Thưa các vị
đại biểu Quốc hội,
Đầu năm nay,
Quốc hội ta đã nhất trí thông qua nhiều nghị quyết quan trọng. Các nghị
quyết này đã đẩy mạnh thêm một bước các sinh hoạt dân chủ của nhân dân ta,
tăng cường các hoạt động của Quốc hội, hướng dẫn đúng đắn các hoạt động của
Nhà nước, đánh dấu một bước tiến mới trong quá trình phát triển chế độ tốt
đẹp của chúng ta.
Từ đấy đến
nay, trên mọi mặt hoạt động, các cơ quan Nhà nước đã tích cực thực hiện các
nghị quyết của Quốc hội trong nhiệm vụ của mình. Chính phủ, Ban sửa đổi Hiến
pháp sẽ báo cáo trước Quốc hội các công tác lớn đã thực hiện theo tinh thần
các nghị quyết của khoá họp thứ 6.
Thay mặt Ban Thường trực Quốc hội, chúng tôi xin báo cáo về các hoạt động
của Quốc hội nói chung và của Ban Thường trực Quốc hội nói riêng từ khoá họp
trước tới nay trong các mục sau đây:
1- Vấn đề lập
pháp;
3- Vấn đề
chuẩn bị tuyển cử bổ sung;
4. Vấn đề quan
hệ với Quốc hội các nước;
5. Vấn đề kiện
toàn tổ chức.
I -
VẤN ĐỀ LẬP PHÁP
Khóa họp lần thứ 6 đánh
dấu một bước mới trong việc làm nhiệm vụ lập pháp của Quốc hội. Quốc hội đã
định rằng các chính sách lớn của Nhà nước về mặt pháp lý, phải được quy định
bằng những đạo luật do Quốc hội biểu quyết, và trong khi Quốc hội chưa họp,
thì phải được quy định bằng những sắc luật do Chính phủ đề nghị và Ban
Thường trực Quốc hội biểu quyết. Các sắc luật này trong khoá họp gần nhất
phải được Quốc hội thông qua. Quyết định này là một biểu hiện cụ thể của sự
phát triển sinh hoạt dân chủ của chế độ ta.
Nhiệm vụ biểu quyết của
dự án sắc luật của Chính phủ là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của
Ban Thường trực Quốc hội.
Để việc nghiên cứu các
dự án sắc luật được chủ đạo, Tiểu ban Luật pháp của Ban Thường trực Quốc hội
được thành lập có nhiệm vụ nghiên cứu trước các dự án, trao đổi với các cơ
quan Pháp chế của Chính phủ để thống nhất nhận định về mục đích, yêu cầu
cũng như về nội dung và hình thức của mỗi sắc luật trước khi đưa ra Ban
Thường trực Quốc hội thảo luận và biểu quyết.
Đến nay Ban Thường trực
Quốc hội đã biểu quyết 4 sắc luật:
1. Sắc luật
cấm chỉ mọi hoạt động đầu cơ về kinh tế;
2. Sắc luật về
chế độ xuất bản;
3. Sắc luật quy định những trường hợp phạm pháp quả tang và những trường hợp
khẩn cấp nói ở Điều 4 đạo luật về tự do thân thể;
4. Sắc luật
quy định thể lệ bầu cử Hội đồng nhân dân và Uỷ ban hành chính.
Các sắc luật trên đây
đều được Ban Thường trực Quốc hội nhất trí biểu quyết thoả thuận; Những sắc
luật ấy Chính phủ sẽ trình Quốc hội xét và thông qua trong khóa họp này.
Song song với việc biểu
quyết các sắc luật, Ban Thường trực Quốc hội thường xuyên theo dõi và nghiên
cứu các sắc lệnh, Nghị định của Chính phủ, nhằm đảm bảo để nội dung các văn
bản pháp luật ấy không trái với các đạo luật hiện hành. Chính phủ đã liên hệ
chặt chẽ với Ban Thường trực Quốc hội trong nhiệm vụ này, giúp Ban đạt được
nhiều kết quả tốt.
