Thưa các vị đại biểu,
Về việc Đoàn đại biểu của Chính phủ ta đi thăm ba nước bạn Trung Quốc, Mông
Cổ và Liên Xô, chắc nhiều vị đã rõ. Nhưng vì cuộc đi thăm ấy có ảnh hưởng
lớn đối với chính trị và kinh tế nước ta, cho nên tôi thấy cần báo cáo lại.
Trong những ngày ở các nước bạn, Đoàn đại biểu ta đi đến đâu cũng được Đảng,
Chính phủ và nhân dân các nước bạn đón tiếp cực kỳ long trọng và thân mật.
Có tai nghe mắt thấy cảm tình yêu mến nồng nàn của nhân dân các nước bạn đối
với nhân dân ta, thì càng thấm thía rằng chữ “Đại gia đình” hòa bình,
dân chủ và xã hội chủ nghĩa không phải chỉ là một danh từ đẹp, mà thật là
một khối đoàn kết chặt chẽ, một lực lượng vô địch.
Mục
đích cuộc đi thăm là nhằm củng cố thêm tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân
ta và nhân dân các nước bạn, và phát triển thêm sự hợp tác về chính trị,
kinh tế, văn hóa giữa các nước bạn và nước ta. Mục đích ấy đã hoàn toàn đạt
được.
Về chính trị:
Đoàn
đại biểu ta và các Chính phủ bạn đều nhất trí trong sự nhận định tình hình
thế giới, tình hình Đông Nam Á và tình hình Đông Dương, đều nhất trí về
phương pháp giữ gìn hòa bình.
Các nước bạn hoàn toàn ủng hộ ta trong cuộc đấu tranh đặng triệt để thi hành
Hiệp định Giơnevơ.
Những bản tuyên bố chung của Đoàn đại biểu ta và Chính phủ Liên Xô, Chính
phủ Trung Quốc đều nhất trí nhấn mạnh sự quan trọng của việc hiệp thương
giữa Chính phủ ta và chính quyền miền Nam theo đúng Hiệp định Giơnevơ để bàn
về việc chuẩn bị tổng tuyển cử tự do trong cả nước nhằm mục đích thống nhất
đất nước Việt Nam.
Về kinh tế:
Trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng chủ quyền và độc lập của ta, các nước bạn,
trước hết là Liên Xô và Trung Quốc giúp ta tiền bạc, máy móc và kỹ thuật để
ta khôi phục và phát triển kinh tế của ta.
Liên Xô
tặng ta 400 triệu đồng rúp trong 2 năm, giúp ta khôi phục và xây dựng 25 xí
nghiệp.
Trung Quốc
tặng ta 800 triệu đồng nhân dân tệ trong 5 năm, giúp ta làm lại các đường xe
lửa, bến tàu thủy, tu sửa cầu đường, xây dựng Nhà máy dệt, Nhà máy thuộc da,
Nhà máy làm giấy, v.v..
Liên Xô và Trung Quốc đều giúp ta đào tạo cán bộ chuyên môn, và phái các nhà
chuyên môn sang giúp ta.
Đồng thời, để mở mang việc buôn bán, ta và các nước bạn đã ký những hiệp
nghị mậu dịch.
Nước Cộng hòa Nhân dân Mông Cổ tặng ta một số thịt và một số bơ, một số cừu,
dê ta lập một nông trường chăn nuôi.
Các nước anh em khác, như Tiệp, Cộng hòa Dân chủ Đức, Ba Lan, Hunggari,
Rumani, Bungari, v.v. đều ra sức giúp ta.
Về văn hóa:
Đoàn đại biểu ta và các Chính phủ bạn đều đồng ý mở rộng hợp tác về văn hóa,
giáo dục, y tế. Liên Xô và Trung Quốc tặng những dụng cụ cần thiết cho văn
hóa và y tế, giúp ta một số giáo sư, đồng ý cho ta gửi một số cán bộ sang
học ở Liên Xô và Trung Quốc. Hiện nay nhân dân ta đang hoan nghênh các đoàn
văn công Trung Quốc, Triều Tiên và Anbani. Đoàn văn công ta thì đang được
nhân dân Ba Lan, Liên Xô và Trung Quốc hoan nghênh. Đó là bước đầu tốt đẹp
của sự trao đổi văn hóa giữa nước ta và các nước bạn.
Các nước bạn giúp ta một cách khẳng khái vô tư, như anh em giúp nhau, tuyệt
đối không có chút gì vụ lợi. Các nước bạn chỉ mong chúng ta cố gắng làm cho
nhân dân ta thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành thống nhất, nước ta mau
giàu mạnh, dân ta được ấm no.
Ta được các nước bạn giúp, tức là có thêm điều kiện để tự lực cánh sinh.
Chính phủ ta phải có kế hoạch để sử dụng hợp lý sự giúp đỡ ấy.
Cán bộ ta phải ra sức công tác, phải làm việc tốt với các chuyên gia bạn,
học tập kinh nghiệm tiên tiến của các nước bạn; phải bảo quản và sử dụng tốt
những máy móc và vật liệu các nước bạn đã giúp ta; phải chống tư tưởng ỷ
lại; phải nghiêm khắc chống bệnh quan liêu, lãng phí, tham ô.
Nhân dân ta phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và tiết kiệm về mọi mặt,
nhất là về sản xuất nông nghiệp, để trừ diệt nạn đói kém, để có lương thực
đầy đủ.
Mọi người mọi ngành đều cố gắng thi đua, thì kế hoạch khôi phục kinh tế của
ta nhất định hoàn thành được, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ta
dần dần được nâng cao; miền Bắc được củng cố vững mạnh; đồng bào miền Nam
càng thêm hăng hái đấu tranh, công cuộc xây dựng một nước Việt Nam hòa bình,
thống nhất, độc lập, dân chủ, và giàu mạnh nhất định sẽ thực hiện được.
Sau đây, tôi xin trả lời một câu hỏi: Vì sao chúng ta phải ra sức củng cố
miền Bắc thật vững mạnh để có thể chiếu cố miền Nam, chứ quyết không thể vì
muốn chiếu cố miền Nam mà hạ thấp yêu cầu của miền Bắc?
Lý do rất giản đơn. Như tôi đã có dịp trình bày trước Đại hội Mặt trận Tổ
quốc “Nền có vững, nhà mới chắc; gốc có mạnh, cây mới tốt”. Miền Bắc là nền
tảng, là gốc rễ lực lượng đấu tranh của toàn dân ta, cho nên chúng ta phải
làm cho nó thật vững mạnh, thật mạnh.
Xin nêu một thí dụ rất giản đơn khác: Trong công việc vận tải bằng xe lửa,
nếu đầu tầu yếu thì không thể chuyên chở nhiều. Muốn kéo nhiều toa, muốn chở
nhiều khách, muốn chuyển nhiều hàng, thì đầu tầu ắt phải thật chắc, thật
mạnh, thật tốt. Miền Bắc phải là cái đầu tầu thật vững thật tốt ấy để đưa
cuộc đấu tranh chính trị của nhân dân ta đến thắng lợi hoàn toàn.
Nhân dịp này, tôi đề nghị Quốc hội nhiệt liệt hoan hô sự giúp đỡ vô tư và
khẳng khái của các nước anh em ta.