VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

SẮC LUẬT
SỐ 004/SLt, NGÀY 20-7-1957
VỀ BẦU CỬ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN VÀ ỦY BAN HÀNH CHÍNH CÁC CẤP

 

CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Chiểu Nghị quyết ngày 24 tháng 1 năm 1957 của Quốc hội;

Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ;

Sau khi Ban Thường trực Quốc hội biểu quyết thỏa thuận,

RA SẮC LUẬT

 

Chương I

BẦU CỬ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP

Tiết 1- NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. Các cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp đều theo nguyên tắc đầu phiếu phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và kín.

Ở các khu vực tự trị và ở miền núi, Hội đồng nhân dân từ cấp châu trở lên đều do Hội đồng nhân dân xã bầu ra.

Điều 2. Các công dân Việt Nam, không phân biệt dân tộc, gái trai, nghề nghiệp, giầu nghèo, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, thời hạn cư trú, từ 18 tuổi trở lên đều có quyền bầu cử, và từ 21 tuổi trở lên đều có quyền ứng cử.

Công dân trong Quân đội có quyền bầu cử và ứng cử như những công dân khác.

Điều 3. Những địa chủ sau đây, tuy chưa được thay đổi thành phần, cũng được bầu cử và ứng cử:

- Địa chủ kháng chiến;

- Địa chủ thường được Uỷ ban hành chính và Ban chấp hành Nông hội xã đề nghị cho bầu cử và ứng cử, và được Ủy ban hành chính tỉnh chuẩn y.

Điều 4. Những người sau đây không có quyền bầu cử và ứng cử:

- Người bị pháp luật hoặc tòa án tước công quyền;

- Người bị bệnh điên;

- Địa chủ chưa được thay đổi thành phần (trừ những người đã nói ở Điều 3).

Điều 5. Trong mỗi khóa bầu cử Hội đồng nhân dân một cấp nào, mỗi cử tri chỉ được bỏ một phiếu bầu. Cử tri nào muốn ứng cử chỉ được ứng cử ở một nơi.

Tiết 2 – CÁCH TÍNH SỐ ĐẠI BIỂU

Điều 6. Cách tính số đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở miền xuôi quy định như sau:

1. Hội đồng nhân dân xã và thị trấn:

Xã và thị trấn từ 1.000 nhân khẩu trở xuống thì bầu cử 15 đại biểu. Xã và thị trấn trên 1.000 nhân khẩu thì ngoài số 15 đại biểu tính cho số 1.000 nhân khẩu đầu tiên, cứ thêm 200 nhân khẩu thì thêm một đại biểu, nhưng tổng số không được quá 35 đại biểu.

Đặc biệt các xã trên 6.000 nhân khẩu có thể có tới 40 đại biểu.

2. Hội đồng nhân dân thị xã:

Thị xã từ 4.000 nhân khẩu trở xuống thì bầu cử 25 đại biểu. Thị xã trên 4.000 nhân khẩu thì ngoài số 25 đại biểu tính cho số 4.000 nhân khẩu đầu tiên, cứ thêm 500 nhân khẩu thì thêm một đại biểu, nhưng tổng số không được quá 50 đại biểu.

3. Hội đồng nhân dân tỉnh:

Tỉnh từ 250.000 nhân khẩu trở xuống thì bầu cử 50 đại biểu. Tỉnh trên 250.000 nhân khẩu thì ngoài số 50 đại biểu tính cho số 250.000 nhân khẩu đầu tiên, cứ thêm 20.000 nhân khẩu thì thêm một đại biểu, nhưng tổng số không được quá 100 đại biểu.

4. Hội đồng nhân dân thành phố:

Thành phố từ 60.000 nhân khẩu trở xuống thì bầu cử 50 đại biểu. Thành phố trên 60.000 nhân khẩu, thì ngoài số 50 đại biểu tính cho số 60.000 nhân khẩu đầu tiên, cứ thêm 8.000 nhân khẩu thì thêm một đại biểu, nhưng tổng số không được quá 100 đại biểu.

