VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

BÁO CÁO BỔ SUNG
CỦA BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA I
VỀ VIỆC KIỆN TOÀN TỔ CHỨC QUỐC HỘI
1

 

Thưa các đại biểu,

Từ ngày Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thành lập, cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam đã thu được những thắng lợi to lớn: nửa nước ta ở miền Bắc đã được hoàn toàn giải phóng, chế độ chiếm hữu của giai cấp địa chủ phong kiến căn bản đã vĩnh viễn bị xóa bỏ, chính quyền dân chủ nhân dân đã được củng cố, công việc khôi phục kinh tế và phát triển văn hóa đã có nhiều thành tích.

Nhưng ở miền Nam, Ngô Đình Diệm và bè lũ tay sai, tuân theo mệnh lệnh của đế quốc Mỹ, đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân và quyền lợi tối cao của dân tộc, đã cố tâm ngăn cản cuộc tổng tuyển cử tự do trong toàn quốc không thực hiện được đúng kỳ hạn như Hiệp định Giơnevơ đã quy định để thống nhất nước nhà.

Sự nghiệp giải phóng dân tộc chưa hoàn thành, nhân dân ta còn phải nỗ lực đấu tranh. Cuộc đấu tranh này là một cuộc đấu tranh lâu dài và gian khổ, nhưng nhân dân ta tin tưởng rằng cuộc đấu tranh của mình là chính nghĩa, chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là tốt đẹp; nhân dân ta tin tưởng vào Quốc hội nước
Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do toàn dân đã bầu ra sẽ kiên quyết làm tròn sứ mạng đưa cuộc đấu tranh của nhân dân ta đến những thắng lợi mới to lớn hơn nữa, để thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.

Để làm tròn nhiệm vụ nặng nề và vinh quang ấy, chúng ta cần kiểm điểm lại quá trình thành lập và hoạt động của Quốc hội để thấy rõ những nhân tố thành công, những thiếu sót và những điểm tuy thích hợp với thời kỳ kháng chiến lúc trước, nhưng đã trở nên không thích hợp với hoàn cảnh hòa bình ngày nay và do đó quyết định những điều cụ thể, kiện toàn tổ chức, cải tiến lề lối làm việc.

Thưa các đại biểu,

Quốc hội ta do cuộc tổng tuyển cử tự do năm 1946 bầu ra. Lúc ấy, phấn khởi trước những thắng lợi của Cách mạng tháng Tám vĩ đại thành công, và đồng thời căm giận thực dân Pháp trở lại xâm lăng đất nước, nhân dân ta từ Bắc chí Nam thiết tha yêu Tổ quốc, yêu dân chủ, và tự do, đã nô nức tham gia tổng tuyển cử. Tuy nhiều nơi ở Nam bộ, cuộc tuyển cử đã tiến hành trong khói lửa, nhưng hơn 90% cử tri trong toàn quốc đã bỏ thăm để bầu 333 đại biểu của mình, lập ra cơ quan tối cao của Nhà nước là Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Quốc hội duy nhất hợp pháp trên toàn lãnh thổ nước Việt Nam, có tư cách thực sự đại diện cho nhân dân Việt Nam.

Quốc hội đã xây dựng xong Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Mặc dầu gặp lúc Tổ quốc bị xâm lăng, chiến tranh kéo dài, Hiến pháp chưa được ban bố và thi hành, nhưng tinh thần tiến bộ của những điều ghi trong Hiến pháp đã được áp dụng trong khi quy định các tổ chức chính quyền các cấp và trong việc xây dựng các chủ trương và chính sách quan trọng của Nhà nước. Quốc hội đã thể theo ý nguyện của nhân dân, và vì lợi quyền tối cao của dân tộc, tự đảm nhiệm lấy nhiệm vụ lập pháp, đã thông qua các đạo luật đặc biệt quan trọng là Luật cải cách ruộng đất đã đẩy mạnh cuộc cách mạng phản phong ở nông thôn, tạo thêm điều kiện tốt cho cuộc kháng chiến chống thực dân mau thắng lợi.

