VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP III 1964 - 1971

BÁO CÁO CỦA CHÍNH PHỦ
VỀ PHONG TRÀO THI ĐUA YÊU NƯỚC

(Do Phó Thủ tướng Lê Thanh Nghị trình bày
tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá III, ngày 27-6-1964)

 

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Kính thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Sau Cách mạng tháng Tám, nhân dân ta đã vượt qua nhiều khó khăn gian khổ, giành được thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến cứu nước. Từ khi hoà bình được lập lại, nhân dân ta không ngừng tiến lên đạt được nhiều thắng lợi trong công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế, phát triển văn hoá, cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Bản báo cáo của Hồ Chủ tịch tại Hội nghị Chính trị đặc biệt và bản báo cáo của Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước Quốc hội đã nêu lên rất rõ những thắng lợi to lớn mà nhân dân ta đã giành được trong mười năm qua, làm cho nhân dân ta vô cùng phấn khởi và tin tưởng.

Những thắng lợi đã giành được là do nhân dân ta dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và Chính phủ đứng đầu là Hồ Chủ tịch, đã hăng hái đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, lao động quên mình, đoàn kết chặt chẽ, đấu tranh anh dũng. Thi đua yêu nước là đòn xeo mà nhân dân ta dùng để đẩy mạnh mọi mặt hoạt động kinh tế, văn hoá, v.v. nhằm hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ cách mạng.

Thưa các đồng chí đại biểu,

Phong trào thi đua yêu nước khởi đầu từ tháng 6 năm 1948, cách đây vừa đúng 16 năm, khi Hồ Chủ tịch thay mặt Đảng và Chính phủ phát động phong trào thi đua yêu nước trong toàn quốc. Hồ Chủ tịch kêu gọi nhân dân ta:

"Người người thi đua,

Ngành ngành thi đua,

Ta nhất định thắng,

Địch nhất định thua"

Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch thấm sâu vào tâm trí của nhân dân ta, cổ vũ, động viên mọi người hăng hái thi đua yêu nước. Công nhân, nông dân, quân đội, dân quân du kích, trí thức, các nhà tư sản dân tộc, nam nữ thanh niên, phụ lão, thiếu nhi, các ngành chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá, các dân tộc nhiều người và dân tộc ít người, từ đồng bằng đến miền núi, mọi người, mọi ngành đều phấn khởi ra sức thi đua. Trong 16 năm qua, suốt trong thời kỳ kháng chiến và từ khi hoà bình được lập lại đến nay, phong trào thi đua yêu nước phát triển liên tục và ngày càng sâu rộng.

Phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta thu được nhiều thắng lợi lớn do có mục đích cụ thể, nội dung rõ ràng trong từng giai đoạn cách mạng.

Trong thời kỳ kháng chiến, mục đích thi đua của ta là diệt giặc ngoại xâm, diệt giặc đói, diệt giặc dốt. Khẩu hiệu thi đua chung là: "tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng". Do toàn dân thi đua, thi đua toàn diện, nhân dân ta đã giành được thắng lợi vẻ vang trong cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ. Sau khi hoà bình được lập lại, mục đích thi đua của ta là: khôi phục kinh tế và phát triển văn hoá, trên cơ sở sản xuất phát triển, cải thiện dần đời sống của nhân dân.

Sau thời kỳ khôi phục kinh tế, mục đích của thi đua là thực hiện từng bước công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật, đưa miền Bắc tiến nhanh lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà. Khẩu hiệu thi đua là: "Vì chủ nghĩa xã hội, vì miền Nam ruột thịt, vì thống nhất Tổ quốc, ra sức sản xuất, công tác và học tập".

Trong nông thôn , sau cải cách ruộng đất, nông dân ta đã hăng hái thi đua khôi phục lại ruộng đất bị bỏ hoang, mở rộng diện tích bằng tăng vụ và khai hoang, phát triển thuỷ lợi, tăng thêm phân bón, anh dũng chống thiên tai, bảo vệ sản xuất. Từ chỗ làm ăn riêng lẻ, nông dân lao động đi vào con đường làm ăn tập thể. Sau khi đã căn bản hoàn thành hợp tác hoá nông nghiệp, phong trào thi đua bước sang giai đoạn mới có tính chất xã hội chủ nghĩa. Trong hơn hai năm gần đây, cuộc vận động cải tiến quản lý hợp tác xã nông nghiệp được mở rộng đã giúp cho hợp tác xã phát triển vững chắc, kinh tế tập thể được tăng cường. Phong trào thi đua "làm mùa đạt năng suất cao" năm 1963 và phong trào thi đua "năng suất cao, hoa mầu nhiều, chăn nuôi giỏi, cây công nghiệp tăng" trong vụ đông - xuân 1963 - 1964 đã lôi cuốn đông đảo hợp tác xã thi đua và gây trong nông thôn hợp tác hoá của ta từ đồng bằng đến miền núi một không khí sôi nổi sản xuất. Số đội sản xuất, đội thuỷ lợi và hợp tác xã nông nghiệp tiên tiến ngày một tăng. Nhiều hợp tác xã đã đạt năng suất khá cao về thóc, hoa mầu, đẩy mạnh trồng cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi lợn tập thể và trâu bò vừa cày, kéo vừa sinh sản.

