VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

BÁO CÁO
VỀ SINH HOẠT CỦA BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI
TRONG NĂM 1953

 

I. TÌNH HÌNH SINH HOẠT THƯỜNG KỲ CỦA BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRONG NĂM 1952

Phiên cuối mà Ban Thường trực Quốc hội họp là vào các ngày 11, 12, 13-3-1952 nghĩa là cách đây vừa gần một năm. Trong phiên họp đó, Ban Thường trực có quyết định cứ 6 tháng họp một lần, còn mỗi tháng một lần Ban Thường vụ phải họp để thay mặt Ban Thường trực mà giải quyết các công việc.

Việc họp Ban Thường trực theo hạn đã định, chúng ta đã không thực hiện được vì những duyên cớ sau này:

1. Xét ra từ tháng 3 đến tháng 9 năm 1952 Ban không có việc gì khẩn cấp, Ban Thường vụ có thể giải quyết được các vấn đề thường.

2. Hai vị ủy viên, ông Trần Tấn Thọ và Lê Tư Lành thì thường xuyên ở Liên khu 4, sự đi lại rất khó khăn, mà chính ở đây thì 3 vị ủy viên, ông Trần Văn Cung, Trần Huy Liệu và bà Lê Thị Xuyến cũng bận công tác chỉnh huấn trong 3 tháng. Nên dẫu có triệu tập thì thực tế rất ít vị ủy viên đến tham gia được.

3. Số lớn ủy viên có trách nhiệm dự các Tiểu ban và Hội đồng Chính phủ tuy không họp được đều, nhưng vẫn theo sự có thể để gặp nhau trước và sau các phiên họp nói trên. Nên sự triệu tập toàn Ban có thể hoãn một kỳ mà không có gì thiệt hại cả; mà các ủy viên ở xa được thuận tiện.

4. Theo sự đề nghị của cụ Tôn, quyền Trưởng Ban mà toàn Ban đã chấp nhận thì trong năm 1952 sẽ có sự phối hợp giữa Ban Thường trực Quốc hội và Uỷ ban Liên Việt toàn quốc, nhất là để nghe báo cáo của Chính phủ. Việc đó cũng cần một thời gian sắp đặt mà cần phải theo thuận tiện của Chính phủ.

Cho nên theo tình trạng trong năm vừa qua thì sự họp Ban Thường trực Quốc hội chưa cần thiết mà cũng không đủ điều kiện để thực hiện.

Còn việc Ban Thường vụ mỗi tháng họp một lần thì chúng ta đã áp dụng một cách linh động. Các Tiểu ban Nội chính, Kinh tài, Văn xã và Hội đồng Chính phủ thì cứ hơn một tháng hay có khi tháng rưỡi mới họp. Cho nên chúng tôi cũng theo thời hạn đó mà họp hoặc trước hoặc sau mấy ngày. Tuy thế việc đi họp cũng không đều được. Vì từ tháng 5 đến tháng 8 thì ông Tôn Quang Phiệt và ông Nguyễn Đình Thi bận đi vắng, rồi tháng 9 đến tháng 12 thì các ông Trần Huy Liệu, Trần Văn Cung và bà Lê Thị Xuyến lại đi vắng, thành ra có khi có Ban không ai đến dự được. Đó cũng vì tình hình khách quan làm cản trở công việc của Ban.

II. THAM GIA Ý KIẾN VỚI CHÍNH PHỦ

a) Các Tiểu ban: Trong phiên họp Ban Thường trực Quốc hội trước Ban đã cử một số ủy viên phụ trách đi tham dự các Tiểu ban Nội chính, Kinh tài và Văn xã của Chính phủ, cụ thể là các ông Liệu, Cung - Ban Kinh tài; các ông Phiệt, Hiền, bà Xuyến - Ban Nội chính; bà Viên, ông Thi - Ban Văn xã.

