Thưa Đoàn Chủ
tịch,
Thưa các vị
đại biểu,
Trong khoá họp lần thứ
6, Quốc hội đã quyết định sửa đổi Hiến pháp năm 1946 và thành lập một Ban dự
thảo Hiến pháp sửa đổi để trình Quốc hội.
Công việc dự
thảo bản Hiến pháp sửa đổi là một quá trình làm việc lâu dài, chuẩn bị và
nghiên cứu kỹ lưỡng. Sau khi làm xong bản dự thảo đầu tiên, tháng 7 năm
1958, chúng tôi đã đưa bản đó ra thảo luận trong các cán bộ trung cấp và cao
cấp thuộc các cơ quan quân, dân, chính, đảng. Sau đợt thảo luận này, bản dự
thảo đã được chỉnh lý lại và ngày 1 tháng 4 năm 1959 đem công bố để toàn dân
thảo luận và góp ý kiến xây dựng. Cuộc thảo luận này làm trong 4 tháng liền.
Tại khắp các nơi, trong các cơ quan, xí nghiệp, trường học và các tổ chức
khác của nhân dân, ở thành thị và nông thôn, việc nghiên cứu và thảo luận dự
thảo Hiến pháp tiến hành sôi nổi và đã trở thành một phong trào quần chúng
rộng rãi có đủ các tầng lớp nhân dân tham gia. Trên các báo chí, việc thảo
luận cũng sôi nổi và phong phú. Ban sửa đổi Hiến pháp đã nhận được nhiều thư
đóng góp ý kiến của cá nhân và tập thể, trong đó có những thư của đồng bào
miền Nam thân mến và của kiều bào ở nước ngoài.
Những ý kiến của nhân
dân đóng góp đã được Ban sửa đổi Hiến pháp nghiên cứu và thảo luận kỹ càng,
và trên cơ sở của việc nghiên cứu và thảo luận ấy chúng tôi đã chỉnh lý lại
bản dự thảo một lần nữa.
Thay mặt Ban sửa đổi
Hiến pháp, tôi xin trình bày trước Quốc hội bản báo cáo về dự thảo Hiến pháp
như sau:
I- Ý
NGHĨA QUAN TRỌNG CỦA BẢN HIẾN PHÁP SỬA ĐỔI
Tổ quốc Việt
Nam của chúng ta đã được xây dựng trải qua hàng ngàn năm lao động cần cù và
đấu tranh anh dũng của nhân dân ta.
Giữa thế kỷ thứ XIX, đế
quốc Pháp bắt đầu xâm lược nước ta. Bọn vua quan phong kiến đã đầu hàng giặc
ngoại xâm và bán nước ta cho đế quốc Pháp. Trong gần một thế kỷ, đế quốc
Pháp đã cấu kết với giai cấp phong kiến để thống trị nước ta một cách vô
cùng tàn bạo. Ngay từ lúc đầu, nhân dân ta đã đứng lên chống đế quốc Pháp,
để giành lại độc lập dân tộc. Nhờ tinh thần hy sinh chiến đấu của nhân dân
ta mà phong trào giải phóng dân tộc đã phát triển không ngừng. Nhưng sau gần
nửa thế kỷ, ách thống trị của đế quốc và phong kiến vẫn chưa bị đánh đổ,
nước ta chưa giành được độc lập.
Trong tình
hình đó, Cách mạng tháng Mười Nga
bùng nổ và thắng lợi vẻ
vang. Liên bang Xô viết được thành lập. Hệ thống thuộc địa của chủ nghĩa đế
quốc bắt đầu sụp đổ. Liên Xô đem lại cho các dân tộc bị áp bức một kiểu mẫu
của mối quan hệ bình đẳng giữa các dân tộc. Các dân tộc bị áp bức trên thế
giới thấy rằng chỉ có dựa vào phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa, đi theo
đường lối của giai cấp công nhân thì mới đánh đổ được bọn đế quốc để giành
lại độc lập dân tộc hoàn toàn và bình đẳng thật sự giữa các dân tộc. Cách
mạng tháng Mười Nga đã gắn liền phong trào cách mạng xã hội chủ nghĩa với
phong trào cách mạng giải phóng dân tộc trong một mặt trận chung chống chủ
nghĩa đế quốc.
Ở Việt Nam ta,
từ sau cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất, giai cấp tư sản dân tộc và
tiểu tư sản đã không đưa được phong trào giải phóng dân tộc đến thắng
lợi. Giai cấp công nhân Việt Nam đã đem ánh sáng của Cách mạng tháng
Mười soi tỏ cho con đường cách mạng Việt Nam. Năm 1930, Đảng Cộng sản
Đông Dương,
chính Đảng của giai cấp công nhân thành lập đã vạch rõ cách mạng Việt Nam
trải qua hai giai đoạn: cách mạng dân tộc dân chủ và cách mạng xã hội chủ
nghĩa. Lần đầu tiên cách mạng Việt Nam có một cương lĩnh chính trị toàn diện
do Đảng của giai cấp công nhân đề ra. Cách mạng Việt Nam từ đó được giai cấp
công nhân và chính Đảng của nó thống nhất lãnh đạo, đã phát triển nhanh
chóng và vững chắc.
Xô viết Nghệ Tĩnh năm
1930 và cuộc vận động dân chủ năm 1936 - 1939 đã đưa phong trào cách mạng
Việt Nam ngày càng lên cao, và ngày càng thắt chặt quan hệ giữa giai cấp
công nhân và Đảng của nó với nông dân và các tầng lớp nhân dân khác trong
nước.
