Thưa Chủ tịch
đoàn,
Thưa các quý
vị đại biểu,
Năm 1955, theo đề nghị
của Hội đồng ngoại giao liên tịch của hai Viện, Xô viết tối cao Liên Xô đã
ra một bản tuyên bố về việc trao đổi các Đoàn đại biểu Quốc hội các nước
sang thăm lẫn nhau. Chủ trương ấy nhằm tăng cường sự gặp gỡ giữa các người
đại diện cho nhân dân các nước trên thế giới, giúp cho các dân tộc gần gũi
và hiểu biết lẫn nhau, do đó tăng cường tình hữu nghị giữa các dân tộc, bảo
đảm thắng lợi cho sự nghiệp hòa bình chung của nhân loại.
Hiện nay bọn đế quốc một
mặt âm mưu gây chiến tranh hòng xô đẩy nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới
vào việc tàn sát lẫn nhau có lợi cho chúng, một mặt gây hiềm khích giữa các
dân tộc, vu cáo Liên Xô và các nước trong phe xã hội chủ nghĩa và dân chủ
nhân dân, nhằm làm cho nhân dân các nước tư bản ngờ vực ý chí hòa bình của
Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân, ngờ vực những
thành quả tốt đẹp của chế độ ta. Các đoàn đại biểu Quốc hội các nước qua
thăm lẫn nhau sẽ thấy thực tế ở mỗi nước, không nghe lời xuyên tạc của bọn
chuyên môn vu khống. Qua những điều mắt thấy tai nghe, qua việc tiếp xúc với
những người lãnh đạo Nhà nước và với nhân dân Liên Xô và nhân dân các nước
trong phe xã hội chủ nghĩa, các đại biểu Quốc hội của các nước trên thế giới
sẽ có dịp nhận thấy rõ ý chí hòa bình thực sự của các nước thuộc phe ta, họ
sẽ thấy khả năng chung sống hòa bình, và do đó họ có thể làm cho nhân dân
các nước hiểu nhau, gần gũi nhau, và có thể ảnh hưởng tới thái độ của Quốc
hội, Nghị viện nước họ đấu tranh ngăn chặn những hành động có hại cho hòa
bình và hữu nghị giữa các dân tộc. Riêng đối với các nước trong hệ thống xã
hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân, thì các cuộc gặp gỡ giữa các Đoàn đại
biểu Quốc hội lại còn là dịp để đôi bên trao đổi ý kiến và kinh nghiệm, trao
đổi thái độ đúng của nhau, trực tiếp và trình bày quan điểm của mình, nhận
định những chỗ khác nhau, giống nhau để tìm những khả năng mới đấu tranh cho
hòa bình và hữu nghị trên thế giới, cho việc thực hiện dân chủ và nâng cao
đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân mỗi nước.
Từ ngày có tuyên bố nói
trên, theo lời mời của Xô viết tối cao Liên Xô, đã có 28 Đoàn đại biểu Quốc
hội và nghị sĩ các nước sang thăm Liên Xô, trong đó có các đoàn Anh, Ấn Độ,
Thụy Điển, Nam Tư, Pháp, Bungari, Hunggari, Tiệp Khắc, Cộng hòa dân chủ Đức,
Ba Lan, Triều Tiên, Việt Nam, v.v.. Sau Đoàn Việt Nam thì Đoàn Trung Quốc đã
sang thăm Liên Xô ngày 15-11-1956. Liên Xô đã gửi 15 Đoàn đại biểu Xô viết
tối cao đi thăm các nước khác.
Đáp lời mời của Xô viết
tối cao Liên Xô, Ban Thường trực Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã
cử một Đoàn đại biểu gồm 10 vị do cụ Tôn Đức Thắng làm Trưởng đoàn khởi hành
sang thăm Liên Xô ngày 8-10 vừa qua. Đoàn gồm có các vị sau đây: cụ Tôn Đức
Thắng, bà Lê Thị Xuyến, các ông: Nguyễn Tấn Gi Trọng, Y Ngông Niêkdăm,
Nguyễn Oắng, Đinh Gia Trinh, Huỳnh Văn Tiểng, Lê Tư Lành, Phạm Thúc Tiêu.
Đoàn ta sang thăm Liên Xô có hai mục đích:
1. Gặp gỡ các đại biểu
nhân dân Liên Xô trong các Xô viết, gặp gỡ nhân dân Liên Xô, trực tiếp tìm
hiểu đời sống và công trình lao động sáng tạo của nhân dân Liên Xô, để củng
cố và phát triển tình hữu nghị sẵn có giữa hai dân tộc Việt Nam và Liên Xô
anh em.
2. Thay mặt cho nhân dân
và Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà dự lễ kỷ niệm Cách mạng tháng
Mười lần thứ 39 ở Liên Xô.
I-
HOẠT ĐỘNG CỦA ĐOÀN Ở LIÊN XÔ
Đoàn đại biểu Quốc hội
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tới Mạc Tư Khoa2
ngày 17-10-1956 và ngày 10-11-1956 thì rời Mạc Tư Khoa lên đường về nước.
