VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

DIỄN VĂN KHAI MẠC KỲ HỌP THỨ 10, QUỐC HỘI KHOÁ I

CỦA CỤ TÔN ĐỨC THẮNG, TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI NGÀY 20-5-1959

 

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Hôm nay Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khai mạc khóa họp thường kỳ lần thứ 10, đồng thời cũng là khóa họp thứ nhất của năm 1959, năm bản lề có tính chất quyết định của kế hoạch 3 năm của chúng ta.

Thay mặt Ban Thường trực Quốc hội, tôi nhiệt liệt hoan nghênh các vị đại biểu đã tạm rời đơn vị công tác của mình về họp đông đủ và kính gửi tới các vị lời chào mừng chân thành và thân ái nhất.

Sau đây, tôi xin báo cáo trước Quốc hội những nét chính về hoạt động của Ban Thường trực Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội từ sau khóa họp lần thứ 9 tới nay.

*      *

Sau khóa họp lần thứ 9, việc phổ biến kết quả và các nghị quyết của khóa họp đã được các vị đại biểu Quốc hội đặc biệt quan tâm. Các vị đại biểu miền Bắc, miền Nam đã phân công về các địa phương, các đơn vị bộ đội, đơn vị sản xuất, các trường học, các xí nghiệp, các nơi tập trung đông người, báo cáo về kết quả của khóa họp. Tổng cộng trên hầu hết các tỉnh ở miền Bắc, hơn 30 Đoàn đại biểu đã về nói chuyện tại trên 200 địa điểm, trước hơn 20 vạn người. Việc các đại biểu báo cáo nghị quyết của Quốc hội về tình hình và nhiệm vụ và kế hoạch 3 năm phát triển và cải tạo kinh tế, phát triển văn hóa đã gây nhiều phấn khởi trong các tầng lớp nhân dân đương hăng hái lao động sản xuất. Các chỉ tiêu của kế hoạch làm cho nhân dân thấy rõ sự quyết tâm của Nhà nước nhằm hòa bình xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, nhanh chóng làm cho miền Bắc vững mạnh để làm cơ sở chắc chắn cho cuộc đấu tranh thống nhất nước nhà; đồng thời cũng thấy rõ sự quan tâm của Nhà nước đối với mọi mặt trong đời sống vật chất và văn hóa hàng ngày của mình.

Đồng bào thêm tin tưởng là đời sống của mình nhất định sẽ được cải thiện. Đồng thời cũng đã đối chiếu những chỉ tiêu của kế hoạch với tình hình thực tế của địa phương mình, do đấy thấy được sự cố gắng của Nhà nước và thông cảm với những nỗ lực mà Nhà nước đòi hỏi ở mỗi người trong lao động sản xuất.

Nghị quyết của Quốc hội giao cho Chính phủ nghiên cứu và dự thảo đạo luật về hôn nhân và gia đình được đồng bào khắp các tầng lớp hoan nghênh, đặc biệt là các chị em phụ nữ. Đây là một vấn đề quan hệ thiết thân đến đời sống và tình cảm của mọi người, nên ai nấy đều chú ý. Càng đi sâu về nông thôn, các đại biểu càng thấy được cụ thể những ràng buộc phong kiến đương còn cản trở sự tiến bộ của ta về mặt xã hội, nhưng cũng thấy rõ thêm những tình tiết khó khăn và phức tạp của vấn đề này, một vấn đề cần được nghiên cứu kỹ càng, thảo luận rộng rãi và giải quyết thận trọng. Tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân, các đại biểu Quốc hội nhận thấy rõ thêm tình hình nông thôn ngày càng tốt đẹp, những khó khăn còn lại từ trước đã bớt dần, đoàn kết ở nông thôn đã tiến bộ nhiều, và mối lo lắng lớn nhất của người nông dân hiện nay là làm thế nào để sản xuất được thắng lợi. Do đó mà phong trào đổi công hợp tác, phong trào cải tiến kỹ thuật canh tác phát triển nhanh chóng. Các đại biểu đã giúp nhân dân và cán bộ có những nhận thức vững chắc về công cuộc cải tạo và xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, đánh tan những sự hiểu lầm hay luận điệu xuyên tạc thiếu thiện ý về chính sách của Đảng và Chính phủ trong thời kỳ cải tạo theo chủ nghĩa xã hội. Các đại biểu Quốc hội cũng đã kết hợp được công tác báo cáo với việc động viên nhân dân đẩy mạnh những công tác trước mắt ở địa phương. Nhiều đại biểu đã đi sát với nhân dân, tìm hiểu được một số khó khăn của địa phương, trong nhiều trường hợp đã tích cực góp ý kiến, hoặc tìm cách giúp đỡ thiết thực, làm cho mối liên hệ giữa đại biểu và nhân dân địa phương được thêm chặt chẽ.

