Thưa
các vị đại biểu,
Từ ngày hòa bình được lập lại ở nước ta, đến nay đã hơn 3 năm.
Hơn 3 năm
qua, nhiều sự việc trên thế giới và trong nước đã diễn ra có ý nghĩa
lịch sử. Lực lượng hòa bình dân chủ và xã hội chủ nghĩa do Liên Xô đứng
đầu đã phát triển mạnh mẽ vượt hẳn lực lượng đế quốc hiếu chiến do Mỹ
thủ mưu. Nhân dân Việt Nam ta cũng đã thu được nhiều thành tích trong
công cuộc đấu tranh thi hành Hiệp định Giơnevơ, trong sự nghiệp củng cố
miền Bắc, nâng cao phong trào yêu nước ở miền Nam, và góp sức bảo vệ hòa
bình ở Đông Nam Á và trên thế giới.
Hiện nay,
Quốc hội ta họp lần thứ 8 vào giữa lúc nhân dân ta vừa kết thúc thời kỳ
3 năm khôi phục kinh tế, bước đầu phát triển văn hóa và bước sang thời
kỳ phát triển kinh tế theo kế hoạch dài hạn, đưa miền Bắc tiến dần lên
chủ nghĩa xã hội, làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh thống nhất nước
nhà. Do đó, cụ Trưởng Ban Thường trực Quốc hội trong diễn văn khai mạc
đã nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của khóa họp lần này.
Quốc hội
ta sẽ nghe Chính phủ báo cáo tường tận về công việc 3 năm qua và nhiệm
vụ những năm tới; giờ đây thay mặt Ban Thường trực Quốc hội, tôi xin báo
cáo những nét lớn trong 3 năm qua về công tác Quốc hội của chúng ta.
1. Ngay
khóa họp đầu tiên sau khi hòa bình lập lại, Quốc hội ta đã nhất trí
thông qua chính sách nội trị, ngoại giao theo đường lối hòa bình mà
Chính phủ đã đề ra, chủ trương thực hiện đúng đắn Hiệp định Giơnevơ,
kiên quyết đấu tranh cho thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân
chủ; ra sức củng cố miền Bắc về mọi mặt, đặc biệt là tiếp tục cải cách
ruộng đất và khôi phục kinh tế, bước đầu phát triển văn hóa; xây dựng
một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giầu mạnh.
Có đường lối chính
sách chủ trương đúng đắn ấy mới có được những thành tích 3 năm qua, và
mới tạo được điều kiện cho thời kỳ phát triển; cho nên việc thông qua
đường lối chính sách chủ trương ấy trong thời kỳ 3 năm qua là nhiệm vụ
quan trọng nhất của Quốc hội ta và chúng ta đã làm việc với một tinh
thần phấn khởi và tin tưởng.
2. Về công
tác lập pháp, Quốc hội đã thông qua các đạo luật quy định chế độ báo
chí, quyền tự do hội họp, quyền tự do lập hội, quyền tự do thân thể và
quyền bất khả xâm phạm đối với nhà ở và thư tín của nhân dân.
Các đạo
luật ấy được ban hành đã có tác dụng rất lớn trong nhân dân. Dưới đây là
những ví dụ cụ thể đối với một số Sắc luật được thông qua và ban hành từ
khóa họp thứ 7 đến nay:
a) Luật công đoàn đã
được phổ biến và nghiên cứu rộng rãi trong cán bộ công nhân viên chức.
Nhân các đợt nghiên cứu Luật công đoàn vừa qua, Quốc hội đã nhận được
rất nhiều điện văn, kiến nghị của anh chị em lao động ở khắp nơi gửi
tới, nói lên lòng phấn khởi của mình. Phong trào thi đua sản xuất và
công tác trong những tháng gần đây càng được đẩy mạnh. Mọi người đều
thấy rằng chúng ta đã bước vào thời kỳ kiến thiết kinh tế có kế hoạch,
cơ sở công nghiệp chúng ta ngày càng mở rộng, nông trường đang được củng
cố, giai cấp công nhân ngày càng đông đảo, chúng ta cũng đang tiến hành
kiện toàn bộ máy nhà nước. Luật công đoàn được ban hành tức là giúp cho
Công đoàn làm tròn nhiệm vụ, Công đoàn là đòn xeo phát triển kinh tế và
là trường học quản lý nhà nước.