Trên mặt trận sản xuất công nghiệp , công nhân ta ra sức thi đua khôi phục lại xí nghiệp cũ, mở rộng thêm sản xuất, tiến hành xây dựng nhiều xí nghiệp mới, thực hiện ưu tiên phát triển công nghiệp nặng một cách hợp lý, đồng thời ra sức phát triển công nghiệp nhẹ, đẩy mạnh phát triển tư liệu sản xuất và hàng tiêu dùng. Cuộc vận động cải tiến chế độ quản lý xí nghiệp quốc doanh, cuộc vận động hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật và cuộc vận động "ba xây, ba chống" đã nâng cao trình độ tổ chức sản xuất, trình độ quản lý, thúc đẩy sự tiến bộ về kỹ thuật nhằm thực hiện ba mục tiêu chính: năng suất lao động cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều.

Phong trào thi đua trong các xí nghiệp công nghiệp địa phương và hợp tác xã thủ công nghiệp phát triển khá mạnh, đã phát huy nhiều khả năng tiềm tàng phục vụ cho sản xuất nông nghiệp và nhu cầu tiêu dùng của nhân dân.

Trong các ngành thương nghiệp, giáo dục, y tế, văn hoá là những ngành công tác mà trước đây có người cho rằng khó thi đua, trong mấy năm gần đây phong trào thi đua phát triển khá sôi nổi, nhờ đó hiệu suất công tác được nâng cao, việc phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân được tốt hơn trước.

Trên cơ sở sản xuất phát triển, đời sống của nhân dân lao động được cải thiện hơn trước. Trong nông thôn, thu nhập của hợp tác xã và xã viên ngày một tăng, trường học, nhà hộ sinh, nhà giữ trẻ ở đâu cũng có. Ở thành thị, nạn thất nghiệp đã được giải quyết, hàng chục vạn người được thu xếp công việc làm. Trong các xí nghiệp và cơ quan nhà nước, phúc lợi tập thể càng ngày càng được mở rộng.

Từ năm 1962, trong các ngành công nghiệp, thương nghiệp, sự nghiệp hành chính, phong trào thi đua tập thể phát triển khá mạnh, từ phong trào tổ, đội lao động tiên tiến, tiến lên phong trào phấn đấu trở thành tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa. Phong trào phát triển khá mạnh mẽ, rộng rãi, vững chắc. Đến nay trong hơn 5 vạn tổ và đội sản xuất, công tác có hơn một phần ba là tổ và đội tiên tiến. Trong số hơn một vạn tổ được công nhận ghi tên, đã có 1.059 tổ và đội sản xuất và công tác được Chính phủ công nhận là tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa. Các tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa đều là những tổ và đội đã nêu cao tinh thần làm chủ tập thể, tinh thần tự lực cánh sinh, dũng cảm lao động, kiên trì khắc phục khó khăn, hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch nhà nước với mức phấn đấu cao. Trong các tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa, tinh thần hợp tác xã hội chủ nghĩa được phát huy, người tiên tiến dìu dắt người chậm tiến, thân ái giúp đỡ nhau trong sản xuất và công tác, đùm bọc nhau khi gặp khó khăn trong đời sống, nêu cao đạo đức xã hội chủ nghĩa: "mình vì mọi người, mọi người vì mình".

Hoà nhịp với phong trào thi đua của nhân dân, phong trào thi đua "ba nhất" trong quân đội và các lực lượng vũ trang nhân dân ngày càng phát triển rộng rãi và đi vào bề sâu, đã động viên mạnh mẽ cán bộ, chiến sĩ quân đội và công an, dân quân tự vệ ra sức học tập rèn luyện, xây dựng quân đội tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc lên chính quy, hiện đại, xây dựng tốt lực lượng công an, dân quân tự vệ, phục vụ việc tăng cường củng cố quốc phòng, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc, bảo vệ sản xuất, bảo vệ nhân dân, giữ gìn trật tự an ninh, chống mọi âm mưu và hành động phá hoại, khiêu khích của địch. Quân đội ta tiếp tục phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng của quân đội nhân dân, ngoài việc rèn luyện học tập còn thi đua tăng gia sản xuất để tự cấp một phần và tham gia vào việc phát triển kinh tế, củng cố hậu phương. Qua phong trào thi đua "ba nhất", đã xuất hiện ở nhiều đơn vị, binh chủng, quân chủng, những đơn vị tiên tiến xuất sắc, nêu cao tinh thần "quyết chiến, quyết thắng", dũng cảm hy sinh, không sợ khó khăn gian khổ, bền bỉ quyết tâm vươn lên hàng đầu, tiến quân mạnh mẽ vào khoa học - kỹ thuật quân sự hiện đại, đạt được thành tích trong huấn luyện quân sự, có nhiều tiến bộ trong việc chấp hành điều lệ, điều lệnh, chế độ chức trách và trên các mặt công tác khác.

Đất nước ta còn bị đế quốc Mỹ và tay sai chia cắt làm hai miền. Nhiệm vụ của nhân dân ta ở miền Bắc là phải ra sức phấn đấu xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm cơ sở vững chắc cho công cuộc đấu tranh thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà, đồng thời phải hết lòng hết sức ủng hộ cuộc đấu tranh cách mạng giải phóng miền Nam. Phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta ở miền Bắc đã quán triệt sâu sắc và tích cực thực hiện nhiệm vụ đó, thể hiện trong việc tổ chức một cách phổ biến "ngày thứ Bảy đẩy mạnh sản xuất vì sự nghiệp đấu tranh thống nhất nước nhà", trong những đợt thi đua giành danh hiệu "Điện Biên - Ấp Bắc", trong việc kết nghĩa Bắc - Nam v.v.. Những hình thức thi đua đó có ý nghĩa chính trị, tư tưởng và kinh tế rất sâu sắc, nó giáo dục nhân dân ta nâng cao ý thức trách nhiệm đối với sự nghiệp cách mạng đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, ra sức phấn đấu vượt mọi khó khăn đẩy mạnh sản xuất và công tác, hoàn thành tốt kế hoạch nhà nước.

