Ngày
31-10-1959, Xô viết tối cao Liên Xô đã lên tiếng kêu gọi Quốc hội các nước
trên thế giới hưởng ứng kế hoạch giải trừ quân bị toàn diện và triệt để của
Chính phủ Liên Xô do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Khơrútsốp đưa ra trước khóa
họp Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 14. Đề nghị này đã được Quốc hội và
Chính phủ nhiều nước đồng tình và ủng hộ.
Quốc hội nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong kỳ họp thứ 11 cuối năm 1959 đã nhất trí tán
thành bản tuyên bố của Ban Thường trực Quốc hội về chính sách hòa bình của
Liên Xô.
Vừa rồi Xô
viết tối cao Liên Xô lại thông qua đạo luật giảm bớt một phần ba quân số, cụ
thể là 1.200.000 người, như thế quân đội và hải quân của Liên Xô sẽ còn lại
2.423.000 người, dưới mức quân số 2.500.000 người mà cuộc đàm phán giữa các
nước Anh, Pháp, Mỹ năm 1956 đã quy định cho Liên Xô và Mỹ.
Ngày 15-1-1960, Xô viết
tối cao Liên Xô lại kêu gọi một lần nữa Quốc hội và Chính phủ tất cả các
nước trên thế giới hưởng ứng sáng kiến hòa bình mới của Liên Xô, bằng cách
thi hành những biện pháp cụ thể về việc giảm bớt lực lượng vũ trang, nhằm đỡ
cho nhân dân gánh nặng về quân bị và tránh cho nhân loại mối đe dọa của
chiến tranh và đảm bảo hòa bình trên toàn thế giới.
Mọi người đều nhận thấy
rằng trong lịch sử nhân loại, cuộc chạy đua vũ trang và chiến tranh tâm lý
chưa bao giờ nguy hiểm như ngày nay. Nhưng mọi người cũng đều thấy rõ rằng:
Tương quan lực lượng trên thế giới hiện nay đã thay đổi: Phong trào hòa bình
đương tiến mạnh và lực lượng gây chiến ngày càng bị đẩy lùi. Tình hình căng
thẳng trong quan hệ giữa các nước đã thực sự giảm bớt. Triển vọng củng cố
hòa bình đã sáng sủa hơn rất nhiều. Việc Liên Xô phóng thành công các hỏa
tiễn vũ trụ, việc Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô Khơrútsốp sang thăm
nước Mỹ đã đưa lại cho nhân loại những hy vọng tươi đẹp về tương lai.
Những cố gắng của Liên
Xô không những đáp ứng được nguyện vọng tha thiết của loài người mà lại còn
rất phù hợp với tình hình hiện nay. Sự chung sống hòa bình giữa các nước có
chế độ xã hội khác nhau đã thành một yêu cầu thiết thân trong giai đoạn phát
triển hiện tại của xã hội. Sự thực đó đã ăn sâu vào ý nghĩ của mọi người, kể
cả các chính khách. Liên Xô thành thực mong muốn lời kêu gọi của mình chóng
đi đến kết quả, chứ tuyệt nhiên không phải là một “hành động tuyên truyền”
như một vài dư luận không chính đáng của Tây phương đã phao ra.
Quốc hội nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa nhiệt liệt hoan nghênh bản kêu gọi hưởng ứng sáng kiến hòa
bình mới này của Liên Xô.
Từ khi hòa bình lập lại,
nhân dân Việt Nam thực hiện chính sách hòa bình của Quốc hội và Chính phủ
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã tích cực củng cố miền Bắc, hàn gắn những
vết thương chiến tranh, thi hành nghiêm chỉnh Hiệp định Giơnevơ nhằm đi đến
tổng tuyển cử tự do để thống nhất đất nước.
Chính phủ Việt Nam Dân
chủ Cộng hòa cũng đã giảm một số lực lượng vũ trang quan trọng của mình.
Trong lúc toàn thể nhân dân miền Bắc đang ra sức kiến thiết hòa bình để nâng
cao đời sống vật chất và văn hóa của mình, chúng tôi không thể không căm
phẫn đối với đế quốc Mỹ đang can thiệp càng ngày càng sâu vào miền Nam, chở
vũ khí và nhân viên quân sự vào miền Nam giúp cho bè lũ tay sai Ngô Đình
Diệm bày ra những trò tố cộng chống cộng, đặt ra đạo luật phát xít 10-59,
cho máy chém lưu động đi khắp nơi để tàn sát những người kháng chiến cũ,
những người chủ trương hòa bình thống nhất. Chúng tôi cũng rất lấy làm lo
ngại là đế quốc Mỹ lại ngày càng can thiệp sâu vào Lào, xúi giục bọn tay sai
của chúng gây nội chiến ở Lào, đe dọa hòa bình ở Việt Nam và Đông Nam Á.
Quốc hội nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa mong rằng việc Liên Xô tự mình giảm bớt quân số lần này
cũng như trong những năm qua, việc Liên Xô đã hoàn toàn rút hết quân của
mình ra khỏi nước Cộng hòa Nhân dân Rumani, giảm rất nhiều số quân đóng ở
nước Cộng hòa Dân chủ Đức và nước Cộng hòa Nhân dân Hunggari, thủ tiêu tất
cả những căn cứ quân sự của mình trên lãnh thổ các nước khác, sẽ nêu một tấm
gương sáng cho các nước nhất là các nước có lực lượng quân sự lớn nhất và
các nước có căn cứ quân sự ở các nước ngoài.
Theo gương của Liên Xô
là phương pháp duy nhất để các nước có thể cùng nhau chung sống hòa bình, để
các dân tộc có thể bảo vệ nền độc lập của mình và góp phần bảo vệ hòa bình
thế giới.
Quốc hội nước Việt Nam
Dân chủ Cộng hòa tin chắc rằng lời kêu gọi của Xô viết tối cao Liên Xô sẽ
được nhân dân thế giới đồng tình và ủng hộ.
Nhân dân Việt Nam tin
tưởng vào lực lượng của bản thân mình, vào lực lượng càng ngày càng lớn mạnh
của phe xã hội chủ nghĩa, và vào phong trào hòa bình càng ngày càng được
củng cố và mở rộng trên thế giới, quyết tâm đấu tranh đưa miền Bắc tiến lên
xã hội chủ nghĩa và hòa bình thống nhất nước nhà.
BAN
THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI
NƯỚC
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
|
Bản tuyên bố
này đã được Hội nghị Ban Thường trực Quốc hội thông qua trong phiên họp ngày
23 tháng 1 năm 1960.