Điều 7. Cách tính số đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp ở các khu vực tự trị và ở miền núi quy định như sau:

1. Hội đồng nhân dân xã và thị trấn:

- Xã vùng cao từ 300 nhân khẩu trở xuống thì bầu cử 9 đại biểu. Xã trên 300 nhân khẩu thì ngoài số 9 đại biểu tính cho số 300 nhân khẩu đầu tiên, cứ thêm 35 nhân khẩu thì thêm một đại biểu, nhưng tổng số không được quá 25 đại biểu.

- Xã vùng thấp và thị trấn từ 400 nhân khẩu trở xuống thì bầu cử 11 đại biểu. Xã và thị trấn trên 400 nhân khẩu thì ngoài số 11 đại biểu tính cho số 400 nhân khẩu đầu tiên, cứ thêm 70 nhân khẩu thì thêm một đại biểu, nhưng tổng số không được quá 25 đại biểu.

2. Hội đồng nhân dân thị xã :

Thị xã từ 3.000 nhân khẩu trở xuống thì bầu cử 20 đại biểu. Thị xã trên 3.000 nhân khẩu thì ngoài số 20 đại biểu tính cho số 3.000 nhân khẩu đầu tiên cứ thêm 300 nhân khẩu thì thêm một đại biểu, nhưng tổng số không được quá 45 đại biểu.

3. Hội đồng nhân dân tỉnh, hay là châu: (trong khu tự trị không có cấp tỉnh).

- Tỉnh từ 80.000 nhân khẩu trở xuống thì bầu cử 40 đại biểu. Tỉnh trên 80.000 nhân khẩu thì ngoài số 40 đại biểu tính cho số 80.000 nhân khẩu đầu tiên, cứ thêm 5.000 nhân khẩu thì thêm một đại biểu, nhưng tổng số không được quá 70 đại biểu.

- Châu từ 8.000 nhân khẩu trở xuống thì bầu cử 25 đại biểu. Châu trên 8.000 nhân khẩu thì ngoài số 25 đại biểu tính cho số 8.000 nhân khẩu đầu tiên, cứ thêm 800 nhân khẩu thì thêm một đại biểu, nhưng tổng số không được quá 50 đại biểu.

4. Hội đồng nhân dân khu:

Tùy theo tình hình dân số và dân tộc ở từng nơi, từ 2.000 đến 6.000 nhân khẩu thì bầu cử một đại biểu, nhưng tổng số đại biểu không được quá 150.

Các tỷ lệ nói trên có thể châm chước để các dân tộc ít người có thể bầu cử đại biểu của mình vào Hội đồng nhân dân các cấp.

Tiết 3 – ĐƠN VỊ BẦU CỬ VÀ KHU VỰC BỎ PHIẾU

Điều 8. Hội đồng nhân dân các cấp bầu cử theo những đơn vị sau đây:

- Hội đồng nhân dân xã theo đơn vị liên xóm (thôn cũ);

- Hội đồng nhân dân thị trấn theo đơn vị phố hay là liên xóm;

- Hội đồng nhân dân thị xã theo đơn vị khu phố và xã (nếu có xã ngoại thị);

- Hội đồng nhân dân châu theo đơn vị hành chính xã;

- Hội đồng nhân dân tỉnh theo đơn vị hành chính huyện và thị xã;

- Hội đồng nhân dân thành phố theo đơn vị khu phố hay là liên khu phố ở nội thành, theo đơn vị xã hay liên xã ở ngoại thành;

- Hội đồng nhân dân khu tự trị theo đơn vị hành chính châu hay là huyện và thị xã.

Điều 9. Số đơn vị bầu cử Hội đồng nhân dân khu tự trị, tỉnh, thành phố và số đại biểu cho mỗi đơn vị do Ủy ban hành chính khu tự trị, tỉnh, thành phố đề nghị, Bộ Nội vụ duyệt y.

Số đơn vị bầu cử Hội đồng nhân dân xã, thị trấn, thị xã và số đại biểu cho mỗi đơn vị do Ủy ban hành chính xã, thị trấn, thị xã đề nghị. Ủy ban hành chính tỉnh (hay là khu trong khu tự trị không có cấp tỉnh) duyệt y; đối với các xã ngoại thành thuộc các thành phố thì do Ủy ban hành chính thành phố duyệt y.

Số đơn vị bầu cử Hội đồng nhân dân châu và số đại biểu cho mỗi đơn vị do Ủy ban hành chính châu đề nghị, Ủy ban hành chính khu tự trị duyệt y.

