Thưa các đại biểu Quốc
hội!
Tiếp theo bản báo cáo
chung của Ban Thường trực Quốc hội, chúng tôi xin báo cáo bổ sung về vấn đề
sửa đổi Hiến pháp.
Một điều mà ai nấy đều
nhận thấy là: Hiến pháp là cơ sở của pháp luật trong một nước. Ở đó, nó vạch
ra một chế độ nhà nước trong một giai đoạn lịch sử nhất định, nó phản ảnh
tình hình kinh tế, chính trị và văn hóa xã hội đương thời, nó cũng phân định
quyền lợi giữa các giai cấp, các tầng lớp nhân dân theo một khoản ước nhất
định. Giữa một xã hội có giai cấp thì Hiến pháp cũng biểu lộ rõ rệt tính
chất giai cấp của nó. Vì vậy, nhìn vào mỗi Hiến pháp của mỗi nước, chúng ta
càng thấy rõ công cụ sắc bén của giai cấp thống trị trong một chế độ hiện
hành. Một khi mà chế độ chính trị đã thay đổi, xã hội tiến sang một giai
đoạn khác thì Hiến pháp cũng phải thay đổi.
I.
HIẾN PHÁP CỦA TA ĐÃ XUẤT HIỆN TRONG MỘT HOÀN CẢNH LỊCH SỬ NÀO ?
Hiến pháp của nước ta
sàn2 ra từ sau cuộc Cách mạng
tháng Tám, nhìn về trước, cuộc cách mạng dân tộc dân chủ của ta do giai cấp
công nhân lãnh đạo bắt đầu từ năm 1930. Trong quá trình đấu tranh chống chủ
nghĩa đế quốc và phong kiến, những luận cương cách mạng, chương trình điều
lệ cách mạng như luận cương tư sản dân chủ của Đảng Cộng sản Đông Dương,
chương trình điều lệ của mặt trận dân tộc thống nhất như phản đế đồng minh,
mặt trận dân chủ, mặt trận Việt Minh, v.v. đã vạch rõ hướng tiến của cách
mạng, của chế độ xã hội và quyền lợi của các giai cấp sau khi cách mạng đoạt
được chính quyền. Như vậy Hiến pháp của ta ra đời là kết quả của một cuộc
trường kỳ đấu tranh gian khổ và anh dũng của dân tộc ta từ hàng chục năm
trước. Nó đã thừa hưởng những tinh thần, những lý tưởng, những nguyên tắc mà
cách mạng đã vạch ra. Do đó, Hiến pháp của ta 1946, về căn bản và thực chất,
có tính chất tiến bộ rõ rệt.
Nhưng Hiến pháp của ta
đã xuất hiện trong một hoàn cảnh lịch sử nào? Chúng ta còn nhớ Cách mạng
tháng Tám vừa thành công, Chính phủ và nhân dân ta đã phải đương đầu với bao
nhiêu khó khăn ở trong nước cũng như ở ngoài nước. Tại quốc tế, lúc ấy, khối
xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân chưa thành một hệ thống. Đế quốc Mỹ,
Anh, quân phiệt Tưởng Giới Thạch và thực dân Pháp trong phe đồng minh chiến
thắng cấu kết với nhau để bao vây nước ta, định bóp chết cách mạng Việt Nam
còn trứng nước. Dựa vào bọn đế quốc và quân phiệt ở bên ngoài, bọn phản động
ở trong nước cũng thừa cơ quấy rối, ném ra những luận điệu phản tuyên truyền
đối với chế độ và chính quyền của ta.
Về phần nhân dân ta, mặc
dầu đã được giáo dục, được thấm nhuần những tư tưởng cách mạng và dân chủ
qua hàng chục năm đấu tranh, nhưng đối với nhận thức về dân chủ nhân dân
chuyên chính hãy còn là những bước đầu. Trước một hoàn cảnh khó khăn và phức
tạp kể trên, bản Hiến pháp thông qua Quốc hội 1946 mới biểu lộ được mấy nét
lớn của một nền dân chủ nhân dân. Ngoài những điểm thiếu sót không cụ thể,
nó còn có tính chất thông biến để chuẩn bị cho một hướng tiến rõ ràng hơn.