Năm 1939, chiến tranh
thế giới thứ hai bùng nổ. Đế quốc Pháp và quân phiệt Nhật cấu kết với nhau
để thống trị nước ta. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta đã nổi dậy
chống đế quốc xâm lược một cách rất anh dũng, Bắc Sơn khởi nghĩa và Nam Kỳ
khởi nghĩa là những tiếng báo hiệu đầu tiên cho một phong trào cách mạng
rộng lớn. Năm 1941, Đảng lập Mặt trận Việt Minh và đề ra nhiệm vụ đánh đuổi
Nhật, Pháp,
làm cho
Việt Nam hoàn toàn độc lập, dựng lên một nước Việt Nam Dân chủ Cộng
hoà.
Năm 1945 Liên
Xô và các lực lượng dân chủ trên thế giới đã đánh thắng bọn phát xít, chiến
tranh thế giới thứ hai kết thúc.
Nắm vững cơ
hội đó, Đảng đã lãnh đạo Cách mạng tháng Tám thắng lợi. Ách thống trị
của đế quốc và của bọn vua quan phong kiến bị lật đổ. Chính quyền nhân dân
được thành lập trong cả nước. Ngày 2 tháng 9 năm 1945 nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hoà thành lập. Nền độc lập của nước Việt Nam ta được trịnh trọng tuyên
bố trước nhân dân toàn thế giới. Sau gần một thế kỷ làm nô lệ, Tổ quốc ta
được giải phóng, nhân dân ta được tự do. Một trang lịch sử cực kỳ vẻ vang
của dân tộc ta bắt đầu.
Sau khi Cách
mạng tháng Tám thành công, nhân dân ta bắt đầu xây dựng nước nhà để củng cố
và phát triển thành quả của cách mạng. Ngày 6 tháng 1 năm 1946, trong cuộc
tổng tuyển cử tự do trong cả nước, nhân dân ta bầu ra Quốc hội
đầu tiên của nước ta. Ngày 9 tháng 11 năm 1946 Quốc hội đã thông qua bản
Hiến pháp đầu tiên của nước ta.
Lời nói đầu
của bản Hiến pháp năm 1946 đã nêu:
Nhiệm vụ của
dân tộc ta trong giai đoạn này là bảo toàn lĩnh thổ, giành độc lập hoàn toàn
và xây dựng nước nhà trên nền tảng dân chủ. Hiến pháp Việt Nam phải
ghi rõ những thành tích vẻ vang của Cách mạng và phải xây dựng trên nguyên
tắc đoàn kết toàn dân, đảm bảo các quyền tự do dân chủ, thực hiện chính
quyền mạnh mẽ của nhân dân.
Chế độ do Hiến
pháp năm 1946 xác nhận đã đảm bảo độc lập dân tộc và một nền dân chủ rộng
rãi của nhân dân. Ngay từ khi mới thành lập, dưới sự lãnh đạo của Đảng,
chính quyền nhân dân đã ban bố Luật lao động, thi hành giảm tô, tịch thu
ruộng đất của thực dân Pháp và bọn Việt gian đem chia cho dân cày. Quyền bầu
cử và ứng cử, quyền tham gia công việc Nhà nước của nhân dân được đảm bảo;
quyền tự do dân chủ được thực hiện. Đó là một chế độ dân chủ mới.
Nhưng đế quốc
Pháp lại gây ra chiến tranh để xâm lược nước ta một lần nữa. Nhân dân ta đã
đoàn kết chặt chẽ chung quanh Đảng và chính quyền ta, tiến hành cuộc kháng
chiến trường kỳ và gian khổ, kiên quyết đập tan âm mưu nô dịch của đế quốc
và bè lũ tay sai bán nước. Năm 1953, trong khi nhân dân ta đang kháng chiến,
Quốc hội đã thông qua Luật cải cách ruộng đất, thực hiện triệt để chủ trương
người cày có ruộng.
Chiến thắng
Điện Biên Phủ và Hội nghị Giơnevơ thắng lợi đã kết thúc vẻ vang cuộc kháng
chiến vô cùng anh dũng của nhân dân ta, miền Bắc nước ta được hoàn toàn giải
phóng.
Lần đầu tiên
trong lịch sử, một dân tộc bị áp bức đã đánh bại cuộc xâm lược của một đế
quốc hùng mạnh, đã giành lại độc lập cho dân tộc, đem lại ruộng đất cho dân
cày, đưa lại quyền dân chủ thực sự cho nhân dân. Thắng lợi đó là do lòng yêu
nước nồng nàn và tinh thần đấu tranh anh dũng của quân và dân ta, do toàn
dân ta đoàn kết chặt chẽ trong Mặt trận dân tộc thống nhất và chính quyền
nhân dân ta dựa trên nền tảng liên minh công nông dưới sự lãnh đạo của giai
cấp công nhân và của Đảng, do sự ủng hộ của các nước anh em trong phe xã hội
chủ nghĩa và các lực lượng hoà bình dân chủ trên thế giới.
Thắng lợi của
Cách mạng tháng Tám và của cuộc kháng chiến vĩ đại chứng tỏ rằng mặt trận
dân tộc dù nhỏ yếu, nhưng đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo của giai cấp
công nhân và Đảng của nó, đi đúng đường lối của chủ nghĩa Mác - Lênin, thì
nhất định đánh thắng được đế quốc xâm lược.
*
* *
Từ khi kháng
chiến thắng lợi và hoà bình lập lại, cách mạng Việt Nam đã chuyển sang một
giai đoạn mới: miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng dưới chế độ dân chủ
nhân dân, đã bước vào thời kỳ quá độ tiến lên chủ nghĩa xã hội. Nhưng miền
Nam, còn tạm thời sống dưới ách thống trị của đế quốc và phong kiến, thì
nhân dân ta cần phải tiếp tục cuộc cách mạng dân tộc dân chủ trong
điều kiện mới của nước ta.