Điều 10. Các đơn vị bầu cử Hội đồng nhân dân một cấp phải được Ủy ban hành chính cấp ấy công bố chậm nhất là bốn mươi ngày trước ngày bầu cử.

Điều 11. Các Ủy ban hành chính xã, thị xã (không có khu phố), thị trấn và khu phố, có thể tùy theo tình trạng cư trú của nhân dân mà định ít hay là nhiều khu vực bỏ phiếu.

Điều 12. Các đơn vị quân đội sẽ tổ chức thành khu vực bỏ phiếu riêng.

Tiết 4 – DANH SÁCH CỬ TRI

Điều 13. Danh sách cử tri do các Uỷ ban hành chính xã, thị xã (không có khu phố ), thị trấn và khu phố lập theo đơn vị xã, thị xã, thị trấn, khu phố và theo khu vực bỏ phiếu. Danh sách cử tri ở các đơn vị quân đội do các Ban chỉ huy đơn vị quân đội lập cho mỗi khu vực bỏ phiếu. Trong danh sách cử tri lập cho mỗi khu vực bỏ phiếu, tên các cử tri xếp theo thứ tự A, B, C.

Điều 14. Chậm nhất là bốn mươi ngày trước ngày bầu cử, danh sách cử tri phải được niêm yết tại trụ sở các Ủy ban hành chính cơ sở hay là tại những nơi công cộng của các đơn vị bầu cử hoặc khu vực bỏ phiếu.

Danh sách cử tri ở các đơn vị quân đội chỉ công bố tại các khu vực bỏ phiếu của quân đội.

Điều 15. Kể từ ngày niêm yết và chậm nhất là 25 ngày trước ngày bầu cử, các cử tri có quyền kiểm soát danh sách cử tri, nếu thấy có sai lầm hoặc thiếu sót thì gửi giấy khiếu nại đến cơ quan lập danh sách. Trong thời hạn ba ngày cơ quan lập danh sách phải giải quyết xong việc khiếu nại; nếu người khiếu nại chưa đồng ý về cách giải quyết đó thì có thể khiếu nại lên Tòa án nhân dân huyện, châu hay là thành phố.

Điều 16. Trong thời gian niêm yết danh sách cử tri, cử tri nào đổi chỗ ở đi nơi khác, có quyền xin giấy của Ủy ban hành chính địa phương cũ chứng thực đã xóa tên ở danh sách cử tri nơi ở cũ để được ghi vào danh sách cử tri nơi mình mới đến ở.

Điều 17. Mọi sự sửa đổi trong danh sách cử tri phải làm xong ba ngày trước ngày bầu cử.

Tiết 5 – ỨNG CỬ

Điều 18. Mỗi khi có cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân, Mặt trận Tổ quốc sẽ giới thiệu những người ứng cử. Cá nhân cũng có quyền tự ra ứng cử.

Điều 19. Chậm nhất là hai mươi lăm ngày trước ngày bầu cử thì Mặt trận Tổ quốc phải nộp danh sách các người được Mặt trận đề cử tại Ủy ban hành chính cấp bầu Hội đồng nhân dân; kèm theo:

1. Tờ khai ứng cử của những người được giới thiệu, ghi tên, tuổi, nghề nghiệp, nguyên quán, địa chỉ, nơi ra ứng cử;

2. Giấy của Ủy ban hành chính địa phương chứng nhận người ứng cử có đủ điều kiện ứng cử.

Chậm nhất là hai mươi lăm ngày trước ngày bầu cử, cá nhân tự ra ứng cử cũng phải nộp tờ khai ứng cử và giấy chứng nhận có đủ điều kiện ứng cử.

Khi nhận tờ khai ứng cử, Ủy ban hành chính phải cấp giấy biên nhận.

Điều 20. Khi hết hạn khai ứng cử, Ủy ban hành chính nhận đơn ứng cử phải lập danh sách những người ứng cử theo từng đơn vị bầu cử. Danh sách ấy phải niêm yết ở các nơi công cộng của mỗi đơn vị bầu cử và khu vực bỏ phiếu, ít nhất là hai mươi hai ngày trước ngày bầu cử.