Đại đa số các vị đại biểu Quốc hội chúng ta đã cùng với nhân dân đồng cam cộng khổ, tận tụy phục vụ nhân dân trong mọi ngành công tác. Nhiều vị đã hy sinh anh dũng trong kháng chiến, đem xương máu mình hòa lẫn với xương máu hàng vạn liệt sĩ của dân tộc để xây đắp hạnh phúc cho toàn dân. Và các vị hôm nay có mặt ở đây, sau bao nhiêu năm chiến đấu không ngừng vẫn cố gắng làm tròn trách nhiệm mà nhân dân ủy thác.

Trong hoàn cảnh chiến tranh, không có đủ điều kiện để Quốc hội sinh hoạt được một cách bình thường. Hiến pháp chưa ban bố và thi hành, Ban Thường trực Quốc hội chưa có nhiệm vụ và quyền hạn như nhiệm vụ quyền hạn của Ban Thường vụ đã ghi trong Hiến pháp. Chính quyền ta mới thành lập, lực lượng ta còn yếu mà phải chống với một đế quốc mạnh trên thế giới. Công việc kháng chiến cứu quốc đòi hỏi một sự tập trung quyền hạn đến cao độ để kịp thời ứng phó với mọi trường hợp cấp bách, cho nên Quốc hội đã quyết định giao trọng quyền cho Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, điều khiển cuộc kháng chiến toàn diện, Ban Thường trực Quốc hội có nhiệm vụ góp ý kiến với Chính phủ và phê bình Chính phủ. Cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã thắng lợi, hòa bình đã lập lại ở Đông Dương. Đó là những kết quả tốt đẹp chứng minh quyết định trên đây của Quốc hội là hoàn toàn đúng.

Trong lúc điều kiện đi lại, hội họp hết sức khó khăn, Ban Thường trực Quốc hội và Chính phủ hết sức cố gắng chuẩn bị và triệu tập Quốc hội họp khóa 3 ở Việt Bắc để thông qua Luật cải cách ruộng đất. Điều ấy tỏ rõ sự nhất trí giữa Ban Thường trực Quốc hội và Chính phủ, quan tâm đến đời sống của nhân dân và tôn trọng nguyên tắc dân chủ nhân dân của chế độ ta.

Qua những sự việc trên đây, chúng ta có thể kết luận rằng Quốc hội với nhân dân ta là nhất trí, Quốc hội với Chính phủ là nhất trí. Sự nhất trí ấy đã tăng thêm gấp bội sức mạnh của dân tộc quyết định những thắng lợi to lớn trong mấy năm vừa qua và đảm bảo trong tương lai cuộc đấu tranh của nhân dân ta nhất định sẽ thành công rực rỡ.

Những điều kiện làm việc trong chiến tranh khác với trong hòa bình. Trong hòa bình, chúng ta có nhiều điều kiện thuận tiện hoạt động. Trong hoàn cảnh hòa bình sinh hoạt của các tầng lớp nhân dân đòi hỏi thực hiện và phát triển dân chủ. Hoạt động của Quốc hội cũng cần quy định lại một cách bình thường, và tổ chức của Quốc hội cần phải phù hợp với nguyên tắc căn bản của nền dân chủ nhân dân. Có như thế Quốc hội mới có thể làm tròn trách nhiệm mà nhân dân ủy thác.

Đó là một điều cần thiết

Nhưng chúng ta không nên và không thể trong một lúc, trong một khóa họp mà giải quyết được tất cả các vấn đề một cách thật hoàn bị.

Trong thời gian từ nay đến lúc bản Hiến pháp đã thông qua năm 1946 được Quốc hội sửa đổi lại và ban hành cho phù hợp với những bước tiến bộ vượt bậc của nhân dân ta sau 10 năm đấu tranh thắng lợi, như bản báo cáo của Ban Thường trực Quốc hội đã trình bày trước các vị, thì Quốc hội nên quy định một số điều cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thường trực, của các đại biểu Quốc hội để tiến một bước, trên đường đi dần đến chỗ hoàn bị.

A. Ban Thường trực Quốc hội

Khóa thứ hai, Quốc hội đã quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thường trực Quốc hội như sau:

- Liên lạc với Chính phủ để góp ý kiến với Chính phủ và phê bình Chính phủ.

- Cùng với Chính phủ quyết định việc ban bố và thi hành Hiến pháp.