Nhận xét về việc tổ chức các Ban ấy thì thấy Ban Kinh tài đã tiến bộ nhiều, có nhiều vấn đề quan trọng đã được đem ra thảo luận và đi đến kết quả. Ban Nội chính đã bắt đầu chỉnh đốn còn Ban Văn xã thì tương đối mới tổ chức nên công việc còn đang sơ sài.

Các Ủy viên của Ban Thường trực Quốc hội tham gia, một mặt cũng thêm được ít nhiều ý kiến, một mặt nữa cũng đã theo dõi được đường lối chung mà học hỏi thêm.

Tuy thế sự tham gia không được đều đặn lắm vì một số ủy viên có lúc vắng mặt, như các ông Cung, Thi thì một năm không dự được cuộc hội nghị tiểu ban nào cả. Ban cũng đã linh động tìm người thay thế ở các Ban lúc ủy viên phụ trách vắng mặt, nhưng cũng không đủ người được, vì số ủy viên có hạn mà các Ban khai hội đồng thời với nhau.

Thủ tướng phủ cũng như các Bộ đã để ý giúp điều kiện để Ban Thường trực Quốc hội theo dõi được các cuộc hội nghị. Phần nhiều văn kiện của các Ban đã gửi đến kịp thời để Ban có thời gian nghiên cứu trước khi đi họp; và các biên bản hội nghị các Ban cũng như Hội đồng Chính phủ cũng được gửi đến đầy đủ.

b) Hội đồng Chính phủ: Cũng như trước, hai cụ Tôn Đức Thắng và Phạm Bá Trực tiếp tục đi dự Hội đồng Chính phủ. Theo quyết định của Ban Thường trực Quốc hội họp tháng 3 năm 1952, trước khi đi Hội đồng Chính phủ phải có cuộc hội họp của Ban Thường vụ để góp ý kiến, cũng như sau Hội đồng Chính phủ phải có cuộc hội họp khác để báo cáo kết quả. Việc ấy Ban đã có thực hiện và đã có làm được vài lần. Nhưng theo thực tế thì thấy thiếu người nên không thể họp đều được như ý muốn.

Nói tóm tại, sự tham gia ý kiến với Chính phủ so với mấy năm trước thì có tiến bộ nhiều, nhưng do nhiều duyên cớ về khách quan cũng như về chủ quan, chúng ta chưa làm đầy đủ trách nhiệm mà chúng ta phải đảm nhận.

III. ĐỐI VỚI NHÂN DÂN VÀ BỘ ĐỘI

a) Hiệu triệu quốc dân: Ban không bao giờ quên nhiệm vụ động viên dân chúng của mình. Nên vào các ngày lịch sử như: ngày lễ độc lập, ngày toàn quốc kháng chiến, ngày tổng tuyển cử đều có gửi bài đến đài phát thanh và các báo để hiệu triệu quốc dân tích cực tham gia kháng chiến.

Sau khi địch phá đập Thác Huống ở Thái Nguyên thì Ban đã viết thư úy lạo nhân dân đồng thời khen ngợi chí căm thù của đồng bào đối với âm mưu phá hoại của giặc cũng nhân dịp ấy Ban đã khuyến khích dân chúng phải chuyển hướng canh tác và phát triển tiêu thủy nông để tránh nạn đói.

Độ tháng 5-1952, vào dịp Hội nghị thi đua toàn quốc, Ban đã phái một ủy viên đi theo dõi hội nghị và tặng thưởng người chiến sĩ hạng nhất một lá cờ, với mấy chữ “nêu gương anh dũng”.

b) Đối với nhân dân và bộ đội Nam bộ. Vì giao thông khó khăn nên từ khi có Quốc hội đến nay, chưa bao giờ Ban Thường trực phái một ủy viên vào Nam để thăm hỏi và nói chuyện với dân chúng và bộ đội. Hồi tháng 9-1952, nhân dịp ông Nguyễn Oắng, đại biểu Gia Định về Nam, Ban có báo cáo lại công việc của Ban mấy năm nay cho ông Oắng và giao cho ông Oắng nhiệm vụ về Nam báo cáo lại đồng bào. Đồng thời Ban viết một bức thư do ông Oắng cầm về hỏi thăm và khuyến khích nhân dân và cán bộ các cơ quan chính quyền đoàn thể Nam bộ.

