VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

PHÓNG TAY PHÁT ĐỘNG QUẦN CHÚNG
 THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH RUỘNG ĐẤT
TRONG NĂM 1953
 

(Báo cáo của ông Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam trình bày tại Hội nghị liên tịch giữa
Ban Thường trực Quốc hội và Uỷ ban Liên Việt toàn quốc
ngày 25-2-1953)

 

Thưa các vị,

Trong 5 công tác chính Hồ Chủ tịch đề ra năm nay, công tác trọng tâm thứ nhất là phóng tay phát động quần chúng, thực hiện chính sách ruộng đất.

Thay mặt Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, chúng tôi xin trình bày trước Hội nghị Liên tịch giữa Ban Thường trực Quốc hội và Uỷ ban Liên Việt toàn quốc, chủ trương của Đảng như sau:

1. Cuộc cách mạng dân tộc - dân chủ nhân dân của ta là cách mạng phản đế và phản phong kiến. Nhiệm vụ của cách mạng đó là đánh đổ đế quốc xâm lược và xóa bỏ những di tích bóc lột phong kiến, thực hiện dân tộc giải phóng, người cày có ruộng.

Đế quốc chiếm đất nước ta, nô dịch dân ta. Ruộng đất tập trung vào tay địa chủ phong kiến và đế quốc1. Động lực của cách mạng là nhân dân, do giai cấp công nhân lãnh đạo. Đại đa số nhân dân là nông dân. Thực chất của vấn đề dân tộc là vấn đề nông dân. Nội dung và cơ sở của vấn đề giải phóng dân tộc là vấn đề ruộng đất.

Đế quốc dựa vào địa chủ phong kiến phản động hòng cướp nước ta. Địa chủ phong kiến phản động ôm chân đế quốc để duy trì quyền lợi ích kỷ. Chính phủ bù nhìn Bảo Đại, Nguyễn Văn Tâm đại biểu quyền lợi cho địa chủ phong kiến phản động và tư sản mại bản. Chính sách của bọn bù nhìn là tập hợp, lôi kéo địa chủ phong kiến phản động và tư sản mại bản, chống lại kháng chiến, chống lại nhân dân.

Đế quốc Pháp - Mỹ đang dựa vào chính quyền bù nhìn để thi hành chính sách dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến tranh. Vài năm nay, sự cấu kết giữa địa chủ phong kiến phản động và đế quốc xâm lược ngày một rõ rệt.

Cho nên muốn tiêu diệt đế quốc xâm lược phải đồng thời đánh đổ thế lực phong kiến phản động làm chó săn cho đế quốc. Nhiệm vụ phản đế và phản phong kiến phải đi đôi.

2. Ta là nước nông nghiệp đánh nhau với Pháp là nước công nghiệp. Pháp lại được Mỹ giúp. Ta phải đánh lâu mới tiêu diệt được nhiều sinh lực địch, bồi dưỡng được lực lượng ta để hoàn toàn đánh bại quân địch. Trong quá trình chiến đấu, ta tự cho yếu hơn địch đến chỗ cân sức với địch và tiến tới khỏe hơn địch, quét sạch quân địch ra khỏi nước.

Cho nên Hồ Chủ tịch đề ra phương châm chung của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc của ta là trường kỳ kháng chiến, tự lực cánh sinh.

Trường kỳ kháng chiến thì nhất định gian khổ, vì nhân dân chịu đựng nhiều. Tự lực cánh sinh là dựa vào sức nhân dân mà đánh giặc và giành thắng lợi.

Dựa vào nhân dân, tức là chủ yếu dựa vào nông dân.

Trong lời kêu gọi ngày 19-12-1952, Hồ Chủ tịch nói:

"Gần 90% đồng bào là nông dân. Trong hàng ngũ Vệ quốc quân, bộ đội địa phương và dân quân du kích ta, trên 90% là nông dân. Đóng thuế, đi dân công, phần lớn cũng là nông dân. Đồng bào nông dân đóng góp nhiều nhất cho kháng chiến, hy sinh nhiều nhất cho Tổ quốc. Thế mà đồng bào nông dân lại là những người nghèo khổ nhất, vì họ thiếu đất ruộng. Giảm tô, giảm tức là một quyền lợi chính đáng của nông dân cũng chưa thực hiện được đến nơi đến chốn. Đó là một tình trạng rất không công bằng".

Vấn đề trước mắt chúng ta hiện nay là: Muốn đẩy mạnh việc chuẩn bị tổng phản công, đẩy mạnh kháng chiến đến toàn thắng, phải thiết thực bồi dưỡng lực lượng nhân dân, chủ yếu là lực lượng của nông dân, phải định chính sách ruộng đất rõ hơn và thi hành chính sách đó một cách triệt để.