- Liên lạc với các đại biểu và triệu tập Quốc hội khi cần thiết.

- Cùng với Chính phủ quyết định sự tuyên chiến và đình chiến hoặc ký hiệp ước với nước ngoài.

Trong công tác thực tế hàng ngày, nhiệm vụ thứ nhất trong bốn nhiệm vụ kể trên đã quyết định tính chất của mối quan hệ giữa Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội.

Để làm nhiệm vụ “góp ý kiến với Chính phủ và phê bình Chính phủ”, Ban Thường trực Quốc hội đã cử người tham gia các phiên họp Hội đồng Chính phủ và các tiểu ban kinh tế tài chính, nội chính, văn xã của Chính phủ và đã góp nhiều ý kiến xây dựng.

Nhưng như trên đã nói, hòa bình đã được lập lại, Quốc hội phải hoạt động một cách bình thường, thì nhiệm vụ của Ban Thường trực Quốc hội quy định như trước không còn thích hợp nữa và lề lối làm việc vừa kể trên cũng không còn là hợp lý nữa.

Thật vậy, sự phân nhiệm chưa rõ ràng, thì trong lúc Quốc hội không họp, Ban Thường trực chưa có quyền hạn thay mặt Quốc hội. Công việc lập pháp không có cơ quan phụ trách theo dõi. Trái lại công việc hành chính đã có Chính phủ là cơ quan phụ trách thì đặt cho Ban Thường trực Quốc hội nhiệm vụ “góp ý kiến với Chính phủ” là một sự không cần thiết.

Chế độ chúng ta là chế độ dân chủ thực sự của nhân dân, Quốc hội là cơ quan tối cao, và có quyền lập pháp duy nhất của Nhà nước.

Trong lúc Quốc hội không họp, việc làm luật Quốc hội không thể giao cho một cơ quan nào khác đảm nhiệm được. Tuy nhiên, công việc của Nhà nước bất thường đòi hỏi giải quyết những vấn đề quan trọng, không thể chờ đến ngày Quốc hội họp, cho nên Quốc hội cần giao cho Ban Thường trực Quốc hội quyền biểu quyết các đạo sắc luật (pháp lệnh) có giá trị tạm thời thay những đạo luật của Quốc hội. Những đạo sắc luật mà Ban Thường trực Quốc hội biểu quyết, tất nhiên phải được đem trình Quốc hội trong khóa họp gần nhất để Quốc hội xét và chuẩn y hay bác bỏ.

Trong khi chấp hành công việc của Nhà nước, có lúc Chính phủ xét cần phải lựa chọn thêm hay thay đổi cho hợp lý hơn các vị trong Chính phủ. Nếu phải chờ đến lúc Quốc hội họp để đề nghị Quốc hội xét và thông qua, thì sự chậm trễ trong việc sắp xếp ảnh hưởng không tốt đến công việc. Nếu Quốc hội giao cho Ban Thường trực Quốc hội quyền biểu quyết những đề nghị của Chính phủ về những việc trên trong lúc Quốc hội không họp thì chúng ta sẽ giải quyết được vấn đề ấy một cách tốt đẹp.

Ở đây chúng tôi chỉ nêu mấy việc chính quan trọng. Những việc này chúng ta chưa thực hiện được trong thời gian kháng chiến, nhưng ngày nay trong hoàn cảnh hòa bình, không những chúng ta có điều kiện thực hiện được, mà hơn nữa, lại là điều cần thiết phải thực hiện.

B. Đại biểu Quốc hội

Nhiệm vụ và quyền hạn các đại biểu Quốc hội đã được ghi trong Hiến pháp. Đại biểu chúng ta có nhiệm vụ hiểu rõ tình hình sinh hoạt của nhân dân, ý kiến và nguyện vọng của nhân dân. Tuy nhiên cho đến ngày nay chúng ta chưa quy định một cách cụ thể công việc phải làm để các đại biểu làm trọn nhiệm vụ trên, cho nên, có nhiều vị đại biểu tuy hàng ngày tiếp xúc với các tầng lớp nhân dân rất nhiều nhưng vì công tác hàng ngày của mình quá bận không về gặp nhân dân địa phương đã bầu ra mình được, và tự lấy làm lo lắng. Chúng tôi đề nghị Quốc hội quy định mỗi năm hai kỳ các đại biểu Quốc hội sẽ về địa phương tiếp xúc với nhân dân để tăng thêm quan hệ tốt giữa nhân dân và các đại biểu Quốc hội.

