Thưa
các vị,
Hội nghị
này là Hội nghị liên tịch giữa Ban Thường trực Quốc hội và Uỷ ban Liên
Việt toàn quốc đầu năm 1953 (Hội nghị Uỷ ban Liên Việt toàn quốc lần thứ
4). Hội nghị nhằm bàn về nhiệm vụ công tác năm 1953 mà chủ yếu là công
tác phát động quần chúng triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức, đang cải
thiện đời sống cho nhân dân, đẩy mạnh kháng chiến.
Tôi thay
mặt Ban Thường trực Quốc hội và Uỷ ban Liên Việt toàn quốc, cùng toàn
thể Hội nghị kính chúc Hồ Chủ tịch mạnh khỏe và sống lâu.
Tôi gửi
lời chào các chiến sĩ thi đua, chào toàn thể bộ đội và đồng bào đang
hăng hái kháng chiến.
Tôi nhiệt
liệt hoan nghênh các vị đại biểu hai dân tộc anh em Miên
và Lào.
Tôi nhiệt
liệt hoan nghênh Phó Thủ tướng và các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng đã đến dự
Hội nghị này.
Sự có mặt
vị Phó Thủ tướng và các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng với nhã ý báo cáo công
tác và tự phê bình trước Hội nghị đại biểu nhân dân này, không chỉ là
một vinh dự cho Hội nghị, mà còn nêu rõ chính quyền Việt Nam dưới sự
lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, là một chính quyền thật kháng chiến, thật dân
chủ, thật cách mạng.
Tôi hoan
nghênh các vị nhân sĩ, các đại biểu các chính đảng, các đoàn thể và các
đại biểu báo chí, thông tin.
Nhân dịp
năm mới, tôi xin chúc tất cả các vị mạnh khỏe.
Sau đây,
tôi xin trình bày mấy nét chính về tình hình thế giới, tình hình trong
nước năm 1952 và nhiệm vụ công tác của toàn dân ta trong năm 1953.
TÌNH HÌNH THẾ GIỚI
Trong năm
1952, có nhiều việc quan trọng :
Về phe đế
quốc:
Đế quốc Mỹ vẫn ra sức kéo bè lũ tích cực chuẩn bị chiến tranh thế giới
lần thứ ba.
Đặc biệt
là nó liều lĩnh dùng cả vũ khí vi trùng ở Triều Tiên, thứ vũ khí mà kẻ
tàn ác nhất như bọn phát xít Hítle ngày trước cũng chưa dùng. Hành động
dã man vô nhân đạo ấy của Mỹ đã bị toàn thể nhân dân thế giới phản đối.
Trong cuộc
đàm phán ở Triều Tiên, đế quốc Mỹ lại không chịu tha tù binh, theo đề
nghị đúng đắn của Liên Xô, chúng cố ý phá hoại cuộc đàm phán, âm mưu mở
rộng chiến tranh.
Chúng càng
xúc tiến võ trang Tây Đức và Nhật Bản hòng dùng quân đội Đức – Nhật tấn
công Liên Xô và Trung Quốc.
Nhưng cũng
vì dốc mọi lực lượng vào việc chuẩn bị chiến tranh, đế quốc Mỹ đã làm
cho nền kinh tế tư bản ngày thêm khủng hoảng, mức sống của nhân dân các
nước tư bản và phụ thuộc ngày càng giảm sút. Lại cũng vì lợi dụng việc
chuẩn bị chiến tranh, chiếm đoạt quyền lợi của các đế quốc khác, đế quốc
Mỹ đã khơi sâu mâu thuẫn trong hàng ngũ của chúng.
Bọn thực
dân Pháp bám chặt đế quốc Mỹ nhờ Mỹ giúp đỡ, làm tay sai cho Mỹ. Chúng
vâng lệnh Mỹ, một mặt đàn áp phong trào dân tộc dân chủ trong nước Pháp,
một mặt đàn áp phong trào dân tộc giải phóng ở các thuộc địa của nó. Mặc
dầu bị thất bại liên tiếp, chúng vẫn theo đuổi chiến tranh xâm lược
Việt, Miên, Lào, nhưng cũng vì phụ thuộc vào Mỹ, vì theo đuổi chiến
tranh Việt, Miên, Lào, kinh tế tài chính của Pháp ngày càng kiệt quệ,
phong trào chống Mỹ và đòi chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam trong nhân
dân Pháp ngày một lên cao. Gặp nhiều khó khăn Chính phủ Pháp dựng lên,
đổ xuống đã tới 19 lần, kể từ 1945 đến nay riêng năm 1952 đã đổ tới 3
lần. Vận mệnh của đế quốc Pháp đã đến ngày suy sụp.