3. Đảng Lao động Việt Nam đã cùng Chính phủ và Mặt trận định rõ chính sách ruộng đất gồm những điểm chính dưới đây:

- Giảm tô, giảm tức;

- Tạm cấp ruộng đất của Pháp và Việt gian cho nông dân nghèo;

- Chia lại công điền cho công bằng;

- Sử dụng ruộng đất vắng chủ cho hợp lý.

Chính sách ấy xét ra còn nhiều chỗ thiếu sót, như:

a) Đề ra giảm tô mà không nhấn mạnh thoái tô, thành ra địa chủ có thể lần khân không chịu giảm, hoặc có khi giảm mùa này mùa sau lại thôi.

b) Tạm cấp ruộng đất của Pháp và Việt gian, không cấp hẳn, khiến cho nông dân được cấp đất, chưa thật an tâm và phấn khởi tham gia sản xuất, chưa thật tin tưởng vào chính sách kháng chiến.

c) Về căn bản, vấn đề chế độ quản cấp công điền của thời thực dân và phong kiến cũ, thành ra người thừa đất cũng được hưởng một phần ruộng công như người không có đất hoặc ít đất. Có nơi lại không chia ruộng đất công mà để cho Uỷ ban phát canh thu tô bỏ vào quỹ xã, mặc dầu quỹ xã đã có phụ thu thuế nông nghiệp.

d) Ruộng đất của những người chạy vào vùng địch, hợp tác với địch hoặc trốn tránh nhiệm vụ kháng chiến, phần nhiều vẫn để cho gia đình hoặc quản lý của họ phát canh thu tô gửi vào cho họ, không giao cho nông dân nghèo cày cấy hưởng lợi và nộp thuế nông nghiệp cho Chính phủ.

Đó là chưa kể chính sách ruộng đất hiện nay chưa thỏa mãn nhu cầu chính đáng nhất của nông dân là người cày có ruộng, chưa giải phóng được sức sản xuất ở nông thôn khỏi quan hệ bóc lột phong kiến, đang tạo điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp và công thương nghiệp phát triển mạnh.

4. Về việc thi hành chính sách ruộng đất, từ trước đến nay tuy Chính phủ đã ban bố thông tư và sắc lệnh ruộng đất, Đảng lao động đã ra chỉ thị thi hành. Song vẫn còn nhiều nơi nông dân chỉ được hưởng phần nào, hoặc không được hưởng gì hết, nhất là nông dân tín đồ công giáo. Thậm chí chính sách ruộng đất đã công bố từ lâu, song đến nay vẫn có nơi, nông dân lao động không biết mà đòi.

Vì từ trước đến nay các cán bộ đoàn thể cũng như cán bộ chính quyền thường có những tư tưởng sai lầm như dưới đây:

1. Không quan tâm đến đời sống quần chúng, coi nhẹ vấn đề ruộng đất, một vấn đề mấu chốt của kháng chiến và của cách mạng Việt Nam hiện nay.

2. Coi nhẹ lực lượng của nông dân, coi nhẹ vai trò quyết định của nông dân trong kháng chiến và trong cách mạng.

3. Hiểu lầm đại đoàn kết, không nhận rõ muốn đại đoàn kết trước hết phải củng cố khối liên minh công nông và lao động trí óc, trong đó nông dân chiếm đại đa số; cho nên phải thỏa mãn yêu cầu chính đáng của nông dân. Muốn thật thà đoàn kết, phải đấu tranh chống địa chủ ngoan cố không chịu thi hành chính sách ruộng đất.

4. Không nắm vững quan điểm trường kỳ kháng chiến tự lực cánh sinh, không nhận rõ trường kỳ kháng chiến thì phải tích cực bồi dưỡng lực lượng nhân dân, lực lượng kháng chiến; tích cực bồi dưỡng lực lượng nhân dân thì không thể không triệt để thi hành chính sách ruộng đất.

