VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

TÌNH HÌNH VÀ CÔNG TÁC ĐÃ QUA, CÙNG TÌNH HÌNH VÀ NHIỆM VỤ TRƯỚC MẮT
(Báo cáo của Chính phủ  do Phó Thủ tướng Phạm Văn Đồng trình bày  trước Quốc hội trong kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa I)1

 

Thay mặt Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tôi sẽ trình bày trước Quốc hội về tình hình và công tác đã qua, và về tình hình và nhiệm vụ trước mắt.

Trình bày về tình hình và công tác đã qua là kể lại lịch sử của cuộc kháng chiến oanh liệt của nhân dân Việt Nam và kết quả của nó là thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ: Lập lại hòa bình ở Việt Nam cũng như ở Cao Miên2, Lào trên cơ sở công nhận quyền dân tộc của nhân dân Việt Nam cũng như của nhân dân hai nước Cao Miên, Lào.

Trình bày về tình hình và nhiệm vụ trước mắt là nêu khẩu hiệu đấu tranh của dân tộc: củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước, phân tích đó là một cuộc đấu tranh gay go, gian khổ, phức tạp, nhưng thắng lợi cuối cùng nhất định sẽ về tay nhân dân ta.

Trong thời gian làm việc vừa qua cũng như bây giờ, Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội luôn luôn đoàn kết chặt chẽ và cộng tác mật thiết với nhau. Hôm nay, Chính phủ kính tỏ cùng Quốc hội lời hoan nghênh và cảm tạ sự cộng tác mật thiết ấy của Ban Thường trực Quốc hội.

Phần thứ nhất

TÌNH HÌNH VÀ CÔNG TÁC ĐÃ QUA
***

CUỘC KHÁNG CHIẾN ANH DŨNG CỦA NHÂN DÂN VIỆT NAM

Trước tiên, tôi xin báo cáo về cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Việt Nam chúng ta.

Cách mạng tháng Tám bùng nổ sau Thế giới đại chiến lần thứ 2 sau khi Quân đội Liên Xô hùng mạnh đánh bại phát xít Đức ở châu Âu và quân phiệt Nhật ở châu Á. Cuộc đấu tranh vĩ đại ấy của nhân dân ta đã giành chính quyền trong tay quân đội Nhật và đưa đến sự thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 2-9-1945, xóa bỏ chế độ thống trị của đế quốc xâm lược câu kết với vua chúa bán nước, mở một đời sống mới cho nhân dân Việt Nam, đời sống độc lập, tự do, hạnh phúc.

Phấn khởi và tin tưởng, nhân dân ta bầu Quốc hội, xây dựng chính quyền nhân dân, đoàn kết và đấu tranh chống giặc đói, giặc dốt và chống giặc ngoại xâm đã xuất hiện ngày 23-9-1945 tại Nam bộ.

Nhân dân ta không muốn chiến tranh; nhân dân ta muốn sống hòa bình trên đất nước của mình, dưới chế độ dân chủ cộng hòa mà nhân dân ta đã ước mong từ lâu và vừa giành được. Với nước Pháp, Chính phủ ta đã ký Hiệp định sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9, sẵn sàng lập lại quan hệ kinh tế và văn hóa với nước Pháp trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, bình đẳng và hai bên đều có lợi.

Đó là con đường đúng, hợp với quyền lợi của hai nước Việt Nam và Pháp, hợp với trào lưu tiến hóa của thế giới sau Đại chiến thứ hai. Nhưng thực dân phản động Pháp lại muốn khôi phục lại nền thống trị thực dân ngày trước, muốn bắt nhân dân ta làm nô lệ cho họ như xưa. Họ tưởng rằng có thể dùng vũ lực để thực hiện ý muốn ngông cuồng ấy một cách dễ dàng và nhanh chóng. Đó là nguyên nhân của cuộc chiến tranh xâm lược mà thực dân phản động Pháp đã gây nên trên đất nước chúng ta. Nhưng đồng bào ta quyết không chịu làm nô lệ một lần nữa, quyết đoàn kết và đấu tranh để giữ gìn độc lập của Tổ quốc và tự do của nhân dân. Đó là nguyên nhân của cuộc kháng chiến mà nhân dân Việt Nam anh dũng đã tiến hành trong 8, 9 năm qua, với lòng tin tưởng vững chắc vào thắng lợi cuối cùng. Như mọi người đều biết, cuộc chiến tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam mà nhân dân Pháp cũng như nhân dân thế giới nhiệt liệt đồng tình và ủng hộ, đã đưa đến kết quả rực rỡ: thắng lợi Điện Biên Phủ và thắng lợi Giơnevơ.

Kháng chiến của nhân dân Việt Nam đã tiếp tục cuộc đấu tranh chống ngoại xâm từ khi vua chúa nhà Nguyễn bán nước ta cho thực dân Pháp. Cuộc đấu tranh trường kỳ và vĩ đại cho hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ của cả nước ta, cả dân ta nay đã thu được thắng lợi bước đầu.

Hòa bình đã lập lại trên toàn cõi nước ta.

Miền Bắc nước ta sẽ hoàn toàn giải phóng và thuộc quyền của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Quyền độc lập, tự chủ và lãnh thổ toàn vẹn của nước ta, của dân ta đã được Hội nghị Giơnevơ và thế giới công nhận.

Hôm nay, trong lúc chúng ta hoan hô những thắng lợi rực rỡ của cuộc kháng chiến vừa qua, chúng ta tưởng nhớ đến biết bao chiến công oanh liệt nhất trong lịch sử nước nhà, chứng tỏ lòng yêu nước, chí quật cường, năng lực chiến đấu và sáng tạo của nhân dân ta, của quân đội ta. Đồng thời chúng ta cũng tưởng nhớ biết bao gian khổ, hy sinh mà nhân dân ta và quân đội ta đã chịu đựng với một tinh thần vô cùng dũng cảm. Tưởng nhớ đến chiến công oanh liệt và hy sinh vĩ đại ấy, chúng ta nguyện noi gương sáng của các anh hùng, liệt sĩ kính yêu của dân tộc. Chúng ta quyết tâm kế tục và hoàn thành sự nghiệp vẻ vang của kháng chiến, củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.

QUÁ TRÌNH VÀ THÀNH TÍCH KHÁNG CHIẾN

Ngày 23-9-1945, giữa lúc nước ta mới độc lập, chính quyền ta vừa xây dựng, bộ đội ta còn non trẻ, thực dân phản động Pháp tấn công vào Nam bộ. Đồng bào Nam bộ đã muôn người như một đứng dậy chống quân xâm lược, mở đầu cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam.

Từ Nam bộ địch đánh rộng ra miền Nam Trung bộ. Nhưng địch đi đến đâu cũng đều vấp phải sức kháng chiến mạnh mẽ của nhân dân ta.

Mặc dầu Chính phủ Pháp đã ký với Chính phủ ta Hiệp định sơ bộ 6-3 và Tạm ước 14-9, thực dân phản động Pháp tiếp tục mở rộng chiến tranh xâm lược ở Bắc bộ, do đó gây ra cuộc kháng chiến toàn quốc 19-12-1946.

Đầu và giữa năm 1947, địch đánh chiếm một số thành thị và đường giao thông quan trọng. Chúng ta kiên quyết rút về nông thôn, xây dựng nông thôn làm cơ sở kháng chiến; chúng ta củng cố vùng núi rừng Việt Bắc, nơi phát nguyên của Cách mạng tháng Tám, thành căn cứ địa vững chắc cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Thu - Đông năm 1947, địch mạo hiểm tấn công vào Việt Bắc, hòng tiêu diệt quân chủ lực và cơ quan đầu não của ta ở đó, để kết thúc chiến tranh. Quân đội nhân dân Việt Nam và Việt Bắc anh dũng đã đánh tan đội quân tinh nhuệ của địch. Kế hoạch của địch đã bị thất bại. Cuộc kháng chiến bước vào giai đoạn cầm cự, lâu dài và gian khổ nhưng đồng thời cũng là giai đoạn ta chuẩn bị lực lượng để phản công.

Thua nặng ở Việt Bắc, địch quay về củng cố và mở rộng vùng chúng kiểm soát ở Nam bộ và Đồng bằng Bắc bộ. Chúng dựa vào Mỹ, nhờ Mỹ tiếp sức, tiến hành chiến tranh toàn diện, ra sức thực hiện âm mưu "lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt". Chúng ta phát triển cao trào du kích chiến tranh ngay trong lòng địch; ra công củng cố hậu phương ta, tích cực xây dựng quân đội; hăng hái tiêu diệt địch trên khắp các chiến trường.

Qua 3 năm chiến đấu gian khổ, quân đội ta đã lớn mạnh dần. Thu-Đông 1950, ta đại thắng ở biên giới Việt - Trung, mở rộng và củng cố căn cứ Việt Bắc, nối liền nước Việt Nam kháng chiến với nước Trung Hoa mới và với Mặt trận hòa bình dân chủ thế giới.

Giành được chủ động trên chiến trường ở Bắc bộ, ta mở liên tiếp nhiều chiến dịch thắng lợi ở Trung du và Đồng bằng Bắc bộ, tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực của địch, đẩy mạnh cuộc kháng chiến của nhân dân trong vùng sau lưng địch.

Địch quay về củng cố Nam bộ và xây dựng phòng tuyến Trung du và Hữu ngạn sông Hồng, ra sức càn quét, nhằm bình định Đồng bằng Bắc bộ, chuẩn bị lực lượng để mở rộng tấn công lớn ra vùng tự do hòng giành lại chủ động. Cuối năm 1951, chúng mạo hiểm đánh ra Hòa Bình. Hòa Bình, núi Ba Vì, sông Đà là mồ chôn quân giặc. Trong lúc trên mặt trận Hòa Bình, quân ta thắng lớn, thì sau lưng địch ở Đồng bằng Bắc bộ, chúng ta phát triển chiến tranh du kích, giải phóng hàng triệu đồng bào, làm tan rã từng mảng ngụy quân và ngụy quyền, giáng một đòn nặng vào âm mưu của địch lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt. Cuối năm 1952 quân ta thắng địch ở Tây Bắc, giải phóng phần lớn đất đai Tây Bắc, phá âm mưu lập "xứ Thái tự trị" giả hiệu của địch.

Trong lúc trên chiến trường chính ta liên tiếp thắng lợi, thì trên các chiến trường Bình Trị Thiên, miền Nam Trung bộ và Nam bộ, mặc dầu gặp nhiều khó khăn, gian khổ, quân và dân ta đã luôn luôn ra sức đánh giặc, phát triển chiến tranh du kích, xây dựng bộ đội, mở rộng và củng cố căn cứ địa.

Để bình định vùng tạm bị chiếm, quân địch đã gây những tội ác giã man, tàn bạo nhất của quân phát xít trong Thế giới đại chiến thứ hai, gây ra cho nhân dân ta trong vùng tạm bị chiếm rất nhiều khó khăn, gian khổ. Đồng thời chúng đã thi hành những mánh khóe dụ dỗ, lừa bịp rất gian dối, xảo quyệt. Chúng bày trò độc lập, dân chủ giả hiệu hòng ru ngủ nhân dân, tuyên truyền chia rẽ hòng phá hoại khối đoàn kết của dân tộc, bày trò cải cách điền địa giả hiệu hòng lôi kéo dân cày, phát triển văn hóa suy đồi Mỹ hòng đầu độc đồng bào ta ở vùng tạm bị chiếm. Nhưng nhân dân vùng tạm bị chiếm không hề khuất phục: khủng bố chỉ khắc sâu thêm chí căm thù, mua chuộc chỉ làm tăng thêm tinh thần cảnh giác. Vùng sau lưng địch 8 năm qua là nơi hàng ngày diễn ra muôn nghìn tấm gương chiến đấu, hy sinh mà lòng ta luôn luôn ghi nhớ. Song song với chủ lực tiến đánh địch như vũ bão trên mặt trận, chiến tranh du kích đã phát triển vô cùng mạnh mẽ, sâu rộng sau lưng địch, biến hậu phương của địch thành tiền phương của ta, tiêu diệt địch ở nơi chúng tưởng là an toàn nhất. Nhờ đó mà lập nên, củng cố và phát triển những vùng du kích và căn cứ du kích rộng lớn ở hậu phương địch.

Nhắc lại cuộc kháng chiến anh dũng của đồng bào ta ở vùng tạm bị chiếm, chúng ta lại nhớ miền Nam, nhớ Nam bộ là nơi đã chịu đựng và chiến đấu rất anh dũng và lâu hơn hết trong toàn quốc. Suốt trong quá trình kháng chiến, quân địch liên tiếp tấn công, càn quét, khủng bố miền Nam, đồng thời ráo riết dụ dỗ, mua chuộc, bày nhiều trò hề chính trị, lập ra "Nam kỳ quốc", hòng dùng Nam bộ làm chỗ đứng chân vững chãi của chúng.

Nhưng đồng bào miền Nam, đồng bào Nam bộ một lòng cùng đồng bào toàn quốc đoàn kết và đấu tranh đến thắng lợi rực rỡ của kháng chiến.

Nam bộ đã và sẽ luôn luôn xứng đáng là Thành đồng Tổ quốc.

Sang năm 1953, sau khi đế quốc Mỹ thất bại ở Triều Tiên, đế quốc Pháp - Mỹ ra sức tăng cường lực lượng trên chiến trường Đông Dương, đặt kế hoạch Nava, hòng tiêu diệt chủ lực của ta. Sau khi bị ta đánh đuổi khỏi Lai Châu, địch cố thủ ở Điện Biên Phủ, mong sẽ đánh ra chiếm lại Tây Bắc. Trong mấy tháng liền, địch ra sức tăng viện, và xây Điện Biên Phủ thành tập đoàn cứ điểm kiên cố nhất ở chiến trường Đông Dương từ trước đến nay. Quân ta xiết chặt vòng vây, khống chế hoàn toàn trận địa của địch, giam chặt địch trong một vòng thép lửa. Trung tuần tháng 3-1954, quân ta tiến đánh ào ạt, làm rung chuyển tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đồng thời làm rung chuyển toàn chiến trường Đông dương và chấn động dư luận thế giới. Pháp dốc vào Điện Biên Phủ những lực lượng tinh nhuệ nhất ở Đông Dương, đế quốc Mỹ lập cầu hàng không tiếp viện cho Pháp. Nhưng những cố gắng của đế quốc Pháp - Mỹ cũng không cứu vãn nổi tình thế và ngày 7-5-1954, sau 55 ngày chiến đấu vô cùng oanh liệt, quân ta đã tiêu diệt hoàn toàn quân địch ở Điện Biên Phủ.

Phối hợp với chiến trường Điện Biên Phủ, tất cả các chiến trường khác để hoạt động mạnh đặc biệt là ở Đồng bằng Bắc bộ, miền Nam Trung bộ và Nam bộ, thu được nhiều thắng lợi to lớn trong suốt Đông - Xuân năm 1953, 1954.

Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ có tác dụng quyết định thắng lợi của hoà bình ở Giơnevơ. Nó tiêu biểu sự trưởng thành to lớn về mọi mặt của cuộc kháng chiến, tinh thần anh dũng tuyệt vời của Quân đội nhân dân Việt Nam; nó là trang lịch sử vẻ vang nhất của cuộc kháng chiến đầy chiến công oanh liệt của nhân dân Việt Nam. Dân tộc bị áp bức toàn thế giới reo mừng chiến thắng Điện Biên Phủ như chiến thắng của mình.

Tám, chín năm kháng chiến là tám, chín năm chiến đấu thắng lợi và trưởng thành vững chắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Quân đội ta đã thu được những thắng lợi vĩ đại trong cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc là bởi quân đội ta chiến đấu vì chính nghĩa, vì hòa bình. Mục tiêu chiến đấu của quân đội: độc lập và dân chủ là phù hợp với nguyện vọng căn bản và sâu xa của nhân dân Việt Nam. Vì vậy, quân đội ta có một trình độ giác ngộ, tinh thần chịu đựng gian khổ, ý chí chiến đấu cao, không có một sức nào lay chuyển được. Trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam là những phần tử ưu tú nhất của dân tộc Việt Nam, của các giai cấp yêu nước, của các dân tộc, chủ yếu là của nhân dân lao động, nguyện hy sinh chiến đấu vì quyền lợi tối cao của Tổ quốc, của nhân dân.

Quân đội ta là một quân đội ở nhân dân mà ra, đấu tranh vì nhân dân, đối với nhân dân như cá với nước, được nhân dân nuôi dưỡng và ủng hộ, được Hồ Chủ tịch và Đảng Lao động Việt Nam không ngừng giáo dục và rèn luyện. Tất cả những điều đó là nguồn sức mạnh vô tận của Quân đội nhân dân Việt Nam, làm cho quân đội thành trụ cột của kháng chiến trường kỳ, gian khổ và nhất định thắng lợi.

Song song với thắng lợi quân sự và sự trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng ta đã ra sức xây dựng và phát triển nền kinh tế tài chính kháng chiến.

Tám, chín năm qua, trong hoàn cảnh địch phong tỏa gắt gao và phá hoại tàn khốc suốt từ Nam chí Bắc, thiên tai xảy ra liên tiếp, nhân dân ta đã hy sinh phấn đấu rất gian khổ và bền bỉ để xây dựng nền kinh tế tài chính, làm cơ sở vững chắc cho cuộc kháng chiến trường kỳ và tự lực cánh sinh, đảm bảo cung cấp cho nhu cầu ngày càng tăng của kháng chiến, đồng thời cải thiện dần đời sống của nhân dân.

Chiến tranh chia cắt đất nước ra từng vùng nhỏ, cho nên phải đẩy mạnh tăng gia sản xuất khắp nơi, thực hiện khẩu hiệu tự cấp tự túc từng vùng. Phong trào thi đua sản xuất sôi nổi, trong vùng tự do cũng như trong vùng sau lưng địch, đẩy mạnh việc trồng lúa, trồng mầu, tăng diện tích, tăng năng suất. Để tăng gia sản xuất, chúng ta đã ra sức phát triển tiểu thủy nông và bảo vệ đê điều. Nhờ cuộc đấu tranh gian lao và bền bỉ của nông dân mà trong tám, chín năm liền, chúng ta đã đảm bảo được lương thực cho nhân dân và quân đội, ngay cả ở những vùng trước kia thường xuyên thiếu lương thực.

Để cung cấp mọi đồ dùng cần thiết cho nhân dân và quân đội, chúng ta đã cố gắng duy trì và phát triển những nghề tiểu công và thủ công cần thiết. Chúng ta đã vượt những khó khăn rất lớn để sản xuất vũ khí, đạn dược cho quân đội. Xây dựng lên bởi lòng yêu nước và óc sáng tạo của người công nhân Việt Nam, nền kỹ nghệ quốc phòng đã góp phần rất xứng đáng vào chiến thắng của quân đội ta và của nhân dân ta.

Về mặt tài chính, chúng ta đã xây dựng được chính sách thuế khóa công bằng, hợp lý, vừa huy động đúng mực sức đóng góp của nhân dân, vừa khuyến khích sản xuất, nhờ đó chúng ta đã đảm bảo chi tiêu cho kháng chiến, bình ổn vật giá, ổn định tiền tệ, đồng thời thúc đẩy nông nghiệp, công nghiệp, thương nghiệp.

Chúng ta đã lập quan hệ buôn bán với Trung Quốc từ đầu năm 1951. Việc phát triển mậu dịch với nước bạn đi đôi với việc đấu tranh kinh tế với địch đã giúp chúng ta khai thác ngày thêm nhiều các loại lâm sản, thổ sản, tăng sức mua của nông dân, và cung cấp cho nhân dân một số hàng công nghiệp cần thiết.

Quân đội trưởng thành đòi hỏi chúng ta phải phát triển giao thông vận tải. Từ đầu năm 1950 trở đi, công tác cầu đường đã tiến bộ nhiều và đã đảm bảo sự vận chuyển cho quân đội và mặt trận trong những chiến dịch ngày càng to lớn.

Quá trình phát triển nền kinh tế quốc dân trong kháng chiến cũng là quá trình xây dựng bước đầu của bộ phận kinh tế Nhà nước của chúng ta, thứ nhất là của Ngân hàng Quốc gia và Mậu dịch quốc doanh. Hai ngành quốc doanh ấy đã dần dần trưởng thành và đã có tác dụng quan trọng trong toàn bộ công tác kinh tế tài chính của chúng ta.

Kháng chiến càng tiến tới, càng đòi hỏi những nhu cầu lớn lao về mọi mặt nhân lực, tài lực và vật lực. Lực lượng chủ yếu đóng góp cho kháng chiến là nông dân lao động cần phải được tích cực bồi dưỡng. Đầu năm 1954, Quốc hội họp khóa thứ 3 đã thông qua chính sách ruộng đất, nhằm mục đích và ý nghĩa sau đây mà Luật cải cách ruộng đất đã nêu rõ:

"Thủ tiêu quyền chiếm hữu ruộng đất của đế quốc xâm lược ở Việt Nam, xóa bỏ chế độ phong kiến chiếm hữu ruộng đất của giai cấp địa chủ để thực hiện chế độ sở hữu ruộng đất của nông dân, để giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và mở đường cho công nghiệp, thương nghiệp phát triển, để cải thiện đời sống của nông dân, bồi dưỡng lực lượng của nhân dân, lực lượng của kháng chiến, để đẩy mạnh kháng chiến, hoàn thành giải phóng dân tộc, củng cố chế độ dân chủ nhân dân, phát triển công cuộc kiến quốc".

Công tác văn hóa xã hội trong tám, chín năm kháng chiến nhằm rèn luyện tinh thần yêu nước và chí khí chiến đấu của nhân dân, nâng cao trình độ kiến thức và năng lực làm việc của nhân dân.

Ngành bình dân học vụ đã thanh toán nạn mù chữ cho phần lớn nhân dân ta, mở lớp dự bị bổ túc cho hàng triệu người, lập trường phổ thông lao động cho cán bộ công, nông, binh.

Ngành giáo dục phổ thông đã phát triển mau chóng, và mở rộng vào nông thôn, cố gắng thỏa mãn đòi hỏi học tập của nhân dân, trước hết là của nông dân lao động. Ngành giáo dục chuyên nghiệp và cao đẳng, trong điều kiện khó khăn của chiến tranh, đã cung cấp được một số cán bộ y, dược khoa, canh nông, công chính, sư phạm cho kháng chiến.

Nền văn nghệ nhân dân xây dựng theo hướng khai thác và phát triển vốn cũ của dân tộc, đồng thời học tập văn nghệ tiên tiến của các nước bạn nhằm phản ảnh và thúc đẩy cuộc kháng chiến của nhân dân, đã dần dần thoát khỏi ảnh hưởng văn nghệ suy đồi và trụy lạc của thực dân, phong kiến và đã diễn tả được tinh thần dũng cảm và sinh hoạt cần lao của nhân dân ta.

Khắc phục khó khăn, thiếu thốn về thuốc men, ngành y tế đã thu được kết quả khá trong việc chăm lo kết quả của nhân dân và quân đội, trong việc phòng bệnh và chữa bệnh, phòng dịch và chống dịch.

Tóm lại, qua tám, chín năm kháng chiến, tất cả mọi mặt, mọi ngành công tác đều tiến bộ và trưởng thành vượt bực, ngày càng làm được có kết quả nhiệm vụ động viên và bồi dưỡng lực lượng vô cùng to lớn của nhân dân ta, để dốc ra tiền tuyến giành thắng lợi.

NGUYÊN NHÂN THẮNG LỢI CỦA KHÁNG CHIẾN

Nhân dân Việt Nam đã thu được thắng lợi rực rỡ là do mấy nguyên nhân chính sau đây:

1- Chúng ta đã thắng lợi là vì cuộc kháng chiến của nhân dân ta là một cuộc chiến tranh yêu nước, một cuộc chiến tranh giải phóng, một cuộc chiến tranh chính nghĩa. Một dân tộc quyết chiến đấu để tự giải phóng cho mình, quyết hy sinh tất cả để giành độc lập, cuối cùng nhất định sẽ thắng lợi. Đúng như lời Hồ Chủ tịch đã nói lúc bắt đầu kháng chiến: "Ta là chính nghĩa, địch là phi nghĩa, là tà; chính nhất định thắng tà". Ý chí sắt đá của toàn dân ta đoàn kết chiến đấu cho độc lập, dân chủ đã chiến thắng bộ máy chiến tranh hiện đại của đế quốc xâm lược.

2- Chúng ta đã thắng lợi vì chúng ta đã có đường lối đúng.

Đường lối đúng là: Vũ trang đấu tranh chống đế quốc xâm lược theo phương châm chung "trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh". Để thực hiện đường lối, phương châm trên, chúng ta đã đoàn kết toàn dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất ngày thêm rộng rãi và vững chắc; chúng ta đã xây dựng quân đội nhân dân mạnh mẽ và tiến hành cuộc chiến tranh nhân dân ngày càng rộng lớn; chúng ta đã không ngừng củng cố và phát triển chính quyền dân chủ cộng hòa, tiêu biểu cho quyền lợi căn bản và tha thiết nhất của dân tộc: Hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ.

Đường lối, phương châm chung và mọi chính sách lớn của kháng chiến là do Đảng Lao động Việt Nam đề ra, cho nên một nguyên nhân chủ yếu của thắng lợi của cuộc kháng chiến là sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam, Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, đồng thời cũng là Đảng của dân tộc, lực lượng động viên, tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến của chúng ta. Thắng lợi của kháng chiến dính liền với sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, vị lãnh tụ anh minh và kính yêu của dân tộc Việt Nam, đã đoàn kết, giáo dục, dìu dắt nhân dân ta làm cuộc cách mạng dân tộc giải phóng Việt Nam đến thắng lợi to lớn và rực rỡ ngày nay.

3- Thắng lợi của kháng chiến là thắng lợi của sức mạnh của nhân dân. Cuộc chiến tranh yêu nước đã động viên tất cả nhân lực, tài lực, trí lực của toàn thể dân tộc Việt Nam. Nó đã phát huy đến cực độ những đức tính cố hữu của dân tộc Việt Nam: Lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, tính cần cù, sức hy sinh chịu đựng, tinh thần chiến đấu anh dũng. Nó đã bồi dưỡng cho nhân dân Việt Nam những đạo đức cách mạng: Đạo đức cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, tinh thần phục vụ, tinh thần tập thể.

Những đức tính ấy đã biến thành một lực lượng vĩ đại trong phong trào thi đua yêu nước: Thi đua đánh giặc, thi đua sản xuất, thi đua phục vụ kháng chiến. Thi đua là một trường học to lớn đã đào tạo ra biết bao anh hùng chiến đấu, sản xuất và công tác, đã làm nảy nở muôn nghìn sáng kiến để giải quyết mọi khó khăn, thỏa mãn kịp thời nhu cầu ngày càng cao của kháng chiến.

Qua tám, chín năm kháng chiến, nhân dân Việt Nam đã biểu lộ sức sáng tạo phong phú của mình và đã trưởng thành vượt bực. Nhân dân Việt Nam ngày càng thấm nhuần ý thức làm chủ vận mệnh của mình, ngày càng tin tưởng ở sức mạnh của mình; ngày càng tha thiết với hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ của Tổ quốc. Ngày nay, không một sức mạnh nào có thể làm nhân dân Việt Nam đi chệch con đường vững chắc của mình.

4- Nhân dân Việt Nam đã đoàn kết chặt chẽ với nhân dân hai nước Cao Miên, Lào để kháng chiến và đã được sự ủng hộ nhiệt liệt của nhân dân các nước trong mặt trận hòa bình và dân chủ thế giới, của nhân dân Đông Nam Á, nhân dân Pháp và nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới, nên đã thu được thắng lợi rực rỡ ngày nay. Tinh thần yêu nước nồng nàn kết hợp với chủ nghĩa quốc tế chân chính là một sức mạnh vô cùng to lớn. Cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam là một bộ phận khăng khít của cuộc đấu tranh chung của nhân dân toàn thế giới vì độc lập dân tộc, tự do dân chủ và hòa bình lâu dài. Nhân dân thế giới chăm chú theo dõi cuộc kháng chiến của nhân dân ta, lo lắng lúc ta gặp khó khăn, vui mừng lúc ta thắng lợi, luôn luôn phấn khởi và tin tưởng vì kháng chiến ta ngày càng lớn mạnh; sự đồng tình và ủng hộ ấy là một sự khuyến khích và giúp đỡ mạnh mẽ đối với nhân dân Việt Nam. Trong những lúc gian khổ, gay go nhất, nhân dân Việt Nam giữ vững lòng tin tưởng vào chính nghĩa, vào sức lực của mình, đồng thời vào tấm lòng đoàn kết thân ái của nhân dân các nước bạn, nhân dân Pháp, nhân dân các nước Đông Nam Á, nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới.

Nhân dân Việt Nam nhiệt liệt biết ơn nhân dân các nước bạn, nhân dân Pháp và nhân dân toàn thế giới đã ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của mình.

HÒA BÌNH LẬP LẠI Ở VIỆT NAM

TÌNH HÌNH THẾ GIỚI ĐƯA ĐẾN VIỆC LẬP LẠI HÒA BÌNH

Cuộc kháng chiến của nhân dân ta đã thu được thắng lợi to lớn là nhờ sức đoàn kết đấu tranh của nhân dân ta, đồng thời cũng là nhờ sức ủng hộ của mặt trận hòa bình dân chủ thế giới, của nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới, do Liên Xô lãnh đạo.