Âu cũng là một sản phẩm thích nghi của hoàn cảnh nước ta bấy giờ. Dẫu sao,
chúng ta cũng cần phải nhận rằng: về căn bản và thực chất, Hiến pháp 1946
của ta có tính chất dân chủ và tiến bộ.
Hiến pháp vừa được Quốc
hội thông qua thì cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Chính phủ cũng chưa có
dịp ban hành Hiến pháp. Từ đó tới nay, tình hình trong nước và ngoài nước đã
có những biến chuyển to lớn. Tại quốc tế, khối xã hội chủ nghĩa và dân chủ
nhân dân đã thành một hệ thống. Tư trào xã hội chủ nghĩa và dân chủ nhân dân
đã chiếm phần ưu thắng đối với những tư tưởng lạc hậu của dân chủ tư sản.
Nước ta là một nước trong khối dân chủ nhân dân và xã hội chủ nghĩa. Tại
trong nước, cuộc trường kỳ kháng chiến của dân tộc ta đã thu được thắng lợi.
Miền Bắc đã hoàn toàn giải phóng. Chính quyền nhân dân ngày càng được củng
cố, dựa vào sự đoàn kết rộng rãi của toàn dân trên cơ sở công nông liên minh
do giai cấp công nhân lãnh đạo. Cuộc cải cách ruộng đất căn bản đã hoàn
thành. Chế độ chiếm hữu ruộng đất của giai cấp phong kiến địa chủ đã bị xóa
bỏ trên toàn miền Bắc. Nhiều cải cách dân chủ về mọi mặt kinh tế, chính trị,
văn hóa xã hội đã được thực hiện trong kháng chiến và sau khi hòa bình lập
lại. Như vậy, trên căn bản dân chủ và tiến bộ, Hiến pháp 1946 của ta mặc dầu
chưa chính thức ban hành, đã được thực hiện và phát huy trong thực tế, theo
với đà tiến triển của nhân dân. Nhưng bên những thành tích kể trên, nước ta
chưa được thống nhất, đồng bào miền Nam đương sống dưới sự áp bức của đế
quốc Mỹ và tay sai là bè lũ Ngô Đình Diệm. Việc cải cách ruộng đất và chỉnh
đốn tổ chức ở miền Bắc của chúng ta đã phạm nhiều sai lầm nghiêm trọng. Ý
thức chính trị nói chung của các tầng lớp nhân dân đã được nâng cao, nhưng
tự do dân chủ chưa được hoàn toàn phát huy và đảm bảo. Những nguyện vọng và
yêu cầu chính đáng của mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là của nhân dân lao
động chưa được chiếu cố đầy đủ.
Dựa vào tình hình thực
tế kể trên, điểm lại Hiến pháp của ta thảo ra từ năm 1946 đã có nhiều điểm
không theo kịp thực tế, thiếu chính xác. Nhiều đại biểu Quốc hội và các tầng
lớp nhân dân đã đề ra việc sửa đổi Hiến pháp. Đó là một đề nghị rất chính
đáng, hợp với nguyện vọng của nhân dân, nhu cầu của tình thế và bước tiến
của lịch sử.
II.
MỘT SỐ ĐIỂM CẦN SOÁT LẠI TRONG BẢN HIẾN PHÁP 1946 CỦA TA
1. Bản Hiến
pháp của ta chương I, mục chính thể Điều 1 chỉ mới nêu lên: "Tất cả quyền
bính trong nước là của toàn thể nhân dân Việt Nam, không phân biệt nòi
giống, trai gái, giầu nghèo, giai cấp, tôn giáo ". Theo ý chúng tôi thì
vấn đề chính quyền Nhà nước thuộc những tầng lớp, giai cấp nào và do giai
cấp nào lãnh đạo là một vấn đề căn bản trong Hiến pháp. Do đó mới định rõ
được tính chất của Nhà nước, của chế độ. Thực ra, từ lâu, trong nhiều văn
kiện của Đảng Lao động Việt Nam và Mặt trận, chúng ta đã nêu rõ chính quyền
của ta là chính quyền dân chủ nhân dân chuyên chính gồm những thành phần:
giai cấp công dân, giai cấp nông dân, giai cấp tiểu tư sản, giai cấp tư sản
dân tộc và những nhân sĩ yêu nước và dân chủ, lấy công nông liên minh làm
nền tảng và do giai cấp công nhân lãnh đạo, nhưng chính Hiến pháp của ta thì
lại chưa ghi rõ những điểm căn bản này.