II -
VẤN ĐỀ LIÊN HỆ VỚI NHÂN DÂN
Thân dân, gần dân là đặc
tính của chế độ ta, hiểu dân giúp dân là nhiệm vụ của người cán bộ ta, bất
luận ở cương vị nào, ngành nào. Nhưng những năm vừa qua, trong hoàn cảnh khó
khăn của cuộc kháng chiến, với điều kiện làm việc trước đây, một số đại biểu
Quốc hội của ta ít có dịp được gặp gỡ tiếp xúc với đồng bào nhân dân, nhất
là với các cử tri của mình. Nghị quyết của khóa họp thứ 6 đã bổ khuyết được
tình trạng trên và các đại biểu Quốc hội nhiệt liệt hoan nghênh, vì nó tạo
điều kiện để cho các đại biểu được gần gũi nhân dân.
Khóa họp lần
thứ 6 bế mạc, các đại biểu Quốc hội đã tỏa về các địa phương, báo cáo trước
nhân dân về kết quả của khoá họp và phổ biến các nghị quyết của Quốc hội.
Từ Trung ương xuống các
địa phương, các khu, các tỉnh, tại các xí nghiệp, các đơn vị bộ đội, các
trường học, hàng trăm cuộc mít tinh được tổ chức để đón tiếp các đại biểu
Quốc hội. Đại biểu miền Bắc, đại biểu miền Nam, có người, về tại ngay đơn vị
tuyển cử của mình, có người về địa phương khác, nhưng ai nấy đều được nhân
dân nhiệt liệt hoan nghênh.
Trong khoảng thời gian
hơn 1 tháng, 180 đại biểu đã về nói chuyện với nhân dân trong hơn 620 cuộc
trước 60 vạn người.
Từ khi hòa bình lập lại
lần này các đại biểu Quốc hội có dịp tiếp xúc rộng rãi nhất với các tầng lớp
nhân dân. Các đại biểu Quốc hội đã mang về cho nhân dân hình ảnh của sự đoàn
kết nhất trí giữa Quốc hội và nhân dân, giữa Chính phủ và Quốc hội; gây thêm
lòng tin tưởng vào các nghị quyết sáng suốt của Quốc hội.
Về thăm các địa phương,
các đại biểu Quốc hội đã xác nhận rõ thêm nhiều điểm quan trọng, thấy rõ
thêm những khó khăn, thiếu sót, đồng thời cũng thấy được những thành tích và
thuận lợi của các địa phương. Đời sống của nông dân ta sau cải cách ruộng
đất qua đã bước đầu được cải thiện. Nhưng thực tế đó càng chứng minh rằng
những sai lầm vừa qua tuy rất nghiêm trọng, nhưng chỉ là tạm thời, và với
quyết tâm nhất định sẽ sửa chữa được.
Thực tế ở nông thôn đã
xác nhận đường lối nông thôn của Đảng và Chính phủ là đúng, nhờ đó công tác
sửa sai đã làm cho nông thôn căn bản được ổn định, những nhân tố tích cực
được nhân dân phát huy, nhân dân tin tưởng vào Đảng, Chính phủ và cố gắng
tăng gia sản xuất, cố gắng công tác. Thực tế ở các địa phương cũng còn cho
các đại biểu Quốc hội càng thấy rõ các nghị quyết của Quốc hội mà mình đã
góp phần xây dựng, đáp ứng được yêu cầu của tình hình và nguyện vọng của
nhân dân.
Về địa phương, các đại
biểu Quốc hội không những đã làm cho nhân dân thấy rõ được sự quan tâm của
Quốc hội, của Chính phủ đến đời sống của mọi tầng lớp, mà mặt khác còn phản
ánh được tới Chính phủ, Quốc hội, tình hình sinh hoạt và những nguyện vọng
tha thiết của nhân dân.
Trong thời gian qua các
đại biểu Quốc hội đã chuyển về Ban Thường trực Quốc hội nhiều ý kiến của
nhân dân. Về phần Ban Thường trực Quốc hội cũng đã nhận được nhiều thư từ
của nhân dân gửi đến. Những thư đó phản ánh tình hình sinh hoạt của nhân
dân, góp ý kiến để bổ sung các chính sách hoặc yêu cầu giải quyết những việc
cụ thể. Do đó, mà Ban Thường trực Quốc hội đã thấy được một phần tình hình
và nguyện vọng của nhân dân.
