc hội phải là người có tài, có đức

Trong chế độ đại nghị tư sản, nghị sỹ không phải là người đại diện cho lợi ích của đa số nhân dân lao động. Các nhà kinh điển Mác xít đã nhiều lần vạch trần tính chất phi lý trong việc bầu các nghị sỹ trong nhà nước tư sản. Thời kỳ 1688-1689 ở nước Anh gần một nửa số nghị sỹ ở Hạ viện là những người được bầu ra từ những “thị trấn hoang tàn”. Đó là những vùng ít dân cư, thường cử tri bầu nghị sĩ theo ý muốn của chúa đất. Khi mảnh đất được bán đi thì người chủ mới được thay thế chủ cũ làm nghị sỹ đại biểu của nơi đó. Ghế nghị sỹ được mua đi, bán lại, nhà giầu mua chuộc cử tri và có khi mua hẳn lá phiếu của cử tri. Mác đã nhận xét về các nghị sỹ được bầu trong Hạ viện Anh tháng 2-1874 và thời gian trước đó như sau: “Hạ nghị viện trước đây, xét về trình độ trí tuệ chung ở dưới mức bình thường. Nghị viện này, một mặt chủ yếu gồm những quý tộc tỉnh lẻ và con cái của những đại địa chủ, mặt khác cũng gồm cả những chủ ngân hàng, những giám đốc công ty đường sắt, những chủ xưởng bia và những kẻ khác mới phất lên, trong đó cũng có một số nhà hoạt động chính trị, luật gia, giáo sư... Nghị viện khoá này ở một mức độ phi lý còn lớn hơn so với Nghị viện khoá trước, chỉ tuyệt đối đại diện cho bọn đại sở hữu ruộng đất và cho túi tiền”18. Ở Mỹ, các nghị sỹ cũng chỉ là người đại diện cho quyền lực tối cao của đồng tiền. Sử sách Mỹ ghi rằng, năm 1868, khi vua xe lửa Jay Gold cạnh tranh với vua tàu biển Vanderbilt trong việc mua quyền làm chủ đường xe lửa I-ri, thì ông ta xách một vali đầy ắp 50 vạn đô la tiền mặt lên thủ đô bang New York. Ông phân phát tiền cho các thành viên thượng và hạ nghị viện để yêu cầu họ ban hành một đạo luật ngăn cản không cho ông chủ tàu biển Vanderbilt mua công ty xe lửa. Jay Gold đã thắng cuộc sau khi bỏ thêm 50 vạn đô la nữa. Ông nói: “Trong địa bàn của phe Cộng hoà thì tôi là đảng viên Cộng hoà. Trong địa bàn của phe Dân chủ thì tôi là đảng viên Dân chủ. Trong địa bàn xôi đậu thì tôi cũng xôi đậu. Nhưng tôi luôn luôn ủng hộ công ty xe lửa I-ri”19. Đánh giá thực chất nghị sỹ trong nghị viện tư sản, vào tháng 8 - tháng 9 năm 1917 khi viết tác phẩm Nhà nước và cách mạng, VI.I Lênin cho rằng: “Cứ mấy năm một lần định xem người nào trong giai cấp thống trị chà đạp và đè nén nhân dân trong Nghị viện, đó là thực chất của chế độ đại nghị tư sản, không chỉ trong các nước quân chủ lập hiến-đại nghị mà cả trong những nước cộng hoà dân chủ nữa”. Vì vậy, khi bàn về tổ chức bộ máy nhà nước XHCN, một mặt Lê nin tán thành việc duy trì cơ quan nghị viện, mặt khác, Người đặt ra yêu cầu khá nghiêm ngặt đối với nghị sỹ.Theo Lê nin, nghị viện trong Nhà nước XHCN là một nghị viện gồm các đại biểu công nhân trong đó “Nghị sỹ phải tự mình công tác, tự mình thực hiện những luật pháp của mình và tự mình kiểm tra lấy tác dụng của những luật pháp ấy”20.

