VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960


 
BÀI NÓI CHUYỆN CỦA CỤ TÔN ĐỨC THẮNG
QUYỀN TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI
1

 

Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được toàn dân bầu ra đến nay đã bước sang năm thứ mười.

Lần này là lần đầu tiên, chúng ta làm lễ kỷ niệm tổng tuyển cử ở Thủ đô Hà Nội giải phóng sau 8, 9 năm kháng chiến gian khổ và anh dũng và sau những thắng lợi lớn về quân sự và ngoại giao.

Quốc hội chúng ta biểu hiện ý chí thống nhất của toàn thể nhân dân ta từ Bắc chí Nam, từ miền xuôi đến miền ngược, không phân biệt tôn giáo, chính kiến. Chúng ta thấy trong hàng ngũ Quốc hội các đại biểu Nam bộ, Trung bộ, Bắc bộ; chúng ta thấy đại biểu các đảng phái chính trị, các đoàn thể nhân dân, các dân tộc, các tôn giáo cộng tác với nhau, đã đồng tâm nhất trí trong ba khóa họp để giải quyết những vấn đề căn bản quan hệ đến quốc kế dân sinh như thành lập Ban Hiến pháp, bầu ra Chính phủ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, thông qua Luật lao động, thông qua Luật cải cách ruộng đất.

Chúng ta còn nhớ cuộc tổng tuyển cử của ta đã thực hiện trong một hoàn cảnh phức tạp và khó khăn. Ở Bắc, một bọn phản động đã dựa vào thế lực quân đội Tưởng Giới Thạch để phá rối, nhưng kết quả nhân dân ta đã đi bỏ phiếu từ 75 đến hơn 90% và từ 80% trở lên số cử tri đã bỏ phiếu bầu ra những người thay mặt cho họ. Đặc biệt ở Hà Nội, gần 100% cử tri đã bỏ phiếu cho Hồ Chủ tịch. Ở Nam bộ, tình hình có khó khăn hơn. Thực dân hiếu chiến Pháp lúc bấy giờ đã mở cuộc tấn công chiếm nhiều thành phố Nam bộ và miền Nam Trung bộ. Nhưng cuộc tàn sát, khủng bố diễn ra khắp nơi, nhất là vào ngày tổng tuyển cử. Thế mà nhân dân miền Nam bất chấp những lời tuyên truyền đe dọa của địch, bất chấp cả những làn súng đạn của địch, kéo nhau đến chỗ bầu cử để lựa chọn các người thay mặt cho mình trong Quốc hội. Một số cử tri đã anh dũng hy sinh trong cuộc tổng tuyển cử ấy.

Quốc hội chúng ta đã do một cuộc đấu tranh mãnh liệt của toàn thể nhân dân mà thành lập ra.

Nhân dân Việt Nam đều thấy rằng: Bắc, Trung, Nam là một nhà, đất nước Việt Nam không thể chia cắt được. Vì thế, mọi mưu mô chia cắt đất nước Việt Nam của đối phương đều lần lượt bị nhân dân phá tan.

Trong 8, 9 năm kháng chiến, đối phương đã bầy ra nhiều trò lừa bịp. Một mưu mô thâm độc mà cũng rất khờ khạo của chúng là tách Nam bộ ra khỏi Việt Nam. Lúc đầu kháng chiến, bọn cầm quyền thực dân đã dùng một vài tên tay sai hòng lập ra “nước Nam kỳ”. Nhưng mưu ấy đã bị chết yểu: đồng bào Nam bộ luôn luôn hướng về miền Bắc, đặt tin tưởng tuyệt đối vào Hồ Chủ tịch, vì Hồ Chủ tịch đã được Quốc hội đồng thanh uỷ cho quyền lập ra Chính phủ, một Chính phủ mạnh mẽ, hết lòng phục vụ nhân dân, được nhân dân hoàn toàn tín nhiệm và uy tín càng ngày càng tăng trong quá trình kháng chiến.

