VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

ĐỀ ÁN
VỀ VIỆC THÀNH LẬP MỘT ĐOÀN ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
ĐỂ XIN GIA NHẬP LIÊN MINH QUỐC HỘI

 

DO ÔNG TRẦN ĐÌNH TRI, THAY MẶT BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI,

TRÌNH BÀY TẠI KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHOÁ I NGÀY 25-5-1959

 

I- GIỚI THIỆU SƠ LƯỢC TỔ CHỨC LIÊN MINH QUỐC HỘI

Liên minh Quốc hội thành lập ở Pari năm 1889. Lúc mới thành lập, tổ chức này chủ yếu bàn về những vấn đề trọng tài quốc tế (arbitrage internationnal).

Hiện nay, theo điều lệ của nó thì Liên minh Quốc hội nhằm tăng cường sự tiếp xúc rộng rãi giữa các nghị sĩ quốc hội các nước trên thế giới, củng cố và phát triển các tổ chức (institutions) dân chủ, củng cố hòa bình thế giới, phát triển sự hợp tác giữa các dân tộc. Để thực hiện những mục đích ấy, Liên minh Quốc hội sẽ tỏ thái độ của mình về các vấn đề xảy ra trên thế giới có thể giải quyết bằng con đường quốc hội, và sẽ đưa ra những ý kiến nhằm phát triển các tổ chức quốc hội, cải tiến bộ máy làm việc và nâng cao uy tín của các tổ chức quốc hội.

Liên minh Quốc hội là một tổ chức chính trị quốc tế, có quyền tư vấn bên cạnh Hội đồng kinh tế, chính trị của Liên hợp quốc.

Hiện nay trong Liên minh Quốc hội có các đoàn nghị sĩ của 56 nước trên thế giới tham gia. Các nước xã hội chủ nghĩa có: Liên Xô, Tiệp Khắc, Ba Lan, Hunggari, Anbani, Rumani. Trung Quốc có đơn xin gia nhập nhưng bị bác. Mông Cổ cũng xin gia nhập nhưng bị bác. Cộng hòa Dân chủ Đức đang xin vào mà chưa biết kết quả. Triều Tiên chưa xin gia nhập.

Nhờ sự hoạt động và ảnh hưởng của phe ta càng ngày càng tranh thủ được thêm nhiều nước trung lập trong Liên minh Quốc hội, nên tổ chức này những năm về sau này có những nghị quyết tiến bộ về bảo vệ hòa bình, về các vấn đề kinh tế văn hóa xã hội.

Liên minh Quốc hội là một diễn đàn tốt để ta tranh thủ sự đồng tình và ủng hộ của các nước, nâng cao uy tín quốc tế của nước ta.

Về việc tham gia Liên minh Quốc hội thì có hai hình thức:

a) Tham gia với danh nghĩa Quốc hội một nước;

b) Tham gia với danh nghĩa một đoàn nghị sĩ tự do thành lập trong Quốc hội một nước.

Phần lớn hội viên Liên minh Quốc hội hiện nay là các đoàn nghị sĩ tự do. Các nước xã hội chủ nghĩa đều tham gia dưới hình thức này. Riêng Tiệp Khắc thì toàn thể Quốc hội đã xin gia nhập.

II- VẤN ĐỀ QUỐC HỘI TA XIN GIA NHẬP LIÊN MINH QUỐC HỘI

Tại Hội nghị Đại hội đồng Liên minh Quốc hội ở Luân Đôn 1957, sau một cuộc thảo luận sôi nổi, Đại hội đã chấp nhận Quốc hội miền Nam vào Liên minh Quốc hội. Đồng thời do sự can thiệp của phe ta, Hội nghị cũng đã quyết nghị sẽ xét việc xin gia nhập của Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa theo những tiêu chuẩn tương tự.

Các đoàn nghị sĩ các nước anh em đặc biệt là Liên Xô và Tiệp Khắc nhiều lần đề nghị ta nên xin gia nhập. Các bạn cho rằng theo tinh thần cuộc thảo luận tại Hội nghị này thì ta có nhiều khả năng được gia nhập nếu ta xin vào.

Ban Thường trực Quốc hội đã nhiều lần bàn đến vấn đề này. Chúng tôi nhận thấy nếu Quốc hội ta gia nhập Liên minh Quốc hội thì có những lợi ích về chính trị trong việc nâng cao uy tín và vị trí quốc tế của nước ta, trong việc tranh thủ sự đồng tình quốc tế đối với cuộc đấu tranh của ta, hạn chế phần nào tác dụng phá hoại nói xấu của bọn Ngô Đình Diệm đối với ta ở Liên minh Quốc hội v.v..

