Thưa Chủ tịch đoàn,
Thưa các vị đại biểu,
Trong khóa họp này Chính phủ có trình Quốc hội xét và Quốc hội có giao cho
Tiểu ban chúng tôi nghiên cứu các vấn đề thuộc Quốc kỳ, Quốc ca và Quốc huy,
tượng trưng cho cuộc chiến đấu giải phóng dân tộc, cho chế độ dân chủ cộng
hòa, cho Tổ quốc Việt Nam.
Sau khi nghiên cứu báo cáo của Chính phủ, thảo luận trong Tiểu ban, lấy ý
kiến của một số các vị đại biểu và của nhân dân, đồng thời cũng xét lại quá
trình xây dựng mẫu Quốc huy trong mấy năm nay, Tiểu ban chúng tôi xin trình
bày trước Quốc hội kết quả của việc nghiên cứu đó như sau:
1. Vấn đề quy định rõ một vài chi tiết về Quốc kỳ
Tiểu ban chúng tôi hoàn toàn đồng ý với đề nghị của Chính phủ quy định rằng
hình những cánh sao của Quốc kỳ sẽ thon lại, năm nét thẳng đều nhau. Tiểu
ban chúng tôi cũng nhận thấy rằng những nét vẽ thẳng, trông đẹp hơn, khỏe
hơn là những cánh sao gốc rộng. Vả lại trong thực tế, nhân dân từ trước đến
nay vẫn vẽ ngôi sao với cánh hình thon và ngôi sao vàng xuất hiện năm 1940 ở
Nam kỳ và ngày 17-8-1945 ở Thủ đô cũng hình thon. Bởi vậy Tiểu ban chúng tôi
đề nghị Quốc hội thông qua bản dự án quy định về Quốc kỳ của Chính phủ.
2. Vấn đề sửa lời của bài Quốc ca
Chính phủ đề nghị Quốc hội cho sửa một vài chỗ về lời của bài Quốc ca. Tiểu
ban chúng tôi đã nghiên cứu và thảo luận những đề nghị của Chính phủ theo
hai nguyên tắc sau đây:
a) Tôn trọng ý nghĩa và tính chất lịch sử của bài Quốc ca. Lịch sử bài Tiến
quân ca đã dính liền với cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân ta, trong
những ngày thành lập khu giải phóng chuẩn bị tổng khởi nghĩa. Vì cần giữ
nguyên tính chất lịch sử của bài Quốc ca cho nên lời ca, nếu vì một lý do gì
cần phải sửa chữa, thì nên sửa chữa thật ít.
b) Việc sửa chữa phải căn cứ vào âm hưởng và nhịp điệu của nhạc.
Để tiến hành việc sửa chữa lời ca cho thích đáng, Tiểu ban chúng tôi có mời
tác giả bài Tiến quân ca là nhạc sĩ Văn Cao đến góp ý kiến với tiểu ban.
Sau đây là những ý kiến của Tiểu ban chúng tôi:
Toàn thể Tiểu ban đều nhìn nhận rằng, với những chỗ sửa chữa mà Chính phủ đề
nghị, lời của bài Quốc ca đã xúc tích, rõ ràng và mạnh mẽ hơn trước. Về căn
bản Tiểu ban đồng ý với những đề nghị sửa chữa của Chính phủ. Nhưng chúng
tôi nhận thấy còn một vài điểm chi tiết mà tiểu ban chúng tôi đề nghị sửa
lại như sau:
Đoạn I, câu thứ 7: “Thắng gian lao bền gan lập chiến khu” hai tiếng
bền gan xin đổi là cùng nhau cho được giản dị và có ý
nghĩa đồng tâm nhất trí, tin tưởng ở sức mạnh đoàn kết trong sự nghiệp cách
mạng giải phóng dân tộc. Vả lại trong giai đoạn này, chiến khu đã thành lập
rồi, chữ cùng nhau thích hợp hơn là chữ bền gan, nó có tính cách việc
đang làm.
