VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP I 1945 - 1960

 

QUỐC HỘI VỚI KHÁNG CHIẾN
(Báo cáo của ông thư ký Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Đình Thi tại hội nghị Thường trực Quốc hội 6, 7-2-1950)

 

Thưa các Cụ,

Thưa các Ngài,

Bản báo cáo của tôi nói về hoạt động của Quốc hội và Ban Thường trực, từ ngày toàn quốc kháng chiến.

I. CÁC ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI TRONG KHÁNG CHIẾN

Khóa họp thứ hai của Quốc hội vừa bế mạc được mười ngày, bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta đang được nhân dân rầm rộ chào đón vui mừng từ Nam chí Bắc, thì quân Pháp gây việc khiêu khích và phản bội Hải Phòng, Lạng Sơn rồi hơn một tháng sau tiếng súng nổ ở Hà Nội và khắp trong nước. Quốc hội cùng với Chính phủ do Hồ Chủ tịch lãnh đạo bước vào kháng chiến.

Các vị đại biểu trong Quốc hội ta đã lập tức mỗi người một nơi, mỗi người trong phạm vi của mình, đem hết tài sức phụng sự kháng chiến, phụng sự Tổ quốc. Ngay từ trước đêm 19 tháng Chạp, giữa lúc xe thiết giáp và lính mũ đỏ hung hăng đi ăn cướp và bắn phá trong các phố Thủ đô, giữa lúc đồng bào tấp nập tản cư và đắp ụ đất ở các đường, thì ông Lê Đông, đại biểu Phú Thọ đã từ trần vì một nhiệm vụ quân sự trong khi lo công việc chuẩn bị đối phó với mưu mô chiến tranh của bọn thực dân. Ông bỏ mình xa mọi người thân thích, lúc ấy đám tang ông đã do Ban Thường trực ta lo liệu, chắc các cụ, các ngài còn nhớ.

Hôm nay, ngay trong Ban Thường trực chúng ta, vắng mặt hai vị ủy viên chính thức: Bác sĩ Nguyễn Văn Luyện ở lại Hà Nội tác chiến bị giặc Pháp giết và ông Hoàng Minh Châu, từ trần trong khi công tác ở Nam bộ. Hai vị đại biểu, một là trí thức bất khuất và một là chiến sĩ tận tụy cùng chung một lòng hy sinh vì dân tộc. Chúng ta nhớ đến cụ Nguyễn Văn Tố, nhà học giả kính mến, Trưởng Ban Thường trực đầu tiên của Quốc hội ta, bị giặc Pháp sát hại trong thu đông Việt Bắc 1947. Chúng ta nhớ đến vị đại biểu lão thành, cụ Lê Thế Hiếu và những vị trẻ tuổi, luật sư Thái Văn Lung, các ông Nguyễn Hữu Nghị, Nguyễn Văn Tiết, Nguyễn Viết Quynh, Trần Kim Xuyến v.v. tóc bạc hay thanh niên, những vị ấy đều đã chết một cách anh dũng để đền ơn nước. Chúng ta nhớ đến những vị đại biểu từ trần trong khi làm nhiệm vụ, ông Phan Bôi (Hoàng Hữu Nam), ông Huỳnh Ngọc Huệ, ông Hoàng Hùng Sơn... Các vị đại biểu ấy đều xứng đáng với Quốc hội.

Đến đây, chúng ta phải nhắc tới một số người, cũng mang tên đại biểu Quốc hội mà ở vùng địch chiếm, làm tay sai cho giặc. Họ là một phần trong số 70 ghế đại biểu Quốc dân đảng và Đồng minh hội mà Quốc hội công nhận trong khóa đầu. Hồi ấy, muốn chứng tỏ đường lối đoàn kết rộng rãi của dân tộc, toàn Quốc hội đã vỗ tay hoan nghênh những đại biểu đó cùng làm việc nước. Trong số 70 ghế, ngày nay nhiều vị trung thành với kháng chiến, với quyền lợi nhân dân, đã đứng chắc trong hàng ngũ dân tộc chống xâm lăng, Quốc hội hoan nghênh các vị đó. Nhưng một số Việt gian đội lốt cách mạng hòng đục nước béo cò lúc bấy giờ thì đến cuộc kháng chiến này, đã phơi bầy bộ mặt thực của chúng. Nhân dân đã trừng trị chúng. Chúng ta vẫn rộng lòng mong những kẻ lầm đường biết hối lỗi, song những tên phản dân, phản nước, thì Quốc hội cương quyết không tha thứ. Về điểm này, Ban Thường trực ta cần nhận rõ sự cố gắng của Chính phủ để tôn trọng quyền bất khả xâm phạm của người đại diện nhân dân. Trong tất cả mọi trường hợp truy tố những tên phản quốc đội tên “đại biểu” ấy, Chính phủ đều có sự đồng ý hoàn toàn của Ban Thường trực.