Luật công
đoàn thực hiện sự tham gia quản lý sản xuất của quần chúng công nhân lao
động và thực hiện quyền giám sát của công nhân lao động. Đó là những
nguyên tắc rất trọng yếu, chỉ có dưới chế độ ta mới có được. Luật công
đoàn lại cũng có tác dụng tốt đối với các nhà tư bản tư doanh đúng đắn
vì đã quy định rõ sự liên hệ giữa chủ và thợ.
Hiện nay,
Chính phủ đương nghiên cứu để các quy định cụ thể hướng dẫn thi hành
Luật công đoàn được sát thực tế, có mức độ cụ thể về từng vấn đề để bảo
đảm kết quả tốt.
b) Sắc
luật bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính các cấp đã được thực
hiện đầu tiên trong hai thành phố Hà Nội và Hải Phòng và rồi đây sẽ là
cơ sở cho việc thực hiện chủ trương chấn chỉnh bộ máy nhà nước ở các địa
phương.
Nhờ các Uỷ
ban hành chính và Mặt trận Tổ quốc ở hai thành phố đã kết hợp với nhau
để thực hiện đúng đắn Sắc luật ấy, nên nhân dân rất hoan nghênh và cuộc
bầu cử Hội đồng nhân dân đã thu được kết quả tốt. 97% cử tri đã đi bỏ
phiếu và toàn bộ danh sách của Mặt trận được trúng cử đã xác nhận Sắc
luật ấy hợp thời hợp lý ứng đáp được nguyện vọng của nhân dân.
c) Các
luật về bảo đảm tự do thân thể và các quyền tự do dân chủ khác đã được
phổ biến rộng rãi trong các cơ quan cũng như ở ngoài nhân dân. Việc phổ
biến này đã góp phần làm cho cán bộ và nhân dân hiểu rõ: chủ trương mở
rộng dân chủ với nhân dân đồng thời tăng cường chuyên chính với kẻ thù
của nhân dân là phù hợp với lợi ích của Nhà nước, với quyền lợi của nhân
dân. Cán bộ và nhân dân hoan nghênh các đạo luật và thêm tin tưởng vào
chế độ ta. Tinh thần tôn thủ pháp luật được nêu cao.
d) Sắc
luật cấm chỉ mọi hành động đầu cơ về kinh tế được Quốc hội chuẩn y đã
góp phần đáng kể vào việc quản lý thị trường, bình ổn vật giá, phát
triển sản xuất, khôi phục và phát triển nền kinh tế quốc dân, cải thiện
đời sống nhân dân. Sắc luật ấy đã có tác dụng giáo dục những người kinh
doanh không chính đáng và làm cơ sở cho nhân dân đấu tranh chống đầu cơ
tích trữ, cho nên đã được các tầng lớp nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh
và ủng hộ. Sắc luật này đã có hiệu lực mạnh mẽ và giúp cho các cơ quan
nhà nước từ chỗ dùng những phương pháp giáo dục khuyến khích đi đến chỗ
dùng những biện pháp kinh tế và hành chính cứng rắn hơn, đã có thể chặn
đứng nhiều trường hợp lũng đoạn nghiêm trọng thị trường, vơ vét, cất
giấu, tích trữ và bảo vệ được quyền lợi chính đáng của nhân dân tiêu
thụ.
e) Luật
báo chí và Sắc luật quy định chế độ xuất bản, từ ngày được thi hành đã
đem lại nhiều kết quả tốt đẹp. Những điều Luật báo chí đó không hạn chế
quyền tự do ngôn luận của nhân dân mà lại phòng ngừa được những hoạt
động phá hoại của bọn bất chính, làm cho quyền tự do ngôn luận được thực
sự bảo đảm. Do đó báo chí đã đi vào nền nếp phản ánh được những dư luận
phong phú và những ý kiến chính đáng của nhân dân.
Sắc luật xuất bản
ban hành đã tạo cho Nhà nước cơ sở pháp lý, nắm vững việc lãnh đạo công
tác xuất bản từ Trung ương đến địa phương. Trong việc giáo dục tư tưởng
cho quần chúng, và bước đầu nâng cao đời sống văn hóa của nhân dân ta
hiện nay, các đạo luật này đã là những công cụ sắc bén đấu tranh bảo vệ
văn hóa tốt đẹp, ngăn cản bọn đầu cơ chính trị và văn hóa, lợi dụng
những tự do của chế độ ta để ra sách báo tuyên truyền xuyên tạc, đầu độc
nhân dân.
3. Về việc
liên hệ với nhân dân từ khi hòa bình được lặp lại đã có nhiều điều kiện
thuận lợi. Các đại biểu đã có nhiều cơ hội để gần gũi nhân dân hơn.