Cuộc chiến tranh thế giới thứ hai đã thay đổi cục diện thế giới một cách sâu sắc. Phát xít Đức, Ý, Nhật đã hoàn toàn sụp đổ. Liên Xô, lực lượng chủ yếu lãnh đạo cuộc đấu tranh chống phát xít, đã trở nên nước lớn mạnh nhất thế giới, có địa vị, uy tín, ảnh hưởng vô cùng to lớn và ngày càng thu được thành tích vĩ đại trong việc xây dựng chủ nghĩa cộng sản. Phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc và tự do dân chủ bồng bột, sôi nổi ở khắp mọi nơi.

Được Quân đội Liên Xô giải phóng khỏi nanh vuốt quân phát xít Đức, một số nước ở Trung, Đông Âu thoát ly hệ thống tư bản chủ nghĩa và trở thành nước dân chủ nhân dân, hợp tác chặt chẽ với Liên Xô và tiến mạnh trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập, Mặt trận hòa bình và dân chủ mở rộng sang châu Á. Năm 1949, Cách mạng Trung Quốc thắng lợi, nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa ra đời: lực lượng của mặt trận hòa bình và dân chủ tăng lên vượt bực gồm 900 triệu nhân dân ở trên một dải đất liền mênh mông từ Âu sang Á. Đó là một biến chuyển hết sức to lớn trong lịch sử thế giới, là một đòn rất nặng đánh vào toàn bộ hệ thống đế quốc chủ nghĩa, trước hết là đánh vào đế quốc Mỹ.

Hai phe trên thế giới đã đi theo hai con đường phát triển đối lập nhau.

Con đường thứ nhất là con đường phát triển không ngừng của nền kinh tế hòa bình ở Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác. Nền kinh tế đó không hề bị những cuộc khủng hoảng làm đảo lộn, vì quy luật phát triển căn bản của nó là "thỏa mãn đến mức cao nhất những nhu cầu vật chất và tinh thần luôn luôn tăng lên của toàn thể xã hội, bằng cách tăng gia và cải tiến không ngừng nền sản xuất xã hội chủ nghĩa trên cơ sở một nền kỹ thuật tiên tiến".

Con đường thứ hai là con đường suy sụp của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa trong cuộc tổng khủng hoảng ngày thêm trầm trọng sau khi thị trường thế giới duy nhất đã tách làm hai thị trường đối lập nhau: thị trường tư bản và thị trường dân chủ. Nền kinh tế tư bản chủ nghĩa lâm vào con đường bế tắc là vì nó không phục vụ lợi ích của nhân dân, vì quy luật phát triển căn bản của nó là "thu được nhiều lợi nhất cho giai cấp tư sản bằng cách tăng cường bóc lột và bần cùng hóa nhân dân trong nước, đi xâm lược nhân dân các nước khác, nhất là nhân dân các nước hậu tiến, quân sự hóa nền kinh tế quốc dân và gây ra những cuộc chiến tranh".

Ngay sau khi Chiến tranh thế giới lần thứ hai vừa kết thúc, Mỹ cầm đầu phe đế quốc và gây chiến đã luôn luôn âm mưu phá hoại hòa bình, chuẩn bị chiến tranh mới. Chúng thi hành chính sách lập những khối xâm lược và những căn cứ quân sự khắp nơi, nhằm bao vây Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân. Chúng trắng trợn tuyên truyền chiến tranh nguyên tử, tổ chức ầm ĩ nhiều cuộc thử bom nguyên tử để hăm dọa nhân dân các nước. Chúng ra sức phục hồi chủ nghĩa quân phiệt Đức và chủ nghĩa quân phiệt Nhật, nhóm lại hai lò lửa chiến tranh, đe dọa nghiêm trọng nền an toàn của các dân tộc châu Âu và châu Á. Chúng mua chuộc và câu kết với những bọn phản nước, phản dân, cam tâm làm tay sai cho chúng, hòng đàn áp phong trào dân tộc giải phóng của các nước nhỏ yếu.

Nhưng chế độ thực dân đã bị lung lay tận gốc và đang đi vào con đường sụp đổ. Thời đại chủ nghĩa đế quốc thống trị các dân tộc hậu tiến đã chấm dứt. Khắp nơi trên thế giới, phong trào giải phóng dân tộc sôi nổi và liên tiếp thắng lợi.

Cuộc đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc và tự do dân chủ ngày càng lớn mạnh trong các nước tư bản. Nhân dân các nước Tây Âu không ngừng đấu tranh mãnh liệt chống chính sách nô dịch của Mỹ và chống bọn thống trị trong nước bán rẻ độc lập dân tộc cho đế quốc Mỹ, theo Mỹ đi vào con đường chiến tranh.

Chống lại chính sách gây chiến của phe đế quốc, Mặt trận dân chủ, đứng đầu là Liên Xô, luôn luôn theo đuổi chính sách hòa bình dựa trên nguyên tắc chế độ xã hội khác nhau có thể cùng chung sống, các sự tranh chấp quốc tế có thể giải quyết bằng cách thương lượng hòa bình, nhằm duy trì và củng cố nền hòa bình lâu dài trên thế giới và phát triển tình hữu nghị và quan hệ kinh tế, văn hóa giữa các dân tộc.

Chính sách hòa bình của Liên Xô được nhân dân thế giới nhiệt liệt đồng tình và ủng hộ. Đứng trước nguy cơ chiến tranh, nhân dân thế giới ngày càng tập hợp đông đảo trong phong trào hòa bình thế giới, với ý thức rõ rệt là: sự nghiệp hòa bình ở trong tay của họ, và nếu họ đấu tranh kiên quyết cho sự nghiệp đó thì chiến tranh sẽ tránh được, hòa bình sẽ giữ được. Phong trào hòa bình là một phong trào nhân dân rộng lớn chưa từng có trong lịch sử nhân loại, nó tiêu biểu cho thời đại chúng ta, thời đại mà nguyện vọng và ý chí của nhân dân có vai trò quyết định.

Do sức đấu tranh ngày càng mạnh mẽ của các lực lượng hòa bình và dân chủ trên thế giới, mặc dầu đế quốc ra sức phá hoại, hòa bình đã duy trì được, đường lối của Liên Xô nhằm giải quyết mọi sự tranh chấp quốc tế bằng cách thương lượng hòa bình đã thu được nhiều thành tích tốt đẹp.

Giữa năm 1950, đế quốc Mỹ và bọn tay sai Lý Thừa Vãn tấn công nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên, định biến Triều Tiên thành thuộc địa của Mỹ, dùng Triều Tiên làm bàn đạp tấn công Trung Quốc. Nhưng nhân dân và quân đội Triều Tiên sát cánh với quân chí nguyện Trung Quốc đã phá tan âm mưu của chúng. Trước nguy cơ bị thất bại nặng nề, theo đề nghị hợp lý của Liên Xô, chúng đã phải nhận ký kết đình chiến.

Đầu năm 1954, nhờ áp lực của nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới, theo đề nghị của Liên Xô, hội nghị Béc-lanh3 đã được triệu tập, và đã quyết định họp Hội nghị Giơnevơ để giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên và lập lại hòa bình ở Đông Dương.

HỘI NGHỊ GIƠNEVƠ

Ngày 8-5-1954, Hội nghị Giơnevơ bàn về vấn đề Đông Dương khai mạc, với nhiệm vụ thảo luận vấn đề đình chỉ chiến sự ở Đông Dương trên cơ sở công nhận các quyền dân tộc của nhân dân Đông Dương.

Mặc dầu đế quốc Mỹ và tay sai của chúng ra sức phá hoại Hội nghị, sau 75 ngày làm việc, Hội nghị đã thành công, đã đi đến sự ký kết các hiệp định đình chiến ở Việt Nam, Cao Miên, Lào, và thông qua bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị.

Nguyên nhân chủ yếu làm cho Hội nghị Giơnevơ thành công là cuộc kháng chiến anh dũng của nhân dân Việt Nam. Trước ngày khai mạc Hội nghị Giơnevơ, Quân đội nhân dân Việt Nam thắng trận Điện Biên Phủ. Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ đập tan âm mưu của đế quốc Mỹ và bọn hiếu chiến Pháp hòng kéo dài và mở rộng chiến tranh. Chiến thắng Điện Biên Phủ tiêu biểu cuộc kháng chiến vĩ đại của nhân dân Việt Nam là một cống hiến rất lớn vào kết quả tốt đẹp của Hội nghị.

Hội nghị Giơnevơ thành công, vì nhân dân Pháp, đa số các giới chính trị, kinh tế, văn hóa Pháp đều đòi chấm dứt chiến tranh, vì nhân dân châu Á và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới nhiệt liệt ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân ta và lập trường hợp lý của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại Hội nghị.

Hội nghị Giơnevơ thành công, vì phần lớn các nước tham gia Hội nghị đều cố gắng. Nổi bật là sự đóng góp to lớn của đoàn đại biểu Liên Xô và đoàn đại biểu nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, mà mọi người đều công nhận rằng vai trò ở Hội nghị là vai trò của một cường quốc ở châu Á và thế giới. Chính sách hòa bình của Liên Xô, đường lối dùng đàm phán để giải quyết mọi vấn đề xung đột quốc tế đã thắng lợi rực rỡ.

Hội nghị Giơnevơ là một thắng lợi to lớn của nhân dân Việt Nam cũng như của nhân dân hai nước Cao Miên, Lào. Hiệp định đình chỉ chiến sự và bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị đã quy định việc ngừng bắn trên toàn cõi Đông Dương, đồng thời quy định những nguyên tắc và biện pháp cụ thể để lập lại và củng cố hòa bình, giải quyết vấn đề chính trị trên cơ sở công nhận quyền độc lập, tự chủ và lãnh thổ toàn vẹn của Việt Nam cũng như của Cao Miên và Lào. Sau đây là mấy điều khoản chính:

Điều 1 của hiệp định đình chiến ở Việt Nam:

- "Một giới tuyến quân sự tạm thời sẽ được quy định rõ, để lực lượng của hai bên, sau khi rút lui, sẽ tập hợp ở bên này và bên kia giới tuyến ấy…".

Điều 6 của bản tuyên bố cuối cùng :

- ... "Giới tuyến quân sự chỉ có tính chất tạm thời, hoàn toàn không thể coi là một ranh giới về chính trị hay về lãnh thổ. Hội nghị tin tưởng rằng việc thi hành những điều khoản định trong bản tuyên bố này và trong những nhận định đình chỉ chiến sự tạo ra cơ sở cần thiết để giải quyết vấn đề chính trị ở Việt Nam trong một thời gian ngắn."

Điều 16 và Điều 17 của hiệp định đình chiến ở Việt Nam, nhắc lại trong Điều 4 của bản tuyên bố cuối cùng.

- "Hội nghị chứng nhận những điều khoản trong hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam về việc cấm đem vào Việt Nam quân đội và nhân viên quân sự ngoại quốc, cũng như các thứ vũ khí đạn dược v.v."

Điều 18 và Điều 19 của hiệp định đình chiến ở Việt Nam, nhắc lại trong Điều 5 của bản tuyên bố cuối cùng:

- "Hội nghị chứng nhận những điều khoản trong hiệp định đình chỉ chiến sự ở Việt Nam định rằng không được thành lập một căn cứ quân sự nào của một nước ngoài trong những vùng tập hợp của đôi bên. Đôi bên có nhiệm vụ không để những vùng được trao cho mình tham gia bất cứ một khối liên minh quân sự nào và dùng vào việc gây lại chiến sự hoặc phục vụ cho một chính sách xâm lược…".

Điều 9 của bản tuyên bố cuối cùng:

- "Những nhà đương cục có thẩm quyền ở vùng Bắc và vùng Nam Việt Nam, cũng như ở Lào và Cao Miên không được dung thứ những hành động báo thù cá nhân hoặc tập thể đối với những người đã hợp tác, bất cứ dưới hình thức nào, với một trong hai bên trong thời gian chiến tranh, hoặc đối với những gia đình những người đó".

Điều 7 của bản tuyên bố cuối cùng:

- "Hội nghị tuyên bố rằng đối với Việt Nam, việc giải quyết các vấn đề chính trị, thực hiện trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, sẽ phải làm cho nhân dân Việt Nam được hưởng những tự do căn bản, đảm bảo với những tổ chức dân chủ thành lập sau tổng tuyển cử tự do và bỏ phiếu kín…, cuộc tổng tuyển cử sẽ tổ chức vào tháng 7-1956, dưới sự kiểm soát của một Ban Quốc tế gồm đại biểu những nước có chân trong Ban Giám sát và Kiểm soát quốc tế. Kể từ ngày 20-7-1955, những nhà đương cục có thẩm quyền trong hai vùng sẽ có những cuộc gặp gỡ để thương lượng về vấn đề đó".

Điều 11 của bản tuyên bố cuối cùng:

- "Hội nghị chứng nhận lời tuyên bố của Chính phủ Pháp nói rằng Chính phủ Pháp, trong sự giải quyết tất cả những vấn đề có liên quan đến việc lập lại và củng cố hòa bình ở Cao Miên, Lào và Việt Nam, sẽ căn cứ trên sự tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Cao Miên, Lào và Việt Nam".

Điều 12 của bản tuyên bố cuối cùng:

- "Trong quan hệ với Cao Miên, Lào và Việt Nam, mỗi nước tham gia Hội nghị Giơnevơ cam kết tôn trọng chủ quyền, độc lập, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của những nước trên và tuyệt đối không can thiệp vào nội trị của những nước đó".

Tóm lại hòa bình đã lập lại trên cơ sở công nhận quyền dân tộc của nhân dân ta là: từ Bến Hải trở ra hơn một nửa phần đất nước với 13 triệu nhân dân ta sẽ hoàn toàn giải phóng. Đồng thời nhân dân ta có cơ sở để đẩy mạnh đấu tranh, thực hiện thống nhất, bằng cuộc tổng tuyển cử tháng 7-1956.

Cùng với hòa bình được lập lại, một giai đoạn đấu tranh mới đã mở ra trước mắt nhân dân ta, trong hoàn cảnh chính trị mới của Việt Nam và thế giới.

TỪ HỘI NGHỊ GIƠNEVƠ ĐẾN NAY

Sau Hội nghị Giơnevơ, cuộc đấu tranh của nhân dân ta chuyển từ chiến tranh sang hòa bình, từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh chính trị, nhằm thi hành triệt để hiệp định đình chiến, củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.

Đúng giờ đã định, lệnh ngừng bắn đã được thi hành triệt để trong toàn quốc. Quân đội ta đã vượt qua rất nhiều khó khăn để tập kết và chuyển từ Nam ra Bắc đúng thời hạn. Chúng ta đã chuyển giao cho đối phương những vùng trong miền Nam ở dưới chính quyền ta trước ngày đình chiến. Toàn thể quân tình nguyện Việt Nam ở Cao Miên, Lào đã rút hết về nước. Tất cả tù binh và thường dân bị giam giữ được đối đãi khoan hồng, nhân đạo và đã trao trả cho đối phương. Trong những vùng mà chính quyền dân chủ cộng hòa mới tiếp quản, không hề xảy ra một hành động phân biệt đối xử, báo thù, khủng bố đối với những người trước đây cộng tác với đối phương, mọi quyền tự do dân chủ của nhân dân đều được đảm bảo. Đối với Uỷ ban quốc tế giám sát và kiểm soát ở Việt Nam, Chính phủ và nhân dân ta đã tích cực hợp tác và giúp đỡ.