Ở miền Bắc,
sau khi hoàn toàn giải phóng, mọi mặt đều tiến bộ nhanh chóng.
Trong 3 năm
(1955-1957), chúng ta đã hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh
tế.
Năm 1958, chúng ta bắt đầu thực hiện kế hoạch kinh tế 3 năm nhằm phát
triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa xã hội.
Hội nghị Trung
ương lần thứ 14 của Đảng Lao động Việt Nam đã nhận định rằng: “Lực lượng xã
hội chủ nghĩa ở miền Bắc hiện nay đã mạnh hơn hẳn lực lượng tư bản chủ
nghĩa”.
Về mặt kinh tế
và văn hoá, chúng ta đã có những tiến bộ lớn, thí dụ:
Từ năm 1955
đến năm 1959, về nông nghiệp, sản lượng thóc đã tăng từ 3 triệu 60 vạn tấn
đến 5 triệu 20 vạn tấn. Về công nghiệp, năm 1955 chúng ta chỉ có 17 xí
nghiệp quốc doanh, năm 1959 đã có 107 xí nghiệp quốc doanh.
Số hợp tác xã
sản xuất nông nghiệp cấp thấp chiếm 43,9% tổng số nông hộ; đa số nông hộ
chưa vào hợp tác xã đã vào tổ đổi công.
53% tổng số
thợ thủ công vào các tổ chức hợp tác xã.
Về văn hoá,
chúng ta đã căn bản xoá xong nạn mù chữ. So với năm 1955, số học sinh trường
phổ thông tăng lên gấp 2 lần; số học sinh trường chuyên nghiệp trung cấp
tăng lên gấp 6 lần; số sinh viên đại học tăng lên gấp 7 lần; số bác sĩ y
khoa tăng 80%, v.v..
Chúng ta đang tiến lên
một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa. Đi đôi với những thắng lợi ấy, quan hệ
giai cấp trong xã hội miền Bắc đã thay đổi. Giai cấp địa chủ phong kiến đã
bị đánh đổ. Giai cấp công nhân ngày càng lớn mạnh và tăng cường lãnh đạo đối
với Nhà nước. Giai cấp nông dân đang đi vào con đường hợp tác hoá. Liên minh
công nông càng được thắt chặt. Những người trí thức cách mạng đang góp phần
tích cực vào công cuộc xây dựng nước nhà. Các nhà tư sản dân tộc nói chung
đều tiếp thu cải tạo xã hội chủ nghĩa. Các tầng lớp nhân dân càng đoàn kết
chặt chẽ trong Mặt trận dân tộc thống nhất. So với 1946, khi bản Hiến pháp
đầu tiên của nước ta được thông qua, tình hình miền Bắc nước ta hiện nay đã
có những biến đổi rất lớn và rất tốt.
Trong lúc miền Bắc nước
ta tiến lên chủ nghĩa xã hội, thì ở miền Nam đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai phá
hoại Hiệp định Giơnevơ, từ chối hiệp thương tổng tuyển cử để thống nhất nước
ta. Chúng thi hành một chính sách độc tài vô cùng tàn bạo, vơ vét tài sản
của nhân dân, đàn áp và khủng bố nhân dân một cách rất dã man. Chúng âm mưu
chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam nước ta thành một thuộc địa và
căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ, hòng gây chiến tranh mới ở Đông Dương.
Nhưng đồng bào ta ở miền
Nam rất anh dũng. Cho nên phong trào đấu tranh ở miền Nam được giữ vững và
phát triển. Đồng bào miền Nam đòi cải thiện đời sống và phát triển kinh tế
dân tộc, đòi tự do dân chủ, đòi hoà bình và thống nhất nước nhà, chống áp
bức bóc lột, chống viện trợ Mỹ, chống khủng bố và tàn sát, chống tăng cường
quân sự, chuẩn bị chiến tranh.
Miền Bắc tiến lên chủ
nghĩa xã hội đang khuyến khích mạnh mẽ phong trào yêu nước ở miền Nam. Đồng
bào miền Nam luôn luôn hướng về miền Bắc, hướng về Chính phủ ta và càng tin
tưởng vào sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.
Tóm lại, Cách mạng Việt
Nam đã chuyển sang giai đoạn mới. Chúng ta có nhiệm vụ mới. Điều kiện trong
nước và trên thế giới đều thuận lợi cho ta.
Hiến pháp năm 1946, Hiến
pháp dân chủ đầu tiên của nước ta, thích hợp với tình hình và nhiệm vụ cách
mạng trong thời kỳ đó. Nó đã hoàn thành sứ mệnh của nó. Nhưng so với tình
hình mới và nhiệm vụ cách mạng mới hiện nay thì nó không thích hợp nữa. Vì
vậy mà chúng ta phải sửa đổi Hiến pháp ấy.
Dự thảo Hiến pháp sửa
đổi ghi rõ những thắng lợi to lớn của nhân dân ta trong những năm qua và nêu
rõ nhiệm vụ cách mạng mới trong giai đoạn lịch sử mới.
II-
MẤY ĐIỂM LỚN TRONG NỘI DUNG DỰ THẢO HIẾN PHÁP SỬA ĐỔI
Sau đây tôi
xin trình bày tóm tắt mấy điểm lớn trong nội dung bản dự thảo Hiến pháp sửa
đổi.
1.
