QUỐC HỘI VIỆT NAM NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

TS. Nguyễn Sỹ Dũng

Giám đốc Trung tâm Thông tin- Thư viện và

 Nghiên cứu khoa học, Văn phòng Quốc hội

 

Các đại biểu Quốc hội khoá X đã từng than phiền: có những chuyện Quốc hội bàn chưa xong, chưa “quyết”, nhưng trên thực tế đã được triển khai thực hiện, chức năng “quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước” chưa được tôn trọng đúng mức. Những vấn đề đó cần phải được bàn thấu đáo ở Quốc hội và phải do Quốc hội quyết trước khi làm. Tại sao?

Dân chủ không chỉ  ở việc chúng ta “quyết” cái gì mà còn ở cách chúng ta “quyết” như thế nào. Việc trưng dụng tài sản cá nhân có thể được đưa ra một cách dân chủ. Ngược lại, chủ trương về mũ bảo hiểm xe máy không khéo lại bị coi là một sự áp đặt. Thực tế cho thấy, việc xây đường, xây cảng, làm nhà máy... tất cả đều là những việc làm tốt đẹp và đều vì lợi ích của nhân dân. Tuy nhiên, chúng vẫn có thể được đưa ra như những quyết định mang tính áp đặt. Để khắc phục tình trạng này, việc đưa các vấn đề quan trọng của đất nước ra thảo luận và quyết định ở Quốc hội là rất cần thiết. Dưới đây là một vài lý do.

Trước hết, Quốc hội là cơ quan được uỷ quyền (thông qua bầu cử). Bạn đã bao giờ uỷ quyền cho ai đó bốc thăm thay mình chưa? Có lẽ là đã từng. Vậy thì bạn hiểu tất cả: kết quả của việc bốc thăm không phải bao giờ cũng làm bạn vừa lòng, nhưng bao giờ cũng được bạn chấp nhận (lần sau, có thể, bạn sẽ không uỷ quyền cho người kia nữa. Nhưng đó lại là một câu chuyện khác). Ngược lại, việc ai đó giành quyền bốc thăm và áp đặt kết quả cho bạn sẽ là điều không bao giờ được bạn hoan nghênh. Hoạt động lập pháp không phải là chuyện bốc thăm. Thế nhưng, quy chế pháp lý của sự uỷ quyền trong cả hai trường hợp đều hoàn toàn giống nhau. Ở nước ta, “mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” (Điều 2, Hiến pháp năm 1992). Nếu chủ quyền quốc gia thuộc về nhân dân thì những quyết định ảnh hưởng đến lợi ích của nhân dân nên do các cơ quan được uỷ quyền (Quốc hội và hội đồng nhân dân các cấp) ban hành hoặc phê chuẩn. Các quyết định như vậy sẽ hợp hiến, hợp pháp và phản ánh được mối quan tâm đa dạng của cử tri.

Hai là, các đại biểu Quốc hội đều nhận được sự uỷ quyền từ cử tri và đều được uỷ quyền ngang nhau. Đây là một trong những đặc tính quan trọng nhất của Quốc hội: Quốc hội là tổ chức do các thành viên bình đẳng hợp thành. Bình đẳng đi liền với dân chủ. Bình đẳng cũng tạo tiền đề cho những tranh luận thật sự. Một cơ quan hoạt động theo chế độ thủ trưởng và tổ chức theo cấp bậc thường khó bảo đảm được điều này. Trên thực tế, tại không ít các cuộc họp, “vừa lòng cấp trên” là tiêu chí ứng xử của rất nhiều diễn giả. Các cuộc họp như thế thật là vô bổ và tốn kém thời gian.

Ba là, Quốc hội là cơ quan đại diện. Cư dân sinh sống trên mảnh đất Việt Nam có tới 80 triệu người. Lợi ích của chúng ta có nhiều điểm tương đồng, nhưng cũng có những điểm khó dung hoà. Ví dụ, chính sách bảo hộ sản xuất trong nước có lợi cho các nhà sản xuất, thì thiệt thòi cho những người tiêu dùng; nâng giá nông sản có lợi cho nông dân, thì thiệt thòi cho công nhân và những người làm công ăn lương. “Không thể nào được tất cả!”, câu trả lời khá “thẳng ruột ngựa” của Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển tại phiên chất vấn của Quốc hội ngày 25/11/2002 khẳng định một thực tế là: muốn vượt qua bế tắc chúng ta phải biết mặc cả và thoả hiệp. Mặc cả và thoả hiệp chỉ có thể thực hiện được bởi sự thoả thuận giữa các đại biểu Quốc hội đại diện cho các tầng lớp dân cư khác nhau.

Bốn là, Quốc hội quyết định theo chế độ tập thể. Ở Quốc hội không ai có thể quyết định được một mình. Mỗi đại biểu Quốc hội đều có một phiếu, và mỗi quyết định đều phải bỏ phiếu để thông qua. Các quyết định của Quốc hội vì vậy là ý chí của đa số. Đa số không phải bao giờ cũng đúng, nhưng thường ít sai hơn thiểu số. Ngoài ra, dân chủ không phải là cái gì khác ngoài sự tuân thủ ý chí của đa số (nhân đây, cần lưu ý: quyền thống trị của đa số là điểm khác nhau cơ bản giữa dân chủ và pháp quyền. Trong một nền pháp quyền, không phải bao giờ đa số cũng có quyền áp đặt ý chí cho thiểu số, đặc biệt là trong những vấn đề liên quan tới các quyền hiến định của công dân).

Năm là, Quốc hội ban hành quyết định dựa trên những nguyên tắc và thủ tục định trước, vì vậy chất lượng thường được bảo đảm. Ví dụ: Quốc hội chỉ quyết định sau khi thảo luận; chỉ thảo luận sau khi nghe báo cáo thẩm tra; chỉ thẩm tra sau khi nghe báo cáo. Nguyên tắc và thủ tục của Quốc hội là “công nghệ thực thi quyền lực” của Quốc hội. Mọi công nghệ đều cần được thường xuyên đổi mới và hoàn thiện. Ít có thứ công nghệ nào “năm mươi năm vẫn chạy tốt”. Với những quy tắc và thủ tục định trước, Quốc hội sẽ tránh được cách ban hành quyết định độc đoán, chuyên quyền. 

Sáu là, Quốc hội làm việc theo chế độ công khai. Công khai gắn liền với minh bạch. Người dân có điều kiện để thấy hết các lý lẽ, các thuận lợi, cũng như khó khăn của từng quyết định. Thực tế cho thấy, những quyết định được người dân thấu hiểu và ủng hộ là những quyết định tốt nhất.

Cuối cùng, cơ quan lập pháp quyết định, cơ quan hành pháp thi hành âu cũng là một sự sáng suốt trong việc tổ chức quyền lực nhà nước. Sự  “phân công, phân nhiệm” này là thiết chế giản dị và hiệu quả để chống lạm quyền./. 


[*]Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 12/2002.

**Hiện là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.