Điều 21. Kể từ ngày niêm yết và chậm nhất là mười tám ngày trước ngày bầu cử có ai khiếu nại về danh sách ứng cử sẽ gửi đơn đến Hội đồng bầu cử; Hội đồng này phải xét trong thời hạn ba ngày và có quyền quyết định cuối cùng.

Điều 22. Trong phạm vi pháp luật của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, các cuộc vận động bầu cử được tự do.

Tiết 6 – HỘI ĐỒNG BẦU CỬ – BAN BẦU CỬ – TỔ BẦU CỬ

Điều 23. Hội đồng bầu cử: chậm nhất là ba mươi ngày trước ngày bầu cử Hội đồng nhân dân một cấp, Ủy ban hành chính cấp ấy sẽ thành lập một Hội đồng bầu cử cho toàn địa phương mình gồm từ bẩy đến hai mươi mốt đại biểu các giới và các đoàn thể nhân dân trong địa phương, tất cả các đại biểu ấy đều phải là người không ra ứng cử và phải biết đọc, biết viết. Hội đồng tự bầu ra một Chủ tịch, một Phó Chủ tịch và một hay nhiều Thư ký.

Hội đồng bầu cử cấp khu, tỉnh, thành phố do Bộ Nội vụ công nhận. Hội đồng bầu cử các cấp khác do Uỷ ban hành chính trên một cấp công nhận.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng bầu cử như sau:

1. Kiểm tra và đôn đốc việc thi hành luật lệ bầu cử ở địa phương;

2. Xét và giải quyết những khiếu nại về ứng cử;

3. Tiếp nhận những thẻ cử tri và phiếu bầu cử của Uỷ ban hành chính cấp tương đương để phân phối cho các Ban bầu cử thành lập theo Điều 24 dưới đây chậm nhất là mười ngày, trước ngày bầu cử;

4. Kiểm soát công việc bầu cử trong lúc tiến hành bầu cử tại các phòng bỏ phiếu;

5. Tiếp nhận và kiểm soát biên bản sơ kết cuộc bầu cử do các Ban bầu cử tại các đơn vị bầu cử gửi đến, làm biên bản ghi kết quả cuộc bầu cử trong toàn địa phương;

6. Tuyên bố và niêm yết kết quả tạm thời của cuộc bầu cử;

7. Sau khi bầu cử nếu có đơn khiếu nại thì do Hội đồng bầu cử tiếp nhận, xét và đề ý kiến để cấp có thẩm quyền quyết định;

8. Chậm nhất là mười lăm ngày sau ngày bầu cử, Hội đồng bầu cử phải gửi đến cấp có thẩm quyền một biên bản kèm các giấy tờ ghi các nhận xét về cuộc bầu cử hoặc góp kinh nghiệm cho các cuộc bầu cử sau.

Hội đồng bầu cử không được vận động bầu cử cho một danh sách hay là một cá nhân nào.

Điều 24. Ban bầu cử : chậm nhất là mười lăm ngày trước ngày bầu cử Hội đồng nhân dân một cấp, Uỷ ban hành chính cùng cấp sẽ thành lập ở mỗi đơn vị bầu cử một Ban bầu cử gồm từ năm đến chín đại biểu các giới và đoàn thể nhân dân trong đơn vị bầu cử, tất cả đều phải là người không ra ứng cử và phải biết đọc, biết viết. Ban bầu cử tự bầu ra một trưởng ban, một phó ban và một hay nhiều thư ký.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban bầu cử như sau :

1. Kiểm tra và đôn đốc để kịp thời bố trí các phòng bỏ phiếu;

2. Tiếp nhận thẻ cử tri và phiếu bầu cử để phân phối cho các Tổ bầu cử thành lập theo Điều 25 dưới đây, chậm nhất là bảy ngày trước ngày bầu cử;

3. Kiểm soát lại việc lập và niêm yết danh sách cử tri và việc niêm yết danh sách ứng cử;

4. Kiểm soát công việc bầu cử trong lúc tiến hành cuộc bầu cử tại các phòng bỏ phiếu;

5. Tiếp nhận và kiểm soát biên bản sơ kết cuộc bầu cử do các Tổ bầu cử gửi đến, làm biên bản ghi kết quả cuộc bầu cử trong đơn vị, để gửi lên Hội đồng bầu cử.

Ban bầu cử không được vận động bầu cử cho một danh sách hay là một cá nhân nào.

