PHÁT BIỂU
CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN HỮU THỌ TRONG CUỘC HỌP VỚI CÁC TRƯỞNG ĐOÀN
ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, NGÀY 23-12-1985
I-
Theo dự kiến chương trình làm việc của kỳ họp Quốc hội đã gửi các đồng chí,
Quốc hội sẽ họp trù bị vào 8 giờ 30 sáng ngày mai (24-12-1985), sau khi các
đại biểu vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Về nội dung
của phiên họp trù bị:
Ngoài việc
Quốc hội biểu quyết thông qua chương trình làm việc của kỳ họp, còn có hai
việc:
- Quốc hội mặc niệm đồng chí Nguyễn Đức Thuận, Ủy viên Trung ương
Đảng, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Ủy viên Hội đồng Nhà nước, đại biểu
Quốc hội của thành phố Hải Phòng, từ trần ngày 04-10-1985; đồng chí Lê
Hiền Hữu, Đại tá, chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Hải Hưng, đại
biểu Quốc hội của tỉnh Hải Hưng, từ trần ngày 11-11-1985; đồng chí Đỗ
Xuân Hợp, Thiếu tướng, giáo sư, bác sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân
dân, đại biểu Quốc hội của thành phố Hà Nội, từ trần ngày 17-12-1985;
đồng chí Võ Trí Cao, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, đại biểu
Quốc hội của tỉnh Nghĩa Bình, từ trần ngày 19-12-1985.
- Tờ trình của
Hội đồng Nhà nước đề nghị kéo dài nhiệm kỳ của Quốc hội khóa VII thêm một
năm.
II- Về nội
dung của kỳ họp
Trọng tâm của
kỳ họp này là:
Dưới ánh
sáng của các Nghị quyết 6, 7, 8 và 9 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc
hội thảo luận các báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng về tình hình thực hiện kế
hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước năm 1985, quyết định kế hoạch nhà nước
và ngân sách nhà nước năm 1986, phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách Nhà nước
năm 1984.
Quốc hội sẽ
họp riêng để nghe Hội đồng Bộ trưởng báo cáo bổ sung về kế hoạch nhà nước và
ngân sách nhà nước, về tình hình thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của
Ban Chấp hành Trung ương Đảng về giá - lương - tiền.
Quốc hội sẽ
nghe Bộ trưởng Bộ Ngoại giao báo cáo về tình hình thế giới và hoạt động đối
ngoại của Nhà nước ta trong năm 1985.
Các báo cáo
công tác của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao sẽ
không đọc ở Hội trường và không thảo luận ở các tổ. Các đại biểu nghiên cứu,
nếu có ý kiến đóng góp, thì ghi giấy gửi cho Đoàn thư ký của kỳ họp tập hợp
lại gửi cho đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và đồng chí Viện
trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao để nghiên cứu.
III- Về thuyết
trình của Hội đồng dân tộc và các Uỷ ban thường trực của Quốc hội
Trọng tâm của
kỳ họp này là bàn và quyết định kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước, do
đó ngoài thuyết trình của Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách, thì Hội
đồng dân tộc và các Uỷ ban thường trực khác đều có thuyết trình. Các thuyết
trình nên gắn chặt với kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước, chú ý nêu
lên những vấn đề, những biện pháp mà Quốc hội cần xem xét, quyết định. Thời
gian dành cho các thuyết trình là một buổi.
IV- Về thảo
luận ở Tổ, tham luận và chất vấn
Quốc hội dành
ba buổi để các đại biểu thảo luận ở Tổ về kế hoạch Nhà nước và ngân sách nhà
nước, dành hai buổi tham luận.
Nội dung thảo
luận ở Tổ và tham luận ở Hội trường nên tập trung vào các vấn đề chính sau
đây:
- Đi sâu đánh
giá đúng thực trạng tình hình kinh tế - xã hội và đời sống trong năm 1985,
khẳng định thành tích, nêu rõ khuyết điểm, sai sót và phân tích
nguyên nhân; nhận xét và góp ý kiến về công tác chỉ đạo, điều hành và quản
lý của Hội đồng Bộ trưởng và các ngành, các cấp trong việc thực hiện kế
hoạch Nhà nước, ngân sách nhà nước năm 1985 và việc thực hiện Nghị quyết Hội
nghị Trung ương Đảng lần thứ 8 về giá - lương - tiền. Trên cơ sở đó, quy rõ
trách nhiệm, rút ra những bài học kinh nghiệm và đề xuất những chủ trương,
biện pháp.