Làm đúng những điều kể trên, quân và dân đã tỏ tinh thần yêu nước, ý muốn hòa bình, ý thức kỷ luật, trình độ giác ngộ chính trị của mình.

Chúng ta đã luôn luôn thi hành đúng đắn Hiệp định Giơnevơ. Nhưng đế quốc Mỹ, phái thực Pháp phản Hiệp định và bè lũ Ngô Đình Diệm tay sai của chúng, đã tìm mọi cách để phá hoại sự thi hành hiệp định đình chiến.

Ngay sau Hội nghị Giơnevơ, đế quốc Mỹ lôi kéo Anh, Pháp và một số nước khác theo đuôi chúng, họp hội nghị Manila, ký kết hiệp ước xâm lược Đông Nam Á, đặt miền Nam Việt Nam, Cao Miên và Lào vào khu vực "bảo hộ" của hiệp ước Manila, ra sức lôi kéo miền Nam Việt Nam, Cao Miên và Lào vào khối xâm lược Đông Nam Á. Mỹ trực tiếp trang bị và huấn luyện quân đội miền Nam, tăng cường quân đội ấy, để dùng làm công cụ đàn áp nhân dân, làm công cụ chiến tranh; Mỹ xúi giục bè lũ Ngô Đình Diệm khủng bố, đàn áp phong trào hòa bình, dân chủ của nhân dân miền Nam; đế quốc Mỹ và bè lũ chúng cưỡng ép, dụ dỗ một số đồng bào miền Bắc vào Nam, chúng tìm cách cắt đứt mối liên lạc Nam - Bắc, âm mưu chia cắt đất nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa và căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ.

Trong lúc tiến hành âm mưu của chúng, đế quốc Mỹ và bè lũ đã vấp phải sức đấu tranh mãnh liệt của nhân dân ta, với sự ủng hộ nhiệt tình của nhân dân các nước bạn, nhân dân châu Á và thế giới.

Đồng thời với cuộc đấu tranh để thi hành Hiệp định Giơnevơ, Chính phủ và nhân dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra sức củng cố miền Bắc để làm cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh giành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ cho cả nước.

Công cuộc tiếp quản các thành phố và vùng mới giải phóng là một thắng lợi lớn. Trong một thời gian rất ngắn tình hình đã ổn định, sinh hoạt của nhân dân và mọi ngành hoạt động tiếp tục như thường và dần dần cải tiến. Chế độ dân chủ dần dần xóa bỏ những tàn tích thực dân, phong kiến, đem lại tự do dân chủ thực sự mà nhân dân vùng mới giải phóng ước ao, mong đợi. Đồng bào toàn quốc rất vui mừng thấy Hà Nội, Thủ đô của nước Việt Nam, của dân Việt Nam đã được giải phóng và tiếp quản tốt đẹp. Lễ mừng Hồ Chủ tịch và Chính phủ về Hà Nội ngày 1 tháng Giêng năm 1955 là một cuộc biểu dương vĩ đại về ý chí và sức mạnh hòa bình của nhân dân ta.

Tiếp quản tốt đẹp Hà Nội và vùng mới giải phóng đã chứng tỏ năng lực quản lý nước nhà của Chính phủ ta và của nhân dân ta. Nhân dân Thủ đô và nhân dân vùng mới giải phóng đã biểu lộ tinh thần yêu nước nồng nàn và tin tưởng sâu sắc vào chính quyền dân chủ cộng hòa và đã góp phần quan trọng trong công tác tiếp quản.

Hòa bình đã trở lại, công cuộc phát động quần chúng giảm tô và cải cách ruộng đất lại càng được coi trọng và xúc tiến mạnh mẽ, theo một quy mô ngày càng rộng lớn, với quyết tâm thực hiện kế hoạch trong thời gian đã định để đem lại ruộng đất cho nông dân, thay đổi bộ mặt nông thôn, làm cơ sở vững chắc cho sự nghiệp khôi phục kinh tế sau chiến tranh, nhằm nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của nhân dân.

Công cuộc khôi phục kinh tế đã bắt đầu ngay sau khi chiến tranh chấm dứt. Kết quả tốt đẹp của công tác tiếp quản vùng mới giải phóng mở đường thuận lợi và làm đà phấn khởi cho công tác khôi phục, mặc dầu rất nhiều khó khăn mà đối phương để lại cho ta trước khi rút lui. Một mặt, chúng ta phải cố gắng vượt bực để khắc phục khó khăn về thóc gạo và tài chính, một mặt, chúng ta bắt tay ngay vào những công tác khôi phục cấp bách và quan trọng. Chúng ta đặc biệt coi trọng sản xuất nông nghiệp, ra sức khôi phục ruộng bỏ hoang trong chiến tranh, phát động phong trào thi đua sản xuất nông nghiệp, cấp tốc sửa lại những hệ thống nông giang bị tàn phá. Giao thông vận tải là mạch máu của kinh tế, chúng ta đã cấp tốc làm lại con đường sắt Hà Nội - Mục Nam Quan với sự giúp đỡ khẳng khái của nhân dân Trung Quốc. Chúng ta ra sức khôi phục thủ công nghiệp. Chúng ta chuyển hướng thương nghiệp ở vùng mới giải phóng trước đây phục vụ chiến tranh xâm lược và đội quân viễn chinh Pháp thành thương nghiệp phục vụ sản xuất và nhân dân. Những thành tích tốt đẹp và nhân dân miền Bắc đã thu được trong sự nghiệp khôi phục này chứng tỏ một cách hùng hồn tinh thần yêu nước, chí khí quật cường và năng lực sáng tạo của nhân dân ta.

Hòa bình trở lại đã tạo nhiều thuận lợi cho việc khôi phục và phát triển văn hóa. Trường Đại học nhân dân đã khai giảng. Các trường Đại học khác, các lớp chuyên nghiệp và tất cả các trường công và trường tư khác đã tiếp tục khai giảng.

Cuộc triển lãm hội họa và Đại hội văn công toàn quốc đã gây ảnh hưởng sâu rộng về mọi mặt nghệ thuật, văn hóa, chính trị từ miền Bắc đến miền Nam.

Ở đây nên đặc biệt nhắc cuộc triển lãm "Mười năm chiến đấu và trưởng thành của Quân đội", cuộc triển lãm những trang lịch sử anh dũng và cảm động nhất của Quân đội nhân dân và kháng chiến Việt Nam.

Hòa bình đã đem lại cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa những khả năng hoạt động ngoại giao rộng rãi. Nhân dân ta rất vui sướng đón tiếp đại sứ của các nước bạn đến Hà Nội, đem lại cho ta sự giúp đỡ anh em của các nước trong mặt trận hòa bình, dân chủ do Liên Xô lãnh đạo. "Việc Thủ tướng Nêru, Thủ tướng
U Nu sang thăm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã biểu thị tình đoàn kết giữa nhân dân ta và nhân dân hai nước Ấn Độ và Diến Điện4, mở đường cho việc lập quan hệ hữu nghị giữa nước ta và các nước Đông Nam Á trên cơ sở 5 nguyên tắc của bản tuyên bố chung Trung - Ấn và Trung - Diến.

Phần thứ hai

TÌNH HÌNH VÀ NHIỆM VỤ TRƯỚC MẮT

Khẩu hiệu đấu tranh của nhân dân ta trong giai đoạn lịch sử này là: củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.

Chúng ta phải thực hiện khẩu hiệu ấy trong hoàn cảnh chính trị ngày nay của Việt Nam và của thế giới.

Hoàn cảnh chính trị của thế giới ngày nay có mấy điểm đáng chú ý:

1- Mặt trận hòa bình và dân chủ do Liên Xô lãnh đạo mạnh hẳn hơn mặt trận đế quốc và gây chiến do đế quốc Mỹ cầm đầu về tất cả mọi mặt chính trị, kinh tế, quân sự.

Trong bản báo cáo trình Hội đồng Xô viết tối cao đầu tháng 2 vừa qua, đồng chí Môlôtốp, Bộ trưởng Ngoại giao Liên Xô, có nói: 

“Do những sự thay đổi trong tình hình quốc tế 10 năm qua, tương quan lực lượng giữa hai chế độ đã thay đổi một cách có lợi cho chủ nghĩa xã hội.” và có nói: “Về phương diện sản xuất vũ khí nguyên tử và khinh khí, Liên Xô đã thu được những thành tích tốt đẹp đến nỗi ngày nay so với Liên Xô thì Mỹ đã hóa ra lạc hậu”.

Mặt trận hòa bình và dân chủ thế giới mạnh hẳn hơn mặt trận đế quốc và gây chiến, đó là một đảm bảo rất vững chắc cho hòa bình thế giới.

2- Mặt trận hòa bình và dân chủ ngày thêm mạnh, sự nghiệp bảo vệ hòa bình của nhân dân thế giới ngày càng ghi thêm thành tích mới, nhất là sau thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ và sau khi Quốc hội Pháp bác bỏ “khối phòng thủ chung châu Âu”. Đế quốc Mỹ càng hoảng sợ, vội vàng và ráo riết tiến hành mọi âm mưu làm tình hình thế giới trở nên căng thẳng, nguy cơ chiến tranh trở nên nghiêm trọng. Để phá hoại hòa bình thế giới và chuẩn bị chiến tranh, đế quốc Mỹ đang ra sức: ức hiếp Quốc hội các nước Tây Âu thông qua hiệp ước Pari nhằm vũ trang lại Tây Đức, chuẩn bị dùng Tây Đức làm chủ lực trong cuộc chiến tranh chống Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân; ký kết hiệp ước Manila nhằm xâm lược các nước Đông Nam Á và chuẩn bị chiến tranh chống nước Cộng hòa Nhân dân Trung hoa và nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; ký kết hiệp ước Mỹ – Tưởng nhằm xâm chiếm Đài Loan và dùng Đài Loan làm căn cứ chuẩn bị đánh Trung Quốc. Tóm lại, Mỹ xây dựng khối quân sự và căn cứ quân sự khắp thế giới nhằm bao vây và chuẩn bị gây chiến với Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác. Để thực hiện âm mưu độc ác vừa kể trên, đế quốc Mỹ ra sức lôi kéo các đế quốc khác và mọi lực lượng phản động trên thế giới, đồng thời ráo riết tuyên truyền chiến tranh nguyên tử.

3- Trước nguy cơ chiến tranh nghiêm trọng mà đế quốc Mỹ gây nên, nhân dân các nước trong Mặt trận hòa bình dân chủ và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới rất tỉnh táo, cương quyết và bền bỉ đấu tranh chống bọn gây chiến đầy tội ác. Đồng thời Liên Xô, Trung Quốc và các nước dân chủ nhân dân khác luôn luôn sẵn sàng tiêu diệt chúng, nếu chúng điên cuồng tiến công xứ sở của hòa bình, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Nhân dân Việt Nam, nhân dân Đông Dương, đặc biệt hoan nghênh nhân dân và nhiều Chính phủ châu Á đã tham dự ngày thêm đông đảo và mạnh mẽ vào sự nghiệp bảo vệ hòa bình châu Á và thế giới.

Ngày nay Hội nghị Giơnevơ, đế quốc Mỹ lôi kéo Anh, Pháp và một số nước chư hầu của Mỹ và Anh mở hội nghị Manila, ký hiệp ước xâm lược Đông-Nam Á. Cuối tháng 2 vừa qua, chúng họp hội nghị Băng Cốc. Hội nghị Manila và hội nghị Băng Cốc cốt tạo ra bộ máy xâm lược và chiến tranh, nhằm tiến công nhân dân Việt Nam, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và hai nước Cao Miên, Lào, đồng thời cũng nhằm tiến công Trung Quốc. Tại miền Nam Việt Nam, đế quốc Mỹ ráo riết tăng cường và trực tiếp huấn luyện quân đội miền Nam, đưa thêm vũ khí và nhân viên quân sự Mỹ vào miền Nam, lập thêm căn cứ quân sự ở miền Nam.

Đi đôi với âm mưu quân sự, đế quốc Mỹ can thiệp trắng trợn vào nội chính miền Nam, nắm chính phủ Ngô Đình Diệm và dùng chính phủ ấy để hất cẳng Pháp, tập trung mọi quyền bính trong tay đế quốc Mỹ, xây dựng bộ máy đô hộ của Mỹ. Đế quốc Mỹ xúi chính phủ Ngô Đình Diệm thẳng tay đàn áp nhân dân, khủng bố phong trào hòa bình, bóp nghẹt tự do dân chủ, phát xít hóa bộ máy và chính sách cai trị ở miền Nam. Đế quốc Mỹ bày mưu đặt kế và giúp sức cho bè lũ tay sai của chúng cưỡng ép, dụ dỗ một số nhân dân miền Bắc vào Nam. Chúng hết sức ngăn trở việc lập lại quan hệ bình thường giữa miền Nam và miền Bắc.

Trong khi ấy, đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai hàng ngày tuyên truyền lừa phỉnh nhân dân miền Nam, miệng thì nói độc lập, dân chủ, cải cách xã hội, cải thiện dân sinh, nhưng việc làm thì trái hẳn. Chúng lại bịa đặt, vu khống cho ta vi phạm Hiệp định để hòng che đậy âm mưu thâm độc của chúng.

Tất cả âm mưu kể trên của đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phản Hiệp định và bọn Ngô Đình Diệm đều nhằm tăng cường can thiệp của Mỹ vào miền Nam, hòng biến miền Nam thành thuộc địa và căn cứ quân sự của đế quốc Mỹ, chia cắt nước ta và chuẩn bị chiến tranh. Kẻ thù trước mắt của nhân dân ta là: đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phản Hiệp định và bọn Ngô Đình Diệm tay sai của chúng; kẻ thù đầu sỏ và nguy hại nhất là đế quốc Mỹ.

Toàn thể nhân dân Việt Nam phải đoàn kết và đấu tranh chống âm mưu gian ác và thâm độc của chúng, đòi thi hành đúng đắn Hiệp định Giơnevơ, củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, do đó hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.

Đó là một cuộc đấu tranh rất gay go, gian khổ và phức tạp, nhưng nhất định sẽ thắng lợi.

ĐẤU TRANH ĐỂ THI HÀNH HIỆP ĐỊNH GIƠNEVƠ, CỦNG CỐ HÒA BÌNH, THỰC HIỆN THỐNG NHẤT

Hiệp định đình chiến Giơnevơ nhằm lập lại và củng cố hòa bình ở Đông Dương trên cơ sở công nhận và thực hiện các quyền dân tộc của nhân dân Đông Dương: độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia, thống nhất và lãnh thổ toàn vẹn.

