VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP III 1964 - 1971

CHÚ THÍCH

“SỰ KIỆN VỊNH BẮC BỘ”

Ngay từ đêm 30-7 đến đêm 03-8-1964, đế quốc Mỹ đã có nhiều hành động khiêu khích đối với miền Bắc nước ta như cho các tàu chiến bắn phá hai đảo Hòn Mê (Thanh Hóa), Hòn Ngư (Nghệ An) và cho máy bay khu trục phóng pháo kiểu T.28 và AD.6 từ phía Lào bay sang bắn phá hai lần đồn biên phòng Nặm Cắn và làng Noọng Dẻ, thuộc huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. Chúng còn cho khu trục hạm Mađốc (USS Mađox), thuộc Hạm đội thứ 7 liên tiếp xâm phạm nhiều nơi ở vùng biển miền Bắc. Trước đó, tàu chiến Mỹ đã nhiều lần xâm phạm hải phận nước ta, nhưng lần này tàu Mađốc đã hoạt động lâu và sâu nhất vào hải phận miền Bắc. 11 giờ đêm ngày 03-8, chúng lại cho 4 tàu nhỏ có 2 tàu lớn yểm hộ, bắn đại bác 40 ly, trọng liên 12 ly 7 vào vũng Ròn và Đèo Ngang (Quảng Bình).

Nghiêm trọng hơn, ngày 05-8, đế quốc Mỹ đã dùng máy bay phản lực mở cuộc tiến công, ném bom nhiều đợt xuống một số địa điểm của miền Bắc, trong đó có cửa sông Gianh (Quảng Bình), các vùng phụ cận của thị xã Hòn Gai (Quảng Ninh), thành phố Vinh và Bến Thủy (Nghệ An).

Đây là những hành động chiến tranh cực kỳ nguy hiểm đã tính toán trước của đế quốc Mỹ, nhằm tăng cường khiêu khích và phá hoại miền Bắc, hòng gỡ thế thất bại và sa lầy của chúng trong cuộc chiến tranh xâm lược ở miền Nam.

Hành động xâm phạm vùng trời, vùng biển nước ta trong ngày 05-8-1964, do đích thân Tổng thống Mỹ Giônxơn ra lệnh đã vấp phải sự trừng trị đích đáng của quân và dân toàn miền Bắc. Kết quả là quân và dân ta đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ, bắn hỏng 3 chiếc khác, bắt sống viên phi công Mỹ E.Anarê, đuổi khu trục hạm của Mỹ ra khỏi vùng biển nước ta. Ngày 7-8-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký lệnh tặng thưởng 2 Huân chương Quân công hạng nhì, 8 Huân chương Quân công hạng ba cho 10 đơn vị thuộc bộ đội Phòng không và Hải quân Quân đội nhân dân Việt Nam đã có thành tích góp phần to lớn vào trận đầu đánh thắng nói trên.

Sự thật rành rành như vậy mà giới cầm quyền Mỹ đêm 04-8 đã dựng nên “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”, làm rùm beng về cái gọi là “Hai khu trục hạm của Mỹ bị Hải quân Bắc Việt Nam tiến công lần thứ hai trên vùng biển quốc tế”, lấy cớ để ngày 5-8 chúng tiến hành đánh phá miền Bắc nước ta. Nhưng màn kịch vụng về này của đế quốc Mỹ đã không lừa bịp được nhân dân yêu chuộng hòa bình và công lý trên thế giới, trong đó có nhân dân tiến bộ Mỹ. Ngày 07-8-1964, Thượng nghị viện Mỹ thông qua “Nghị quyết vịnh Bắc Bộ”, chính thức cho phép chính quyền Giônxơn được sử dụng không quân và hải quân mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại quy mô lớn đối với miền Bắc Việt Nam. Dư luận thế giới ngày càng lên án giới cầm quyền Mỹ và nhiệt tình ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa, vì độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam.

“CHIẾN TRANH CỤC BỘ” CỦA ĐẾ QUỐC MỸ
Ở MIỀN NAM VIỆT NAM

Đây là một trong những loại hình chiến tranh nằm trong chiến lược quân sự “Phản ứng linh hoạt” và chiến lược toàn cầu của đế quốc Mỹ được triển khai, áp dụng trong cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam (1965 - 1968), sau “Chiến tranh đặc biệt” bị thất bại. “Chiến tranh cục bộ” khác với “Chiến tranh đặc biệt” ở ba điểm sau:

1. Quân viễn chinh Mỹ trực tiếp đảm nhiệm chiến tranh là lực lượng cơ động chủ yếu trong các cuộc hành quân chống bộ đội chủ lực Quân Giải phóng miền Nam; là chỗ dựa cho chính quyền và quân đội Sài Gòn.