Nay chúng ta hãy nhìn qua những hoạt động của các vị đại biểu trong kháng chiến. Vì liên lạc khó khăn, những tin tức còn thiếu sót. Trong quân đội nhân dân, chủ lực và địa phương, bộ đội chiến đấu và cơ quan quốc phòng theo chỗ chúng tôi biết có 22 vị đại biểu nhân dân công tác, bắt đầu từ Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp, đại biểu tỉnh Nghệ An. Các vị đại biểu trong quân đội một phần là quân nhân từ trước kháng chiến và một phần đã vào quân đội trong kháng chiến. Các vị đó giữ những chức vụ chỉ huy bộ đội, từ tiểu đoàn, trung đoàn, khu đến toàn quốc, hoặc lãnh đạo dân quân hoặc làm việc trong các ngành quốc phòng.

Trong chính quyền nhân dân ở các địa phương chúng ta gặp một số đông các vị đại biểu Quốc hội. Ban Thường trực đã liên lạc với 62 vị, chủ tịch, phó chủ tịch, ủy viên kháng chiến hành chính, hay hội viên hội đồng nhân dân, từ cấp huyện đến tỉnh, khu. Suốt từ Nam ra Bắc, từ miền xuôi đến miền ngược, các vị đại biểu ấy đã trực tiếp gánh vác công việc kháng chiến của nhân dân, dưới sự lãnh đạo tối cao của Hồ Chủ tịch. Nhờ sự gánh vác trực tiếp của những vị đại biểu có uy tín và năng lực, chính quyền nhân dân đã thêm vững vàng và đã tổ chức lãnh đạo cuộc kháng chiến ở khắp mọi nơi được nhiều thắng lợi như ngày nay.

Số đông nhất các vị đại biểu hơn 100 vị hoạt động trong các đoàn thể nhân dân, các đoàn thể chính trị, tôn giáo, Liên Việt, Việt Minh, Dân chủ, Xã hội, phụ nữ, thanh niên, nông dân, công nhân, không thiếu những đoàn thể văn hóa, văn nghệ. Các vị đại biểu ấy, mỗi người trong đoàn thể của mình, ra sức công tác, động viên tổ chức nhân dân kháng chiến. Uy tín nhiều vị đã vang ra đến nước ngoài, như bà Lê Thị Xuyến, Hội trưởng hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, Uỷ viên Hội đồng phụ nữ quốc tế, Uỷ viên trong Ban Thường trực ta.

Sau hết, là các đại biểu làm công tác chuyên môn các ngành 75 vị, và một số các đại biểu công tác ở nước ngoài, trong những công việc ngoại giao như ông Trần Ngọc Danh, Trần Văn Luân mà chúng ta đều được nghe tiếng và theo dõi.

Nhìn chung lại, từ ngày đầu của cuộc kháng chiến khắp mọi địa phương, khắp mọi ngành công tác kháng chiến ngay cả ở mặt trận, không nơi nào vắng mặt người đại biểu nhân dân. Khác với các ông nghị ở chế độ tư bản, các đại biểu chúng ta khi về họp Quốc hội thì thảo luận và quyết định công việc chung của quốc gia, rồi sau khóa họp lại trở về công tác, chính tay mình làm những công việc đã quyết định, đồng cam cộng khổ với nhân dân không lúc nào rời xa nhân dân, làm một người cán bộ của nhân dân. Chúng tôi thiết tưởng chỉ có trong các nước dân chủ nhân dân, dân chủ cách mạng như nước ta mới có điều ấy. Quốc hội Việt Nam là một Quốc hội nhân dân vậy.

II. BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TRONG KHÁNG CHIẾN

Thưa các Cụ,

Thưa các Ngài,

Trước khi sang phần báo cáo về hoạt động của Ban Thường trực từ ngày kháng chiến, chúng tôi xin phép toàn Ban tỏ lời hoan nghênh hai vị ủy viên chính thức mới hôm nay: bà Nguyễn Thị Thục Viên và ông Trần Tấn Thọ.