2. Như chúng ta đã biết,
chế độ của chúng ta ngày nay là chế độ dân chủ nhân dân tiến lên xã hội chủ
nghĩa. Từ chế độ dân chủ nhân dân tiến lên xã hội chủ nghĩa là một bước
không thể tách
rời. Nhưng Hiến pháp của ta năm 1946 vẫn chưa nêu rõ hướng đi tới ấy.
3. Tại miền Bắc nước ta
hiện nay, trên cơ sở nông nghiệp, nền kinh tế dân chủ nhân dân đã thành lập.
Thành phần kinh tế quốc doanh ngày càng được củng cố và phát triển, giữ vai
trò chỉ đạo các ngành kinh tế khác. Thành phần kinh tế hợp tác xã, nhất là
trong nông nghiệp, mặc dầu còn gặp nhiều khó khăn, đã dần dần gây được cơ
sở, đã có tác dụng giáo dục, tác dụng khuyến khích nhất định đối với nông
dân lao động và những người làm nghề thủ công. Thành phần kinh tế tư nhân
của những người lao động và của những nhà tư sản cũng đang được cải tạo dưới
sự chỉ đạo của khu vực kinh tế quốc doanh và cũng đã đóng góp một phần quan
trọng vào việc khôi phục và phát triển nền kinh tế quốc dân. Một thắng lợi
căn bản mà chúng ta vừa làm được là việc hoàn thành cải cách ruộng đất ở
miền Bắc, thanh toán chế độ chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ, đem
ruộng đất chia cho dân cày. Điểm lại Hiến pháp năm 1946 của ta, không có mục
nào nói đến tổ chức kinh tế, nay cần phải bổ sung vào để tỏ rõ tính chất
kinh tế của ta trong chế độ dân chủ nhân dân tiến lên xã hội chủ nghĩa.
4. Đối với nghĩa vụ và
quyền lợi của công dân, Hiếp pháp năm 1946 của ta còn có những điểm cần phải
cụ thể hơn về các giới, các tầng lớp nhân dân, các dân tộc trong nước trên
các phương diện quyền tự do dân chủ, tự do cá nhân, quyền tư hữu tài sản,
quyền lợi chính trị, quyền lợi xã hội và lao động, quyền lợi văn hóa và giáo
dục, quyền tự do tín ngưỡng, quyền lợi của phụ nữ, nhi đồng và thanh niên,
quyền lợi của dân tộc thiểu số v.v..
5. Về nhiệm vụ và quyền
hạn của Nghị viện nhân dân và quyền hạn của Chính phủ phụ trách trước Quốc
hội, bản Hiến pháp 1946 của ta, trong chương III và chương IV đã có nhắc đến
những điểm kể trên. Những ngày kháng chiến, vì nhu cầu của tình thế, chúng
ta đã làm việc một cách quyền biến. Hiện nay, sau hai năm hòa bình đã lập
lại, Hiến pháp của ta cần phải bổ sung những điểm cụ thể hơn để nêu rõ vai
trò của Quốc hội, một cơ quan quyền lực tối cao của Nhà nước và nhiệm vụ
cùng quyền hạn của Chính phủ phụ trách trước Quốc hội. Do đó, sự quan hệ
giữa Chính phủ với Quốc hội cũng như giữa Chính phủ với Ban Thường trực Quốc
hội hay Ban Thường vụ nghị viện mới được rõ ràng.
6. Về Hội đồng nhân dân,
Hiến pháp 1946 của ta Điều 59 và 60 chỉ mới nêu lên một cách sơ sài, nay cần
phải nêu rõ nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng nhân dân và quan hệ giữa Hội
đồng nhân dân với Uỷ ban hành chính cũng như giữa Hội đồng nhân dân với Tòa
án địa phương.
