VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

LỜI PHÁT BIỂU
CỦA THỦ TƯỚNG PHẠM VĂN ĐỒNG
TRONG KỲ HỌP THỨ 7, QUỐC HỘI KHOÁ I
NGÀY 19-9-1957

 

Thưa Chủ tịch đoàn,

Thưa các vị đại biểu,

Tôi có mấy ý kiến vắn tắt xin trình Quốc hội,

Khóa họp này đã giải quyết một số vấn đề có tính chất rất quan trọng. Quốc hội đã thông qua mấy bản Sắc luật do Chính phủ trình, Quốc hội đã thông qua Luật công đoàn.

Việc Quốc hội trong khóa này, thông qua Luật công đoàn, đó là một sự kiện chính trị có ý nghĩa lớn trong đời sống chính trị của nước ta.

Quốc hội thông qua Luật công đoàn, điều đó có nghĩa là Quốc hội chính thức công nhận địa vị lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc Việt Nam, đồng thời công nhận địa vị lãnh đạo của giai cấp công nhân đối với Nhà nước dân chủ nhân dân.

Thông qua Luật công đoàn, Quốc hội đồng thời công nhận địa vị chính trị của tổ chức của giai cấp công nhân là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và các công đoàn ở các cấp, các cơ sở, công nhận công đoàn là cột trụ của Nhà nước dân chủ nhân dân của chúng ta. Quốc hội hoan nghênh và Chính phủ cũng vậy, rất hoan nghênh sự cộng tác, sự giúp đỡ của Công đoàn trong việc giải quyết những vấn đề kinh tế, tài chính lớn liên quan tới quốc kế dân sinh, liên quan tới kế hoạch Nhà nước.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rất vui mừng gửi đến giai cấp công nhân anh dũng của nước ta, đồng thời gửi đến tổ chức của giai cấp công nhân anh dũng của nước ta là Tổng Liên đoàn và các công đoàn lời chào thân ái và nhiệt liệt.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kính chúc giai cấp công nhân cũng như Tổng Liên đoàn, cũng như các công đoàn, tăng cường hoạt động của mình, tăng cường tổ chức của mình, thu nhiều thành tích to lớn hơn nữa trong sự nghiệp xây dựng miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

Ngoài việc thông qua mấy Sắc luật và Luật công đoàn do Chính phủ trình, khóa họp kỳ này của Quốc hội chúng ta có bàn đến ngân sách, đã thông qua quyết toán ngân sách năm 1956, đã thông qua cả tổng dự toán ngân sách năm 1957. Về vấn đề này, tôi thấy không có gì trình thêm với Quốc hội.

Quốc hội đã bàn kỹ về kế hoạch Nhà nước năm 1957. Sau khi công nhận những thành tích, Quốc hội có bàn nhiều, có góp ý kiến nhiều về những thiếu sót, những khuyết điểm của các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện kế hoạch Nhà nước năm 1957 trong sáu tháng vừa qua, đồng thời Quốc hội cũng có đề ra những điểm về nguyên tắc nhằm đảm bảo việc thực hiện tốt quý cuối cùng của kế hoạch năm 1957.

Quốc hội có giao cho Chính phủ xét điều chỉnh những điểm cần điều chỉnh trong kế hoạch. Việc điều chỉnh này, chúng tôi sẽ làm.

Trong lúc bàn về kế hoạch Nhà nước năm 1957 cũng như trong lúc bàn về ngân sách, Quốc hội có nhấn mạnh ba vấn đề rất cấp bách là:

- Vấn đề đời sống của công nhân, công chức, cán bộ.

- Vấn đề giảm nhẹ biên chế.

- Và vấn đề chống lãng phí.

Ba vấn đề này tôi đã có cơ hội trình với Quốc hội những chủ trương và thái độ của Chính phủ. Tôi không nhắc lại.

Quốc hội cũng có để ý khá nhiều đến một vấn đề nữa mà chúng tôi cũng thấy rất là quan trọng. Đó là tình hình ở xã, tình hình cán bộ xã. Chúng tôi sẽ coi trọng vấn đề này.

Đối với những ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, tôi xin trình bày thái độ của Chính phủ như sau:

Nói chung, chúng tôi, Chính phủ thành thật tiếp thu những ý kiến phê bình của các vị đại biểu Quốc hội và quyết tâm sửa chữa những khuyết điểm của mình. Chúng tôi lãnh hội tinh thần và ý chí của Quốc hội nhằm khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm, tăng cường công tác kinh tế tài chính, tăng cường chỉ đạo công tác kinh tế tài chính, tăng cường tổ chức thực hiện các công tác kinh tế tài chính.

Trong lúc phát biểu ý kiến, nhiều vị đại biểu đã nhấn mạnh một điểm mà chúng tôi thấy rất là đúng: đó là sự cố gắng chủ quan của mình để khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm. Chúng tôi rất đồng ý điểm đó và chúng tôi cố gắng thực hiện.