Về phương pháp thi hành chính sách ruộng đất, cán bộ thường chỉ thuyết phục địa chủ, quá nhân nhượng với họ, không dám phát động nông dân đấu tranh chống địa chủ ngoan cố. Thường hay tuyên truyền suông chính sách ruộng đất trên mặt báo, trong các cuộc hội họp; không ra sức giáo dục kỹ chính sách đó cho quần chúng nông dân lao động để họ hiểu rõ quyền lợi và tự động, tự giác đứng dậy đòi hỏi. Hoặc do Hội đồng giảm tô, giảm tức làm thay, ban ơn cho nông dân (trong các Hội đồng này, số đại biểu nông dân lao động thường rất ít). Cấp trên thì thiếu kiểm tra, đôn đốc, cấp dưới thì phần nhiều tự tư tự lợi, làm sai chính sách hoặc không thi hành chính sách. Nhiều nơi địa chủ ngoan cố và cường hào gian ác còn nắm được bộ máy chính quyền và đoàn thể ở xã, nên nhiều chính sách của Trung ương bị bọn họ phá hoại hoặc xuyên tạc đi.

Tóm lại, tư tưởng lệch lạc và tác phong quan liêu mệnh lệnh của cán bộ, thành phần tổ chức không thuần của chính quyền và đoàn thể ở xã đã mang lại kết quả tai hại là: chính sách ruộng đất không được thi hành đầy đủ.

Về những khuyết điểm trên đây, Đảng chúng tôi xin chịu phần trách nhiệm chính trước nhân dân.

5. Nhu cầu của kháng chiến và lòng căm phẫn của nông dân không cho phép chúng ta để kéo dài tình trạng như ngày nay nữa! Bởi vậy, chúng tôi đề nghị:

1. Về chính sách ruộng đất, nên bổ sung những điểm như sau:

- Giảm tô phải kể cả thoái tô. Từ ngày có sắc lệnh, chủ ruộng nào chưa giảm, hoặc giảm chưa đúng mức, đều phải tính trả lại cho nông dân. Có thoái tô mới đảm bảo được giảm tô.

- Giảm tức thì như Sắc lệnh đã định.

- Cấp hẳn ruộng đất của Pháp và Việt gian cho nông dân không có đất hoặc ít đất, không tạm cấp như trước nữa. Người được cấp có quyền sở hữu vĩnh viễn về ruộng đất đó như ruộng riêng của mình.

- Bãi bỏ chế độ do quan cấp công điền cũ, trưng thu ruộng đất công và nửa công nửa tư đem cấp hết cho nông dân không có đất hoặc ít đất và cấp nhiều, ít tùy theo nhân khẩu từng gia đình. Ngụy binh cũng được cấp, nhưng theo lối "treo giò"; bao giờ họ trở về với Tổ quốc sẽ được nhận phần ruộng của họ.

- Đem ruộng đất của những người chạy vào vùng bị chiếm hoặc không biết đi đâu và làm gì, tạm giao cho nông dân cày cấy hưởng lợi như ruộng của mình. Chia ruộng đất bỏ hoang cho nông dân cày cấy.

2. Về thi hành chính sách ruộng đất, lấy việc phóng tay phát động quần chúng làm phương pháp chủ yếu để thực hiện chính sách.

Thế nào là phát động quần chúng?

Là tuyên truyền, giáo dục quần chúng, làm cho đa số quần chúng tự giác tự nguyện, đứng dậy giành quyền lợi chính đáng của mình; cán bộ không mệnh lệnh, không làm thay, không ban ơn cho quần chúng.

Phát động quần chúng nông dân là lãnh đạo quần chúng nông dân đấu tranh chống địa chủ ngoan cố và cường hào gian ác, để buộc họ phải thi hành chính sách ruộng đất của Đảng, Chính phủ và Mặt trận.

Phóng tay phát động quần chúng là tin tưởng ở quần chúng, mạnh dạn để quần chúng vùng dậy đấu tranh, không kìm hãm quần chúng, nhưng lãnh đạo phong trào quần chúng một cách chặt chẽ và đúng mức.

Phát động quần chúng là một cuộc vận động lớn kết hợp ba hình thức đấu tranh dưới đây:

Đấu lý, dùng tang chứng xác thực để đập gẫy những luận điệu quanh co của địa chủ ngoan cố và cường hào gian ác.

Đấu lực, dùng sức mạnh của quần chúng đông đảo làm cho địa chủ ngoan cố và cường hào gian ác phải khuất phục.

Đấu pháp, dùng pháp luật của tòa án nhân dân mà trừng phạt bọn phạm pháp.

Xưa nay, ta thuyết phục địa chủ đã nhiều. Sự thật chỉ cho ta thấy rằng trừ một số ít thân sĩ địa chủ thật yêu nước và tiến bộ, còn địa chủ nói chung không khi nào vui lòng thả quyền lợi cho nông dân. Nếu nông dân không đoàn kết phấn đấu buộc địa chủ phải thi hành chính sách thì không thể có đầy đủ quyền lợi.

