VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

LỜI KÊU GỌI
CỦA BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI NGÀY 27-3-1959 YÊU CẦU TOÀN THỂ NHÂN DÂN HÃY NHIỆT LIỆT
THAM GIA THẢO LUẬN HIẾN PHÁP
1

 

Hơn một năm sau khi Hồ Chủ tịch đọc bản Tuyên ngôn độc lập, ngày 9-11-1946, Quốc hội ta đã thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đây là một văn kiện lịch sử ghi lại những thành tích của cuộc Cách mạng tháng Tám, đánh dấu một bước tiến quan trọng trong sinh hoạt chính trị của nước ta và tỏ rõ ý chí của nhân dân ta kiên quyết đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng đời sống tự do, hạnh phúc.

Nhưng Hiến pháp vừa được thông qua thì thực dân Pháp được sự giúp đỡ của bọn đế quốc đứng đầu là đế quốc Mỹ trở lại xâm chiếm nước ta, hòng đặt ách nô lệ trên đầu nhân dân ta một lần nữa. Nhân dân ta đã muôn người như một, đứng dậy kháng chiến gian khổ và anh dũng và đi đến những thắng lợi vĩ đại của trận Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơnevơ, lập lại hòa bình ở Việt Nam, bắt đầu công cuộc kiến thiết nước nhà.

Trong bước tiến triển của nhân dân ta về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, bản Hiến pháp năm 1946 cần phải có những sửa đổi thích hợp mới đáp ứng được nhu cầu hiện tại.

Trong khóa họp thứ 6, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định sửa đổi Hiến pháp và đã giao trách nhiệm khởi thảo Hiến pháp cho Ban sửa đổi Hiến pháp gồm 29 vị đại biểu Quốc hội dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch.

Sau một thời gian làm việc, Bản sơ thảo đã được đưa ra trưng cầu ý kiến đợt thứ nhất trong các đại biểu Quốc hội và các cán bộ cao cấp, trung cấp. Nghiên cứu kỹ những ý kiến nhận được, Ban sửa đổi Hiến pháp đã chỉnh lý lại Bản sơ thảo lần thứ nhất và đã đi tới Bản Hiến pháp sửa đổi như ngày nay.

Trước khi đưa ra trình Quốc hội thảo luận và thông qua, Ban sửa đổi Hiến pháp công bố bản Hiến pháp sửa đổi này để toàn thể nhân dân thảo luận và tham gia ý kiến.

Hiến pháp là đạo luật cơ bản quy định rõ chế độ chính trị và kinh tế của một nước, quy định rõ nghĩa vụ và quyền lợi của mọi người công dân. Dưới chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhân dân là chủ nhân của đất nước, cho nên việc xây dựng Hiến pháp, việc thảo luận các vấn đề có quan hệ đến quốc kế dân sinh phải là công việc của toàn dân.

Khác với Hiến pháp phản dân chủ của Mỹ - Diệm ở miền Nam chỉ do một bọn thống trị dự thảo rồi đưa ra bày cái trò mà chúng gọi là “quốc hội lập hiến” chấp thuận, Hiến pháp ta do những người đại biểu chân chính của nhân dân dự thảo ra, rồi đưa trưng cầu ý kiến nhân dân và Quốc hội chỉ biểu quyết khi mà Bản Hiến pháp đã thật sự phản ánh được thực tế của xã hội, phù hợp với nguyện vọng của quảng đại quần chúng.

Hiến pháp của chúng ta hiện nay không những chỉ ghi lại những thành tích mà nhân dân ta đã thu được sau Cách mạng tháng Tám và trong kháng chiến; mà còn vạch ra con đường phát triển kinh tế và văn hóa nhằm không ngừng tăng cường lực lượng của Nhà nước và cải thiện đời sống của nhân dân, đưa miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà.

Ban Thường trực Quốc hội kêu gọi các tầng lớp nhân dân: công nhân, nông dân, trí thức, tiểu thủ công, công thương gia, đồng bào các dân tộc, miền Bắc cũng như miền Nam, trong nước cũng như ngoài nước, không kể trai, gái, già, trẻ, hãy nhiệt liệt tham gia các cuộc thảo luận Hiến pháp, hãy tỏ bày ý kiến của mình đối với Bản dự thảo Hiến pháp. Có như thế Hiến pháp của chúng ta mới thật sự là Hiến pháp từ nhân dân mà ra, để trở lại phục vụ lợi ích của nhân dân, của Nhà nước mà nhân dân là chủ.

Trong hơn 80 năm qua, chúng ta đã đấu tranh gian khổ để đánh đuổi ngoại xâm giành lại quyền độc lập cho đất nước. Nay miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng, chủ quyền đất nước đã về tay chúng ta, công cuộc kiến thiết nước nhà đã bắt đầu thu được những kết quả tốt đẹp. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Lao động Việt Nam đứng đầu là Hồ Chủ tịch, nhất định chúng ta phải xây dựng một chế độ tươi đẹp, làm cho nước Việt Nam thành một nước hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ và giàu mạnh.

Với lòng thiết tha yêu nước, với truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân ta, Ban Thường trực Quốc hội tin chắc rằng cuộc thảo luận này sẽ rất sôi nổi, rất dân chủ, đem lại nhiều ý kiến xây dựng một bản Hiến pháp phù hợp với lợi ích của nước nhà và nguyện vọng của toàn dân.

 

BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI

 

Lời kêu gọi này đã được Ban Thường trực Quốc hội thông qua trong phiên họp ngày 27 tháng 3 năm 1959.

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.


 

1. Tiêu đề do chúng tôi đặt (BT).

Về trang mục lục

Trở về đầu trang