VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

DIỄN VĂN BẾ MẠC KỲ HỌP THỨ 3, QUỐC HỘI KHÓA I

CỦA CỤ TÔN ĐỨC THẮNG, QUYỀN TRƯỞNG BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI NGÀY 4-12-1953

 

Thưa các đại biểu,

Sau mấy ngày làm việc, Đại hội đã đi tới kết quả mong đợi là đồng thanh nhất trí tán thành bản dự án Luật cải cách ruộng đất do Chính phủ đề ra. Đó là một quyết nghị lịch sử của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Do quyết nghị lịch sử này, chế độ chiếm hữu ruộng đất của địa chủ phong kiến sẽ xoá bỏ, dân cày sẽ có ruộng. Do quyết nghị lịch sử này nhân dân sẽ được bồi dưỡng, cuộc kháng chiến sẽ được đẩy mạnh. Chúng tôi tin chắc Luật cải cách ruộng đất do Quốc hội thông qua sẽ được toàn thể quốc dân nhiệt liệt ủng hộ. Vì đó là ý chí, là nguyện vọng của toàn thể quốc dân trong lúc này. Chứng cớ là mấy ngày hôm nay, Quốc hội đã nhận được rất nhiều điện văn từ các nơi gửi đến, ở vùng tự do, ở vùng bị địch tạm chiếm, ở miền xuôi, ở miền ngược mà bất cứ tiếng nói nào cũng đều mong mỏi cải cách ruộng đất thực hiện người cày có ruộng.

Trong diễn văn khai mạc, chúng tôi đã đề nghị các đại biểu đến đây làm việc một cách nhanh chóng và gọn của thời kháng chiến, thì mấy hôm nay, chúng ta đã làm việc thật hăng hái và chu đáo.

Cuộc trao đổi ý kiến ở các nhà, các bài tham luận và các buổi thảo luận ở hội trường tỏ ra các vị đã nghiên cứu kỹ vấn đề ruộng đất, đã liên hệ với tình hình các địa phương để góp phần xây dựng cho Luật cải cách ruộng đất.

Mọi người đều thấy nhiệm vụ của mình là phải đi đúng nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân mà mình là đại diện.

Do cái ý chí đặt lợi ích chung của dân tộc, của kháng chiến lên trên hết, nên chúng ta đã đi đến chỗ nhất trí với nhau.

Nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân, các đoàn thể chính trị, tôn giáo và văn hoá, đã được biểu hiện một cách hùng hồn khi mà trăm người như một, các đại biểu đã giơ tay thông qua Luật cải cách ruộng đất.

Sở dĩ chúng ta đã đồng tâm như thế là vì tất cả các đại biểu bất cứ thành phần xã hội nào, xu hướng chính trị và tôn giáo nào đều có một chỗ giống nhau là quyết đánh đuổi quân xâm lược và làm cho người cày có ruộng và đều thông cảm sâu sắc rằng người cày có ruộng thì mới đẩy mạnh được sản xuất, bồi dưỡng được lực lượng nhân dân, lực lượng kháng chiến, đủ điều kiện để đánh đuổi được quân xâm lược.

Chính phủ và Quốc hội nhất trí; toàn dân nhất trí. Quốc hội là biểu hiện rõ rệt của sự nhất trí đó.

Đây là một thắng lợi lớn trong lịch sử kháng chiến của chúng ta; nhờ đó mà khối đại đoàn kết thêm vững chắc, chính quyền dân chủ nhân dân thêm củng cố. Cho nên khóa họp này sẽ ghi một dấu mới trên con đường độc lập dân chủ, đưa cuộc cách mạng chúng ta đến thắng lợi hoàn toàn.

Rồi đây, chúng ta sẽ chia tay nhau để mỗi người trở về với nhiệm vụ của mình.

Các đại biểu về sẽ mang theo hình ảnh cố gắng, anh dũng, tươi đẹp của Quốc hội họp trong thời kháng chiến quyết liệt, nhất là hình ảnh của Hồ Chủ tịch làm việc giữa chúng ta, giữa Quốc hội.

Các đại biểu sẽ làm cho đồng bào xung quanh mình phấn khởi với cái không khí khẩn trương mà ấm cúng của Quốc hội đã tích cực làm việc với mục đích duy nhất là đem lại quyền lợi cho nhân dân, để đẩy mạnh kháng chiến, kiến quốc.

Các đại biểu trở về các địa phương, đem theo ý nghĩa Luật cải cách ruộng đất của Quốc hội về cho nhân dân. Đấy là ý nguyện tha thiết của nhân dân đã được Quốc hội duyệt y. Các đại biểu chẳng những có nhiệm vụ phổ biến Luật cải cách ruộng đất trong nhân dân, mà còn có nhiệm vụ hợp sức với nhân dân để thực hiện Luật cải cách ruộng đất. Cái kết quả mà chúng ta thu được ở Hội trường hôm nay mới là một bước đầu. Thực hiện và hoàn thành chính sách ruộng đất mới là đem quyền lợi thực tế lại cho nông dân và các tầng lớp nhân dân. Nhân dân đang mong chờ ở chúng ta.

Chúng tôi xin thay mặt Quốc hội nhờ đại biểu chuyển lời chào bộ đội và đồng bào thân mến ở các địa phương đã nhiệt liệt ủng hộ Quốc hội.

Mỗi người trong chúng ta, ai nấy đều thấy mình đã và đương cố gắng góp phần vào hai nhiệm vụ mà Hồ Chủ tịch và Quốc hội đề ra là "ra sức đánh giặc" và "cải cách ruộng đất".

Chúng tôi xin tuyên bố bế mạc khoá họp Quốc hội lần thứ 3 này.

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.