THUYẾT TRÌNH
CỦA UỶ BAN VĂN HÓA VÀ GIÁO DỤC CỦA QUỐC HỘI VỀ TÌNH HÌNH ĐẤU TRANH
CHỐNG MÊ TÍN DỊ ĐOAN, XÂY DỰNG NẾP SỐNG MỚI VÀ TÌNH HÌNH CHẤT LƯỢNG TUYỂN CHỌN
VÀ ĐÀO TẠO ĐỘI NGŨ CÁN BỘ
(Do ông Trần Độ, Chủ nhiệm Uỷ ban văn hóa và giáo dục của Quốc hội, trình bày
tại kỳ họp thứ 12, Quốc hội khóa VII, ngày 26-12-1986)
Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,
Dựa trên chương trình hoạt động năm 1986 của Uỷ ban văn hóa và giáo dục của Quốc hội, trong kỳ họp này, tôi xin báo cáo trước Quốc hội vài vấn đề:
- Về tình hình đấu tranh chống mê tín dị đoan, xây dựng nếp sống mới.
- Về tình hình chất lượng tuyển chọn và đào tạo cán bộ.
I- VỀ TÌNH HÌNH ĐẤU TRANH CHỐNG MÊ TÍN DỊ ĐOAN VÀ XÂY DỰNG NẾP SỐNG MỚI
Đây là một nội dung quan trọng trong sự nghiệp xây dựng văn hóa. Toàn xã hội đều quan tâm và lo ngại về tình trạng sa sút đạo đức, văn minh trong cuộc sống hàng ngày: tình trạng mê tín dị đoan phát triển, các hủ tục lạc hậu hồi phục lan tràn, các tập quán mới không lành mạnh xuất hiện nhiều.
Đảng và Nhà nước ta đã chủ trương phát động nhiều phong trào để khắc phục các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, trong đó mối quan tâm khá lớn tập trung vào việc chống và bài trừ các tệ nạn mê tín dị đoan.
Ở đây, chúng tôi chỉ phân tích một số tình hình và từ đó đề ra những yêu cầu xử lý tình hình cho thích hợp và linh hoạt mà chưa đi sâu vào bản chất vấn đề một cách toàn diện được:
- Trong những năm vừa qua, hiện tượng mê tín dị đoan vẫn tồn tại và diễn biến phức tạp.
Các hoạt động chính trị, xã hội, văn hóa đấu tranh chống lại tệ nạn này được tiến hành khá ráo riết và rộng lớn, trong đó cần ghi nhận sự cố gắng của ngành Văn hóa. Một số hiện tượng quá trắng trợn, lố bịch được dẹp bỏ, thu hẹp, nhiều hiện tượng biến dạng khác đi, nhiều hiện tượng vẫn tồn tại và phát triển.
Một nét đáng chú ý của tình hình là, ở những nơi nông thôn trước đây có những phong tục, tập quán mê tín nặng nề thì nhiều phong tục được cải tạo và tiến bộ, tuy vẫn còn tồn tại nhưng bớt nặng nề. Trong khi đó, ở các trung tâm văn hóa (đô thị) thì hiện tượng mê tín lại phát triển, có những dạng cũ xưa và lạc hậu và cả những dạng mới mẻ có vẻ hiện đại.
Chúng tôi thấy có mấy đặc điểm nói lên sự phức tạp của tình hình:
(1) Có những hiện tượng mê tín dị đoan gắn chặt với những phong tục tập quán lâu đời. Những tập quán này có những ý nghĩa nguồn gốc tích cực như nhớ ơn tổ tiên, nhớ ơn những người có công với nước, với dân, quan tâm tới người thân khi chết, chú trọng phẩm giá phụ nữ…, nhưng sau biến dạng dần thành những nghi thức mang ý nghĩa nhảm nhí, vô lý.
(2) Có những hiện tượng mê tín dị đoan gắn chặt với tôn giáo. Từ chỗ tôn thờ những giáo lý và người sáng lập giáo lý, biến thành thờ phụng những nhân vật và thần vật mơ hồ, những nghi thức cúng lễ biến dạng nhảm nhí.