Ông Trần Tấn Thọ, Uỷ viên tiểu ban Hiến pháp của khóa họp I nay chính thức tham gia Ban Thường trực, sẽ đem tới cho Ban ta nhiều sáng kiến và kinh nghiệm của mấy năm hoạt động vừa qua của ông ở Liên khu IV. Và giữa lúc cuộc kháng chiến tiến mạnh đến tổng phản công, toàn dân luôn luôn nhắc nhở tới Thủ đô, thì bà Thục Viên, đại biểu Thủ đô, Uỷ viên tiểu ban Hiến pháp của khóa I, nay chính thức tham gia Ban Thường trực thật là có ý nghĩa. Hơn nữa, thêm một vị ủy viên phụ nữ, Ban Thường trực ta có 2 vị ủy viên phụ nữ trong tổng số 15 ủy viên. Đó là một điều đáng tự hào cho phụ nữ Việt Nam đồng thời chứng tỏ tính chất tiến bộ của nền dân chủ chúng ta.

1. Những sự thay đổi trong nội bộ Ban Thường trực và công tác các Ủy viên thường trực

a) Thế chân hai vị Ủy viên chính thức. Như trên đã nói hai ông Nguyễn Văn Luyện và ông Hoàng Minh Châu từ trần, trong Ban ta đã cử 2 vị ủy viên chính thức mới thế chân là bà Nguyễn Thị Thục Viên và ông Trần Tấn Thọ

b) Cụ Phạm Bá Trực làm Phó Trưởng Ban: Hồi tháng 5 năm 1947, cụ Tôn Đức Thắng, Phó Trưởng Ban được Chính phủ mời sang quyền Bộ trưởng Bộ Nội vụ. Toàn ban đã bỏ phiếu bằng cách gửi thư bầu cụ Phạm Bá Trực làm Phó Trưởng Ban cùng cụ Bùi Bằng Đoàn điều khiển công việc.

c) Trường hợp ông Cung Đình Quỳ: Sau ngày tác chiến Ban Thường trực mất liên lạc với ông Cung Đình Quỳ, đại biểu Quốc dân đảng. Theo tin tức hiện thời, ông Cung Đình Quỳ ở trong vùng địch chiếm. Muốn Ban Thường trực được đủ ủy viên làm việc, chúng tôi đề nghị trong phiên họp này chúng ta cử người thay ông.

d) Công tác các Ủy viên: Sau những phái đoàn động viên hồi cuối 1946 và đầu 1947 thì các vị ủy viên thường trực đều đi công tác chuyên môn hoặc ở các địa phương. Điều khiển công việc của Ban Thường trực có cụ Trưởng Ban Bùi Bằng Đoàn và hai cụ Phó Ban Tôn Đức Thắng, Phạm Bá Trực. Riêng ông Tôn Quang Phiệt, Phó Trưởng Ban vì bận công tác trong khu IV nên đã không đảm nhiệm được công việc hằng ngày của Ban Thường trực, cũng như hai ông thư ký Nguyễn Đình Thi và Dương Đức Hiền. Tiểu ban kiến nghị do ông Trần Huy Liệu làm Trưởng tiểu ban vẫn hoạt động đều.

Những vị ủy viên ở gần cơ quan Ban Thường trực đều có liên lạc và khi cần thiết thì mở những cuộc họp thu hẹp của Ban Thường trực như buổi họp ngày 24-9-1949 bàn về vấn đề đón tiếp khách ngoại quốc. Nhưng toàn Ban Thường trực, vì chiến sự, nay mới khai hội được.

e) Văn phòng: Trong hoàn cảnh kháng chiến, văn phòng của Ban ta đã đơn giản hóa rất nhiều. Nhưng năm nay, công việc phát triển chúng ta sẽ phải đặt vấn đề chấn chỉnh văn phòng.

2. Ban Thường trực với Chính phủ

Sau khi lập xong Hiến pháp, đáng lẽ Quốc hội hết nhiệm kỳ và phải chuẩn bị để nhân dân bầu nghị viện. Nhưng cuối năm 1946, giữa lúc khóa họp thứ hai của Quốc hội đang tiến hành, tình hình giữa ta và Pháp trở nên gay go, việc bầu cử nghị viện mới không thể thực hiện. Quốc hội đã nhận trước như vậy, nên bầu ra Ban Thường trực với nhiệm vụ thay mặt Quốc hội ở bên cạnh Chính phủ để giúp ý kiến và theo dõi công việc Chính phủ.