Phong trào thi đua yêu nước có tác dụng rất to lớn, làm đòn xeo thúc đẩy sản xuất và công tác phát triển, hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước. Điều có ý nghĩa đặc biệt quan trọng là phong trào thi đua là trường học xã hội chủ nghĩa, giáo dục và đào tạo con người mới có tư tưởng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, như đồng chí Trường Chinh đã nói. Qua phong trào thi đua yêu nước, đã nẩy nở hàng chục vạn lao động tiên tiến, hàng vạn chiến sĩ thi đua, hàng trăm anh hùng lao động và anh hùng quân đội. Anh hùng và chiến sĩ thi đua là những người rất anh dũng trên mặt trận sản xuất, quân sự, lập được nhiều thành tích xuất sắc, mọi người đều rèn luyện trong lao động và chiến đấu, được nhân dân, Đảng và Chính phủ tín nhiệm. Nhiều người đã được Đảng và Chính phủ giao trách nhiệm quan trọng. Một vinh dự cho anh hùng và chiến sĩ thi đua là nhiều người đã được bầu là đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp và đại biểu Quốc hội. Trong Quốc hội khoá II có 19 đại biểu là anh hùng và 59 đại biểu là chiến sĩ thi đua; trong khoá III có 22 đại biểu là anh hùng và 108 đại biểu là chiến sĩ thi đua.

Từ trong thời kỳ kháng chiến cũng như từ khi hoà bình được lập lại đến nay, Đảng và Chính phủ hết sức chú ý đến việc phát triển phong trào thi đua yêu nước. Một điều rất phấn khởi là phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta luôn luôn được sự chăm lo, săn sóc và khuyến khích của Hồ Chủ tịch. Nhân dân ta biết ơn sâu sắc Hồ Chủ tịch về sự chăm sóc của Người và nguyện thực hiện đầy đủ những lời dạy của Người.

Thưa các đồng chí đại biểu,

Nhân dân ta đã đạt được nhiều thành tích, nhưng so với yêu cầu của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và bảo vệ miền Bắc, so với yêu cầu ủng hộ sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam thì chưa đủ, nhân dân ta cần phải cố gắng nhiều hơn nữa trên mọi mặt hoạt động.

Tại Hội nghị Chính trị đặc biệt do Hồ Chủ tịch triệu tập vừa qua, Hồ Chủ tịch đã kêu gọi: "Mỗi người chúng ta phải làm việc bằng hai để đền đáp lại cho đồng bào miền Nam ruột thịt ". Kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa II nhất trí thông qua năm nhiệm vụ mà Hồ Chủ tịch đề ra, đã kêu gọi nhân dân ta biến tinh thần nhất trí của Hội nghị Chính trị đặc biệt và của Quốc hội trong kỳ họp vừa qua thành sức mạnh to lớn, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, thực hiện thắng lợi những nhiệm vụ công tác trước mắt, đặc biệt là hoàn thành tốt kế hoạch nhà nước năm 1964 và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Tiếp đó, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra chỉ thị phát động "cao trào thi đua mỗi người làm việc bằng hai, ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc, tích cực ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam".

Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch, của Quốc hội và chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng được công nhân, nông dân, quân đội, công an, dân quân tự vệ, anh chị em trí thức và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng nhiệt liệt. Ở khắp nơi trên miền Bắc, phong trào thi đua đang phát triển với khí thế cách mạng mạnh mẽ, sôi nổi. Trên cơ sở học tập Nghị quyết của Hội nghị lần thứ 8 và thứ 9 của Trung ương Đảng và báo cáo của Hồ Chủ tịch tại Hội nghị Chính trị đặc biệt, nhân dân ta nhận rõ thêm trách nhiệm của mình, biến nhận thức cách mạng thành hành động cách mạng, ra sức đẩy mạnh hơn nữa phong trào thi đua yêu nước, phát huy sáng kiến, anh dũng phấn đấu vượt khó khăn nhằm hoàn thành thắng lợi kế hoạch nhà nước.

Những kết quả của phong trào thi đua "mỗi người làm việc bằng hai", tuy là bước đầu, nhưng có ý nghĩa rất quan trọng về các mặt chính trị, kinh tế, nó nói lên khả năng tiềm tàng của nền kinh tế nước ta rất to lớn, nói lên một khi tư tưởng của quần chúng được phát động, tinh thần tự lực cánh sinh, tính chủ động sáng tạo của quần chúng được phát huy, thì sẽ làm nên nhiều việc phi thường.