Ban Thường trực Quốc hội cũng xin đề nghị Quốc hội quyết định việc cấp cho các đại biểu huy hiệu đại biểu Quốc hội và phụ cấp đại biểu Quốc hội để các đại biểu Quốc hội có thêm phương tiện làm việc.

C. Tuyển cử bổ sung

Sau hết chúng tôi xin trình bày việc tuyển cử bổ sung các đại biểu đã khuyết.

Trải qua 10 năm đấu tranh gian khổ, đặc biệt là trong cuộc kháng chiến trường kỳ, Quốc hội ta đã khuyết một số đại biểu khá đông. Cuộc tổng tuyển cử trong toàn quốc năm 1946 đã bầu ra 333 vị đại biểu. Hiện nay nhiều vị đã hy sinh, một số khác hiện mất tích. Căn cứ tài liệu mới nhất, số đại biểu toàn quốc chúng ta chỉ còn 244 vị. Thiếu một số đại biểu, Quốc hội ta thiếu một phần đóng góp của nhân dân. Trên thế giới, bất cứ nước nào, lúc khuyết một vị đại biểu Quốc hội hay một nghị viên, thì người ta tổ chức ngay tuyển cử ở nơi đơn vị đã bầu ra vị đại biểu đã khuyết ấy, để bầu vị khác thay thế.

Trong mấy năm kháng chiến chúng ta chưa có đủ điều kiện để tổ chức những cuộc tuyển cử các đại biểu thay thế cho các vị đã khuyết. Sau ngày hòa bình được lập lại, ở nông thôn, cách mạng phản phong đang tiến hành mãnh liệt, cho nên hoàn cảnh cũng chưa thuận tiện. Nhưng ngày nay, lúc công tác sửa sai sẽ làm xong, tình hình nông thôn sẽ ổn định, chúng ta cần tổ chức cuộc tuyển cử bổ sung các đại biểu đã khuyết từ 17 vĩ tuyến trở ra để số đại biểu chúng ta thêm đông, tăng thêm tính chất đại diện thực sự nhân dân của Quốc hội.

Hơn nữa, những công dân có đức, tài, xuất hiện trong quá trình đấu tranh vĩ đại của dân tộc, được nhân dân tín nhiệm và bầu ra thay cho các vị đã khuyết trong Quốc hội sẽ làm cho Quốc hội chúng ta có thêm nhiều nhân tài đảm đương việc nước.

Chúng ta vẫn biết rằng, việc tuyển cử bổ sung chỉ thực hiện được ở miền Bắc, và trong số các đại biểu miền Nam ở trong Quốc hội ta vẫn còn có một số vị đã khuyết chưa có người thay thế. Việc ấy là một điều đáng tiếc. Công luận sẽ lên án những kẻ đã cố tâm chia cắt đất nước và nhân dân ta sẽ nỗ lực đấu tranh đòi thực hiện tổng tuyển cử tự do để thống nhất nước nhà.

Thưa các đại biểu !

Sau đây là dự án nghị quyết cụ thể hóa những điều đã trình bày ở trên.

NGHỊ QUYẾT:

Trong khi chờ đợi Hiến pháp được sửa đổi và ban bố, Quốc hội quy định những điều cụ thể sau đây:

A. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Thường trực Quốc hội

Trong khi Quốc hội không họp, Ban Thường trực Quốc hội có quyền:

1. Biểu quyết các sắc luật. Những dự thảo sắc luật của Chính phủ đưa trình bày trước Ban Thường trực Quốc hội, Quốc hội phải do một Bộ trưởng hay Thứ trưởng thuyết trình. Những sắc luật Ban Thường trực Quốc hội đã biểu quyết phải đem trình Quốc hội vào khóa họp gần nhất để Quốc hội ưng chuẩn hay bác bỏ. Những sắc luật được Quốc hội ưng chuẩn sẽ trở thành những đạo luật của Nhà nước.