Hồ Chí Minh, con người đã đi khắp năm châu bốn biển để tìm đường cứu nước, đã dày công nghiên cứu các cuộc cách mạng điển hình của thế giới từ cách mạng tư sản châu Âu, châu Mỹ đến cách mạng tháng Mười Nga. Vì vậy, Người rất hiểu vai trò của cán bộ trong sự nghiệp cách mạng nói chung và đại biểu Quốc hội nói riêng. Đại biểu Quốc hội là chủ thể giữ vai trò then chốt nếu không muốn nói là quan trọng nhất trong việc thực hiện quyền lực nhà nước của Quốc hội -cũng tức là thực hiện quyền lực do nhân dân uỷ quyền bằng một cuộc bầu cử trực tiếp. Về tiêu chuẩn của người đại biểu Quốc hội Việt Nam, trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Người nêu rất cô đọng mà đầy đủ các đặc điểm cần và đủ của người cán bộ cách mạng. Người viết: “Tổng tuyển cử là một dịp cho toàn thể quốc dân lựa chọn những người có tài, có đức để gánh vác công việc nước nhà”21; “những người trúng cử sẽ phải ra sức giữ vững nền độc lập của Tổ quốc, ra sức mưu cầu hạnh phúc của đồng bào. Phải luôn luôn nhớ và thực hành câu: vì lợi nước, quên lợi nhà, vì lợi chung, quên lợi riêng.

Phải làm sao cho xứng đáng với đồng bào, cho xứng đáng với Tổ quốc”22.

Trong điều kiện xây dựng chủ nghĩa xã hội, đại biểu Quốc hội còn phải là người “cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ nhân dân, phục vụ chủ nghĩa xã hội”23.

Sau này, trong bài nói chuyện với đồng bào thủ đô nhân dịp mừng kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá II, Hồ Chí Minh nêu rõ hơn về phẩm chất của người đại biểu Quốc hội, Người nói: “Tất cả đại biểu Quốc hội hứa với đồng bào là được cử vào Quốc hội để làm đại biểu Quốc hội không phải là để làm quan, không phải là để ngồi trên ăn trốc mà là người đầy tớ tuyệt đối trung thành của đồng bào”24.

4. Quốc hội phải quyết định những công việc quan trọng nhất của đất nước

Trong lịch sử hình thành nghị viện ở Phương Tây, địa vị pháp lý của Nghị viện có nhiều thay đổi tuỳ theo mối tương quan lực lượng giữa nghị viện và nhà vua ở từng thời điểm. Thời kỳ nguyên thuỷ (thế kỷ XIII), nghị viện ở Anh, Pháp chỉ là cơ quan tư vấn cho nhà vua trước khi vua ra các quyết định quan trọng mà chủ yếu là vấn đề tài chính, thuế để phục vụ cho các cuộc chiến tranh. Do sự phát triển của xã hội, Nghị viện ngày càng có địa vị pháp lý cao hơn và ngày càng trở nên độc lập với nhà vua. Đến thế kỷ XV-XVI, Nghị viện ở Anh có toàn quyền lập pháp. Đó là giai đoạn mà “Nghị viện có quyền được làm tất cả, chỉ trừ việc biến đàn ông thành đàn bà”. Trong cuộc tranh chấp quyền lực giữa nghị viện và nhà vua đã xảy ra biết bao cuộc nội chiến, cách mạng. Có khi nghị viện bị giải tán hoặc đình chỉ hoạt động, lãnh tụ nghị viện bị tống giam cho đến chết (như trường hợp vua Charles I giải tán Nghị viện Anh năm 1629 và tống giam Sir John Eliot lãnh tụ Hạ nghị viện và nhiều nghị sỹ khác; dưới thời vua Lui XIV, một ông vua tiêu biểu cho tư tưởng thần quyền ở Pháp với câu nói nổi tiếng “quốc gia là trẫm” thì suốt 72 năm cai trị của ông ta (1643-1715), Nghị viện không có hội họp gì cả); có khi Nghị viện thắng thế lập Toà án đặc biệt để xét xử nhà vua (trường hợp vua Charles I bị tử hình ở Anh năm 1649).

Trên cơ sở nghiên cứu các mô hình tổ chức quyền lực thời kỳ phong kiến, các nhà tư tưởng thời kỳ khai sáng (thế kỷ XVIII) đã xây dựng nên học thuyết phân chia quyền lực để xây dựng những thiết chế mới thay cho chế độ cũ. Cách mạng tư sản và Hiến pháp tư sản lần lượt ra đời tạo cho thiết chế nghị viện ngày càng có địa vị pháp lý ổn định trong bộ máy nhà nước. Tuy ở mỗi nước có những quy định cụ thể khác nhau nhưng hầu hết các hiến pháp tư sản đều trao cho Nghị viện những thẩm quyền quan trọng như thực hiện chức năng lập pháp, thông qua ngân sách nhà nước và thành lập ra các cơ quan nhà nước, kiểm sát hoạt động của chính phủ.