(3) Có những hiện tượng mê tín dị đoan gắn với các vấn đề khoa học, như các hiện tượng thần bí của các khám phá về giác quan thứ sáu, thần giao cách cảm, điềm và dấu hiệu dự báo, toán học trong tướng số, v.v..
(4) Có những hiện tượng mê tín dị đoan gắn chặt với trạng thái tâm lý xã hội. Các hiện tượng mê tín dị đoan xuất hiện, tồn tại và phát triển ăn nhập với những hiện tượng tiêu cực về chính trị, kinh tế, xã hội, đặc biệt là hiện tượng nhiều người giảm lòng tin vào cuộc sống thực tại, mà tìm chỗ dựa tinh thần vào trong may rủi, trong sức mạnh thiêng liêng mơ hồ. Điều đáng chú ý là, nhu cầu giải trí bằng sinh hoạt văn hóa của nhân dân quá lớn mà sự đáp ứng của ngành Văn hóa và của toàn xã hội còn hạn chế nên nhiều người, trong đó không ít thanh thiếu niên, đã tìm cách giải trí qua các hoạt động mê tín.
(5) Các hiện tượng mê tín dị đoan gắn với các âm mưu chiến tranh tâm lý của địch. Tuy ở một số sự việc có một vài dấu hiệu của bàn tay của địch, nhưng rất khó phân biệt, mà rất khó kết luận là bất cứ người hành nghề mê tín nào cũng là tay sai của địch. Tuy nhiên, rõ ràng địch có quan tâm lợi dụng trạng thái tâm lý của nhân dân ở cả lĩnh vực mê tín và trên nhiều lĩnh vực khác.
Do vậy, chúng tôi cho rằng:
(1) Việc chống các tệ nạn mê tín dị đoan là việc làm cần thiết và đúng đắn. Nhưng không thể quan niệm về các tệ nạn một cách đơn giản và hồ đồ, hoặc cho các hành vi mê tín dị đoan đều là hiện tượng có liên quan đến chiến tranh tâm lý của địch, hoặc ghép tất cả những tệ nạn mê tín dị đoan cho các tôn giáo, từ đó vi phạm chính sách tự do tín ngưỡng của Đảng và Nhà nước.
Cũng có nhiều nơi, bản thân cấp chính quyền địa phương, do đơn giản và hồ đồ, lấy cớ dẹp mê tín dị đoan mà xâm phạm, phá hoại, hoặc thủ tiêu hẳn một số di tích lịch sử có giá trị quan trọng (vụ đền Cẩu Nhi ở quận Ba Đình, Hà Nội…).
(2) Việc chống mê tín dị đoan phải được nhận thức một cách toàn diện và khoa học, phải biết phân tích bản chất các sự việc, nhận thức đúng về con người có liên quan đến sự việc, phải nhận rõ các mối quan hệ phức tạp của sự việc để xử lý cho đúng đắn.
- Đối với những hiện tượng có liên quan đến phong tục tập quán lâu đời phải biết tìm đến nguồn gốc ý nghĩa sâu xa của nó. Có những phong tục từ nguồn gốc có ý nghĩa rất hay, rất đẹp. Phải biết duy trì ý nghĩa đẹp đó và cải tạo những phong tục bị biến dạng tiêu cực, thành phong tục mới cao đẹp, phù hợp với các giá trị tinh thần của chủ nghĩa xã hội.
- Đối với các hiện tượng có liên quan đến tôn giáo cần phải hết sức phân biệt, phải trên cơ sở tôn trọng tín ngưỡng mà xem xét vấn đề, không được hồ đồ tiến hành những hành động chống mê tín dị đoan mà lại xúc phạm tôn giáo, hoặc vi phạm Pháp lệnh bảo vệ và sử dụng di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh.
