VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

BÁO CÁO
VỀ CÔNG TÁC CỦA BAN THƯỜNG VỤ CỦA BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI
TỪ LẦN HỘI NGHỊ THÁNG 2-1950 ĐẾN THÁNG 2-1951

 

Tôi xin báo cáo công tác của Ban Thường trực Quốc hội từ tháng 2-1950

Các kỳ hội Thường trực và Thường vụ

Đáng lẽ theo Nghị quyết của cuộc hội nghị Ban Thường trực Quốc hội tháng 2-1950, thì ba tháng Ban Thường trực phải họp một lần, nhưng vì hoàn cảnh kháng chiến giao thông khó khăn nên ngày 28-5-1950 nghĩa là gần 4 tháng sau lần họp đầu năm, Ban Thường trực tuy có họp nhưng cũng chỉ có mặt có sáu vị nghĩa là không đủ số qúa bán. Cho nên kỳ họp ấy chỉ được xem như là kỳ hội thường vụ mở rộng mà làm việc với danh nghĩa và quyền hạn của Ban Thường trực mà thôi. Đến tháng 8 năm 1950 lại có triệu tập, nhưng lại bị việc di chuyển vì chiến sự xảy ra bất ngờ nên lại không họp được. Thế thì đến hôm nay cách kỳ họp tháng 2-1950 một năm, Ban Thường trực mới lại đủ số quá bán mà họp lần này.

Còn Ban Thường vụ thì đã theo gần đúng như nghị quyết tháng 2 mà họp mỗi tháng một lần, trừ 3 tháng 8, 9, 10 vì việc di chuyển nên các ủy viên cần có thời gian mới tìm ra trụ sở mới.

Nhắc lại chương trình hoạt động vạch ra đầu năm 1950

Đầu năm ngoái, Ban Thường trực Quốc hội đã thông qua bản chương trình hoạt động của Ban trong năm 1950. Chương trình ấy đã nêu lên 5 điểm chính như sau:

1. Tiếp tục công tác mật thiết với Chính phủ và động viên nhân dân dốc toàn lực kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn.

2. Tiếp tục nhiệm vụ lập hiến: thúc đẩy việc làm dự án bộ luật dân chủ.

3. Kiện toàn liên lạc với các đại biểu: chuẩn bị khóa họp thứ III của Quốc hội.

4. Phát triển liên lạc với quốc tế.

5. Kiện toàn nội bộ. Sửa đổi nội quy. Chấn chỉnh Văn phòng.

Nay xin theo thứ tự ấy mà điểm lại công tác mà Ban Thường vụ đã làm.

1. Tiếp tục công tác mật thiết với Chính phủ và động viên nhân dân dốc toàn lực kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn

a) Trực tiếp với Chính phủ: Trước hết, tôi xin nói rằng, theo dõi công việc lãnh đạo kháng chiến của Chính phủ và công tác với Chính phủ trong mọi việc, Ban Thường trực rất tín nhiệm Chính phủ, nhất là vị lãnh tụ quốc gia nên nhân ngày sinh nhật Cụ, Ban Thường trực đã tặng Cụ 4 chữ “CÔNG DÂN BẬC NHẤT”.

Mỗi tháng, hoặc tháng rưỡi một lần, Cụ Quyền Trưởng Ban Tôn Đức Thắng và Cụ Phó Trưởng Ban đi dự Hội đồng Chính phủ. Các Cụ tham dự thảo luận về mọi vấn đề và các sắc lệnh Chính phủ trước khi ban bố, đều có sự thỏa thuận của Ban Thường trực.

Vào khoảng tháng 9-1950 thì theo lời mời của Chính phủ, Ban Thường vụ có cử đại biểu đi dự hội nghị Ban Nội chính và đến tháng 11-1950 thì có đại biểu dự cả Ban Kinh tế.

Số là Chính phủ đã lập ra ba Ban: Nội chính (nội vụ, tư pháp), Kinh tế (tài chính, kinh tế, canh nông, lao động, giao thông công chính), và Văn hóa xã hội (giáo dục, y tế, thương binh).

Đáng lẽ là Ban Thường trực phải có đại biểu dự cả 3 Ban ấy; để tham gia ý kiến một mặt, và một mặt để góp ý kiến trong Hội đồng Chính phủ. Nhưng vì điều kiện chưa đủ nên chưa thể làm được.