Quốc hội của ta lại tiêu biểu cho nền dân chủ chân chính. Cuộc phổ thông đầu phiếu đã được triệt để thực hiện. Tất cả công dân Việt Nam không phân biệt nòi giống, gái trai, giàu nghèo, tôn giáo, từ mười tám tuổi trở lên, đều có quyền bầu cử và ứng cử. Chính phủ dân chủ cộng hòa do Quốc hội bầu ra đã bảo đảm cho nhân dân nói quyền tự do dân chủ, tự do ngôn luận, tự do xuất bản, tự do tổ chức và hội họp, tự do tín ngưỡng, tự do cư trú, đi lại trong nước và ra nước ngoài. Tất cả quyền hành trong nước là của toàn thể nhân dân; đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện và đồng bào thiểu số, ngoài sự bình đẳng về quyền lợi, lại được giúp đỡ về mọi phương diện để chóng tiến bộ.

Chính sách dân chủ chân chính của ta đã phá tan thứ dân chủ giả hiệu mà đối phương dùng để lừa bịp nhân dân. Sau khi thất bại nhục nhã về mưu mô “chia cắt Nam kỳ”, đối phương đã dùng con bài độc lập và dân chủ giả hiệu hòng lừa bịp dân ta.

Chúng đã nhiều lần lập ra “hội đồng quốc gia”, bày ra trò “bầu cử”. Nhưng các “hội đồng quốc gia” do thực dân và bù nhìn chỉ định đã lần lượt tan rã và các cuộc “bầu cử” dẫu có áp lực của chúng nhưng cũng chỉ có ít nơi hưởng ứng. Có lúc một “hội đồng quốc gia” bù nhìn họp ở Sài Gòn làm quảng cáo tuyên truyền ầm ĩ, nhưng rốt cuộc mấy tên bán nước họp lại giành nhau xôi thịt, chửi rủa nhau một lúc mà không đi đến một kết quả gì. Nguyên nhân thất bại của chúng là vì bè lũ tay sai của đế quốc xâm lược là một lũ vô liêm sỉ, chỉ lo bợ đỡ quan thầy để kiếm chút cơm thừa canh cặn, còn sự thực chúng không đại biểu cho ai hết!

Trong lúc đó, Ban Thường trực Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Quốc hội bầu ra, luôn luôn ở bên cạnh Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, giúp đỡ ý kiến cho Chính phủ để xây dựng những chủ trương, chính sách đem lại quyền lợi cho nhân dân. Trong những giờ phút nghiêm trọng của lịch sử nước nhà, tiếng nói của Ban Thường trực Quốc hội đã có một sức mạnh động viên nhân dân, làm cho nhân dân tin tưởng thêm vào Chính phủ và tích cực tham gia mọi công việc kháng chiến và kiến quốc. Và cuối năm kia, mặc dầu trong hoàn cảnh kháng chiến, đường giao thông liên lạc khó khăn, Quốc hội cũng đã họp khóa thứ ba để thông qua một đạo luật quan trọng là Luật cải cách ruộng đất. Một số đông đại biểu miền Nam đã vượt suối, trèo đèo ra họp khóa họp ấy và hàng ngàn bức điện của mọi tầng lớp nhân dân toàn quốc đã gửi đến để hoan nghênh khóa họp lịch sử này.

Qua những việc kể trên, chúng ta thấy rằng: vì ý chí thống nhất của nhân dân ta nên mưu mô chia rẽ của đối phương đã bị thất bại, vì chính sách dân chủ chân chính của chúng ta nên thứ dân chủ giả hiệu của đối phương đã bị nhân dân phỉ nhổ.

Nhưng sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc của ta chưa hoàn toàn do bộ đội và nhân dân ta kháng chiến anh dũng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Hồ Chủ tịch, do chính sách Mặt trận của chúng ta đã đoàn kết được toàn dân thành một sức mạnh vô địch và do cuộc chiến tranh chính nghĩa của ta được nhân dân các nước bạn, nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới đồng tình và ủng hộ, nên đối phương đã phải cùng ta ký kết Hiệp định đình chiến tại Giơnevơ và hòa bình đã được lập lại ở Việt Nam và Đông Dương.