Mục đích phát động quần chúng là đánh đổ lực lượng phản động, làm yếu thế lực phong kiến về mặt kinh tế, đập tan thế lực phong kiến về mặt chính trị ở nông thôn; thỏa mãn một phần yêu cầu kinh tế của nông dân lao động, thực hiện ưu thế chính trị của quần chúng cơ bản ở nông thôn; củng cố Nông hội, củng cố chính quyền địa phương (bao gồm: Uỷ ban kháng chiến hành chính, Hội đồng nhân dân, dân quân du kích và công an xã), củng cố và mở rộng mặt trận dân tộc thống nhất ở nông thôn, đẩy mạnh sản xuất, đẩy mạnh kháng chiến.

Nội dung phát động quần chúng là lãnh đạo nông dân đông đảo đấu tranh đánh đổ Việt gian, cường hào gian ác, bắt chủ ruộng phải triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức; chia hẳn ruộng đất của Pháp và Việt gian cho nông dân không có đất hoặc ít đất; chia hết ruộng đất công cho nông dân không đất hoặc ít đất và sử dụng ruộng đất nửa công nửa tư một cách công bằng; sử dụng hợp lý ruộng đất của địa chủ chạy vào vùng tạm bị chiếm; xóa bỏ quyền chiếm hữu vô lý về rừng núi, đất hoang, bãi sa bồi, v.v.. Điều tra lại ruộng an nạc2, bình nghị sản lượng một cách công bằng, sửa chữa những hiện tượng đóng góp quá nặng hoặc quá nhẹ. Trong những điểm trên đây, lấy triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức làm chính.

Trong khi đòi quyền lợi kinh tế, kết hợp chỉnh đốn chính quyền và đoàn thể ở địa phương, làm cho các cơ quan chính quyền và đoàn thể ở địa phương được trong sạch, quyền hành ở nông thôn hoàn toàn vào tay nhân dân lao động.

Phát động quần chúng chủ yếu là ở vùng tự do. Vùng căn cứ du kích nào có đủ ba điều kiện dưới đây thì cũng có thể làm:

1. Tình hình chính trị, quân sự tương đối ổn định;

2. Đa số quần chúng yêu cầu;

3. Có đủ cán bộ để thi hành.

Song ở đó hình thức và yêu cầu của đấu tranh phải thấp hơn ở vùng tự do.

Vùng du kích thì lấy quần chúng yêu sách kết hợp với thuyết phục địa chủ mà thực hiện giảm tô, v.v..

Vùng dân tộc thiểu số có đủ ba điều kiện trên cũng có thể phát động quần chúng đòi giảm tô, nhưng không đụng chạm đến chế độ thổ ty, lang đạo, ca-ra, và phải xin chỉ thị của cấp trên.

6. Phát động quần chúng triệt để thi hành chính sách ruộng đất sẽ có lợi như thế nào?

Nông dân được hưởng quyền lợi, sẽ hăng hái tham gia bộ đội đánh giặc, hăng hái đi dân công phục vụ tiền tuyến, hăng hái tăng gia sản xuất ở hậu phương, hăng hái nộp thuế nông nghiệp cho Chính phủ, tài chính quốc dân sẽ được tăng cường. Đời sống của nông dân khá giả thì sức mua hàng của số đông người tiêu thụ là nông dân sẽ tăng; công thương nghiệp sẽ có thêm điều kiện để phát triển. Nhân dân được no cơm, ấm áo thì văn hóa sẽ nảy nở.

Phát động quần chúng không những chỉ có lợi cho nông dân, còn có lợi cho các tầng lớp khác trong nhân dân nữa. Các nhà tư sản dân tộc, tiểu thương, tiểu chủ được khuyến khích trong việc mở mang kinh tế của mình. Công nhân sẽ có đủ công ăn việc làm, giai cấp công nhân phát triển. Các nhà trí thức, văn nghệ sẽ phấn khởi trong việc phục vụ quần chúng và phát triển văn hóa dân tộc. Các thân sĩ địa chủ yêu nước và tiến bộ sẽ có dịp tỏ rõ thái độ của mình đối với Tổ quốc, đối với nhân dân.

Giành được ưu thế chính trị cho nông dân lao động thì chính quyền nông thôn được thật sự tăng cường, Mặt trận dân tộc thống nhất ở nông thôn được thật sự mở rộng và củng cố. Vì Mặt trận ở xã dựa trên cơ sở Nông hội mà Nông hội được nông dân lao động tham gia đông đảo, nền tảng công nông liên minh của Mặt trận sẽ được vững chắc hơn. Bọn Việt gian phản động và cường hào gian ác sẽ bị nhân dân tố cáo và trừng trị xứng đáng; chúng sẽ không thể lợi dụng bộ máy chính quyền và đoàn thể ở nông thôn mà phản nước, hại nòi. Chế độ dân chủ nhân dân sẽ được xây dựng và thiết thực củng cố ở tận cơ sở.