Mấy lần Ban Thường vụ chỉ dự đến hội nghị nội chính mà thôi. Và Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp đã gửi tài liệu rất đều cho Ban. Sau khi tiếp được tài liệu, thì sự thật cũng chỉ có một lần là có ý kiến một số trong Ban Thường vụ còn ra thì chỉ người đại biểu tự mình tham gia ý kiến mà thôi. Các Bộ khác cũng đã cố gắng gửi tài liệu, nhưng vẫn chưa đủ.

Các sắc lệnh đều có sự thỏa thuận của Ban Thường trực trước kỳ ban hành, trong đó có Sắc lệnh 85 cử tòa án nhân dân ghi một bước tiến của nền tư pháp.

Cuối năm 1950, Chính phủ đã triệu tập một cuộc hội nghị cán bộ kháng chiến hành chính toàn quốc để kiểm điểm sự thực hiện chương trình 1950 và đề ra nhiệm vụ 1951.

Trong các cuộc thảo luận các tổ, cũng như ở hội nghị, trong mục phê bình Chính phủ, cũng như trong khi bế mạc hội nghị đại biểu Ban Thường trực đã tham dự đều và đã góp ý kiến với hội nghị.

Ngoài ra mỗi lúc thu nhặt được ý nguyện gì của nhân dân hoặc do thư từ, hoặc do đều nói trực tiếp thì Ban Thường trực đều chuyển cho Chính phủ biết hoặc đến Thủ tướng phủ hoặc đến các Bộ sở quan, (ví như lời kêu nài về việc tổng động viên, việc thi vào trường y sĩ, việc in bạc giấy...) mà phần nhiều Chính phủ cũng để ý.

b) Các phái đoàn: Trong lúc kinh lý các địa hạt trong nước, Ban Thường trực cũng đã có mặt bên cạnh Chính phủ.

Hồi tháng 5-1950, sau lúc thi hành Sắc lệnh Tổng động viên, Chính phủ đã cho phái đoàn thanh tra đi các địa phương ở Việt Bắc để xem xét sự thực hiện tổng động viên và động viên dân chúng tham gia kháng chiến. Ban Thường trực đã cử cụ Phó Trưởng Ban Phạm Bá Trực và ủy viên Y Ngông, một dự vào đoàn phía Bắc, một dự vào phái đoàn trung du, trong thời hạn hai tháng giời, phái đoàn đi nhiều nơi trong 6 tỉnh phía Bắc, và lúc về đã có báo cáo tường tận.

Hồi tháng 10, sau khi ta giải phóng Cao Bằng, Lạng Sơn thì cụ Phó Trưởng Ban Phạm Bá Trực đã cùng một vị Bộ trưởng đại diện cho Ban Thường trực và Chính phủ đi tận vùng vừa được giải phóng để tưởng lễ bộ đội, phủ dụ dân chúng và nhất là úy lạo các thương binh.

Cùng một mục đích ấy hồi tháng chạp 1950, ủy viên Trần Văn Cung cùng một đại diện Chính phủ đi các miền Lao kay1- Cha pa2 trong thời gian hơn 1 tháng.

c) Với nhân dân: Sau khi sắc lệnh tổng động viên ban hành thì Ban Thường trực Quốc hội đã tích cực tham gia.

Một mặt có lời kêu gọi các đại biểu Quốc hội ở các địa phương giúp sức với chính quyền trong việc cổ động dân chúng, một mặt nữa có bài đăng báo trưng cầu ý kiến nhân dân về việc thực hiện sắc lệnh ấy. Nhiều đại biểu đã theo chỉ thị của Ban Thường trực tùy hoàn cảnh mà tham gia vào tổng động viên ở địa phương; cũng có nhiều đại biểu vì đã có công việc nhiều ở chính quyền hoặc ở các đoàn thể, các cơ quan chuyên môn, nên không tham gia gì thêm được. Ban Thường trực cũng có nhận được ít bức thư về việc này của các đại biểu các tỉnh. Trong việc tham gia tổng động viên ở các địa phương thì Ban Thường trực đã đồng ý với Thủ tướng phủ về phương tiện làm việc. Sau khi sắc lệnh lập tòa án nhân dân ban bố, Ban Thường trực cũng có bài đăng báo và gởi nhờ các Uỷ ban Kháng chiến hành chính địa phương truyền đạt các Hội đồng nhân dân tỉnh giải thích ý nghĩa dân chủ của đạo sắc lệnh ấy và lấy thanh khí khuyến khích các Hội đồng nhân dân nên để ý lựa chọn các hội thăm nhân dân cho xứng đáng với công việc.