Ban Thường trực sẽ triệu tập Quốc hội họp khi xét thấy cần thiết và khi Chính phủ hoặc 1/3 số đại biểu yêu cầu.

Tới ngày toàn quốc kháng chiến, Ban Thường trực trong một cuộc họp tại Hà Đông, đã quyết định cử cụ Trưởng Ban và một số ủy viên chịu trách nhiệm đại diện Ban Thường trực để làm nhiệm vụ nói trên.

a) Tham gia Hội đồng Chính phủ: Cụ Trưởng Ban Bùi Bằng Đoàn, và về sau thêm hai cụ Phó Ban Tôn Đức Thắng và Phạm Bá Trực đã luôn luôn ở bên cạnh Hồ Chủ tịch và tham dự các cuộc Hội đồng Chính phủ để giúp đỡ ý kiến Chính phủ trong mọi công việc. Những ngày giặc Pháp tấn công các cụ Trưởng và Phó Ban đã luôn luôn chân dậm đất lặn suối trèo đèo nhiều khi sát ngay tiếng súng để cùng Chính phủ điều khiển cuộc kháng chiến. Thật là một điều đặc biệt của Quốc hội Việt Nam.

Những công việc của Chính phủ trong ba năm nay, lát nữa sẽ do ông Phó Thủ tướng trình bày cùng Ban Thường trực.

b) Thông qua các sắc lệnh quan trọng: Trong khi Quốc hội không họp được, Ban Thường trực đã giúp ý kiến Chính phủ trong việc thảo những sắc lệnh quan trọng, trên cơ sở những nguyên tắc của Hiến pháp. Những sắc lệnh lớn từ ngày kháng chiến đều được sự đồng ý của Ban Thường trực trước khi cụ Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ban bố. Đáng chú ý hơn cả là sắc lệnh số 254 và 255 thành lập bộ máy chính quyền nhân dân trong thời kỳ kháng chiến.

c) Làm trung gian giữa nhân dân và Chính phủ: Ban Thường trực thu thập ý kiến và nguyện vọng của nhân dân chuyển sang Chính phủ. Khi Chính phủ quyết định một việc hệ trọng, Ban Thường trực thay mặt nhân dân tỏ thái độ và hiệu triệu nhân dân ra sức hưởng ứng công việc của Chính phủ.

3. Ban Thường trực với nhân dân và quân đội

a) Hiệu triệu nhân dân: Trong 3 năm kháng chiến tình hình quân sự và chính trị đã có nhiều thay đổi, Ban Thường trực luôn luôn hiệu triệu quốc dân và tỏ rõ thái độ của nhân dân Việt Nam trong mọi trường hợp: đối với bạn, đối với quân địch, đối với bọn bù nhìn bán nước. Tiếng nói của Ban Thường trực, nhất là trong những giờ quan trọng, đã đem lại cho toàn thể đồng bào mối tin tưởng thêm vững chắc vào cuộc kháng chiến và sự lãnh đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ban Thường trực đã luôn luôn vạch rõ những hành động dã man và mưu mô hiểm độc của thực dân Pháp và phản động quốc tế. Ban Thường trực đã vạch rõ bộ mặt phản dân phản nước của bọn bù nhìn. Thay mặt Quốc hội hợp pháp duy nhất của nhân dân Việt Nam, Ban Thường trực đoàn kết nhân dân toàn quốc chung quanh Chính phủ kháng chiến Hồ Chí Minh.

b) Các giai đoạn Quốc hội: Thời kỳ đầu kháng chiến, Ban Thường trực đã phối hợp với Chính phủ tổ chức những phái đoàn Quốc hội và Chính phủ đi khắp trong nước để động viên nhân dân kháng chiến, giải thích đường lối chính sách của nước nhà. Những phái đoàn ấy đã hoạt động liên tiếp nhất là ở miền Bắc Việt Nam cho mãi đến giữa năm 1947. Hầu hết các vị ủy viên trong Ban ta, cả hai cụ phó Ban đều đã tham gia hoặc lãnh đạo những phái đoàn này.

