CHỦ
TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Chiểu Nghị quyết ngày 24 tháng 1 năm 1957 của Quốc hội;
Theo đề nghị của Hội đồng Chính phủ;
Sau khi Ban thường trực Quốc hội biểu quyết thoả thuận,
RA SẮC
LUẬT
Chương I
NGUYÊN TẮC
Điều 1.
Quyền tự do xuất bản của nhân dân được tôn trọng và bảo đảm. Tất cả các xuất
bản phẩm đều không phải kiểm duyệt trước khi xuất bản, trừ trong tình thế
khẩn cấp, nếu Chính phủ xét cần.
Điều 2.
Để bảo đảm quyền tự do xuất bản của nhân dân và ngăn ngừa sự lợi dụng quyền
tự do ấy để làm phương hại đến công cuộc đấu tranh cho hoà bình, thống nhất,
độc lập và dân chủ của nước nhà, nay áp dụng những điều quy định dưới đây:
Chương II
TÍNH CHẤT, NGHĨA VỤ CỦA NGÀNH XUẤT BẢN
Điều 3.
Hoạt động xuất bản bất kỳ là của một cơ quan Nhà nước, chính đảng, đoàn thể
nhân dân hay là của tư nhân đều không phải là một hoạt động có tính chất đơn
thuần kinh doanh mà là một hoạt động văn hoá có ảnh hưởng nhiều đến việc
giáo dục tư tưởng cho nhân dân, cho nên hoạt động xuất bản phải nhằm phục vụ
quyền lợi của Tổ quốc, của nhân dân, xây dựng và bảo vệ chế độ dân chủ nhân
dân.
Điều 4.
Ngành xuất bản có nghĩa vụ:
a) Phổ biến trong nhân dân những sáng tác văn học, nghệ thuật, những công
trình nghiên cứu và truyền bá về chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật nhằm
nâng cao trình độ văn hoá của nhân dân và góp phần làm cho đời sống tinh
thần của nhân dân ngày thêm phong phú, góp phần xây dựng và phát triển có kế
hoạch nền văn hoá nước nhà, phục vụ công cuộc xây dựng một nước Việt Nam hoà
bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh.
b) Đấu tranh chống mọi tư tưởng, hành động có tính chất phá hoại sự nghiệp
củng cố miền Bắc, ngăn trở công cuộc đưa miền Bắc tiến dần từng bước lên chủ
nghĩa xã hội và đấu tranh thực hiện thống nhất nước nhà.
Chương III
ĐIỀU KIỆN HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC NHÀ XUẤT BẢN
Điều 5.
Để bảo đảm cho các nhà xuất bản hoạt động theo đúng tính chất và nghĩa vụ
của ngành xuất bản quy định ở chương II, mỗi nhà xuất bản phải có những điều
kiện sau đây:
a) Nhà xuất bản phải có những người chịu trách nhiệm chính thức: chủ nhiệm
(hoặc giám đốc), quản lý và tổng biên tập. Những người này phải là những
người có quyền công dân và lý lịch tư pháp trong sạch.
b) Tôn chỉ, mục đích và hướng hoạt động của nhà xuất bản phải rõ ràng, phù
hợp với tính chất và nghĩa vụ đã quy định ở chương II.
c) Có trụ sở chính thức.
Điều 6.
Muốn lập một nhà xuất bản, phải xin phép trước và phải làm đầy đủ những thủ
tục do Chính phủ quy định. Sau khi được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép,
nhà xuất bản mới được bắt đầu hoạt động.
Một nhà xuất bản đã được phép thành lập mà sau đó có một sự thay đổi nào về
tôn chỉ, mục đích, hướng hoạt động, tên nhà xuất bản, hoặc thay đổi người
chủ nhiệm (hoặc giám đốc) thì phải xin phép lại.
Nếu chỉ thay đổi trụ sở, người quản lý hoặc người tổng biên tập thì chỉ cần
khai báo ngay.
Điều 7.
Các nhà xuất bản phải thi hành thể lệ nộp lưu chiểu do Chính phủ quy định.
Điều 8.
Nhà xuất bản phải ghi rõ trên xuất bản phẩm tên của nhà xuất bản, tên tác
giả, tên nhà in, ngày in xong và số lượng phát hành. Trường hợp tái bản phải
ghi số thứ tự lần tái bản.
Điều 9.
Muốn xuất bản hoặc tái bản những văn kiện của chính quyền, của các chính
đảng, các đoàn thể nhân dân, nhà xuất bản phải được chính quyền, chính đảng,
hoặc đoàn thể nhân dân hữu quan cho phép.