- Đối với các hiện tượng có liên quan đến khoa học: cần nhận thức rằng khoa học đang phát triển lớn, các nhà khoa học đã và đang có thể khám phá nhiều điều bí ẩn và kỳ diệu, ta phải chăm chú thu lượm thông tin, bình tĩnh phân tích, không nên quá sốt sắng, mà bác bỏ thô bạo và vội vàng.
- Đối với các hiện tượng liên quan đến tâm lý xã hội, lại càng phải tinh tế nhận xét và phân tích, phải tìm cách ngăn ngừa, hạn chế các hiện tượng đó ở những vấn đề xã hội, chủ yếu là các vấn đề về đời sống và sự công bằng xã hội. Không nên nhận xét một cách thô thiển và “chống”, “xóa” một cách đơn giản.
- Đối với các hiện tượng địch lợi dụng, cần có cảnh giác, nhưng phải là sự cảnh giác trên cơ sở của sự hiểu biết, trên cơ sở các chính sách của Đảng và Nhà nước, không nên thô bạo quy nạp và suy diễn lung tung, càng không nên cậy thế làm càn. Cần tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, phát triển các hình thức sinh hoạt lành mạnh để khắc phục tình trạng thiếu nơi và thiếu hình thức giải trí cho nhân dân.
Việc chống mê tín dị đoan và xây dựng nếp sống mới, phong tục mới là một vấn đề văn hóa lớn, nó quan hệ đến mọi người, mọi gia đình, mọi nhóm người trong xã hội. Đồng thời là một vấn đề rất phức tạp, phải giải quyết một cách kiên trì và lâu dài. Cho nên, phải nhận xét nó, phân tích nó bằng một tư duy khoa học, hết sức tránh mọi sự nôn nóng chủ quan và thô bạo. Đồng thời, phải xử lý mọi trường hợp một cách có văn hóa, nghĩa là bằng cách tôn trọng nhân phẩm con người, thuyết phục sâu sắc mọi người. Phải sử dụng pháp luật một cách thật chính xác và có hiệu lực lớn. Phải đề cao luật pháp một cách kiên quyết và cũng phải có văn hóa.
II- VỀ TÌNH HÌNH CHẤT LƯỢNG TUYỂN CHỌN
VÀ ĐÀO TẠO CÁN BỘ
Vấn đề này, lúc đầu chúng tôi nhằm vào việc xem xét tình hình đào tạo giáo viên. Chúng tôi muốn biết tình hình nâng cao trình độ giáo viên các cấp để bảo đảm cho việc nâng cao chất lượng giáo dục. Nhưng, trong quá trình xem xét, chúng tôi bắt gặp nhiều tình hình có liên quan đến việc tuyển chọn và đào tạo cán bộ nói chung, đặc biệt ở cấp đại học và trên đại học. Chúng tôi đã đi thăm nhiều trường sư phạm và tại các trường này, chúng tôi gặp lại những tình hình mà chúng tôi đã có dịp báo cáo. Đó là việc chuẩn bị sư phạm cho cải cách giáo dục, cho phương hướng giáo dục: dạy kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp và lao động không được xử lý đúng. Các trường sư phạm cấp I và cấp II chưa thay đổi được chương trình học tập cho phù hợp với yêu cầu thay sách và cải cách giáo dục. Trong khi các lớp phổ thông cơ sở đã thay sách mới đến lớp 6, mà các trường sư phạm vẫn đào tạo ra các thầy, cô giáo như cũ. Việc giảng dạy các môn kỹ thuật tổng hợp, hướng nghiệp và các môn nghệ thuật để nâng cao việc giáo dục thẩm mỹ vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng, các trường sư phạm vẫn còn nhiều lúng túng.
Mặt khác, các trường sư phạm là những trung tâm đào tạo giáo viên vẫn còn gặp những khó khăn:
- Công tác tuyển sinh vẫn không đạt yêu cầu, nhất là không đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, thường phải lấy vớt và phải hạ điểm chuẩn. Như vậy, không phải là sẽ có những người giỏi nhất để đào tạo thành giáo viên, mà ngược lại.