Trong lúc cụ Phó Trưởng Ban Phạm Bá Trực và Ủy viên Thường vụ Trần Văn Cung đi dự phái đoàn các vùng giải phóng thì cũng nhân danh Ban Thường trực Quốc hội mà giải thích trước đồng bào đường lối của Chính phủ và nhiệm vụ của công dân trong giai đoạn hiện tại.

Ông Trần Tấn Thọ, một ủy viên tản cư vào Thanh Hóa cũng đã tùy hoàn cảnh, phương tiện mà tham gia vào công cuộc kháng chiến ở địa phương ông ở và đã gởi báo cáo đều về Ban Thường trực.

Mỗi lúc gặp ngày kỷ niệm quan hệ, Ban Thường trực đều có lên tiếng kêu gọi nhân dân tích cực tham gia công cuộc kháng chiến và kiến quốc, như trong các ngày quốc khánh, toàn quốc kháng chiến, sinh nhật Hồ Chủ tịch, Tổng tuyển cử…

Nói tóm lại, trong một năm qua, Ban Thường trực đã cố gắng để công tác mật thiết với Chính phủ và cũng nhận thấy sự cố gắng của Chính phủ để tạo điều kiện cho Ban Thường trực có thể theo dõi được công việc của Chính phủ và tham gia ý kiến với Chính phủ.

 Sự tiếp hạp với nhân dân năm qua cũng tiến bộ hơn trước. Các đại diện Ban Thường trực đi các địa phương đều được nhân dân niềm nở đón tiếp.

Các diễn văn khá nhiều mà các cuộc hội nghị chính quyền hoặc đoàn thể các địa phương gởi cho Quốc hội tỏ rõ lòng tin cậy của nhân dân, cũng như lòng trông chờ của nhân dân ở Quốc hội.

2. Tiếp tục nhiệm vụ lập hiến: thúc đẩy việc làm dự án bộ luật dân chủ - Trong cuộc hội nghị tháng 2-1950, Ban Thường trực Quốc hội đã công nhận việc Quốc hội đảm nhận việc làm luật là đúng và giao cho Ban Thường vụ phụ trách nghiên cứu tổ chức hội đồng tu luật cùng lề lối làm việc của hội đồng này và sẽ báo cáo ở hội nghị thường trực lần sau.

Cuộc Hội nghị Ban Thường vụ 8-2-1950 đã giao cho ông
Dương Đức Hiền gặp Hội đồng tu luật (lập ra do Sắc lệnh 72 SL ngày 18-6-1949) để nghiên cứu công việc.

Sau khi ông Hiền và cả ông Liệu đã gặp ban tu luật và đã thảo luận thì việc tu luật đã đem ra bàn ở phiên họp thường trực hay thường vụ mở rộng ngày 28-5-1950. Sự trao đổi ý kiến của các ủy viên đã đem đến những quyết nghị như sau:

Ban Thường trực sẽ không phải đại diện tham gia ban tu luật thuộc Bộ Tư pháp.

Ban Thường trực Quốc hội sẽ cùng Chính phủ xét và quyết định việc ban bố toàn thể hay bộ phận bộ luật dưới hình thức những sắc luật. Sau này, toàn thể Quốc hội sẽ định đoạt lại về bộ luật của nước Việt Nam.

Sở dĩ đi đến kết quả như thế, là vì ở giữa đại diện Ban Thường trực và hội đồng tu luật có chỗ bất đồng ý kiến. Một bên Ban Thường trực tự thấy mình có quyền lập luật dẫu Đại hội năm 1946 chỉ giao cho 3 nhiệm vụ là góp ý kiến với Chính phủ, phê bình và kiểm soát Chính phủ, và triệu tập Quốc hội, một bên hội đồng tu luật muốn tiếp tục công việc theo Sắc lệnh 72 mà Cụ Chủ tịch đã ký với sự thỏa thuận của Ban Thường trực Quốc hội.