Riêng về các tác phẩm kinh điển về học thuyết Mác - Lênin và các sách giáo
khoa dùng để dạy ở các trường, Bộ Văn hoá hoặc Bộ Giáo dục sẽ ấn định các
loại sách mà việc xuất bản phải được Bộ Văn hoá hoặc Bộ Giáo dục cho phép.
Muốn tái bản những xuất bản phẩm đã xuất bản hồi Pháp, Nhật thuộc, trong
vùng tạm bị chiếm cũ hoặc tái bản những xuất bản phẩm đã xuất bản ở miền Nam
hiện nay thì phải được Bộ Văn hoá xét và cho phép.
Điều 10.
Các nhà xuất bản không được tái bản những xuất bản phẩm đã có lệnh của chính
quyền nhân dân thu hồi hoặc cấm lưu hành.
Điều 11.
Để quyền tự do xuất bản được sử dụng một cách đúng đắn, các nhà xuất bản
phải tuân theo những điều sau đây:
a) Không được tuyên truyền chống pháp luật của Nhà nước. Không được cổ động
nhân dân không thi hành hoặc chống lại những luật lệ và những đường lối,
chính sách của Nhà nước. Không được xuất bản những sách có tính chất chống
lại chế độ dân chủ nhân dân và chính quyền nhân dân, chia rẽ nhân dân và
chính quyền nhân dân và bộ đội. Không được gây ra những dư luận hoặc những
hành động có hại cho an ninh, trật tự của xã hội.
b) Không được tuyên truyền phá hoại sự nghiệp củng cố hoà bình, thực hiện
thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ của nước Việt Nam làm giảm sút
tinh thần đoàn kết, ý chí phấn đấu của nhân dân và bộ đội.
c) Không được tuyên truyền chia rẽ dân tộc, gây thù hằn giữa nhân dân các
nước, làm tổn hại tình hữu nghị giữa nhân dân nước ta với nhân dân các nước
bạn, không được tuyên truyền cho chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi, không được tuyên
truyền cho chủ nghĩa đế quốc, không được tuyên truyền chiến tranh.
d) Không được tiết lộ bí mật quốc gia như: những bí mật quốc phòng, những
hội nghị cơ mật chưa có công bố chính thức của cơ quan có trách nhiệm, những
vụ án đang điều tra chưa xét xử và những bản án mà toà án không cho phép
công bố, những tài liệu, số liệu và những cơ sở kiến thiết về kinh tế, tài
chính mà Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước hoặc các cơ quan có thẩm quyền chưa công
bố, v.v...
đ) Không được tuyên truyền dâm ô, truỵ lạc và đồi phong bại tục.
Điều 12.
Nếu một xuất bản phẩm có nội dung vu khống, xúc phạm đến danh dự của một tổ
chức hoặc một cá nhân thì đương sự có quyền yêu cầu nhà xuất bản cải chính
trên báo chí; ngoài ra đương sự có quyền yêu cầu toà án xét xử.
Điều 13.
Nhà xuất bản và tác giả phải liên đới chịu trách nhiệm về nội dung các xuất
bản phẩm đã xuất bản.
Nếu xuất bản hoặc tái bản tác phẩm mà không có sự đồng ý của tác giả thì nhà
xuất bản phải hoàn toàn chịu trách nhiệm.
Điều 14.
Trường hợp một tác giả muốn tự xuất bản lấy tác phẩm của mình thì tác giả đó
cũng phải xin phép trước, phải có địa chỉ rõ ràng, và phải chịu trách nhiệm
về tác phẩm xuất bản, phải tuân theo những điều quy định trong Sắc luật này,
trừ Điều 5 và Điều 6.
Trường hợp một cá nhân đứng ra xuất bản một tác phẩm của người khác thì cũng
coi như một nhà xuất bản và người đó phải tuân theo các điều quy định trong
Sắc luật này, trừ Điều 5 và Điều 6.
Điều 15.
Các tổ chức tôn giáo xuất bản những kinh bổn, sách báo có tính chất tôn giáo
nói trong Điều 4 của Sắc lệnh số 234-SL ngày 14 tháng 6 năm 1955, về bảo đảm
tự do tín ngưỡng và các loại xuất bản phẩm khác đều phải tuân theo những
điều quy định trong Sắc luật này.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Mục 1-
QUY ĐỊNH VỀ KỶ LUẬT
Điều 16.