- Tâm lý xã hội ngày càng coi thường nghề dạy học, vì là nghề vất vả và nghèo khổ gần như bậc nhất.
- Các trường sư phạm không được quan tâm đúng mức, ở nhiều tỉnh, trường sư phạm có những cơ sở vật chất quá mức tồi tệ. Có những trường có cơ sở vật chất khá thì việc bảo quản, sửa chữa thiếu điều kiện. Đời sống giáo viên và giáo sinh quá nghèo khó. Các trường sư phạm chưa được quan tâm xứng đáng với vai trò của nó trong sự nghiệp giáo dục.
- Mạng lưới các trường sư phạm chưa hợp lý. Có nơi đã có khoa ngoại ngữ trong trường Đại học sư phạm mà gần đó còn mở thêm một trường Đại học ngoại ngữ. Các trường Đại học tổng hợp chưa được khai thác đầy đủ năng lực đào tạo và cơ sở vật chất để bổ sung cho công tác đào tạo sư phạm.
Chúng tôi bắt gặp những vấn đề khác trong các khâu như sau:
1. Việc thi tuyển vào bậc đại học, việc chọn người đi học nước ngoài.
2. Việc thi tuyển đi nghiên cứu sinh và thực tập sinh, nhất là đi nước ngoài.
Các Bộ chủ quản đã cố gắng nhiều trong việc xây dựng các quy chế cụ thể. Nhưng vẫn còn tình trạng:
a) Có quy chế, nhưng quy chế thường bị nhiều ý kiến có quyền lực chi phối, nên không được thực hiện một cách sòng phẳng và công bằng.
Trong các đơn khiếu nại thì khiếu nại và tố cáo về tuyển sinh vào học đại học và đi học nước ngoài, đi nghiên cứu sinh là khá phổ biến.
b) Rất nhiều hiện tượng tiêu cực trong việc này như cảm tình cá nhân, hối lộ, ăn tiền, quà cáp. Những hiện tượng tiêu cực được diễn ra trong điều kiện các thủ tục phiền hà, rườm rà, quá nhiều khâu, nhiều cửa, nó được thể hiện dưới các hình thức ngụy trang hợp pháp rất tinh vi.
Nó lại có những vấn đề liên quan đến các chính sách xã hội, như có các đối tượng ưu tiên, lại có các đối tượng cần hạn chế. Nó liên quan đến các chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo và chính sách bảo vệ an ninh. Nhiều quy định phức tạp, thiếu nhất quán, thiếu đồng bộ, những quy định này lại cản trở các quy định khác. Có những lúc, cơ quan tổ chức quyết định các vấn đề khoa học; các cơ quan cấp dưới quyết định sự quyết định của cấp trên bằng những thông tin cố ý sai lệch; cấp trên cao áp đặt những quyết định sai trái cho cơ quan cấp dưới… Thêm vào đó, có những việc xử lý thiếu công bằng ở một số cấp quyền lực, điều đó càng làm cho phức tạp thêm tình hình vốn đã phức tạp.
Tất cả tình hình trên tạo ra hậu quả là, có nhiều trường hợp việc đào tạo chỉ đem lại những bằng cấp mà giá trị là giả tạo. Nhiều người không có thực tài, không có triển vọng thì được liên tục đào tạo, với nhiều tốn kém, mà rồi không thể có ích lợi thực sự cho xã hội. Có người thực sự có tài, thực sự cần thiết cho xã hội lại bị gạt bỏ. Nhiều người coi việc đi nước ngoài như là một biện pháp để làm giàu, để giải quyết đời sống, coi nhẹ hẳn hay hầu như không đếm xỉa đến yêu cầu và mục tiêu đào tạo. Những hậu quả đó dẫn đến một nguy cơ rối loạn trong việc đào tạo và sử dụng cán bộ sau này, đồng thời làm trầm trọng thêm những tệ nạn bất công trong xã hội.