Trong các hợp tác xã nông nghiệp, với tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai", xã viên nông dân ta đã ra sức thi đua thực hiện kế hoạch thuỷ lợi hai năm, đẩy mạnh việc chăm bón lúa, hoa mầu, cây công nghiệp và đẩy mạnh chăn nuôi. Vụ đông - xuân 1963 - 1964 đã được mùa to. Về cây lương thực, diện tích, năng suất và sản lượng không những vượt mức kế hoạch mà còn cao hơn tất cả các năm trước. Đàn bò, trâu, lợn đều tăng hơn năm ngoái. Hai điểm tiến bộ nổi bật trong phong trào thi đua là: thu hoạch và làm nghĩa vụ đối với Nhà nước nhanh, gọn, tốt và ý thức tiết kiệm được nâng cao. So với năm 1963, việc gặt lúa chiêm nhanh hơn nhiều, có nơi đã rút ngắn thời gian gặt từ 10 đến 15 ngày. Đến nay có 11 tỉnh và thành phố đã hoàn thành nghĩa vụ lương thực, so với năm 1963 có tỉnh đã hoàn thành nghĩa vụ trước hai tháng. Trong khi thu hoạch, thóc và hoa mầu ít rơi vãi so với trước, việc tiêu dùng lương thực ở nhiều nơi tiết kiệm hơn trước.

Trong các nông trường quốc doanh, việc gieo trồng vụ đông xuân, chăm sóc cây lâu năm, phát triển chăn nuôi và thu hoạch vụ đông - xuân đều tiến bộ hơn năm 1963.

Trong các ngành công nghiệp, với tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai", công nhân đã thi đua phát huy sáng kiến hợp lý hoá sản xuất, cải tiến kỹ thuật, tham gia quản lý sản xuất, tích cực khắc phục khó khăn, phấn đấu đạt mục tiêu: năng suất lao động cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều. Việc thực hiện kế hoạch 6 tháng đầu năm của nhiều đơn vị, nhiều ngành đã thu được kết quả tốt, việc sản xuất các sản phẩm chủ yếu đều được đẩy mạnh. Thí dụ so với kế hoạch 6 tháng đầu năm, than vượt kế hoạch 1,7%; sứcđiện phát ra vượt kế hoạch 7,7%; xi măng chỉ đạt xấp xỉ mức kế hoạch, nhưng so với 6 tháng đầu năm 1963 thì tăng 33,9%; phân bón các loại vượt kế hoạch 4,6%; về vải, nhà máy dệt Nam Định hoàn thành vượt mức kế hoạch, tăng khoảng một nửa triệu thước; đường kính vượt kế hoạch 22,5%. Việc khai thác gỗ và vận chuyển gỗ đầu năm bị chậm, từ quý II có sự chuyển biến tốt, qua chiến dịch khai thác và vận chuyển, việc khai thác gỗ được đẩy mạnh và đã giải quyết được phần lớn số gỗ bị ứ đọng. Thời gian vừa qua, chất lượng của nhiều sản phẩm tiến bộ hơn trước như xi măng, nông cụ, đường kính, vải, v.v..

Trong ngành xây dựng cơ bản, phong trào thi đua ở nhiều công trường phát triển khá sôi nổi, tốc độ thi công của các công trường trọng điểm được đẩy mạnh hơn các năm trước. Việc sử dụng công cụ cải tiến được mở rộng, có nhiều tổ, đội và công trình đạt năng suất lao động cao, có công trường đã thực hiện hạch toán từng phần việc. Điều đáng chú ý là có nhiều công trường thuộc ngành giao thông vận tải những năm trước đây không bao giờ đạt kế hoạch, đến năm nay đã hoàn thành vượt mức. Một số công trường thuỷ lợi đã tăng năng suất lao động khá cao như công trường Neo -Bùi Hoà đạt năng suất bình quân gấp đôi so với trước.

Trong ngành giao thông vận tải, việc thực hiện kế hoạch vận chuyển 6 tháng đầu năm 1964 đạt kết quả tốt, đường sắt vượt kế hoạch 5,54% về tấn cây số; ô tô vượt 0,9% về tấn cây số; đường sông vượt 3% về tấn cây số. Cầu Hàm Rồng và đoạn đường sắt Thanh Hoá - Vinh được hoàn thành trước thời hạn.

Trong ngành bưu điện, công tác điện báo và điện thoại chính xác hơn và nhanh hơn trước, việc phát hành sách báo, xây dựng trạm bưu điện xã được mở rộng.

Trong ngành thương nghiệp (nội thương, ngoại thương, lương thực) cán bộ và công nhân viên chức đã nâng cao ý thức trách nhiệm, phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, đẩy mạnh công tác thu mua lương thực, nông sản và thực phẩm, phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu, mở rộng thị trường ngoài nước. Việc cung cấp rau và thực phẩm phụ cho các thành phố và khu công nghiệp có những tiến bộ mới. Việc mang hàng về tận thôn, xã, về các công trường, xí nghiệp đã trở thành hoạt động phổ biến.

Ngành y tế thi đua đẩy mạnh công tác vệ sinh phòng bệnh, xây dựng các cơ sở điều trị, kết quả đã đạt được cao hơn nhiều so với những năm trước. Việc phục vụ nông dân thu hoạch vụ mùa tiến bộ hơn trước.

Ngành văn hoá thi đua cố gắng nâng cao chất lượng sáng tác. Các cơ quan báo chí, thông tin, phát thanh đã phục vụ cho phong trào thi đua rất tích cực.

Ngành giáo dục thi đua hoàn thành tốt niên học, tổ chức
nghỉ hè cho học sinh và giáo viên, ở nhiều nơi số học sinh thi đỗ khá cao.