Nhiều vị
đã có dịp thu thập ý kiến của nhân dân để đóng góp vào các khóa họp và
đã về các địa phương để phổ biến các nghị quyết của Quốc hội.
Nhiều vị
đã tham gia các phái đoàn động viên nhân dân: như vụ chống lụt ở Mai Lâm
năm ngoái, và việc chống hạn ở 14 tỉnh trong thời kỳ vừa qua.
Sau nữa
các đơn từ phản ảnh tình hình, các yêu cầu, các đề nghị của nhân dân gửi
lên Ban Thường trực Quốc hội cũng được Tiểu ban Dân nguyện nghiên cứu và
tùy từng trường hợp mà giải quyết thích đáng.
4. Việc
kiện toàn tổ chức Quốc hội trong ba năm qua cũng đã tiến hành có kết
quả:
Ban Thường trực Quốc
hội đã được bầu lại, số Uỷ viên đã được bổ sung, nhiệm vụ và quyền hạn
được quy định hợp với tình hình mới. Mối quan hệ giữa Ban Thường trực
Quốc hội với Chính phủ, với các đại biểu Quốc hội, với nhân dân cũng
được cải tiến. Một Quy chế tạm thời đã được ấn định cho các Uỷ viên
Thường trực và các đại biểu Quốc hội để có điều kiện làm việc dễ dàng
hơn.
Khóa họp thứ 6, Quốc
hội quyết định tuyển cử bổ sung trong
năm 1957. Nhưng vì
điều kiện chưa thực hiện được. Khóa họp thứ 7 Quốc hội quyết định
sau năm 1957 sẽ tiến hành việc bổ sung đó. Nhưng nay, Ban Thường trực
nhận được nhiều thư và những ý kiến trực tiếp của nhiều đại biểu đề nghị
không nên tuyển cử bổ sung mà nên đợi tuyển cử lại Quốc hội thì hợp lý
hơn. Những lý do của các đại biểu ấy đưa ra là:
1. Việc sửa đổi Hiến
pháp có thể hoàn thành trong một thời gian không xa nữa. Sau khi Hiến
pháp đã sửa đổi được Quốc hội thông qua, nhân dân ta sẽ bầu ra Quốc hội
mới theo quy định của Hiến pháp đã được sửa đổi. Nếu huy động lực lượng
toàn dân tham gia vào việc tuyển cử bổ sung, rồi sau đó chỉ trong một
thời gian ngắn lại tuyển cử lại Quốc hội thì thật là không hợp lý, không
hợp lý đối với Quốc hội, đối với nhân dân và không hợp lý đối với cả
người được tuyển cử bổ sung.
2. Một việc nữa cũng
đáng chú ý là hiện nay ngoài Hà Nội và Hải Phòng, Hội đồng nhân dân các
cấp chưa bầu lại được, nên danh sách cử tri chưa được thành lập; nếu
tiến hành tuyển cử bổ sung Quốc hội, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn,
phức tạp trong việc tổ chức.
Chúng tôi thấy vấn
đề này rất quan trọng, nên xin trình để Quốc hội xét.
5. Từ ngày hòa bình
lập lại Quốc hội ta đã mở rộng quan hệ quốc tế: Tháng 8 năm 1957, chúng
ta đã tiếp đoàn nghị sĩ Nam Dương2,
Miến Điện3
thắt chặt tình hữu nghị giữa nhân dân ta và nhân dân hai nước Đông Nam Á
mới dành được độc lập. Đoàn đại biểu Xô viết tối cao Liên Xô sang thăm
ta vào tháng 10-1957 đã đi tham quan nhiều nơi, đã tiếp xúc với các tầng
lớp nhân dân và đem lại phấn khởi cho mọi người.
Đoàn đại biểu Quốc
hội ta sang thăm Liên Xô và Trung Quốc vào mùa thu 1956 cũng đã thắt
chặt thêm tình hữu nghị với các nước bạn ta.
Trong thời gian vừa
qua, đứng trên lập trường quốc tế chân chính, Quốc hội ta đã lại càng tỏ
rõ thiện ý của chúng ta đối với các cuộc đấu tranh cho hòa bình, hữu
nghị và độc lập dân tộc. Chúng ta đã hưởng ứng lời kêu gọi của Xô viết
tối cao Liên Xô về tài giảm quân bị, giảm bớt quân số và đình chỉ thử vũ
khí nguyên tử, khinh khí. Chúng ta đã tỏ sự đồng tình và ủng hộ đối với
nhân dân Hunggari chống bọn phản cách mạng, đối với nhân dân Angiêri
giành độc lập đối với nhân dân Ai Cập, Xyri, Nam Dương v.v. giữ vững chủ
quyền của mình.