2. Tìm diệt bộ đội chủ lực Quân Giải phóng miền Nam được coi là mục tiêu chủ yếu để giành thắng lợi kết thúc chiến tranh.

3. Ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc, bằng cách tăng cường pháo biển, ngăn chặn trên bộ bằng hàng rào điện tử Măc Namara, mở rộng đánh phá các đường vận chuyển bằng không quân ác liệt hơn, tiến hành chiến tranh phá hoại miền Bắc bằng không quân, hải quân.

Thực hiện cuộc “Chiến tranh cục bộ”, đế quốc Mỹ đã ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam (số quân huy động ở thời điểm cao nhất lên tới hơn 52 vạn tên) cùng với quân đội các nước đồng minh của Mỹ và quân đội Sài Gòn mở hàng loạt chiến dịch hành quân “tìm diệt”, đồng thời ném bom bắn phá miền Bắc rất ác liệt, nhằm ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam. Mặc dù phương tiện chiến tranh, vũ khí, kỹ thuật được Mỹ huy động tới mức rất cao, nhưng rốt cục chúng đã phải chịu thất bại rất nặng nề trên các chiến trường ở miền Nam và toàn Đông Dương. Đặc biệt, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân (1968) của quân và dân ta ở miền Nam đã đánh dấu sự phá sản của chiến lược “Chiến tranh cục bộ”. Ngày 31-3-1968, Tổng thống Mỹ Giônxơn buộc phải tuyên bố hạn chế hoạt động quân sự của Mỹ và ngừng ném bom miền Bắc từ vĩ tuyến 20 trở ra.

Những quyết định nói trên của Tổng thống Mỹ Giônxơn đã chính thức thừa nhận sự phá sản của “Chiến tranh cục bộ”.

PHONG TRÀO “BA SẴN SÀNG” VÀ PHONG TRÀO
“NĂM XUNG PHONG” CỦA THANH NIÊN NƯỚC TA

Khởi đầu của phong trào thanh niên “Ba sẵn sàng” là ở Thủ đô Hà Nội. Ngày 9-8-1964, chỉ 4 ngày sau khi đế quốc Mỹ dựng lên “Sự kiện vịnh Bắc Bộ”, cho không quân, hải quân đánh phá ác liệt một số điểm ở miền Bắc, Ban Chấp hành Thành đoàn Hà Nội đã phát động phong trào “Ba sẵn sàng” trong đoàn viên, thanh niên Thủ đô, thu hút được 26 vạn bạn trẻ tham gia. Nội dung phong trào là:

- Sẵn sàng chiến đấu.

- Sẵn sàng nhập ngũ.

- Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào Tổ quốc cần đến.

Đáp ứng nguyện vọng tha thiết của tuổi trẻ miền Bắc, hưởng ứng lời kêu gọi chống Mỹ, cứu nước của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Bác Hồ, tháng 2-1965, Ban Chấp hành Trung ương Đoàn đã phát động thế hệ trẻ cả nước hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” của thanh niên Hà Nội, với các nội dung như sau:

1. Sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu dũng cảm và sẵn sàng gia nhập các lực lượng vũ trang nhân dân.

2. Sẵn sàng khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, học tập trong bất kỳ tình huống nào.

3. Sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ việc gì mà Tổ quốc cần đến.

Chỉ trong một thời gian ngắn phát động, đến cuối tháng 5-1965, đã có 2,5 triệu đoàn viên và thanh niên ghi tên tình nguyện tham gia phong trào “Ba sẵn sàng”. Đến tháng 7-1965, hàng vạn bạn trẻ đã hăng hái gia nhập lực lượng Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước ở nhiều tỉnh trên miền Bắc, trở thành lực lượng chủ yếu trong việc mở đường mới, đường tránh và bảo đảm giao thông vận tải thông suốt trong mọi tình huống, bất chấp mưa bom bão đạn của máy bay Mỹ.