Chủ nghĩa Mác-Lênin đã nêu ra sự cần thiết phải có thiết chế Quốc hội trong nhà nước XHCN, nhưng địa vị pháp lý của quốc hội như thế nào trong cơ chế tổ chức quyền lực vẫn là vấn đề còn để ngỏ vì điều này phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của mỗi nước, mỗi thời kỳ.

Ở Việt Nam, Quốc hội ra đời không phải là để cạnh tranh hay đòi hỏi chia sẻ quyền lực với nhà vua như nghị viện các nước phương Tây. Sự ra đời của Quốc hội Việt Nam trước hết xuất phát từ yêu cầu của thực tiễn cách mạng. Thời kỳ đó cần phải có một chính phủ hợp pháp có đủ tư cách pháp lý thực hiện các công việc đối nội, đối ngoại của đất nước. Muốn có một chính phủ hợp pháp như vậy chỉ có thể được thành lập từ một Quốc hội. Đó cũng là lý do vì sao cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta được diễn ra khẩn trương như vậy. Trong nhiều tác phẩm của mình, Hồ Chí Minh đã thể hiện nhất quán quan điểm của Người về vai trò của Quốc hội.

Theo Người, Quốc hội là cơ quan “quyết định những công việc quan trọng nhất  của đất nước”. Quan điểm này có thể được xem xét dưới các góc độ sau đây:

4.1. Quan niệm “Quốc hội quyết định những công việc quan trọng nhất của đất nước” có nghĩa là Quốc hội không phải là cơ quan duy nhất thực hiện quyền lực của nhân dân. Trong rất nhiều tác phẩm, bài phát biểu khi điểm lại những thành tựu to lớn mà nhân dân ta đã đạt được trong sự nghiệp cách mạng, Hồ Chí Minh luôn luôn đề cập tới vai trò của Đảng-Quốc hội-Chính phủ-Mặt trận như một thể thống nhất của các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị cùng thực hiện nhiệm vụ do nhân dân giao phó dưới sự lãnh đạo của Đảng. Trong cơ chế thực hiện quyền lực ở nhà nước ta, Đảng cộng sản đã trở thành một mắt xích quan trọng chi phối tất cả các khâu khác. Đây không phải là một điều “bí mật” có tính cá biệt. Thực tiễn đời sống chính trị quốc tế trong nhiều thập kỷ qua cho thấy: thay vào việc tranh giành ảnh hưởng lẫn nhau giữa các quyền lập pháp, quyền hành pháp, quyền tư pháp theo lý thuyết phân quyền của Montesquieu là sự tranh giành quyền lực giữa các Đảng phái chính trị (ở Mỹ đó là đảng Dân chủ và đảng Cộng hoà, ở Anh là đảng Cấp tiến và đảng Bảo thủ). Đảng nào chiếm nhiều ưu thế trong Quốc hội thì có quyền chi phối rất lớn trong thực thi quyền lực nhà nước. Ở nước ta, Hồ Chí Minh đã từng tuyên bố công khai: “Đảng ta là Đảng cầm quyền”; “cơ quan lãnh đạo của Đảng có uy tín và quyền lực chân chính”; “quyền lực của cơ quan lãnh đạo là do quần chúng đảng viên giao phó, chứ không phải tự ai tranh giành được”. Sự lãnh đạo của Đảng là tất yếu vì Đảng lãnh đạo nhân dân tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám thắng lợi, đã đoạt lại quyền lực của chính mình từ tay đế quốc phong kiến. Lợi ích của Đảng không tách rời lợi ích giai cấp, lợi ích dân tộc và lợi ích của nhân dân. Đảng thực hiện quyền lãnh đạo của mình đối với nhà nước bằng các phương pháp riêng của Đảng.