Thời gian ở thăm Liên Xô là 23 ngày. Cuộc hành trình của Đoàn tổng cộng thời
gian là 1 tháng 10 ngày. Đoàn đã lưu lại và thăm Mạc Tư Khoa trước sau cộng
10 ngày và dành 13 ngày thăm một số nước Cộng hòa trong Liên bang Xô viết.
Đoàn đã qua thăm các thành phố Xtalingrát, thuộc nước Cộng hòa Nga;
Phơrundê, Thủ đô nước Cộng hòa Kiếcghidi; Êrêvan, Thủ đô nước Cộng hòa
Ácmênia; Ôđétxa, một thành phố và hải cảng của nước Cộng hòa Ucraina;
Lêningrát, một thành phố lớn của nước Cộng hòa Nga. Trong số các thành phố
trên, có 3 thành phố anh hùng của Liên bang Xô viết là Xtalingrát, Lêningrát
và Ôđétxa.
Dọc đường đi từ biên
giới Liên Xô tới Mạc Tư Khoa, cũng như từ Mạc Tư Khoa đi thăm các nước Cộng
hòa trong Liên bang, ở các thành phố mà máy bay dừng lại, Đoàn đã tiếp xúc
với các nhà lãnh đạo chính quyền và đại biểu các giới nhân dân ra đón tiếp
Đoàn của các nước Cộng hòa Cadak, Udơbêkítxtan, Adécbaidan, Tuyếcmêni,
Bêlarút.
Trong thời gian ở Liên
Xô, Đoàn đã đi thăm quan nhiều nơi : Các nông trường, các cơ sở sản xuất
công nghiệp, các cơ quan văn hóa và xã hội, các công trình xây dựng lớn. Về
các cơ sở sản xuất công nghiệp, Đoàn đã thăm nhà máy thủy điện ngầm Sêvanki
ở Ácmênia, một xưởng chế tạo máy bay dân dụng ở Mạc Tư Khoa, xưởng chế tạo
máy móc nông nghiệp ở Phơrundê, xưởng làm máy phát điện ở Êrêvan, xưởng làm
toa tầu hỏa ở Lêningrát, nhà máy thuốc lá ở Lêningrát. Về các cơ quan văn
hóa và xã hội, Đoàn đã đi thăm một số viện khảo cứu, các trường học, bệnh
viện, an dưỡng đường, cung thiếu nhi, vườn trẻ, nhà hát, các bảo tàng lịch
sử và mỹ thuật. Về các công trình xây dựng lớn, Đoàn đã thăm công trường xây
dựng nhà máy thủy điện trên sông Angara ở Iếccút và các khu xây dựng nhà ở
quy mô lớn ở Mạc Tư Khoa và Lêningrát.
Trong thời gian ở Mạc Tư
Khoa cũng như ở các thành phố khác trong Liên bang Xô viết, Đoàn đã được xem
nhiều cuộc biểu diễn văn nghệ của các nghệ sĩ nhân dân Liên Xô. Ở Phơrundê
và Êrêvan Đoàn có tiếp xúc thân mật với anh chị em công nhân các nhà máy và
nói chuyện với anh chị em trong các buổi mít-tinh.
Trong thời gian ở Liên
Xô, Đoàn đã gặp và thăm hỏi các thiếu nhi, học sinh và sinh viên Việt Nam
theo học ở các trường Ôđétxa, Lêningrát và Mạc Tư khoa.
Việc Đoàn dự lễ kỷ niệm
Cách mạng tháng Mười Nga ở Liên Xô năm nay có một ý nghĩa lớn, vì Cách mạng
tháng Mười Nga có quan hệ mật thiết với Cách mạng tháng Tám và cuộc đấu
tranh giải phóng dân tộc cũng như cuộc đấu tranh cách mạng xây dựng xã hội
chủ nghĩa của ta hiện nay. Nhân dân ta biết ơn Cách mạng tháng Mười, biết ơn
nhân dân Liên Xô đã đấu tranh thắng lợi mở đường giải phóng cho các dân tộc
bị áp bức bóc lột trên thế giới. Đoàn đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân
chủ Cộng hoà qua thăm Liên Xô lần này dự lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Mười lần
thứ 39 là thay mặt cho nhân dân Việt Nam tỏ lòng biết ơn đó, và cũng qua
hành động ấy thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa hai dân tộc anh em.
Để kỷ niệm cuộc Cách
mạng tháng Mười vĩ đại, Đoàn đã tới thăm các di tích lịch sử về cuộc Cách
mạng ấy ở Lêningrát là nơi đã nổ ra những sự biến đầu tiên khai sinh cho một
kỷ nguyên mới trong lịch sử của các dân tộc trong Liên bang Xô viết và của
thế giới. Đoàn đã đi thăm nơi ẩn náu bí mật của Lênin trước Cách mạng tháng
Mười ở bên Hồ Radơlif, điện Xmônưi là trụ sở của Bộ tham mưu cách mạng
Lêningrát, Điện Mùa Đông, chiến hạm Rạng Đông. Thay mặt nhân dân Việt Nam,
Đoàn đã tặng một món quà kỷ niệm cho chiến hạm Rạng Đông là chiến hạm đã bắn
phát súng đại bác đầu tiên vào Điện Mùa Đông, báo hiệu cách mạng bắt đầu.