Nhưng hòa bình tuy đã lập lại mà chưa được củng cố, vì thống nhất chưa được thực hiện, và độc lập dân chủ chưa được hoàn thành trong cả nước. Cho nên chúng ta còn phải cố gắng nhiều nữa.

Hồ Chủ tịch đã dạy chúng ta: “So với đấu tranh vũ trang trong kháng chiến thì đấu tranh chính trị trong hòa bình cũng phải trường kỳ và gian khổ, mà còn gay go phức tạp hơn”. Đó là một điều mà chúng ta cần phải ghi nhớ.

Từ khi Hiệp định đình chiến có hiệu lực đến nay, Chính phủ và nhân dân ta đã chấp hành Hiệp định một cách nghiêm chỉnh. Ý chí thống nhất của nhân dân ta đã biểu hiện trong hòa bình cũng như trong kháng chiến. Chúng ta không hề có một hành động nào vi phạm Hiệp định.

Trái lại, đối phương đã không thi hành Hiệp định như thế. Nguyên nhân vì sao?

Hiện nay đế quốc Mỹ càng ngày càng trắng trợn trong việc phá hoại Hiệp định Giơnevơ. Một mặt chúng muốn hất cẳng Pháp, chiếm độc quyền ở Đông Dương, mong muốn Đông Dương thành thuộc địa của chúng. Chúng đã bắt ép Pháp ký Hiệp ước Manila, thành lập cái mà chúng gọi là “Khối phòng thủ Đông Nam Á”, nhưng sự thực là khối xâm lược Đông Nam Á. Một mặt khác đế quốc Mỹ đỡ đầu cho tên phản nước Ngô Đình Diệm bằng cách huấn luyện quân đội cho nó, giúp đỡ vũ khí cho nó, dù là một tên mà nhân dân Việt Nam đều phỉ nhổ. Bè lũ Ngô Đình Diệm được sự nâng đỡ của đế quốc Mỹ và các phần tử thực dân Pháp phá Hiệp định đã cố ý phá hoại hòa bình. Dưới áp lực của Mỹ, đối phương đã dung túng cho các hành động trái Hiệp định của bọn Ngô Đình Diệm, gây ra trong 4 tháng 8, 9, 10, 11-1954, 1.650 vụ khủng bố, giết hại 719 người, làm bị thương 3.398 người và bắt giam 11.010 người; ngoài ra, bè lũ Ngô Đình Diệm lại đốt phá nhà cửa, phá phách và cướp giật của cải nhân dân, kể ra không xiết.

Bọn Ngô Đình Diệm đang chà đạp lên quyền tự do dân chủ của đồng bào miền Nam. Từ sau Hiệp định đình chiến đến nay, chúng đã đóng cửa 12 tờ báo vì không xu nịnh chúng và bắt giam hơn 20 người thuộc các giới trí thức và tư sản chỉ vì các người ấy yêu chuộng hòa bình.

Một việc vi phạm Hiệp định nghiêm trọng nữa là việc cưỡng ép một số đồng bào miền Bắc di cư vào Nam. Lợi dụng tín ngưỡng của đồng bào công giáo, bè lũ Ngô Đình Diệm đã dùng những luận điệu xuyên tạc, đe doạ, cưỡng bách hàng chục vạn đồng bào ta phải bỏ ruộng vườn nhà cửa vào Nam để hoặc xung vào lính, hoặc làm nhân công đi ngoại quốc hay vào các đồn điền cao su. Hiện nay các đồng bào đó đang sống một cuộc đời vô cùng khổ sở và nhục nhã.