Gần đây, về việc
Liên Xô chủ động một mình ngừng thử vũ khí nguyên tử và khinh khí, Hội
đồng Xô viết tối cao Liên Xô đã gửi cho Quốc hội các nước trong đó có
Quốc hội ta một bức thông điệp đề nghị ủng hộ quyết định này.
Ban Thường trực Quốc
hội chúng tôi nhận thấy sáng kiến này phù hợp với chính sách hòa bình
của nhân dân ta và có ích lợi to lớn đối với hòa bình thế giới, nên đã
đánh điện hoan nghênh Hội đồng Xô viết tối cao Liên Xô. Trong khóa họp
này chúng tôi xin trình trước Quốc hội bức thông điệp đó và đề nghị Quốc
hội nhiệt liệt hoan nghênh và ủng hộ cử chỉ cao cả và nhân đạo này của
Hội đồng Xô viết tối cao Liên Xô và Chính phủ Liên Xô.
Thưa các
vị đại biểu,
Thay mặt Ban Thường trực Quốc hội chúng tôi đã trình bày trước Quốc hội
những hoạt động chính của Quốc hội trong 3 năm qua.
Chúng tôi nhận thấy
rằng: trong tất cả các khóa họp điều nổi bật lên là sự nhất trí giữa
Quốc hội và Chính phủ, nhất trí trong việc nhận định công tác đã qua,
nhất trí trong việc nhận định tình hình trước mắt, nhất trí trong việc
quyết định nhiệm vụ của mỗi năm, phương châm chung và phương châm cụ thể
của từng ngành công tác. Sự nhất trí giữa Chính phủ và Quốc hội tiêu
biểu sự nhất trí giữa Chính phủ, Quốc hội và nhân dân. Sự nhất trí đó
một mặt chứng minh đường lối, chính sách của Đảng Lao động Việt Nam và
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là đúng đắn, phù hợp với nguyện vọng
của nhân dân, một mặt chứng tỏ Quốc hội ta do dân, vì dân, mà nhân dân
ta thì kiên quyết đấu tranh cho sự nghiệp hòa bình, sự nghiệp kiến thiết
miền Bắc, sự nghiệp thống nhất Tổ quốc.
Mỗi lần Quốc hội
nhất trí với Chính phủ là mỗi lần được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh
và thêm lòng phấn khởi trong mọi ngành công tác, đặt hết tin tưởng vào
cơ quan thay mặt cho mình.
Chúng ta có thể tự
hào rằng từ khi được nhân dân giao cho trọng trách thay mặt cho nhân
dân, Quốc hội ta đã luôn luôn làm nhiệm vụ của một cơ quan tối cao của
Nhà nước.
Trong thời kỳ trước
và trong kháng chiến, Quốc hội ta là Quốc hội lập hiến, Quốc hội kháng
chiến, Quốc hội cải cách ruộng đất.
Trong thời kỳ hòa
bình lập lại, Quốc hội ta là Quốc hội kiến thiết miền Bắc theo chủ nghĩa
xã hội, đấu tranh thống nhất nước nhà và góp phần bảo vệ hòa bình thế
giới.
Trong nước, Quốc hội
đã được sự tín nhiệm của toàn dân; trên trường quốc tế, Quốc hội ta đã
làm tăng thêm địa vị nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Hiện nay cuộc cách
mạng của nhân dân ta đã chuyển sang một giai đoạn mới; miền Bắc nhất
định phải tiến lên chủ nghĩa xã hội, mà đó chính là biện pháp cần thiết
để tranh thủ nhân dân miền Nam làm cho cuộc đấu tranh thống nhất mau đi
đến thắng lợi cuối cùng.
Hơn bao giờ hết sự
nhất trí giữa các vị đại biểu Quốc hội, giữa Quốc hội và Chính phủ, tức
giữa Chính phủ và nhân dân cần được biểu thị một cách mãnh liệt vì đó là
sức mạnh của khối đoàn kết toàn dân. Truyền thống đoàn kết ấy đã đưa
cách mạng đến thành công, đã đưa kháng chiến đến thắng lợi, và ngày nay
sẽ vẫn là một trong những nhân tố quan trọng nhất để chúng ta xây dựng
một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giầu mạnh.