 Giữa tháng bẩy 1950, có sự gặp gỡ giữa Cụ Hồ Chủ tịch, một vài vị bộ thứ trưởng và một số trong Ban Thường vụ Quốc hội ở trụ sở Quốc hội, Cụ Chủ tịch đề ra bàn việc lập luật và nhận thấy rằng: những nhiệm vụ mà đại hội Quốc hội giao cho Ban Thường trực vẫn đúng, nhưng nay gặp tình thế kháng chiến, nên có thể tùy hoàn cảnh mà nhận định công việc. Theo Cụ Chủ tịch thì hiện tại cơ quan đại diện cho nhân dân thì không gì bằng Quốc hội, mà vì lúc kháng chiến Quốc hội không họp được thì Ban Thường trực là cơ quan thay mặt nó; cho nên việc lập luật Ban Thường trực Quốc hội phải đảm nhận. Trong khi thảo luận, mọi người đều đồng ý. Sau đó mấy ngày hai Ủy viên thường trực Quốc hội: ông Tôn Quang Phiệt và Trần Văn Cung đi gặp ông thứ trưởng Bộ Tư pháp (trong cuộc gặp gỡ Cụ Hồ Chủ tịch cũng có mặt ông Trần Công Tường) thì ông Tường cũng đồng ý như Cụ Chủ tịch. Trong cuộc họp Thường vụ tháng 7-1950 vấn đề lập luật lại được nêu ra và Cụ Quyền Trưởng Ban đề nghị ông Trần Văn Cung phụ trách, được hội nghị đồng ý. Tuy ông Cung được cử phụ trách nhưng sự thực sự giao tiếp với Bộ Tư pháp Cụ Quyền Trưởng Ban vẫn tự làm lấy và theo cụ báo cáo lại thì việc dự thảo những nguyên tắc chung về bộ luật dân chủ mới đang tiến hành mau chóng và sẽ được đưa trình Ban Thường trực Quốc hội một ngày gần đây.

3. Kiện toàn liên lạc với các đại biểu- Chuẩn bị khóa họp thứ ba của Quốc hội - Sự liên lạc với các đại biểu địa phương năm qua cũng tiến bộ. Ban Thường vụ họp khá đều đặn như tôi đã nói trên kia. Và các ủy viên Thường trực cũng như tôi đã nói trên kia, tuy vì hoàn cảnh không họp đều, nhưng tin tức thì Ban Thường vụ vẫn tiếp được luôn. Sự thực trong Ban Thường trực Quốc hội trừ ông Hoàng Văn Hoan được Chính phủ cử đi đại diện ở Trung Hoa, ngoài ra cũng chỉ ba vị ở Thanh Hóa, còn nữa thì vẫn thường đi lại với Ban Thường vụ.

Ban Thường vụ cũng đã đánh điện khắp các khu 5, Nam bộ để xin danh sách địa chỉ và công tác của đại biểu các địa phương. Đồng thời Ban Thường vụ cũng nhờ công an điều tra giùm hành tung của các đại biểu ở lại trong các vùng tạm bị chiếm hay đã ra ngoại quốc.

Liên tục Ban Thường vụ đã nhận được trả lời. Cái danh sách đến nay đã khá đầy đủ. Hiện tổng số và phân hạng theo như con số sau này (xem bản tổng kê kèm theo).

Trong công tác tổng động viên nhiều đại biểu đã gởi báo cáo về cho Ban Thường trực; cùng nhiều đại biểu khác thường viết thơ cho Ban hoặc hỏi một vấn đề gì, hoặc cho biết tin tức. Một số đại biểu tỏ ý kiến muốn lập sự liên hệ giữa các đại biểu trong tỉnh hay trong khu, nhưng Ban Thường vụ thấy việc đó không cần thiết nên không tán thành. Tuy thế một vài nơi đã lập phòng liên lạc. Như ở Liên khu III hồi tháng 4-1950 do sáng kiến của một vài vị đại biểu Quốc hội và Uỷ ban Kháng chiến hành chính Liên khu III các đại biểu trong liên khu đã hội họp lại để nhận định tình hình chung và nghiên cứu chương trình của Chính phủ năm 1950 và ấn định nhiệm vụ của các đại biểu trong giai đoạn chuyển mạnh sang tổng phản công. Hội nghị đã lập ra phòng liên lạc do ông Nguyễn Văn Năng và ông Lê Tư Lành phụ trách.