Sau đó, Đoàn đã trở về Mạc Tư Khoa dự lễ kỷ niệm long trọng cử hành ở Mạc Tư
Khoa tối ngày mồng 6 và ngày mồng 7 tháng 11. Chính phủ Liên Xô và Xô viết
tối cao Liên Xô có thết tiệc chiêu đãi nhân dịp kỷ niệm ấy.
Trong những ngày cuối
cùng của cuộc đi thăm, Đoàn đã tiếp xúc với các ông Chủ tịch Viện Liên bang,
Phó Chủ tịch Viện dân tộc với một số các đại biểu giữ những trọng trách
trong Xô viết tối cao và một số các vị Bộ trưởng và Thứ trưởng trong Chính
phủ. Trong dịp họp mặt đó, hai bên có trao đổi một số tình hình và kinh
nghiệm công tác. Ngày 9-11-1956, Chủ tịch Chủ tịch Đoàn Xô viết tối cao Liên
Xô Vôrôsilốp đã hội đàm thân mật với Đoàn trước khi Đoàn lên đường về nước.
II-
KẾT QUẢ CÔNG TÁC CỦA ĐOÀN
Lúc mới tới Mạc Tư Khoa,
các ông Labanốp, Chủ tịch Viện Liên bang và Laxit, Chủ tịch Viện dân tộc có
đề nghị với chúng tôi ở lại thăm Liên Xô một tháng và đi thăm thêm hai thành
phố Xtalingrát và Xôchi, nhưng vì muốn sớm về nước để chuẩn bị khóa họp Quốc
hội lần thứ 6, nên Đoàn đã đề nghị với bạn rút ngắn thời gian của Đoàn ở
thăm Liên Xô lại là 23 ngày. Thời gian ngắn mà công tác thì nhiều, nên Đoàn
không đủ thời giờ tìm hiểu sâu về tổ chức các Xô viết, về hoạt động và kinh
nghiệm công tác của các Xô viết. Vả lại trọng tâm công tác của Đoàn là công
tác chính trị nhằm phục vụ hữu nghị nên chủ yếu là tham quan và tiếp xúc với
các đại biểu nhân dân Liên Xô. Đó cũng là ý muốn của bạn ta khi đề nghị với
chúng ta một chương trình hoạt động chú trọng đến việc đi thăm các nước Cộng
hòa Liên bang xã hội chủ nghĩa, trong đó có các nước rất xa xôi miền Trung Á
như Kiếcghidi và Ácmênia.
Sau gần một tháng ở Liên
Xô, công tác của Đoàn đã đạt được những kết quả sau đây:
1. Thắt chặt và tăng
cường tình hữu nghị sẵn có giữa hai dân tộc Việt Nam và Liên Xô:
Trong thời gian ở Liên
Xô, Đoàn đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã được nhân dân
Liên Xô và các nhà lãnh đạo trong các Xô viết và các cơ quan chính quyền đón
tiếp rất nồng hậu và thân ái. Các vị đại biểu trong Đoàn đã được sống một
cách rất thấm thía và sâu sắc cảm tình nồng nhiệt và phổ biến của nhân dân
Liên Xô đối với nhân dân Việt Nam và những người đại diện của nhân dân Việt
Nam. Suốt dọc đường đi trên đất Liên Xô, chỗ nào máy bay chở Đoàn dừng lại,
dẫu chỉ là tạm nghỉ một lát cũng đều có các vị đại biểu chính quyền địa
phương, đại biểu Đảng và đại biểu các tổ chức nhân dân ra đón tiếp và chiêu
đãi. Khi qua Tây Bá Lợi Á3, có những
cuộc đón tiếp như vậy trong đêm khuya khoắt và lạnh rét, vào 12 giờ đêm, vào
3 giờ sáng. Ở Iếccút và ở các thành phố mà chúng tôi tới thăm như
Xtalingrát, Phơrundê, Êrêvan, Ôđétxa, Lêningrát thì ở sân bay đều có tập hợp
đông đảo nhân dân đón, ở ga có treo quốc kỳ hai nước và các biểu ngữ chào
mừng Đoàn bằng tiếng Nga và tiếng Việt. Tuy tiếng nói không giống nhau,
nhưng tình thân ái đã biểu lộ nồng nàn ở những cái bắt tay chặt chẽ và ấm
áp, những nụ cười, khóe mắt đầy tình cảm chân thành. Trong các buổi đón tiếp
và các buổi tiệc chiêu đãi, các bạn đã chú ý mời những nữ chiến sĩ và anh
hùng quân đội, một số các nghệ sĩ đã có qua thăm Việt Nam đến gặp gỡ chúng
ta, như ở Bacu có một nữ phi công đã lập được nhiều thành tích trong hồi đại
chiến vừa qua, ở Ôđétxa, ở Minxk có những nữ du kích anh dũng hồi chiến
tranh chống Đức, ở Lêningrát, có các nghệ sĩ đã tham gia các Đoàn nghệ thuật
Liên Xô sang biểu diễn ở nước ta năm 1955.
