Để thực hiện Nghị quyết “Kiện toàn tổ chức Quốc hội” của Quốc hội trong khóa
họp thứ 6, Ban Thường trực Quốc hội quyết nghị:
I-
NHIỆM VỤ CỤ THỂ CỦA BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI
1. Quan hệ với Chính
phủ:
Cần phải thực
hiện đúng các nhiệm vụ đã quy định trong các điều khoản của Nghị quyết Quốc
hội ngày 24-1-1957.
a) Biểu quyết
các sắc luật do Chính phủ đề ra. Những dự thảo sắc luật của Chính phủ đưa ra
trình bày trước Ban Thường trực Quốc hội phải do một đại diện Chính phủ
thuyết trình. Những sắc luật do Ban Thường trực biểu quyết, đều đem trình
Quốc hội vào khóa họp gần nhất. Những sắc luật được Quốc hội chuẩn y trở
thành những đạo luật của Nhà nước.
b) Xét và đề
ra Chính phủ sửa đổi hoặc hủy bỏ những sắc lệnh và nghị định không phù hợp
với những đạo luật và sắc luật.
c) Thỏa thuận
với Chính phủ về việc Chính phủ cử người thay thế hoặc bổ sung các Bộ
trưởng. Danh sách những Bộ trưởng được cử sẽ đưa trình Quốc hội trong khóa
họp gần nhất.
d) Thỏa thuận
với Chính phủ về việc thi hành những hiệp ước ký với nước ngoài. Những hiệp
ước sau khi ký và được Ban Thường trực Quốc hội thỏa thuận cho thi hành phải
đưa trình Quốc hội trong khóa họp gần nhất.
e) Phối hợp
với Chính phủ tiến hành tuyển cử bổ sung ở các đơn vị bầu cử miền Bắc theo
như Nghị quyết ngày 24-1-1957 của Quốc hội.
Về thủ tục
thực hiện các nhiệm vụ trên đây, ông ủy viên thư ký sẽ liên lạc với Văn
phòng Thủ tướng phủ để có quy định cụ thể.
2. Quan hệ với các đại
biểu Quốc hội:
Ban Thường
trực Quốc hội có nhiệm vụ:
- Giữ liên lạc
với các đại biểu Quốc hội để nhận các ý kiến, phản ánh tình hình và nguyện
vọng của nhân dân do đại biểu gọi đến để nghiên cứu và đề ra với các cơ quan
hữu quan giải quyết. Liên lạc bằng thơ từ, gửi Công báo để giúp các đại biểu
theo dõi các chính sách lớn của Nhà nước.
- Hiểu rõ tình
hình các đại biểu Quốc hội: số lượng, lịch sử, công tác, hoạt động, thuyên
chuyển v.v..
- Thi hành các
quy định về quyền lợi vật chất và tinh thần của đại biểu Quốc hội.
- Tổ chức các
Đoàn đại biểu Quốc hội đi tiếp xúc với nhân dân mỗi khi cần thiết.
3. Quan hệ với nhân dân:
Nghiên cứu và
đề nghị với Chính phủ giải quyết những đơn khiếu nại, thỉnh cầu hoặc đề nghị
của nhân dân gửi đến.
4. Triệu tập và tổ chức
các khóa họp Quốc hội.
5. Một số công tác khác
trước khóa họp thứ 7:
- Giải quyết
một số vấn đề về tổ chức và lề lối làm việc:
+ Thảo nội quy
Ban Thường trực Quốc hội.
+ Dự thảo nội
quy Quốc hội.
+ Chấn chỉnh
Văn phòng.
+ Trùng tu và
trang hoàng trụ sở của Ban.
- Chuẩn bị và
tổ chức khóa họp Quốc hội lần thứ 7 vào đầu tháng 7 năm 1957.
II- TỔ
CHỨC VĂN PHÒNG CỦA BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI
Căn cứ vào các
nhiệm vụ của Ban Thường trực Quốc hội do Nghị quyết ngày 24-1-1957 của khóa
họp thứ 6 quy định và các công tác cụ thể trên đây, Văn phòng Ban Thường
trực Quốc hội sẽ gồm 2 bộ phận:
1. Phòng nghiên cứu
chung
với
các nhiệm vụ:
- Giữ quan hệ với các đại biểu (không kể trong các vấn đề hành chánh, tài
chính do phòng văn thư, hành chánh, quản trị đảm nhiệm).
- Thu nhận và
nghiên cứu các đơn từ, nguyện vọng của nhân dân và để cùng ý kiến giúp ủy
viên phụ trách giải quyết.
- Liên lạc với
Văn phòng Thủ tướng phủ và các Bộ về các vấn đề quan hệ giữa Ban Thường trực
Quốc hội và Chính phủ.
- Theo dõi
việc thực hiện các Nghị quyết của Ban Thường trực Quốc hội.
