THUYẾT TRÌNH
CỦA ỦY BAN THANH NIÊN, THIẾU NIÊN VÀ NHI ĐỒNG CỦA QUỐC HỘI VỀ VẤN ĐỀ
GIẢI QUYẾT VIỆC LÀM CHO THANH NIÊN
(Do ông Lê Thanh Đạo, Chủ nhiệm Uỷ ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội
trình bày tại kỳ họp thứ 12, Quốc hội khóa VII, ngày 26-12-1986)
Kính thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Mấy năm qua, Uỷ ban thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội đã tập trung nghiên cứu vấn đề phân bố và sử dụng lao động trẻ, giải quyết việc làm cho thanh viên. Đây là một vấn đề lớn có nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải giải quyết lâu dài.
Hôm nay, Uỷ ban chúng tôi xin nêu lên một số nét về tình hình sắp xếp, giải quyết việc làm cho lao động trẻ thời gian qua và có một số kiến nghị để góp phần vào việc thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1987 và những năm sắp tới.
Vấn đề sắp xếp lại lực lượng lao động xã hội và giải quyết việc làm cho thanh niên từ lâu đã là một yêu cầu cấp bách và là mối quan tâm đặc biệt của thanh niên và mỗi gia đình chúng ta. Hằng năm, Nhà nước và xã hội ta phải giải quyết việc làm cho hàng triệu người lao động, trong đó lực lượng lao động trẻ chiếm một tỷ lệ cao và đại đa số lại chưa có nghề.
Thời gian qua, một số địa phương với tính chủ động, sáng tạo, đã đưa vấn đề sắp xếp lực lượng lao động và giải quyết việc làm cho thanh niên vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp với yêu cầu và điều kiện của mỗi địa phương nhằm gắn lao động với đất đai, mở mang thêm ngành, nghề, tận dụng các cơ sở vật chất, kỹ thuật hiện có để phát triển sản xuất, ổn định đời sống.
Từ năm 1981 đến năm 1985, cả nước đã bố trí, sắp xếp việc làm cho 5,8 triệu người. Riêng ở các thành phố lớn, đã sắp xếp cho gần 1 triệu người lao động, phần đông là lao động trẻ. Vấn đề sắp xếp và giải quyết việc làm ở tất cả các tỉnh, thành đang được tiến hành với nhiều hình thức phong phú. Kết hợp việc tổ chức đưa đồng bào đi xây dựng vùng kinh tế mới, nhiều địa phương đã có hướng sắp xếp và giải quyết việc làm tại chỗ trong nội tỉnh, nội huyện. Các địa phương ở từng tỉnh, thành phố, đến các quận, phường đã huy động các nguồn vốn, thu hút lao động vào phát triển nông, lâm, ngư nghiệp và tiểu thủ công nghiệp để sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu ở cả khu vực kinh tế quốc doanh, tập thể và gia đình. Một tiến bộ rõ rệt là Uỷ ban nhân dân địa phương (nhất là cấp phường, xã), đã nhận thức rõ hơn trách nhiệm của mình đứng ra tổ chức, chỉ đạo, huy động mọi nguồn vốn: Nhà nước hỗ trợ, vay tín dụng ngân hàng và đóng góp của dân để tìm việc làm và dạy nghề cho thanh niên.
Hiện nay ở nhiều tỉnh, thành, Đoàn Thanh niên Cộng sản
Hồ Chí Minh cũng đang tích cực tổ chức các mô hình thanh niên tập trung xây dựng kinh tế - quốc phòng để giải quyết việc làm cho lao động trẻ. Sau lực lượng Thanh niên xung phong Thành phố Hồ Chí Minh làm kinh tế với quy mô lớn thu hút hàng vạn thanh niên tham gia, hiện nay đã có trên 20 tỉnh thành trong cả nước có tổ chức đội hình thanh niên tập trung lao động với tên gọi khác nhau như lực lượng thanh niên xung phong, thanh niên xung kích, thanh niên tình nguyện, binh đoàn 2005, v.v. biên chế thành từng trung đoàn, tiểu đoàn để làm những công trình trọng điểm của địa phương và cơ sở.