c) Tiểu ban kiến nghị: Trong 3 năm nay, tiểu ban kiến nghị vẫn tiếp tục nhận những sáng kiến và đề nghị về kháng chiến, kiến quốc của nhân dân gửi đến. Tiểu ban đã nghiên cứu mọi đề nghị và chuyển sang các cơ quan phụ trách. Tiểu ban cũng nhận được nhiều đơn từ có tính chất khiếu nại kêu oan. Những đơn từ ấy tuy không hợp lệ nhưng cũng chứng tỏ lòng tin tưởng của quốc dân vào Ban Thường trực Quốc hội. Ban Thường trực đã tùy từng trường hợp mà giải quyết.

d) Đỡ đầu bộ đội: Ban Thường trực hiện nay nhận đỡ đầu một đơn vị trong quân đội là Trung đoàn 101. Ngoài ra, Ban Thường trực đã có những giải thưởng tặng các đơn vị lập được chiến công.

e) Uý lạo nhân dân và bộ đội: Ban Thường trực đã luôn luôn úy lạo nhân dân và bộ đội. Đối với nhân dân bị giặc tàn hại, Ban ta thường cử người đến tận nơi thăm hỏi. Trong nhiều chiến dịch, các ủy viên thường trực đã tới tận mặt trận thăm hỏi bộ đội và dự những trận đánh để khuyến khích các chiến sĩ (Kiến An, Sơn La, Đường số 4…).

f) Nhân dân trong và ngoài nước đối với Ban Thường trực: Ban ta đã nhận được hàng vạn diễn văn của đồng bào trong và ngoài nước gửi tới tỏ lòng tin tưởng Quốc hội và tin tưởng Chính phủ. Tuy không trả lời được hết nhưng những diễn văn ấy chứng tỏ sự đoàn kết của nhân dân chung quanh Quốc hội đến mức nào.

4. Ban Thường trực với các vị đại biểu Quốc hội

Trong khi Quốc hội không họp, Ban Thường trực thay mặt Quốc hội để duy trì sự liên lạc giữa các vị đại biểu. Về phương diện này, công việc của Ban Thường trực có hai điểm sau đây:

a) Bảo vệ quyền bất khả xâm phạm của các đại biểu nhân dân: Theo Hiến pháp các đại biểu nhân dân được hưởng quyền bất khả xâm phạm trừ trường hợp phạm pháp quả tang. Ban Thường trực là cơ quan bảo vệ quyền ấy. Nhưng khi cần giam giữ hay truy tố một đại biểu phạm tội, Chính phủ đều phải cho Ban Thường trực biết ngay và phải được sự đồng ý của Ban ta. Điều này đã thi hành triệt để. Gặp trường hợp tội trạng đã rõ Ban Thường trực đã cho phép các tòa án quân sự truy tố các đại biểu phạm tội.

b) Liên lạc với các đại biểu: Việc liên lạc với các đại biểu trong hoàn cảnh kháng chiến không được chặt chẽ, nhưng Ban Thường trực đã cố gắng cung cấp những tài liệu cần thiết cho các vị đại biểu và theo dõi tin tức hoạt động của các đại biểu ở khắp nơi. Giữa năm 1948 và đầu năm 1949, nhiều vị đại biểu ở các địa phương có sáng kiến muốn tổ chức những buổi họp các đại biểu Quốc hội công tác ở cùng địa phương để nhận định tình hình, trao đổi kinh nghiệm. Tiếc rằng chiến sự thường ngăn trở những buổi họp như vậy. Trong năm tới chúng ta sẽ cố gắng bổ khuyết.

Các vị đại biểu ở xa thường không quên liên lạc và thăm hỏi Ban Thường trực. Như gần đây, ông Dương Bạch Mai, ngay khi thoát khỏi tay quân giặc đã đánh điện về chào mừng Ban Thường trực. Nhờ sự liên lạc tương đối đều hòa đó gặp trường hợp cần thiết, Ban ta có thể triệu tập Quốc hội bất thường khá nhanh chóng.

5. Ban Thường trực với quốc tế

Đối với quốc tế, Ban Thường trực luôn luôn thay mặt nhân dân Việt Nam tuyên bố rõ lập trường của kháng chiến và kêu gọi sự ủng hộ của các lực lượng hòa bình và dân chủ. Đối với Quốc hội Pháp, Ban ta đã hai lần chính thức gửi điện để phản đối những hành động phạm pháp của Chính phủ hoặc quân đội Pháp và kêu gọi chấm dứt chiến tranh.

