VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 2) 1984 - 1987

 

THUYẾT TRÌNH
CỦA HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI
VỀ MỘT SỐ CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC ĐÀO TẠO CÁN BỘ VÀ CÔNG NHÂN NGƯỜI CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG THỰC HIỆN KẾ HOẠCH NHÀ NƯỚC NĂM 1987 VÀ THỜI GIAN TỚI
(Do ông Hoàng Trường Minh, Chủ tịch Hội đồng dân tộc trình bày tại kỳ họp thứ 12, Quốc hội khóa VII, ngày 26-12-1986)

Kính thưa Quốc hội,

Thưa các đồng chí đại biểu,

Trong các kỳ họp Quốc hội đã qua, Hội đồng dân tộc chúng tôi đã thuyết trình trước Quốc hội một số suy nghĩ về phương hướng, biện pháp, chính sách nhằm xây dựng và phát triển kinh tế, phát triển văn hóa - xã hội, thực hiện định canh định cư ở miền núi và các vùng dân tộc thiểu số.

Tại kỳ họp Quốc hội lần này, căn cứ vào tình hình thực tế ở các địa phương mà Hội đồng dân tộc đã khảo sát, theo dõi trong mấy năm qua, chúng tôi xin trình bày trước Quốc hội về một số chủ trương, biện pháp đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ và công nhân người các dân tộc thiểu số, nhất là cán bộ thuộc các dân tộc ít người ở vùng cao và các vùng căn cứ cách mạng cũ ở miền Nam trong thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1987 và thời gian tới.

Bản thuyết trình gồm hai phần:

I- Tình hình đội ngũ cán bộ, công nhân người các dân tộc thiểu số trong những năm qua và hiện nay.

II-   Một số kiến nghị về chủ trương, biện pháp đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ và công nhân người các dân tộc thiểu số trong năm 1987 và thời gian tới.

I- TÌNH HÌNH ĐỘI NGŨ CÁN BỘ VÀ CÔNG NHÂN
NGƯỜI CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ
TRONG NHỮNG NĂM QUA VÀ HIỆN NAY

Từ trước đến nay, để thực hiện chính sách dân tộc của Đảng, đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, từng bước xóa bỏ sự chênh lệch về mọi mặt giữa các dân tộc, Đảng và Nhà nước ta luôn luôn đặt vấn đề đào tạo cán bộ các dân tộc thiểu số là một nhiệm vụ hết sức quan trọng của các cấp, các ngành, từ Trung ương đến cơ sở.

Đại hội Đảng lần thứ IV và lần thứ V đều chỉ rõ, phải: “Tích cực đào tạo và bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số trong tất cả các lĩnh vực công tác của Đảng, Nhà nước và đoàn thể, trước hết chú trọng cán bộ lãnh đạo và cán bộ quản lý kinh tế”. “Chú trọng làm tốt việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học - kỹ thuật người dân tộc, trước hết cho cấp huyện và cơ sở”.

Để cụ thể hóa thêm, ngày 30-01-1975, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Chỉ thị số 216 CT/TW, trong đó nhấn mạnh: “Để hoàn thành nhiệm vụ chính trị to lớn đó, - (tức là các nhiệm vụ ở miền núi) - một trong những khâu then chốt là phải xây dựng đội ngũ cán bộ miền núi vững mạnh…”, đồng thời đề ra phương hướng, nội dung cụ thể và các chính sách cần thực hiện đối với công tác đào tạo cán bộ các dân tộc thiểu số.

Chấp hành các chỉ thị, nghị quyết trên, các ngành, các cơ quan ở Trung ương, các cấp ủy Đảng và chính quyền ở các địa phương đã có nhiều cố gắng trong việc thực hiện các chủ trương, biện pháp, tăng cường các điều kiện về vật chất, khắc phục dần những nhược điểm tồn tại, từng bước đưa công tác đào tạo cán bộ và công nhân các dân tộc thiểu số đạt được những thành quả đáng kể.

Về mặt số lượng, tính đến nay, đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số trong cả nước từ cấp huyện trở lên đã có hàng vạn người, bao gồm đủ các loại: cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, cán bộ khoa học, kỹ thuật, chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, nghệ thuật, v.v..

Đại bộ phận số cán bộ dân tộc trên được rèn luyện, đào tạo từ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, một số được đào tạo trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và từ sau ngày giải phóng miền Nam (4-1975). Từ cơ sở đến Trung ương, đã có những đồng chí tham gia cấp ủy Đảng, chính quyền, lãnh đạo và quản lý các ngành công tác. Chỉ tính riêng cán bộ lãnh đạo và quản lý từ cấp huyện trở lên đã có trên 9.000 người, chiếm 4,9% tổng số cán bộ cùng loại; trong đó, có các đồng chí tham gia và giữ các chức vụ như:

- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa V: 11 đồng chí;

- Đại biểu Quốc hội khóa VII: 75 đồng chí;

- Cấp tướng (cả đương nhiệm và nghỉ hưu): 15 đồng chí;

- Bộ trưởng, Thứ trưởng và tương đương: 21 đồng chí;

- Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh: 13 đồng chí.

Đội ngũ cán bộ cơ sở người dân tộc địa phương ở các xã miền núi phía Bắc, đại bộ phận đã do cán bộ tại chỗ đảm nhiệm và từng bước được bồi dưỡng và nâng cao trình độ, năng lực công tác.

