PHÁT BIỂU
CỦA CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN HỮU THỌ TRONG CUỘC HỌP VỚI CÁC TRƯỞNG ĐOÀN
ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI, NGÀY 20-6-1985
Kính thưa đồng chí Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh,
Thưa các đồng chí,
A- Theo dự kiến chương trình làm việc của kỳ họp Quốc hội đã gửi các đồng chí, Quốc hội sẽ họp trù bị vào 8 giờ sáng ngày mai (21-6-1985). Theo quy định, ngày thứ sáu hàng tuần, không tổ chức vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nên các đại biểu Quốc hội sẽ đến viếng vào 8 giờ sáng ngày thứ Bảy 22-6-1985.
Về nội dung của phiên họp trù bị:
Ngoài việc Quốc hội biểu quyết thông qua chương trình làm việc của kỳ họp, Quốc hội sẽ mặc niệm đồng chí Nguyễn Duy Trinh, nguyên ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Phó Thủ tướng Chính phủ, đại biểu tỉnh Nghệ Tĩnh, từ trần ngày 20-4-1985; đồng chí Xuân Thủy, Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước, đại biểu tỉnh Hà Sơn Bình, từ trần ngày 18-6-1985; Hòa thượng Thích Thế Long, Phó Chủ tịch Quốc hội, đại biểu tỉnh Hà Nam Ninh, từ trần ngày 23-02-1985 và đồng chí Nguyễn Văn Thắng, nguyên Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy Tây Ninh, Trưởng ban Nông nghiệp tỉnh, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh, từ trần ngày 25-01-1985.
Sáng ngày mai (21-6-1985), đúng 8 giờ 30, Quốc hội sẽ họp phiên khai mạc, có Đoàn Ngoại giao tham dự. Dự kiến kỳ họp Quốc hội tiến hành trong 6 ngày (trừ chủ nhật) và sẽ bế mạc vào chiều ngày thứ Năm 27-6-1985.
B. Nội dung của kỳ họp Quốc hội lần này có những vấn đề sau đây:
1. Vấn đề thứ nhất:
Quốc hội sẽ thảo luận và thông qua chính thức Bộ luật hình sự.
Vừa qua, trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thụ ý kiến đóng góp của cán bộ và nhân dân, của các cơ quan, đoàn thể, các ngành, các địa phương và của các đại biểu Quốc hội, Uỷ ban pháp luật của Quốc hội và Ban Dự thảo Bộ luật hình sự của Hội đồng Bộ trưởng đã tiến hành việc chỉnh lý. Đồng chí Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã trực tiếp nghe báo cáo, cho ý kiến chỉ đạo và tại phiên họp ngày 30-4-1985, Hội đồng Nhà nước đã cho thêm ý kiến để Uỷ ban pháp luật và Ban Dự thảo chỉnh lý thêm. Ngày 29-5-1985, Bộ Chính trị Trung ương Đảng đã nghe trình bày bản Dự thảo Bộ luật hình sự, cho ý kiến và đồng ý để trình Quốc hội quyết định. Bộ Chính trị đã biểu dương những cố gắng của các cơ quan có trách nhiệm và các cán bộ đã tham gia xây dựng, chỉnh lý bản Dự thảo Bộ luật này, đồng thời, đánh giá cao kết quả trưng cầu ý kiến của cán bộ và nhân dân về bản Dự thảo Bộ luật này.
Uỷ ban pháp luật và Ban Dự thảo đã nêu lên một số điểm đề nghị các đại biểu Quốc hội tập trung thảo luận (có bản kèm theo). Ngoài những điểm đó, nếu các đại biểu thấy còn có những vấn đề khác, thì thảo luận thêm.
Trong kỳ họp này, chúng ta cố gắng làm việc để Quốc hội chính thức thông qua Bộ luật hình sự.
2. Vấn đề thứ hai:
Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng vừa họp xong đã ra Nghị quyết về vấn đề giá cả, tiền lương, tài chính và tiền tệ, xóa bỏ quan liêu, bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa, một vấn đề quan trọng và cấp bách mà cán bộ và nhân dân từ lâu mong đợi. Trong kỳ họp này, Hội đồng Bộ trưởng sẽ báo cáo với Quốc hội về chủ trương và phương hướng giải quyết vấn đề này, các đại biểu sẽ thảo luận ở tổ và tham luận. Việc tổ chức thực hiện cụ thể phải chờ Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thường vụ Hội đồng Bộ trưởng nghiên cứu và quyết định sau.
3. Vấn đề thứ ba:
Quốc hội sẽ nghe đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao báo cáo về công tác của hai ngành Tòa án và Kiểm sát.
Trong phiên họp ngày 30-5-1985, Hội đồng Nhà nước đã nghe báo cáo và cho ý kiến về công tác của hai ngành này. Đề nghị các đại biểu Quốc hội tham gia ý kiến để công tác Tòa án và Kiểm sát ngày càng đáp ứng tốt hơn các yêu cầu của tình hình kinh tế - xã hội.
4. Vấn đề thứ tư:
Sau khi nghe báo cáo về tình hình quốc tế và hoạt động đối ngoại của Nhà nước ta, Quốc hội sẽ ra tuyên bố ủng hộ những sáng kiến hòa bình gần đây của Liên Xô.