Quân đội nhân dân và các lực lượng vũ trang , trong đợt thi đua kỷ niệm 10 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, đã phát huy truyền thống anh hùng quyết chiến, quyết thắng của Điện Biên Phủ. Cán bộ và chiến sĩ đã nâng cao ý thức trách nhiệm, ý thức tổ chức và kỷ luật, ra sức khắc phục khó khăn, chịu đựng gian khổ, phát huy sáng kiến, cải tiến phương pháp dạy và học trong huấn luyện quân sự. Tinh thần cảnh giác sẵn sàng chiến đấu được nâng lên rõ rệt. Các chế độ, các công tác chuẩn bị cho sẵn sàng chiến đấu được thực hiện một cách khẩn trương hơn, các chế độ quản lý bộ đội được tuân thủ nghiêm chỉnh hơn và có nhiều tiến bộ rõ rệt, do đó đã thực hiện tốt các nhiệm vụ phòng thủ, bảo vệ trật tự an ninh, bảo vệ sản xuất. Đồng thời, cán bộ và chiến sĩ đã hăng hái thi đua tham gia làm các công trình thuỷ lợi và đẩy mạnh việc tăng gia tự túc một phần lương thực và thực phẩm.

Những thành tích của phong trào thi đua trong thời gian qua không tách rời sự lãnh đạo và chỉ đạo của tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước và các đoàn thể quần chúng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhiều Uỷ ban hành chính thành, tỉnh, nhiều Bộ và Tổng cục đã tăng cường công tác chỉ đạo và tổ chức thi đua, đề ra kế hoạch cụ thể về giáo dục chính trị, tư tưởng, tiến hành đấu tranh phê bình và tự phê bình trong nội bộ, hướng dẫn cho các đơn vị cơ sở lập chương trình thi đua, tăng cường việc quản lý sản xuất và công tác, kịp thời giải quyết những vấn đề mới nẩy ra trong quá trình thi đua.

Tổng Công đoàn, Đoàn Thanh niên Lao động, Hội liên hiệp Phụ nữ đã tăng cường công tác vận động quần chúng thi đua, mở hội nghị chuyên đề để rút kinh nghiệm về tổ chức thi đua, giải quyết những khâu then chốt trong sản xuất, tích cực giúp đỡ quần chúng khắc phục những khó khăn trong sản xuất, công tác. Nhờ đó, phong trào "xung phong tình nguyện" của thanh niên và phong trào "năm tốt" của phụ nữ đã có nhiều chuyển biến mới.

Thưa các đồng chí đại biểu,

Để đẩy mạnh công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà, nhân dân ta ra sức nâng cao tinh thần tự lực cánh sinh, nỗ lực vượt bậc, quyết tâm khắc phục mọi khó khăn gian khổ, đồng thời cố gắng phát huy tác dụng sự giúp đỡ của Liên Xô, Trung Quốc và các nước anh em khác trong phe xã hội chủ nghĩa.

Sau Hội nghị Chính trị đặc biệt, để thực hiện Lời kêu gọi của Hồ Chủ tịch và Nghị quyết của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã có chủ trương, kế hoạch và biện pháp đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước. Ban thi đua Trung ương đã cùng với các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban hành chính các tỉnh, thành phố và các đoàn thể quần chúng họp bàn việc tổ chức thực hiện.

Chúng tôi xin báo cáo với Quốc hội về chủ trương và biện pháp mà Chính phủ đã quyết định và đang chỉ đạo thực hiện để đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước phát triển rộng khắp, thu được hiệu quả kinh tế thiết thực.

Nói chung có ba vấn đề lớn:

- Một là: thi đua phải nhằm giải quyết vấn đề gì?

- Hai là: phải làm gì để đẩy mạnh thi đua?

- Ba là: trách nhiệm của cơ quan lãnh đạo?

Về vấn đề thứ nhất: Thi đua là hành động cách mạng sáng tạo của quần chúng trên nhiều lĩnh vực, với nhiều hình thức phong phú, nhưng đều phải nhằm một mục đích duy nhất. Phong trào thi đua yêu nước của ta phải nhằm phấn đấu hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch nhà nước, đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, tích cực ủng hộ cách mạng giải phóng miền Nam, thực hiện hòa bình thống nhất nước nhà; qua phong trào thi đua mà rèn luyện và xây dựng con người mới; trên cơ sở sản xuất phát triển, không ngừng cải thiện đời sống của nhân dân. Hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch nhà nước là nhiệm vụ trung tâm của phong trào thi đua. Vì vậy, trước mắt phong trào thi đua phải nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1964 và kế hoạch 5 năm lần thứ nhất. Kết quả của việc thực hiện kế hoạch nhà nước là thước đo của phong trào thi đua, là tiêu chuẩn chủ yếu để xác định nơi nào, ngành nào phong trào thi đua đã có nhiều kết quả tốt nhất.

Trong việc thực hiện kế hoạch nhà nước, có nhiều mặt, cần phải nắm khâu then chốt, và chú ý những chỗ yếu của sản xuất và công tác để tập trung lực lượng mà giải quyết. Giải quyết tốt khâu then chốt, khắc phục được những chỗ yếu thì sẽ đẩy các khâu khác tiến lên và làm cho việc thực hiện kế hoạch được cân đối, nhịp nhàng, thu được kết quả tốt và toàn diện. Các ngành, các địa phương, các đơn vị căn cứ vào nhiệm vụ kế hoạch nhà nước và căn cứ vào tình hình cụ thể của mình, vạch ra những khâu then chốt, chỗ yếu của từng ngành, từng địa phương, từng đơn vị mà tập trung lực lượng để giải quyết cho tốt.