Những thư từ nguyện vọng
của nhân dân được gửi đến cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ xét, giải
quyết và trả lời cho đương sự biết.
Đối với những thư phản
ánh tình hình sinh hoạt và góp ý kiến về chính sách của Chính phủ thì được
sắp xếp có hệ thống để chuyển đến Chính phủ.
Trải qua 6 tháng làm
công tác nghiên cứu và giải quyết các thư khiếu nại của nhân dân, chúng tôi
nhận thấy:
- Nhân dân ta rất tin
tưởng ở chính sách của Đảng Lao động Việt Nam và Chính phủ, trong đơn thường
nhắc lại từng đoạn chính sách để đối chiếu với những sự áp dụng sai lệch
trong thực tế và dân không có yêu cầu nào khác hơn là các chính sách của
Đảng và Chính phủ được thi hành đúng đắn và đầy đủ.
- Nhân dân rất tin tưởng
ở Đảng, Chính phủ, Quốc hội, Hồ Chủ tịch, cho nên những khi có băn khoăn,
thắc mắc là đều gửi đơn đến các cơ quan nói trên, vì tin chắc rằng Chính
phủ, Đảng, Quốc hội, Hồ Chủ tịch khi nào cũng quan tâm đến những nguyện vọng
của dân.
- Đa số dân ta trình độ
hiểu biết về bộ máy Nhà nước còn đơn giản, không biết rõ quyền hạn và trách
nhiệm của từng bộ phận như thế nào, nên có xu hướng trông chờ Quốc hội giải
quyết tất cả, từ đường lối lớn cho đến những thắc mắc cụ thể trong quyền lợi
và đời sống hàng ngày.
Chúng
tôi, lại cũng nhận thấy thêm rằng, sự nhận thức về tầm quan trọng của việc
giải quyết nguyện vọng và thắc mắc của nhân dân chưa được đúng mức. Có những
cơ quan, cán bộ còn coi thường thư từ của nhân dân gửi đến, ít chú ý trả
lời, hoặc giải quyết thiếu thực tế, không dứt khoát, phiền nhân dân chờ đợi
hoặc đi lại nhiều lần, đến nhiều cơ quan gây phiền phí cho dân. Những cơ
quan, cán bộ ấy chưa thấy rằng việc giải quyết những nguyện vọng thắc mắc
của nhân dân là công tác quan trọng, nó là một biện pháp thiết thực để tăng
cường lòng yêu mến, tin tưởng của nhân dân đối với Chính quyền, làm cho nhân
dân gắn bó với chế độ. Ngược lại cũng do công tác đó mà các cơ quan chính
quyền thấy được rõ đã thực hiện chính sách sai đúng đến mức nào, thấy rõ
tình hình trong nhân dân và lãnh đạo được sát hơn.
Để đáp ứng được yêu cầu
của nhân dân, chúng tôi thấy cần:
1) Làm cho các cơ quan
và cán bộ ở Trung ương cũng như địa phương nhận rõ tầm quan trọng của việc
giải quyết nguyện vọng, thắc mắc của nhân dân.
2) Cần đặt trách nhiệm
và quy định lề lối làm việc để các cơ quan có thẩm quyền các cấp phải giải
quyết kịp thời đúng mức các nguyện vọng của nhân dân.
3) Một mặt nữa cũng phải
làm thế nào cho nhân dân hiểu rõ nhiệm vụ của Quốc hội và của Chính phủ khác
nhau như thế nào để nhân dân đề đạt thắc mắc nguyện vọng của mình đúng chỗ,
tránh những phiền phức vô ích.
Được như thế, chúng ta
sẽ làm cho mối liên hệ sẵn có giữa các cơ quan Nhà nước và nhân dân ngày
càng mật thiết và gây thêm lòng tin tưởng của nhân dân vào chế độ ta.
III -
VẤN ĐỀ CHUẨN BỊ TUYỂN CỬ BỔ SUNG
Quốc hội đã giao cho Ban
Thường trực Quốc hội nghiên cứu và thực hiện việc tuyển cử bổ sung số đại
biểu hiện khuyết trong năm 1957. Ban Thường trực Quốc hội trong công tác
nghiên cứu và chuẩn bị này đã được các cơ quan của Chính phủ (Bộ Nội vụ, Văn
phòng Nội chính) cộng tác chặt chẽ.