*  

*      *

Những ý kiến do các đại biểu Quốc hội đóng góp trong các bản thuyết trình và tham luận ở khóa họp Quốc hội lần thứ 9, cũng như những đề nghị mà các vị đã gửi đến sau khóa họp, đều được Ban Thường trực Quốc hội gửi đến Chính phủ, và đã được các Bộ các Ban của Chính phủ nghiên cứu chu đáo để bồi bổ cho sự hoạt động của ngành mình, đồng thời cũng đã trả lời cho Ban Thường trực Quốc hội, những trả lời đó, Ban Thường trực Quốc hội đã chuyển đến các vị đại biểu Quốc hội.

Trong thời gian qua, Chính phủ đã cử đại diện đến các phiên họp của Ban Thường trực Quốc hội để báo cáo về một số vấn đề quan trọng. Tháng 2-1959 Thủ tướng Chính phủ và ông Tổng Giám đốc Ngân hàng quốc gia đã đến báo cáo về chủ trương thay đổi đơn vị tiền tệ, phát hành tiền mới, thu đổi tiền cũ, chủ trương này đã được toàn thể Ban Thường trực Quốc hội hoan nghênh. Tháng 5-1959, Chính phủ đã cử đại diện đến trình bày vấn đề nghiên cứu xây dựng quy hoạch sông Hồng, nhằm trị thủy tận gốc và khai thác các tài nguyên trong phạm vi lưu vực sông Hồng, phục vụ công cuộc phát triển nông nghiệp, công nghiệp và giao thông vận tải.

Quy hoạch sông Hồng là một công trình xã hội chủ nghĩa to lớn đòi hỏi phải được nghiên cứu chu đáo về mọi mặt trong một thời gian khá dài, cán bộ các ngành và đồng bào sẽ tích cực tham gia ý kiến để việc xây dựng quy hoạch sông Hồng làm được tốt.

Ban Thường trực Quốc hội nhận thấy đây là một công trình vĩ đại trong công cuộc kiến thiết xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nên đã đồng thanh tán thành việc bắt đầu nghiên cứu quy hoạch này. Cũng trong phiên họp này, đại diện Chính phủ đã trình bày trước Ban Thường trực Quốc hội về việc giải thể hai Bộ Cứu tế Xã hội và Thương binh. Ban đã thông qua đề nghị này vì nhận thấy rằng hiện nay, sau 4 năm hòa bình công tác thương binh và công tác liệt sĩ đã được giải quyết một phần lớn, những công việc đã làm nói chung đã ổn định được tư tưởng và đời sống cho đa số thương binh, góp phần vào việc an ủi gia đình liệt sĩ và có tác dụng tốt đối với nhân dân, cán bộ; còn về công tác cứu tế xã hội thì do đời sống nhân dân đã được cải thiện một phần, do các tệ nạn xã hội ngày càng giảm bớt, nên các nhiệm vụ đề ra cho Bộ Cứu tế Xã hội, tuy còn phải được tiếp tục thực hiện nhưng khối lượng công tác đã bớt đi nhiều. Mặt khác, các nhiệm vụ còn lại của hai Bộ đã được giao cho các Bộ Nội vụ, Lao động và Y tế đảm nhiệm phù hợp với yêu cầu kiện toàn tổ chức và chấn chỉnh biên chế các cơ quan nhà nước đang tiến hành, làm cho tổ chức bộ máy nhà nước được hợp lý hơn.

*   
*      *

Về việc sửa đổi Hiến pháp, từ ngày 1-4-1959 Ban sửa đổi Hiến pháp đã công bố bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi cho toàn dân thảo luận. Ban Thường trực Quốc hội đã có lời kêu gọi nhân dân miền Bắc cũng như miền Nam, trong nước cũng như ngoài nước tích cực tham gia thảo luận xây dựng Hiến pháp. Để tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích nhân dân tích cực góp ý kiến cho bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi, Ban Thường trực Quốc hội đã đề nghị và đã được Chính phủ đồng ý miễn bưu phí cho tất cả các thư tín của nhân dân tham gia cuộc thảo luận này. Nhiều vị Uỷ viên Ban Thường trực Quốc hội và đại biểu Quốc hội đã đi giới thiệu trong nhiều cuộc hội họp của cán bộ, bộ đội và nhân dân bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi để gợi ý cho nhân dân thảo luận. Các đại biểu Quốc hội miền Nam cũng đã hợp nhau lại vạch ra kế hoạch giới thiệu bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi vào miền Nam, vạch trần tính chất phản dân chủ của Hiến pháp miền Nam và ngăn ngừa việc xuyên tạc Hiến pháp của ta ở miền Nam. Từ lúc bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi được công bố đến nay, các tầng lớp nhân dân đã rất phấn khởi tham gia thảo luận.

