Ngày 6-11-1957, Xô viết
tối cao Liên Xô đã ra hiệu triệu kêu gọi tất cả những người lao động, những
nhà hoạt động chính trị và xã hội, những nhà đại diện khoa học và văn hóa,
những Nghị viện và Chính phủ của tất cả các nước hãy kiên quyết đấu tranh.
- Cho sự chung sống hòa
bình giữa các nước có chế độ xã hội khác nhau, cho sự hợp tác quốc tế.
- Để thực hiện tổng giảm
quân bị và cấm chỉ vũ khí khinh khí.
- Để thực hiện việc ký
kết một hiệp ước đình chỉ ngay các cuộc thử vũ khí khinh khí.
- Để thiết lập một hệ
thống an ninh chung ở châu Âu và châu Á.
- Để dùng mọi biện pháp
nhằm phát triển trao đổi kinh tế và văn hóa, nhằm tăng cường lòng tin cậy
lẫn nhau giữa các dân tộc.
Ngày 21-12-1957, Xô viết
tối cao Liên Xô lại thông qua một bản nghị quyết tán thành chính sách ngoại
giao của Chính phủ Liên Xô. Bản nghị quyết có nêu lên bảy đề nghị cụ thể
nhằm làm dịu tình hình quốc tế, mở rộng sự hợp tác hòa bình giữa các nước,
chấm dứt chiến tranh lạnh và chạy đua vũ trang, và hy vọng rằng Nghị viện và
Chính phủ các nước sẽ xem xét những đề nghị này.
Ban Thường trực Quốc hội
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhận định rằng nội dung hai văn kiện trên đây
rất phù hợp với nguyện vọng thiết tha nhất và cấp bách nhất của tuyệt đại đa
số nhân dân các nước trên thế giới, là được sống hòa bình trong sự tin cậy
lẫn nhau.
Hiện nay các nước đế
quốc đang ráo riết tiến hành âm mưu gây chiến: các khối quân sự xâm lược đã
được thành lập và hoạt động mạnh, các cuộc thử vũ khí khinh khí hết sức nguy
hại cho loài người vẫn tiếp tục không ngừng: Mỹ lại thiết lập các kho vũ khí
khinh khí, các căn cứ phóng tên lửa trên lãnh thổ các nước châu Âu và châu
Á.
Trải qua hai cuộc thế
giới chiến tranh, nhân loại đã chứng kiến bao cảnh tàn phá chết chóc đau
thương. Thế mà hàng ngày, hàng giờ nhân loại đang sống hồi hộp dưới sự hăm
dọa của một cuộc chiến tranh mới có thể muôn ngàn lần tàn khốc hơn. Kẻ thủ
xướng là bọn đế quốc với tất cả những tham vọng ích kỷ của chúng.
Cho nên, lúc
này hơn lúc nào hết, nhân dân thế giới thiết tha mong mỏi có những biện pháp
làm cho tình hình thế giới bớt căng thẳng, làm cho hòa bình được thật sự
củng cố, làm cho các dân tộc tin cậy lẫn nhau, hợp tác cùng nhau để mọi
người được yên tâm lao động sáng tạo, xây dựng hạnh phúc của mình.
Nhân dân Việt Nam vừa
trải qua mười lăm năm chiến tranh và đang lao động quên mình để băng bó
những vết thương, xây dựng đất nước.
Với những kinh nghiệm
xương máu của mình, nhân dân Việt Nam thù ghét chiến tranh đến cực độ. Nhân
dân Việt Nam không muốn một lần nữa trông thấy cảnh khói lửa, thịt rơi máu
chảy trên đất nước thân yêu của mình. Nhân dân Việt Nam cảm thấy sâu sắc sự
cần thiết được sống trong hòa bình, trong sự hợp tác quốc tế.
Ban Thường trực Quốc hội
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thay mặt cho Quốc hội Việt Nam, nói lên ý
chí và nguyện vọng của toàn thể nhân dân Việt Nam nhiệt liệt hoan nghênh các
cố gắng không ngừng của Chính phủ, Xô viết tối cao và nhân dân Liên Xô trong
công cuộc đấu tranh cho hòa bình và hữu nghị. Liên Xô là nước có vũ khí tối
tân, hiệu nghiệm nhất, nhưng luôn luôn kêu gọi giảm binh bị và đã đi tiên
phong trong các đợt giảm quân số, nêu gương tốt cho tất cả các nước noi
theo. Sự cố gắng đó một lần nữa được thể hiện trên hai bản hiệu triệu và
nghị quyết đầy nhiệt tình xây dựng của Xô viết tối cao Liên Xô.
