VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

DIỄN VĂN KHAI MẠC
KỲ HỌP THỨ 11, QUỐC HỘI KHOÁ I
CỦA CỤ TÔN ĐỨC THẮNG, TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI
NGÀY 18-12-1959

 

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Tôi xin thay mặt Ban Thường trực Quốc hội hoan nghênh các vị đại biểu đã về dự hội nghị đông đủ và xin gửi tới các vị lời chào nồng nhiệt và thân ái nhất.

Kỳ họp lần thứ 11 của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hôm nay tiến hành trong những ngày cuối của năm 1959 là năm bản lề của kế hoạch 3 năm. Tiếp tục đà chuyển biến cách mạng từ giữa năm 1958, miền Bắc nước ta đang tiến với một nhịp độ mạnh mẽ và vững chắc trong công cuộc phát triển và cải tạo kinh tế, phát triển văn hóa theo đúng phương hướng của các nghị quyết của hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 14 và lần thứ 16 và các nghị quyết của Quốc hội kỳ họp thứ 9 và kỳ họp thứ 10. Chúng ta đã vượt được nhiều khó khăn, và thu được nhiều thành tích to lớn về mọi mặt. Những thắng lợi mà nhân dân ta đã thu được trong năm nay sẽ là một cái đà thúc đẩy việc thực hiện kế hoạch năm 1960 và có ảnh hưởng tốt đến kế hoạch dài hạn sau này.

Trong lúc nhân dân miền Bắc sau một năm lao động sản xuất, tích cực xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, thì ở miền Nam, phong trào đấu tranh đòi thống nhất Tổ quốc, đòi tự do dân chủ và cải thiện đời sống ngày càng phát triển và lên cao, mặc dầu chính quyền Mỹ - Diệm liên tiếp đàn áp và khủng bố dã man. Nhân dân miền Nam, hàng ngày hướng về miền Bắc của Tổ quốc, hướng về chế độ tốt đẹp của chúng ta, một lòng tin tưởng vào những ngày mai tươi sáng. Hiện nay, bọn đế quốc Mỹ và bè lũ Ngô Đình Diệm đang dùng đủ âm mưu quỷ kế, hòng lung lạc tinh thần của đồng bào ta, hòng dập tắt ngọn lửa đấu tranh của nhân dân miền Nam, nhưng chắc chắn chúng sẽ thất bại như chúng đã thất bại từ trước tới nay. Đồng bào miền Nam vốn có một quá khứ anh dũng nhất định sẽ không khi nào chịu khuất phục, thắng lợi cuối cùng nhất định sẽ về nhân dân Việt Nam. Chúng ta hãy nhiệt liệt hoan nghênh tinh thần đấu tranh bền bỉ và vô cùng anh dũng của đồng bào miền Nam.

Trên thế giới, Liên Xô thành công trong việc phóng tên lửa lên mặt trăng, mở đầu một kỷ nguyên mới trong việc nghiên cứu chinh phục vũ trụ. Thắng lợi này đã nêu cao tính chất hơn hẳn của nền khoa học Liên Xô. Tương quan lực lượng đã nghiêng hẳn về phe xã hội chủ nghĩa. Việc Chủ tịch Khơrútsốp sang thăm Mỹ và việc Tổng thống Mỹ nhận lời mời sang thăm Liên Xô đã tạo những cơ hội làm cho tình hình thế giới thêm êm dịu. Do cố gắng của Liên Xô, của các nước trong phe xã hội chủ nghĩa và của tất cả mọi lực lượng yêu chuộng hòa bình, nhân loại có triển vọng đẩy lùi lực lượng gây chiến, bảo vệ hòa bình.

Kỳ họp của chúng ta lần này, dựa trên cơ sở những thành tích đã đạt được, trong đà phát triển của tình hình chung, Quốc hội ta sẽ bàn đến một số vấn đề lớn, quan hệ mật thiết đến đời sống của nhân dân ta.