Hoàn cảnh kháng chiến chưa cho phép Ban ta cử những phái đoàn ra ngoài để gây tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước. Gần đây quân ta thắng lợi, những liên lạc giữa quốc tế và ta bắt đầu trở lại đều hòa, Ban Thường trực đã tiếp khách ngoại quốc và chuẩn bị đặt những liên lạc, trao đổi với quốc tế theo một quy mô lớn hơn.

Tóm tắt lại, tuy không đủ toàn số ủy viên, tuy giảm bớt phương tiện, Ban Thường trực đã luôn luôn hoạt động, trong 3 năm kháng chiến vừa qua và đã làm được những nhiệm vụ chính do Quốc hội giao cho trước khi bế mạc kỳ họp thứ hai. Bộ máy của Ban Thường trực trước đây phải đơn giản hóa hết sức để thích ứng với hoàn cảnh gay gắt của cuộc chiến đấu. Trong hoàn cảnh mới của năm thứ tư toàn quốc kháng chiến, công việc thêm nhiều và nặng nề. Ngày tổng phản công đã gần, hoạt động của Ban Thường trực có tính chất chuẩn bị cho hoạt động lớn lao của Quốc hội. Ban ta cần mở rộng công việc và kiện toàn nội bộ hơn nữa, Tiếng nói của Ban Thường trực sẽ phải luôn luôn có mặt đối nội cũng như đối ngoại.

III. HOẠT ĐỘNG CỦA BAN THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI NĂM 1950

Năm 1950 sẽ là năm của những chuyển biến lớn lao, cũng là năm đại thắng lợi như lời Hồ Chủ tịch đã nói. Ban Thường trực sẽ tùy tình hình chuyển biến mà quyết định công việc cho kịp thời và xứng đáng với nhiệm vụ của mình đối với quốc dân cũng như đối với quốc tế. Dưới đây, căn cứ vào sự nhận xét về tình hình mới chúng tôi chỉ xin đề nghị hội nghị thảo luận mấy điểm chính đầu tiên.

1. Tiếp tục công tác mật thiết với Chính phủ và động viên nhân dân dốc toàn lực kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn

Đầu năm nay, Hồ Chủ tịch đã dạy: toàn dân nỗ lực thi đua ái quốc, năm 1950 sẽ là năm tổng phản công. Toàn lực của dân ta phải ném vào cuộc kháng chiến vô cùng gay gắt sắp tới. Nhiệm vụ Ban Thường trực, trong công tác với Chính phủ sẽ phải tăng thêm nhiều:

a) Ban Thường trực luôn luôn ở bên cạnh Chính phủ để quy định và điều khiển cuộc tổng động viên và tổng phản công;

b) Ban Thường trực thông qua các sắc lệnh của Chính phủ. Về điểm này: năm nay chúng ta cần tích cực hơn. Ban ta sẽ đề nghị với Chính phủ cố gắng chuyển sớm các dự án sắc lệnh qua, để ta có thể nghiên cứu kỹ càng, và thăm hỏi được nhiều ý kiến. Hồi còn ở Hà Nội, chúng ta có riêng một tiểu ban pháp chính để làm việc. Nay, chúng tôi đề nghị giao công việc của tiểu ban pháp chính ấy cho Thường vụ. Toàn Ban Thường trực; trong các phiên họp, sẽ kiểm điểm công việc pháp chính của Ban Thường vụ;

c) Tổ chức phái đoàn Quốc hội và Chính phủ động viên nhân dân;

d) Trong những giờ quyết định, Ban Thường trực sẽ lên tiếng thay mặt nhân dân tỏ rõ lập trường, làm một hậu thuẫn mạnh mẽ cho Chính phủ.