2. Liên lạc với các đại biểu Quốc hội và triệu tập Quốc hội.

3. Biểu quyết những đề nghị của Chính phủ về việc lựa chọn và thay đổi các vị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và Thứ trưởng.

4. Cùng với Chính phủ quyết định việc ký hiệp ước với nước ngoài.

5. Ban Thường trực Quốc hội tổ chức như sau:

a) Tổng số các ủy viên trong Ban Thường trực Quốc hội là: 15 ủy viên, gồm có:

1 Uỷ viên trưởng ban.

2 Uỷ viên phó trưởng ban.

3 Uỷ viên thư ký và các ủy viên thường.

b) Các ủy viên trong Ban Thường trực Quốc hội không được giữ chức vụ trong Chính phủ.

c) Ban Thường trực Quốc hội có thể tổ chức các tiểu ban giúp việc theo nhu cầu công tác.

B. Nhiệm vụ, quyền hạn và quyền lợi của các đại biểu Quốc hội:

a) Để hiểu rõ tình hình và sinh hoạt của nhân dân, thu thập ý kiến và nguyện vọng của nhân dân, mỗi năm hai kỳ, các đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ đi tiếp xúc nhân dân địa phương đã bầu ra mình.

Các đại biểu già, yếu, hay quá bận công tác, hay vì điều kiện đặc biệt khác, thì có thể được miễn, hoặc sẽ đi tiếp xúc nhân dân một địa phương gần nơi mình cư trú.

Trong khi đi làm nhiệm vụ trên, đại biểu Quốc hội có thể trực tiếp với các Uỷ ban hành chính và các cơ quan địa phương. Uỷ ban hành chính và các cơ quan địa phương có nhiệm vụ giúp đỡ các đại biểu hiểu rõ tình hình.

Các đại biểu có thể tham gia Hội đồng nhân dân địa phương, gặp gỡ nhân dân, phỏng vấn nhân dân.

Trong khi làm công việc trên, nếu phát hiện vấn đề gì, các đại biểu không có quyền giải quyết. Các đại biểu sẽ báo cáo những ý kiến, nguyện vọng của nhân dân lên Ban Thường trực Quốc hội hoặc đưa cho Uỷ ban hành chính địa phương biết để giải quyết.

Phí tổn về việc đại biểu đi tiếp xúc nhân dân địa phương sẽ do Ban Thường trực Quốc hội đài thọ.

b) Mỗi đại biểu Quốc hội được cấp và mang một huy hiệu đại biểu Quốc hội.

c) Mỗi đại biểu Quốc hội hoặc có giữ hay không giữ một chức vụ có lương khác, đều được hưởng một khoản phụ cấp hàng tháng, kể từ tháng Giêng năm 1957.

C. Tuyển cử bổ sung các đại biểu đã khuyết

a) Từ 17 vĩ tuyến trở ra, sẽ tổ chức bầu cử các đại biểu Quốc hội thay cho các đại biểu đã khuyết tại các đơn vị tuyển cử có khuyết một hay nhiều đại biểu.

b) Việc tổ chức tuyển cử ấy sẽ theo đúng nguyên tắc và thể lệ hiện hành về tuyển cử.

c) Ngày tháng tiến hành bầu cử sẽ do Ban Thường trực Quốc hội và Chính phủ quyết định và Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà công bố.

Thưa các đại biểu Quốc hội!

Hiến pháp là luật căn bản của nước nhà. Tất cả mọi đạo luật quy định về tổ chức bộ máy Nhà nước phải căn cứ những nguyên tắc ghi trong Hiến pháp.

Ngày nay Hiến pháp ta cần được sửa đổi để phù hợp với những bước tiến của nhân dân ta, bản dự án quyết nghị mà chúng tôi đề nghị Quốc hội thông qua trong phiên họp này chỉ là để thực hiện thêm một bước trong công việc kiện toàn tổ chức của bộ máy Nhà nước thật hoàn bị, mà chúng ta chỉ có thể làm được sau khi Hiến pháp đã được sửa đổi và ban hành.

Trân trọng đề nghị Quốc hội xét và thông qua.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.


1. Bản gốc không ghi cụ thể ngày, tháng (BT).