VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

ĐỜI TRANH ĐẤU CỦA HỒ CHỦ TỊCH
Diễn văn đọc vào ngày 19-5-19501

I

Đã mấy năm nay, đến ngày này, toàn dân ta làm lễ sinh nhật Hồ Chủ tịch. Nhưng năm nay ngày lễ có cái quan trọng đặc biệt, một là vì lễ năm nay là lễ lục tuần của Cụ, mà theo tục ta, thì lục tuần là cái tuổi mà người ta bắt đầu làm lễ chúc thọ, cho rằng người sống 60 năm mà vẫn được mạnh giỏi là một cái phúc nhà.

Vậy nay Hồ Chủ tịch đến 60 tuổi, mà như phần nhiều chúng ta đã biết, Cụ rất mạnh khỏe, mạnh khỏe hơn lúc ở Thủ đô, và theo lời một người ngoại quốc đã được thấy Cụ vào mùa hè năm 1946 ở Pháp, thì Cụ lại mạnh khỏe hơn lúc ở Fontainebleau nữa. Tôi nhắc lời người ngoại quốc để tỏ một thái độ khách quan, chứ các đồng bào ta cùng đi với Cụ ở Pháp cũng nhận thấy thế. Đó là một cái phúc cho quốc gia, cho dân tộc mà ta hãy ghi lấy.

Lẽ thứ hai nữa là sau mấy mươi năm lãnh đạo cuộc Cách mạng Việt Nam, Cụ đã hy sinh tận tụy với nước, với dân, cho Cách mạng được thành công, chính quyền nhân dân được thành lập ; rồi từ khi thực dân gây cuộc chiến tranh xâm lược thì bắt đầu từ gậy tầm vông của dân quân ở Nam bộ, bộ đội Việt Nam đã đi đến những trận thắng vĩ đại ở Sông Lô, Hói Mít, La Nhà rồi đến chiến dịch Cầu Kè, Lê Lợi, Lê Lai, Lê Hồng Phong...

Nhớ những thắng lợi ấy mà thế giới để ý đến Việt Nam, rồi bắt đầu năm nay, các nước dân chủ Trung Hoa, Liên Xô, Trung Đông Âu, Bắc Triều Tiên, Đông Đức lần lượt thừa nhận Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Những cái thắng lợi to lớn về ngoại giao ấy lại nhằm vào năm mà Hồ Chủ tịch lên 60 tuổi, đó lại là một việc mà ta cần nhắc đến.

II

Nhân ngày lễ này mà nhắc đến đời tranh đấu của Cụ để ai nấy thêm vui lòng tin tưởng mà tiến bước trên đường cách mạng mà Cụ đã vạch ra, và Cụ đang cầm đuốc sáng đi trước, đó là bổn phận của mỗi người Việt Nam trong giai đoạn hiện tại.

Muốn nói lịch sử tranh đấu của Hồ Chủ tịch một cách đơn giản thì chỉ một câu là đủ, câu ấy chính Cụ đã nói ra, khi mới về Thủ đô, giả lời cho một nhà báo nào đến phỏng vấn: “Tôi sinh ra ở nước Việt Nam nô lệ, tôi không muốn làm nô lệ nên đi làm cách mạng, vì làm cách mạng lâu năm, nên khi cách mạng thành công, anh em bầu làm Chủ tịch”.

Muốn nói lịch sử tranh đấu của Hồ Chủ tịch cho nhiều, thì nói bao nhiêu cũng không hết. Vậy trước hết tôi xin nhận là câu chuyện của tôi nói đây về đời tranh đấu của Hồ Chủ tịch là một câu chuyện còn thiếu sót rất nhiều.

Hồ Chủ tịch sinh trưởng ở một nhà nho học, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông cụ có đậu Phó bảng và với cách khoa bảng xuất thân như thế, ông cụ là một người vấn thân bậc cao. Vừa lúc vua quan nhà Nguyễn không giữ được giang san mà nhận nền đô hộ của thực dân Pháp thì lớp người đầu tiên ra phản kháng là lớp văn thân. Trong phong trào Cần Vương, người tiêu biểu nhất là cụ Phan Đình Phùng quê ở Hà Tĩnh, liên hiệp với Nghệ An, trong phong trào Đông Du, người thủ xướng ra là cụ Phan Bội Châu, cũng người ở Nam Đàn tỉnh Nghệ An, cách quê hương Hồ Chủ tịch chỉ có mấy cây số. Vào khoảng cuối thế kỷ thứ 19, vào đầu thế kỷ 20, phong trào chống Pháp rất là sôi nổi mà sôi nổi nhất là ở Nghệ Tĩnh, do các người văn thân cầm đầu.