2. Tiếp tục nhiệm vụ lập hiến: thúc đẩy việc làm dự án bộ luật dân chủ

Bản Hiến pháp đã đặt những nền tảng đầu tiên cho luật pháp mới ở nước ta. Nhưng ta vẫn còn thiếu một bộ luật dân chủ, áp dụng những nguyên tắc của Hiến pháp vào mọi mặt sinh hoạt hàng ngày của nhân dân. Thời kỳ đầu tiên còn phải tạm thời dùng những luật pháp của chế độ cũ để lại. Dần dần Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ban bố luật pháp mới thay thế. Nhưng những luật pháp mới còn tản mạn chưa được tổng hợp thành một bộ luật mới và nhiều vấn đề còn chưa được giải quyết. Gần đây, Sắc lệnh số 72-SL ngày 18-6-1949 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã thành lập một hội đồng tu luật do Bộ Tư pháp phụ trách để dự thảo bộ luật Việt Nam.

Song Hội đồng tu luật đặt trong phạm vi phụ trách của Bộ Tư pháp thường ít điều kiện được biết ý kiến trực tiếp của nhân dân.

Nếu hội nghị tán thành, Ban Thường trực ta sẽ có thể đề nghị với Chính phủ chuyển trách nhiệm điều khiển Hội đồng tu luật sang bên ta. Thường vụ của Ban ta sẽ kiêm nhiệm vụ tiểu ban pháp chính mà theo dõi việc soạn luật, chỉ dẫn những nguyên tắc lớn của đời sống chính trị dân chủ để làm căn bản cho các nhà chuyên môn, và luôn luôn tìm cách biết dẫn ý để các luật pháp làm ra khỏi bị xa cách với thực tế. Việc này lát nữa sẽ thảo luận tỉ mỉ sau trong mục thứ 6 của hội nghị này.

Tiếp theo bản Hiến pháp, bộ luật dân chủ sẽ có ảnh hưởng sâu xa đến nền dân chủ cộng hòa.

3. Kiện toàn liên lạc với các đại biểu - chuẩn bị khóa họp thứ ba của Quốc hội

Trong thời gian vừa qua việc liên lạc giữa Ban Thường trực và các vị đại biểu không được đều hòa và chặt chẽ. Đó có lẽ là khuyết điểm nhất trong công việc của Ban ta. Do sự thiếu liên lạc, chúng ta không giúp đỡ được các vị đại biểu, và ngay sự công tác của Ban Thường trực với Chính phủ cũng giảm đi một phần lớn hiệu quả. Năm nay sự liên lạc cần được kiện toàn. Các vị đại biểu ở địa phương sẽ cộng tác với Ban Thường trực trong mọi công việc nhất là công việc tu luật.

a) Trong hoàn cảnh không thể gặp gỡ trực tiếp, Ban Thường trực cần giữ vững liên lạc bằng thư từ với các đại biểu và báo cáo đều kỳ cho các đại biểu biết công việc của mình. Ban sẽ đặt những câu hỏi trưng cầu ý kiến các đại biểu bằng thư để thay vào những cuộc thảo luận. Và các đại biểu Quốc hội ở mọi địa phương cần báo cáo cho Ban Thường trực được biết tình hình và nguyện vọng của nhân dân, để Ban Thường trực có thể giúp ý kiến của Chính phủ một cách hiệu quả;

b) Riêng về các vị đại biểu ở Việt Bắc, Ban Thường trực có thể liên lạc trực tiếp hơn, và có thể tổ chức hội nghị để phổ biến đường lối chung của kháng chiến và bàn định công tác của các đại biểu Quốc hội;

c) Đối với các đại biểu ở những địa phương xa, trong khi chưa họp được toàn Quốc hội, Ban Thường trực sẽ có thể phái các ủy viên đi tổ chức những hội nghị đại biểu Quốc hội ở các địa phương để phổ biến đường lối của quốc gia và giúp đỡ các vị đại biểu trong công tác.

d) Đồng thời, để chuẩn bị cho khóa họp thứ ba của Quốc hội Ban Thường trực phải bắt đầu ngay việc sưu tầm tài liệu và như trên đã nói, dự thảo những phần chính của bộ luật dân chủ.

4. Phát triển liên lạc với quốc tế

Sự liên lạc giữa chúng ta với quốc tế đang phát triển nhanh chóng phi thường. Trung Hoa mới, Liên Xô, các nước dân chủ nhân dân đã công nhận nước ta và Chính phủ ta. Ban Thường trực, thay mặt Quốc hội và nhân dân Việt Nam, cần lên tiếng cám ơn Quốc hội, Chính phủ và nhân dân các nước bạn.

Ngay khi có điều kiện, Ban Thường trực cần tổ chức những phái đoàn Quốc hội ra nước ngoài để gây tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước bạn.