Điều 25. Tổ bầu cử: chậm nhất là mười ngày trước ngày bầu cử, các Uỷ ban hành chính xã, thị xã (không có khu phố), thị trấn, khu phố sẽ thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một tổ bầu cử gồm từ năm đến chín đại biểu của các giới và đoàn thể nhân dân. Các Ban chỉ huy quân đội sẽ thành lập ở mỗi khu vực bỏ phiếu một Tổ bầu cử gồm từ năm đến chín đại biểu của quân đội. Các đại biểu đều phải là những người không ra ứng cử và phải biết đọc, biết viết. Tổ bầu cử tự bầu ra một tổ trưởng, một tổ phó và một hay nhiều thư ký.

Nhiệm vụ và quyền hạn của Tổ bầu cử như sau:

1. Kiểm soát lại việc niêm yết danh sách cử tri và danh sách ứng cử;

2. Bố trí phòng bỏ phiếu và chuẩn bị hòm phiếu;

3. Phát thẻ cử tri và phiếu bầu cử cho các cử tri. Phiếu bầu cử phải đóng dấu của Uỷ ban hành chính địa phương hay là của đơn vị quân đội (nếu là phiếu bầu cử của quân nhân);

4. Làm mọi công việc để bảo đảm cuộc bầu cử tiến hành tốt và chịu trách nhiệm giữ trật tự trong phòng bỏ phiếu trong khi tiến hành bầu cử;

5. Kiểm phiếu, làm biên bản sơ kết cuộc bầu cử tại phòng bỏ phiếu để gửi lên Ban bầu cử.

Tổ bầu cử không được vận động bầu cử cho một danh sách hay là một cá nhân nào.

Điều 26. Thẻ cử tri, phiếu bầu cử, hòm phiếu làm theo mẫu thống nhất do Bộ Nội vụ quy định.

Tiết 7 – TRÌNH TỰ BẦU CỬ

Mục 1- NGÀY BẦU CỬ

Điều 27. Ngày bầu cử Hội đồng nhân dân các cấp phải là ngày chủ nhật hay là ngày nghỉ lễ và phải được ấn định ít nhất là hai tháng trước. Ngày đó phải ở trong khoảng thời gian từ 1 tháng trước đến 2 tháng sau khi Hội đồng nhân dân hết nhiệm kỳ.

Thủ tướng Chính phủ ấn định ngày bầu cử Hội đồng nhân dân khu tự trị, tỉnh và thành phố.

Uỷ ban hành chính khu tự trị ấn định ngày bầu cử Hội đồng nhân dân châu.

Uỷ ban hành chính tỉnh (hay là Uỷ ban hành chính khu trong khu tự trị không có cấp tỉnh), Uỷ ban hành chính thành phố, ấn định ngày bầu cử Hội đồng nhân dân xã, thị trấn và thị xã.

Mục 2- CÁCH BỎ PHIẾU

Điều 28. Cuộc bỏ phiếu sẽ bắt đầu từ sáu giờ sáng đến tám giờ tối.

Điều 29. Cử tri phải thân hành đi bầu, không được ủy quyền, cũng không được bầu bằng cách gửi thư.

Điều 30. Cử tri không biết chữ hay là vì tàn tật không thể tự viết phiếu được, có thể tùy ý chọn người viết hộ, nhưng phải tự tay mình bỏ phiếu. Chỉ trong trường hợp tàn tật không thể tự mình bỏ phiếu lấy được, cử tri có thể chọn người bỏ lá phiếu vào hòm phiếu, nhưng cử tri ấy phải tự mắt thấy bỏ lá phiếu của mình vào hòm phiếu.

Điều 31. Để đảm bảo nguyên tắc bỏ phiếu kín, lúc cử tri viết phiếu bầu ở bàn viết phiếu, thì ngoài cử tri, hoặc ngoài cử tri và người viết giúp (trường hợp cử tri tàn tật hay không biết chữ) không ai được đến gần để xem, kể cả những nhân viên Tổ bầu cử.

Điều 32. Nếu viết hỏng, cử tri có thể đề nghị với Tổ bầu cử phát một phiếu khác.