Uỷ ban chúng tôi xin có ý kiến:
1. Các bậc cha mẹ, nhất là những bậc cha mẹ có quyền lực lớn, phải chăm lo cho con cháu trong việc học hành và cuộc sống. Đó là trách nhiệm chính đáng. Nhưng việc lo lắng này không được vượt qua hoặc bóp méo các quy chế, không được áp đặt yêu cầu cho các cấp có trách nhiệm để đến nỗi có những trường hợp đi nghiên cứu sinh mà không đủ tiêu chuẩn mặt này hoặc mặt khác, học ngành này lại đi thực tập và nghiên cứu sinh ngành khác.
Chỉ có thực hiện đúng quy chế, ta mới có điều kiện khắc phục được tình trạng ghen tỵ vô lý, gây nên nhiều chuyện lộn xộn trong một số thanh niên.
2. Các chính sách tuyển chọn theo yêu cầu chính trị là nhất thiết phải có. Nhưng nên xem lại chính sách “ưu tiên” cho thêm điểm đối với các đối tượng chính sách xem có hợp lý không? Hay phải thay thế bằng chính sách “bồi dưỡng”, “dự bị đại học” cho các đối tượng đó? Dù có ưu tiên cũng nhằm đào tạo người có thực tài, chứ không phải chỉ để đào tạo ra những người “có bằng”.
Đặc biệt đối với các dân tộc ít người, tinh thần của chính sách phải thể hiện ở việc tạo nguồn cho việc đào tạo. Muốn nguồn này phong phú, phải phát triển vững chắc ngành học phổ thông. Với những nơi miền núi, cần có chính sách và biện pháp đặc biệt như nhiều nơi đã là phải có trường phổ thông nội trú, do Nhà nước đài thọ, tạo cho các em học sinh có điều kiện sống tốt hơn ở gia đình, yên tâm, tin tưởng trong quá trình học tập. Các trường kiểu này phải tập trung vào mục tiêu tạo nguồn cho việc đào tạo, chứ không thể rập khuôn các trường phổ thông bình thường. Việc hướng nghiệp ở đây là hướng vào các nghề nghiệp cần thiết ở địa phương, nhất là các nghề giáo viên, thầy thuốc, quản lý kinh tế, văn hóa, chứ không phải những nghề thông dụng như nề, mộc, v.v.. Cần có các trường nội trú cấp I, II ở huyện và cấp III ở tỉnh.
Ở những trường chúng tôi đã qua thăm, việc xác định này chưa thật rõ và dứt khoát. Đối với các đối tượng học sinh có những vấn đề lịch sử và liên quan phức tạp, cần phải căn cứ vào tình hình xã hội biến chuyển, đánh giá chính xác một cách sâu sắc bản chất của gia đình và của bản thân học sinh để xử lý từng trường hợp cụ thể cho công bằng và hợp lòng người, đánh giá con người không thể chỉ căn cứ vào khuôn mẫu một số tiêu chuẩn khô khan trên giấy.
Các cấp có trách nhiệm quyết định xử lý cần phải hết sức tỉnh táo, có tinh thần trách nhiệm cao đối với tương lai đất nước và số phận từng con người, hết sức tránh lối thành kiến yêu, ghét có tính chất cá nhân, tránh nể nang, hối lộ.
3. Để bảo đảm hai điểm trên, tất cả các cơ quan có trách nhiệm phải xem lại hệ thống các quy định đã ban hành, tổng kết lại trên cơ sở phân tích các kinh nghiệm, để có thể ban hành lại một hệ thống các quy định cho nhất quán và đồng bộ, thể hiện đúng đắn tinh thần của các chính sách của Đảng và Nhà nước.