Ban Thường trực Quốc hội
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hài lòng nhận thấy rằng mặc dù có những âm
mưu đen tối của bọn đế quốc để duy trì cuộc chiến tranh lạnh, chạy đua vũ
trang, tạo nên nguy cơ chiến tranh, nhưng lực lượng hòa bình ngày càng tập
hợp đông đảo và ngày càng đoàn kết chặt chẽ xung quanh Liên Xô và các nước
xã hội chủ nghĩa, đã có đủ khả năng vật chất và tinh thần để ngăn ngừa chiến
tranh.
Hòa bình là nguyện vọng,
là quyền lợi thiết thân của tuyệt đại đa số nhân dân trên thế giới. Cho nên
Ban Thường trực Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tin tưởng rằng, bản
hiệu triệu và bản nghị quyết của Xô viết tối cao Liên Xô chẳng những được
nhân dân Việt Nam và các nước xã hội chủ nghĩa nhiệt liệt hưởng ứng mà còn
được đa số nhân dân ở tất cả các nước trên thế giới đồng tình ủng hộ, và hy
vọng rằng ý nguyện chính đáng đó của nhân dân sẽ làm cho Quốc hội và Chính
phủ các nước có thái độ thiết thực hưởng ứng hiệu triệu và nghị quyết của Xô
viết tối cao Liên Xô.
Ban Thường trực Quốc hội
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhận định rằng chung sống hòa bình là con
đường sống duy nhất hiện nay giữa các quốc gia có chế độ xã hội khác nhau
nếu nhân dân các nước không muốn mang tai họa của một cuộc chiến tranh
nguyên tử và khinh khí.
Ban Thường trực Quốc hội
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho rằng muốn chung sống hòa bình, muốn làm
cho tình hình thế giới bớt căng thẳng, việc các người đứng đầu các nước gặp
nhau bàn bạc, tìm cách giải quyết ổn thỏa những vấn đề quan hệ giữa các nước
là cần thiết, và tỏ lòng hy vọng rằng nhân dân, Quốc hội và Chính phủ các
nước tích cực ủng hộ đề nghị của Liên Xô để có những cuộc gặp gỡ giữa những
người đứng đầu Chính phủ các nước trong thời gian sắp tới đây.
Nhân dân Việt Nam vốn
yêu chuộng hòa bình. Sống trong một thuộc địa mới thoát ách thực dân chưa
bao lâu, nhân dân Việt Nam rất tha thiết với hòa bình để dốc mọi lực lượng
vào công cuộc xây dựng. Trước đây, trong cuộc kháng chiến buộc lòng phải vũ
trang đấu tranh cũng chính là để mưu cuộc sống hòa bình và hạnh phúc hiện
nay. Từ hòa bình lập lại, nhân dân Việt Nam, Quốc hội Việt Nam, luôn luôn
hưởng ứng nhiệt liệt mọi cố gắng đem lại hòa bình. Tháng 6-1956, Chính phủ
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại quyết định phục viên tám vạn quân, góp
thêm một cống hiến vào việc tài giảm binh bị quốc tế. Đó là một biểu hiện cụ
thể của chính sách hòa bình của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ban Thường trực Quốc hội
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thay mặt Quốc hội và nhân dân Việt Nam,
nhiệt liệt tán thành và ủng hộ những đề nghị thiết thực và chân thành của Xô
viết tối cao Liên Xô nêu trong hai bản hiệu triệu và nghị quyết, nguyện ra
sức cùng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đem hết khả năng của mình góp
phần đấu tranh cho hòa bình và hữu nghị giữa các dân tộc.
|
BAN
THƯỜNG TRỰC QUỐC
HỘI NƯỚC
VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA |
Lời tuyên bố này đã được Hội nghị Ban Thường trực Quốc hội thông qua trong
phiên họp ngày 24 tháng 1 năm 1958.