Nhiệt tình của nhân dân
chào đón chúng tôi trong mấy trường hợp sau đây thật rất cảm động: ở
Phơrundê, Thủ đô nước Kiếcghidi, hàng ngàn nhân dân chờ đón chúng tôi ở các
phố, nhưng vì máy bay đến chậm, hôm sau chúng tôi mới vào thăm thành phố thì
nhân dân lại vội tập hợp lại đông đảo để vẫy tay, reo hò, ném hoa vào xe
hơi. Có những bác sĩ, y sĩ, y tá ở các bệnh viện cứ mặc áo bờludơ trắng như
thế từ các bệnh viện chạy ra bên hè vẫy chào chúng tôi đi qua, rồi lại trở
vào làm việc; các giáo sư và học sinh ở các trường bên vệ đường cũng vậy.
Khi chúng tôi đi thăm
khu triển lãm nông nghiệp ở Mạc Tư Khoa và nhà bảo tàng di tích chiến đấu ở
Xtalingrát, trước những nhà chúng tôi vào xem, nhân dân tự động tập hợp rất
đông để đợi chúng tôi ra thì vỗ tay hoan hô chào đón. Ở khắp các nhà hát,
trước khi mở màn, nghe xong giới thiệu là có Đoàn đại biểu Quốc hội nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tới dự thì toàn thể khán giả đứng đậy quay về phía
chúng tôi ngồi mà vỗ tay hoan nghênh nhiệt liệt.
Nhân dân Liên Xô khắp
nơi đều biết rằng nước Việt Nam đã trải qua một cuộc chiến đấu gian khổ và
anh dũng để tự giải phóng khỏi ách thống trị của đế quốc và ngày nay là một
nước đứng trong hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân. Cho
nên tình hữu nghị đã có dịp biểu hiện trên khía cạnh khâm phục và mến yêu
chúng ta, là những người chiến sĩ đánh bại đế quốc, mến yêu vị lãnh tụ quý
mến của dân tộc ta, của Đảng đã lãnh đạo toàn dân ta trong sự nghiệp cách
mạng ấy là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi xin kể mấy mẩu chuyện để chứng
minh:
Có lần ở Xtalingrát, một
bà cụ đứng trong một nhóm nhân dân khi thấy chúng tôi xuống xe đi vào xem
bảo tàng di tích chiến đấu của thành phố, đã giới thiệu chúng tôi với những
người bên cạnh bằng những lời mà chúng tôi nghe thấy rõ: “Đó là những người
đã chiến thắng bọn phát xít Nhật”… Biết chúng tôi đều là những người đã tham
gia kháng chiến, mấy bà xì xào chỏ vào một chị đại biểu phụ nữ trong Đoàn mà
nói: “Đây là một người nữ du kích Việt Nam”.
- Qua thăm nơi nào chúng
tôi cũng được các đồng chí tặng quà kỷ niệm, nhưng một món quà làm cho chúng
tôi cảm động nhất là nắm đất lấy ở đồi Mamaiép của thành phố anh hùng
Xtalingrát. Đồi Mamaiép là một ngọn đồi có danh tiếng lịch sử lớn trong cuộc
chiến đấu vĩ đại của quân đội và nhân dân Liên Xô bảo vệ thành phố
Xtalingrát trong cuộc đại chiến vừa qua. Các chiến sĩ Xô viết đã giữ vững
ngọn đồi này chống mọi sức tấn công dữ dội nhất của địch, và sau cùng viên
đạn cuối cùng kết thúc thắng lợi chiến dịch Xtalingrát cũng từ ngọn đồi này
bắn ra ngày 02-02-1943. Tính trung bình trên mỗi mét vuông ở ngọn đồi này có
hơn 1.200 quả bom, đạn đã nổ. Nắm đất đượm máu của các anh hùng của đồi
Mamaiép mà thành phố Xtalingrát tặng Đoàn để trao tặng lại cho nhân dân Việt
Nam thực có một ý nghĩa lớn: nó thắt chặt thêm tình hữu nghị giữa hai dân
tộc Việt Nam và Liên Xô anh em đã cùng phải trải qua những ngày chiến đấu
gian khổ giống nhau chống ngoại xâm phát xít và ngày nay đang cùng sát cánh
với nhau thực hiện một lý tưởng chung. Món quà quý ấy sẽ đời đời siết chặt
thêm tình hữu nghị sẵn có giữa hai dân tộc Việt – Xô.