(Cuộc hội nghị này có 13 vị đại biểu Quốc hội, các đại biểu Hội đồng nhân dân các tỉnh và một số đại diện chính quyền).

Phòng liên lạc các đại biểu Quốc hội Liên khu III vừa gởi cho Ban Thường trực được vài lá thơ báo cáo một vài ý kiến nhân dân và bản danh sách các vị đại biểu ở Liên khu thì vừa có chiến sự xẩy ra nên các đại biểu phải phân tán mà phòng liên lạc lại đình chỉ công việc.

Cũng tháng 4-1950, các đại biểu miền Nam Trung bộ có gửi Ban Thường trực một bức thư do ông Nguyễn Văn Chi, đại biểu Khánh Hòa mang ra. Ông Chi cũng đã mang ra một bản báo cáo về tình hình miền Nam Trung bộ về các mặt. Hồi tháng 7-1950 các đại biểu miền Nam Trung bộ đã họp lần nữa để kiểm thảo công tác thượng bán niên và đặt hướng công tác cho hạ bán niên.

Ban Thường trực đã thừa nhận cả hai phòng liên lạc nói trên.

Kể ra sự liên lạc giữa Ban Thường trực với các đại biểu đã tiến hành nhiều. Hiện chỉ có một số ít chưa tìm được tin tức mà thôi.

Về việc họp Quốc hội lần thứ III, hiện trong tình hình kháng chiến chưa thể nói đến được, nhưng sự giao thiệp giữa Ban Thường trực và các đại biểu nếu chặt chẽ thêm thì các đại biểu có thể theo dõi công việc của Ban Thường trực mà Ban Thường trực cũng mong thu lượm được ý nguyện dân chúng ở các địa phương do các đại biểu ấy.

4. Phát triển liên lạc với quốc tế - Sau cuộc hội nghị Ban Thường trực Quốc hội tháng 2-1950, Ban Thường trực đã dành nhiều điện chào mừng các nước trên thế giới đã công nhận nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Có các bức điện gửi cho:

- Hội đồng tư vấn chính trị hiệp thương và nhân dân Trung Hoa,

- Hội đồng Xô viết tối cao và nhân dân Liên Xô,

- Quốc hội và nhân dân nước Cộng hòa nhân dân Tiệp Khắc,

- Quốc hội và nhân dân nước Cộng hòa nhân dân Bắc Cao Ly,1

- Quốc hội và nhân dân Đông Đức,2

- Quốc hội và nhân dân Hung gia lợi,3

- Quốc hội và nhân dân Lỗ ma ni,4

- Quốc hội và nhân dân Ba Lan,

- Quốc hội và nhân dân Bảo gia lợi7.

cũng có một bức điện gửi cho nhân dân Pháp.

Trong những ngày kỷ niệm lớn của các nước trên, Ban Thường trực đều có gửi điện chúc mừng và phần lớn đã được trả lời lại.

Hồi tháng 8 năm 1950, lúc Chính phủ và Mặt trận Lào thành lập, Ban Thường trực có cử đại diện đến dự Hội nghị và đọc chúc từ. Và khi Chính phủ ta đón tiếp Chính phủ và Mặt trận Lào, Quốc hội cũng có mặt.

Trước thời gian đó, Ban Thường trực đã tiếp được điện chào mừng của Mặt trận dân tộc Cao Miên 8.

Việc cử phái đoàn Quốc hội đi các nước bạn để tỏ tình hữu nghị đề ra năm ngoái đến nay chưa có điều kiện thực hiện.

Một tài liệu về Quốc hội Việt Nam đã được đánh máy gửi ra nước ngoài.

Còn bản Hiến pháp phải dịch ra tiếng Anh cũng đã in xong nhưng vì phiên dịch sai nhiều nên không thể dùng được. Việc này phải tu chỉnh lại. 200 bản bằng tiếng Việt đã gửi 1/2 sang Bộ Ngoại giao để gửi ra ngoại quốc. Ngoài ra, còn đã in 2.000 cuốn Hiến pháp tiếng Việt (in thường) để phổ biến trong nước.