Thành phố Hà Nội đã coi giải quyết việc làm cho thanh niên là một mục tiêu quan trọng của thành phố. Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố đã tổ chức tổng đội thanh niên xung phong bao gồm 8 xí nghiệp thanh niên, thu hút gần 3.000 lao động trẻ, và gần đây Uỷ ban nhân dân thành phố đã ra quyết định giao cho Đoàn Thanh niên huy động 5.000 thanh niên để làm nền đất và một số nhiệm vụ khác của thành phố.
Mặc dù, chưa có quy định chung của Nhà nước, chính quyền và đoàn thanh niên các địa phương đã rút kinh nghiệm để mở rộng việc tổ chức đội hình thanh niên tập trung làm kinh tế theo hướng xóa bỏ chế độ quan liêu bao cấp, thực hiện hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa, giải quyết nhu cầu về lao động làm các công trình trọng điểm ở địa phương, nhằm đem lại hiệu quả về kinh tế, đồng thời là môi trường giáo dục, rèn luyện thanh niên.
Kính thưa các đồng chí đại biểu,
Theo báo cáo của Tổng cục thống kê, dân số năm 1986 của cả nước là 61,1 triệu người, tăng 1,4 triệu so với năm 1985. Lao động xã hội tăng 1,8 triệu. Trong năm 1986, chúng ta mới bố trí việc làm cho gần 32 vạn người. Dự kiến lực lượng lao động năm 1987 là 31,7 triệu người, tăng hơn 1 triệu lao động so với năm 1986, cộng với 1 triệu người chưa có việc làm hiện nay đưa tổng số người cần phải sắp xếp việc làm lên hơn 2 triệu người.
Vấn đề giải quyết việc làm cho số lượng lớn người này đã trở thành vấn đề chính trị - xã hội to lớn cần được gắn liền với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước ta.
Uỷ ban chúng tôi xin kiến nghị:
Vấn đề giải quyết việc làm cho thanh niên phải được ghi thành một chỉ tiêu quan trọng trong kế hoạch nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Hội đồng Bộ trưởng, Uỷ ban nhân dân các cấp cần có chương trình mục tiêu về giải quyết việc làm cho thanh niên và được tổ chức thực hiện tốt. Trước mắt, cần tập trung giải quyết việc làm cho thanh niên ở Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố thị xã đông dân khác.
Thực hiện thắng lợi ba chương trình mục tiêu là: lương thực, thực phẩm; hàng tiêu dùng; hàng xuất khẩu trong năm 1987 là một chủ trương và biện pháp thiết thực để giải quyết việc làm cho thanh niên. Trong nhiệm vụ này, phải tổ chức, động viên được phong trào cách mạng của thanh niên làm tốt vai trò xung kích của mình. Nhà nước phải đầu tư đồng bộ cả về năng lượng, nguyên liệu, vật tư, đồng thời có chính sách đúng huy động được mọi khả năng, nguồn vốn, kỹ thuật để bảo đảm được chất lượng, hiệu quả của ba chương trình này.
Chúng tôi tán thành chủ trương trong những năm tới hướng phân bổ lực lượng lao động, giải quyết việc làm tại chỗ là chủ yếu, đồng thời chấn chỉnh lại việc đầu tư xây dựng những vùng kinh tế mới một cách tập trung, đồng bộ, chấm dứt cách làm đơn giản, thiếu kế hoạch vững chắc gây lãng phí nghiêm trọng về sức người sức của và để lại hậu quả đáng tiếc như thời gian qua.
Uỷ ban chúng tôi xin nêu thêm một số điểm cụ thể:
1. Về nhận thức, cần thay đổi quan niệm của nhiều người hiện nay nói đến việc làm là muốn xin cho con em mình vào biên chế cơ quan nhà nước, làm cho mọi người, nhất là thanh niên hiểu giá trị chân thực của lao động là vinh quang, làm nghề nào cũng quý nếu đem lại lợi ích cho xã hội, đem lại hạnh phúc cho mọi người và sẵn sàng làm việc ở tất cả mọi lĩnh vực, bao gồm cả kinh tế quốc doanh, tập thể và gia đình.