4.2. Quan điểm “Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước” cho thấy trong tư tưởng Hồ Chí Minh việc xác định địa vị pháp lý của Quốc hội là có phần nổi trội hơn so với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước (Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao); mặt khác, quan niệm đó cũng nói lên rằng: quyền lực nhà nước muốn được thực thi tốt cũng phải có sự phân công lao động. Quốc hội không thể làm tất cả mà chỉ quyết định những vấn đề quan trọng nhất. Những vấn đề quan trọng khác của địa phương thì do cơ quan có thẩm quyền của địa phương quyết định. Quan niệm Quốc hội là cơ quan quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước có ý nghĩa to lớn về lý luận và thực tiễn. Một là, Quốc hội không bị sa đà tranh luận giải quyết những vấn đề ít quan trọng, làm tầm thường hoá vai trò của cơ quan đại diện; Hai là, Quốc hội không thể là cơ quan tập trung toàn bộ quyền lực như một số tác giả quan niệm từ trước tới nay. Tập trung toàn bộ quyền lực vào một cơ quan hay một cá nhân là điều hoàn toàn xa lạ với tư tưởng Hồ Chí Minh. Câu nói  của Hồ Chí Minh: “Tôi không muốn làm vua Lu-y thập tứ” đã phản ánh đậm nét tư tưởng của Người về vấn đề này.

4.3. Những vấn đề quan trọng nhất của đất nước thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội trong tư tưởng Hồ Chí Minh là một chế định vừa chứa đựng những nội dung mang tính phổ biến thể hiện những giá trị mà văn minh nhân loại đã đạt được, vừa có những nội dung mới phù hợp với đặc điểm tình hình của Việt Nam. Vấn đề đặt ra là tiêu chí nào để xác định một vấn đề thuộc tầm quan trọng nhất của một đất nước.

Từ thế kỷ XVIII, trong tác phẩm Bàn về khế ước xã hội, Rouseau (1717-1778) đã cho rằng, “lập pháp là đỉnh cao nhất của sự hoàn thiện mà sức mạnh tập thể có thể đạt tới... Đó là một chức năng đặc biệt và cao cả, không giống với chức năng của một con người cụ thể, bởi vì ai đã truyền lệnh cho người thì không được truyền lệnh cho pháp luật và kẻ đã truyền lệnh cho pháp luật cũng không nên truyền lệnh cho người”.

Sau này, khi bàn về mối quan hệ giữa quyền lập pháp và chế độ nhà nước trong tác phẩm Góp phần phê phán triết học pháp quyền của Hêghen, C.Mác đã giải thích về quyền lập pháp như sau: “Quyền lập pháp là quyền lực phải tổ chức lại cái phổ biến. Nó là quyền lực phải thiết lập chế độ nhà nước. Nó cao hơn chế độ nhà nước.

Nhưng mặt khác, quyền lập pháp lại là quyền lực được xác lập phù hợp với chế độ nhà nước. Vì thế, nó phải phụ thuộc vào chế độ nhà nước”.

Qua các ý kiến trên đây có thể thấy rằng: hoạt động lập pháp là một trong những công việc quan trọng nhất của mỗi đất nước. Mỗi bước phát triển trong hoạt động lập pháp là sự thể hiện bước phát triển của chế độ. Điều đó lý giải vì sao trong nhiều tác phẩm của mình, Hồ Chí Minh luôn  đề cao vai trò của Quốc hội trong việc làm Hiến pháp và làm luật. Chính Người đã nhận xét là sau khi thông qua Hiến pháp 1946, “Quốc hội đã thu được kết quả làm vẻ vang cho đất nước”. Đánh giá ý nghĩa của Luật Cải cách ruộng đất, Hồ Chí Minh cho rằng, “vì đạo lụât cách mạng đó mà đồng bào nông dân sẽ đời đời ghi nhớ sự nghiệp to lớn của Quốc hội”. Khi viết bài Quốc hội ta vĩ đại thật, Hồ Chí Minh đã tổng kết những việc quan trọng nhất Quốc hội khoá I đã làm là: tuyên bố kháng chiến cứu nước, thông qua Luật Cải cách ruộng đất, thông qua Hiến pháp mới. Như vậy, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, vấn đề lập hiến, lập pháp luôn luôn là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Quốc hội.

Bên cạnh chức năng lập pháp, để thể hiện vai trò là cơ quan quyết định những vấn đề quan trọng nhất của đất nước, trong nhiều tác phẩm, bài viết, bài phát biểu, Hồ Chí Minh còn đề cập tới những công việc Quốc hội đã làm như thông qua ngân sách, thông qua các kế hoạch nhà nước. Đặc biệt trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Hồ Chí Minh nhiều lần đề nghị Quốc hội ra các tuyên bố chính trị biểu dương thành tích to lớn quân dân hai miền Nam-Bắc. Đối với Hồ Chí Minh, Quốc hội còn là một diễn đàn chính trị thể hiện ý chí thống nhất quyết tâm giành độc lập tự do không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam.