Tính chất Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà:
Tính chất Nhà
nước là vấn đề cơ bản của Hiến pháp. Đó là vấn đề nội dung giai cấp của
chính quyền. Chính quyền về tay ai và phục vụ quyền lợi của ai ? Điều đó
quyết định toàn bộ nội dung của Hiến pháp.
Nhà nước của
ta thành lập sau Cách mạng tháng Tám đã là Nhà nước dân chủ nhân dân do giai
cấp công nhân lãnh đạo. Nay Lời nói đầu của dự thảo Hiến pháp sửa đổi lại
ghi rõ : “Nhà nước của ta là Nhà nước dân chủ nhân dân dựa trên nền tảng
liên minh công nông, do giai cấp công nhân lãnh đạo”.
Để xây dựng chủ nghĩa xã
hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà, chúng ta cần phải tăng cường
không ngừng sự lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với Nhà nước dân chủ nhân
dân.
Liên minh công nông là
nền tảng của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Nông dân ta là một lực
lượng sản xuất rất to lớn, đồng thời là một lực lượng cách mạng rất to lớn.
Trong cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, nông dân ta đã hăng hái theo Đảng
đứng lên cùng giai cấp công nhân đánh đổ đế quốc và phong kiến tay sai. Hiện
nay nông dân ta hăng hái đi vào con đường hợp tác hoá nông nghiệp. Đó là do
tinh thần tích cực cách mạng của nông dân ta, do sự giáo dục kiên trì và
liên tục của Đảng và của giai cấp công nhân. Cho nên trong công cuộc xây
dựng chủ nghĩa xã hội, Nhà nước ta ra sức giúp đỡ nông dân, củng cố liên
minh công - nông.
Giai cấp công nhân đoàn
kết với những người thợ thủ công và những người buôn bán nhỏ vì họ là người
lao động và họ vui lòng đi vào con đường hợp tác hoá, họ tán thành và ủng hộ
Cách mạng xã hội chủ nghĩa.
Cách mạng xã
hội chủ nghĩa gắn liền với sự phát triển khoa học và kỹ thuật, với sự phát
triển văn hoá của nhân dân. Những người trí thức của chúng ta đã góp một
phần xứng đáng trong kháng chiến. Họ đã được Đảng luôn luôn giúp đỡ để tiến
bộ. Cho nên họ đi theo chủ nghĩa xã hội. Giai cấp công nhân đoàn kết chặt
chẽ với giới trí thức để giúp họ phục vụ cách mạng, phục vụ chủ nghĩa xã
hội.
Dưới sự lãnh đạo của
giai cấp công nhân, giai cấp tư sản dân tộc Việt Nam đã ủng hộ cách mạng dân
tộc dân chủ nhân dân. Từ ngày hoà bình lập lại, họ có đóng góp một phần
trong công cuộc khôi phục kinh tế. Hiện nay chúng ta có điều kiện để cải tạo
họ theo con đường xã hội chủ nghĩa. Trên miền Bắc nước ta, lực lượng kinh tế
xã hội chủ nghĩa đã hơn hẳn lực lượng kinh tế tư bản chủ nghĩa. Chúng ta có
chính quyền nhân dân. Phong trào đấu tranh cách mạng của quần chúng lao động
ngày càng mạnh mẽ. Giai cấp tư sản dân tộc sẵn sàng tiếp thu cải tạo để góp
phần vào công cuộc xây dựng nước nhà, xây dựng chủ nghĩa xã hội.
Nước ta là một nước
thống nhất gồm nhiều dân tộc. Các dân tộc sống trên đất nước Việt Nam đều
bình đẳng về quyền lợi và nghĩa vụ.
Các dân tộc anh em trong
nước ta gắn bó ruột thịt với nhau trên một lĩnh thổ chung và trải qua một
lịch sử lâu dài cùng nhau lao động và đấu tranh để xây dựng Tổ quốc tươi
đẹp.
Đế quốc và phong kiến cố
tình phá hoại tình đoàn kết và sự bình đẳng giữa các dân tộc, gây thù hằn
giữa các dân tộc, thi hành chính sách “chia để trị”. Đảng và Chính phủ ta
luôn luôn kêu gọi các dân tộc xoá bỏ xích mích do đế quốc và phong kiến gây
ra, cùng nhau đoàn kết chặt chẽ trên cơ sở bình đẳng về quyền lợi và nghĩa
vụ. Các dân tộc thiểu số đã sát cánh với anh em đa số chiến đấu chống kẻ thù
chung, đưa Cách mạng tháng Tám và kháng chiến đến thắng lợi. Từ ngày hoà
bình lập lại, Nhà nước ta đã giúp đỡ các dân tộc anh em tiến bộ thêm về mặt
kinh tế, văn hoá và xã hội. Các dân tộc đoàn kết chặt chẽ dưới sự lãnh đạo
của Đảng và Nhà nước đang hăng hái thi đua xây dựng nước nhà.
Chính sách dân
tộc của chúng ta nhằm thực hiện sự bình đẳng giúp nhau giữa các dân tộc để
cùng nhau tiến lên chủ nghĩa xã hội.
2.
Đường lối chung tiến lên chủ nghĩa xã hội
Trong gần một
trăm năm qua, Việt Nam ta là một nước thuộc địa và nửa phong kiến. Kinh tế
rất lạc hậu và gồm có nhiều thành phần phức tạp, sức sản xuất chưa được phát
triển, đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân thấp kém. Muốn biến đổi
tình hình nghèo nàn ấy thì miền Bắc phải tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Điều 9 dự thảo
Hiến pháp sửa đổi đã ghi rằng đường lối tiến lên chủ nghĩa xã hội là: Nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tiến dần từ chế độ dân chủ nhân dân lên chủ nghĩa
xã hội bằng cách phát triển và cải tạo nền kinh tế quốc dân theo chủ nghĩa
xã hội, biến nền kinh tế lạc hậu thành một nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với
công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến. Chính
sách kinh tế của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là không ngừng phát triển
sản xuất để nâng cao mãi đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân.