Hiệp định Gơnevơ là cơ sở vững chắc cho cuộc đấu tranh hiện nay của nhân dân Việt Nam, trước mắt và căn bản là đấu tranh để củng cố hòa bình và thực hiện thống nhất. Bởi vì củng cố được hòa bình và thực hiện được thống nhất thì chúng ta sẽ hoàn thành được độc lập và dân chủ trong cả nước. Và có giành được thống nhất, độc lập và dân chủ cho cả nước thì nền hòa bình nước ta sẽ được củng cố một cách vững chắc và lâu dài, góp phần, mạnh mẽ vào sự nghiệp củng cố hòa bình ở Đông Nam Á và thế giới.

Củng cố hòa bình và thực hiện thống nhất dính liền với nhau, không thể tách rời ra được. Hiện nay đế quốc Mỹ và tay sai của chúng đang muốn phá hoại Hiệp định Giơnevơ, phá hoại hòa bình và chia cắt nước ta. Trong âm mưu của chúng, phá hoại hòa bình và phá hoại thống nhất dính liền với nhau; phá hoại hòa bình để phá hoại thống nhất; phá hoại thống nhất, xâm chiếm miền Nam để có cơ sở phá hoại hòa bình táo bạo hơn.

Cho nên hiện nay nhân dân Việt Nam chúng ta phải tập trung mọi lực lượng đấu tranh để củng cố hòa bình và thực hiện thống nhất. Hòa bình có củng cố được thì mới có điều kiện tiến tới thực hiện thống nhất bằng tổng tuyển cử. Cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất lại giúp sức vào việc củng cố hòa bình. Tóm lại, đấu tranh cho hòa bình tức là đấu tranh cho thống nhất, đấu tranh cho thống nhất tức là đấu tranh cho hòa bình. Muốn hoàn thành độc lập và dân chủ, trước hết phải giành hòa bình, thống nhất.

Hiện nay đế quốc Mỹ đang ráo riết và điên cuồng tìm cách phá hoại hòa bình vừa lập lại ở Đông Dương, phá hoại Hiệp định Giơnevơ, gây tình trạng căng thẳng ở Đông Dương. Phái thực dân Pháp phản Hiệp định ngày càng theo đuôi đế quốc Mỹ. Bọn đế quốc xâm lược đang tính toán những âm mưu rất gian ác và trắng trợn. Đồng bào toàn quốc phải rất tỉnh táo, rất kiên quyết đoàn kết và đấu tranh chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai của chúng, chống khối xâm lược Đông Nam Á, chống việc tăng cường quân đội ở miền Nam với viện trợ quân sự của Mỹ, chống lập căn cứ quân sự ở miền Nam, chống đưa nhân viên quân sự và vũ khí mới vào miền Nam.

Nhân dân Việt Nam thiết tha yêu chuộng hòa bình, mong muốn được sống đời sống hòa bình trên đất nước toàn vẹn của mình. Nhân dân Việt Nam đã hy sinh biết bao xương máu để lập lại hòa bình; nền hòa bình ấy, nhân dân Việt Nam quyết giữ gìn và củng cố.

Cuộc đấu tranh củng cố hòa bình phải gắn liền với cuộc đấu tranh thực hiện thống nhất.

Nước Việt Nam là một nước thống nhất.

Về mặt lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hóa xã hội, nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, không ai chia cắt được.

Từ Mục Nam Quan đến Mũi Cà Mau, từ Biển Đông đến biên giới Việt-Lào, Việt-Cao Miên, đất nước Việt Nam là của dân tộc Việt Nam, do dân tộc Việt Nam xây dựng, giữ gìn, trải qua biết bao thế kỷ hy sinh biết bao xương máu; đời đời đất nước Việt Nam là quê hương, là Tổ quốc của dân tộc Việt Nam chúng ta.

Tạo hóa đã ưu đãi đất nước chúng ta. Nước ta có 32 vạn 7.900 cây số vuông, gồm hơn 23 triệu nhân dân, có nhiều ruộng đất phì nhiêu, nhiều rừng núi với những vùng hầm mỏ vào hạng giàu nhất thế giới; 2.500 cây số bờ biển. Hầm mỏ quý báu ở miền Bắc cộng với đồng bằng phì nhiêu ở miền Nam sẽ làm nước ta giàu mạnh, dân ta sung túc trên cơ sở một nền công nghiệp tiên tiến và một nền nông nghiệp phồn thịnh. Nước ta ở trên con đường từ Đông sang Tây rất thuận lợi cho việc trao đổi buôn bán. Láng giềng với Trung Quốc và do đó gắn liền với các nước trong mặt trận hòa bình và dân chủ, nước ta với sự giúp đỡ anh em của các nước bạn, sẽ tiến bộ mau chóng.

Tài sản của nước ta là của toàn dân ta, của đồng bào miền Nam cũng như của đồng bào miền Bắc. Chúng ta phải đồng tâm hiệp lực cùng nhau khai thác tài sản ấy, cùng nhau xây dựng đời sống hòa bình và hạnh phúc, xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh, góp phần vào sự nghiệp củng cố hòa bình, tăng cường tình hữu nghị giữa nước ta với các nước Đông Nam Á và thế giới. Nhân dân ta rất hăng hái, phấn khởi trước tiền đồ rực rỡ ấy.

Để thực hiện âm mưu phá hoại hòa bình và chia cắt nước ta, đế quốc Mỹ và tay sai của chúng sẽ không từ một thủ đoạn gian ác, xảo trá nào, cho nên nhân dân ta phải cảnh giác, phải đoàn kết và đấu tranh chống lại. Chúng ta có chính nghĩa, có công lý, chúng ta có sức mạnh của toàn dân, có sự ủng hộ của toàn thế giới. Chúng ta quyết không để kẻ thù của dân tộc dọa dẫm, dụ dỗ, mê hoặc, lôi kéo. Hiện nay đấu tranh để củng cố hòa bình thực hiện thống nhất là nghĩa vụ và quyền lợi tối cao của dân ta, của mọi người Việt Nam ta.

Cái gì lợi cho hòa bình, thống nhất thì chúng ta theo, cái gì hại, chúng ta chống. Ngày nay ở nước ta cũng như ở toàn thế giới, nhân dân và sức đoàn kết đấu tranh của nhân dân là vô địch, ai làm trái ý của nhân dân, thì sẽ bị đánh đổ, ai làm thuận ý của nhân dân, thì sẽ được ủng hộ.

Tuy vậy, nhân dân ta phải ghi nhớ rằng cuộc đấu tranh này cũng như mọi cuộc đấu tranh chống đế quốc xâm lược là gay go, gian khổ, phức tạp. Nhưng chính vì vậy mà chúng ta phải hăng hái, dũng cảm, bền gan vững chí. Kẻ thù của hòa bình, thống nhất, dù độc ác, gian xảo đến mấy, lòng yêu nước của chúng ta quyết sẽ chiến thắng chúng. Mọi người chúng ta phải tham gia cuộc đấu tranh, cùng nhau gây một phong trào sâu rộng, sôi nổi, mạnh mẽ ủng hộ hòa bình, thống nhất, ủng hộ tổng tuyển cử tự do và dân chủ, ủng hộ hội nghị hiệp thương giữa chính phủ hai miền, ủng hộ lập lại và phát triển quan hệ Bắc – Nam, ủng hộ chủ trương của Quốc hội và của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về các vấn đề trên. Ở thành thị, nông thôn, trong công sở, xưởng máy, trường học, trong gia đình, đâu đâu cũng phải gây cuộc thảo luận, giải thích về vấn đề hòa bình, thống nhất, cùng nhau tìm cái phải, cái đúng, bác cái sai, cái trái, ý kiến khác nhau thì phải tranh luận và tranh luận để đi tới thống nhất ý kiến với nhau theo cái phải, cái đúng, đồng thời tranh thủ đoàn kết chặt chẽ với nhau hơn. Mọi người Việt Nam yêu nước từ Bắc đến Nam, đàn ông, đàn bà, người già, người trẻ bất cứ thuộc tầng lớp xã hội nào, khuynh hướng chính trị nào theo tôn giáo nào đều phải trở nên một chiến sĩ của sự nghiệp và thống nhất nước nhà, một chiến sĩ dũng cảm và thông minh, kiên quyết và nhẫn nại, hy sinh phấn đấu đến thắng lợi hoàn toàn.

Chúng ta là những người dân chủ, chúng ta tin tưởng sâu xa vào lòng yêu nước, tính tích cực, sức mạnh, tài năng, trí tuệ của nhân dân. Chúng ta tin chắc rằng phong trào ủng hộ hòa bình, thống nhất sẽ sâu rộng, sôi nổi, mạnh mẽ.

Đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất là đấu tranh chống đế quốc xâm lược Mỹ, phái thực dân Pháp phản Hiệp định và bè lũ tay sai của chúng. Đế quốc xâm lược Mỹ là kẻ cầm đầu công cuộc phá hoại hòa bình và thống nhất, cho nên nhân dân ta phải chĩa mũi nhọn đấu tranh vào đế quốc xâm lược Mỹ.

Đế quốc xâm lược Mỹ trắng trợn bội phản Hiệp định Giơnevơ, và bản tuyên bố cuối cùng của Hội nghị. Chúng chà đạp lên quyền lợi và nguyện vọng cao quý nhất của dân tộc Việt Nam cũng như của các dân tộc khác. Hôm nay, trên diễn đàn Quốc hội nhân dân Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tố cáo với nhân dân và dư luận thế giới tội ác tầy trời của đế quốc Mỹ cùng tay sai của chúng, kẻ xâm lược, kẻ gây chiến đã và đang gieo rắc tai họa thảm khốc trên đất nước yêu quý của chúng ta. Nhân dân Việt Nam quyết đoàn kết và đấu tranh chống đế quốc Mỹ, đảm bảo việc thi hành Hiệp định Giơnevơ nhằm củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, và do đó mà hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước Việt Nam. Nhân dân Việt Nam tin tưởng rằng trong cuộc đấu tranh chính nghĩa này, nhân dân Việt Nam luôn luôn được sự đồng tình và ủng hộ nhiệt liệt của Chính phủ và nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới, và nhất định sẽ giành được thắng lợi.

Đế quốc Mỹ muốn nô dịch toàn thế giới; nhân dân thế giới nhất định đánh bại chúng.

Đế quốc Mỹ muốn nô dịch nhân dân Việt Nam, nhân dân Việt Nam nhất định đánh bại chúng.

Ngày nay, phong trào chống Mỹ cuồn cuộn sôi nổi khắp mọi nơi trên thế giới. Nhân dân thế giới nhất là nhân dân châu Á không ưa Mỹ, không sợ Mỹ. Đế quốc Mỹ tưởng có thể dùng tiền của để mua chuộc, dùng sức mạnh để uy hiếp, dùng bom nguyên tử để dọa nạt thiên hạ; đế quốc Mỹ đã lầm to. Đế quốc Mỹ tưởng mình mạnh, nhưng nhân dân thế giới mạnh hơn đế quốc Mỹ. Nhân dân Trung Quốc gọi đế quốc Mỹ là con cọp giấy, đó là một câu nói đầy kinh nghiệm và rất có ý nghĩa.

Đối với nhân dân Việt Nam, chống Mỹ là yêu nước, là củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất. Đồng thời nhân dân Việt Nam phân biệt rõ rệt đế quốc Mỹ với nhân dân Mỹ yêu chuộng hòa bình, dân chủ, bị đế quốc Mỹ áp bức, bóc lột và lừa phỉnh.

Từ khi hòa bình lập lại, đồng bào miền Nam đã cùng đồng bào miền Bắc đồng tâm nhất trí tiến hành cuộc đấu tranh để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước. Vì hoàn cảnh đặc biệt của miền Nam, đồng bào miền Nam đã và đang kết hợp cuộc đấu tranh chung của dân tộc với cuộc đấu tranh ở miền Nam chống chính sách dã man tàn khốc của đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phản Hiệp định và bọn Ngô Đình Diệm, để bảo vệ hòa bình, bảo vệ đời sống, bảo vệ quyền tự do dân chủ.

Đồng bào toàn quốc nhiệt liệt ủng hộ cuộc đấu tranh anh dũng và gian khổ của đồng bào miền Nam.

CỦNG CỐ MIỀN BẮC

Để thắng lợi trong cuộc đấu tranh giành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ cho cả nước, chúng ta phải dựa vào sức lực của toàn dân của đồng bào miền Nam cũng như của đồng bào miền Bắc. Miền Bắc là nền tảng của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, củng cố miền Bắc là củng cố cơ sở chủ yếu quyết định thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, trước mắt và căn bản là cuộc đấu tranh củng cố hòa bình và thực hiện thống nhất.

Để củng cố miền Bắc, chúng ta phải thi hành mọi chính sách ích quốc lợi dân về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, quân sự, như là:

- Đẩy mạnh và hoàn thành cải cách ruộng đất theo kế hoạch.

-- Trên cơ sở cải cách ruộng đất, khôi phục, phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của nhân dân, dần dần tiến tới công nghiệp hóa nước ta.

-- Củng cố quốc phòng để giữ gìn hòa bình, bảo vệ Tổ quốc.

-- Củng cố chính quyền dân chủ cộng hòa.

- Tăng cường hoạt động ngoại giao.

Trong lúc làm những việc kể trên để củng cố miền Bắc, chúng ta phải chiếu cố miền Nam, nghĩa là những việc ấy phải chiếu cố tới tình hình miền Nam, tới nguyện vọng đồng bào miền Nam, làm cho đồng bào miền Nam hiểu rõ để hăng hái, tin tưởng, tích cực tham gia cuộc đấu tranh chung của đồng bào toàn quốc.

ĐẨY MẠNH VÀ HOÀN THÀNH CẢI CÁCH RUỘNG ĐẤT Ở MIỀN BẮC THEO KẾ HOẠCH

Trong báo cáo của Chính phủ về Luật cải cách ruộng đất trước Quốc hội trong khóa họp thứ ba có đoạn sau đây:

“Chế độ phong kiến đã kìm hãm sự phát triển của xã hội Việt Nam chính ở chỗ nó trói buộc sức sản xuất trong xiềng xích ác nghiệt của chế độ chiếm hữu ruộng đất và chế độ bóc lột theo lối phong kiến. Dưới chế độ phong kiến, trong điều kiện công cụ sản xuất còn rất thô sơ, sức sản xuất chủ yếu là sức lao động của người nông dân. Thế mà người nông dân quanh năm đầu tắt mặt tối, sống đời sống trâu ngựa trên đất ruộng của địa chủ phong kiến. Dưới chế độ phong kiến, những tầng lớp cơ bản sáng tạo ra của cải và văn hóa là nông dân và thợ thủ công, thế mà hai tầng lớp ấy bị đè nén, chà đạp không có chút tự do dân chủ, cho nên không có khả năng phát huy tất cả sức lực và tài năng của mình. Còn giai cấp địa chủ và phong kiến thì ngồi mát ăn bát vàng, sống trong lâu đài xây dựng trên mồ hôi nước mắt, trên xương máu của nông dân, không cần đến và còn kìm hãm sự phát triển sản xuất và cải tiến kỹ thuật. Để chống lại nền thống trị tàn khốc của phong kiến, luôn luôn nông dân đứng dậy đấu tranh. Những cuộc đấu tranh của nông dân – những cuộc chiến tranh nông dân – là lực lượng thúc đẩy xã hội nước ta phát triển. Những cuộc đấu tranh ấy càng mạnh mẽ, thắng lợi, thì sự phát triển càng to lớn, nhanh chóng. Trong lịch sử nước ta những cuộc đấu tranh to lớn của nông dân thường đồng thời là những cuộc đấu tranh dân tộc chống ngoại xâm. Đó là những bước tiến rõ rệt nhất, những trang lịch sử vẻ vang nhất của nước ta. Nhưng vì điều kiện lịch sử nước ta lúc bấy giờ, không có sức sản xuất mới, không có giai cấp tiến bộ, không có đảng tiên phong, cho nên những cuộc đấu tranh thắng lợi của nông dân, tuy có đẩy nước ta tiến một bước nhưng chung quy cũng chỉ là đưa đến thay đổi triều đại, chung quy cũng trở về chế độ phong kiến, áp bức, bóc lột nông dân vô cùng tàn khốc. Đó là một quy luật lịch sử của thời trước.