Các quy định nói trên phải bảo đảm theo hướng như sau:
a) Chặt chẽ, nhưng đơn giản, càng ít khâu tham gia quyết định càng tốt, tránh rườm rà, phiền hà, tốn công sức của học sinh và gia đình. Xác định rõ quyền hạn của ban tuyển sinh, ngăn ngừa tình trạng lạm quyền và tiêu cực.
b) Bảo đảm thực hiện được sự công bằng xã hội, sự quan tâm tới số phận từng người và từng gia đình một cách chính xác và linh hoạt. Nghiên cứu lại các quy chế có ý nghĩa chính sách về các đối tượng, nhằm tạo điều kiện phát hiện và khuyến khích những người thật sự tốt và có triển vọng học giỏi, công tác tốt.
c) Bảo đảm thực sự nghiêm khắc và nghiêm trị đối với các hiện tượng tiêu cực như hối lộ, áp đặt, vi phạm quy chế trong các khâu tuyển sinh, để giữ cho việc tuyển chọn và đào tạo cán bộ có được sự trong sạch, cao cả, công bằng của nó.
d) Các quy định luôn luôn được bổ sung cho kịp thời với sự thay đổi của xã hội.
Thưa các đại biểu Quốc hội,
Văn hóa và giáo dục là một mặt quan trọng của đời sống xã hội và là những sự nghiệp có ý nghĩa quyết định trong việc xây dựng con người mới.
Quan tâm tới văn hóa, giáo dục là quan tâm đến con người, quan tâm đến con người là quan tâm tới một yếu tố quan trọng bậc nhất trong việc sản xuất ra của cải vật chất và cả trong khu vực sản xuất tinh thần.
Nhưng các sự nghiệp văn hóa - giáo dục - xã hội vẫn bị coi là những hoạt động nằm trong khu vực “phi sản xuất”, nên sự quan tâm, đặc biệt là sự quan tâm tìm hiểu các vấn đề của nó, và sự đầu tư, kể cả đầu tư tiền bạc và tâm trí cho nó, luôn luôn và ở khắp mọi nơi, mọi cấp đều chưa được giải quyết thỏa đáng.
Trong các văn kiện của Đại hội Đảng lần thứ VI, nổi lên tinh thần coi trọng các vấn đề xã hội, coi chính sách xã hội là chính sách quan tâm chăm lo đến con người, xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Đó là điều hết sức đúng đắn và quan trọng. Muốn thực hiện được tinh thần đó, phải khắc phục quan niệm coi sự nghiệp giáo dục như là vấn đề phúc lợi xã hội, sự phúc lợi có tính chất ban ơn, có bao nhiêu cho bấy nhiêu, mà phải coi giáo dục là một sự nghiệp có tầm quan trọng hàng đầu để xây dựng con người mới, xây dựng những lực lượng lao động sản xuất có chất lượng cao cho xã hội. Cần khắc phục cả quan niệm các công tác văn hóa, văn học - nghệ thuật chỉ là để cổ động cho các công tác sản xuất và chỉ để giải quyết việc vui chơi giải trí, mà cần phải coi các hoạt động văn hóa, nghệ thuật là một lĩnh vực sản xuất tinh thần, “tạo nên những giá trị tinh thần bồi dưỡng tâm hồn và tình cảm, xây dựng nhân cách và bản lĩnh của các thế hệ công dân, xây dựng môi trường đạo đức trong xã hội” như Nghị quyết Đại hội V và Đại hội VI đã khẳng định.
Chúng tôi xin nói lên ở đây tâm tư và nguyện vọng của đội ngũ cán bộ, trí thức và nghệ sĩ trong lĩnh vực này là cảm thấy sự nghiệp của mình vẻ vang, quan trọng nhưng không được coi trọng, do đó phẩm giá bị tổn thương. Đó là một nét đáng chú ý trong tình hình 5 năm qua.
Đây là phiên họp cuối cùng của khóa VII, Uỷ ban chúng tôi xin nêu lên một điểm chung như vậy để mong các đại biểu Quốc hội khóa VIII và đặc biệt các cơ quan quản lý nhà nước dành thêm một phần tâm trí và sức lực cùng vốn liếng cho sự nghiệp mà chúng tôi cho rằng vĩ đại và thiêng liêng đối với công cuộc xây dựng đất nước.
Đó là lời kêu gọi thống thiết của chúng tôi để kết thúc bản thuyết trình này.
Xin cảm ơn các đại biểu!