c) Đối với các đại biểu Quốc hội:

Trong năm 1952, Ban không nhận được thư từ gì của các Ban Liên lạc Liên khu III và Liên khu V. Ông Điêu Chính Chân, đại biểu Lai Châu có viết thư nói việc ông muốn đi điều tra tình hình nhân dân Lai Châu (trước khi chiến dịch Tây Bắc) và tỏ ý việc cấp tiền vàng phan1. Thấy công việc ông làm quan hệ đến chính quyền nên Ban đã trả lời ông nên giao thiệp với bên chính quyền thì tiện hơn.

Ông Lò Văn San, đại biểu Sơn La, cũng viết thư cho Ban hỏi công tác, và ông Trần Đình Khánh, đại biểu Yên Bái có gửi báo cáo cho Ban (đọc các bức thư và thảo luận để giải quyết). Vừa rồi Ban lại nhận được thư ông Lê Xuân Hữu.

Còn Nghiêm Kế Tổ trước kia có tin là đã chết, nhưng mới đây thấy có tên Nghiêm trong Hội đồng quốc gia của giặc. Mới đây Nghiêm ra ứng cử Quốc hội của ngụy quyền.

Trong năm 1951, đến 1952 đã có mấy vị tạ thế là các ông:

- Nguyễn Văn Long (Thủ Dầu Một)

- Đặng Phúc Thông (Thanh Hóa)

- Trần Ngọc Danh (Hà Tĩnh, đại biểu Nam bộ).

Thế là số các vị tạ thế lên đến 30 người, và số bỏ hàng ngũ kháng chiến trốn vào thành là 74 người.

d) Tham dự phái đoàn:

Từ tháng 10 năm 1952 đến tháng giêng 1953 sau việc địch phá hoại đê đập ở Liên khu 4, theo đề nghị của Chính phủ một phái đoàn Quốc hội và Mặt trận đã được cử vào Liên khu do ông Tôn Quang Phiệt làm Trưởng đoàn. Mục đích phái đoàn là để phổ biến chủ trương của Chính phủ, cụ thể là phát triển tiêu thủy nông và chuyển hướng canh tác (xin xem báo cáo riêng).

Hồi tháng Giêng 1953, một phái đoàn Chính phủ đi thăm các đơn vị chiến thắng và các thương binh Tây Bắc thì có ông Trần Văn Cung tham dự (xem báo cáo riêng).

đ) Phối hợp với Liên Việt:

Theo lời đề nghị của Mặt trận cụ quyền Trưởng Ban báo cáo đầu năm thì Mặt trận và Ban đã phối hợp trong nhiều công tác:

- Lời hiệu triệu chung để phát động phong trào sản xuất và tiết kiệm đầu năm 1952 trong dịp Hội nghị cán bộ kháng chiến hành chính toàn quốc.

- Việc viết thư úy lạo và khuyến khích nhân dân Thái Nguyên, Bắc Giang sau khi địch phá đập Thác Huống.

- Việc cử phái đoàn Quốc hội và Mặt trận đi kinh lý Liên khu 4 sau khi địch phá đê đập...

Chưa nói những công việc của Việt - Xô, Việt - Hoa thì các ủy viên Ban Thường trực Quốc hội có tham gia.

Việc phối hợp như thế theo hiện tính chỉ thấy sự thuận tiện vì cụ quyền Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đồng thời là Chủ tịch Uỷ ban Liên Việt toàn quốc.

Vừa đây từ 29-2 đến 1-3-1953 đã có cuộc Hội nghị liên tịch giữa Ban Thường trực Quốc hội và Uỷ ban Liên Việt toàn quốc để thảo luận về công tác năm 1953 mà trọng tâm là phóng tay phát động quần chúng triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức.

 

BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.


1. Không rõ nghĩa hai từ “vàng phan” (BT).