Nhân dân Liên Xô giữ một
kỷ niệm sâu sắc đối với cuộc qua thăm Liên Xô của Hồ Chủ tịch và phái đoàn
Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trong năm 1955 vừa qua. Ở Iếccút, các
bạn kể lại cho chúng tôi nghe những mẩu chuyện lý thú nhớ rất kỹ về sự đón
tiếp nồng nhiệt của nhân dân khi phái đoàn tới và tính tình giản dị, vui vẻ
của Hồ Chủ tịch. Ở Mạc Tư Khoa, ông Giám đốc trường Đại học Lômônôxốp khi
giới thiệu giảng đường lớn của nhà trường không quên nhắc rằng: “Đây là
giảng đường đã được hân hạnh đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh năm ngoái”. Ở
Nôvôxibiếc, các đồng chí lãnh đạo trong Xô viết tối cao thành phố có báo cáo
với chúng tôi rằng, thực hiện lời hứa với Hồ Chủ tịch năm ngoái, công nhân
Nôvôxibiếc đã hoàn thành trước thời hạn chiếc cầu qua sông Ôbi nối liền hai
bộ phận lớn của thành phố.
Đáp lại nhiệt tình hữu
nghị của bạn, Đoàn đã vui vẻ tiếp xúc với các giới nhân dân, khen ngợi, hoan
nghênh những thành tích lao động của họ. Đoàn có tặng các Xô viết tối cao,
các Xô viết thành phố ở những nơi đi qua, trường đại học Lômônôxốp, Chiến
hạm "Rạng Đông", v.v. những quà biếu của Hồ Chủ tịch, Quốc hội và nhân dân
ta gồm tranh ảnh, đồ thêu của đồng bào thiểu số, mỹ nghệ phẩm, v.v.. Chúng
tôi đã giới thiệu, mặc dầu chưa được đầy đủ lắm những thành tích lao động
của nhân dân Việt Nam, nói lên lòng mến phục của nhân dân Việt Nam và của
riêng chúng tôi đối với nhân dân Liên Xô cần lao đang xây dựng đời sống tươi
đẹp của họ và luôn luôn tích cực đấu tranh cho hòa bình và hữu nghị của các
dân tộc.
Ngoài việc dự lễ kỷ niệm
Cách mạng tháng Mười, Đoàn đã tới thăm mộ của người thầy của Cách mạng thế
giới là Lênin và Xtalin và đặt vòng hoa viếng. Ở Xtalingrát, Đoàn đã tới
viếng mộ chiến sĩ bảo vệ thành phố. Khi Đoàn qua Ôđétxa thăm bệnh viện chữa
mắt của thành phố thì gặp lúc bác sĩ Philatốp bị đau nặng và tạ thế chiều
ngày 30-11-1956. Trước khi lên đường, Đoàn có viết thư chia buồn với gia
quyến và gửi vòng hoa viếng.
Suốt trong thời gian
Đoàn ở Liên Xô, bằng mọi phương tiện thông tin và tuyên truyền như phát
thanh, báo chí, vô tuyến truyền hình, chụp ảnh, quay phim, các bạn đã giới
thiệu nước Việt Nam, phổ biến cảm tưởng và lời nói của các đại biểu trong
Đoàn đi khắp Liên Xô và thế giới. Chúng tôi kể một thí dụ: Khi chúng tôi tới
Phờrundê thì đã thấy các báo ở đây đăng bản đồ Việt Nam, những bài giới
thiệu nước ta, có cả bài dịch. Một bài thơ của ông Tố Hữu và một bức ảnh về
một lớp bình dân học vụ. Những việc đó đã có tác dụng là giúp cho nhân dân
Liên Xô và cả nhân dân các nước khác chú ý đến nước ta và nhân dân ta, theo
dõi hành trình và công tác của Đoàn ta.
2. Tìm hiểu thực tế xã
hội của Liên Xô
Tuy thời gian Đoàn ở
Liên Xô tương đối ngắn, nhưng trong khi đi tham quan, Đoàn cũng đã tìm hiểu
được nhiều mặt thực tế của xã hội và con người Xô viết. Chúng tôi chỉ xin
báo cáo sau đây mấy nét lớn về hai mặt chính là lao động kiến thiết, sản
xuất và kết quả tốt đẹp của việc thực hiện chính sách dân tộc:
a) Về công cuộc lao động kiến thiết và sản xuất của nhân dân Liên Xô:
Chúng tôi đã được
xem thấy những kết quả to lớn về các mặt sản xuất nông nghiệp, kiến thiết
công nghiệp và văn hóa xã hội. Năm 1956 mùa màng ở nước Cộng hòa Cadắc thu
hoạch được bằng 13 năm trước đây cộng lại nhờ có công trình khẩn hoang tăng
diện tích trồng trọt và sự áp dụng các phương pháp canh tác mới. Đó là một
thành tích đã làm cho nhân dân Cadắcxtan tự hào chính đáng và làm cho các
nước Cộng hòa khác rất phấn khởi thi đua sản xuất.