Ban sửa đổi Hiến pháp hiện đang thu thập các ý kiến của nhân dân hàng ngày gửi đến để tu chỉnh lại bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi để có thể trình Quốc hội thảo luận và thông qua trong một khóa họp sắp tới.

*  

*      *

Trong những tháng đầu năm, ngay sau khi được tin về vụ đầu độc hơn 6.000[1] và thảm sát vô cùng dã man hơn 1.000 đồng bào yêu nước tại trại tập trung Phú Lợi ở Nam bộ, Ban Thường trực Quốc hội cùng toàn thể các đại biểu Quốc hội đã một lòng nói lên tiếng nói đanh thép và xót xa của những người đại biểu nhân dân, lên án ghi tội bọn sát nhân Mỹ - Diệm ở miền Nam. Ngày 23-1-1959, phiên họp bất thường của Ban Thường trực Quốc hội và các đại biểu Quốc hội có mặt ở Hà Nội đã ra tuyên bố phản đối nhà cầm quyền miền Nam, theo lệnh đế quốc Mỹ giết hại hàng loạt đồng bào ta và kêu gọi nhân dân trong nước, kiều bào ở nước ngoài đẩy mạnh đấu tranh đòi đế quốc Mỹ cút khỏi miền Nam, đòi giải tán các trại tập trung ở miền Nam, đòi các nhà đương cục miền Nam phải trả lời bức công hàm ngày 22-12-1958 của Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đề nghị những biện pháp hợp tình hợp lý lập lại quan hệ bình thường giữa hai miền.

Các đại biểu miền Nam trong Quốc hội đã tham gia cuộc đấu tranh này bằng nhiều cách, nói chuyện về Nam trên đài phát thanh, viết báo chí, tiếp xúc với đồng bào miền Nam để vạch mặt bọn sát nhân ở miền Nam.

Để tranh thủ sự ủng hộ quốc tế và mở rộng phong trào đấu tranh, Ban Thường trực Quốc hội đã gửi tới Quốc hội các nước anh em, các nước trung lập, những tài liệu về tội ác của đế quốc Mỹ và bè lũ Ngô Đình Diệm ở miền Nam. Các nước anh em theo dõi cuộc đấu tranh của nhân dân ta với mối cảm tình sâu sắc. Quốc hội các nước Cộng hòa Dân chủ Đức, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa Nhân dân Anbani, Cộng hòa Nhân dân Bungari, Cộng hòa Nhân dân Hunggari và Đoàn đại biểu Liên Xô trong Liên minh Quốc hội, đã gửi thư tỏ cảm tình với Quốc hội và nhân dân ta và tỏ lòng ủng hộ ta trong cuộc đấu tranh này. Chúng ta chân thành biết ơn Quốc hội và nhân dân các nước anh em về mối tình đoàn kết quốc tế đó.

*  

*      *

Cũng trong những tháng đầu năm, do tình hình hạn hán nghiêm trọng ở nhiều địa phương, công tác chống hạn đã là công tác đột xuất trọng tâm. Cùng với Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc, Ban Thường trực Quốc hội đã cử nhiều Uỷ viên tham gia các đoàn động viên chống hạn, đôn đốc và góp ý kiến với cán bộ và nhân dân trong việc chống hạn. Đi đến đâu, các đoàn cũng đã truyền đạt chủ trương của Trung ương, giúp đỡ nhiều ý kiến cụ thể, động viên nhân dân quyết tâm chống hạn. Nhiều ủy viên đã cùng nhân dân tham gia lao động, gây thêm tin tưởng và phấn khởi, làm cho nhân dân cố gắng vượt mọi khó khăn thực hiện vụ chiêm thắng lợi.

*  

*     *

Trong thời kỳ gần đây đã có sự liên hệ giữa Ban Thường trực Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, các thành phố. Ở những tỉnh, thành đã bầu xong Hội đồng nhân dân, các cuộc họp của Hội đồng nhân dân đều có mời Ban Thường trực Quốc hội và Ban cũng đã cử đại diện về dự. Sau các cuộc hội nghị, Hội đồng nhân dân các địa phương nói trên đã gửi biên bản đến Ban Thường trực Quốc hội để Ban có thể theo dõi tình hình được sát hơn.