Về phe dân
chủ:
Lực lượng
hòa bình dân chủ, ngày càng mạnh hơn lực lượng đế quốc.
Trong Hội
nghị hòa bình châu Á và Thái Bình Dương ở Bắc Kinh và Đại hội nhân dân
thế giới bảo vệ hòa bình ở Viên,
thành phần rất rộng rãi, chính kiến khác nhau, nhưng ai nấy đều kịch
liệt phản đối chính sách gây chiến của Mỹ, tán thành chính sách hòa bình
của Liên Xô, ai nấy đều tỏ ý cùng nhau đoàn kết, chống chiến tranh bảo
vệ hòa bình. Đó là thành công to lớn của phong trào hòa bình thế giới.
Giữa lúc
bọn đế quốc điên cuồng gây chiến, Liên Xô đã hoàn thành việc kiến thiết
chủ nghĩa xã hội, đương tiến dần lên chủ nghĩa cộng sản, các nước dân
chủ nhân dân Đông Âu, bắt đầu tiến lên chủ nghĩa xã hội, đã thu được
nhiều kết quả. Trung Quốc đại thắng lợi trong công cuộc kháng Mỹ viện
Triều, trong công cuộc cải cách thổ địa trấn áp phản cách mạng, trong
phong trào cải tạo tư tưởng, trừng trị bọn gian thương, và thực hiện dân
chủ, nhất là việc cải cách ruộng đất, đã làm cho nông dân Trung Quốc
hăng hái tăng gia sản xuất, tham gia công việc quốc phòng và xây dựng
Trung Quốc mới. Những thắng lợi đó đã tạo đủ điều kiện cho nhân dân
Trung Quốc sang năm nay bắt đầu kiến thiết kế hoạch 5 năm đại quy mô và
triệu tập quốc dân đại hội, để thông qua Hiến pháp của nước Trung Hoa
Cộng hòa Nhân dân. Ở các nước thuộc địa và phụ thuộc, nhất là ở các nước
Đông Nam Á, Trung Cận Đông, Bắc Phi, phong trào dân tộc giải phóng lên
đều và mạnh. Ở các nước tư bản, nhất là ở Pháp, Ý, Anh và nhiều nước ở
châu Mỹ, phong trào dân chủ, dân tộc cũng lên cao.
Trong khi đó Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Liên Xô họp, đã vạch rõ sự
suy vong của chủ nghĩa tư bản, đế quốc, tương lai rực rỡ của nhân loại
cần lao và tiến bộ, soi sáng thêm con đường đi của nhân dân thế giới.
Nhất là quyển sách “Những vẫn đề kinh tế của chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô”
của Đại nguyên soái Xtalin và bài diễn văn của Người, hôm bế mạc Đại hội
càng chỉ cho ta thấy rõ rằng: chủ nghĩa tư bản đế quốc, nhất định phải
đi đến sụp đổ, chủ nghĩa dân chủ nhân dân, chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa
cộng sản nhất định hoàn toàn thành công. Chiến tranh mới nếu sẽ xảy ra
thì không nhất thiết giữa Mỹ và Liên Xô, mà rất có thể giữa bọn đế quốc
với nhau. Nhưng dù chiến tranh xảy ra ở đâu, cũng đều có hại cho nhân
dân. Nhiệm vụ của nhân dân thế giới lúc này là phải ra sức bảo vệ hòa
bình thế giới. Một mặt nữa, phong trào dân tộc, dân chủ, phong trào dân
tộc giải phóng dưới sự lãnh đạo của giai cấp công nhân, trong giai đoạn
này càng có nhiều điều kiện thắng lợi.
Với tình
hình và sự nhận định ấy, nếu đế quốc Mỹ dám liều lĩnh tiến công Liên Xô,
gây chiến tranh thế giới thứ 3, thì không những đế quốc Mỹ mà cả bè lũ
đế quốc sẽ thất bại. Chúng ta càng thêm tin tưởng ở cuộc kháng chiến của
chúng ta.
TÌNH HÌNH TRONG NƯỚC
Về phía
địch:
Trong năm 1952, thực dân Pháp và bọn can thiệp Mỹ đầu năm thất bại đau
đớn ở Hòa Bình, cuối năm thất bại chua cay ở Tây Bắc và ngày càng gặp
nhiều khó khăn ở nhiều nơi và nhất là Đồng bằng Bắc bộ.