Tiểu ban tuyển cử bổ
sung của Ban Thường trực Quốc hội đã giúp Ban nghiên cứu và ấn định số đại
biểu khuyết cần phải bổ sung ở mỗi đơn vị tuyển cử miền bắc, đồng thời quy
định cách tổ chức và tiến hành tuyển cử theo nguyên tắc và thể lệ hiện hành.
Đến nay số đại biểu hiện
khuyết trong 23 đơn vị tuyển cử ở miền Bắc là 46 đại biểu.
Về các đơn vị tuyển
cử: hiện nay có một số thay đổi so với tình hình ngày tổng tuyển cử năm
1946.
- Có những
tỉnh đã hợp nhất thành một đơn vị hành chính mới, như hai tỉnh Vĩnh Yên và
Phúc Yên nay thành tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh Sơn La và Lai Châu nay thành Khu tự
trị Thái - Mèo…
- Có thành phố
trước là đơn vị tuyển cử riêng như thành phố Vinh - Bến Thuỷ nay chỉ còn là
một thị xã trực thuộc tỉnh...
- Có huyện của
một tỉnh này, nay đã cắt ra và sát nhập vào một tỉnh khác như huyện Vĩnh Bảo
trước ở Hải Dương nay sát nhập vào Kiến An, Đông Triều nay sát nhập vào Khu
Hồng Quảng, làm thay đổi một phần địa giới, dân số các đơn vị tuyển cử.
Ban Thường
trực Quốc hội đã nghiên cứu và trao đổi ý kiến với Chính phủ, và thấy việc
tuyển cử bổ sung sẽ nên tiến hành theo đơn vị tuyển cử cũ hồi năm 1946.
Về cách tổ chức và tiến
hành tuyển cử bổ sung:
- Nghị quyết
của Quốc hội quy định rằng việc tuyển cử bổ sung sẽ tổ chức và tiến hành
theo nguyên tắc và thể lệ hiện hành.
Hiện nay, nguyên tắc và thể lệ được quy định trong hai văn bản:
- Sắc lệnh số
51 ngày 17-10-1945 về tổng tuyển cử.
- Sắc luật số
4-SLt ngày 20-7-1957 về bầu cử Hội đồng nhân dân và UBHC
các cấp (Sắc luật này sẽ trình Quốc hội xét và thông qua trong khoá họp
này).
Hai văn bản
trên có thể xem như những đạo luật quy định thể lệ bầu cử. Những điều khoản
không thích hợp của Sắc lệnh 51 đã được Sắc luật số 4 sửa đổi và bổ khuyết.
Ban Thường
trực Quốc hội và Chính phủ sẽ căn cứ vào hai văn bản trên mà nghiên cứu một
thể lệ cụ thể cho việc tổ chức tuyển cử bổ sung.
Về thời gian tiến hành
tuyển cử bổ sung:
Nghị quyết của Quốc hội
trong khoá họp thứ 6 đã định cuộc tuyển cử bổ sung sẽ tiến hành trong năm
1957.
- Chấp hành nghị quyết
ấy, Ban Thường trực Quốc hội và Chính phủ đã dự kiến cuộc tuyển cử bổ sung
sẽ được tiến hành sau khi hoàn thành công tác sửa sai, nông thôn được ổn
định, và sau cuộc bầu cử Hội đồng nhân dân địa phương, vì những cuộc bầu cử
Hội đồng địa phương sẽ tạo điều kiện (như lập danh sách cử tri ấn định khu
vực tuyển cử...) cho cuộc tuyển cử bổ sung được tiến hành tốt.
Những công tác
sửa sai tiến hành có phần chậm hơn thời gian đã định; và đến nay việc bầu cử
Hội đồng nhân dân địa phương vẫn chưa tiến hành được. Với tình hình cụ thể
hiện nay, thì việc bầu cử Hội đồng nhân dân địa phương trong năm 1957 vẫn
chưa có khả năng hoàn thành.