Trước hết Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tiếp đó, Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua các đạo luật về tuyển cử Quốc hội, về hôn nhân và gia đình, và sau nữa, căn cứ theo báo cáo của Chính phủ, Quốc hội sẽ tổng kết công tác nhà nước năm 1959 và quyết định phương hướng công tác năm 1960.

Việc Quốc hội thông qua Hiến pháp mới là một sự kiện vô cùng quan trọng trong đời sống về mọi mặt của nhân dân ta. Bản Hiến pháp mới - kết tinh của bao nhiêu thắng lợi của nhân dân ta từ Cách mạng tháng Tám tới nay và đã được đông đảo nhân dân tham gia ý kiến - sẽ là mẫu mực để tổ chức đời sống của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về mọi mặt kinh tế, chính trị, văn hóa và xã hội. Được là những người sẽ thông qua đạo luật cơ bản này của nước nhà, chúng ta mang cả một nhiệm vụ quang vinh.

Thông qua luật tuyển cử Quốc hội, chúng ta sẽ chuẩn bị cho việc bầu cử lại Quốc hội, làm cho Quốc hội ta đổi mới và thêm mạnh mẽ, phù hợp với yêu cầu của giai đoạn kiến thiết chủ nghĩa xã hội hiện tại. Việc làm này của chúng ta sẽ có tác dụng phát triển thêm một mức chế độ dân chủ của ta.

Việc thông qua Luật hôn nhân và gia đình cũng có một ý nghĩa to lớn, nó tỏ rõ sự tốt đẹp của chế độ ta, nó sẽ đáp ứng nguyện vọng của toàn thể nhân dân ta, nhất là các thanh niên nam nữ đang giữ một vai trò quan trọng trong lao động sản xuất, xây dựng Tổ quốc.

Tổng kết công tác nhà nước năm 1959 và quyết định phương hướng công tác năm 1960, nhân dân ta sẽ đánh giá đúng những thành tích đã thu được và rút ra những kinh nghiệm của việc thực hiện kế hoạch nhà nước một năm qua, đồng thời sẽ thấy rõ nhiệm vụ và con đường đi của mình trong năm tới đặng hoàn thành tốt đẹp kế hoạch 3 năm.

Nội dung của kỳ họp chúng ta lần này quan trọng như thế, các cuộc thảo luận trong kỳ họp này, và những ý kiến đóng góp của mỗi một đại biểu, sẽ có ảnh hưởng quyết định đến kết quả của kỳ họp.

Tôi tin chắc rằng đã sẵn có một ý thức đầy đủ về nhiệm vụ nặng nề và quang vinh của mình, các vị đại biểu sẽ làm việc với một nhiệt tình sôi nổi, với sự nhận xét sâu sắc và thận trọng để bồi bổ cho các bản dự thảo, các đề án sẽ được trình bày trước Quốc hội.

Dưới đây tôi xin thay mặt Ban Thường trực Quốc hội báo cáo công tác của Quốc hội từ kỳ họp thứ 10 đến nay:

Thi hành các nghị quyết trước đây của Quốc hội, chúng ta đã tổ chức hai cuộc thảo luận để nhân dân góp ý kiến vào bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi và dự Luật hôn nhân và gia đình.

- Bản dự thảo Hiến pháp được đưa ra toàn dân thảo luận đã gây một không khí hào hứng và phấn khởi trong mọi tầng lớp nhân dân, trong cán bộ công nhân viên và ở các đơn vị bộ đội. Nhân dân ở nhiều nơi đã họp mít-tinh, gửi kiến nghị, viết báo biểu thị sự sung sướng được tham gia xây dựng Hiến pháp. Nhiều đồng bào ta từ miền Nam, và nhiều kiều bào ta từ nước ngoài, trong điều kiện khó khăn, cũng đã gửi được thơ đến Quốc hội tham gia ý kiến góp phần cống hiến của mình vào công việc xây dựng đạo luật căn bản của Nhà nước.