Trong mối quan hệ giữa Quốc hội với các cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, theo Hồ Chí Minh, Chính phủ, người đứng đầu nhà nước cũng phải do Quốc hội bầu ra. Đó là lý do vì sao Người rất sốt sắng trong việc chỉ đạo khẩn trương tổ chức cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên để bầu ra Chính phủ chính thức thay cho Chính phủ lâm thời. Và chính Người đã khước từ lời đề nghị của nhân dân về việc để Hồ Chí Minh làm Chủ tịch vĩnh viễn không qua bầu cử. Nghiên cứu một số hoạt động khác của Hồ Chí Minh còn thấy rằng: trong tư tưởng của Người, Quốc hội còn là cơ quan thực hiện quyền kiểm soát đối với Chính phủ và người đứng đầu nhà nước25. Trong đêm lịch sử trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội khoá I, Chủ tịch Hồ Chí Minh gần như đã thức trắng đêm để duyệt lại lần cuối cùng toàn bộ chương trình kỳ họp, sửa chữa lại câu chữ trong các văn kiện. Toàn bộ nội dung, chương trình phiên họp Quốc hội ngày 2-3-1946 chúng tôi thấy có mấy điểm đáng chú ý sau đây:

Một là, Quốc hội nhận xét Chính phủ lâm thời đã làm được nhiệm vụ kháng chiến, kiến quốc và tuyên bố Hồ Chí Minh xứng đáng với Tổ quốc;

Hai là, Quốc hội bầu Chính phủ mới, cố vấn đoàn, kháng chiến uỷ viên hội;

Ba là, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ, Tối cao cố vấn đoàn và uỷ viên kháng chiến hội đọc lời thề trước Quốc hội;

Bốn là, Quốc hội ra bản Tuyên ngôn của Quốc hội Việt Nam.

Qua các hoạt động này có thể thấy rằng, trong tư tưởng Hồ Chí Minh, người đứng đầu nhà nước, Chính phủ và những cá nhân khác giữ trọng trách trong bộ máy nhà nước luôn luôn phải có sự tín nhiệm từ phía Quốc hội và chiụ sự kiểm soát của Quốc hội. Sau này, nhiều lần Quốc hội ra Nghị quyết về tín nhiệm Chính phủ, biểu dương các đại biểu Quốc hội đã hy sinh vì sự nghiệp kháng chiến kiến quốc, truất quyền đại biểu Quốc hội của những đại biểu rời bỏ nhiệm vụ kháng chiến kiến quốc cũng xuất phát từ quan điểm về việc thực hiện quyền kiểm soát của Quốc hội.

Kết luận

Trong cuộc đời hoạt động của Hồ Chí Minh, Người đã dành nhiều tâm huyết vào việc xây dựng và củng cố bộ máy nhà nước nói chung và Quốc hội nói riêng. Tư tưởng của Người khi chiến tranh cũng như trong thời bình, Quốc hội luôn luôn là một thiết chế dân chủ để thông qua đó, nhân dân thực hiện quyền lực của mình. Ngày nay, nghiên cứu tư tưởng Hồ Chí Minh về tổ chức và xây dựng Quốc hội, chúng ta có thể thấy rằng: để đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới Quốc hội cần phải đổi mới toàn diện từ việc tổ chức bầu cử, lựa chọn đại biểu ứng cử cho đến việc tổ chức thực hiện các chức năng của Quốc hội. Một khi Quốc hội chưa làm hết chức năng của mình là đồng nghĩa với việc quyền lực của nhân dân chưa được thực hiện đầy đủ. Toàn bộ hoạt động của Quốc hội trong những năm qua có hai vấn đề tồn tại quan trọng nhất mà theo chúng tôi cần phải có phương án giải quyết:

Một là, vấn đề thông qua ngân sách vốn dĩ là kết quả của cuộc đấu tranh bền bỉ, lâu dài qua nhiều thế kỷ giữa nghị viện và nhà vua và cuối cùng nghị viện đã đoạt được quyền này. Đây là thắng lợi của một xu thế thực hiện quyền lực dân chủ so với quyền lực quân chủ, chuyên chế. Hiến pháp năm 1946 và các Hiến pháp năm 1959, năm 1980, năm 1992 đều ghi nhận ngân sách thuộc quyền quyết định của Quốc hội. Tuy nhiên, cho đến nay, Quốc hội ta vẫn chưa thực hiện đầy đủ quyền này. Chỉ khi nào Quốc hội trực tiếp quyết định đầy đủ các khoản ngân sách nhà nước thì việc giám sát mới có khả năng chỉ rõ những địa chỉ cụ thể, những người phải chịu trách nhiệm để  thất thoát tiền bạc của nhân dân.