Điều 33. Riêng đối với một vài nơi nào mà trình độ văn hóa và tổ chức của nhân dân chưa cho phép tổ chức việc bầu cử bằng phương pháp bỏ phiếu thì có thể thay bằng một phương pháp thích hợp khác, do Uỷ ban hành chính tỉnh (hay là Uỷ ban hành chính khu trong khu tự trị không có cấp tỉnh) định.

Điều 34. Cấm tuyên truyền cổ động cho người ứng cử tại phòng bỏ phiếu.

Mục 3- KIỂM PHIẾU

Điều 35. Ngay sau khi hết giờ bỏ phiếu, phiếu bầu phải được đếm và kiểm soát tại phòng bỏ phiếu, trước công chúng. Lúc kiểm phiếu, Tổ bầu cử phải mời hai cử tri không ra ứng cử, có mặt tại đó, chứng kiến.

Điều 36. Những phiếu sau đây là không hợp lệ:

a) Phiếu không có dấu của Uỷ ban hành chính địa phương, đơn vị quân đội;

b) Phiếu có chữ ký của người đi bầu hoặc người viết giúp;

c) Phiếu ghi tên quá số đại biểu định bầu;

d) Phiếu trắng.

Điều 37. Nếu có sự nghi ngờ phiếu nào không hợp lệ, thì Tổ trưởng bầu cử đưa vấn đề ra toàn Tổ biểu quyết.

Điều 38. Những khiếu nại tại chỗ về việc kiểm phiếu do Tổ bầu cử tiếp nhận, giải quyết và ghi cách giải quyết vào biên bản. Nếu Tổ không giải quyết được thì phải đưa lên cấp có thẩm quyền để giải quyết.

Điều 39. Kiểm điểm phiếu xong, Tổ bầu cử phải lập biên bản ghi:

- Tổng số cử tri;

- Số cử tri đã đi bầu;

- Số phiếu bỏ cho mỗi người ứng cử;

- Số phiếu không hợp lệ.

- Những khiếu nại nhận được và cách giải quyết, những khiếu nại chưa giải quyết được.

Biên bản phải có chữ ký của Tổ trưởng, của Thư ký và của hai cử tri được mời vào chứng kiến cuộc kiểm phiếu, phải đọc cho các cử tri có mặt tại chỗ nghe, rồi gửi đến Ban bầu cử.

Mục 4- SƠ KẾT CUỘC BẦU CỬ Ở ĐƠN VỊ BẦU CỬ,
BẦU LẠI HOẶC BẦU THÊM

Điều 40. Sau khi nhận được biên bản các khu vực bỏ phiếu, Ban bầu cử làm biên bản sơ kết cuộc bầu cử tại đơn vị bầu cử.

Điều 41. Trong mỗi đơn vị bầu cử, phải có quá nửa số cử tri ghi trong danh sách đi bầu, thì cuộc bầu cử, ở đơn vị đó mới có giá trị. Nếu không, sẽ có cuộc bầu cử lại.

Điều 42. Những người ứng cử phải được quá nửa số phiếu bầu hợp lệ mới được trúng cử.

Điều 43. Nếu trong cuộc bầu cử lần đầu, số người trúng cử chưa đủ số đại biểu định bầu, thì sẽ tổ chức một cuộc bầu để bầu thêm cho đủ số.

Điều 44. Cuộc bầu cử thứ hai (bầu lại hay bầu thêm) không phải theo những quy định trong Điều 41 và 42.

Điều 45. Nếu nhiều người được một số phiếu bằng nhau thì người hơn tuổi được chọn.

Điều 46. Nếu có cuộc bầu lại hoặc cuộc bầu thêm để bầu cử đủ số đại biểu thì sẽ tiến hành ba tuần lễ sau cuộc bầu đầu tiên.

Điều 47. Tổ chức bầu cử, cách bỏ phiếu, điểm phiếu, làm sơ kết, tổng kết và tuyên bố kết quả tạm thời của cuộc bầu lần thứ hai cũng làm như lần đầu.

Điều 48. Trong các cuộc bầu lại hoặc bầu thêm thì chỉ chọn trong những người đã ứng cử nhưng không trúng cử trong cuộc bầu lần thứ nhất.

Mục 5- TỔNG KẾT CUỘC BẦU CỬ

Điều 49. Việc tổng kết cuộc bầu cử sẽ do Hội đồng bầu cử mỗi cấp làm.