Do đó mà Ban
Thường trực Quốc hội chúng tôi xin trình Quốc hội biết và xin Quốc hội cho
phép trong năm 1957 chưa tiến hành tuyển cử bổ sung.
IV-
VẤN ĐỀ QUAN HỆ VỚI QUỐC HỘI CÁC NƯỚC
Từ ngày hòa
bình lập lại, do hoàn cảnh thuận lợi, Quốc hội ta đã bước đầu đặt quan hệ
với Quốc hội nhiều nước, mối quan hệ này ngày càng được mở rộng.
Từ sau khi đoàn đại biểu Quốc hội ta qua thăm Liên Xô về nước tới nay, tuy
chưa có điều kiện cử thêm các Phái đoàn đi thăm các nước khác nhưng Quốc hội
ta đã đạt được những quan hệ trao đổi thư từ, tài liệu với Quốc hội các nước
Triều Tiên, Anbani, Trung Quốc, Rumani, Bungari, Tiệp Khắc. Quốc hội ta lại
đã có dịp tỏ thái độ ủng hộ và cảm tình của mình với Quốc hội các nước Nam
Dương
và Ai Cập. Những sự trao đổi ấy tuy mới chỉ là bước đầu nhưng mở nhiều triển
vọng cho những quan hệ rộng rãi sau này.
Tất cả chúng
ta còn nhớ việc Chủ tịch Chủ tịch đoàn Xô viết tối cao Liên Xô Vôrôsilốp qua
thăm Việt Nam ta đầu mùa hạ vừa rồi. Cuộc đi thăm này đánh dấu một bước tiến
quan trọng trong tình hữu nghị vĩ đại giữa nhân dân ta và nhân dân Liên Xô.
Đây là lần đầu tiên một lãnh tụ vừa là nguyên thủ quốc gia, vừa là Chủ tịch
Quốc hội một nước anh em lớn nhất đến thăm đất nước chúng ta, làm cho nhân
dân ta càng thêm gắn bó với Liên Xô, càng thêm tin tưởng ở Liên Xô, càng
tăng cường đoàn kết trong gia đình xã hội chủ nghĩa.
Thượng tuần tháng 8 vừa
qua, Ban Thường trực Quốc hội vui mừng đón tiếp Chủ tịch Quốc hội nước Cộng
hoà Nam Dương, bác sĩ Xáctônô, qua thăm Việt Nam theo lời mời của cụ Trưởng
ban Thường trực Quốc hội. Mấy ngày sau Ban Thường trực Quốc hội lại tiếp
Đoàn đại biểu Quốc hội Diến Điện5 gồm
12 nghị sĩ của 2 viện: Viện Dân tộc và Viện Đại biểu do ông Thakin Thein
Maung, Phó Chủ tịch Viện Dân tộc Liên bang Diến Điện dẫn đầu.
Chúng ta đã đón tiếp
những người khách quý với nhiệt tình của một dân tộc mến khách. Các vị khách
đã đi tham quan nhiều nơi và nhận thấy nhân dân ta nỗ lực, phấn khởi tham
gia công cuộc kiến thiết đất nước.
Được tiếp xúc rộng rãi
với các nhân vật của ta, chính khách đại biểu các tầng lớp nhân dân, các tôn
giáo, các vị khách đều nhận thấy ở nhân dân ta lòng tha thiết yêu chuộng hoà
bình, và lòng chân thành mong muốn có quan hệ hữu nghị với tất cả các nước.
Được hiểu nhân dân ta
hơn các nghị sĩ trong hai đoàn Nam Dương và Diến Điện, đã nhiều lần tỏ mối
cảm tình chân thành với nhân dân ta, tỏ sự đồng tình với cuộc đấu tranh
thống nhất của ta. Các cuộc đi thăm nước ta của Bác sĩ Xáctônô và của đoàn
đại biểu Quốc hội Diến Điện đã thắt chặt thêm tình hữu nghị sẵn có giữa nhân
dân ta và nhân dân hai nước Nam Dương và Diến Điện. Chúng ta tin tưởng rằng
tình hữu nghị ấy sẽ ngày càng phát triển tốt đẹp.