- Chuẩn bị các
khóa họp Quốc hội, các phiên họp của Ban Thường trực Quốc hội.
- Liên lạc với
các Tiểu ban để nắm tình hình.
- Phục vụ Ban
sửa đổi Hiến pháp về phương tiện làm việc.
- Thu thập tài
liệu để giúp Ban Thường trực Quốc hội làm báo cáo, lập chương trình công
tác.
- Sơ bộ nghiên
cứu các công văn đến, trước khi trình bày Ban hay chuyển cho các Tiểu ban để
giải quyết.
- Nghiên cứu
các vấn đề chung về Quốc hội: Nội quy Ban Thường trực Quốc hội, Nội quy Quốc
hội.
- Liên lạc với
báo chí, đài phát thanh để tuyên truyền về các hoạt động của Quốc hội, của
Ban Thường trực Quốc hội hoặc của các đại biểu Quốc hội.
Các ủy viên
thường trực có thể phân công phụ trách một hay nhiều nhiệm vụ trên đây, với
một hay nhiều cán bộ giúp việc. Các ủy viên phụ trách các vấn đề sẽ chịu
trách nhiệm trước Ban Thường trực Quốc hội, Văn phòng có nhiệm vụ trình bày
vấn đề, chuẩn bị ý kiến.
2. Phòng Văn thư, hành
chánh quản trị
với
các nhiệm vụ:
- Giữ văn thư
của Ban, lưu trữ hồ sơ, thư viện.
- Tiếp phát
công văn, đến và đi.
- Đánh máy, in
ronéo.
- Giao thông,
liên lạc, điện thoại thường trực…
- Nhân sự cơ
quan.
- Ngân sách
Quốc hội.
- Quản lý tài
sản cơ quan.
- Khánh tiết,
tiếp tân.
- Tham gia tổ
chức các khóa họp Quốc hội.
Văn phòng đặt
dưới sự lãnh đạo của Chánh Văn phòng do ủy viên Thư ký kiêm nhiệm và Phó Văn
phòng do Ban Thường trực Quốc hội cử.
III-
CÁC TIỂU BAN
Do yêu cầu của
các công tác trước mắt như trên, và căn cứ trên Nghị quyết “Kiện toàn tổ
chức” mà Quốc hội đã thông qua, Ban Thường trực Quốc hội thành lập 2 Tiểu
ban trực thuộc.
1. Tiểu ban luật pháp
có
nhiệm vụ:
- Nghiên cứu
các dự thảo sắc luật do Chính phủ chuyển sang để giúp ý kiến cho Ban Thường
trực Quốc hội.
- Nghiên cứu
các sắc lệnh, nghị định của Chính phủ ban hành từ nay về sau và đề ra cho
Ban Thường trực Quốc hội xét nếu cần.
2. Tiểu ban tuyển cử bổ
sung:
Nhiệm vụ Tiểu
ban này là phối hợp với Chính phủ để lập kế hoạch tiến hành tuyển cử bổ
sung.
Hai Tiểu ban
này do Ban Thường trực Quốc hội cử trong các vị ủy viên nên chỉ có tính chất
nội bộ, không chịu trách nhiệm trước Quốc hội.
IV- LỀ
LỐI LÀM VIỆC CỦA BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI
Theo Nghị
quyết của Ban Thường trực Quốc hội trong phiên họp ngày 29-1-1957, Ban
Thường trực Quốc hội mỗi tháng họp một phiên thường kỳ và trong những trường
hợp cần thiết sẽ họp phiên bất thường. Phiên họp thường kỳ sẽ tiến hành vào
ngày thứ sáu cuối cùng trong tháng. Các ủy viên thường trực phân công
nghiên cứu các vấn đề và trình bày để Ban Thường trực Quốc hội thảo luận và
quyết định. Các ủy viên thường trực có thể không thoát ly công tác chuyên
môn của mình, trừ Trưởng ban, Phó Trưởng ban và ủy viên Thư ký thường xuyên
chuyên trách công việc của Ban. Tùy theo nhu cầu công tác, Ban Thường trực
Quốc hội có thể yêu cầu một hay nhiều ủy viên thoát ly công tác chuyên môn
để chuyên trách công việc của Ban.
- Trưởng ban
phụ trách công việc chung, đại diện cho Ban trong mọi trường hợp, chủ trì
các cuộc hội nghị của Ban và ký các giấy tờ quan trọng.
- Phó Trưởng
ban giúp Trưởng ban trong các nhiệm vụ trên và thay mặt khi Trưởng ban vắng
mặt.
- Ủy viên Thư
ký chuẩn bị các cuộc hội nghị của Ban, giới thiệu hoặc thuyết trình các vấn
đề đưa ra thảo luận, phụ trách Văn phòng và thay mặt Ban giải quyết các công
việc thường trực của Ban, ký các giấy tờ hàng ngày và quản lý ngân sách Quốc
hội.
