VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 


 
BÁO CÁO
CỦA BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP THỨ 6, QUỐC HỘI KHÓA I
1

 

Thưa các đại biểu,

Thay mặt Ban Thường trực Quốc hội, tôi xin chào mừng các vị đại biểu Quốc hội.

Sau đây tôi xin báo cáo trước Quốc hội về:

1. Công tác của Ban Thường trực Quốc hội trong năm qua.

2. Tình hình trước mắt và nhiệm vụ đề ra.

Phần thứ nhất

Tôi xin báo cáo về công tác của Ban Thường trực Quốc hội.

Trước hết tôi xin nhắc lại là trong khoá họp thứ 2, Quốc hội đã giao cho Ban Thường trực Quốc hội mấy nhiệm vụ sau đây:

1. Liên lạc với Chính phủ để góp ý kiến với Chính phủ và phê bình Chính phủ.

2. Cùng với Chính phủ quyết định việc ban bố và thi hành Hiến pháp.

3. Liên lạc với các đại biểu Quốc hội và triệu tập Quốc hội khi cần thiết.

4. Cùng Chính phủ quyết định sự tuyên chiến, đình chiến hoặc ký hiệp ước với nước ngoài.

Công tác của Ban Thường trực Quốc hội phần chính là căn cứ theo các nhiệm vụ ấy.

Ban Thường trực Quốc hội đã cử đại biểu đi dự các phiên họp Hội đồng Chính phủ, các Ban bên cạnh Chính phủ, tham gia Uỷ ban Cải cách ruộng đất Trung ương để trực tiếp góp ý kiến với Chính phủ về các chủ trương, chính sách quan hệ đến quốc kế dân sinh.

Sau khoá họp Quốc hội lần thứ 5, Ban Thường trực Quốc hội đã gửi cho các đại biểu Quốc hội một bản thông tri nhắc các đại biểu tùy hoàn cảnh để báo cáo với nhân dân về kết quả của khoá họp Quốc hội. Một số đại biểu ở các địa phương đã làm nhiệm vụ này. Do đó, nghị quyết của khoá họp Quốc hội lần thứ 5 đã được phổ biến rộng rãi.

Trong những trường hợp đặc biệt, Ban Thường trực Quốc hội đã cử một số Uỷ viên Thường trực Quốc hội và đại biểu Quốc hội gia nhập các phái đoàn Quốc hội hay phái đoàn Quốc hội, Mặt trận và Chính phủ đi công tác ở các địa phương. Mỗi phái đoàn sau khi về đã báo cáo trước Ban Thường trực Quốc hội tình hình các nơi phái đoàn đến thăm và đều có đưa ra những đề nghị cụ thể gửi cho Chính phủ.

Đối với những sai lầm trong việc thực hiện cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức Ban Thường trực Quốc hội đã cùng Chính phủ nhận định tình hình và góp ý kiến với Chính phủ trong việc sửa chữa, Ban Thường trực Quốc hội chú ý đến những đại biểu Quốc hội đã bị liên lụy trong việc này, nên đã cùng Thủ tướng Chính phủ lập ra một ban điều tra từ tháng 9 đến tháng 11-1956, xét lại hồ sơ và đề nghị giải quyết. Ban điều tra đã làm việc có kết quả tốt.

Cũng trong dịp này, nhất là mấy tháng gần đây, Ban Thường trực Quốc hội nhận được nhiều đơn của các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là về những sai lầm trong cải cách ruộng đất và chỉnh đốn tổ chức. Ban Thường trực Quốc hội rất thông cảm với những việc đáng tiếc đã xảy ra cho một số cán bộ và nhân dân, nên đã nghiên cứu đề ra ý kiến và chuyển giao sang những cơ quan có trách nhiệm của Chính phủ để giải quyết.

Đối với việc đấu tranh thống nhất Bắc - Nam, Ban Thường trực Quốc hội đã biểu thị thái độ rõ rệt: năm ngoái, tiếp theo lời tuyên bố của Chính phủ, Ban đã họp hội nghị mở rộng và đã phát ra một bản tuyên bố đòi mở hội nghị hiệp thương và kêu gọi nhân dân toàn quốc đấu tranh thực hiện Hiệp định Giơnevơ. Các đại biểu Quốc hội, nhất là các đại biểu Quốc hội miền Nam, đã kế tiếp lên tiếng phản đối việc đối phương khủng bố nhân dân miền Nam vi phạm Hiệp định Giơnevơ, bầy ra trò “chống cộng tố cộng”, quốc hội bù nhìn và hiến pháp giả hiệu. Những tiếng phản đối mãnh liệt này đã có một tiếng vang đối với nhân dân miền Nam, củng cố lòng tin tưởng của nhân dân miền Nam trong cuộc đấu tranh giành thống nhất cho nước nhà.