Tóm lại, lịch sử đã chứng tỏ tính chất lạc hậu, phản động, vô cùng bất hợp lý của chế độ phong kiến. Cho nên một nhiệm vụ căn bản của cách mạng Việt Nam là tiêu diệt chế độ ấy tận gốc rễ của nó, tức là cơ sở kinh tế của nó, là chế độ chiếm hữu ruộng đất và chế độ bóc lột của giai cấp địa chủ phong kiến, để giải phóng sức sản xuất ở nông thôn, giải phóng nông dân, phát triển sản xuất nông nghiệp, phát triển công thương nghiệp, mở mang nền kinh tế quốc dân, và trên cơ sở 90 phần trăm nhân dân đã được giải phóng, đã có ruộng đất và ưu thế chính trị, trên cơ sở công nông liên minh được củng cố, xây dựng và kiện toàn chính quyền dân chủ nhân dân”.

Đó là sự thật, đó là chân lý, đó là nguyện vọng, đòi hỏi của nông dân. Cho nên bọn đế quốc xâm lược Mỹ và bọn Ngô Đình Diệm buộc phải bầy trò “cải cách điền địa” giả hiệu ở miền Nam để đánh lừa nông dân. Nhưng chúng bày trò cải cách ruộng đất chính là để phá hoại cải cách ruộng đất. Chỉ có nhân dân và Chính phủ của nhân dân mới thật sự làm cải cách ruộng đất để giải phóng nhân dân, làm dân giầu nước mạnh.

Đối với miền Bắc của chúng ta, cải cách ruộng đất là cơ sở cần thiết cho mọi công trình khôi phục, xây dựng và phát triển về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.

Về mặt chính trị chung, cải cách ruộng đất là củng cố nông thôn vững chắc, nền tảng của chính quyền dân chủ cộng hòa; có cải cách ruộng đất thì thật sự mới có dân chủ.

Về mặt kinh tế, cải cách ruộng đất là tạo điều kiện căn bản để khôi phục và phát triển nông nghiệp, xây dựng công nghiệp, đẩy mạnh thương nghiệp, khôi phục và mở mang thành phố. Cải cách ruộng đất là cải thiện dân sinh, trước tiên cho nông dân.

Về mặt văn hóa, cải cách ruộng đất là bước đầu và bước rất lớn để thực hiện nền văn hóa dân tộc, khoa học, đại chúng.

Một điều quan trọng mà Chính phủ xin báo cáo với Quốc hội và nhân dân là: do hoàn cảnh mới sau khi hòa bình lập lại, chính sách cải cách ruộng đất và phương pháp phát động quần chúng thực hiện cải cách ruộng đất có sự thay đổi thích đáng cho hợp với hoàn cảnh mới, nhằm cải cách ruộng đất được nhanh, gọn, tốt, đồng thời mở rộng mặt trận chống phong kiến và mặt trận dân tộc:

1. Mọi địa chủ nào, không phải là cường hào gian ác, thì đều không bị đưa ra truy tố trước Tòa án nhân dân đặc biệt; ruộng đất, tài sản được trưng mua.

2. Đối với những địa chủ cường hào gian ác đã phạm nhiều tội ác lớn như: chiếm đoạt ruộng đất, giết hại nông dân, phá hoại cuộc vận động cải cách ruộng đất, v.v. từ nay sẽ đưa ra Tòa án nhân dân đặc biệt xét xử theo pháp luật, tại đó nông dân có quyền tố khổ. Sẽ không tổ chức đấu.

3. Những cha cố, sư sãi … quản lý ruộng đất của Nhà Chung, nhà chùa hoặc có ruộng riêng cho phát canh, đều không vạch là địa chủ, nhưng vẫn phải chấp hành đúng chính sách ruộng đất.

4. Những nhà công thương nghiệp kiêm địa chủ sống ở thành thị nói chung không bị gọi về nông thôn để vạch thành phần khi ở địa phương phát động quần chúng giảm tô hoặc cải cách ruộng đất.

5. Những địa chủ là nhân sĩ dân chủ, thân sĩ yêu nước, địa chủ kháng chiến, địa chủ thường bản thân hoặc có con tham gia quân đội nhân dân, làm cán bộ, làm công chức của chính quyền nhân dân; những công chức lưu dụng và những người công nghiệp thương nghiệp ở các thành thị thuộc thành phần địa chủ nhưng không phải là cường hào gian ác, đều được phép hiến ruộng đất.

Cải cách ruộng đất là chính sách cải cách dân chủ căn bản của nước ta.

Cải cách ruộng đất là cơ sở để xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ.

Chính sách và phương pháp cải cách ruộng đất của chúng ta hiện nay là rất hợp lý và hợp tình. Các tầng lớp nhân dân nước ta, mọi người Việt Nam yêu nước thương nòi đều nhiệt liệt đồng tình và ủng hộ chính sách và phương pháp ấy, tìm hiểu và giúp mọi người khác hiểu chỗ hay, chỗ đúng của chính sách và phương pháp ấy, như thế để tạo thêm điều kiện thuận lợi cho cuộc phát động quần chúng cải cách ruộng đất ở miền Bắc, cho mọi công tác cải tạo và xây dựng nông thôn sau cải cách ruộng đất.

Hòa bình trở lại, đô thị và vùng công nghiệp được giải phóng, rất nhiều công việc mới đòi hỏi chúng ta phải lo, phải làm. Dù như vậy, chúng ta phải đặc biệt coi trọng công việc cải cách ruộng đất, tập trung lực lượng để làm xong công việc ấy theo kế hoạch đã định.

Muốn củng cố miền Bắc, thì phải cải cách ruộng đất.

KHÔI PHỤC KINH TẾ VÀ VĂN HÓA

Hòa bình đã được lập lại, về mặt kinh tế, chúng ta có nhiệm vụ to lớn là hàn gắn vết thương của chiến tranh, khôi phục lại nền kinh tế quốc dân, làm giảm bớt những khó khăn trong đời sống của nhân dân, nhằm nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của tất cả các tầng lớp nhân dân, nhất là các tầng lớp lao động ở thôn quê và thành thị, quân đội, cán bộ, công chức; rồi trên cơ sở đã khôi phục sẽ phát triển kinh tế một cách có kế hoạch và làm từng bước. Bước đầu tiên là phải tiến tới khôi phục mức sản xuất trước chiến tranh.

Trong công cuộc khôi phục, chúng ta gặp nhiều khó khăn lớn vì nền kinh tế của chúng ta bị 15 năm chiến tranh tàn phá nặng nề, đang mang nhiều tàn tích phong kiến và thực dân, lại thêm đế quốc Mỹ và tay sai của chúng hiện đang ra sức gây khó khăn, trở ngại cho ta. Nhưng chúng ta cũng có những thuận lợi căn bản là điều kiện thiên nhiên tốt đẹp của đất nước, là lòng tin tưởng, phấn khởi và sức lao động sáng tạo của nhân dân, là sự giúp đỡ khảng khái của các nước bạn về mọi mặt.

Phương châm khôi phục kinh tế là:

1. Trong điều kiện nước ta hiện nay, muốn khôi phục kinh tế, chủ yếu phải khôi phục nông nghiệp. Vì vậy phải chú trọng công tác cải cách ruộng đất. Đồng thời rất coi trọng giao thông vận tải, chăm lo khôi phục và xây dựng một số công nghiệp cần thiết. Sau đó, tiếp tục phát triển nền kinh tế quốc dân, chú trọng gây cơ sở công nghiệp hoá.

Việc khôi phục kinh tế nhằm mục đích nâng cao đời sống của nhân dân, đồng thời tích trữ vốn để nâng cao và phát triển sản xuất hơn nữa.

2. Khôi phục kinh tế phải theo đường lối chung là: phát triển sản xuất, làm cho kinh tế dồi dào, công và tư đều được chiếu cố, lao động và tư bản đều có lợi, thành thị và thôn quê giúp đỡ nhau, mở rộng trao đổi giữa trong nước và ngoài nước.

3. Khôi phục phải đi đôi với cải tạo nền kinh tế cũ còn nặng tính chất phong kiến, thực dân và di tích chiến tranh, thành nền kinh tế độc lập, dân chủ, phục vụ dân sinh.

4. Phải tăng cường một cách vững chắc bộ phận kinh tế quốc doanh và chăm lo xây dựng dần dần bộ phận kinh tế hợp tác xã; phải phát huy đến cao độ tính tích cực của quảng đại quần chúng lao động ở thành thị và thôn quê; phải hướng dẫn khuyến khích, giúp đỡ công việc làm ăn, buôn bán của các tầng lớp tiểu tư sản và công cuộc kinh doanh của tư sản dân tộc.

5. Trong lúc tiến hành công tác khôi phục kinh tế phải thực hiện sự phát triển cân đối giữa các ngành theo những hướng sau đây:

a) Về nông nghiệp, phải dựa trên cơ sở của cải cách ruộng đất mà khôi phục và phát triển sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là sản xuất lương thực để tiến tới chấm dứt nạn thiếu thốn, đảm bảo cung cấp lương thực cho bộ đội, công nhân, nhân viên, tiếp tế lương thực cho thành thị, nguyên liệu cho nhà máy và có nhiều nông sản xuất cảng.

Muốn thế, phải khôi phục những ruộng đất bỏ hoang, khôi phục và phát triển thuỷ nông, củng cố và tăng cường hệ thống đê điều, đẩy mạnh sản xuất phân bón, gây dựng lại số trâu bò cày bị thiệt hại trong chiến tranh, giúp dân lựa chọn giống tốt, cải tiến công cụ và phương pháp canh tác.

Trên cơ sở đó phải củng cố và phát triển các tổ chức đổi công và hợp tác.

Đồng thời, cần bắt đầu xây dựng một số nông trường quốc doanh.

Các ngành công nghiệp, mậu dịch, giao thông vận tải, tài chính, ngân hàng phải phục vụ thiết thực cho sản xuất nông nghiệp.

b) Về giao thông vận tải, phải khôi phục, củng cố và phát triển mọi đường giao thông vận tải theo yêu cầu của kinh tế và dân sinh.

Phải khôi phục và củng cố các đường xe lửa sẵn có; khôi phục đường ô tô, khai thông hoặc vét lại một số sông ngòi để mở rộng việc vận chuyển đường sông, sửa sang và thiết bị thêm các cửa biển.

Phải khôi phục và tăng cường thông tin liên lạc giữa Hà Nội và các tỉnh, giữa thành thị và nông thôn, giữa trong nước và ngoài nước bằng các phương tiện tiến bộ.

c) Về công nghiệp, trong thời kỳ khôi phục, phải chú trọng công nghiệp nhằm sản xuất các loại hàng cần thiết cho đời sống nhân dân.

Đối với thủ công nghiệp và tiểu công nghiệp, phải khôi phục và phát triển những ngành sản xuất hàng hoá cần thiết cho việc ăn, mặc, ở và việc sản xuất của nhân dân và những ngành sản xuất hàng xuất cảng.

Về công nghiệp nhẹ, phải nhằm những ngành cung cấp hàng cần thiết cho nhân dân như: công nghiệp chế biến nông sản, lâm sản, nhà máy cơ khí sản xuất, những dụng cụ máy móc nhỏ cho các ngành tiểu công và thủ công, nhà máy sửa chữa những phương tiện vận tải, nhà máy làm nguyên liệu kiến trúc, v.v..

Về công nghiệp khai khoáng, phải khôi phục các mỏ than, nghiên cứu và chuẩn bị khai thác các thứ mỏ khác để có nhiên liệu cung cấp cho công nghiệp có hàng xuất khẩu và để chuẩn bị cho công nghiệp luyện kim.

Phải nghiên cứu, chuẩn bị tiến tới xây dựng dần dần một số công nghiệp điện, hóa học, chuẩn bị cơ sở cho việc công nghiệp hóa nước nhà.

Trong việc khôi phục và phát triển công nghiệp, một mặt phải tăng cường các cơ sở quốc doanh, xây dựng hợp tác xã, một mặt hướng dẫn, khuyến khích, giúp đỡ kinh doanh tư nhân của tư sản dân tộc. Tư sản ngoại quốc cũng cần được chiếu cố một cách thích đáng.

d) Việc xây dựng lại các thành phố bị tàn phá, phải dựa vào sức dân là chính, nhưng Chính phủ cũng phải góp phần cần thiết; phải có trọng điểm, có kế hoạch, phân biệt giữa các thành phố quan trọng khác nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế; phải nhìn xa, đồng thời nhằm vào những lợi ích thiết thực của dân sinh và những lợi ích công cộng.

Việc xây dựng lại nông thôn bị tàn phá phải dựa vào sức dân và phải đi đôi với khôi phục sản xuất nông nghiệp.

e) Về thương mại, việc khôi phục và phát triển nhằm mở rộng lưu thông hàng hoá giữa thành thị và thôn quê, giữa miền núi và trung châu, giữa các khu, giữa nước ta và các nước. Cần nắm vững phương châm khuyến khích những ngành thương nghiệp có lợi cho quốc kế dân sinh.

Trong nước, ở các vùng mới giải phóng cần chuyển hướng thương nghiệp sống nhờ vào chủ nghĩa đế quốc thành thương nghiệp phục vụ dân sinh và sản xuất, đồng thời chuyển một phần thương nghiệp ấy sang sản xuất, chú trọng phát triển thương nghiệp ở vùng tự do cũ và thượng du.

Phải đấu tranh để nối lại luồng hàng hoá và quan hệ kinh tế với miền Nam.

Mậu dịch với nước ngoài phải phát triển trao đổi hàng hoá với các nước bạn, xuất cảng nông sản, lâm sản, khoáng sản, đổi lấy những hàng công nghiệp cần thiết cho dân sinh và sản xuất, cho việc khôi phục giao thông vận tải và kiến trúc lại các thành phố.