Về vấn đề thứ hai: Phong trào thi đua "mỗi người làm việc bằng hai" là bước phát triển mới của phong trào thi đua yêu nước hiện nay. Để đẩy mạnh phong trào thi đua phát triển cao hơn nữa, cần phải giải quyết mấy vấn đề cơ bản: bồi dưỡng và phát huy tinh thần cách mạng của quần chúng; đẩy mạnh sự tiến bộ về kỹ thuật, tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật; tăng cường và cải tiến công tác quản lý kinh tế tài chính, quản lý kỹ thuật; tăng cường công tác chỉ đạo và tổ chức thi đua.

Trong khi tiến hành đợt phát động thi đua, trước hết toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta phải ra sức nghiên cứu Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, thứ 9 và báo cáo của
Hồ Chủ tịch tại Hội nghị Chính trị đặc biệt, nhận thức một cách có hệ thống để nhất trí sâu sắc hơn với đường lối cách mạng của Đảng; trên cơ sở đó nâng cao lập trường giai cấp, nâng cao giác ngộ xã hội chủ nghĩa và lòng yêu nước, bồi dưỡng chí khí chiến đấu và tinh thần triệt để cách mạng, phát huy truyền thống đoàn kết, quyết chiến, quyết thắng, tinh thần tự lực cánh sinh, ý thức cần kiệm, dũng cảm tiến lên, làm trọn năm nhiệm vụ mà Hồ Chủ tịch đề ra tại Hội nghị Chính trị đặc biệt.

Thi đua "mỗi người làm việc bằng hai" không phải là tăng thêm giờ làm, tăng thêm ca kíp, dốc hết sức làm trong một lúc, mà là với tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai" ra sức đẩy mạnh sự tiến bộ về kỹ thuật, tăng cường cơ sở vật chất và kỹ thuật, thực hiện từng bước vững chắc cuộc cách mạng về kỹ thuật, lấy đó làm biện pháp then chốt để không ngừng nâng cao năng suất lao động xã hội, đẩy mạnh sản xuất phát triển.

Trong các ngành công nghiệp và thủ công nghiệp, cần đẩy mạnh cuộc vận động hợp lý hóa sản xuất, cải tiến kỹ thuật, ra sức nắm vững và áp dụng kỹ thuật tiên tiến, nâng cao công suất sử dụng thiết bị máy móc, ra sức thực hiện nửa cơ khí hoá và cơ khí hoá sản xuất.

Trong ngành nông nghiệp, cần ra sức cải tiến tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, đẩy mạnh làm thủy lợi, cải tiến kỹ thuật trồng trọt và chăn nuôi, cải tiến công cụ, cải tiến kỹ thuật làm phân bón v.v., thực hiện thâm canh để tăng năng suất.

Trong các ngành thương nghiệp, sự nghiệp và hành chính, cần ra sức cải tiến công tác nghiệp vụ, cải tiến tổ chức và cải tiến lề lối làm việc.

Cần chú ý xét duyệt sáng kiến cho chính xác và kịp thời, tổ chức phổ biến và áp dụng sáng kiến, kinh nghiệm tiên tiến một cách rộng rãi.

Tăng cường và cải tiến công tác quản lý sản xuất, quản lý kỹ thuật và các mặt quản lý khác , thực hiện tốt chế độ quần chúng tham gia quản lý xí nghiệp, cải tiến các chế độ, thể lệ không phù hợp với yêu cầu đẩy mạnh sản xuất, công tác; thực hiện tốt các tiêu chuẩn và định mức kinh tế - kỹ thuật.

Với tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai", cần ra sức nâng cao năng suất lao động, tăng thêm số lượng sản phẩm, khối lượng công trình, khối lượng công tác, đồng thời phải đặc biệt coi trọng việc bảo đảm chất lượng, ra sức thực hành tiết kiệm và hạ giá thành, hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch nhà nước. Nói tóm lại, phải làm đúng khẩu hiệu "nhiều, nhanh, tốt, rẻ".

Để cho phong trào thi đua có cơ sở vững chắc, toàn diện, vừa đẩy mạnh sản xuất, công tác, vừa xây dựng con người mới, cần ra sức xây dựng, củng cố và phát triển phong trào thi đua tập thể. Trong các ngành công nghiệp, sự nghiệp và hành chính, đẩy mạnh phong trào phấn đấu trở thành tổ và đội lao động xã hội chủ nghĩa. Trong nông nghiệp, thủ công nghiệp, đẩy mạnh phong trào phấn đấu trở thành tổ, đội lao động tiên tiến và hợp tác xã tiên tiến. Trong các lực lượng vũ trang, đẩy mạnh phong trào phấn đấu trở thành đơn vị tiên tiến, đơn vị quyết thắng.

Cuộc vận động "ba xây, ba chống" trong các ngành công nghiệp, xây dựng cơ bản, giao thông vận tải, thương nghiệp và trong các cơ quan sự nghiệp, hành chính đang thu được kết quả tốt về các mặt và đang được mở rộng. Yêu cầu và nội dung của cuộc vận động "ba xây, ba chống" chính là yêu cầu và nội dung chủ yếu của phong trào thi đua yêu nước hiện nay. Vì vậy, cần phải kết hợp chặt chẽ phong trào thi đua với việc mở rộng cuộc vận động "ba xây, ba chống" cùng tiến hành song song, lấy tinh thần "mỗi người làm việc bằng hai" đẩy mạnh cuộc vận động tiến tới và ngược lại, lấy kết quả của cuộc vận động mà củng cố và nâng cao chất lượng của phong trào thi đua.