Càng thất
bại, thực dân Pháp càng hung hãn, càng giở mọi thủ đoạn xảo quyệt, hèn
hạ. Ở trong vùng tạm bị chiếm chúng thẳng tay áp bức bóc lột dân ta, ra
sức phát triển ngụy quân, ngụy quyền, đồng thời cho bọn bù nhìn bày trò
tuyển cử lừa bịp, tuyên truyền cải cách ruộng đất giả dối, để che lấp
tội ác của chúng. Ở vùng tự do, chúng ra sức phá hoại mùa màng, đê điều,
công trình thủy lợi và phá hoại đường giao thông vận tải của ta. Cả ở
vùng tạm bị chiếm và vùng tự do, chúng đều tăng cường tổ chức gián điệp
và tìm mọi cách để chia rẽ ta về tôn giáo, chủng tộc. Tất cả, chúng đều
nhằm thực hiện chính sách dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến
tranh nuôi chiến tranh.
Một mặt
khác, chúng van xin, lạy lục đế quốc Mỹ, để Mỹ giúp nhiều hơn nữa, mặc
dầu Mỹ vẫn đang sa lầy ở Triều Tiên và Mỹ đang bị phong trào hòa bình
cản trở trên bước đường gây chiến.
Chúng ta
nhớ rằng thực dân Pháp vẫn muốn duy trì quyền lợi ăn cướp của chúng ở
Việt, Miên, Lào, bọn can thiệp Mỹ vẫn thèm thuồng những nguồn lợi phong
phú của đất nước ta. Chúng vẫn muốn biến Việt, Miên, Lào thành căn cứ
quân sự trong kế hoạch gây chiến tranh thứ 3 của chúng. Chúng càng cố
sống chết bám lấy Việt, Miên, Lào. Do đó, cuộc kháng chiến của 3 dân tộc
Việt, Miên, Lào nhất định thắng lợi, nhưng phải trường kỳ và gian khổ.
Về phía
ta:
Đầu năm
1952 Chính phủ và Mặt trận đề ra 3 nhiệm vụ lớn là:
- Tiêu
diệt sinh lực địch;
- Phá âm
mưu của địch dùng người Việt đánh người Việt, lấy chiến tranh nuôi chiến
tranh;
- Bồi
dưỡng lực lượng nhân dân, lực lượng kháng chiến.
và 4 công
tác chính là:
- Thi đua
tăng gia sản xuất và tiết kiệm;
- Đẩy mạnh
công tác trong vùng tạm bị chiếm;
- Chỉnh
huấn quân đội;
- Chỉnh
huấn cán bộ.
Nói chung, các nhiệm vụ và công tác đó đều thực hiện có thành tích.
Đại hội
các chiến sĩ thi đua toàn quốc tháng 5 đã chứng tỏ quân và dân ta đều
tiến bộ về mọi mặt; từ bấy đến nay, đà tiến của quân dân ta, càng vượt
hẳn lên.
Bộ đội ta
tiến nhiều về tinh thần chiến đấu, kỹ thuật chiến đấu, nhất là trình độ
chính trị. Anh em đã đánh thắng địch ở cả miền núi, miền trung du, miền
đồng bằng. Các lối đánh du kích, vận động, công kiên đều tiến bộ.
Nhân dân
ta hăng hái sản xuất và tiết kiệm, tích cực chống địch, phá mùa, phá đê,
phá công trình thủy lợi và khủng bố, để có đủ lương thực cung cấp cho
tiền tuyến.
Trong vùng
sau lưng địch, chiến tranh du kích phát triển, vùng căn cứ du kích mở
rộng. Nhiều cuộc chống càn quét, chống bắt lính, chống lập ngụy quyền đã
gây cho địch nhiều khó khăn.
Việc chỉnh
huấn quân đội và cán bộ đã làm cho số đông anh chị em chỉnh đốn được tư
tưởng và xác định được lập trường kháng chiến, để tích cực công tác,
phục vụ nhân dân.
Năm 1952,
sự quan hệ của ta với quốc tế, cũng được phát triển, Chính phủ và Mặt
trận Liên Việt, bằng những công tác thực tế
đã thắt chặt thêm tình anh em với nhân dân Miên, Lào. Chính phủ đã cử
ông Nguyễn Lương Bằng làm đại sứ Việt Nam ở Liên Xô và đổi đoàn đại
biểu, hàm đại sứ của Việt Nam tại Trung Quốc, ra đại sứ chính thức. Hội
Việt – Xô, Việt – Hoa cũng dần dần được chấn chỉnh. Tình hữu nghị giữa
Việt Nam và Liên Xô, Trung Quốc càng thêm khăng khít.