Trong nước ta
hiện nay có những hình thức sở hữu chính về tư liệu sản xuất như sau :
- Sở hữu của
Nhà nước tức là của toàn dân,
- Sở hữu của hợp tác xã tức là sở hữu tập thể của nhân dân lao động,
- Sở hữu của
người lao động riêng lẻ,
- Một ít tư
liệu sản xuất thuộc sở hữu của nhà tư bản.
Mục đích của
chế độ ta là xoá bỏ các hình thức sở hữu không xã hội chủ nghĩa, làm cho nền
kinh tế gồm nhiều thành phần phức tạp trở nên một nền kinh tế thuần nhất,
dựa trên chế độ sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể.
Theo Điều 12
trong dự thảo Hiến pháp sửa đổi, kinh tế quốc doanh là hình thức sở hữu của
toàn dân, nó lãnh đạo nền kinh tế quốc dân, và Nhà nước phải đảm bảo cho nó
phát triển ưu tiên.
Theo Điều 13,
kinh tế hợp tác xã là hình thức sở hữu tập thể của nhân dân lao động; Nhà
nước đặc biệt khuyến khích, hướng dẫn và giúp đỡ cho nó phát triển.
Chúng ta phải
phát triển thành phần kinh tế quốc doanh để tạo nền tảng vật chất cho chủ
nghĩa xã hội và thúc đẩy việc cải tạo xã hội chủ nghĩa.
- Hợp tác hoá
nông nghiệp là khâu chính thúc đẩy công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền
Bắc. Kinh nghiệm qua chứng tỏ rằng hợp tác hoá nông nghiệp ở nước ta cần
phải trải qua hình thức tổ đổi công và hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Đó
là việc rất cần thiết. Chúng ta phát triển từng bước vững chắc tổ đổi công
và hợp tác xã thì hợp tác hoá nông nghiệp nhất định thành công.
- Đối với
người làm nghề thủ công và lao động riêng lẻ khác, Nhà nước bảo hộ quyền sở
hữu về tư liệu sản xuất của họ, ra sức hướng dẫn và giúp đỡ họ cải tiến cách
làm ăn, khuyến khích họ tổ chức hợp tác xã sản xuất theo nguyên tắc tự
nguyện.
- Đối với
những nhà tư sản công thương, Nhà nước không xoá bỏ quyền sở hữu về tư liệu
sản xuất và của cải khác của họ, mà ra sức hướng dẫn họ hoạt động nhằm làm
lợi cho quốc kế dân sinh, phù hợp với kế hoạch kinh tế của Nhà nước. Đồng
thời Nhà nước khuyến khích và giúp đỡ họ cải tạo theo chủ nghĩa xã hội bằng
hình thức công tư hợp doanh và những hình thức cải tạo khác.
Theo Điều 10
dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Nhà nước lãnh đạo hoạt động kinh tế theo một kế
hoạch thống nhất. Nhà nước dùng cơ quan của mình và dựa vào công đoàn, hợp
tác xã và các tổ chức khác của nhân dân lao động để xây dựng và thực hiện kế
hoạch kinh tế.
Từ ngày hoà
bình lập lại, trong lúc bắt đầu khôi phục kinh tế, chúng ta đã đưa dần kinh
tế miền Bắc vào con đường phát triển có kế hoạch. Chúng ta đã có chương
trình 3 năm khôi phục kinh tế (1955-1957). Hiện nay chúng ta đang thực hiện
kế hoạch 3 năm bước đầu phát triển kinh tế và văn hoá và chuẩn bị điều kiện
cho kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của chúng ta. Kế hoạch 3 năm đặc biệt nhằm
đẩy mạnh cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với thành phần kinh tế cá thể của
nông dân, thợ thủ công, của những người lao động riêng lẻ khác và đối với
thành phần kinh tế tư bản tư doanh, đồng thời nó mở mang và tăng cường lực
lượng của thành phần kinh tế quốc doanh, thúc đẩy việc phát triển kinh tế
theo chủ nghĩa xã hội.
3.
Tổ chức Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà:
Để thực hiện
tốt nhiệm vụ cách mạng, Nhà nước ta phải phát triển quyền dân chủ và sinh
hoạt chính trị của toàn dân, để phát huy tính tích cực và sức sáng tạo của
nhân dân, làm cho mọi người công dân Việt Nam thực sự tham gia quản lý công
việc nhà nước, ra sức xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống
nhất nước nhà.
Chính quyền
cách mạng của chúng ta được xây dựng gần 15 năm nay. Hiến pháp năm 1946 đã
thành lập “Nghị viện nhân dân” và “Hội đồng nhân dân” các cấp. Quốc hội là
Hội đồng nhân dân toàn quốc. Ở địa phương thì có Hội đồng nhân dân địa
phương. Quốc hội và Hội đồng nhân dân gồm các đại biểu do nhân dân bầu ra
theo chế độ phổ thông đầu phiếu. Quốc hội quyết định những công việc quan
trọng nhất của Nhà nước. Hội đồng nhân dân quyết định những công việc quan
trọng nhất ở địa phương.