Điều 50. Hội đồng bầu cử tuyên bố kết quả tạm thời của cuộc bầu chậm nhất là:

3 ngày sau lần bầu cử đối với Hội đồng nhân dân xã, thị trấn và thị xã;

7 ngày đối với Hội đồng nhân dân tỉnh và thành phố;

12 ngày đối với Hội đồng nhân dân tỉnh và châu trong khu tự trị;

15 ngày đối với Hội đồng nhân dân khu tự trị.

Biên bản phải được niêm yết tại trụ sở Uỷ ban hành chính cấp tương đương, các trụ sở bỏ phiếu và các nơi công cộng, đồng thời phải phổ biến kết quả cuộc bầu cử bằng mọi phương tiện khác.

Điều 51. Sau khi tuyên bố kết quả tạm thời cuộc bầu cử, tất cả biên bản của các Tổ, Ban và Hội đồng bầu cử đều phải gửi mỗi thứ một bản:

- Lên Bộ Nội vụ xét duyệt đối với cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố và khu tự trị;

- Lên Ủy ban hành chính khu tự trị xét duyệt đối với cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân châu, thị xã thuộc khu tự trị;

- Lên Ủy ban hành chính tỉnh, thành phố xét duyệt đối với cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân xã, thị trấn, thị xã;

- Lên Ủy ban hành chính tỉnh trong một khu tự trị (hay là Ủy ban hành chính khu trong khu tự trị không có cấp tỉnh) xét duyệt đối với cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân xã, thị trấn thuộc khu tự trị.

Mục 6- KHIẾU NẠI

Điều 52. Chậm nhất là bảy ngày sau ngày tuyên bố kết quả tạm thời của cuộc bầu cử, ai có điều gì khiếu nại phải gửi đơn tới Hội đồng bầu cử.

Điều 53. Hội đồng bầu cử phải xét ngay các đơn khiếu nại và chậm nhất là bẩy ngày sau khi nhận đơn khiếu nại, phải gửi các đơn đó lên cấp nói ở Điều 51 kèm theo Tờ trình ý kiến của mình về các đơn khiếu nại đó. Các cấp nói ở Điều 51 có quyền quyết định cuối cùng về các đơn khiếu nại.

Mục 7- TUYÊN BỐ KẾT QUẢ CHÍNH THỨC

Điều 54. Chậm nhất là hai mươi ngày kể từ ngày nhận được các biên bản bầu cử, các cấp nói ở Điều 51 sẽ chính thức tuyên bố kết quả của cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân.

Bộ Nội vụ có thể tuyên bố hủy bỏ cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân bất cứ cấp nào nếu xét ra cuộc bầu cử ấy không có giá trị vì có những điều không hợp pháp nghiêm trọng.

Điều 55. Nếu cuộc bầu cử bị hủy bỏ, các cấp nói ở Điều 51 báo cho Ủy ban hành chính cấp dưới biết và ấn định ngày bầu lại. Cuộc bầu cử lại ấy sẽ cũng làm theo cách thức cuộc bầu cử lần đầu.

Chương II

BẦU CỬ ỦY BAN HÀNH CHÍNH CÁC CẤP

Điều 56. Hội đồng nhân dân các cấp sẽ bầu cử Ủy ban hành chính sau khi cấp trên chính thức tuyên bố kết quả hợp lệ của cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân.

Điều 57. Ở những cấp có Hội đồng nhân dân (xã, thị trấn, thị xã, châu, tỉnh, thành phố, khu tự trị) Ủy ban hành chính cấp nào do Hội đồng nhân dân cấp ấy bầu ra.

Điều 58. Ở những cấp không có Hội đồng nhân dân (huyện, quận ngoại thành, khu), Ủy ban hành chính do các Hội đồng nhân dân cấp dưới một cấp bầu ra.

Việc tổ chức bầu cử Ủy ban hành chính mới do Ủy ban hành chính hết nhiệm kỳ phụ trách.

Điều 59. Khi bầu Ủy ban hành chính sẽ bầu toàn Ủy ban, Ủy ban sẽ bầu ra Chủ tịch và Phó Chủ tịch.