Bản Hiến pháp Việt Nam cần được phổ biến rộng rãi ra thế giới cũng như những tài liệu về Quốc hội và kháng chiến.

5. Kiện toàn nội bộ - sửa đổi nội quy - chấn chỉnh văn phòng

Để thực hiện những công việc trên đây, Ban Thường trực ta phải lo ngay việc kiện toàn nội bộ của Ban và tăng thêm phương tiện làm việc.

a) Việc kiện toàn nội bộ Ban Thường trực - đề ra mấy điểm chính sau này:

1. Cử ông Lê Tư Lành, Uỷ viên dự khuyết lên làm chính thức thay thế ông Cung Đình Quỳ để Ban Thường trực được đủ số ủy viên hoạt động. Về trường hợp ông Hoàng Văn Hoan đi nhận công tác ở nước ngoài chúng ta thiếu một vị ủy viên chính thức. Nhưng ba vị ủy viên dự khuyết đều đã lên chính thức cả. Chúng tôi thiết tưởng Ban Thường trực ta không có quyền hạn chọn những ủy viên mới.

2. Phân công lại giữa các ủy viên; cử một vị Quyền Trưởng Ban để thay cụ Bùi Bằng Đoàn những khi cụ vắng mặt hoặc bị ngăn trở, cử lại Tổng thư ký và hai ủy viên thường vụ; theo như nội quy mới mà chúng tôi đem đề nghị hôm nay. Vị Trưởng Ban (hay Quyền Trưởng Ban), Phó Ban, Tổng thư ký và hai ủy viên thường vụ sẽ họp thành một Ban thường vụ để đảm nhiệm công việc hằng ngày của Ban Thường trực.

3. Định lại sinh hoạt của Ban Thường trực. Năm nay Ban ta sẽ phải họp nhiều hơn và từng thời kỳ nhất định.

b) Sửa đổi nội quy: Bản nội quy trước kháng chiến cần sửa lại cho thích hợp với hoàn cảnh mới. Nội quy mới sẽ định lại:

1. Sinh hoạt của Ban Thường trực: thời hạn họp, điều kiện họp:

2. Trách nhiệm của Ban Thường vụ: thành phần, hình thức hoạt động.

3. Hoạt động của các tiểu ban

4. Công tác các ủy viên.

Chúng tôi đã chuẩn bị một dự án nội quy mới, tới mục nội quy trong chương trình nghị sự sẽ xin trình bày tỉ mỉ.

c) Chấn chỉnh văn phòng: Để đủ người và đủ phương tiện giúp Ban Thường trực cũng như các tiểu ban, Ban Thường vụ mới sẽ phụ trách tổ chức lại văn phòng:

- Lấy một chánh văn phòng đủ năng lực điều khiển những công việc hành chính,

- Thêm cán bộ, phương tiện (ví dụ: máy chữ, máy in…)

- Văn phòng sẽ đặc biệt phải phụ trách:

Soạn và in tài liệu về hoạt động của Quốc hội trong kháng chiến,

Tìm tòi những tài liệu của Quốc hội còn thất lạc,

In Hiến pháp bằng nhiều thứ tiếng,

Soạn và in văn bản hai khóa họp Quốc hội năm 1946.

d) Dự án ngân sách: Ngân sách mới của Ban Thường trực sẽ do Ban Thường vụ mới phụ trách dự thảo, căn cứ theo những quyết nghị của hội nghị hôm nay về hoạt động của Ban Thường trực. Chúng ta chắc Chính phủ sẽ hết sức giúp đỡ để Ban Thường trực có đủ ngân sách hoạt động.

 Thưa các Cụ,

Thưa các Ngài,

Hoạt động của Ban Thường trực Quốc hội năm 1950, tăng thêm rất nhiều so với năm trước, do là[1] dấu chứng cuộc kháng chiến của chúng ta tiến gấp tới tổng phản công, gần ngày thắng lợi hoàn toàn.

Trong phạm vi những nhiệm vụ do Quốc hội giao cho, chúng ta sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nữa, để đoàn kết toàn dân quanh Chính phủ, dốc toàn lực đánh bại giặc trong giai đoạn gay go nhưng vinh quang đang tới. Chúng ta thêm nặng trách nhiệm, nhưng cũng thêm vô cùng phấn khởi.

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia III.


1. Có lẽ là "đó là" (BT).