Trong thời kỳ kháng
chiến, Quốc hội ta đã cùng với Chính phủ, đoàn kết và dìu dắt nhân dân ta
đưa cuộc chiến tranh yêu nước và chống đế quốc đến thắng lợi vẻ vang. Quốc
hội ta đã thông qua Luật cải cách ruộng đất nhằm hoàn thành cuộc cách mạng
chống phong kiến. Ở địa phương, Hội đồng nhân dân đã có công động viên nhân
dân tích cực tham gia cuộc cách mạng chống đế quốc và chống phong kiến.
Từ ngày hoà bình lập
lại, Quốc hội đã thông qua chương trình 3 năm khôi phục kinh tế, kế hoạch 3
năm bước đầu phát triển kinh tế và văn hoá và các chính sách phát triển và
cải tạo kinh tế theo chủ nghĩa xã hội, các đạo luật về tự do dân chủ, vv.;
đó là những vấn đề rất quan trọng về quốc kế dân sinh.
Theo Điều 4 dự thảo Hiến
pháp sửa đổi, tất cả quyền lực trong nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đều
thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực của mình thông qua Quốc hội và
Hội đồng nhân dân các cấp do nhân dân bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân
dân.
Chế độ tuyển cử của
chúng ta thực hiện dân chủ đồng thời thực hiện sự đoàn kết toàn dân. Mọi
người công dân từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, từ 21 tuổi trở lên
đều có quyền ứng cử.
Việc tuyển cử tiến hành
theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Nhân dân có quyền bãi
miễn đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân nếu những đại biểu ấy
tỏ ra không xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Nguyên tắc ấy bảo đảm
quyền kiểm soát của nhân dân đối với đại biểu của mình.
Điều 6 dự thảo Hiến pháp
sửa đổi quy định nhiệm vụ cho tất cả các cơ quan nhà nước là phải dựa vào
nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự kiểm
soát của nhân dân.
Quốc hội là cơ quan
quyền lực cao nhất của Nhà nước. Hội đồng nhân dân là cơ quan quyền lực của
Nhà nước ở địa phương.
Quốc hội bầu ra Chủ tịch
nước, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Chính phủ. Hội đồng Chính phủ là
cơ quan chấp hành pháp luật và Nghị quyết của Quốc hội, là cơ quan hành
chính cao nhất của Nhà nước, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc
hội. Trong thời gian Quốc hội không họp thì Hội đồng Chính phủ chịu trách
nhiệm và báo cáo công tác trước Uỷ ban Thường vụ
Quốc hội.
Quốc hội là cơ quan duy
nhất có quyền lập pháp. Những vấn đề quan trọng nhất của Nhà nước trong phạm
vi toàn quốc đều do Quốc hội quyết định.
Hội đồng nhân dân bầu ra
Uỷ ban hành chính các cấp. Uỷ ban hành chính các cấp là cơ quan chấp hành
của Hội đồng nhân dân, chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Hội đồng
nhân dân, đồng thời chịu sự lãnh đạo trực tiếp của Uỷ ban hành chính cấp
trên và sự lãnh đạo thống nhất của Hội đồng Chính phủ.
Những việc quan trọng
nhất ở địa phương do Hội đồng nhân dân quyết định.
Chế độ kinh tế và xã hội
của chúng ta nhằm thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, trên cơ sở
kinh tế xã hội chủ nghĩa ngày càng phát triển, cách bóc lột theo chủ nghĩa
tư bản được xoá bỏ dần, đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân ngày càng
được cải thiện. Do đó nhân dân ta có đủ điều kiện thật sự tham gia quản lý
Nhà nước.
*
* *
Điều 4 dự thảo Hiến pháp
sửa đổi định rõ nguyên tắc tổ chức của Nhà nước ta là dân chủ tập trung.
Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Chính phủ Trung ương và các cơ quan khác của
Nhà nước đều theo nguyên tắc dân chủ tập trung.
Nhà nước ta phát huy dân
chủ đến cao độ, đó là do tính chất Nhà nước ta là Nhà nước của nhân dân. Có
phát huy dân chủ đến cao độ thì mới động viên được tất cả lực lượng của nhân
dân đưa cách mạng tiến lên. Đồng thời phải tập trung đến cao độ để thống
nhất lãnh đạo nhân dân xây dựng chủ nghĩa xã hội.
4.
Quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân:
Dự thảo Hiến pháp sửa
đổi nói rõ quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản của công dân nước ta. Những quy định
đó chứng tỏ tính chất thực sự dân chủ của chế độ ta.
Bọn tư bản thường khoe
khoang rằng Hiến pháp của họ đảm bảo quyền tự do cá nhân, quyền tự do dân
chủ, quyền lợi của mọi người công dân. Nhưng thực tế thì chỉ có giai cấp tư
sản được hưởng các quyền lợi ghi trong Hiến pháp của họ. Nhân dân lao động
không được thật sự hưởng quyền tự do dân chủ, cả đời bị bóc lột và phải gánh
vác nặng nề để phục vụ quyền lợi của giai cấp bóc lột.
Bọn tư bản thường bịa
đặt rằng: chế độ xã hội chủ nghĩa của chúng ta không tôn trọng quyền lợi cá
nhân của người công dân. Nhưng thực tế thì chỉ có chế độ của chúng ta mới
thật sự phục vụ lợi ích của nhân dân, trước hết là nhân dân lao động, bảo
đảm mọi quyền lợi của nhân dân, mở rộng dân chủ để nhân dân thật sự tham gia
quản lý Nhà nước. Vì vậy cho nên nhân dân ta đưa hết khả năng làm tròn nhiệm
vụ người chủ nước nhà để xây dựng chủ nghĩa xã hội, làm cho nước ta mạnh,
dân ta giàu.