Về phương diện quốc tế, Ban Thường trực Quốc hội cũng đã tiến hành nhiều công tác nhằm thắt chặt và phát triển tình hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước bạn. Cuối năm ngoái và đầu năm nay, theo đề nghị của Chính phủ, cụ Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đã dự lễ chúc thọ Chủ tịch nước Cộng hoà Dân chủ Đức là Vinhem Pích. Cũng trong dịp này, cụ Trưởng ban đáp lời mời của Ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc đã đi tham quan Trung Quốc. Tháng 7-1956, ông Phó trưởng Ban Thường trực Quốc hội theo đề nghị của Chính phủ, đã đi dự lễ Quốc khánh lần thứ 35 nước Cộng hoà Nhân dân Mông Cổ. Tháng 10 vừa qua, đáp lời mời của Xô viết tối cao Liên Xô, Ban Thường trực Quốc hội đã cử một đoàn đại biểu 10 người sang thăm Liên Xô. Đây cũng là thực hiện một nghị quyết của Quốc hội trong khoá họp thứ 5 tán thành đề nghị của Xô viết tối cao Liên Xô về việc trao đổi các phái đoàn Quốc hội giữa các nước. Nhân dịp này đoàn đại biểu Quốc hội ta đã trực tiếp đề nghị với Xô viết tối cao Liên Xô cử một đoàn đại biểu sang thăm Việt Nam.

Ngoài ra, đối với lời tuyên bố tài giảm binh bị của Xô viết tối cao Liên Xô, Ban Thường trực Quốc hội đã tranh thủ ý kiến một số đại biểu có mặt ở Hà Nội và đã trả lời cho Xô viết tối cao Liên Xô việc hưởng ứng nhiệt liệt của Ban, Ban Thường trực Quốc hội đã thể hiện ý chí hoà bình trước sau như một của nhân dân ta. Trong khoá họp này, chúng tôi sẽ đề ra Quốc hội tỏ rõ thái độ hoan nghênh nhiệt liệt lời kêu gọi của Xô viết tối cao Liên Xô.

Kiểm điểm lại quá trình công tác, Ban Thường trực Quốc hội nhận thấy có những ưu điểm:

Trong việc xây dựng các chủ trương chính sách đem lại lợi ích cho nhân dân, Ban Thường trực Quốc hội đã luôn luôn thống nhất với Chính phủ trong thời kỳ kháng chiến cũng như sau khi hoà bình đã lập lại. Nhờ sự nhất trí ấy mà chúng ta đã thu được những thành tích to lớn:

Chúng ta đã kiên quyết thực hiện Hiệp định Giơnevơ giữ vững cục diện hoà bình ở Việt Nam và Đông Dương. Ở miền Nam mặc dầu chính sách độc tài phát xít của Mỹ - Diệm âm mưu chia cắt đất nước lâu dài, đồng bào ta vẫn luôn luôn hướng về miền Bắc, tích cực đấu tranh bằng mọi hình thức cho sự nghiệp thống nhất.

Cuộc cách mạng phản phong kiến ở miền Bắc căn bản đã hoàn thành. Giai cấp địa chủ đã bị đánh đổ, ruộng đất đã về tay dân cầy, quan hệ sản xuất đã thay đổi. Cái ước vọng hàng ngàn năm của nông dân đã được thực hiện.

 Khi mới tiếp quản, chúng ta đứng trước một tình hình kinh tế bi thảm do địch để lại: ruộng đất bỏ hoang nhiều, nhân dân bị đói kém, số người thất nghiệp rất đông. Thế mà ngày nay nông nghiệp đã khôi phục gần bằng diện tích trước chiến tranh, sản lượng đã tăng nhiều. Mặc dầu gặp nhiều thiên tai, chúng ta đã khắc phục được nạn đói và đặc biệt năm nay chúng ta đã thu được những vụ lúa tốt. Các mặt công nghiệp, tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp, giao thông vận tải, mậu dịch trong và ngoài nước đều có tiến bộ rõ ràng, nạn thất nghiệp đã được Chính phủ đặc biệt chú ý và đã giải quyết được phần lớn. Vì nền kinh tế lạc hậu, vì nạn chiến tranh tàn phá, vì mọi mặt công tác còn thiếu kinh nghiệm, nên chúng ta còn gặp nhiều khó khăn. Chúng ta cần phải cố gắng hơn nhiều để cải thiện thêm đời sống cho nhân dân, cho cán bộ, công nhân, viên chức.