Đế quốc Mỹ và tay sai Ngô Đình Diệm sở dĩ cố ý phá Hiệp định đình chiến như thế là vì chúng muốn chia cắt đất nước chúng ta, phá hoại cuộc tổng tuyển cử tự do mà Hiệp định Giơnevơ đã quy định, bắt đồng bào miền Nam vĩnh viễn làm nô lệ cho chúng. Vì thế nên bấy lâu nay chúng chuẩn bị bày ra một Quốc hội miền Nam, muốn tách rời miền Nam ra để bóp chết các quyền tự do dân chủ để thực hiện chính sách độc tài ở trong đó. Nếu chúng có lập ra Quốc hội ấy thì đó sẽ là một tổ chức do chúng tạo ra với một bè lũ tay sai làm đầy tớ cho Mỹ mà không đại diện cho ai hết. Nhân dân Việt Nam chỉ biết có một Quốc hội do tự tay họ bầu ra và đã phục vụ cho quyền lợi của họ trong thời kỳ kháng chiến vừa qua cũng như trong thời kỳ hòa bình hiện tại và như thế cho đến khi thực hiện cuộc tổng tuyển cử trong toàn quốc để bầu ra Quốc hội mới.

Trước những mưu mô thâm độc và những hành động trắng trợn của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai Ngô Đình Diệm, chúng ta phải tỉnh táo đề phòng và kiên quyết đối phó lại.

Chúng ta nhất định tiếp tục chấp hành đúng Hiệp định đình chiến, đồng thời buộc đối phương phải đình chỉ những hành động vi phạm Hiệp định. Đối phương phải thực hiện các quyền tự do dân chủ ở miền Nam, gây một không khí thuận lợi cho cuộc tổng tuyển cử sau này.

Chúng ta quyết phá tan mưu mô chia cắt nước ta, mà bọn Ngô Đình Diệm, theo lệnh đế quốc Mỹ, muốn thực hiện.

Ở miền Bắc đồng bào ta phải tích cực phá tan âm mưu của bè lũ Ngô Đình Diệm cưỡng ép và dụ dỗ đồng bào ta vào Nam, hăng hái tham gia vào việc phục hồi kinh tế, tiếp tục thực hiện giảm tô và cải cách ruộng đất, ra sức tăng gia sản xuất, phát triển văn hoá, củng cố đời sống hòa bình, đặt liên hệ mật thiết với đồng bào miền Nam đang mong mỏi cùng đồng bào miền Bắc tiến tới tổng tuyển cử tự do để thống nhất nước nhà, xây dựng một quốc gia hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ.

Bộ đội của chúng ta phải ra sức học tập chính trị và luyện tập quân sự để củng cố quốc phòng, bảo vệ hòa bình, bảo vệ Tổ quốc.

Khối đoàn kết của nhân dân ta phải rộng rãi và chặt chẽ từ Bắc đến Nam. Hồ Chủ tịch đã nói: “Bất kỳ người nào, bất kỳ nhóm nào, nếu họ tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ, thì chúng ta cũng sẵn sàng, thật thà đoàn kết với họ”.

Trong kháng chiến mấy năm qua, chúng ta đã thắng vì chúng ta có sức mạnh của bộ đội, của khối đoàn kết toàn dân, chúng ta đã đoàn kết đấu tranh dưới sự lãnh đạo anh minh của Hồ Chủ tịch, lại được sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân các nước bạn và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới. Trong hòa bình hiện nay, chúng ta phải tăng cường lực lượng về mọi mặt để đi đến tổng tuyển cử thắng lợi.

Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa biểu hiện cho ý chí thống nhất của toàn thể nhân dân ta trên toàn bộ lãnh thổ ta.

Hiến pháp Việt Nam đã ghi: “Đất nước Việt Nam là một khối thống nhất Trung, Nam, Bắc không thể phân chia”.

Chủ quyền của Việt Nam là ở trong tay toàn thể nhân dân Việt Nam.

Chủ quyền ấy chúng ta nhất định phải bảo vệ mà có điều kiện bảo vệ được.

Chúng ta đã vượt mọi khó khăn, gian khổ để thực hiện cuộc tổng tuyển cử ngày 6 tháng 1 năm 1946. Cuộc tổng tuyển cử sau này dẫu có khó khăn, gian khổ, chúng ta cũng nhất định cố gắng vượt qua để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập, dân chủ trong cả nước.

VIỆT NAM HÒA BÌNH THỐNG NHẤT ĐỘC LẬP DÂN CHỦ MUÔN NĂM!

HỒ CHỦ TỊCH MUÔN NĂM!

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.


 

1. Bản gốc không ghi rõ ngày, tháng (BT).