Nói tóm lại, Ban Thường trực Quốc hội ta đã cố gắng gây thiện cảm với các nước dân chủ trên thế giới để cùng các nước bạn thắt chặt hàng ngũ để chiến đấu cho độc lập và thống nhất của nước nhà, cũng như cho hòa bình và dân chủ của thế giới.

5. Kiện toàn nội bộ - Sửa đổi nội quy - Chấn chỉnh văn phòng

a) Kiện toàn nội bộ. Sau khi chúng tôi ra đây (4-1950) thì được ông Dương Đức Hiền giao lại cho công việc tổng thư ký. Chúng tôi đã cùng cụ Quyền Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban chia nhau công việc. Đến tháng 5-1950, có ông ủy viên Trần Văn Cung ra thì được cụ Quyền Trưởng Ban đề nghị cùng Ban Thường trực cử vào Ban Thường vụ. Đã được đa số đồng ý. Như thế là Ban Thường vụ có 6 vị cả thảy.

Còn tiểu ban kiến nghị do ông Trần Huy Liệu phụ trách cũng vì ít việc mà ông Liệu lại ở xa nên đã để Tổng thư ký kiêm luôn cho tiện và cái tên ấy cũng không cần để lại nữa.

b) Sửa đổi nội quy. Bản nội quy sửa lại đã được Ban Thường trực thông qua thì một năm nay, Ban Thường trực đã theo đúng, trừ những trường hợp đặc biệt do tình hình kháng chiến gây nên: như Thường trực và Thường vụ họp không được đều và các tiểu ban chưa đủ điều kiện để thành lập.

Ngoài ra, các chi tiết khác đã được thực hiện đúng đắn cả.

c) Chấn chỉnh văn phòng

1) Nhân viên: Ban Thường trực đã mời bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng, một đại biểu Quốc hội làm Chánh Văn phòng.

- Đã tuyển thêm 3 nhân viên giúp việc văn phòng, phụ trách các ngành riêng (kế toán, báo chí, quản lý).

- Vì công việc ngày càng thêm nhiều về tiếp tế, di chuyển… nên số lao công đã phải lấy thêm 7 người để đủ sử dụng.

2) Ngân sách: Vì công việc so với năm 1949 nhiều lên, nên năm 1950 đã phải làm tái trừ ngân sách. Và năm 1951 sự phát triển của công việc, ngân sách đã dự trù theo bản báo cáo kèm theo đây.

3) Tài liệu Quốc hội: Sự lượm lặt lại những tài liệu thất lạc của Quốc hội làm được rất ít. Vì cụ Bùi, Trưởng Ban mệt và ở xa nên khó thăm hỏi về những giấy má cũ. Tìm kiếm mãi chỉ được một ít số báo Cứu quốc xuất bản lúc hội nghị lần thứ hai và một quyển vở ghi chép sơ sài của một vị đại biểu tỉnh Phú Thọ. Với bấy nhiêu tài liệu chưa đủ viết một văn kiện gì về Quốc hội. Chúng tôi đang cố sức sưu tầm mà cũng mong sự giúp sức của các vị ủy viên và các vị đại biểu khác, có gì thì gửi cho.

Thưa...

Đó là bản báo cáo về việc thực hiện chương trình hoạt động năm 1950.

Trong năm 1951, những thắng lợi về quân sự và ngoại giao cũng như về chính trị đề ra cho chúng ta những nhiệm vụ mới.

Chúng ta phải cố gắng nhiều mới làm tròn nhiệm vụ mà Quốc hội đã giao cho.

 

PHÓ TRƯỞNG BAN KIÊM TỔNG THƯ KÝ BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI

TÔN QUANG PHIỆT

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.


 

1. Lào Cai (BT).

2. Sapa (BT).

3. Triều Tiên (BT).

4. Trước năm 1989 là Cộng hoà dân chủ Đức. Đến năm 1989 sáp nhập hai nước Đức thành Cộng hoà liên bang Đức.

5. Hunggari

6. Rumani

7. Bungari

8. Campuchia