Chúng tôi hoan nghênh chủ trương gần đây của Hội đồng Bộ trưởng về phát triển kinh tế gia đình và mong rằng nó được tổ chức chỉ đạo thực hiện tốt; sớm ban hành những chính sách cụ thể cho kinh tế gia đình phát triển nhất là chính sách đầu tư và giá cả.
Trong nhà trường các em học sinh cần được giáo dục tốt hơn về lao động, hướng nghiệp. Các cơ sở như phường, xã, xí nghiệp, hợp tác xã và gia đình cần giúp đỡ nhà trường để làm tốt vấn đề này.
2. Việc dạy nghề cho thanh niên phải trở thành mối quan tâm của toàn xã hội. “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” phải trở thành châm ngôn cho cuộc sống của mỗi người lao động. Hệ thống dạy nghề, bên cạnh trường lớp chính quy cần mở rộng bằng nhiều hình thức như các trung tâm dạy nghề, các lớp kèm cặp ở trong các xí nghiệp, hợp tác xã và cả trong gia đình với sự hỗ trợ của Nhà nước và nhân dân đóng góp để mỗi thanh niên khi bước vào đời có một nghề nhất định để nuôi sống mình và góp phần sản xuất ra của cải cho xã hội.
3. Uỷ ban chúng tôi cũng đề nghị Hội đồng Bộ trưởng xem xét lại một cách đồng bộ vấn đề lao động hợp tác với nước ngoài của chúng ta hiện nay, để từ đó có những chủ trương và biện pháp đúng đắn nhằm góp phần vào thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội của đất nước. Uỷ ban chúng tôi tán thành những kiến nghị mà Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội đã có báo cáo lên Hội đồng Bộ trưởng về việc tiếp tục chính sách hợp tác lao động với các nước xã hội chủ nghĩa anh em, đồng thời, nghiên cứu việc xuất khẩu lao động đi nước khác. Trước mắt, cần phải đặt lại vấn đề cho rõ quan điểm và mục tiêu đưa người đi hợp tác lao động, đồng thời, chấn chỉnh việc tổ chức tuyển chọn và quản lý, thay đổi những chính sách không phù hợp đối với lao động của chúng ta ở nước ngoài, bảo đảm hợp lý giữa lợi ích kinh tế của Nhà nước ta và của người lao động. Thanh niên đi lao động hợp tác phải có nghề và sau khi hết hạn phải được sắp xếp việc làm theo kế hoạch và sự phân công của Nhà nước. Vì vậy, phải có một chương trình đồng bộ về vấn đề lao động hợp tác, tránh hiện tượng chắp vá, tùy tiện, phát sinh nhiều tiêu cực để lại những hậu quả đáng tiếc như vừa qua.
4. Về đội hình thanh niên lao động tập trung xây dựng kinh tế quốc phòng, thực tiễn vừa qua ở nhiều địa phương đã khẳng định: Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có thể và cần phải tổ chức những đội hình thanh niên lao động tập trung để giải quyết những công trình trọng điểm về kinh tế và quốc phòng của địa phương và cơ sở. Chúng tôi đề nghị Nhà nước ta ủng hộ Đoàn Thanh niên về vấn đề này bằng cách sớm ban hành những chính sách chế độ phù hợp và thống nhất áp dụng cho các địa phương trong cả nước. Những chính sách cụ thể của Nhà nước cần bảo đảm cho thanh niên có điều kiện thuận lợi để lao động có năng suất, chất lượng và hiệu quả; bảo đảm cho thanh niên được học tập về văn hóa, nghề nghiệp và tổ chức tốt đời sống vật chất và tinh thần; bảo đảm thực hiện cơ chế quản lý mới xóa bỏ tập trung quan liêu bao cấp, phân phối bình quân, thực hiện hạch toán kinh tế, kinh doanh xã hội chủ nghĩa, gắn bó giữa nghĩa vụ và quyền lợi cả trước mắt cũng như lâu dài của tuổi trẻ.
Chúng tôi đề nghị Hội đồng Bộ trưởng sớm có những biện pháp cụ thể để giải quyết việc làm cho lao động trẻ, đáp ứng nguyện vọng chính đáng và cấp bách hiện nay của hàng triệu thanh niên và hàng triệu gia đình chúng ta nhằm thực hiện thắng lợi những chính sách kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước ta.
Xin cám ơn các đồng chí.