Thế thì cái dòng dõi văn thân, cái non sông Nghệ Tĩnh và cái thời đại vong quốc đã sản sinh ra con người đã tranh đấu dẻo dai trong bốn, năm mươi năm nay để đuổi giặc ngoại xâm, giành lại độc lập cho nước nhà, và tự do hạnh phúc cho dân tộc.

Đeo đuổi cuộc tranh đấu trường kỳ như thế với hai bàn tay trắng của một người thư sinh, chống lại hàng chục vạn hùng binh của một cường quốc bậc nhất bậc nhì trong tư bản trên thế giới, thì phải có tài đức như thế nào, phải trải qua gian khổ như thế nào, đó là điều mà ta nên biết.

Thiếu thời, Cụ học chữ Hán, lớn lên học thêm chữ Pháp ; cái căn bản luân lý đạo đức tức là do Khổng giáo xây nên. Những cuốn sách đầu tiên về tư tưởng mới là các sách Tàu do Khang Lương phổ biến ra, mà Khang Lương phần nhiều cũng dịch các sách tư tưởng của Tây Âu, nhất là Pháp, như các nhà Montesquieu, Rousseau, Voltaire2, chẳng hạn. Không hiểu có phải vì thế mà Hồ Chủ tịch đã không theo phong trào Đông Du mà sang Tàu, sang Nhật như các nhà cách mạng phái Phan Bội Châu, mà lại đi thẳng sang Tây phương để đến chỗ gốc rễ các tư tưởng mới phát sinh ra không ? Điều đó, nếu Cụ không nói ra, thì vẫn là một điều bí mật của lịch sử. Điều mà ta biết là năm 19, 20 tuổi thì Cụ từ biệt gia đình vào
Sài Gòn kiếm cách làm bồi tàu thủy sang Anh, sang Mỹ, sang Đức rồi sau mấy năm, sang Pháp ở lại thành phố Pari; Cụ phải chịu lam lũ làm lấy mà ăn, cùng ở với một nhà cách mạng Việt Nam là Phan Chu Trinh trong một căn nhà nhỏ hẹp tối tăm. Chính lúc đó Cụ đã chịu ăn mặc cực khổ để dành tiền, mua sách báo nghiên cứu chính trị, và học tiếng ngoại quốc. Cái mục đích học tập của Cụ là để đủ làm khi Cụ tranh đấu cho dân tộc, cho nhân loại; nên vừa học hỏi thêm, vừa tranh đấu, bằng lời nói, bằng ngòi bút, bằng việc làm.

Sau Đại chiến thứ nhất khi các cường quốc thắng trận đang thành lập Hội quốc liên,3 Cụ đã thay mặt nhân dân Việt Nam, cùng các thanh niên Việt Nam khác, gửi một bản yêu sách đòi những quyền lợi thiết thực cho dân cho nước. Vẫn biết hội Quốc liên chẳng qua là một tổ chức để bảo vệ quyền lợi của các nước tư bản, trên xương máu các lớp cần lao và các nước nhược tiểu, nhưng vì họ đã nêu danh nghĩa hòa bình, nhân đạo, dân tộc tự quyết, nên cái bản yêu sách của Cụ có cái mục đích lột cái mặt thật của một cơ quan lừa bịp nhân dân thế giới và đồng thời để ai nấy thấy rõ là sự tranh đấu cho quyền lợi dân tộc không phải làm bằng giấy tờ mà được. Rồi Cụ tham gia vào các tổ chức cách mạng ở Pháp, đào tạo những cán bộ cách mạng của các nhóm tiến bộ, cũng như ở các tổ chức dân chúng.

Tờ báo Le Paria (kẻ bị đầy đọa) là do Cụ chủ trương, bênh vực các tầng lớp bần cùng, các nước bị áp bức.