Dự thảo Hiến pháp sửa
đổi nêu rõ: Công dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà
- Có quyền làm việc,
- Có quyền nghỉ ngơi,
- Có quyền học tập,
- Có quyền tự do thân
thể,
- Có quyền tự do ngôn
luận, báo chí, hội họp, lập hội, biểu tình,
- Có quyền tự do tín
ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào,
- Có quyền bầu cử, ứng
cử, v.v..
Công dân đều bình đẳng
trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị,
kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình. Nhà nước chú trọng đặc biệt việc giáo
dục thanh niên về đức dục, trí dục, và thể dục.
Do tính chất của Nhà
nước ta, do chế độ kinh tế và xã hội của chúng ta, Nhà nước chẳng những công
nhận những quyền lợi của công dân mà còn bảo đảm những điều kiện vật chất
cần thiết để cho công dân thật sự được hưởng các quyền lợi đó.
Nhà nước đảm bảo quyền
tự do dân chủ cho công dân nhưng nghiêm cấm lợi dụng các quyền tự do dân chủ
để xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, của nhân dân, như Điều 38 dự thảo Hiến
pháp sửa đổi đã ghi rõ.
Trong chế độ ta, lợi ích
của Nhà nước, của tập thể cùng lợi ích của cá nhân căn bản là nhất trí. Cho
nên trong khi được hưởng những quyền lợi do Nhà nước và tập thể mang lại cho
mình thì mọi người công dân phải tự giác làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước,
đối với tập thể.
Vì vậy công dân có nghĩa
vụ : tuân theo Hiến pháp, pháp luật, kỷ luật lao động, trật tự công cộng và
những quy tắc sinh hoạt xã hội. Công dân có nghĩa vụ tôn trọng tài sản công
cộng, đóng thuế theo pháp luật, làm nghĩa vụ quân sự, bảo vệ Tổ quốc.
Chỉ có dưới chế độ xã
hội chủ nghĩa thì quyền lợi cá nhân và quyền lợi Nhà nước cùng quyền lợi tập
thể mới nhất trí. Vì vậy chỉ có Hiến pháp xã hội chủ nghĩa mới làm cho mọi
người công dân hăng hái làm tròn nghĩa vụ của mình đối với xã hội, đối với
Tổ quốc.
III-
NHỮNG Ý KIẾN ĐÓNG GÓP ĐỂ BỔ SUNG DỰ THẢO HIẾN PHÁP SỬA ĐỔI
Hai đợt thảo luận dự
thảo Hiến pháp sửa đổi trong nhân dân là những cuộc sinh hoạt chính trị rất
sôi nổi. Nhân dân ta đã hăng hái sử dụng quyền dân chủ của mình để xây dựng
Hiến pháp của mình. Nhân dân các địa phương, các cơ quan, đoàn thể, các đơn
vị bộ đội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, nhiều đồng bào miền Nam và kiều bào ở
nước ngoài, các báo chí đều đã góp rất nhiều ý kiến. Ban sửa đổi Hiến pháp
đã nghiên cứu kỹ lưỡng tất cả những ý kiến đó. Nhân dịp này Ban sửa đổi Hiến
pháp tỏ lời hoan nghênh tất cả đồng bào đã góp phần xây dựng bản dự thảo
Hiến pháp sửa đổi này.
Chúng tôi xin trình bày
tóm tắt mấy ý kiến chính của đồng bào đã đóng góp như sau:
1. Về “Lời nói đầu” của
Hiến pháp, theo ý kiến của nhân dân, Ban sửa đổi Hiến pháp đã bổ sung để nói
đầy đủ hơn những thắng lợi đã đạt được, tình hình và nhiệm vụ cách mạng hiện
nay, cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam, nói rõ ràng Cách mạng xã
hội chủ nghĩa ở miền Bắc nhất định thắng lợi và nước ta nhất định sẽ thống
nhất.
2. Điều 1 của dự thảo
Hiến pháp sửa đổi đều được mọi người hoàn toàn tán thành vì nó đã ghi ngay ở
đầu tính chất thống nhất của nước ta. Hiện nay, tuy nước ta tạm thời bị chia
cắt, nhưng toàn thể nhân dân ta ở miền Nam cũng như ở miền Bắc đều tin tưởng
sắt đá rằng nước ta nhất định sẽ thống nhất. Cho nên khẳng định ngay ở Điều
1 của dự thảo Hiến pháp sửa đổi tính chất thống nhất của nước ta, như vậy là
hoàn toàn đúng.
3. Nhiều ý kiến đề nghị
ghi rõ Nhà nước ta là Nhà nước dựa trên nền tảng liên minh công nông do giai
cấp công nhân lãnh đạo, vì đó là một thực tế lịch sử vĩ đại đã đem lại cho
nhân dân ta những thắng lợi cách mạng cực kỳ to lớn và đảm bảo cho việc thực
hiện những nhiệm vụ cách mạng cho toàn dân ta trong giai đoạn mới. Vì trong
Lời nói đầu đã ghi rõ tính chất đó, cho nên trong Điều 2 chỉ cần ghi: Nhà
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một Nhà nước dân chủ nhân dân. Như thế là
đủ rõ.
4. Trong Điều 3 ghi rõ
nước Việt Nam là một nước thống nhất gồm nhiều dân tộc và nhiệm vụ của Nhà
nước ta là giữ gìn và phát triển sự đoàn kết giữa các dân tộc.
5. Nguyên tắc dân chủ
tập trung là nguyên tắc tổ chức cơ bản của các cơ quan Nhà nước trong chế độ
ta, nó đã được thể hiện trong tổ chức Nhà nước của ta. Vì vậy có nhiều ý
kiến đề nghị ghi rõ nó vào Hiến pháp. Chúng tôi đã bổ sung vào Điều 4.