Để cung cấp điện lực
ngày càng nhiều cho nhu cầu ngày càng lớn của công nghiệp và sinh hoạt của
nhân dân, các nhà thủy điện lớn đã và đang được nỗ lực xây dựng ở Tây Bá Lợi
Á trên sông Ôbi, Iênítxi, Angara, đồng thời các đập nước đã ngăn được các
dòng sông dữ tợn nhất thế giới và dẫn nước đem về tưới cho những diện tích
mênh mông chinh phục trên sa mạc để biến nó thành những cánh đồng phì nhiêu
trồng lúa.
Qua khắp các thành phố
của Liên Xô, dọc đường hành trình đi tới Mạc Tư Khoa và dọc đường tham quan,
chúng tôi đều thấy quang cảnh rất phổ biến ống khói nhà máy san sát của các
trung tâm kỹ nghệ nặng. Thành phố Xvéclốp ở Tây Bá Lợi Á, trước chiến tranh
có chưa đầy mười vạn người, nay dân số tăng tới 75 vạn người và có tới 240
xí nghiệp công nghệ nặng nhẹ, thành phố Ôđétxa có trên 300 xí nghiệp v.v..
Nước Ácmênia trước cách mạng là một nước nông nghiệp lạc hậu, nay có một nền
kỹ nghệ tiên tiến, khối lượng sản xuất gấp 1.300 lần so với năm 1919 và một
hệ thống nhà máy thủy điện bên hồ Xêvan và trên sông Radan có thể coi là một
thành công rực rỡ của kỹ thuật hiện đại. Nhà máy thủy điện lớn Xêvan là một
nhà máy ngầm ở sâu 120 thước dưới mặt hồ dùng sức của nước hồ để chạy máy.
Nhà máy này tự động và hiện nay chỉ phải dùng có 21 công nhân. Ở Thủ đô
Êrêvan có trung tâm điều khiển các nhà máy của toàn hệ thống bằng vô tuyến.
Về kiến thiết nhà ở cho
nhân dân các thành phố thì sự cố gắng và thành tích đã đạt được đều rất vĩ
đại. Mạc Tư Khoa và Lêningrát đã lớn, mà hiện nay mấy thành phố đó vẫn tiếp
tục bành trướng không ngừng. Chúng tôi đã đi xem các khu xây dựng nhà ở quy
mô lớn hai nơi đó. Nhà ở đây là những ngôi nhà 5, 6 tầng, có hàng ngàn
buồng, đủ để từ 300 đến 800 gia đình ở, có đủ tiện nghi như điện, nước,
sưởi, hơi đốt. Việc xây dựng tiến hành theo phương pháp tối tân là lắp những
bộ phận làm sẵn, như mảnh tường bê tông, cửa, trần, v,v. nên làm được rất
nhanh chóng. Năm 1913, dưới thời Nga hoàng, Mạc Tư Khoa chỉ có một diện tích
nhà ở là 12 triệu mét vuông, thế mà riêng năm 1955, Thủ đô Liên Xô đã xây
dựng thêm được một diện tích nhà ở là 13 triệu mét vuông nghĩa là xây dựng
thêm được một thành phố Mạc Tư Khoa Nga hoàng nữa. Qua 39 năm dưới chính
quyền Xô viết, Mạc Tư Khoa ngày nay là một thành phố rộng 350 triệu mét
vuông, dân số hơn 7 triệu người.
Đi vòng quanh Liên Xô từ
Nam chí Bắc, đâu đâu chúng tôi cũng thấy những thành quả lớn lao của công
cuộc lao động sáng tạo của nhân dân Liên Xô, chứng tỏ lòng tha thiết yêu hòa
bình, lòng quyết tâm xây dựng một cuộc đời càng ngày càng tươi đẹp hơn lên.
Đâu đâu chúng tôi đi qua cũng thấy biểu lộ tinh thần thi đua hoàn thành và
hoàn thành vượt mức kế hoạch, thi đua làm lớn hơn, đẹp hơn những cái đã có:
Cadắc4 thi đua với Ucraina về trồng lúa
và năm vừa qua đã thắng lợi rực rỡ. Nước Cộng hòa Kiếcghidi báo cáo với
chúng tôi một cách tự hào rằng năm 1956 đã cung cấp cho Chính phủ 98% loại
cừu lông tốt nhất và 40 vạn tấn củ cải đường. Thành phố Cơrátxnôiácxcơ ở Tây
Bá Lợi Á báo cáo rằng hiện nay đã có nhà máy thủy điện 3 triệu kilôoát, và
trong kế hoạch này sẽ xây dựng một nhà máy 5 triệu kilôoát, vượt nhiều điện
lực của các nhà máy điện hiện có ở Liên Xô.