Phải tranh thủ buôn bán với nước Pháp và các nước Đông Nam Á theo nguyên tắc tôn trọng chủ quyền của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bình đẳng và hai bên đều có lợi

CỦNG CỐ MIỀN BẮC LÀ KHÔI PHỤC VÀ PHÁT TRIỂN VĂN HOÁ

Khôi phục và phát triển kinh tế là xây dựng nền tảng để phát triển văn hoá. Văn hoá phát triển sẽ giúp đào tạo nhiều nhân tài, nâng cao trình độ chung của nhân dân, nhờ đó sẽ giúp sức đẩy kinh tế phát triển.

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết phát triển nền văn hoá của Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học, đại chúng, bao gồm: giáo dục, khoa học, văn hóa, nghệ thuật, y tế, v.v..

Về mặt giáo dục, chúng ta phải tích cực củng cố và phát triển thành tích tốt đẹp của bình dân học vụ khắp nơi; thống nhất và củng cố ngành phổ thông, chú trọng phát triển các lớp trên của trung học (cấp III); đặc biệt chú trọng phát triển ngành chuyên nghiệp và đại học. Chúng ta phải mở rộng cơ sở rèn luyện cán bộ cần thiết cho công cuộc khôi phục và kiến thiết. Chúng ta phải chú trọng cán bộ công nông.

Chúng ta phải cố gắng xây dựng trường Đại học Hà Nội thành nơi đào tạo nhân tài của nước nhà.

Về mặt nghệ thuật, mặc dầu những khó khăn của hoàn cảnh kháng chiến trước đây, các ngành văn nghệ và nghệ thuật đều có tiến bộ, có thành tích, đều ít nhiều thực hiện được phương châm dùng hình thức cũ của dân tộc để diễn tả ý tưởng mới của thời đại. Chúng ta mong đợi nền nghệ thuật Việt Nam sẽ tiến bộ nhiều hơn nữa trong việc khai thác và phát triển vốn văn hoá của dân tộc, học tập văn hoá tiên tiến của các nước bạn, và thu những thành tích tốt đẹp hơn nữa.

Về mặt y tế, chúng ta phải ra sức phòng bệnh, chữa bệnh và chăm lo sức khoẻ của đồng bào, chiến sĩ và cán bộ, bằng cách kiên quyết chống các bệnh phổ biến trong nhân dân, như: đau mắt hột, sốt rét rừng, đậu mùa, bệnh hoa liễu rất phổ biến trong vùng tạm bị chiếm trước đây, v.v..

Thực hiện yêu cầu khôi phục nói trên đòi hỏi nhân dân ta những cố gắng rất lớn về tài chính, thiết bị, nhân công, cán bộ.

Về thiết bị, các nước bạn sẽ giúp đỡ ta một phần lớn.

Về tài chính, nhân công, cán bộ, nhân dân ta phải gánh vác.

Về tài chính, chính sách thuế khóa phải thu góp vốn để cung cấp cho sự nghiệp khôi phục. Ngoài kinh phí cho mọi chi tiêu thường của quốc gia, chúng ta giành được nhiều chừng nào cho công cuộc khôi phục kinh tế, văn hoá thì công cuộc ấy càng được thực hiện nhanh chóng. Nhân dân ta phải nhận thức vững chắc và rõ rệt chính sách thuế khóa công bằng và hợp lý là cần thiết, là ích nước lợi dân; đóng thuế như vậy là góp một phần nhỏ thu hoạch của mình để làm việc lớn. Trong thời gian kháng chiến, nhân dân ta đóng thuế để đánh giặc. Hòa bình trở lại nhân dân ta đóng thuế để xây dựng đời sống tốt đẹp của mình. Chính phủ có trách nhiệm quản lý và sử dụng của công một cách hợp lý, tuyệt đối tránh lãng phí, tham ô.

Về nhân công thường, chúng ta sẽ dựa vào nhân lực hiện chưa có việc làm, vào nhân lực của nông thôn trong lúc nhàn rỗi, vào lực lượng của thanh niên xung phong. Chính phủ đang nghiên cứu thay thế chế độ dân công thời chiến bằng chế độ phục vụ thời bình. Về nhân công lành nghề mà hiện thời chúng ta chưa có bao nhiêu, chúng ta phải gấp rút đào tạo trong công trường, trong trường học.

Về cán bộ, chúng ta phải đặc biệt chăm lo đào tạo gấp rút trong công tác, trong trường học ở trong nước, ở nước bạn, đào tạo cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, cán bộ chính trị, đào tạo cho nhu cầu trước mắt và nhu cầu tương lai.

Sau 15 năm chiến tranh, khôi phục kinh tế và văn hoá quốc dân trong hoàn cảnh nước ta ngày nay là một công cuộc rất khó, rất nặng, rất phức tạp. Chúng ta phải động viên, tổ chức, giáo dục, lãnh đạo quần chúng làm thành một lực lượng rất chắc, rất mạnh, sôi nổi tinh thần yêu nước đầy tính tích cực và sáng tạo. Phong trào thi đua ái quốc trong kháng chiến đã gây nên những thành tích to lớn thúc đẩy cuộc đấu tranh của nhân dân ta đến thắng lợi ngày nay. Phong trào thi đua ái quốc trong công cuộc khôi phục và phát triển kinh tế và văn hoá nhất định sẽ là động cơ làm nảy nở những anh hùng, chiến sĩ với những thành tích chưa từng thấy.

CỦNG CỐ QUỐC PHÒNG

Hiện nay trên thế giới, nguy cơ chiến tranh đang đe dọa nền hòa bình và nhân dân thế giới. Ở Đông Nam Á, hiệp ước Manila là một bộ máy chiến tranh. Ở miền Nam nước ta, đế quốc xâm lược Mỹ, phái thực dân Pháp phản hiệp định và tay sai của chúng đang ráo riết tăng cường quân đội, tăng cường căn cứ quân sự, chuẩn bị chiến tranh.

Cho nên củng cố quốc phòng, củng cố quân đội nhân dân là một nhiệm vụ rất quan trọng của Chính phủ và của nhân dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những ý nghĩ vì hòa bình đã trở lại mà coi nhẹ nhiệm vụ ấy đều hoàn toàn sai lầm.

Để củng cố quân đội nhân dân, cốt yếu là huấn luyện quân đội về chính trị và kỹ thuật, làm cho chiến sĩ và cán bộ nhận rõ Quân đội nhân dân Việt Nam phải luôn luôn là một quân đội chiến đấu anh dũng.

Hiện nay nhiệm vụ của quân đội nhân dân rất nặng nề: bảo vệ hòa bình, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn biên cương, đảm bảo trật tự và an ninh chung. Quân đội nhân dân cũng là một đội công tác, bất cứ ở đâu, lúc nào, đều vui vẻ sẵn sàng giúp đỡ Chính phủ và nhân dân, khôi phục kinh tế, tiếp quản vùng mới giải phóng, v.v..

Trong lúc kháng chiến, nhân dân và Chính phủ quý mến và ra sức săn sóc bộ đội, bây giờ và sau này, nhân dân và Chính phủ luôn luôn phải làm việc đó. Phải tuyên truyền, giáo dục nhân dân thương yêu bộ đội, ủng hộ bộ đội, ưu đãi thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình bộ đội. Đồng thời, phải giáo dục bộ đội thương yêu nhân dân, một lòng trung thành với Tổ quốc, làm đúng chính sách của Đảng và Chính phủ, tôn trọng và tuân theo pháp luật của Chính phủ.

Nhân dân Việt Nam tin tưởng chắc chắn rằng Quân đội nhân dân Việt Nam luôn luôn sẽ làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình là bảo vệ hòa bình, bảo vệ Tổ quốc, làm trụ cột vững chắc cho cuộc đấu tranh giành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước.

KIỆN TOÀN CHÍNH QUYỀN DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là một quốc gia độc lập. Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có trách nhiệm quản lý quốc gia ấy, quản lý đời sống, tài sản, hoạt động của nhân dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chính quyền của chúng ta tiêu biểu khối đoàn kết toàn dân, tiêu biểu Mặt trận dân tộc thống nhất về mọi mặt: chính sách, tổ chức, công tác. Ngày nay, hòa bình đã trở lại, nhân dân ta sắp hoàn toàn làm chủ miền Bắc gồm nông thôn và thành thị, có nông nghiệp và công nghiệp, thương nghiệp, gồm nhiều tầng lớp xã hội, nhiều dân tộc nhiều tôn giáo, nhiều chính đảng và đoàn thể chính trị khác nhau, chúng ta đang tiến hành cuộc đấu tranh gian khổ nhưng nhất định thắng lợi giành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ cho Tổ quốc. Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải phản ảnh đúng mực tất cả tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của miền Bắc, đồng thời chiếu cố đúng mực đến miền Nam, phản ánh đúng mực yêu cầu củng cố miền Bắc, yêu cầu đấu tranh của toàn quốc, toàn dân; có như vậy nó mới được nhân dân miền Bắc, miền Nam mến yêu và ủng hộ, do đó nó mới có sức mạnh uy tín để đoàn kết và lãnh đạo nhân dân đấu tranh và giành thắng lợi.

Chúng ta phải nhằm những điều ấy mà tăng cường chính quyền của ta về chính sách, tổ chức, công tác. Về mặt chính sách, chúng ta đã có những chính sách lớn hợp với tình hình mới và nhiệm vụ mới. Chúng ta còn phải nghiên cứu và ban hành những chính sách cụ thể hợp với yêu cầu của nhân dân. Phải đẩy mạnh việc tuyên truyền, giải thích, biến chính sách của Chính phủ thành chính sách của nhân dân. Mọi chính sách của chúng ta đều phục vụ lợi ích của nhân dân, lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, lợi ích miền Bắc và lợi ích miền Nam. Cho nên phải tuyên truyền, giải thích đầy đủ, rõ rệt chỗ đó, làm nhân dân hiểu chính sách, tin tưởng chính sách và hăng hái làm đúng chính sách, tự động, tự giác chống kẻ xuyên tạc chính sách.

Về mặt tổ chức, chúng ta phải theo nguyên tắc dân chủ tập trung mà kiện toàn bộ máy chính quyền. Hòa bình đã trở lại phải công tác ngày càng nhiều, phức tạp, đòi hỏi một sự lãnh đạo tập trung, thống nhất kịp thời, mạnh mẽ. Phải kiện toàn, tăng cường bộ máy nhà nước của chúng ta hợp với yêu cầu của quốc gia hiện nay về mặt tổ chức, cán bộ, phương pháp làm việc nhằm mọi ngành nội chính, ngoại giao, kinh tế, văn hoá, phải đề cao pháp luật, kỷ luật của chính quyền, giáo dục nhân dân tôn trọng và triệt để chấp hành pháp luật, kỷ luật ấy, vì pháp luật và kỷ luật là để bảo hộ lợi ích của nhân dân.

Chính quyền ta phải được củng cố và mở rộng để phản ánh Mặt trận dân tộc thống nhất của chúng ta hiện nay. Chính quyền nông thôn phải được tiếp tục chỉnh đốn trên cơ sở cải cách ruộng đất. Chính quyền thành thị phải tiêu biểu các tầng lớp xã hội ở thành thị và dựa vào công nhân và nhân dân lao động. Chúng ta phải coi trọng kiện toàn chính quyền ở các vùng đồng bào thiểu số, xây dựng khu tự trị của các dân tộc ở những vùng có điều kiện, bắt đầu lập khu tự trị Thái - Mèo5 ở Tây Bắc, tiến tới lập các khu tự trị khác, tạo điều kiện giúp các dân tộc đoàn kết và tiến bộ. Dần dần chúng ta sẽ chỉnh đốn Hội đồng nhân dân các cấp, làm cho Hội đồng nhân dân trở thành cơ quan chính quyền tối cao ở địa phương, phát huy tác dụng của Hội đồng nhân dân về mọi mặt.

 Lợi ích của nhân dân là luật pháp tối cao của chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chính quyền đó là người đầy tớ trung thành tận tụy và đắc lực của nhân dân.

Để làm đầy đủ những điều trên đây, cơ quan phụ trách chính quyền từ Chính phủ Trung ương đến các Uỷ ban hành chính địa phương phải hết sức sửa chữa thiếu sót của mình, nhất là trong việc quan tâm đến đời sống của nhân dân, liên hệ mật thiết với nhân dân, phát huy dân chủ trong nhân dân. Sửa chữa thiếu sót về các mặt ấy tức là kịp thời nghiên cứu và ban hành mọi chính sách lớn và chính sách cụ thể hợp với lợi ích của nhân dân; chỉnh đốn và kiện toàn bộ máy các ngành, các cấp từ Trung ương xuống xã để thực hiện liên hệ mật thiết với nhân dân; giáo dục cán bộ biết giải thích, bàn bạc với nhân dân, phát huy dân chủ trong nhân dân, phát huy tính tích cực và năng lực sáng tạo của nhân dân, mạnh dạn, thẳng thắn phê bình, tự phê bình và hoan nghênh sự phê bình của nhân dân, nghĩa là đi theo đường lối quần chúng, tuyệt đối chống bệnh quan liêu, mệnh lệnh.

CHÍNH SÁCH NGOẠI GIAO CỦA NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA

Chính sách ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhằm lập quan hệ tốt với mọi nước trên thế giới trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền lẫn nhau, bình đẳng đối đãi với nhau và mọi bên cùng có lợi, là hoàn toàn phù hợp với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam cũng như nhân dân các nước khác trên thế giới giành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ cho Tổ quốc mình.

Chính sách ấy dựa trên nguyên tắc: chế độ xã hội khác nhau có thể cùng chung sống hòa bình, nhằm giải quyết bằng cách thương lượng mọi tranh chấp và xung đột quốc tế, làm cho tình hình thế giới bớt căng thẳng, giữ gìn và củng cố hòa bình, phát triển tình hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc.

Vì lẽ đó, chính sách ấy kiên quyết phản đối đế quốc Mỹ xâm lược và gây chiến đang âm mưu phá hoại hòa bình Đông Dương và hòa bình thế giới.

Nền tảng vững chắc của chính sách ngoại giao của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là tăng cường quan hệ mật thiết với các nước bạn, với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, với Liên Xô cùng các nước dân chủ nhân dân khác. Chúng ta không ngừng củng cố và phát triển tình đoàn kết hữu nghị với các nước bạn, cùng nhau đấu tranh chống chiến tranh đế quốc, cùng nhau giữ gìn và củng cố hòa bình. Chúng ta không ngừng củng cố và phát triển quan hệ kinh tế và văn hoá với các nước bạn, nhờ viện trợ kỹ thuật, nhờ học tập kinh nghiệm tiên tiến của Trung Quốc, Liên Xô và các nước bạn khác để khôi phục kinh tế, văn hoá, xây dựng nước nhà.