Cùng với phong trào “Ba sẵn sàng” của tuổi trẻ miền Bắc, tháng 3-1965, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Cục miền Nam, Đoàn Thanh niên Nhân dân Cách mạng Việt Nam đã phát động phong trào “Năm xung phong” để tập hợp, đoàn kết rộng rãi các tầng lớp thanh niên miền Nam tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tiến tới thống nhất nước nhà. Nội dung của phong trào “Năm xung phong” là:

1. Xung phong tiêu diệt thật nhiều sinh lực địch.

2. Xung phong tòng quân giết giặc.

3. Xung phong trong các cuộc đấu tranh chính trị ở nông thôn cũng như đô thị.

4. Xung phong phục vụ tiền tuyến, vào các đội thanh niên xung phong công tác phục vụ chiến trường.

5. Xung phong sản xuất nông nghiệp trong nông thôn.

Phong trào “Ba sẵn sàng” và phong trào “Năm xung phong” đã trở thành phong trào thi đua yêu nước, cuốn hút hàng triệu đoàn viên và thanh niên ở cả hai miền Nam - Bắc tham gia bằng những hoạt động cách mạng cụ thể, góp phần đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước phát triển mạnh mẽ, giành được những thắng lợi to lớn.

PHONG TRÀO “BA ĐẢM ĐANG”

Nhân dịp kỷ niệm lần thứ 15 Ngày toàn quốc chống Mỹ (19-3-1950 - 19-3-1965), Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kêu gọi phụ nữ cả nước hãy ra sức thi đua với phụ nữ miền Nam, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Nhân dịp này, Ban Chấp hành Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động phong trào “Ba đảm đang” (lúc đầu gọi là “Ba đảm nhiệm”), với các nội dung như sau:

1. Đảm đang sản xuất và công tác, thay thế cho chồng, con, anh em đi chiến đấu.

2. Đảm đang việc gia đình cho chồng, con, anh em yên tâm chiến đấu; khuyến khích chồng, con, anh em tòng quân và phục vụ lâu dài trong quân đội.

3. Đảm đang phục vụ chiến đấu, tham gia dân quân tự vệ, tập luyện quân sự để sẵn sàng chiến đấu, phục vụ bộ đội, công an, dân quân tự vệ khi chiến đấu.

Có thể nói “Ba đảm đang” là một phong trào cách mạng quần chúng sâu rộng, lôi cuốn phụ nữ cả nước tham gia để thực hiện khẩu hiệu “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đến cuối tháng 5-1965 đã có trên 1,7 triệu phụ nữ ghi tên phấn đấu đạt danh hiệu “Phụ nữ Ba đảm đang”.

CUỘC TỔNG TIẾN CÔNG
VÀ NỔI DẬY TẾT MẬU THÂN (1968)

Chấp hành Nghị quyết của Bộ Chính trị, đúng đêm giao thừa và đêm mồng một Tết Mậu Thân (30 và 31-01-1968), các lực lượng vũ trang và nhân dân miền Nam đã nhất tề, đồng loạt mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy ở hàng chục thành phố, thị xã, các sào huyệt, các cơ quan đầu não của Mỹ - ngụy. Tại Sài Gòn (nay là thành phố Hồ Chí Minh), nhiều mục tiêu quan trọng như Dinh tổng thống ngụy quyền, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, Đài phát thanh Sài Gòn, Tòa đại sứ Mỹ, sân bay Tân Sơn Nhất, v.v., đều bị tấn công. Tại thành phố Huế, quân và dân ta đánh chiếm 39 mục tiêu quan trọng, giải phóng và chiếm giữ thành phố suốt 25 ngày đêm. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân diễn ra trong vòng hơn hai tháng. Tính đến ngày 31-3-1968, ta đã loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 147.000 tên địch (có 43.000 tên Mỹ), phá hủy 2.370 máy bay, 1.700 xe tăng, xe bọc thép, 350 khẩu pháo lớn, 230 tàu xuồng, trên một triệu tấn vật tư chiến tranh, chiếm
34% vật tư dự trữ chiến tranh của địch…

Thắng lợi vang dội của cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân đã giáng đòn bất ngờ như sét đánh vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, làm đảo lộn thế chiến lược trong cuộc “Chiến tranh cục bộ” của chúng, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh và ngồi vào bàn đàm phán tại Hội nghị Pari, Giônxơn không ra tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ hai.

HỘI NGHỊ PARI VỀ VIỆT NAM (1968-1973)

Đây là Hội nghị bàn về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, họp tại thủ đô Pari (Pháp), gồm hai giai đoạn: Hội nghị hai bên và Hội nghị bốn bên.

Hội nghị hai bên bắt đầu từ ngày 13-5-1968, gồm phái đoàn Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, do Bộ trưởng Xuân Thủy dẫn đầu và phái đoàn Chính phủ Hoa Kỳ do ông Hariman dẫn đầu. Sau nhiều phiên họp, Hội nghị đã thỏa thuận Mỹ chấm dứt không điều kiện việc ném bom miền Bắc Việt Nam và bắt đầu họp bốn bên.