Tinh thần thi đua ấy
thấm nhuần trong mọi người, lao động trí óc cũng như lao động chân tay,
người cán bộ chính quyền cũng như nhà viết văn, người nghệ sĩ, người lớn
cũng như em nhỏ. Qua tinh thần thi đua ấy, chúng tôi càng thấy thể hiện rõ
lòng yêu chuộng hòa bình của nhân dân Liên Xô. Một nhân dân lao động xây
dựng hàng ngày bao nhiêu cái lớn, cái quý, cái đẹp ấy không thể không yêu
chuộng hòa bình, không tích cực đấu tranh để bảo vệ hòa bình.
b) Kết quả tốt
đẹp của chính sách dân tộc thi hành dưới chính quyền Xô viết:
kết quả ấy đã
được chứng tỏ qua những điều chúng tôi tai nghe, mắt thấy ở nước Cộng hòa
Kiếcdighi. Nước Kiếcghidi là một nước Cộng hòa nhỏ miền Trung Á, dân số 2
triệu người. Trước cách mạng đó là một nước dân tộc thiểu số lạc hậu thuộc
địa của Nga hoàng, chịu sự áp bức bóc lột rất tàn tệ của phong kiến, quân
phiệt và tư bản Nga. Dưới sự áp bức bóc lột ấy, các dân tộc ở Kiếcghidi đang
đi dần đến chỗ bị diệt vong. Xứ sở đó là xứ sở của những người đói, rách và
thất học, khiến bọn thống trị Nga hoàng có lúc đã bỏ không đến thu thuế vì
không có lãi. Sau Cách mạng tháng Mười, dưới chính quyền Xô viết, nhờ có
chính sách dân tộc của chủ nghĩa Lênin, chủ trương thực hiện bình đẳng giữa
các dân tộc và giúp đỡ các dân tộc nhỏ yếu phát triển, nên nước Cộng hòa
Kiếcghidi hiện nay đã trở nên một nước giầu mạnh và tiến bộ đặc sắc trong
đại gia đình các nước Cộng hòa trong Liên bang, năng lực sản xuất tăng gấp
38 lần so với trước cách mạng.
Từ một nước nông nghiệp
lạc hậu, nước Kiếcghidi nay đã trở nên một nước nông nghiệp phát triển có
695 nông trường tập thể và 36 nông trường quốc doanh sức sản xuất cao như về
trồng củ cải đường, bông, về chăn nuôi; có công nghiệp tiên tiến như kỹ nghệ
luyện kim, làm máy móc nông nghiệp, kỹ nghệ dệt, đồ da, làm đường, v.v.; với
tổng số công nhân, trong toàn quốc là 20 vạn người (10% dân số). Năm vừa
qua, ước tính Kiếcghidi đã vượt mức kế hoạch Nhà nước về sản xuất bông mỗi
ha trung bình được hơn 20 tạ rưỡi bông, và cùng với nước Cộng hòa Tuếcmêni
đã được tặng thưởng Huân chương Lênin. Về văn hóa, giáo dục, trước cách
mạng, nước Kiếcghidi không có chữ, 99,4% nhân dân không biết đọc, biết viết,
0,6% là bọn quý tộc thì học chữ Ảrập. Hiện nay nước Kiếcghidi đã có văn tự
và các sách giáo khoa cho tới bậc Đại học đều được soạn bằng tiếng
Kiếcghidi, toàn quốc có gần 2.000 trường trung học gồm 30 vạn 5 nghìn học
sinh, 8 trường đại học gồm hơn 1 vạn sinh viên và 28 trường trung cấp chuyên
môn, gồm hơn 1 vạn học sinh. Hiện nay ở Kiếcghidi đã thực hiện nền giáo dục
cưỡng bách 7 năm và ở các thành phố lớn đang tiến tới giáo dục bắt buộc 10
năm. Nước Kiếcghidi lại có một Viện hàn lâm khoa học có nhiều ngành nghiên
cứu tập hợp các nhà bác học của 22 dân tộc. Về nghệ thuật, thì từ chỗ không
có cơ sở gì trước Cách mạng, nhân dân Kiếcghidi nay đã có những đoàn nghệ sĩ
có tài biểu diễn vũ, nhạc, kịch. Nghệ thuật vũ balê của nước Kiếcghidi nay
được coi là khá nhất miền Trung Á.
Phụ nữ Kiếcghidi ngày
nay có một vai trò rất cao trong xã hội: 32% đại biểu Xô viết tối cao là phụ
nữ. Những người chủ đã luôn luôn tiếp đãi Đoàn niềm nở trong thời gian Đoàn
ở Phơrundê là bà Uỷ viên thư ký của Xô viết tối cao, bà Phó Thủ tướng kiêm
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và bà Thứ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ.
Về sinh hoạt, chúng tôi
thấy nhân dân ở những nơi chúng tôi đi qua đều sống một đời no ấm, vui tươi.
Nhiều người dân đã nói với chúng tôi những lời cảm động tỏ lòng biết ơn chân
thành của họ đối với cách mạng và chế độ Xô viết. Thành phố Phơrundê như một
đóa hồng nở trong một thung lũng xanh tươi, xung quanh đồi núi chập chùng,
đóa hoa đó là đóa hoa của chế độ Xô viết vĩ đại.