Điều 60. Trong cuộc họp bầu Ủy ban hành chính ở những cấp có Hội đồng nhân dân phải có mặt ít nhất hai phần ba (2/3) tổng số hội viên Hội đồng nhân dân, thì cuộc bầu mới có giá trị.

Ở những cấp không có Hội đồng nhân dân phải có quá nửa tổng số hội viên các Hội đồng nhân dân (cấp dưới một bậc) đi bầu thì cuộc bầu cử mới có giá trị.

Nếu cuộc bầu lần thứ nhất không đủ số hội viên tối thiểu nói trên, thì phải tổ chức cuộc bầu lần thứ hai; lần này dù số hội viên đi bầu không đủ số tối thiểu nói trên, cũng có thể bầu Uỷ ban hành chính được.

Điều 61. Trong cuộc bầu cử Uỷ ban hành chính các cấp, lần đầu ai được quá nửa số phiếu hợp lệ thì trúng cử; lần thứ hai ai được nhiều phiếu hơn thì trúng cử.

Điều 62. Ở những cấp có Hội đồng nhân dân, muốn ứng cử vào Uỷ ban hành chính cấp nào thì phải là hội viên Hội đồng nhân dân cấp ấy.

Ở những cấp không có Hội đồng nhân dân, ai có đủ điều kiện đã ghi ở Điều 2 trên đây đều có quyền ứng cử vào Uỷ ban hành chính.

Điều 63. Uỷ ban hành chính các cấp bầu xong phải được cấp trên công nhận mới được nhận chức.

- Thủ tướng Chính phủ công nhận Uỷ ban hành chính khu, khu tự trị và thành phố trực thuộc Trung ương;

- Bộ Nội vụ công nhận Uỷ ban hành chính tỉnh;

- Uỷ ban hành chính khu công nhận Uỷ ban hành chính huyện, thị xã;

- Uỷ ban hành chính khu tự trị công nhận Uỷ ban hành chính huyện, châu, thị xã (trong khu tự trị);

- Uỷ ban hành chính thành phố công nhận Uỷ ban hành chính quận ngoại thành, xã ngoại thành;

- Uỷ ban hành chính tỉnh (hay là Uỷ ban hành chính khu trong khu tự trị không có cấp tỉnh) công nhận Uỷ ban hành chính xã, thị trấn.

Điều 64. Thể lệ chi tiết về bầu cử Uỷ ban hành chính các cấp do Nghị định Thủ tướng Chính phủ quy định.

Chương III

KỶ LUẬT BẦU CỬ

Điều 65. Những người dùng bạo lực, hối lộ hoặc một thủ đoạn khác để phá hoại bầu cử, hoặc cản trở công dân tự do sử dụng quyền bầu cử và ứng cử của mình có thể tùy theo tội nhẹ hay là nặng bị phạt tù từ một tháng đến ba năm.

Điều 66. Nhân viên nào trong các Hội đồng bầu cử, Ban bầu cử, Tổ bầu cử giả mạo giấy tờ, gian lận phiếu hoặc cố tình báo cáo số phiếu sai sự thật hoặc dùng mọi thủ đoạn khác để làm sai lạc kết quả cuộc bầu cử, có thể tùy theo tội nhẹ hay là nặng bị phạt tù từ một tháng đến ba năm.

Điều 67. Mọi người đều có quyền tố cáo với Tòa án nhân dân các hành vi phạm pháp trong lúc bầu cử. Ai cản trở hoặc trả thù người tố cáo có thể tùy theo tội nhẹ hay là nặng bị phạt tù từ một tháng đến ba năm.

Chương IV

TRƯỜNG HỢP KHU HỒNG QUẢNG
VÀ KHU VỰC VĨNH LINH

Điều 68. Việc bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính khu Hồng Quảng và khu vực Vĩnh Linh tiến hành theo các thể lệ áp dụng cho các tỉnh ở miền xuôi nói trên đây.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 69. Những thể lệ đã quy định về việc bầu cử Hội đồng nhân dân và Ủy ban hành chính trái với Sắc luật này đều bãi bỏ.

Điều 70. Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Sắc luật này.

 

Hà Nội, ngày 20 tháng 7 năm 1957

THỪA ỦY QUYỀN CỦA CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Thủ tướng Chính phủ

PHẠM VĂN ĐỒNG

 

Tiếp ký

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

PHẠM VĂN ĐỒNGs

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.