Nhưng việc xin gia nhập Liên minh Quốc hội gặp một số trở ngại sau đây:

1. Trong Liên minh Quốc hội khi bỏ phiếu, thì phải nói rõ Quốc hội mình đại biểu cho bao nhiêu dân số (càng có nhiều dân số thì được quyền bỏ thêm phiếu). Quốc hội ta do nhân dân toàn quốc bầu ra, nhưng nếu ta tự nhận là đại diện cho 25 triệu dân của cả nước, thì chưa ổn. Còn nếu ta tuyên bố đại diện cho 14 triệu dân miền Bắc thì như là chúng ta đã thừa nhận sự chia cắt của nước nhà. Đối với nhân dân, không khỏi gây thắc mắc. Đối với các vị đại biểu Quốc hội, nếu không có một sự thảo luận cân nhắc cho thống nhất ý kiến thì cũng không tốt.

2. Quốc hội ta 13 năm nay chưa được bầu lại. Đó là một tình trạng không bình thường. Bọn Mỹ - Diệm có thể lợi dụng điểm đó để vận động bác bỏ đơn xin gia nhập của ta. Về điểm này chúng ta có thể giải thích vì hoàn cảnh chiến tranh, vì ta trung thành với Hiệp định Giơnevơ. Nhưng trước đây, đa số trong Ban chấp hành là những nước theo phe Mỹ, và cả đại biểu Mỹ cũng ở trong ấy cho nên việc ta xin gia nhập không những chắc bị bác mà còn có thể là cơ hội để chúng nói xấu ta trong lúc ta không có mặt ở đấy.

Vì những lý do trên, Ban Thường trực Quốc hội đã tạm gác vấn đề xin gia nhập Liên minh Quốc hội.

Gần đây, chung quanh vấn đề Liên minh Quốc hội có một số sự kiện mới, là:

1. Ban chấp hành Liên minh Quốc hội mới bầu lại hiện nay có 9 nước sau đây: Ý1 (Chủ tịch), Braxin (Phó Chủ tịch), Thụy Điển, Liên Xô, Irắc, Xâylan2, Anh, Pakitxtan, Xuđăng và ông Ăngđrê đờ Blônây, người Pháp làm Tổng thư ký. Ban chấp hành đóng một vai trò quan trọng trong việc chấp nhận đơn xin gia nhập vào Liên minh Quốc hội.

2. Tháng 8 năm nay (1959) Đại hội thường niên của Liên minh Quốc hội sẽ họp tại Vácxôvi3 (Ba Lan). Trong dịp này, đoàn Liên Xô, Ba Lan lại đề cập đến vấn đề Việt Nam xin gia nhập Liên minh Quốc hội. Và bạn cho rằng nếu đại biểu miền Nam đến Vácxôvi để nói xấu ta, mà không có mặt của ta thì không tiện.

3. Xu hướng chung của Liên minh Quốc hội hiện nay là muốn mở rộng hơn nữa thành phần, bao gồm được nhiều nước có chế độ khác nhau.

4. Liên Xô và các nước phe ta ngày càng có nhiều ảnh hưởng trong Liên minh Quốc hội, nhiều nước Á - Phi và một số nước Nam Mỹ đã tỏ ra có thiện cảm với ta.

Như vậy là điều kiện khách quan có biến chuyển lợi cho ta. Còn nói về đường lối ngoại giao của ta hiện nay, thì cũng như Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo trước Quốc hội, ta cần ra sức tranh thủ tham gia các tổ chức quốc tế, không những của phe ta, mà cả những tổ chức tiến bộ khác, cả những tổ chức của Liên hợp quốc, tranh thủ có được nhiều diễn đàn quốc tế để đấu tranh cho sự nghiệp của chúng ta, không để cho bọn Diệm độc quyền ở các diễn đàn ấy để phản nước phản dân.

Vì những lý do trên, Ban Thường trực Quốc hội thấy cần nêu vấn đề này ra trước Quốc hội để các vị xét, nếu cân nhắc có lợi thì ta nên thành lập Đoàn đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để xin gia nhập Liên minh Quốc hội. Theo ý chúng tôi thì trong tình hình hiện nay việc xin gia nhập là có lợi cho ta, cho cả phe ta. Tất nhiên, không phải hễ xin gia nhập là được ngay. Gương Trung Quốc, Mông Cổ đã rõ. Nhưng đây là đường lối đúng, hợp thời, cần phải đấu tranh để được vào Liên minh Quốc hội và ta tương đối có điều kiện thuận lợi hơn.

Xin Quốc hội quyết định về nguyên tắc nên xin gia nhập hay không. Về kế hoạch cụ thể, thì sau khi có quyết định về nguyên tắc của Quốc hội, Ban Thường trực Quốc hội sẽ liên hệ với các cơ quan chuyên môn, với Quốc hội các nước bạn nghiên cứu thực hiện.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.


1. Italia (BT).

2. Ngày nay là Xri Lanca (BT). 

3. Tc là Vácxava - Thủ đô của Ba Lan (BT).