Đến nay, trải qua hơn 2 năm nghiên cứu và xây dựng, qua hai đợt thảo luận trong nhân dân, bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi đã hoàn thành và trong kỳ họp này sẽ đưa trình Quốc hội thảo luận và thông qua như tôi đã trình bày trên đây.

- Về dự Luật hôn nhân và gia đình, Quốc hội đã nhận định đó là một vấn đề quan hệ đến nhiều mặt trong đời sống của nhân dân, cần đưa ra thảo luận rộng rãi, chuẩn bị về mọi mặt nhằm đảm bảo cho việc thi hành luật sau này được tốt. Nhận định này rất sáng suốt. Đến nay việc thảo luận rộng rãi trong nhân dân đã thu được nhiều kết quả. Vấn đề hôn nhân và gia đình là một vấn đề thiết thân với mọi người nên đã được đông đảo các tầng lớp nhân dân, các ngành, các giới nhiệt liệt tham gia ý kiến. Xây dựng chế độ hôn nhân và gia đình mới, xóa bỏ chế độ hôn nhân và gia đình phong kiến là một cuộc cách mạng sâu sắc của quần chúng nhằm tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Bắc nước ta trên lĩnh vực văn hóa và tư tưởng.

Đối với dự thảo Hiến pháp cũng như dự thảo Luật hôn nhân và gia đình, các Uỷ viên Ban Thường trực Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, ngoài việc chính mình phát biểu ý kiến xây dựng cũng đã tận dụng mọi dịp được gặp gỡ nhân dân (trong các cuộc hội nghị, mít tinh, v.v..) để góp phần giải thích các điều khoản của dự luật và động viên nhân dân góp ý kiến. Sự tham gia nhiệt thành của cán bộ và nhân dân vào các dự luật trên, là một điều kiện thuận lợi giúp Quốc hội thảo luận và thông qua tốt trong kỳ họp này.

- Ngoài ra, về các mặt khác trong công tác Nhà nước, Ban Thường trực Quốc hội đã giữ mối quan hệ với các Hội đồng nhân dân địa phương, với Chính phủ:

Sự liên hệ giữa Ban Thường trực Quốc hội với Hội đồng nhân dân các tỉnh, các thành phố, các khu đã có từ khi các Hội đồng được bầu lại, vừa rồi vẫn được tiếp tục. Trong những lúc có điều kiện, Ban Thường trực Quốc hội đã cử đại diện về dự các cuộc họp của các Hội đồng nhân dân, làm cho mối liên hệ đó ngày càng mật thiết. Sau mỗi cuộc hội nghị, các biên bản và văn kiện của các Hội đồng nhân dân địa phương đều được gửi về Ban Thường trực Quốc hội để Ban có thể theo dõi tình hình được sát hơn. Nhiều đại biểu Quốc hội của các tỉnh, tuy công tác ở xa, nhưng cũng đã về dự các cuộc hội nghị Hội đồng nhân dân tỉnh mình, gây được liên hệ tốt với nhân dân địa phương.

Trong quan hệ đối với Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội đã tham gia xây dựng một số dự luật quan trọng. Các dự luật này nhằm chuẩn bị cho việc thi hành Hiến pháp sau đây và quy định các tổ chức nói trong Hiến pháp như Hội đồng Chính phủ, Viện Kiểm sát nhân dân trung ương, Tòa án nhân dân tối cao. Trong việc xây dựng các dự luật, các cơ quan của Chính phủ đã chú trọng từ đầu tranh thủ ý kiến của Ban Thường trực Quốc hội.

Riêng về dự Luật tổ chức của Quốc hội, thì Ban Thường trực Quốc hội nhận trách nhiệm khởi thảo. Hiện nay một Tiểu ban do Ban Thường trực Quốc hội cử ra đã dự thảo xong và sau đây sẽ tranh thủ thêm ý kiến của Ban Thường trực Quốc hội và các cơ quan khác có quan hệ với vấn đề này.