Chúng tôi cũng xin báo
cáo thêm rằng cuộc tiếp xúc giữa Ban Thường trực Quốc hội và một số nghị sĩ
hạ nghị viện Anh có dịp qua thăm ta hồi tháng 5 vừa qua cũng đã đưa lại
nhiều kết quả tốt và giúp cho khách có những nhận xét đúng đắn về việc thi
hành Hiệp định Giơnevơ và việc kiến thiết miền Bắc của nhân dân ta.
Tháng 10 sắp tới, chúng
ta lại sẽ vui mừng được đón tiếp đoàn đại biểu Xô viết tối cao Liên Xô qua
thăm nước ta theo lời mời của cụ Trưởng Ban Thường trực Quốc hội.
Tóm lại trong thời gian
qua, Quốc hội ta đã có dịp đặt quan hệ hữu nghị với Quốc hội nhiều nước. Mối
quan hệ ấy đã góp phần vào việc củng cố nâng cao địa vị quốc tế của nước ta
có lợi cho sự nghiệp củng cố miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà.
V -
VẤN ĐỀ KIỆN TOÀN TỔ CHỨC
Để đảm bảo được đầy đủ
việc thực hiện các nhiệm vụ nặng nề mà Quốc hội đã giao phó, Ban Thường trực
Quốc hội trong phiên họp đầu tiên, đã xác định những nhiệm vụ cụ thể của
mình, và ấn định các mối quan hệ giữa Ban Thường trực Quốc hội với Chính
phủ, với các vị đại biểu, với nhân dân.
Số lượng các uỷ viên
chuyên trách công việc của Ban được tăng thêm, các bộ phận giúp việc về hành
chính và nghiên cứu của Ban được tăng cường, ba Tiểu ban được thành lập:
- Tiểu ban Luật pháp phụ
trách nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến công tác lập pháp.
- Tiểu ban Tuyển cử bổ
sung phụ trách nghiên cứu việc chuẩn bị thực hiện nghị quyết tuyển cử bổ
sung.
- Tiểu ban Dân nguyện
phụ trách việc nghiên cứu các đơn thư nguyện vọng, các ý kiến của nhân dân
đề đạt lên Quốc hội. Mỗi tiểu ban đều có các uỷ viên thường trực phụ trách
và một số cán bộ giúp việc.
Sinh hoạt của Ban Thường
trực Quốc hội và các Tiểu ban được giữ đều đặn, ngoài những phiên bất
thường, Ban Thường trực mỗi tháng họp hội nghị thường kỳ một lần để kiểm
điểm công tác trong tháng qua và thông qua kế hoạch công tác tháng tới.
Một mặt khác, trong lúc
chờ đợi Quốc hội ban bố một nội quy chính thức quy định quyền hạn và nhiệm
vụ của các đại biểu Quốc hội, cũng như các tổ chức của Quốc hội, Ban Thường
trực Quốc hội đã tạm thời ấn định một quy chế áp dụng cho các uỷ viên thường
trực và đại biểu Quốc hội. Quy chế này, đã giúp thêm điều kiện để các đại
biểu Quốc hội làm được nhiệm vụ dễ dàng hơn.
Trong thời gian qua mối
quan hệ giữa Ban Thường trực Quốc hội và Chính phủ luôn luôn được chặt chẽ,
Chính phủ hết sức coi trọng việc thực hiện chu đáo các nghị quyết của Quốc
hội. Đối với các bản tham luận của các đại biểu đọc trước Quốc hội trong
khoá họp vừa qua, các đề nghị hoặc nhận xét của các đại biểu gửi tới sau dịp
về địa phương cũng đều được các Bộ, các Ban chú ý nghiên cứu và khai thác.
Nhiều đề nghị xác đáng đã được ghi vào chương trình hoạt động của các ngành
chính quyền. Điều này là một hiện tượng tốt đẹp, biểu hiện được tính chất do
dân, vì dân của chính quyền ta.
Trong mối quan hệ hàng
ngày, Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội liên lạc với nhau mật thiết. Sau
các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ, mỗi khi có những quyết định quan trọng,
Chính phủ đều cử đại diện đến báo cáo trước hội nghị Ban Thường trực Quốc
hội. Do đó Ban Thường trực Quốc hội đã có dịp góp ý kiến của mình vào các
vấn đề quốc kế, dân sinh quan trọng.