Trong hợp tác xã nông nghiệp, hiện nay cuộc vận động "cải tiến quản lý hợp tác xã, cải tiến kỹ thuật" đang trên đà mở rộng, cần kết hợp chặt chẽ cuộc vận động này với phong trào thi đua, trong nông nghiệp hiện nay, cùng phát triển và hỗ trợ cho nhau.

Tóm lại, phong trào thi đua "mỗi người làm việc bằng hai" phải gắn chặt làm một với các phong trào thi đua và kết hợp chặt chẽ với các cuộc vận động lớn trong các ngành hiện nay. Phải lấy tinh thần thi đua "mỗi người làm việc bằng hai" mà đẩy mạnh các phong trào thi đua và các cuộc vận động lớn trong công nghiệp, nông nghiệp và các ngành khác. Mọi khuynh hướng tách rời các phong trào thi đua với nhau, tách rời thi đua với các cuộc vận động lớn hiện nay đều là không đúng.

Về vấn đề thứ ba: Ở các ngành, các địa phương, các đơn vị trong thời gian qua công tác chỉ đạo và tổ chức thi đua có tiến bộ hơn trước nhưng chưa toàn diện, chưa sâu và không thường xuyên. Nhìn chung, quần chúng và đảng viên ở cơ sở chuyển nhanh và mạnh, còn cán bộ lãnh đạo thì chuyển chậm. Phong trào thi đua tiến nhanh nhưng sự chỉ đạo và tổ chức thi đua thì tiến chậm. Đó là mâu thuẫn trong phong trào thi đua, qua cuộc phát động, nó càng bộc lộ rõ. Mâu thuẫn này cần được giải quyết tích cực và kịp thời.

Tại Đại hội liên hoan Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ hai, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã chỉ rõ: "lãnh đạo sản xuất và lãnh đạo thi đua là một, muốn lãnh đạo sản xuất tốt phải lãnh đạo thi đua tốt". Vì mục đích của thi đua là phát triển sản xuất, hoàn thành toàn diện và vượt mức kế hoạch nhà nước. Trong công tác lãnh đạo và chỉ đạo sản xuất, không lãnh đạo và chỉ đạo thi đua là tự tước bỏ một lợi khí sắc bén trong việc động viên và tổ chức quần chúng thực hiện kế hoạch nhà nước. Chúng ta cần nhận thức một cách sâu sắc ý nghĩa và tác dụng to lớn của phong trào thi đua yêu nước, thực sự tăng cường công tác chỉ đạo và tổ chức phong trào thi đua trong từng ngành, từng đơn vị và từng địa phương.

Phong trào thi đua trong các cơ quan thuộc các Bộ, Tổng cục, Uỷ ban hành chính, các Sở, Ty chuyên môn hiện nay tuy đã có chuyển biến nhưng còn chậm và chưa đều, cần được đẩy mạnh hơn nữa. Ở các cơ quan sự nghiệp, hành chính, thi đua có chỗ khó hơn ở các đơn vị sản xuất, nhưng không phải là không thi đua được, thực tế đã có một số cơ quan thi đua đạt kết quả tốt.

Lãnh đạo sản xuất đồng thời phải lãnh đạo thi đua không phải chỉ là một phương thức lãnh đạo mà là nghị quyết, chủ trương của Đảng và Nhà nước cần được nghiêm chỉnh chấp hành. Không thực hiện đầy đủ là biểu hiện ý thức tổ chức kém, ý thức trách nhiệm chưa đầy đủ trước Đảng, Nhà nước và trước nhân dân. Các đồng chí thủ trưởng các ngành, các đơn vị, các Uỷ ban hành chính các cấp cần có sự chuyển biến sâu sắc và mạnh mẽ trong công tác chỉ đạo và tổ chức thi đua, nắm vững tình hình, phục vụ tốt cho phong trào thi đua ở đơn vị cơ sở, bảo đảm cho phong trào phát triển sâu rộng, mạnh mẽ và vững chắc.

Cần phát huy đầy đủ chức năng của cơ quan nhà nước đối với việc chỉ đạo và tổ chức thi đua, đồng thời phải phát huy vai trò và tác dụng của các tổ chức công đoàn, thanh niên, phụ nữ, cùng nhau phối hợp chặt chẽ trên mọi mặt công tác dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Phải tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho cán bộ và quần chúng, coi đó là gốc và đi đầu. Tiến hành công tác giáo dục không những trong đợt phát động mà phải tiến hành thường xuyên, gắn liền công tác giáo dục với nhiệm vụ sản xuất và công tác, với công tác quản lý kinh tế tài chính và cải tiến kỹ thuật, nhằm không ngừng nâng cao giác ngộ cách mạng của cán bộ và quần chúng, phát huy những nhân tố tích cực, khắc phục những hiện tượng tiêu cực, trì trệ cản trở việc thực hiện kế hoạch nhà nước.