Các đạo luật trên đây hoặc do Chính phủ khởi thảo, có Ban Thường trực Quốc hội tham gia, hoặc do Ban Thường trực Quốc hội tự khởi thảo, hiện đã và đang tiến hành để có thể trình Quốc hội trong một kỳ họp sau.

- Đối với tình hình đương diễn biến hiện nay ở miền Nam, Ban Thường trực Quốc hội cũng như các đại biểu Quốc hội luôn luôn quan tâm với một cảm tình sâu sắc. Ban Thường trực Quốc hội đã nhiều lần lên án các chính sách và hành động tàn bạo của các nhà cầm quyền miền Nam đối với đồng bào miền Nam yêu nước, tán thành hòa bình và thiết tha với độc lập thống nhất. Gần đây nhất, chính quyền miền Nam đã ban bố cái gọi là "chính sách đối với những người cựu kháng chiến" và tiếp tục đàn áp khủng bố những người kháng chiến cũ. Ban Thường trực Quốc hội đã ra tuyên bố vạch trần tính chất gian xảo của bọn Ngô Đình Diệm dám cả gan khoác áo kháng chiến để chia rẽ lừa dối đồng bào.

Các đại biểu miền Nam trong Quốc hội cũng đã nhiều lần hội họp cùng nhau để nhận định tình hình và tỏ thái độ của mình với những biến chuyển ở miền Nam. Mọi người đều thông cảm sâu sắc với nỗi thống khổ của đồng bào miền Nam và đã dùng mọi phương tiện để vạch trần âm mưu thâm độc của Mỹ - Diệm, động viên và khích lệ đồng bào trong cuộc đấu tranh gian khổ nhưng nhất định thắng lợi này.

- Về quan hệ quốc tế, Ban Thường trực Quốc hội đã tiến hành một số công tác:

Trong những ngày cuối tháng vừa qua, Ban Thường trực Quốc hội đã nghiên cứu đề nghị tổng giải trừ quân bị toàn diện và triệt để mà Chính phủ Liên Xô đã đưa ra trước Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Ban Thường trực Quốc hội cũng đã lưu ý đến lời tuyên bố của Hội nghị nhân dân tối cao nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên trong kỳ họp thứ 6 đã bày tỏ lập trường đấu tranh thống nhất của nhân dân Triều Tiên, đặc biệt là đòi quân đội các nước ngoài do đế quốc Mỹ cầm đầu phải rút khỏi Nam Triều Tiên, tạo điều kiện then chốt để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Trong khi chờ đưa trình hai bức thư này ra trước Quốc hội, Ban Thường trực Quốc hội đã kịp thời biểu thị thái độ. Ngày 2-11-1959 trong một bản tuyên bố, Ban Thường trực Quốc hội nhất trí tán thành và ủng hộ đề nghị tổng giải trừ quân bị toàn diện và triệt để của Chính phủ Liên Xô đọc trước Đại hội đồng Liên hợp quốc, bản tuyên bố đã vạch rõ tính chất hết sức xây dựng của kế hoạch tài giảm quân bị của Chính phủ Liên Xô, coi đó là một kế hoạch sát với thực tế và phù hợp với lợi ích của tất cả các nước. Ban Thường trực Quốc hội coi đề nghị của Liên Xô là một cố gắng mới, và rất to lớn để đóng góp vào việc thực hiện nền hòa bình chung trên toàn thế giới.