Ở Hội nghị
Liên hợp quốc, đế quốc Mỹ bác đơn xin ra nhập Liên hợp quốc của Chính
phủ ta và của nhiều nước khác, đại biểu Liên Xô đã đứng lên, phản đối đế
quốc Mỹ và nêu cao danh hiệu nước ta. Hai Hội nghị hòa bình quốc tế ở
Bắc Kinh và ở Viên, ta đều có đại biểu tham dự và đã thu được nhiều kết
quả. Nhân dân thế giới đều đồng tình, đòi quân đội ngoại quốc xâm lược
phải rút ra khỏi 3 nước Việt, Miên, Lào, 3 nước Việt, Miên, Lào độc lập
hoàn toàn và thực sự.
Thế là
trong năm qua, ta thu được nhiều thắng lợi cả trong nước và trên thế
giới. Những thắng lợi đó làm cho ta phấn khởi. Nhưng trước âm mưu và
hành động của địch, ta quyết không chủ quan, khinh địch, luôn luôn cảnh
giác, và cố gắng tiến lên nhiều hơn nữa.
NHIỆM VỤ VÀ CÔNG TÁC CỦA TA NĂM 1953
Ta đã tiến
bộ nhiều và đã thu được nhiều thắng lợi. Nhưng ta cũng còn mắc nhiều
khuyết điểm. Khuyết điểm lớn nhất trong công tác là ta chưa thực hiện
đúng chính sách ruộng đất của Chính phủ và mặt trận, nghĩa là chưa triệt
để giảm tô, thực hiện giảm tức, để bồi dưỡng lực lượng kháng chiến.
Ngay sau
khi Cách mạng tháng Tám thành công, theo chính sách ruộng đất của mặt
trận Việt Minh, Chính phủ đã ra lệnh giảm tô, giảm tức. Nhưng đã 7 năm
nay, có nơi thì thực hiện, có nơi chưa thực hiện, có nơi thực hiện chưa
đầy đủ, có nơi thực hiện một cách gian dối.
Trong Hội
nghị Uỷ ban Liên Việt toàn quốc lần thứ 3, Đảng Lao động Việt Nam đã có
đề nghị phải triệt để thi hành lệnh giảm tô, giảm tức, Hội nghị tán
thành đề nghị của Đảng Lao động Việt Nam, đã có một nghị quyết riêng về
vấn đề này. Nhưng đến nay công tác ấy, cũng chưa thực hiện được là bao.
Trong lời
kêu gọi về ngày kỷ niệm 6 năm kháng chiến toàn quốc (19-12-1952) Hồ Chủ
tịch đã phải nói:
“Gần 90%
đồng bào là nông dân. Trong hàng ngũ Vệ quốc quân, bộ đội địa phương và
dân quân du kích ta trên 90% là nông dân; Đóng thuế, đi dân công, phần
lớn cũng là nông dân. Đồng bào nông dân đóng góp nhiều nhất cho kháng
chiến, hy sinh nhiều nhất cho Tổ quốc. Thế mà đồng bào nông dân lại là
những người nghèo khổ nhất, vì họ thiếu đất ruộng. Giảm tô, giảm tức là
một quyền lợi chính đáng của nông dân cũng chưa thực hiện được đến nơi
đến chốn. Đó là một tình trạng rất không công bằng”.
Tại sao
vậy?
Nguyên do
là nhiều chủ ruộng không chú ý đến quyền lợi của nông dân, chính quyền
và Mặt trận ở nhiều địa phương không biết đôn đốc chủ ruộng và giúp đỡ
nông dân thực hiện chính sách ruộng đất. Hơn nữa, có hội viên và cán bộ
Mặt trận làm trái chính sách ruộng đất; có phần tử phản động lặn lút
trong Mặt trận xuyên tạc phá hoại chính sách của Chính phủ và Mặt trận.
Thế mà cơ quan Mặt trận toàn quốc của ta, cũng như các cấp bộ Trung ương
các chính đảng, các đoàn thể trong Mặt trận ta cũng không chịu kiểm tra
để kịp thời sửa chữa.
Đã đến lúc không thể để tình trạng kể trên kéo dài mãi được nữa.
Muốn kháng
chiến trường kỳ, đánh bại thực dân Pháp, can thiệp Mỹ và lũ Việt gian bù
nhìn, giành lại độc lập hoàn toàn, chúng ta phải có lực lượng nhân dân,
mà chủ yếu là lực lượng to lớn của nông dân.
Muốn củng
cố và phát triển chế độ dân chủ nhân dân, muốn theo kịp bước tiến của
lực lượng hòa bình dân chủ thế giới, chúng ta phải chú ý đến quảng đại
quần chúng là nông dân.