Đồng thời với việc khôi phục kinh tế, chúng ta đã bước đầu phát triển văn hoá. Bình dân học vụ và đại học đều tiến bộ về lượng cũng như về chất; các mặt hoạt động văn học văn nghệ khác, cũng đều đã thu được những kết quả bước đầu.

Sau nữa, sự nghiệp quốc phòng cũng được củng cố. Bộ đội chúng ta cùng công an và dân quân du kích giữ vững an ninh trật tự từ thành thị chí nông thôn. Bộ đội miền Nam tập kết ra cũng tích cực học tập chính trị và kỹ thuật và tham gia các công tác cùng đồng bào miền Bắc xây dựng đất nước.

Hoà bình mới lập lại được hai năm với tất cả sự phá hoại của địch, với những khó khăn do cuộc chiến tranh trường kỳ để lại, mà nhân dân ta đã bước một bước như thế, đó là thắng lợi căn bản.

Nhưng bên cạnh những thành tích đó, chúng ta đã có những thiếu sót trong việc thực hiện chính sách kinh tế tài chính, chính sách quản lý hộ khẩu, v.v. và nhất là đã phạm phải sai lầm nghiêm trọng trong việc thực hiện cải cách ruộng đất. Ban Thường trực Quốc hội đã không đi sát nhân dân, tìm hiểu nguyên nhân, kịp thời góp ý kiến với Chính phủ để việc sửa chữa sớm ngày nào bớt tổn thất cho nhân dân ngày ấy.

Cho đến việc xử trí không đúng một số đại biểu Quốc hội đồng thời với một số cán bộ và nhân dân, Ban Thường trực Quốc hội cũng thiếu điều tra nghiên cứu hay điều tra nghiên cứu chậm. Ban Thường trực Quốc hội rất thông cảm với các vị đại biểu, các cán bộ và nhân dân bị xử trí không đúng đó và xin thành thực tự phê bình và nhận phần trách nhiệm của mình trước Quốc hội, trước nhân dân.

Từ lúc thấy rõ sai lầm, Uỷ ban Cải cách ruộng đất Trung ương và các Bộ hữu quan trong Hội đồng Chính phủ đã nghiêm khắc tự phê bình và đề ra phương pháp sửa chữa. Ban Thường trực Quốc hội, do sự điều tra của mình, căn cứ vào sự phản ảnh của các đại biểu Quốc hội và các đơn từ của nhân dân cũng đã tích cực góp ý kiến với Chính phủ trong các phiên họp các Ban hay Hội đồng Chính phủ. Ban Thường trực Quốc hội đồng ý với Chính phủ trong việc thi hành kỷ luật đối với các nhân viên có trách nhiệm chính trong việc phạm sai lầm này.

Phần thứ hai

Tôi xin báo cáo về tình hình trước mắt và nhiệm vụ đề ra trong khoá họp Quốc hội lần thứ 6 này.

Trong khoá họp lần này, Quốc hội sẽ nghe Chính phủ báo cáo rõ về tình hình thế giới và trong nước, về mọi công tác của Chính phủ trong năm qua và dự án công tác trong năm tới như đã ghi trong giấy triệu tập. Ở đây chúng tôi chỉ nói sơ qua vài nét về tình hình và đề ra một vài vấn đề cần được Quốc hội nghiên cứu và giải quyết.

Hiện nay, hoàn cảnh thế giới và trong nước có những sự việc quan trọng mà mọi người đều để ý.

Ở quốc tế, chủ nghĩa xã hội đã thành một hệ thống thế giới và đương mạnh mẽ tiến lên. Bọn thực dân đế quốc để duy trì chế độ áp bức bóc lột của chúng đang cố tâm làm sống lại chủ nghĩa thực dân ở Ai Cập và dúng tay gây rối loạn ở Hunggari. Âm mưu của chúng đang bị nhân dân các nước lột trần và dư luận thế giới lên án.

Chúng ta đứng trong phe hoà bình dân chủ. Phe ta mạnh tức là ta mạnh. Việc xây dựng miền Bắc vững mạnh bên sự cố gắng của nhân dân ta, đã được sự giúp đỡ vô tư của các nước bạn, nên từ một năm nay ta đã thu được một số thành tích lớn và đang đứng trước một triển vọng tốt đẹp.