Sau phiên họp trù bị ngày 18-1-1969, ngày 25-1 Hội nghị bốn bên chính thức khai mạc. Ngoài hai bên như trước, Hội nghị có thêm hai bên nữa là: phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, do ông Trần Bửu Kiếm dẫn đầu; phái đoàn chính quyền Sài Gòn do các ông Nguyễn Cao Kỳ, Phạm Đăng Lâm dẫn đầu.

Hội nghị Pari diễn ra trong hơn 4 năm, có hơn 202 phiên họp công khai, 24 phiên họp kín. Với ý đồ thương lượng trên thế mạnh nên thái độ của phía Mỹ rất ngoan cố. Nhưng trước những thắng lợi to lớn của quân và dân ta, đặc biệt là thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công chiến lược xuân - hè năm 1972 ở miền Nam và trận “Điện Biên Phủ trên không” (12-1972), giáng trả đích đáng cuộc tập kích bằng không quân chiến lược “pháo đài bay” B52 của đế quốc Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng; với sức ép của dư luận tiến bộ Mỹ và thế giới, nên ngày 27-01-1973, các Bộ trưởng ngoại giao đại diện cho Chính phủ bốn bên đã tiến hành ký kết chính thức Hiệp định Pa-ri về việc chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam và 4 Nghị định thư kèm theo.

CHÍNH PHỦ CÁCH MẠNG LÂM THỜI
CỘNG HÒA MIỀN NAM VIỆT NAM

Do những thắng lợi to lớn của quân và dân ta trên các chiến trường miền Nam trong năm 1968, đầu năm 1969, nên vùng giải phóng ngày càng được mở rộng. Vấn đề đặt ra lúc này là phải khẩn trương thành lập chính quyền cách mạng trung ương để làm nhiệm vụ đối nội và đối ngoại.

Trước yêu cầu đó, Đại hội đại biểu quốc dân toàn miền Nam, từ ngày 6 đến ngày 8-6-1969 đã ra quyết định thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát làm Chủ tịch, bác sĩ Phùng Văn Cung, giáo sư Nguyễn Văn Kiết, cụ Nguyễn Đóa làm Phó Chủ tịch và Hội đồng Cố vấn Chính phủ, do luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch, luật sư Trịnh Đình Thảo làm Phó Chủ tịch. Đại hội đã kêu gọi quân và dân miền Nam đẩy mạnh sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước đến thắng lợi hoàn toàn. Ngay trong tháng 6 năm 1969, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã được 23 nước xã hội chủ nghĩa và dân tộc chủ nghĩa công nhận, trong đó có 21 nước chính thức đặt quan hệ ngoại giao. Trong suốt những năm tồn tại, Chính phủ luôn nhận được sự cổ vũ và nhiệt tình ủng hộ của nhiều nước anh em, bầu bạn.

Việc Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời là một thắng lợi to lớn của cách mạng miền Nam, là một Chính phủ hợp pháp, đại diện chân chính của nhân dân miền Nam. Chính phủ này kết thúc hoạt động và hoàn thành vai trò lịch sử của mình năm 1976, khi nhân dân hai miền Nam - Bắc tiến hành cuộc Tổng tuyển cử tự do bầu Quốc hội khóa VI - Quốc hội chung của một nước Việt Nam thống nhất.

LIÊN MINH CÁC LỰC LƯỢNG DÂN TỘC,
DÂN CHỦ VÀ HÒA BÌNH VIỆT NAM

Từ trong khói lửa của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, ngày 21-4-1968, Đại hội thành lập Liên minh Các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam đã được tổ chức tại vùng giải phóng, với sự tham gia của nhiều nhân sĩ, trí thức, học giả, giáo sư, sinh viên, các nhà công thương. Đại hội đã bầu Ủy ban Trung ương của Liên minh do Luật sư Trịnh Đình Thảo làm Chủ tịch. Bản tuyên ngôn cứu nước của Liên minh nêu rõ mục tiêu là đoàn kết mọi lực lượng và cá nhân yêu nước, kiên quyết chống ngoại xâm, đánh đổ chế độ ngụy quyền, thành lập Chính phủ liên hiệp dân tộc, giành độc lập, dân chủ và hòa bình.

Tháng 6 năm 1969, Trung ương Liên minh Các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam đã tham dự Đại hội đại biểu quốc dân toàn miền Nam để thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sau 8 năm hoạt động (1968 - 1976), Liên minh đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình.

Năm 1976, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, Liên minh Các lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam đã hợp nhất thành Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhằm thực hiện sứ mệnh đại đoàn kết toàn dân trong mặt trận dân tộc thống nhất để đẩy mạnh sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.