Đoạn I, câu 8: “Thề vì dân chiến đấu không sờn” xin đổi là “Vì
nhân dân chiến đấu không ngừng”. Bản thân câu này đã là một lời thề, nên
không cần để chữ thề ở đầu câu. Vả lại, nếu để chữ thề vì dân thì lúc
hát sẽ phải hát “Thề vì dân” không đúng nhạc.
“Vì nhân dân chiến đấu không ngừng” hợp với âm hưởng, giản dị, biểu
hiện được tinh thần đấu tranh kiên quyết, bền bỉ, liên tục.
Chữ “sờn” chỉ áp dụng lòng với chí, chứ không áp dụng vào cuộc chiến
đấu. Chữ “không sờn” chỉ tả được lòng kiên quyết mà không tả được
cuộc chiến đấu liên tục. Vả lại vần ngừng ăn với vần trường
của câu sau : tiến mau ra sa trường.
Toàn bộ lời ca, chúng tôi đề nghị sẽ như sau:
Đoạn thứ nhất:
Đoàn quân Việt Nam đi, chung lòng cứu quốc,
Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa,
Cờ in máu chiến thắng mang hồn nước,
Súng ngoài xa chen khúc quân hành ca,
Đường vinh quang xây xác quân thù,
Thắng gian lao cùng nhau lập chiến khu,
Vì nhân
dân chiến đấu không ngừng,
Tiến mau ra sa trường,
Tiến lên! cùng tiến lên!
Nước non Việt Nam ta vững bền.
Đoạn thứ hai:
Đoàn quân Việt Nam đi,
Sao vàng phấp phới,
Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than,
Cùng chung sức phấn đấu xây đời mới,
Đứng đều lên gông xích ta đập tan,
Từ bao lâu ta nuốt căm hờn,
Gắng hy sinh đời ta tươi thắm hơn,
Vì nhân dân chiến đấu không ngừng,
Tiến mau ra sa trường,
Tiến lên! cùng tiến lên!
Nước non Việt Nam ta vững bền.
3. Vấn đề mẫu Quốc huy:
Quốc huy là một vấn đề mới đặt ra trước Quốc hội, cho nên các vị đại biểu
cũng như nhân dân góp rất nhiều ý kiến.
Tiểu ban chúng tôi đã cân nhắc ý kiến của từng người và trong khi thảo luận
về mẫu Quốc huy của Chính phủ, Tiểu ban có mời họa sĩ Trần Văn Cẩn là tác
giả của mẫu Quốc huy đến để góp ý kiến với chúng tôi về mặt thực hiện.
Mẫu Quốc huy mà Chính phủ trình bày trước Quốc hội, theo một số các vị đại
biểu và nhân dân, vẫn còn thiếu một hình ảnh có tính chất và màu sắc dân
tộc.
Có một số các vị đại biểu muốn đưa vào nội dung Quốc huy những hình ảnh của
các di tích lịch sử như chùa Một Cột, tháp Rùa, Cột Cờ, đền Hùng Vương, núi
rừng Việt Bắc, Đồng Tháp Mười hoặc những thắng cảnh của đất nước như vịnh Hạ
Long, núi Tam Đảo, dải Trường Sơn, đồng ruộng, biển Đông hay những đặc sản
của đất nước Việt Nam như cây dừa, cây tre, con trâu v.v..
Tiểu ban chúng tôi đã nghiên cứu các mặt đó của vấn đề và nhận thấy như sau:
Trước hết nói đến Tháp Rùa. Toàn bộ Hồ Gươm mới có ý nghĩa lịch sử.
Nhưng lấy riêng Tháp Rùa mà nói, thì theo những tài liệu hiện có, Tháp Rùa
là một công trình mới xây dựng trong thời Pháp đô hộ. Hơn nữa, Tháp Rùa về
kiến trúc có phần ngoại lai. Vì những lẽ đó Tháp Rùa không thể để vào Quốc
huy được.