Hai là, khuynh hướng khiếu nại của nhân dân đối với cơ quan hành chính, tư pháp ngày một gia tăng mà các cơ quan này không có khả năng xử lý nổi hoặc không thuyết phục được nhân dân. Vì vậy, trong thế kỷ tới Quốc hội với tư cách là cơ quan đại diện cho nhân dân cần có vai trò lớn hơn về vấn đề này.

Chúng tôi cho rằng, thực hiện tốt hai vấn đề vừa bức xúc, vừa cơ bản nói trên là sự vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề quyền lực thuộc về nhân dân thông qua hoạt động của Quốc hội./.

 

 


 


[*] Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 1/2001.

**Hiện là Tiến sĩ.


 


1 C.Mác và Ph.Ăng ghen toàn tập, Nxb.  Chính trị Quốc gia -Sự thật, Hà Nội 1995, tập 1,  tr. 335.

2 Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia -Sự thật, Hà Nội, 2000, tập 1,  tr. 438.

3 Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia -Sự thật, Hà Nội, 2000, tập 1, tr. 436.

4 Xem Đoàn Trọng Truyến, Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước, Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 4-1993; Nguyễn Văn Thảo, Nhà nước kiểu mới trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Tạp chí Cộng sản số 5-1995; Vũ Đình Hoè, Nội dung về một nhà nước của dân, do dân, vì dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh qua bộ máy hành pháp in trong cuốn Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật -Bộ tư pháp, Viện nghiên cứu khoa học pháp lý, 1993, tr. 181-184.

5 Xem Đào Trí Úc, Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật, Tạp chí Nhà nước và pháp luật số 2-1995.

6 Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb.  Chính trị quốc gia -Sự thật, Hà Nội 2000, tập 1,  tr. 6.

7 Vũ Đình Hoè, Nội dung về một nhà nước của dân, do dân, theo tư tưởng Hồ Chí Minh qua bộ máy hành pháp in trong cuốn Tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật -Bộ tư pháp, Viện nghiên cứu khoa học pháp lý 1993, tr. 182.

8 Xem Ông Anbexaro và Bản tuyên ngôn nhân quyền, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 1, tr. .238-240; Thống chế Liôtây vàBản tuyên ngôn nhân quyền, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2, tr. 269-274; Tuyên ngôn độc lập, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4,  tr. 1-4; Trả lời tạp chí Mainôrity, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 11,  tr. 271-276.

9 Xem Hồ Chí Minh toàn tập, tập 2,  tr. 269-274.

10 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, tr. 116.

11 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, tr. 125.

12 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, tr. 505.

13 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4, tr. 8.

14 Trong tác phẩm “Nhà nước và cách mạng”, VI Lê nin cho rằng: “... phương pháp thoát khỏi chế độ đại nghị không phải là phá huỷ  cơ quan đại diện và nguyên tắc tuyển cử mà là biến những cơ quan đại diện ấy từ chỗ là những cái máy nói thành những “cơ quan hành động”... Chúng ta không thể quan niệm một nền dân chủ, dẫu là một nền dân chủ vô sản, mà lại không có cơ quan đại diện...”, xem Lênin toàn tập, Nxb. Tiến bộ-Matxcơva 1976, tập 33,  tr. 57, 59.

15 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7,  tr. 219-220.

16 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7,  tr. 219-220.

17 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7,  tr. 219-220.

18 C.Mác và Ph.Ăngghen toàn tập, Nxb. Chính trị Quốc gia -Sự thật, Hà Nội 1995, tập 18, tr. 669.

19 Xem Phi Bằng, 20 năm tham quan nước Mỹ, Nxb. Trẻ,  tr. 190-191.

20 Lênin toàn tập, Nxb. Tiến bộ, Matxcơva, 1976,  tập 33,  tr. 59.

21 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4,  tr. 133, 145.

22 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 4,  tr. 133, 145.

23 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10,  tr. 132.

24 Hồ Chí Minh toàn tập, tập 10,  tr. 177.

25 Xem Vũ Kỳ, Bác Hồ với đêm trước kỳ họp đầu tiên Quốc hội khoá I, Tạp chí Người đại biểu nhân dân số tháng 4-1996.