Trong tinh thần ấy, suốt
trong thời gian vùng Bắc Ninh bị nạn lụt vừa qua Ban Thường trực Quốc hội
luôn luôn theo dõi tình hình và góp ý kiến với Chính phủ trong việc sửa chữa
đê Mai Lâm và giúp đồng bào bị nạn, nhiều uỷ viên thường trực đã đến tận nơi
quan sát tình hình, động viên, uý lạo cán bộ và nhân dân. Sau mỗi lần Ban
chống lụt Trung ương họp để kiểm điểm tình hình và vạch kế hoạch công tác
mới, Chính phủ cũng đều có cử đại diện đến báo cáo ở hội nghị của Ban Thường
trực Quốc hội và thu lượm những ý kiến của các vị uỷ viên Ban Thường trực
Quốc hội.
Ngoài ra, để Ban Thường
trực Quốc hội theo dõi được tình hình chung, nắm được tình hình hoạt động
của các cơ quan Chính phủ, và cũng để Chính phủ biết được các hoạt động của
Ban Thường trực Quốc hội, của các đại biểu Quốc hội, thường xuyên có sự trao
đổi tài liệu, tin tức, chương trình công tác giữa Văn phòng Phủ Thủ tướng và
Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội.
Mối quan hệ giữa Ban
Thường trực Quốc hội và các đại biểu Quốc hội cũng được chặt chẽ hơn trước.
Ban Thường trực Quốc hội đã cố gắng giữ liên hệ thường xuyên với các đại
biểu, như trao đổi thư từ, cung cấp tài liệu, tổ chức gặp gỡ, để các đại
biểu rõ tình hình hoạt động của các cơ quan Nhà nước, theo dõi việc thi hành
nghị quyết của Quốc hội.
Ngược lại, các đại biểu
Quốc hội cũng quan tâm hơn đến việc liên lạc với Ban Thường trực Quốc hội:
nhiều vị thường gửi thơ đến Ban Thường trực Quốc hội, phản ánh tình hình
chung hoặc tình hình của địa phương mình, đề đạt nguyện vọng của nhân dân và
góp ý kiến xây dựng đối với các chủ trương chính sách của Chính phủ.
Các ý kiến này đã giúp
ích nhiều cho Ban Thường trực Quốc hội, Chính phủ, làm cho các bộ phận lãnh
đạo thấy được cụ thể việc chấp hành chính sách trong từng ngành, ở từng địa
phương với các ưu, khuyết điểm của nó.
Tóm lại, nhờ kiện toàn
được tổ chức theo tinh thần nghị quyết của khoá họp 6 mà Ban Thường trực
Quốc hội đã đảm bảo được nhiệm vụ Quốc hội đã giao phó.
Thưa các vị,
Trên đây chúng tôi đã
báo cáo về tình hình hoạt động của Quốc hội trong thời gian từ khoá họp thứ
6 đến nay. Các hoạt động ấy đều thu được một số kết quả và đánh dấu được
bước tiến bộ trong công tác Quốc hội.
Sự tiến bộ ấy đã đóng
góp một phần vào việc phát triển sinh hoạt dân chủ của chế độ ta.
Có được sự tiến bộ ấy là
nhờ ánh sáng của nghị quyết của khoá họp lần thứ 6, nhờ sự tích cực hoạt
động của các đại biểu Quốc hội, nhờ sự cộng tác chặt chẽ của Chính phủ và
riêng phần Ban Thường trực Quốc hội cũng đã có cố gắng công tác.
Quốc hội chúng ta đang
tiến hành nghiên cứu sửa đổi Hiến pháp.
Chúng ta tin rằng với
việc sửa đổi Hiến pháp và với những yếu tố tích cực hiện có của Quốc hội ta,
hoạt động Quốc hội của ta sẽ phát huy đầy đủ hơn nữa tác dụng của nó đối với
sự nghiệp xây dựng miền Bắc tiến dần lên xã hội chủ nghĩa và đấu tranh thống
nhất nước nhà.
|
TM. BAN
THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI
Phó
Trưởng Ban
TÔN
QUANG PHIỆT
|