VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 2) 1984 - 1987

 

NGHỊ QUYẾT CỦA KỲ HỌP THỨ 12,
QUỐC HỘI KHÓA VII, NGÀY 29-12-1986
VỀ DỰ TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1987

QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 12

- Căn cứ vào Điều 83 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

- Sau khi xem xét báo cáo của Hội đồng Bộ trưởng về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 1986 và dự toán ngân sách nhà nước năm 1987;

- Sau khi nghe thuyết trình của Uỷ ban kinh tế, kế hoạch và ngân sách của Quốc hội,

QUYẾT NGHỊ:

1. Quyết định dự toán ngân sách nhà nước năm 1987 với:

- Tổng số thu là 120 tỷ đồng (một trăm hai mươi tỷ đồng);

- Tổng số chi là 133 tỷ đồng (một trăm ba mươi ba tỷ đồng).

2. Để thực hiện tốt dự toán ngân sách nhà nước năm 1987, Hội đồng Bộ trưởng cần ban hành ngay các chính sách và áp dụng những biện pháp có hiệu quả nhằm sắp xếp và tổ chức lại sản xuất, khai thác mọi khả năng phát triển sản xuất, mở rộng lưu thông hàng hóa, kiên quyết chuyển hướng và điều chỉnh lớn cơ cấu đầu tư, tập trung vào các công trình trọng điểm, bảo đảm quyền tự chủ về tài chính của cơ sở và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho việc thực hiện ba chương trình kinh tế: lương thực - thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu.

Tăng thu từ khu vực kinh tế quốc doanh trên cơ sở khuyến khích và thúc đẩy xí nghiệp tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, giảm mức tiêu hao vật tư, năng lượng, giảm hao hụt, mất mát, lãng phí và giảm giá thành, phí lưu thông.

Tích cực thu thuế công thương nghiệp theo đúng Pháp lệnh bổ sung đã ban hành tháng 11-1986; thu đủ thuế nông nghiệp theo đúng Pháp lệnh, tận thu các khoản thuế tồn đọng.

Tập trung đầy đủ các nguồn thu vào ngân sách nhà nước và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn ngoài nước.

Nghiêm cấp việc tùy tiện nâng giá; tập trung toàn bộ khoản chênh lệch giá vào ngân sách nhà nước.

Đi đôi với tăng cường động viên và tập trung nguồn thu, phải triệt để tiết kiệm chi trong tất cả các lĩnh vực sản xuất, xây dựng và tiêu dùng xã hội; chi theo chế độ, chính sách của Nhà nước, chống lãng phí, phô trương; giảm mạnh biên chế bộ máy quản lý nhà nước và biên chế gián tiếp trong khu vực sản xuất, kinh doanh.

Thực hiện thường xuyên chế độ kiểm tra, thanh tra tài chính, xử lý nghiêm minh theo pháp luật để nhanh chóng thiết lập trật tự, kỷ cương về tài chính, phát động quần chúng kiểm soát, giám sát để chống tệ tham nhũng, lãng phí. Kiên quyết thực hiện các biện pháp có hiệu lực để điều tiết thu nhập của những người làm ăn không chính đáng.

Trong năm 1987, cần ban hành một chính sách tài chính quốc gia phù hợp với đặc điểm của nước ta và sửa đổi chế độ phân cấp quản lý ngân sách theo hướng vừa tập trung hợp lý nguồn thu để Trung ương có thể đáp ứng nhu cầu chung của nền kinh tế, vừa khuyến khích địa phương chủ động khai thác tiềm năng của từng vùng để tăng thu cho ngân sách nhà nước trên cơ sở các chế độ tài chính thống nhất.

Hội đồng Bộ trưởng khẩn trương giao nhiệm vụ thu, chi ngân sách cho các ngành, các địa phương để triển khai thực hiện ngay từ ngày đầu năm, nhằm tạo ra sự chuyển biến mới trong việc phát triển kinh tế - xã hội, phấn đấu giảm bội chi ngân sách và bội chi tiền mặt, biến Nghị quyết Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam thành hiện thực, bảo đảm thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước và ngân sách nhà nước năm 1987.


 

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá VII, kỳ họp thứ 12, thông qua ngày 29 tháng 12 năm 1986.

 

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI

NGUYỄN HỮU THỌ

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.