6. Có ý kiến đề nghị nên
nói rõ về con đường tiến lên của nước ta, triển vọng phát triển kinh tế của
nước ta. Ban sửa đổi Hiến pháp đã bổ sung Điều 9 và nói rõ nước ta sẽ trở
thành một nước có nền kinh tế xã hội chủ nghĩa với công nghiệp và nông
nghiệp hiện đại, khoa học và kỹ thuật tiên tiến.
7. Có nhiều ý kiến đề
nghị nên quy định tuổi ứng cử cao hơn tuổi bầu cử. Chúng tôi đã sửa đổi Điều
23 của dự thảo, quy định tuổi bầu cử là 18, tuổi ứng cử là 21.
8. Chúng tôi tiếp thu ý
kiến đề nghị thành lập Uỷ ban quốc phòng của Nhà nước và đã ghi ý kiến đó
trong dự thảo: Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là Chủ tịch Hội đồng
quốc phòng. Phó Chủ tịch và các thành viên khác của Hội đồng quốc phòng do
Quốc hội cử theo đề nghị của Chủ tịch nước.
9. Về các Uỷ ban của
Quốc hội, có ý kiến đề nghị nên nói rõ trong Hiến pháp những Uỷ ban mà Quốc
hội sẽ thành lập. Chúng tôi xét thấy có thể ghi rõ trong Hiến pháp Uỷ ban
thẩm tra tư cách đại biểu, Uỷ ban pháp án, Uỷ ban kế hoạch và ngân sách,
đồng thời ghi Quốc hội có thể thành lập những Uỷ ban khác để giúp Quốc hội
và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, khi Quốc hội xét thấy cần thiết.
10. Có nhiều ý kiến đề
nghị ghi Chủ tịch nước cần có quyền tham dự và chủ toạ Hội đồng Chính phủ
khi thấy cần thiết. Ban sửa đổi Hiến pháp tán thành đề nghị đó và đã ghi
trong Điều 66.
Ngoài những đề nghị mà
Ban sửa đổi Hiến pháp đã đồng ý và căn cứ vào đó để chỉnh lý bản dự thảo
Hiến pháp, thì cũng còn có nhiều ý kiến đóng góp về những vấn đề chi tiết
khác không thuộc phạm vi của luật pháp, hoặc phạm vi hoạt động của các cơ
quan Nhà nước. Chúng tôi sẽ chuyển những ý kiến đó tới các cơ quan phụ trách
để nghiên cứu.
*
* *
Thưa các vị đại biểu,
Trước đây 14
năm, nhân dân ta vui vẻ đón chào bản Hiến pháp đầu tiên của chúng ta. Ngày
nay nhân dân ta lại một lần nữa hăng hái thảo luận bản dự thảo Hiến pháp sửa
đổi.
Trong quá
trình thảo luận dự thảo Hiến pháp sửa đổi, nhân dân thấy rõ những khó khăn
đã vượt qua và rất phấn khởi trước những thắng lợi to lớn đã đạt được. Những
thắng lợi đó là miền Bắc nước ta hoàn toàn giải phóng, nhân dân ta đã thật
sự nắm chính quyền, kinh tế xã hội chủ nghĩa phát triển theo một tốc độ
nhanh chóng. Đời sống vật chất và văn hoá của nhân dân được cải thiện. Đạo
đức cách mạng trong nhân dân ta ngày càng được nâng cao; tinh thần đoàn kết
của nhân dân ngày càng được tăng cường. Sinh hoạt dân chủ được phát huy đến
cao độ; nhân dân thật sự làm chủ nước nhà.
Các tầng lớp
nhân dân ta ở miền Nam cũng như ở miền Bắc nhiệt liệt hoan nghênh dự thảo
Hiến pháp sửa đổi. Toàn thể nhân dân ta tin chắc rằng nhất định Nam Bắc sẽ
xum họp trong đại gia đình Tổ quốc Việt Nam thống nhất.
Bản Hiến pháp này sẽ làm
cho đồng bào miền Nam ruột thịt vô cùng phấn khởi, càng hướng về Quốc hội và
Chính phủ ta, càng ra sức đấu tranh để thống nhất Tổ quốc.
Nhân dân cả nước biết
rằng sở dĩ có dự thảo Hiến pháp sửa đổi này là nhờ Đảng, người tổ chức và
lãnh đạo những thắng lợi vẻ vang đã đạt được và đảm bảo vững chắc cho những
thành công to lớn trong tương lai; nhờ toàn dân ta đoàn kết và đấu tranh anh
dũng theo đường lối của Đảng để xây dựng nước nhà.
Từ ngày Quốc hội giao
cho nhiệm vụ dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Ban chúng tôi đã liên tục làm việc
và đã họp hai mươi bẩy lần. Hôm nay dự thảo đã làm xong, Ban chúng tôi xin
trình dự thảo trước Quốc hội. Chúng tôi có cố gắng nhưng ý kiến của chúng
tôi có hạn. Chúng tôi mong các vị đại biểu Quốc hội thảo luận và cho thêm ý
kiến để Quốc hội thông qua.
Sau khi được Quốc hội
thông qua, Bản dự thảo này sẽ thành Hiến pháp mới của nước ta.
Bản Hiến pháp này sẽ
phát huy hơn nữa lòng yêu nước và chủ nghĩa xã hội của nhân dân ta, sẽ động
viên nhân dân ta đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, cố gắng thi đua hơn nữa để xây
dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.