Vào khoảng 1925, Cụ Hồ về Tàu, để trực tiếp chỉ huy cách mạng Đông Dương; vì sau cuộc thất bại của phong trào Đông Du, nhà lão cách mạng Phan Bội Châu đã lưu ý đến văn hóa hơn chính trị. Lúc đó ở Quảng Châu có những tổ chức “Bị áp bức dân tộc liên hiệp hội” trong đó có chi bộ Việt Nam, “Tâm tâm xã” rồi “Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội”. Có nhiều cán bộ học các trường huấn luyện cách mạng ở Quảng Châu về nước hoạt động, nên phong trào cách mạng trong nước bắt đầu nhóm lên. Ở trong nước các nhóm cách mạng cũng liên lạc với ngoài, nên chẳng bao lâu phong trào đã lan rộng khắp cả Bắc, Trung, Nam. Năm 1927, ở Tàu, Tưởng Giới Thạch phản lại cái chính sách “Liên Nga, liên Cộng” của Tôn Văn, nên các nhà cách mạng ngoại quốc ở Tàu đều bị khủng bố. Cụ lại phải rời đi nước khác : lúc ở Nga, lúc về Siam4. Trong lúc hoạt động ở ngoài, tham gia và lãnh đạo nhiều tổ chức cách mạng ở hải ngoại : Mã Lai5, Nam Dương6, Siam1, Diến Điện7, Cụ vẫn luôn luôn lo đào tạo các cán bộ cách mạng cho nước nhà. Chính từ lúc đó Cụ đã thấy sự quan hệ giữa quốc gia và quốc tế, sự quan hệ giữa dân tộc và nhân loại, Cụ thấy rằng quốc gia càng lâu càng gắn chặt với quốc tế : làm cách mạng quốc gia mà không tham gia vào cách mạng dân chủ thế giới thì không thành công, cũng như lo giải phóng cho dân tộc mình mà không nghĩ đến cả nhân loại thì cũng hẹp hòi, cô độc, rồi cũng đi đến thất bại. Mà trong lúc tham gia cách mạng quốc tế, con người cách mạng cũng vẫn phải lấy quốc gia mình làm gốc, mà trong lúc muốn giải phóng cho dân tộc mình, con người cách mạng không nên quên cái tự do hạnh phúc của dân tộc khác.

Các năm 1929-1930, phong trào thanh niên, Tân Việt, Quốc dân Đảng, rồi Đông Dương Cộng sản Đảng sôi nổi trong nước. Đế quốc Pháp ra tay tàn sát; các người ái quốc, kẻ chết bắn, người chết chém, kẻ chết ở tù, người bị giam cầm, người thì trốn tránh ra ngoại quốc. Dưới những sự khủng bố tàn sát, một bầu không khí ảm đạm như đã phủ lấy dân chúng Đông Dương. Cụ ở ngoài nhận xét tình thế cầm vững tay chèo, khiến cho trong và ngoài nước kế tiếp hoạt động với nhau cho cuộc tranh đấu khỏi ngưng trệ cho đến phong trào bình dân. Theo chủ trương thích hợp lúc bấy giờ nhiều tờ báo công khai đã tuyên truyền cho tư tưởng dân chủ tiến bộ, yêu sách những quyền lợi và các tự do cần thiết cho thợ thuyền, cho nhân dân. Chiến tranh bùng nổ ở Âu châu, bọn Pháp thực dân lại khủng bố các nhà cách mạng Việt Nam. Lại lần nữa bị bắt giam, tra tấn đủ cách. Ngỡ đâu đối với cách mạng Việt Nam bọn Pháp thực dân hung tợn như thế, mà khi Nhật tới thì lại đê hèn mà chịu mở cửa đầu hàng. Cụ Hồ nhận rõ tình hình mới, tổ chức cuộc chống Nhật và chống bọn Pháp đầu hàng Nhật. Đứng về phe dân chủ chống phát xít, cái chính sách “nhiều bạn ít thù” làm cho Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh phát triển mau chóng về lượng cũng như về chất. Với cái tổ chức sâu rộng, với cái kinh nghiệm chiến đấu dồi dào, nhất là với cái chủ trương vững vàng chắc chắn cái cơ hội thuận tiện, dân chúng Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, đã nổi lên khắp nước làm cho cuộc Cách mạng Tháng 8 - 1945 thành công.

Trong một vài tuần lễ, với các võ khí rất thô sơ hay với tay không, nhân dân Việt Nam đã đánh đổ cái ách đô hộ Pháp trong 80 năm, cởi cái xiềng xích Nhật trong năm năm, và đồng thời cái cơ nghiệp hủ bại hơn ba trăm năm của nhà Nguyễn cũng bị thổi bay như một cái nhà bằng giấy.

Cái công nghiệp vĩ đại ấy toàn dân Việt Nam đã làm dưới sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch.

Con đường tranh đấu của Cụ cố nhiên không phải là bình thản riêng cho bản thân, Cụ đã chịu bao nỗi gian lao. Không kể những sự thiếu thốn về vật chất, sự khó nhọc về công việc, sự bôn ba nước này qua nước khác để vận động cách mạng hay để trốn tránh bọn thù chực hại mình, Cụ còn phải nhiều lần bị giam chấp trong các nhà ngục, như ở Hồng Kông thì bị Chính phủ Anh làm án, ở Tàu8 thì bị Chính phủ Quốc dân Đảng bắt giam; thảm nhất là trên đất nước Việt Nam này là nơi chôn rau cắt rốn của Cụ mà trong thời kỳ cụ hành động cho đất nước, thì quê hương lại trở thành chốn hang hùm. Thực dân Pháp và tay sai của chúng chả đã truyền thưởng với giá rất cao cho kẻ nào bắt được Cụ hay giết được Cụ là gì !