Việt Nam và Lào, Cao Miên là ba nước láng giềng ở cạnh nhau, đều cùng nhau vui mừng khi hòa bình lập lại, ngày nay đều cần cùng nhau giữ gìn và củng cố hòa bình ấy, để thực hiện mọi quyền dân tộc mà Hội nghị Giơnevơ đã công nhận.

Hiện giờ đế quốc Mỹ âm mưu phá hoại sự thi hành hiệp định ở Việt Nam cũng như Lào, Cao Miên; chúng đang ráo riết lôi kéo miền Nam Việt Nam và Lào, Cao Miên vào khối xâm lược Đông Nam Á, can thiệp trắng trợn vào nội trị 3 nơi ấy, gây tình hình căng thẳng, hỗn loạn ở 3 nơi ấy, đe dọa nghiêm trọng hòa bình của Đông Dương. Việc ấy rất không lợi đối với Việt Nam cũng như đối với Cao Miên và Lào. Nhân dân 3 nước đều muốn hòa bình và độc lập, đều ghét đế quốc và chiến tranh để cùng nhau giữ gìn hòa bình Đông Dương và độc lập của mỗi nước, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng lập quan hệ với Chính phủ nhà vua Lào và Chính phủ nhà vua Cao Miên, trên cơ sở 5 nguyên tắc của bản tuyên bố chung Trung - Ấn, Trung - Diến là: tôn trọng lãnh thổ và chủ quyền của nhau, không xâm phạm lẫn nhau, không can thiệp nội chính của nhau, bình đẳng và cùng có lợi, cùng chung sống hòa bình.

Việt Nam cùng với các nước Đông Nam Á nằm chung trong một khu vực, cùng nhau có những mối quan hệ kinh tế, văn hoá lâu đời, trước đây đều bị đế quốc xâm lược và áp bức, hiện giờ đang cùng đứng trước âm mưu xâm lược và chiến tranh của đế quốc Mỹ, do đó phải cùng nhau đoàn kết và đấu tranh để củng cố hòa bình, giành và giữ độc lập dân tộc và tự do dân chủ. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ trương thành lập quan hệ với các nước Đông Nam Á và tất cả các nước khác trên cơ sở 5 nguyên tắc của bản tuyên bố Trung - Ấn và Trung - Diến, và nhiệt liệt ủng hộ mọi hoạt động có ích lợi cho việc phát triển tình đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân Đông Nam Á và nhân dân các nước khác để cùng nhau bảo vệ lợi ích chung. Vì thế, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa hoan nghênh và ủng hộ hội nghị Á - Phi sắp họp ở Nam Dương6 và tin chắc rằng hội nghị sẽ thu được kết quả tốt đẹp.

Nhân dân Việt Nam và nhân dân Pháp sẵn có cảm tình mật thiết với nhau. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cùng với nước Pháp ký Hiệp định Giơnevơ, ngày nay đều có trách nhiệm chính trong việc thi hành hiệp định ấy. Quan hệ tốt giữa 2 nước là điều cần thiết để củng cố hòa bình, và phù hợp với quyền lợi của 2 nước. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chủ trương lập quan hệ ngoại giao, kinh tế, văn hoá với nước Pháp trên cơ sở tôn trọng chủ quyền của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, bình đẳng và 2 bên cùng có lợi. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhân dân Việt Nam kiên quyết chống chính sách theo đuôi Mỹ của phái thực dân Pháp phản hiệp định nhằm phá hoại việc thi hành hiệp định đình chiến đi ngược lại quyền lợi của cả 2 nước Việt Nam và Pháp.

Nhân dân Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết thi hành đầy đủ và triệt để Hiệp định Giơnevơ. Vì thế, nhân dân Việt Nam và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa luôn luôn hợp tác với Uỷ ban Quốc tế, giúp đỡ Uỷ ban Quốc tế làm trọn nhiệm vụ; và mong rằng Uỷ ban Quốc tế sẽ luôn luôn cố gắng và thu được thành tích tốt đẹp hơn.

Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiên quyết chống việc thành lập các khối quân sự xâm lược, chống việc tuyên truyền chiến tranh nguyên tử, chống chính sách ngoại giao của đế quốc Mỹ dựa trên vũ lực, dựa trên sự đe dọa đối với nhân dân và Chính phủ các nước. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ủng hộ đường lối của Liên Xô đề nghị tài giảm binh bị, đề nghị cấm các thứ vũ khí nguyên tử, khinh khí và vũ khí giết người hàng loạt. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiên quyết chống việc đế quốc Mỹ chiếm đóng Đài Loan là lãnh thổ của Trung Quốc, kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng Đài Loan của nhân dân Trung Quốc. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiên quyết ủng hộ việc giải quyết hòa bình vấn đề Triều Tiên, việc thống nhất Triều Tiên bằng tổng tuyển cử. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân châu Âu chống vũ trang lại Tây Đức, kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Đức đòi thống nhất nước nhà.

ĐOÀN KẾT NHÂN DÂN TRONG NƯỚC, ĐOÀN KẾT NHÂN DÂN THẾ GIỚI

Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là phản ánh khối đoàn kết toàn dân, phản ánh Mặt trận dân tộc thống nhất.

Nhân dân Việt Nam đã thành công trong cuộc Cách mạng tháng Tám và đã kháng chiến thắng lợi, là nhờ nhân dân Việt Nam đã đoàn kết chặt chẽ trong Mặt trận dân tộc thống nhất rộng rãi và vững chắc.

Cho nên củng cố và mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất để đoàn kết chặt chẽ mọi tầng lớp, mọi đảng phái, mọi dân tộc, mọi tôn giáo, mọi người tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ là điều rất cần thiết và rất quan trọng để giành thắng lợi trong cuộc đấu tranh gay go gian khổ, phức tạp hiện nay.

 Từ chiến tranh chuyển sang hòa bình, cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta bước vào một giai đoạn mới. Trong nhân dân ta, nhất là ở vùng thành thị, và nông thôn mới giải phóng, có nhiều người, nhiều nhóm lâu nay chưa từng có dịp tham gia Mặt trận, một số trước đây đã hợp tác với đối phương, nhưng ngày nay tán thành Hiệp định Giơnevơ, tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ. Phong trào đấu tranh cho hòa bình dân chủ phát triển ở miền Nam đã chứng tỏ mọi tầng lớp xã hội ở miền Nam hăng hái đoàn kết và đấu tranh dưới lá cờ hòa bình, thống nhất, độc lập dân chủ. Mở rộng Mặt trận dân tộc thống nhất là rất phù hợp với cuộc đấu tranh chính trị rộng rãi, sôi nổi của toàn dân ta hiện nay.

Mặt khác, đế quốc Mỹ và bè lũ đang tích cực lừa phỉnh, lôi kéo, chia rẽ nhân dân ta, dựa vào một bọn phản nước, hại dân để chống lại toàn thể dân tộc ta, hòng phá hoại hiệp định đình chiến, phá hoại hòa bình, ngăn cản thống nhất của nước ta. Toàn thể dân tộc phải đoàn kết chặt chẽ trong Mặt trận dân tộc thống nhất, nhằm cô lập và đánh bại đế quốc xâm lược Mỹ và tay sai của chúng.

Trong lời mừng đầu năm 1955, Hồ Chủ tịch đã nói: “Chúng ta phải đoàn kết rộng rãi và chặt chẽ, từ Bắc đến Nam. Bất kỳ người nào, bất kỳ nhóm nào, nếu họ tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì chúng ta cũng sẵn sàng thật thà đoàn kết với họ”.

Đế quốc xâm lược Mỹ cùng bè lũ đang đe dọa nước ta, dân ta. Trên nguyên tắc quyền lợi của Tổ quốc, của dân tộc cao hơn tất cả, toàn thể dân tộc ta từ Bắc đến Nam sẽ đoàn kết trong Mặt trận dân tộc thống nhất chắc chắn và rộng rãi hơn lúc nào hết. Quyền lợi riêng của cá nhân, bộ phận, địa phương phải phục tùng quyền lợi tối cao của Tổ quốc. Quyền lợi tối cao của Tổ quốc, của dân tộc được bảo vệ thì quyền lợi riêng sẽ được bảo vệ, và trên cơ sở nước nhà được hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ, mọi người Việt Nam sẽ có cơ hội và khả năng phát huy mọi tài năng của mình để góp phần xây dựng nước Việt Nam mới.

Muốn làm cho Mặt trận dân tộc thống nhất ngày thêm mở rộng, ngày thêm lớn mạnh, chúng ta phải củng cố nó trên cơ sở vững chắc của khối liên minh công nông và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam đối với Mặt trận.

Đảng Lao động Việt Nam soi sáng cho dân tộc con đường đấu tranh và thắng lợi. Đảng Lao động Việt Nam có liên hệ mật thiết với nhân dân, nhất là với quần chúng công nông là sức mạnh chủ yếu của sự nghiệp giải phóng dân tộc. Đảng Lao động Việt Nam đặt quyền lợi của Tổ quốc, của dân tộc lên trên tất cả, là người đoàn kết và hướng dẫn toàn thể dân tộc vững chắc tiến bước trên con đường đấu tranh và thắng lợi. Hồ Chủ tịch, lãnh tụ của Đảng Lao động và của nhân dân Việt Nam, là người tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân. Dân tộc Việt Nam đoàn kết chặt chẽ chung quanh Hồ Chủ tịch là đảm bảo chắc chắn của thắng lợi.

Ở trong nước, chúng ta đoàn kết toàn dân trong Mặt trận dân tộc thống nhất. Đối với ngoài, nhân dân Việt Nam ta đoàn kết với nhân dân toàn thế giới thành Mặt trận quốc tế vô cùng rộng lớn đấu tranh cho hòa bình thế giới độc lập dân tộc và tự do dân chủ. Từ trước nhân dân Việt Nam ta đã đoàn kết với nhân dân thế giới. Ngày nay đứng trước nguy cơ chiến tranh do đế quốc Mỹ gây nên ở Đông Dương cũng như ở nhiều nơi khác, nhân dân Việt Nam phải đoàn kết mật thiết hơn nữa, rộng rãi hơn nữa với nhân dân các nước trong Mặt trận hòa bình dân chủ, với nhân dân Pháp, với nhân dân hai nước Cao Miên7, Lào và nhân dân các nước Đông Nam Á: Ấn Độ, Nam Dương8, Diến Điện9,… với nhân dân yêu chuộng hòa bình và nhân dân bị áp bức toàn thế giới.

*

*           *

Nhìn chung lại tình hình và nhiệm vụ hiện nay của chúng ta:

Kháng chiến thắng lợi, giành được hòa bình, nhân dân Việt Nam còn phải đấu tranh gay go và gian khổ để củng cố hòa bình, thực hiện thống nhất, hoàn thành độc lập và dân chủ trong cả nước.

Nhân dân Việt Nam chúng ta không sợ gay go, gian khổ. Chúng ta cần thấy rõ đánh giá cho đúng tất cả gay go, gian khổ để quyết tâm khắc phục. Không phải hòa bình đã trở lại mà tưởng rằng đã đến lúc hưởng thái bình, mọi việc đều trôi chảy tốt đẹp. Kẻ thù trước mắt của chúng ta là đế quốc Mỹ, phái thực dân Pháp phản hiệp định và bọn Ngô Đình Diệm đang phá hoại hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ của nước ta, của dân ta. Ở miền Bắc, vết thương chiến tranh và hạn hán kéo dài đang gây cho chúng ta nhiều khó khăn.

Ngày nay, nhân dân ta đứng trước nhiều khó khăn lớn, nhưng chúng ta hãy nhớ lại cuộc kháng chiến gay go, gian khổ vừa qua. Chúng ta hãy nhớ lại buổi đầu của cuộc kháng chiến: hai bàn tay trắng, lực lượng non yếu, chưa có kinh nghiệm. Bản thân thì như vậy, còn nhìn quanh thế giới: bên cạnh là Trung Quốc dưới chế độ Tưởng Giới Thạch, Mặt trận hòa bình dân chủ chưa mạnh như ngày nay, phong trào hòa bình thế giới chưa nhóm. Còn kẻ địch thì vừa mạnh hơn mình, vừa rất xảo quyệt gian ác. So sánh với bây giờ, chúng ta thấy rằng khó khăn lúc đó nhiều hơn. Nhưng nghe lời Hồ Chủ tịch, nhân dân Việt Nam đã vượt mọi khó khăn, kiên quyết kháng chiến và tin tưởng thắng lợi. Quả nhiên nhân dân Việt Nam đã thắng lợi.

Ngày nay, tuy chúng ta hiện phải đương đầu với nhiều khó khăn lớn, nhưng chúng ta cũng có nhiều thuận lợi căn bản: miền Bắc nước ta sắp hoàn toàn giải phóng, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày càng vững mạnh, ngày càng phát huy ảnh hưởng của nó đối với đồng bào nước ta và nhân dân thế giới, toàn thể dân tộc ta kiên quyết đoàn kết và đấu tranh; Mặt trận hòa bình và dân chủ, lực lượng nhân dân yêu chuộng hòa bình toàn thế giới mạnh mẽ hơn lúc nào hết. Nghe lời Hồ Chủ tịch, toàn thể dân tộc Việt Nam kiên quyết tiến hành cuộc đấu tranh gay go, gian khổ, phức tạp nhưng nhất định thắng lợi.

Còn đế quốc Mỹ và bè lũ tuy rất gian ác và trắng trợn nhưng chính chúng không có tự tin, chúng biết chúng đang làm một việc phi nghĩa bị nhân dân ta đấu tranh chống lại, bị nhân dân thế giới phản đối, phe của chúng đầy rẫy mâu thuẫn, chỉ trực đánh lộn lẫn nhau vì giành ăn. Tuy vậy, nhân dân ta chớ chủ quan khinh địch, phải rất tỉnh táo đối với mọi âm mưu của chúng, phải nhận rằng cần đoàn kết chặt chẽ, hy sinh phấn đấu gian khổ và anh dũng thì mới giành được thắng lợi cuối cùng.

Bí quyết của thắng lợi ấy là tin tưởng, đoàn kết, đấu tranh.

Nhân dân Việt Nam giầu lòng tin tưởng vào chính nghĩa, vào lực lượng vô địch của mình, vào luật tiến hóa của nhân loại, vào tiền đồ vẻ vang của dân tộc: lịch sử không đi giật lùi, lịch sử thế giới cũng như lịch sử Việt Nam; lịch sử luôn luôn tiến tới, đế quốc và chiến tranh nhất định sẽ thất bại, dân chủ và hòa bình nhất định sẽ thắng lợi, nhân dân Việt Nam nhất định sẽ giành được hòa bình, thống nhất, độc lập và dân chủ.

 

Báo Nhân dân các số 386, 387 ra
ngày 23, 24-3-1955.


1. Bản gốc không ghi ngày, tháng (BT).

2. Campuchia (BT).

3. Berlin (BT).

4. Mianma ngày nay (BT).

5. Từ cũ để chủ người dân tộc Mông (BT).

6. Inđônêxia (BT).

7. Campuchia (BT).

8. Inđônêxia (BT).

9. Mianma (BT).