- Các ủy viên
chuyên trách cùng với ủy viên Thư ký phân công đảm nhiệm những công tác
thường trực của Ban hoặc tham gia các Tiểu ban.
- Các ủy viên
khác phân công phụ trách các Tiểu ban hoặc những nhiệm vụ khác do Ban quyết
định.
- Các ủy viên dự khuyết sinh hoạt hội nghị và nhận phân công như các ủy viên
chính thức, nhưng không biểu quyết trong Hội nghị.
V- QUY
CHẾ CỦA ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI
1. Phụ cấp:
Để
giúp đỡ các đại biểu có thêm phương tiện làm nhiệm vụ, các đại biểu Quốc hội
được hưởng một khoản phụ cấp toàn niên là ba mươi sáu vạn đồng (360.000đ).
Phụ cấp này sẽ trả từng quý một vào đầu các tháng 1, 4, 7, 10 trong năm.
Ngoài phụ cấp
trên đây, mỗi đại biểu khi đi dự khóa họp Quốc hội được lĩnh một khoản “Hội
nghị phí” bằng tiền tương đương với hội nghị phí cao nhất của Chính phủ đã
quy định.
2. Đi tàu, xe:
Đại biểu Quốc hội, khi đi làm nhiệm vụ ở các địa phương ngoài nơi cư trú
thường xuyên của mình, sẽ dùng các phương tiện giao thông thông thường (tàu
hỏa, ô tô, ca nô…) tùy theo quãng đường theo hạng cao nhất. Các phí tổn về
tàu xe, sẽ do Ban Thường trực Quốc hội thanh toán theo các thể lệ tài chính
hiện hành.
Trong trường
hợp Ban Thường trực Quốc hội tổ chức những Đoàn đại biểu với những nhiệm vụ
công tác nhất định, Ban Thường trực Quốc hội sẽ cung cấp phương tiện đi lại.
3. Chữa bệnh,
nằm bệnh viện:
Khi đau ốm cần được điều trị hoặc nằm bệnh viện, các đại biểu Quốc hội được
hưởng các tiêu chuẩn về y tế (chỗ nằm, thuốc men, bồi dưỡng) tương đương với
Chủ tịch Uỷ ban hành chính tỉnh; đại biểu nào giữ những chức vụ cao hơn,
hưởng tiêu chuẩn đã quy định cho chức vụ ấy.
4.
Các điểm trong Quy chế này sẽ thi hành bắt đầu từ 1-1-1957.
5. Huy hiệu:
Về
hình thức và cách sử dụng huy hiệu đã ghi trong nghị quyết của Quốc hội, cần
nghiên cứu gấp để Ban Thường trực Quốc hội quyết định trong một phiên họp
sau.
VI-
QUY CHẾ ỦY VIÊN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI
Các ủy viên
Ban Thường trực Quốc hội chính thức và dự khuyết đều được hưởng một khoản
phụ cấp hàng tháng theo các cấp bậc sau đây của tháng lương 17 bậc ngành
hành chánh:
Trưởng
ban: bậc 2
Phó
Trưởng ban: bậc 3
Ủy
viên chính thức: bậc 4
Ủy
viên dự khuyết: bậc 5
Các ủy viên có
kiêm nhiệm một chức vụ khác có lương trong Chính phủ hay trong đoàn thể, sẽ
hưởng khoản lương nào cao hơn.
Về việc chữa bệnh, nằm bệnh viện, các ủy viên Ban Thường trực Quốc hội hưởng
chế độ tương đương với các cấp bậc như ở trên.
Vì tính chất,
phạm vi và khối lượng công tác của các vị ủy viên Ban Thường trực không
giống như các nhân viên Chính phủ cùng cấp bậc, nên về các phương tiện khác
tạm quy định như sau:
Về nhà ở:
Các ủy viên thường trực, thường xuyên chuyên trách công tác của Ban Thường
trực Quốc hội, sẽ được đài thọ nhà ở. Các ủy viên không chuyên trách, không
hưởng tiêu chuẩn nhà cửa như nói trên.
Về nhân viên phục vụ:
Các ủy viên trong Ban Thường trực Quốc hội đều được đài thọ một nhân viên
phục vụ có thể trả bằng tiền.
Về xe ô tô:
Ngoài những xe
dành riêng cho Trưởng ban và Phó Trưởng ban, Ban Thường trực Quốc hội có một
số xe ô tô dành cho các ủy viên trong Ban dùng để đi lại làm nhiệm vụ.
Ban quy định
các chi tiết về chế độ phụ cấp nhà ở, và đồ đạc, nhân viên phục vụ của ủy
viên Ban Thường trực Quốc hội sẽ được nghiên cứu và đưa trình Ban thông qua
trong phiên họp sau.
Nghị quyết này
đã được Ban Thường trực Quốc hội thông qua trong phiên họp ngày 19 tháng 2
năm 1957.