Nhân nói điều này, tôi thấy phải nói thêm một số việc: Tôi đã có cơ hội trình với Quốc hội những thành tích của Chính phủ và những thành tích của nhân dân ta trong quá trình khôi phục kinh tế. Vì sao tôi phải trình những thành tích đó và nhấn mạnh những thành tích đó? Tôi thấy đó là điều rất cần thiết mà chúng tôi còn phải làm nhiều hơn nữa. Vì sao vậy? Là vì hiện thời trong nhân dân ta có người chưa thấy hết và chưa hoàn toàn nhìn nhận những thành tích đó. Cố nhiên là chúng ta phải thấy tất cả những thiếu sót, những khuyết điểm của chúng ta, nhưng mà đồng thời chúng ta phải thấy những thành tích, chúng ta phải thấy sự tiến bộ của ta. Nói như vậy có phải chúng tôi, và riêng tôi, đã thỏa mãn với những thành tích, những tiến bộ ấy, nghĩa là coi như vậy là đủ rồi mà yên ngủ, có phải như vậy không? Không một chút nào hết. Không bao giờ chúng tôi coi những thành tích mình đã thu được, những tiến bộ ít nhiều của mình đã thu được là đủ.

Chúng ta là những người muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta, cho nên chúng ta phải vận dụng cái vũ khí sắc bén của chúng ta là tự phê bình và phê bình, hoặc phê bình và tự phê bình. Từ trước đến nay chúng tôi đã hết sức làm việc này, làm việc phê bình và tự phê bình. Hỏi đã làm đủ chưa thì không ai dám nói là đủ rồi, nếu nói còn thiếu thì đúng hơn. Nói như vậy nghĩa là chúng ta còn phải làm. Chúng tôi sẽ làm, sẽ làm mãi mãi và chắc chắn sẽ ngày càng làm một cách đúng và đủ hơn và do đó phát huy được tác dụng trong mọi động tác của chúng tôi.

Có một điểm nữa được nhiều vị đại biểu nhấn mạnh mà tôi rất đồng ý. Tôi cũng đã có cơ hội nói rõ. Để góp phần rất lớn vào việc tăng cường toàn bộ công tác của chúng ta, trong đó có công tác kinh tế tài chính thì phải thực hiện chế độ trách nhiệm, và liên quan với nó là chế độ kỷ luật. Đây là điều thiếu sót lớn trong bộ máy Nhà nước của chúng ta, trong công tác của chúng ta, mà ai nấy cũng đã thấy, cho nên các vị đại biểu nhấn mạnh chỗ này là rất đúng, và chúng tôi cố gắng quy định và thực hiện các chế độ trách nhiệm và chế độ kỷ luật. Tôi thấy không phải nói nhiều về điểm này.

Chúng ta đấu tranh trong một hoàn cảnh chính trị khá phức tạp, do đó tâm trạng của chúng ta cũng khá phức tạp, đó là điều rất rõ. Tâm trạng đó phản ánh cả tình hình chung của nước ta: tình hình chính trị, tình hình kinh tế, tài chính. Đặc điểm của tình hình đó là chúng ta hiện thời đang gặp nhiều khó khăn, trong đó có những khó khăn lớn, đồng thời chúng ta có phạm nhiều thiếu sót và khuyết điểm, trong đó có những thiếu sót và khuyết điểm nghiêm trọng, nhất là về kinh tế tài chính. Phải nói thêm là những thiếu sót, khuyết điểm của chúng ta thì nhiều, có cái nghiêm trọng, một phần do những khó khăn khách quan đề ra, và ngược lại làm khó khăn tăng thêm. Tôi nói như vậy không phải một chút nào để giảm nhẹ trách nhiệm của mình trong việc đề phòng và khắc phục những thiếu sót, khuyết điểm của mình. Nói rõ điều đó, chính là để nhấn mạnh trách nhiệm của chúng tôi, của chúng ta phải cố gắng rất lớn nhằm khắc phục thiếu sót, khuyết điểm, do đó khắc phục khó khăn đẩy mạnh công tác, giành thắng lợi ngày càng lớn. Cuối cùng chúng ta dựa vào nhiệt tình cách mạng của nhân dân ta, của tất cả chúng ta, của mỗi một người chúng ta. Chúng ta dựa vào lòng tin tưởng, lòng phấn khởi không bờ bến đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta, đối với tiền đồ vẻ vang của Tổ quốc chúng ta. Và chỉ có dựa vào nhiệt tình cách mạng đó, dựa vào lòng tin tưởng và phấn khởi đó để thực hiện sự đoàn kết đấu tranh trên cơ sở nhận thức nhất trí theo đường lối và chính sách của Đảng và Chính phủ, chỉ có như vậy cuối cùng chúng ta mới khắc phục được những thiếu sót, những khuyết điểm của chúng ta, do đó khắc phục được những khó khăn nhiều và lớn trong tình hình hiện tại. Chỉ có như vậy chúng ta mới cải tiến công tác kinh tế tài chính cũng như các công tác khác, cải tiến không ngừng để giành những thành tích càng ngày càng lớn, để đứng về kinh tế mà nói – cuối năm nay hoàn thành tốt về căn bản công tác khôi phục kinh tế để mà phát triển kinh tế trên cơ sở mới, góp phần vào việc củng cố miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.