Phát động quần chúng thi hành chính sách ruộng đất, còn ảnh hưởng tốt đến việc tuyên truyền lôi kéo ngụy binh, vì ngụy binh đa số là nông dân mà ra.

Như thế là phát động quần chúng triệt để thi hành chính sách ruộng đất sẽ có ảnh hưởng tốt về mọi mặt quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, và có lợi cho mọi tầng lớp trong nhân dân.

7. Muốn phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất, chúng tôi đề nghị Chính phủ ra một sắc lệnh và thông tư mới thay cho những sắc lệnh, thông tư về ruộng đất từ trước đến nay. Sắc lệnh và thông tư đó cũng như chỉ thị thi hành của Đảng Lao động Việt Nam vừa là phương châm vừa là chỗ dựa của phong trào quần chúng.

Chính quyền cũng như các đoàn thể trong Mặt trận cần tuyên truyền, giáo dục, phổ biến chính sách ruộng đất; đánh thông tư tưởng cho cán bộ và nhân dân; chống những tư tưởng ngăn trở phát động quần chúng, như:

Sợ hại đến đại đoàn kết. Chúng tôi quan niệm đại đoàn kết là đoàn kết toàn dân, chủ yếu là đoàn kết quần chúng nhân dân lao động, đoàn kết đa số. Muốn đoàn kết được đa số, phải đấu tranh chống thiểu số những người phản động và ngoan cố vẫn đè đầu cưỡi cổ nhân dân ở nhiều nơi. Ta chỉ có thể đoàn kết với những người thật thà yêu nước, thật thà kháng chiến. Lập trường của Mặt trận Liên Việt trong cuộc phát động quần chúng năm nay phải là bênh vực quyền lợi của nông dân, chống Việt gian phản động, cường hào gian ác và địa chủ ngoan cố. Đó là lập trường tiến bộ của mọi tổ chức và mọi cá nhân thân sĩ trong Mặt trận.

Sợ địa chủ ngoan cố và cường hào gian ác chống lại, không hiểu rằng quần chúng một khi được phát động lên thì sẽ có đủ sức mạnh đè bẹp thế lực phản động và ngoan cố.

Sợ địch phản tuyên truyền, không nhận thấy rằng: không phát động quần chúng, địch cũng vẫn phản tuyên truyền ta. Phát động quần chúng thì quần chúng giác ngộ mau chóng về chính trị, sẽ không tin những luận điệu phản tuyên truyền của bọn đế quốc và bù nhìn.

Sợ quần chúng được phát động thì sẽ hành động quá tả, vượt ra ngoài pháp luật. Nhưng theo ý kiến chúng tôi thì quần chúng đấu tranh sẽ được lãnh đạo; pháp luật của quần chúng đấu tranh sẽ rất công bằng vì là pháp luật của đa số, pháp luật dân chủ, pháp luật cách mạng, và đó cũng là pháp luật của Chính phủ.

Sợ tình hình cơ sở phức tạp, quần chúng nhiều nơi còn kém cỏi, khó phát động lên được. Song trái lại, chính trong quá trình phát động quần chúng, những tổ chức cơ sở được chỉnh đốn và quần chúng vận động có tinh thần dũng cảm và sức sáng tạo vô cùng.

Thưa các vị,       

Phóng tay phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất là một việc chủ chốt thuộc về quốc kế dân sinh của ta hiện nay. Đồng thời đó là nghệ thuật động viên lực lượng nhân dân, đẩy mạnh kháng chiến, giành độc lập dân tộc, phát triển dân chủ nhân dân và bảo vệ hòa bình thế giới.

Tiến hành công tác đó trong năm nay là rất hợp thời.

Mong rằng các chính đảng, các đoàn thể nhân dân, các thân sĩ dân chủ trong Mặt trận, các ngành quân, dân, chính hãy đồng tâm nhất trí ra sức phối hợp tham gia tích cực vào công tác đó để quyết giành thắng lợi lớn cho kháng chiến, cho nhân dân.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.


 

1. Theo thông kê của thực dân Pháp thì 50% ruộng đất trồng trọt trong tay địa chủ trong nước, 25% trong tay đế quốc và nhà chung, 25% trong tay nông dân.

2. An nạc: Hai từ này trong nguyên bản, không rõ nghĩa (BT).