Ở trong nước, việc đấu tranh thống nhất nước nhà đương gặp nhiều khó khăn do lực lượng phản động từ ngoài nước và trong nước gây ra. Nhưng nhân dân ta, nhất là nhân dân miền Nam đang đấu tranh mãnh liệt để phá tan mưu mô đen tối của địch.

Tại miền Bắc, những khuyết điểm sai lầm đã phạm phải đang được tích cực sửa chữa. Sau khi chúng ta đã sửa chữa những sai lầm rồi thì quan hệ sản xuất mới sẽ là một đà thúc đẩy mạnh mẽ cho sản xuất và cải tạo nông thôn.

Hiện nay những chỗ làm tốt công tác sửa sai đã thu được những kết quả nhất định. Quốc hội chúng ta họp lần này sẽ nghiên cứu tình hình và nguyên nhân của các sai lầm khuyết điểm, giúp vào việc tiếp tục sửa chữa mà mỗi đại biểu chúng ta đều có trách nhiệm.

Trong khóa họp này, đứng về mặt Ban Thường trực Quốc hội, chúng tôi xin đặt ra hai vấn đề sau này:

Trước hết là việc sửa đổi Hiến pháp: Như chúng ta đã biết, bản Hiến pháp đầu tiên của ta đã do Quốc hội thông qua hồi tháng 11-1946 lúc mà ở miền Nam thực dân Pháp đã gây lại cuộc chiến tranh xâm lược và ở miền Bắc một bọn Việt gian phản động đang dựa vào thế lực quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch mà phá rối trị an. Kế đó cuộc toàn quốc kháng chiến bùng nổ, Hiến pháp cho đến nay vẫn chưa được ban hành. Tuy trên thực tế tinh thần Hiến pháp đã được áp dụng trong dân gian, nhưng trên bước tiến của nhân dân ta, bản Hiến pháp ấy đã có những điểm không hợp thời, thiếu rõ rệt.

Ban Thường trực Quốc hội đề ra từ lâu vấn đề tu chỉnh Hiến pháp, được nhiều vị đại biểu tán thành, nhưng hoàn cảnh chưa cho phép thực hiện được.

Đến nay hoà bình đã được lập lại, cuộc cách mạng phản đế phản phong đã căn bản hoàn thành ở miền Bắc. Đó là một thay đổi lớn về chính trị, kinh tế và xã hội. Bước tiến bộ ấy cần được ghi vào Hiến pháp. Cho nên Hiến pháp cần được sửa đổi và ban hành để làm căn cứ cho mọi pháp luật Nhà nước. Đề ra việc sửa đổi Hiến pháp lúc này, chúng tôi thấy là việc cần thiết. Chúng tôi sẽ có bản đề án bổ sung về vấn đề sửa đổi Hiến pháp.

Vấn đề thứ hai là việc kiện toàn tổ chức Quốc hội: Quốc hội chúng ta bầu ra từ năm 1946 với nhiệm vụ lập hiến. Quốc hội bầu ra chưa đầy một năm và mới họp được hai khoá thì cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Trong các khoá họp thứ 2 và thứ 3 Quốc hội đã thông qua 2 đạo luật là Luật lao động và Luật cải cách ruộng đất. Thế thì vì tình hình đặc biệt mà Quốc hội ta đã mặc nhiên làm nhiệm vụ lập pháp.

Nay hoà bình đã lập lại, chúng ta cần xác định lại nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội một cách chính thức và cho rõ ràng hơn.

Trong quá trình 8, 9 năm kháng chiến, một số đại biểu Quốc hội chúng ta hoặc vì đã hy sinh, hoặc vì lẽ này lẽ khác đã vắng mặt mất gần 1/3 (nay còn 244/333). Để đủ tiêu biểu cho các tầng lớp nhân dân, để thêm nhân tài vào Quốc hội chúng ta cần phải bổ sung số đại biểu đã thiếu.

Khi bầu ra Ban Thường trực Quốc hội trong khóa 2, là lúc thực dân Pháp đang cố tình gây hấn, Quốc hội đã dự kiến chiến tranh có thể xảy ra nên đã tạm thời giao cho Ban Thường trực Quốc hội một số nhiệm vụ nhất định thích hợp cho thời kỳ kháng chiến.

Nay hoà bình đã lập lại, Ban Thường trực Quốc hội có điều kiện hơn trước để bảo đảm công việc thay thế cho Quốc hội trong khi Quốc hội không họp. Vì thế công tác của Ban Thường trực Quốc hội cũng cần được quy định cụ thể hơn.