III

Sự tranh đấu về tư tưởng lại không phải là không gay gắt. Nhận rõ đường lối chính trị là một chuyện khó mà làm cho mỗi người đi đúng đường lối lại là việc khác, khó hơn nữa. Từ lúc ta mất nước cho Pháp, những người Việt Nam ái quốc ra hoạt động chính trị cũng nhiều. Phái phong kiến muốn lại ngôi vua là một chuyện không hợp thời, nên phải thất bại. Phái lao động muốn dùng võ lực chốc lát mà đuổi giặc đi làm một nước độc lập theo lối cũ cũng thất bại. Phái cần ngoại trợ để đánh giặc nước, chung quy cũng là công dã tràng xe cát, mà phải dựa vào Pháp để tiến bộ để đánh đổ quân chủ lập nên dân chủ cũng đi đến chỗ thất vọng. Cụ Hồ đã lấy dân chúng làm căn bản cho cuộc tranh đấu, với cái mục đích tranh đấu để giành quyền lợi cho dân chúng ; bằng mọi cách, Cụ chỉ trích cái thủ đoạn dã man của thực dân và phát huy cái sức mạnh của tối đại đa số nhân dân Việt Nam. Cụ không chủ trương gây cái hận thù giữa chủng tộc ta với chủng tộc khác, dẫu là chủng tộc Pháp, mà chủ trương lấy chính nghĩa mà chống lại tàn bạo; kẻ theo chính nghĩa thì không kể chủng tộc nào cũng là bạn của ta, kẻ dùng tham tàn mà đàn áp nhân dân thì bất kỳ là chủng tộc nào cũng là thù của ta. Bây giờ mọi người thấy rõ cái chủ trương đó là thiên kinh địa nghĩa, chứ vào cái lúc mà cái thuyết “phi ngã tộc loài, kỳ tâm tác dị” còn thịnh hành, thì không có một bộ óc sáng suốt, khó mà nghĩ tới được. Cho nên, dẫu hết nhân dân còn chưa nhận rõ ; Cụ cứ kiên nhẫn dẻo dai, lần này chưa có kết quả thì lần khác lại tiếp tục, dần lâu cái tư tưởng đúng đắn thấm nhuần vào dân chúng, nên cuộc cách mạng mới thành công ; đến lúc đã thành công rồi, lại còn phải đối phó với nội phản ngoại xâm, bao nhiêu là sự rắc rối. Nếu không có một cặp mắt trông xa thấy rộng, nếu không có một bộ óc suy trước nghĩ sau, nếu không có một cái lòng tin vô ngần với đường lối của mình, thì làm gì mà lãnh đạo được nhân dân, cầm vững được vận mệnh nước nhà : Huấn luyện dân, lấy sức dân để giành độc lập cho nước, đó là kế hoạch tranh đấu của Hồ Chủ tịch. Mưu tự do hạnh phúc cho dân cho nước mình, hòa hợp với tự do hạnh phúc của các dân các nước khác, đó là mục đích sự tranh đấu của Hồ Chủ tịch. Cái kế hoạch ấy, cái mục đích ấy ở trong thì hợp với nguyện vọng thiết tha của nhân dân Việt Nam, ở ngoài thì ăn khớp với cái trào lưu của thế giới tiến bộ.

Phương pháp tranh đấu của Cụ là phương pháp khoa học. Cái mục đích mà Cụ nhằm là một: giải phóng cho nước Việt Nam, mưu tự do hạnh phúc cho dân Việt Nam nằm trong khuôn khổ một thế giới hòa bình dân chủ. Nhưng có thể dùng những đường lối khác nhau mà đi đến mục đích ấy tùy hoàn cảnh tùy trường hợp ; nhưng một điều cốt cán mà bao giờ Cụ cũng cầm vững là đoàn kết toàn thể nhân dân để đủ lực lượng mà chống với giặc ngoại xâm.