Vì vậy, Hồ
Chủ tịch và Đảng Lao động Việt Nam đã đề ra với Chính phủ và Mặt trận
chủ trương phát động quần chúng nông dân triệt để giảm tô, thực hiện
giảm tức, nhằm mục đích bồi dưỡng lực lượng nhân dân, đẩy mạnh kháng
chiến. Trong bản hiệu triệu ngày 19-12-1952 Hồ Chủ tịch lại kêu gọi các
nhà địa chủ hãy vì lợi dân ích nước mà vui lòng giảm tô, giảm tức cho
nông dân.
Chính phủ
đã quyết định: nhiệm vụ và công tác của toàn dân ta trong năm 1953 là:
tiếp tục thực hiện 3 nhiệm vụ lớn và 4 công tác chính đã đề ra trong năm
1952, nhưng thêm một công tác mới nữa, mà là công tác quan trọng, công
tác trung tâm của năm 1953, đó là công tác phát động quần chúng triệt để
giảm tô, thực hiện giảm tức.
Ở Hội nghị
này, ông Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam sẽ thuyết trình rõ về chủ
trương phát động quần chúng nông dân, thực hiện chính sách ruộng đất đó.
Hội Nông
dân cứu quốc cũng sẽ trình bày trước Hội nghị tình hình sinh hoạt của
nông dân, tình hình thi hành chính sách ruộng đất và kế hoạch phát động
quần chúng đó như thế nào?
Nông dân
đã thiếu ruộng đất cày cấy, lại không được giảm tô, giảm tức, thêm nữa,
bị địch phá hoại mùa màng, nên đời sống của nông dân nói chung vẫn nghèo
khó. Một điều tôi không thể không báo với Hội nghị, là nông dân ở một
vài nơi đã bắt đầu lác đác bị nạn đói, như vài nơi ở Liên khu V. Ta đã
biết nông dân chiếm đa số nhân dân, đời sống của nông dân nghèo khổ, hay
sung túc đều có ảnh hưởng đến mỗi tầng lớp nhân dân và mỗi công việc
kháng chiến. Nay, phát động quần chúng nông dân triệt để giảm tô, thực
hiện giảm tức để bồi dưỡng cho nông dân thì chẳng những lợi cho nông
dân, mà còn lợi cho các tầng lớp nhân dân khác và lợi nhiều cho mọi công
việc kháng chiến.
Về quân
sự, nông dân sẽ hăng hái tham gia bộ đội, giữ làng, giữ nước, giữ tính
mệnh tài sản cho nhân dân.
Về kinh tế
tài chính, nông dân sẽ phấn khởi tăng gia sản xuất, đóng thuế nông
nghiệp và có tiền tiêu thụ hàng hóa. Do đó công thương nghiệp sẽ phát
triển.
Về chính
trị, chính quyền nhân dân và Mặt trận dân tộc sẽ thêm củng cố, vì thành
phần cơ sở của Mặt trận là công nông trí liên minh, mà đa số là nông
dân; khi nông dân đã thấy mỗi tầng lớp nhân dân chú ý đến quyền lợi của
mình, thì càng tăng cường đoàn kết trong chính quyền, trong Mặt trận.
Nông dân được đề cao ý thức dân chủ, ý thức kháng chiến trường kỳ. Đó là
đã đánh mạnh vào chính sách ngụy quyền, ngụy quân của địch.
Về văn
hóa, nếu nông dân đã no đủ, thì càng vui vẻ học tập, văn hóa nhân dân
được phát triển mau chóng và dồi dào.
Thưa các vị,
Cuộc kháng
chiến của nhân dân ta đang cần có sự tích cực hơn nữa của đồng bào nông
dân. Chế độ dân chủ nhân dân của ta đang cần có sự ủng hộ mạnh mẽ hơn
nữa của nông dân. Đời sống của nông dân đang chờ đợi chúng ta.
Tôi chắc rằng Hội nghị ta nhiệt liệt hoan nghênh chủ trương thực hiện
chính sách đúng đắn mà Hồ Chủ tịch và Đảng Lao động Việt Nam đề ra. Vậy
khi bàn đến công tác năm 1953, Hội nghị ta sẽ đặc biệt, căn cứ vào bản
đề nghị của Đảng Lao động Việt Nam và bản trình bày của Hội Nông dân cứu
quốc để thảo luận. Tôi mong rằng chúng ta sẽ đem hết tinh thần dân chủ,
tinh thần phục vụ kháng chiến, phục vụ nhân dân ra làm việc, để Hội nghị
đạt được tới kết quả tốt đẹp.
Tôi xin
tuyên bố khai mạc Hội nghị và tin tưởng Hội nghị thành công.