*  

*     *

Trong những tháng vừa qua, các việc tiếp xúc và trao đổi với Quốc hội các nước anh em vẫn được tiếp tục thường xuyên. Chúng ta đã nhận được một số tài liệu, văn kiện về các hoạt động của các Quốc hội anh em gửi đến, tuy chưa phong phú lắm, nhưng cũng là cơ sở tốt cho việc nghiên cứu, bồi bổ cho công tác Quốc hội chúng ta sau này; chúng ta cũng đã tranh thủ được sự đồng tình và ủng hộ của các Quốc hội bạn đối với các phong trào đấu tranh của nhân dân ta như việc chống vụ thảm sát Phú Lợi. Bức thư của Chủ tịch Quốc hội Đức là bác sĩ Điêxơman, bức thư của Ban Thường trực Quốc hội Anbani cũng như bức thư của Ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc gửi Quốc hội ta và nhiều văn kiện khác đã nói lên tinh thần quốc tế của các nước bạn và làm nổi bật sự đoàn kết khăng khít giữa các nước trong phe xã hội chủ nghĩa. Chúng ta mong rằng rồi đây mối quan hệ giữa Quốc hội ta và Quốc hội các nước, đặc biệt là các nước trong phe xã hội chủ nghĩa, sẽ được tăng cường hơn nữa.

Cuối tháng trước, Quốc hội ta đã tiếp đón Đoàn đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức qua thăm ta do Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Dân chủ Đức là bác sĩ J. Đíchman và Phó Chủ tịch thứ nhất Hécman Matécnơ dẫn đầu và gồm nhiều đoàn viên đại diện cho các đảng phái dân chủ, đoàn thể nhân dân nước bạn. Tuy thời gian ở nước ta ngắn ngủi, nhưng Đoàn đã có dịp tiếp xúc với các nhà lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta, với các vị đại diện các chính đảng, một số cơ quan đoàn thể của ta, đồng thời đã có nhiều dịp gặp gỡ Ban Thường trực Quốc hội và nhiều đại biểu Quốc hội ta. Chúng ta cũng đã nhân dịp này nói lên được lòng biết ơn của nhân dân ta đối với sự giúp đỡ hào hiệp của nước Cộng hòa Dân chủ Đức, đồng thời kiên quyết ủng hộ lập trường của Chính phủ Cộng hòa Dân chủ Đức trong việc giải quyết đúng đắn vấn đề Đức và vấn đề Bá Linh2 tại Hội nghị các ngoại trưởng ở Giơnevơ. Cuộc đi thăm này cùng với các cuộc đi thăm nước ta trước đây của các Đoàn đại biểu Quốc hội các nước càng gắn bó thêm tình ruột thịt giữa các nước trong phe xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng đầu, càng tăng thêm tình hữu nghị giữa các dân tộc.

*  

*     *

Thưa các vị đại biểu Quốc hội,

Trên đây tôi đã báo cáo về những công tác của Ban Thường trực Quốc hội và những hoạt động của các đại biểu Quốc hội từ khóa họp thứ 9 đến nay.

Trong khóa họp thứ 10 này, Chính phủ sẽ trình bày trước Quốc hội nhiều vấn đề trong đó có mấy vấn đề quan trọng hơn như vấn đề kế hoạch nhà nước năm 1959, vấn đề ngân sách, gồm quyết toán ngân sách năm 1958 và dự toán ngân sách năm 1959, vấn đề hợp tác hóa nông nghiệp, v.v..

Năm 1959 là năm bản lề của kế hoạch 3 năm. Thắng lợi kế hoạch 1959 có phần quyết định thắng lợi của toàn bộ kế hoạch 3 năm. Ngân sách của chúng ta là ngân sách kiến thiết hòa bình phải đi đôi với kế hoạch nhà nước. Còn vấn đề hợp tác hóa nông nghiệp là một vấn đề rất quan trọng trong nền kinh tế quốc dân của chúng ta. Căn cứ vào kinh nghiệm của 1 năm thực hiện kế hoạch vừa qua, với những hiểu biết về tình hình thực tế hiện nay ở thành thị và ở nông thôn, các vị đại biểu sẽ tham gia xây dựng các chính sách trên đây của Chính phủ một cách thiết thực và sáng suốt.

Ngoài ra, các vấn đề khác mà Chính phủ sẽ đưa ra Quốc hội đều có tầm quan trọng của nó mà các đại biểu chúng ta cần nghiên cứu kỹ và tham gia ý kiến xây dựng.

*  

*     *

Thưa các vị đại biểu,

Với lòng nhiệt thành sẵn có, với tinh thần phụ trách trước nhân dân của các vị đại biểu, tôi tin chắc rằng khóa họp Quốc hội lần này của chúng ta sẽ thu được những kết quả tốt đẹp.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.


1. Có lẽ là “hơn 6.000 người” (BT).

2. Berlin (BT).