Trong hoàn cảnh cả nước có chiến tranh, cả nước phải tập
trung thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng nhất là chống Mỹ, cứu nước nên nhiệm
kỳ hoạt động của Quốc hội khóa III kéo dài 7 năm (1964 - 1971). Trong thời
gian đó, Quốc hội đã họp 7 kỳ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp 95 phiên
để xem xét, quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước.
Cuối năm 1964, đế quốc Mỹ đã điên cuồng mở rộng cuộc chiến tranh phá hoại
miền Bắc bằng không quân và hải quân. Trước tình hình hai miền Nam - Bắc đều
có chiến tranh, tại kỳ họp thứ 2, ngày 10 tháng 4 năm 1965, Quốc hội khoá
III đã ra Nghị quyết trao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội một số quyền hạn
trong trường hợp Quốc hội không có điều kiện họp để quyết định thông qua kế
hoạch nhà nước, nhân sự cấp cao, tổ chức hành chính nhà nước v.v.. Có thể
nói, Quốc hội khóa III là Quốc hội xây dựng đất nước thời chiến, góp phần
đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc; tích
cực chi viện cho cuộc kháng chiến của quân và dân ta đánh bại chiến lược
“chiến tranh cục bộ” của Mỹ trên chiến trường miền Nam và làm tròn nghĩa vụ
quốc tế cao cả, giúp nhân dân hai nước Lào và Campuchia trong cuộc chiến đấu
chống kẻ thù chung.
Văn kiện Quốc hội Toàn tập, Tập 3 bao gồm các văn kiện của Quốc hội, Ủy ban
Thường vụ Quốc hội và một số báo cáo của Chính phủ trình tại các kỳ họp của
Quốc hội khóa III.
Về các văn bản pháp luật, trong Tập 3 có đăng Luật sửa đổi và bổ sung Luật
nghĩa vụ quân sự do Quốc hội thông qua và 8 Pháp lệnh do Ủy ban Thường vụ
Quốc hội thông qua là: Pháp lệnh quy định cấm nấu rượu trái phép, Pháp lệnh
quy định một số điểm về bầu cử và tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành
chính các cấp trong thời chiến, Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng,
Pháp lệnh đặt các danh hiệu vinh dự Nhà nước: Anh hùng Lao động và Anh hùng
lực lượng vũ trang nhân dân, Pháp lệnh sửa đổi và bổ sung Pháp lệnh quy định
cụ thể về tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Pháp lệnh sửa đổi Điều
15 của Pháp lệnh quy định cụ thể về tổ chức của Toà án nhân dân tối cao và
tổ chức của các Tòa án nhân dân địa phương, Pháp lệnh trừng trị các tội xâm
phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản
riêng của công dân.
Ngoài các luật, pháp lệnh, Tập 3 còn đăng toàn bộ nghị quyết của 7 kỳ họp
Quốc hội và nhiều nghị quyết quan trọng của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về
phương hướng, nhiệm vụ và những chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch nhà nước hàng
năm, về phê chuẩn dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước hàng năm… Những văn
kiện này phản ánh chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta
trong điều kiện thời chiến, phục vụ đắc lực cho yêu cầu “tất cả để đánh
thắng giặc Mỹ xâm lược” xây dựng và bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc.
Cách bố cục của Tập 3 cũng giống như Tập 1, Tập 2 là theo trình tự thời gian
diễn ra các sự kiện, trong mỗi năm thì sắp xếp các văn kiện của Quốc hội lên
trước các văn kiện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Để bạn đọc tiện theo dõi,
nghiên cứu, tập sách còn có Bản chú thích nêu những sự kiện chính có liên
quan đến nhiều hoạt động của Quốc hội khóa III và Bản chỉ dẫn tên người, tập
trung viết về các vị: Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội
và các Phó Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Cuối tập sách là Phụ lục, bao
gồm một số tài liệu và danh mục các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
về công tác thi đua, khen thưởng: phong tặng Huân chương, tuyên dương anh
hùng; về công tác tư pháp: bác đơn xin ân giảm hoặc ân giảm tội tử hình.
Trong quá trình biên soạn Tập 3, Văn kiện Quốc hội Toàn tập, các cán bộ
nghiên cứu của Văn phòng Quốc hội, cán bộ biên tập của Nhà xuất bản Chính
trị quốc gia cùng các cơ quan hữu quan khác đã rất cố gắng trong việc sưu
tầm, phân loại, thẩm định và biên tập tài liệu. Song trong quá trình chuẩn
bị tài liệu, biên tập, xuất bản chắc khó tránh khỏi những thiếu sót, khiếm
khuyết. Chúng tôi rất mong nhận được sự góp ý chân thành của quý vị bạn đọc.
Xin trân trọng giới thiệu tập sách cùng bạn đọc.