Sau nữa, trong thời kỳ kháng chiến, tối đại đa số các vị đại biểu Quốc hội đã đảm nhiệm mỗi người mỗi công tác quan trọng, hoặc trong chính quyền, hoặc trong các đoàn thể nhân dân, hoặc trong các ngành chuyên môn, vì tình hình kháng chiến khẩn trương, vì hoàn cảnh giao thông khó khăn nên có nhiều đại biểu ít có điều kiện tiếp xúc với nhân dân tìm hiểu tình hình và thu thập nguyện vọng của nhân dân.

Nay hoà bình đã lập lại thì nhiều đại biểu có thể có hoàn cảnh hơn để tiếp xúc với dân chúng. Vì thế Quốc hội cần phải quy định công tác và cung cấp phương tiện để các đại biểu có thể làm nhiệm vụ đại biểu của mình.

Nói tóm lại trước kia vì hoàn cảnh kháng chiến, nay vì bọn Mỹ Diệm mưu mô chia cắt đất nước lâu dài, vi phạm Hiệp định Giơnevơ nên cuộc tổng tuyển cử thứ hai trong cả nước chưa thực hiện được. Chúng ta cần phải kiện toàn Quốc hội bằng cách bổ sung các đại biểu đã khuyết. Và để công tác Quốc hội thích hợp với tình hình hiện thời cần có những quy định cụ thể.

Bổ sung Quốc hội như thế nào, công tác của Ban Thường trực Quốc hội như thế nào, quyền hạn, nhiệm vụ và phương tiện của các đại biểu Quốc hội như thế nào, chúng tôi sẽ trình bày trong bản đề án bổ sung về kiện toàn tổ chức Quốc hội.

Thưa các đại biểu,

Tôi đã báo cáo công tác của Ban Thường trực Quốc hội và đã đặt ra trước Quốc hội những vấn đề quan trọng để thảo luận và giải quyết. Mỗi lần Quốc hội chúng ta họp là đã ghi một bước tiến của nhân dân ta. Lần này khoá họp cũng có ý nghĩa quan trọng của nó.

Trước khi Quốc hội họp nhiều vị đại biểu đã gửi thơ cho Ban Thường trực Quốc hội góp nhiều ý kiến xây dựng cho khóa họp. Ban Thường trực Quốc hội cũng có tiếp một số thư của nhân dân tỏ bày nguyện vọng của mình đối với khoá họp. Sự quan tâm của các vị đại biểu cũng như của nhân dân bảo đảm thành công của hội nghị. Ban Thường trực Quốc hội rất hoan nghênh ý kiến của các vị đại biểu và của nhân dân đã đặc biệt chú ý đến Quốc hội lần này.

Chế độ của ta là một chế độ rất tốt đẹp phù hợp với nguyện vọng của tối đại đa số nhân dân và cũng đúng theo trào lưu tiến bộ của nhân loại. Nó đang tiến lên đến chỗ hoàn mỹ.

Quốc hội chúng ta là một Quốc hội vinh quang. Toàn dân đã bầu ra nó và đã đặt tin tưởng vào nó. Trong 8, 9 năm kháng chiến và 2 năm hoà bình, Quốc hội và Chính phủ đã luôn luôn nhất trí trong mọi sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc.

Vì ta còn thiếu kinh nghiệm nên trong lúc tiến hành công tác đã phạm những thiếu sót và sai lầm, hạn chế những thành tích của chúng ta.

Chúng ta dũng cảm tự phê bình về các khuyết điểm của chúng ta và tích cực sửa chữa các sai lầm và phát huy thành tích. Điều đó chúng ta đã bắt đầu làm và đã thu được một số kết quả. Chúng ta tích cực hơn thì kết quả sẽ lớn hơn nữa.

Nhân dân ta rất yêu nước, yêu dân chủ, yêu hoà bình và rất tin tưởng vào chính quyền, đại biểu Quốc hội ta qua 10 năm chọn đá thử vàng là những đại biểu đã có những cống hiến xứng đáng với lòng tín nhiệm của nhân dân.

Chúng ta hãy cùng Chính phủ và toàn thể nhân dân tích cực sửa chữa sai lầm, phát huy thành tích, đặt tin tưởng vào tương lai và mạnh dạn bước tới.

Khó khăn còn nhiều nhưng với sự quyết tâm, sự cố gắng nhất định chúng ta sẽ vượt qua.

Khoá họp này sẽ quyết định thêm một bước tiến của chúng ta, nhân dân toàn quốc đương chờ đợi sự nỗ lực của chúng ta.

Chúng ta nhất định làm cho khoá họp thắng lợi.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.


1. Bản gốc không đề rõ ngày (BT).