Ngày 21-11-1959 trong bức thơ gửi Uỷ viên trưởng Ban Thường nhiệm Hội nghị nhân dân tối cao Triều Tiên, Ban Thường trực Quốc hội đã nói lên niềm thông cảm sâu sắc giữa nhân dân Việt Nam đương đấu tranh để thống nhất Tổ quốc, với nhân dân Triều Tiên cũng đương sống trong cảnh đất nước bị chia cắt kéo dài. Bức thơ của Ban Thường trực Quốc hội đã nhấn mạnh việc biểu đồng tình với quan điểm của Quốc hội Triều Tiên là: vấn đề thống nhất nước Triều Tiên là việc của nhân dân Triều Tiên, không một nước ngoài nào được can thiệp vào; mặt khác, việc cần phải thực hiện trước hết để đi tới thống nhất là quân đội nước ngoài do đế quốc Mỹ cầm đầu phải rút khỏi Nam Triều Tiên.

Đầu tháng này, hưởng ứng lời kêu gọi của Quốc hội nước Cộng hòa Panama, Ban Thường trực Quốc hội cũng đã gửi điện đến Quốc hội Panama tỏ cảm tình của Quốc hội và nhân dân ta với cuộc đấu tranh của nhân dân Panama đòi khôi phục chủ quyền của mình tại kênh đào Panama bị đế quốc Mỹ chiếm đóng từ hơn nửa thế kỷ nay.

Sau nữa thực hiện nghị quyết của Quốc hội trong kỳ họp trước, Ban Thường trực Quốc hội đã nhiều lần biểu thị thái độ của Quốc hội và nhân dân ta đối với việc Chính phủ Nhật Bản bồi thường chiến tranh riêng rẽ cho miền Nam Việt Nam.

Ban Thường trực Quốc hội đã gửi thư cho Hạ nghị viện và Thượng nghị viện của Quốc hội Nhật Bản phản đối Hiệp định này, và kêu gọi Quốc hội Nhật Bản bác bỏ Hiệp định do Kishi đã ký với chính quyền miền Nam. Những lời lẽ phản đối của Quốc hội ta đã gây được một tiếng vang lớn, đặc biệt đối với dư luận Nhật Bản, và đã giúp cho cuộc đấu tranh của các phần tử tiến bộ trong nghị viện Nhật Bản và của nhân dân Nhật. Trước cuộc đầu phiếu về vấn đề này tại Hạ nghị viện Nhật, Ban Thường trực Quốc hội, trong một cuộc hội nghị báo chí có đông đủ các nhà báo trong nước và ngoài nước, đã tuyên bố một lần nữa thái độ của Quốc hội ta. Nhà cầm quyền Nhật đương tìm cách kéo dài cuộc họp Hạ nghị viện, để làm cho Hiệp định được thông qua chính thức không phải qua Thượng nghị viện. Ngoài những nghị sĩ tiến bộ trong Quốc hội Nhật, nhiều đoàn thể nhân dân và tổ chức quần chúng Nhật Bản cũng có thái độ quyết liệt phản đối Hiệp định bồi thường cho miền Nam. Trong dịp này, tôi xin thay mặt Quốc hội nói lên mối cảm tình của chúng ta đối với tất cả các nhân vật trong chính giới Nhật Bản, các đoàn thể các tổ chức nhân dân và các tầng lớp nhân dân Nhật Bản đã có thái độ phản đối Hiệp định bồi thường chiến tranh cho miền Nam.

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Tôi đã báo cáo trước Quốc hội nội dung của kỳ họp này và công tác của Quốc hội từ kỳ họp thứ 10 đến nay. Tất cả công tác của chúng ta không có gì ngoài mục đích đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giầu mạnh, góp phần bảo vệ hòa bình châu Á và thế giới.

Trước những thắng lợi của nhân dân ta trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước, trên đà phát triển thuận lợi của tình hình thế giới, các đại biểu chúng ta sẽ làm việc với tinh thần phụ trách trước nhân dân, đề đạt nguyện vọng của nhân dân trước Quốc hội, đem hết hiểu biết và kinh nghiệm của mình góp phần tích cực xây dựng hội nghị.

Tôi xin chúc các vị đại biểu Quốc hội thành công, chúc kỳ họp thứ 11 của Quốc hội thắng lợi.

 

TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI

TÔN ĐỨC THẮNG

   

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.