Nói về chùa Một Cột, thì đây là một công trình kiến trúc có đặc tính
dân tộc, nhưng ngoài hình thức mỹ thuật ra, chùa Một Cột chưa có được một
đặc điểm tiêu biểu cho lịch sử chiến đấu của dân tộc, mà cũng không có một
quy mô kiến trúc rộng lớn để có thể đưa hình ảnh lên Quốc huy, tượng trưng
cho nước Việt Nam.
Cột cờ thì kiến trúc cũng không thuần túy dân tộc.
Đền Hùng Vương là một di tích lịch sử mà toàn dân tôn kính nhưng tiếc rằng
kiến trúc quá sơ sài, thể hiện lên Quốc huy khó khăn và không đẹp mắt.
Núi rừng Việt Bắc, Đồng Tháp Mười, dải Trường Sơn, biển Đông không có đặc
điểm về hình thể để đưa lên Quốc huy.
Vịnh Hạ Long, núi Tam Đảo chỉ là những phong cảnh không có tính chất lịch
sử.
Cây tre, cây dừa hay con trâu thì không riêng gì Việt Nam ta mới có.
Ở đây chúng tôi cũng cần nói thêm rằng, theo chỗ chúng tôi được biết, thì
mấy năm nay, Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội cũng đã đặt vấn đề và đã
xét mấy trăm mẫu Quốc huy mà giới mỹ thuật Việt Nam đã dày công nghiên cứu
và trình bày.
Có mẫu được về hình thức mà không được về nội dung, như Tháp Rùa, chùa Một
Cột. Có những nội dung có thể chấp nhận được, ví dụ: Đền Hùng Vương, Việt
Bắc, Đồng Tháp Mười, hay bản đồ nước Việt Nam, nhưng thể hiện không được
trên hình thức.
Vì những lẽ trên kia,
Tiểu ban chúng tôi thấy rằng, mẫu
Quốc huy mà Chính phủ đưa ra để Quốc hội thông qua trong khóa họp này, lấy
Quốc kỳ làm nội dung là có ý nghĩa hơn cả. Chúng tôi nhận thấy ngôi sao vàng
trên nền cờ đỏ thắm, là tượng trưng cho lịch sử cách mạng của dân tộc ta,
cho tiền đồ sáng lạn của nước ta, là hình ảnh tươi thắm nhất và tiêu biểu
nhất cho dân tộc ta cũng như cho chính thể dân chủ cộng hòa của chúng ta. Đó
là hình ảnh đẹp nhất và xứng đáng nhất để làm nền cho Quốc huy của chúng ta.
Còn khung ngoài, gồm bông lúa và bánh xe răng, chúng tôi hoàn toàn đồng ý
với bản mẫu mà Chính phủ đã đưa trình Quốc hội.
Về màu sắc, thì hai mầu vàng và son đã in sâu vào mỹ cảm của nhân dân Việt
Nam, cần được dùng để tô điểm cho Quốc huy, mà không cần phải thêm một màu
nào khác. Như thế vừa giản đơn, mà lại không kém phần rực rỡ.
Kết luận, Tiểu ban chúng tôi đồng ý với mẫu Quốc huy mà Chính phủ đã đưa
trình Quốc hội và đề nghị Quốc hội thông qua Quốc huy của nước Việt Nam dân
chủ cộng hòa, trên nội dung và trên đại thể bố cục của hình thức. Về chi
tiết thể hiện, Chính phủ có thể điều chỉnh lại cho hoàn mỹ hơn.
Trên đây chúng tôi đã trình bày những ý kiến của Tiểu ban về ba vấn đề Quốc
kỳ, Quốc ca và Quốc huy. Chúng tôi đề nghị Quốc hội thông qua. Và nếu được
Quốc hội thông qua, chúng tôi đề nghị Chính phủ quy định thể thức công bố và
thực hiện cho thống nhất trong toàn quốc. Và quy định những trường hợp sử
dụng Quốc kỳ, Quốc ca và Quốc huy.