Ngoài bốn vấn đề nói trên, còn một vấn đề nữa mà các đại biểu Quốc hội quan tâm là việc điều chỉnh chỉ tiêu kế hoạch nhà nước năm 1985.
Trong kỳ họp thứ 8 (tháng 12-1984), Quốc hội đã thông qua các chỉ tiêu kế hoạch nhà nước năm 1985. Quốc hội đã đồng ý để Hội đồng Bộ trưởng, trên cơ sở làm kỹ kế hoạch từ dưới lên, xem xét lại và có thể điều chỉnh một số điểm cần thiết.
Đến nay, trên thực tế, các chỉ tiêu kế hoạch không có gì điều chỉnh nhiều. Hội đồng Bộ trưởng đã có báo cáo gửi Hội đồng Nhà nước, và hôm nay chúng tôi gửi bản sao đến các đồng chí Trưởng đoàn để thông báo cho các đại biểu Quốc hội biết.
C. Về việc thảo luận và tham luận:.
Quốc hội sẽ dành ba buổi để các tổ thảo luận về bản dự thảo Bộ luật hình sự, hai buổi về giá cả, tiền lương, tài chính và tiền tệ, một buổi về báo cáo của hai ngành Tòa án và Kiểm sát, hai buổi tham luận.
1. Về cách thức thảo luận ở Tổ:
- Đối với bản Dự thảo Bộ luật hình sự, đã có bản đề nghị riêng.
- Đối với báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng về vấn đề giá cả, tiền lương, tài chính và tiền tệ, đề nghị tập trung thảo luận về các vấn đề:
+ Mục tiêu và phương hướng giải quyết;
+ Những chủ trương và biện pháp lớn;
+ Tổ chức và chỉ đạo thực hiện.
Để xóa bỏ quan liêu, bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán kinh tế và kinh doanh xã hội chủ nghĩa.
- Đối với hai bản báo cáo của Tòa án nhân dân tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao, đề nghị tập trung thảo luận về các vấn đề:
+ Nhận xét về tình hình thi hành pháp luật, tình hình đấu tranh chống tội phạm;
+ Những chủ trương, biện pháp cần bổ khuyết để làm cho pháp luật được thi hành nghiêm chỉnh;
+ Trách nhiệm của hai ngành Tòa án, Kiểm sát và các cơ quan chuyên chính, các tổ chức xã hội đối với việc thi hành pháp luật và việc đấu tranh chống tội phạm.
- Đối với bản Tuyên bố của Quốc hội: sẽ trình bản dự thảo đến các đại biểu để xin ý kiến.
2. Về nội dung tham luận ở Hội trường:
- Về Bộ luật hình sự, đề nghị các đại biểu chú ý tham luận đề xuất những biện pháp tổ chức thi hành Bộ luật hình sự sau khi được Quốc hội thông qua.
- Về vấn đề giá cả, tiền lương, tài chính và tiền tệ đề nghị tập trung vào các vấn đề đã nêu ở phần thảo luận Tổ.
- Về công tác của hai ngành Tòa án và Kiểm sát, nên gắn với Bộ luật hình sự trong việc ngăn ngừa và chống tội phạm; nói về cách giải quyết mối quan hệ hiệp đồng công tác giữa các ngành nội chính với nhau và với các đoàn thể trong việc phòng ngừa và đấu tranh chống tội phạm.
D. Về việc chất vấn:
Quốc hội dành một buổi để Hội đồng Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trả lời các chất vấn của các đại biểu Quốc hội.
Đ. Về việc phản ánh tình hình thảo luận ở Tổ:
Cách phản ánh như các kỳ họp trước là tốt.
Trong kỳ này, Quốc hội thảo luận và thông qua Bộ luật hình sự, nên việc phản ánh cần theo thứ tự từng phần, từng chương, từng điều của Bộ luật để thuận tiện cho việc tổng hợp, chỉnh lý. Khi phản ánh, nên nói rõ ý kiến nào là ý kiến chung thống nhất của cả Tổ, ý kiến nào là của đa số hoặc của cá nhân.
Sau khi Đoàn thư ký tổng hợp tình hình thảo luận, sẽ có cuộc họp để báo cáo lại với các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng và các đồng chí Trưởng đoàn đại biểu. Uỷ ban pháp luật của Quốc hội sẽ có kiến nghị cụ thể về các điểm chỉnh lý cuối cùng để lãnh đạo cho ý kiến trình ra Quốc hội quyết định.
Về ý kiến của các đại biểu đóng góp ở Tổ về vấn đề giá cả, tiền lương, tài chính và tiền tệ, Đoàn thư ký tổng hợp và chuyển đến Hội đồng Bộ trưởng nghiên cứu tiếp thụ trong khi tổ chức chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 8 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Về ngày, giờ nghe các Tổ phản ánh tình hình thảo luận, Đoàn thư ký sẽ thông báo sau.
Tôi đã trình bày xong về nội dung và cách tiến hành kỳ họp này.
Đề nghị các đồng chí Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội cho ý kiến.