- Năm 1986 là
năm đầu của kế hoạch 5 năm 1986 - 1990. Dưới ánh sáng của Nghị quyết Hội
nghị Trung ương Đảng lần thứ 9, nên tập trung góp ý kiến về các vấn đề chủ
yếu như: các chỉ tiêu và biện pháp giải quyết lương thực, thực phẩm, công
nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, công nghiệp nặng phục vụ nông nghiệp, công
tác xây dựng cơ bản, kinh tế đối ngoại, giao thông vận tải, gắn liền với
việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về
giá - lương - tiền; vấn đề đổi mới cơ chế quản lý, xóa bỏ tập trung quan
liêu, bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ
nghĩa; đẩy mạnh cải tạo xã hội chủ nghĩa, quản lý thị trường, ổn định đời
sống; tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, bảo đảm an ninh quốc phòng;
triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tinh giản biên chế, tăng thu, giảm chi,
hạn chế bội chi ngân sách và tiền mặt…
Về nghiên
cứu tài liệu và thảo luận ở Tổ:
- Dành một
buổi sáng đối với các đại biểu không tham gia Hội đồng dân tộc và các Uỷ
ban, dành thêm một buổi tối để tất cả các đại biểu nghiên cứu tài liệu. Đề
nghị các đồng chí Trưởng đoàn nhắc các đại biểu dành thì giờ nghiên cứu tài
liệu, không nên sử dụng thời gian này để làm việc khác.
- Khi thảo
luận ở Tổ, các đồng chí Trưởng đoàn hoặc tổ trưởng cần nắm vững các vấn đề
trọng tâm; trong trường hợp có ý kiến khác nhau, cần có kết luận rõ ràng và
ghi vào biên bản cụ thể ý kiến của đa số, kể cả ý kiến của một vài cá nhân
đáng chú ý.
Về tham
luận:
Thời gian tham
luận có hai buổi. Các bản tham luận nên gọn và xúc tích, bảo đảm thời gian
15 phút.
Về chất vấn:
Tại kỳ họp thứ
9 trước đây, đã có 32 chất vấn của 19 đại biểu và 4 đoàn đại biểu. Đến nay,
đã có 28 chất vấn được trả lời, còn 4 chất vấn chưa được trả lời.
Đề nghị các
đại biểu có vấn đề cần chất vấn, đưa Đoàn thư ký sớm trong hai ngày đầu của
kỳ họp để có thể chuyển kịp thời cho Hội đồng Bộ trưởng và các ngành, các
Bộ.
Về phản
ánh tình hình thảo luận ở Tổ và tổng hợp các ý kiến thảo luận,
cách làm vẫn như kỳ họp trước.
V- Về việc Hội
đồng Nhà nước chấp nhận đơn xin thôi không đảm nhiệm chức vụ đại biểu Quốc
hội
Sau khi trao đổi ý kiến nhất trí với Uỷ ban Kiểm tra Trung ương Đảng, các
đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân và hai Đoàn đại biểu Quốc
hội của Hà Bắc, Vũng Tàu - Côn Đảo.
Để giữ nghiêm
kỷ cương của Nhà nước, bảo đảm uy tín của đại biểu Quốc hội, trong phiên họp
ngày 03-12-1985, Hội đồng Nhà nước đã xem xét và chấp nhận đơn xin thôi
không đảm nhiệm chức vụ đại biểu Quốc hội của đồng chí Trương Đình Đồng và
đồng chí Huỳnh Văn Ve, theo đúng quy định của Điều 69 trong Luật tổ chức
Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.
Đồng chí
Trương Đình Đồng, đại biểu Quốc hội của tỉnh Hà Bắc, đã lợi dụng chức vụ, vi
phạm nguyên tắc quản lý tài chính, xoay sở tư lợi, đã bị Tỉnh ủy Hà Bắc thi
hành kỷ luật cách chức Đảng ủy viên xí nghiệp.
Đồng chí Huỳnh
Văn Ve, đại biểu Quốc hội của Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, Giám đốc xí nghiệp
đánh cá Vũng Tàu - Côn Đảo, đã quan hệ bất chính với mẹ và con gái là công
nhân trong xí nghiệp, để họ lộng hành, xâm phạm tài sản xã hội chủ nghĩa, đã
bị Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo thi hành kỷ luật cách chức ủy viên Đặc khu ủy.
Đề nghị các
đồng chí Trưởng đoàn báo cáo để các đồng chí đại biểu Quốc hội biết việc
này.
Tôi đã trình
bày xong ý kiến về nội dung và cách tiến hành kỳ họp Quốc hội lần này.
Đề nghị các
đồng chí tham gia ý kiến.
Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.