Nhà xuất bản hay là cá nhân xuất bản nào vi phạm Điều 5, Điều 6 hoặc Điều 14
thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tuỳ theo trường hợp nhẹ hay là nặng mà tịch thu
xuất bản phẩm, thu hồi tạm thời hay là vĩnh viễn giấy phép, hoặc truy tố
trước toà án. Toà án có thể xử phạt tiền từ mười vạn đồng (100.000đ) đến năm
mươi vạn đồng (500.000đ) và phạt tù những người có trách nhiệm từ một tháng
đến một năm, hoặc một trong hai hình phạt đó.
Nhà xuất bản hay là cá nhân xuất bản nào vi phạm Điều 7, Điều 8 hoặc Điều 9
thì cơ quan có thẩm quyền sẽ tuỳ theo trường hợp nhẹ hay là nặng mà phê
bình, cảnh cáo, tịch thu xuất bản phẩm hoặc thu hồi tạm thời hay là vĩnh
viễn giấy phép.
Nhà xuất bản hay là cá nhân xuất bản nào vi phạm Điều 10 hoặc Điều 11 thì cơ
quan có thẩm quyền tuỳ theo trường hợp nhẹ hay là nặng mà tịch thu xuất bản
phẩm, thu hồi tạm thời hay là vĩnh viễn giấy phép, hoặc truy tố trước toà
án. Toà án có thể xử phạt tiền từ mười vạn đồng (100.000đ) đến một triệu
đồng (1.000.000đ) và phạt tù những người có trách nhiệm từ một tháng đến một
năm, hoặc một trong hai hình phạt đó. Nếu xét đương sự còn phạm vào những
luật lệ khác thì toà án sẽ chiểu theo những luật lệ ấy mà xử phạt thêm.
Nhà xuất bản hay là cá nhân xuất bản nào vi phạm điều 12 thì cơ quan có thẩm
quyền sẽ tuỳ theo trường hợp nhẹ hay là nặng mà cảnh cáo, thu hồi tạm thời
giấy phép hoặc truy tố trước toà án. Toà án có thể xử phạt tiền từ năm vạn
đồng (50.000đ) đến hai mươi vạn đồng (200.000đ). Ngoài ra, Toà án có thể bắt
bồi thường cho đương sự theo pháp luật hiện hành.
Điều 17.
Trong trường hợp vi phạm các điều 5, 6, 7, 8 và 9 thì chủ nhiệm (hoặc giám
đốc) nhà xuất bản chịu trách nhiệm chính và quản lý cũng phải liên đới chịu
trách nhiệm.
Trong trường hợp vi phạm Điều 10 thì nhà xuất bản chịu trách nhiệm chính;
nếu tác giả đã đồng tình cho tái bản thì tác giả cũng phải liên đới chịu
trách nhiệm.
Trong trường hợp vi phạm Điều 11 thì chủ nhiệm (hoặc giám đốc) nhà xuất bản
và tác giả chịu trách nhiệm chính, tổng biên tập và quản lý nhà xuất bản
cũng phải liên đới chịu trách nhiệm.
Nếu in hoặc phát hành xuất bản phẩm đã có lệnh của chính quyền nhân dân thu
hồi hoặc cấm lưu hành, nếu in hoặc phát hành xuất bản phẩm của những nhà
xuất bản chưa được phép thành lập và của những cá nhân chưa được phép xuất
bản thì chủ nhà in và nhà phát hành phải liên đới chịu trách nhiệm.
Mục 2-
ĐIỀU KHOẢN CHUNG
Điều 18.
Xuất bản phẩm nói trong Sắc luật này gồm các loại: sách, tập văn thông báo,
tranh, bưu ảnh, bản nhạc, đĩa hát, bản đồ, áp phích, truyền đơn, bươm bướm,
bán hoặc phát không, lưu hành ngoài nhân dân hoặc trong từng ngành, từng tổ
chức.
Điều 19.
Tất cả các nhà xuất bản đã thành lập trước ngày ban hành Sắc luật này đều
phải xin phép lại. Những nhà xuất bản thuộc các đoàn thể trong Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam và thuộc Nhà nước thì phải báo lại và làm cho đủ thủ tục.
Điều 20.
Sắc lệnh số 159/SL ngày 20 tháng 8 năm 1946 đặt ra sự kiểm duyệt các thứ ấn
loát phẩm và những luật lệ khác đã ban hành từ trước tới nay, về chế độ xuất
bản nếu trái với những điều khoản của Sắc luật này, nay đều bãi bỏ.
Điều 21.
Thủ tướng Chính phủ quy định những chi tiết thi hành Sắc luật này.
|
Hà Nội, ngày 18 tháng 6 năm 1957
CHỦ TỊCH NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
HỒ CHÍ MINH |
Tiếp ký
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHẠM VĂN ĐỒNG |