Phải lãnh đạo và chỉ đạo toàn diện phong trào thi đua, đi đôi với việc tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, cần đẩy mạnh các mặt công tác thi đua, tăng cường công tác quản lý sản xuất, quản lý kỹ thuật, đề ra các biện pháp cụ thể, bảo đảm các điều kiện vật chất cần thiết cho việc thực hiện kế hoạch nhà nước, kịp thời giải quyết các mắc mứu, khó khăn về vật tư, kỹ thuật, tiêu thụ và những vấn đề mới nảy ra trong quá trình phát triển của phong trào thi đua. Chú ý hơn nữa việc tổng kết kinh nghiệm, phát hiện những nhân tố mới, bồi dưỡng điển hình, làm cho các sáng kiến tốt và kinh nghiệm hay được phổ biến kịp thời và áp dụng rộng rãi, có tác dụng tốt đối với việc nâng cao năng suất lao động xã hội.

Cần thường xuyên chăm lo việc cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn lao động và cải thiện đời sống vật chất và văn hoá của quần chúng, tạo nên một không khí phấn khởi, hào hứng trong thi đua. Đi đôi với việc tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, cần tăng cường việc khuyến khích thi đua bằng cách thi hành tốt các chế độ khen thưởng, mở rộng phúc lợi tập thể. Chú ý hơn nữa việc vận động tăng gia trồng trọt, chăn nuôi, tiết kiệm lương thực, coi đó là một nghĩa vụ để góp phần tăng thêm nguồn lương thực chung và để tự cải thiện đời sống.

Phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta đương trên đà phát triển mạnh mẽ vì Đảng, Chính phủ và Hồ Chủ tịch luôn luôn quan tâm đến việc lãnh đạo và tổ chức thi đua; vì nhân dân ta có lòng yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội nồng nàn, thiết tha với sự nghiệp thống nhất Tổ quốc, sẵn sàng làm theo lời kêu gọi của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và Hồ Chủ tịch; cơ sở vật chất và kỹ thuật của ta tuy còn nhỏ bé nhưng có nhiều khả năng tiềm tàng để phát triển sản xuất. Cần nhất là chúng ta phải tăng cường công tác chỉ đạo và tổ chức thi đua, thực hiện đầy đủ đường lối chủ trương của Đảng và Nhà nước, đi đúng đường lối quần chúng, thực sự dựa vào quần chúng, phát huy đầy đủ tinh thần cách mạng và sáng tạo của quần chúng, thì nhất định phong trào thi đua sẽ phát triển cao hơn nữa!

Thưa các đồng chí đại biểu,

Phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta từ khi mới bắt đầu phát triển cho đến nay, luôn luôn được sự cổ vũ và chăm sóc của Quốc hội. Quốc hội đã quyết định nhiệm vụ; phương hướng phát triển của phong trào thi đua, nhiều đồng chí đại biểu Quốc hội đã trực tiếp tham gia phong trào và động viên cán bộ, quần chúng thi đua, nhiều đồng chí đã trở thành Anh hùng và Chiến sĩ thi đua, Quốc hội đã tặng cờ thi đua và huân chương cho các ngành, các đơn vị, các anh hùng, chiến sĩ thi đua, biểu dương thành tích của phong trào thi đua, v.v.. Những việc đó đã cổ vũ, động viên mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước, giúp cho phong trào thi đua không ngừng phát triển.

Thay mặt Chính phủ, tôi xin cảm ơn sự chăm lo săn sóc của Quốc hội đối với phong trào thi đua yêu nước.

Các đồng chí đại biểu Quốc hội là những người có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất và công tác, hoạt động trong mọi ngành của Nhà nước và nhân dân ta. Nhiều đồng chí trực tiếp công tác tại các đơn vị cơ sở, là Anh hùng lao động, Anh hùng quân đội, Chiến sĩ thi đua. Các đồng chí được cán bộ và quần chúng nhân dân rất tín nhiệm. Tôi xin đề nghị với các đồng chí tăng cường hơn nữa sự hoạt động đối với phong trào thi đua bằng cách góp ý kiến với các cơ quan nhà nước, có trách nhiệm về việc chỉ đạo và tổ chức thi đua, bằng cách động viên, cổ vũ phong trào, v.v.. Việc các đồng chí làm nòng cốt, gương mẫu và dẫn đầu trong phong trào thi đua có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc phát triển phong trào thi đua yêu nước.

Thưa Đoàn chủ tịch,

Thưa các đồng chí đại biểu,

Truyền thống yêu nước và đấu tranh cách mạng của nhân dân ta ngày càng phát huy sáng ngời. Ở miền Bắc, phong trào thi đua yêu nước phát triển đang đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hoá xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ở miền Nam, phong trào thi đua yêu nước cũng ngày càng phát triển, đang đẩy mạnh cuộc cách mạng giải phóng miền Nam, thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà. Trong phong trào thi đua yêu nước ở miền Nam, đồng bào sát cánh cùng các lực lượng vũ trang liên tiếp lập được những chiến công oanh liệt, làm cho đế quốc Mỹ và tay sai ngày càng lâm vào thế bị động, lúng túng. Trong phong trào thi đua "ấp Bắc giết giặc lập công", lực lượng yêu nước miền Nam càng đánh càng mạnh, càng thắng. Thật xứng đáng với danh hiệu "Thành đồng Tổ quốc".

Phong trào thi đua yêu nước của nhân dân ta ở miền Bắc ngày càng phát triển mạnh mẽ. Phong trào thi đua yêu nước của đồng bào ta ở miền Nam ngày càng mở rộng. Nhất định sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, sự nghiệp cách mạng giải phóng miền Nam, thực hiện hoà bình thống nhất nước nhà sẽ thành công rực rỡ.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.