Năm 1945, sau khi ta đã tuyên bố độc lập thì Đồng minh đã chia nước ta làm hai: Bắc giao cho Tàu, Nam giao cho Anh. Vì thực dân Pháp theo đuôi Anh, nên ở Nam ta đã đánh lại ngay, vì thái độ...9 lừng chừng nên ở Bắc ta đã thân thiện với Tàu. Trước thái độ khiêu khích của thực dân Pháp, Cụ đã thành lập Chính phủ liên hiệp kháng chiến. Mấy hôm sau, để hòa hoãn tình thế Chính phủ đã ký Hiệp định sơ bộ 6-3. Sau khi cuộc thương thuyết đã hoàn toàn thất bại ở Fontainebleau, Cụ đã cùng Marius Moutab ký bản Tạm ước ngày 14-9. Ngay sau những hành động ấy, một số người nông nổi không khỏi hoang mang, nhưng càng lâu càng thấy chủ trương của Cụ rất là đúng. Không tốn xương máu chút nào mà thắng lợi, đó là ý nguyện thứ nhất của Cụ, tốn ít xương máu chừng nào hay chừng ấy, mà đi đến thắng lợi đó là ý nguyện thứ hai của Cụ.

Theo hoàn cảnh, điều kiện khách quan và chủ quan mà sắp đặt công việc cho thu được kết quả, không cố chấp không máy móc, không giáo điều, đó là cái tinh vi của khoa học. Hồ Chủ tịch đã thấu cái tinh vi khoa học đó trong lúc đối phó với tình thế.

Đến 19-12-1946, tình hình không có thể giải quyết hòa bình được nữa, lúc đó cuộc toàn quốc kháng chiến mới xẩy ra. Sự thực con đường thích hợp để đưa nước ta đến độc lập được là con đường mà Cụ đã dẫn đạo dân tộc ta, đi sai một chút là đi đến chỗ thất bại.

Theo con đường tranh đấu của Cụ vạch ra và do Cụ lãnh đạo, nhân dân ta mấy năm nay về chính trị càng ngày càng đoàn kết thêm rộng rãi, về quân sự càng ngày càng mạnh mẽ thêm và được nhiều thắng lợi thêm về ngoại giao, các nước dân chủ nhân dân đã kế tiếp thừa nhận Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa. Cụ đã dùng cái sức tối cần thiết của dân mà đi đến cái kết quả tối đa. Càng lâu nhân dân Việt Nam càng thấy rõ Hồ Chủ tịch là con người cần thiết cho nhân dân, cho thời đại dài. Với tất cả sự đơn giản trong lời ăn tiếng nói, trong bộ áo quần, trong cách đi đứng, thiệt ra Hồ Chủ tịch không phải là một người; Hồ Chủ tịch là tất cả một dân tộc; cái ý nguyện Cụ tức là ý nguyện của dân tộc, cái hành động của Cụ tức là cái hành động của dân tộc. Thế thì đời tranh đấu của Cụ tức là đời tranh đấu của dân tộc; chỉ khác một điều là cái lẽ phải Cụ thấy trước ta thấy sau, việc công ích công lợi, Cụ làm trước ta làm sau, nên chỉ trên con đường tranh đấu của dân tộc, Cụ cũng đi trước mà ta đi sau, thế thôi.

Người ta gọi Cụ là anh hùng vĩ nhân, cố nhiên chúng ta không phản đối những cái danh từ ấy, nhưng chúng ta thấy Cụ gần hơn thế, chúng ta thấy Cụ là một ông bác với tất cả cái ý nghĩa của xưng hô ấy.

IV

Nay đến lễ kỷ niệm sinh nhật 60 tuổi của Cụ, giữa lúc chiến tranh đã đi đến giai đoạn sắp sửa tổng phản công, chúng ta chỉ chúc thọ suông không đủ. Nhân ngày này ta phải theo gương Hồ Chủ tịch thi hành các nghị quyết của Chính phủ tích cực hưởng ứng Sắc lệnh tổng động viên. Cả nước phải thi đua trừ nạn đói, trừ nạn dốt, trừ nạn ngoại xâm. Như thế mới xứng đáng với sự lãnh đạo của Hồ Chủ tịch, tức mới mong đến ngày độc lập hoàn toàn.

Kháng chiến thắng lợi muôn năm !

Hồ Chủ tịch muôn năm !

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.

 

1. Diễn văn của Ban Thường trực Quốc hội, chưa xác minh được ai đọc diễn văn này (BT).

2. Môngtecxkiơ, Rútxô, Vônte (BT).

3. Hội quốc tế là tổ chức quốc tế liên chính phủ do các nước tư  bản phương Tây lập ra sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, người ta thường ví nó như là tổ chức tiền thân của Liên hợp quốc (BT).

4. Thái lan (BT).

5. Malaixia (BT).

6. Inđônêxia (BT).

7. Mianma (BT).

8. Trung Quc (BT).

9. Trong bản gốc có một từ bị mờ, không đọc được (BT).