Cuộc qua thăm nước
Kiếcghidi đã cho Đoàn đại biểu chúng tôi được chứng kiến những kết quả hết
sức tốt đẹp của chính sách dân tộc của chủ nghĩa Lênin áp dụng dưới chính
quyền Xô viết ở Liên Xô và làm cho chúng tôi càng thêm tin tưởng ở khả năng
phát triển tương lai của các dân tộc thiểu số ở nước ta trong đại gia đình
nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và của cả dân tộc Việt Nam chúng ta đang ở
một khởi điểm cao hơn khởi điểm của nước Kiếcghidi trước kia nhiều.
3. Tiếp xúc với các đại
biểu Xô viết:
Trong khi tiếp xúc với
các đại biểu Xô viết ở Mạc Tư Khoa cũng như ở các nước Cộng hòa trong Liên
bang, Đoàn đã tìm hiểu được sơ lược về thành phần, tổ chức của các Xô viết.
Riêng trong cuộc gặp gỡ
với một số đại biểu trong Xô viết tối cao Liên Xô và nhân viên Chính phủ
Liên Xô, ngày 5-11-1956, Đoàn đã trao đổi với bạn một số tình hình và kinh
nghiệm công tác. Các vị đại biểu Xô viết trình bày về hoạt động của các Tiểu
ban ngân sách, Tiểu ban lập pháp, Tiểu ban ngoại giao của hai Viện. Đoàn ta
cũng giới thiệu với bạn về tổ chức, tính chất và hoạt động của Quốc hội ta
từ ngày thành lập tới nay. Sau đó hai bên có trao đổi nhận định về một số
vấn đề quốc tế hiện nay, có liên quan đến việc chống đế quốc xâm lược, bảo
vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân, giữ gìn hòa bình thế giới
như vấn đề đế quốc và phản động mưu phá hoại chế độ xã hội chủ nghĩa ở
Hunggari, đế quốc tấn công Ai Cập, v.v..
Trong cuộc mạn đàm thân
mật, các bạn ta tỏ ra rất chú ý đến cuộc đấu tranh hiện tại của nhân dân ta
giành thống nhất và bảo vệ hòa bình, kiến thiết đất nước. Ông Lôbanốp, Chủ
tịch Viện Liên bang có phát biểu: “Nhân dân Liên Xô có cảm tình sâu sắc và
tốt đẹp đối với nhân dân Việt Nam yêu chuộng hòa bình và rất lấy làm vinh dự
được có một người bạn như nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tình hữu nghị anh
em giữa chúng ta góp phần đảm bảo cho hòa bình, hữu nghị của các dân tộc.
Chúng tôi tin chắc rằng Việt Nam sẽ thắng lợi trong cuộc đấu tranh cho thống
nhất Tổ quốc”.
Kết luận:
Cuộc đi thăm Liên Xô của
Đoàn đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã có tác dụng góp
phần thắt chặt và tăng cường tình hữu nghị giữa Quốc hội và nhân dân hai
nước Việt – Xô. Sự đón tiếp nồng hậu của các cơ quan chính quyền, đoàn thể
và nhân dân Liên Xô ở khắp nơi đã chứng tỏ tình cảm sâu sắc và chân thành
của nhân dân Liên Xô đối với nhân dân ta, và đó là một điều làm cho chúng
tôi vô cùng phấn khởi và ghi nhớ không bao giờ quên được.
Trong buổi tiếp đón Đoàn
ông Chủ tịch Chủ tịch đoàn Xô viết tối cao Vôrôsilốp có nói với Đoàn những
lời chí thiết sau đây: “Nhân dân Liên Xô rất kính trọng và yêu mến nhân dân
Việt Nam là những chiến sĩ vững chắc đấu tranh xây dựng đời sống tươi đẹp
của mình. Nhất định nước các bạn sẽ thành một khối thống nhất. Toàn thể nhân
loại có cảm tình với các bạn, nhân dân Liên Xô là một người bạn trung thành
của nhân dân Việt Nam. Chúng tôi nhờ Đoàn chuyển lời tới nhân dân Việt Nam,
tới đồng chí Hồ Chí Minh lời chào của Chủ tịch đoàn Xô viết tối cao, của Xô
viết tối cao và của toàn thể nhân dân Liên Xô”.
Mối quan hệ hữu nghị gắn
bó hai dân tộc Việt – Xô thực có một ý nghĩa vĩ đại. Nó cần được tăng cường
và phát triển hơn lên mãi mãi. Thay mặt cho Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ
Cộng hoà, cụ Trưởng đoàn đã ngỏ lời mời Xô viết tối cao Liên Xô cử một đoàn
đại biểu sang thăm nước ta. Quốc hội ta và nhân dân ta sẽ rất vui sướng được
đón tiếp các bạn quý của chúng ta trong những ngày sắp tới.