7. Về cơ quan tư pháp,
Hiến pháp 1946 của ta chưa nêu rõ Quốc hội đối với tư pháp, sự kiểm soát
việc thi hành kỷ luật, định quyền hạn nhiệm vụ rõ rệt của các cơ quan tư
pháp để cơ quan này có thể làm tròn nhiệm vụ và giữ đúng vai trò của nó.
Hiến pháp của ta một khi sửa đổi cần phải quy định rõ rệt hơn về tổ chức tòa
án và Ban Tổng Thanh tra của Chính phủ, sự quan hệ giữa Quốc hội và hai tổ
chức kể trên cũng như giữa Chính phủ (kể cả Bộ Tư pháp, Bộ Công an) và hai
tổ chức đó.
8. Về quyền hạn của nhân
dân đối với Hội đồng nhân dân và Quốc hội, Hiến pháp năm 1946 của ta, trong
chương II, mục C và chương V đã có nói đến những quyền bầu cử, quyền bãi
miễn và quyền phúc quyết của nhân dân; nhưng nay vẫn cần phải bổ sung đầy đủ
hơn để nêu rõ quyền hạn của nhân dân đối với các cơ quan dân cử và quyền hạn
của Hội đồng nhân dân và Quốc hội đối với tất cả các cơ quan Nhà nước khác,
để chứng tỏ nhân dân ta thực sự tham gia quản lý Nhà nước, trên nguyên tắc
dân chủ tập trung.
Trở lên trên, chúng tôi
mới nêu ra một số điểm chính trong bản Hiến pháp của ta đã đến lúc cần phải
soát lại, mà không đi sâu vào chi tiết.
III.
ĐỀ NGHỊ SỬA ĐỔI HIẾN PHÁP
Những lý do kể trên đã
nói lên việc sửa đổi Hiến pháp năm 1946 của ta đặt thành vấn đề trước dư
luận nhân dân cũng như trước Quốc hội.
Như trên đã nói, Hiến
pháp phải phản ánh trung thành tình hình kinh tế, chính trị và xã hội của
một nước trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Nó xác định phương hướng
tiến lên, nhưng phải xây dựng trên thực trạng xã hội hiện tại. Cố nhiên
chúng ta không thể theo phương hướng lạc hậu của các nước dân chủ tư sản.
Nhưng chúng ta cũng không thể rập kiểu hoàn toàn Hiến pháp các nước xã hội
chủ nghĩa mà tình hình kinh tế, chính trị và xã hội đã vượt khỏi ta.
Trong hoàn cảnh nước ta
chưa được thống nhất hiện nay, việc định ra Hiến pháp mới chưa thể làm được,
nên vấn đề đặt ra là sửa đổi, bổ sung bản Hiến pháp năm 1946 để thích hợp
với điều kiện thực tế của nước nhà hiện nay.
Những điểm chính mà
chúng tôi nêu lên là:
- Xác nhận chính quyền
dân chủ nhân dân tiến lên xã hội chủ nghĩa.
- Xác định nền kinh tế
dân chủ nhân dân.
- Định rõ quyền lợi của
các tầng lớp nhân dân và các dân tộc thiểu số.
- Nêu rõ vai trò của
Quốc hội và nhiệm vụ cùng quyền hạn của Chính phủ phụ trách trước Quốc hội
và định rõ quan hệ giữa Chính phủ với Ban Thường trực Quốc hội hay Ban
Thường vụ nghị viện sau này.
- Nêu rõ vai trò của Hội
đồng nhân dân.
- Định rõ nhiệm vụ và
quyền hạn của cơ quan tư pháp.
- Nêu rõ quyền hạn của
nhân dân đối với Hội đồng nhân dân và Quốc hội.
Ban Thường trực Quốc hội
đề nghị Quốc hội thông qua đề nghị sửa đổi Hiến pháp, giao cho một tiểu ban
nghiên cứu việc sửa đổi Hiến pháp, đề ra dự án sửa đổi Hiến pháp để đem
trình Quốc hội.