Ở các vùng dân tộc thiểu số ở miền Nam, sau ngày giải phóng, phần lớn số cán bộ từ cơ sở đến tỉnh phải điều động từ nơi khác đến, nhưng đến nay, qua tích cực đào tạo, đội ngũ cán bộ nói chung và cán bộ người dân tộc thiểu số nói riêng cũng dần dần tăng khá. Ví dụ: ở các tỉnh Tây Nguyên, tính đến năm 1984, đã có 8% trong tổng số cán bộ, nhân viên là người dân tộc thiểu số. Tỉnh Đắc Lắc, số cán bộ dân tộc địa phương đã có 12,1% trong tổng số cấp ủy viên ở cơ sở, 18% trong tổng số cấp ủy viên huyện, thị.

Trong những năm gần đây, công tác đào tạo cán bộ quản lý kinh tế, khoa học - kỹ thuật được chú trọng đẩy mạnh. Các tỉnh, huyện miền núi (nhất là miền núi phía Bắc) đã đầu tư tiền của và sự chỉ đạo vào việc phát triển các trường, lớp để đào tạo con em các dân tộc địa phương từ chỗ chưa biết chữ đến khi trưởng thành là cán bộ sơ cấp, trung cấp, đại học, như mở các trường thiếu nhi dân tộc, thanh niên dân tộc, thanh niên vừa học vừa làm, trường bổ túc văn hóa cho cán bộ, v.v.. Một số tỉnh mở các lớp dự bị đại học và đại học tại chức, trong đó chú ý ưu tiên tuyển sinh cán bộ và con em các dân tộc thiểu số (Quảng Ninh, Hoàng Liên Sơn,…). Việc tuyển chọn thanh niên các dân tộc đi học công nhân kỹ thuật, trung học chuyên nghiệp, đại học, gần đây đã có một số quy định ưu tiên về điều kiện, tiêu chuẩn và điểm chuẩn tuyển sinh, về chế độ nội trú đối với học sinh dân tộc thiểu số. Ngoài các trường lớp dự bị đại học dân tộc ở Việt Trì, Nha Trang, Cần Thơ, nhiều trường đại học cũng đã có lớp dự bị, dành riêng chỉ tiêu tuyển sinh cho miền núi. Do đó, hàng năm đã có từ 400 đến 500 học sinh là dân tộc thiểu số vào học các trường cao đẳng và đại học (chiếm từ 4% đến 6% tổng số học sinh được tuyển hàng năm trong cả nước). Số cán bộ người dân tộc thiểu số có trình độ cao đẳng, đại học và trên đại học đến nay đã có trên 7.000 người, trong đó có 46 trên đại học, và trên 27.000 người có trình độ trung học chuyên nghiệp, chiếm trên 6% số cán bộ cùng loại.

Về mặt chế độ, chính sách đối với công tác đào tạo và đối với cán bộ ở miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, kể cả đối với cán bộ Kinh và nơi khác đến, đã dần dần được quy định và bổ sung. Ở nhiều tỉnh chú ý đến việc giải quyết một số chế độ lương bậc, tổ chức thăm hỏi, động viên và giải quyết các khó khăn về đời sống cho bản thân và gia đình cán bộ dân tộc, giúp đỡ làm nhà cho cán bộ, v.v..

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trên đây là những thành quả đã đạt được của công tác đào tạo cán bộ người các dân tộc thiểu số từ trước đến nay. Số cán bộ dân tộc hiện có như trên là vốn quý của Đảng và Nhà nước ta, đang được tiếp tục bồi dưỡng và nhân lên nhiều hơn trong thời gian tới, cả về mặt số lượng và chất lượng.

Tuy nhiên, so với nhiệm vụ cách mạng hiện nay, nhất là đối với sự nghiệp xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ an ninh, bảo vệ biên giới, từng bước đưa miền núi tiến kịp miền xuôi, các dân tộc thiểu số tiến kịp dân tộc đa số, xóa bỏ chênh lệch giữa các dân tộc, thì đội ngũ cán bộ và công nhân người các dân tộc thiểu số hiện có là còn quá ít ỏi, chưa đáp ứng kịp yêu cầu.

Dưới đây, xin nêu một số nhược điểm tồn tại chủ yếu:

Về số lượng cán bộ, kể cả các loại cán bộ (lãnh đạo, quản lý, nhất là cán bộ quản lý kinh tế, khoa học - kỹ thuật các ngành) là người dân tộc thiểu số nói chung còn ít, có những nơi, những vùng dân tộc còn thiếu cán bộ nghiêm trọng. Số cán bộ cũ ngày càng già yếu, về hưu, v.v., số mới vì trẻ tuổi thì đào tạo được ít và chưa kịp. Do đó, tỷ lệ cán bộ dân tộc thiểu số so với tổng số cán bộ các loại có chiều hướng ngày càng giảm, thậm chí có một số địa phương giảm sút cả về mặt số lượng. Nhiều tỉnh, trước đây đã có tỷ số cán bộ dân tộc chiếm trong biên chế trên dưới 20% nhưng đến nay chỉ còn 15%, hoặc dưới 10%. (Ở các tỉnh miền núi phía Nam còn ít hơn).

Cơ cấu trong đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số phát triển không đều giữa các dân tộc và các vùng: đại bộ phận số cán bộ hiện nay là cán bộ người dân tộc Mường, Tày, Nùng, Thái… ở vùng thấp, còn những cán bộ người Dao, Mông, Mơnông, Khơmú, v.v. ở vùng cao và thuộc dân tộc ít người thì còn quá ít và phát triển quá chậm. Nhiều xã vùng cao, biên giới ở phía Bắc và các vùng mới giải phóng phía Nam, đa số các chức vụ chủ chốt vẫn phải điều cán bộ nơi khác đến phụ trách. Có xã có người Khơme chiếm số đông, nhưng không có người Khơme tham gia Uỷ ban nhân dân xã (Thạnh Tân, huyện Hòa Thành, tỉnh Tây Ninh).

Đội ngũ cán bộ quản lý kinh tế, khoa học, kỹ thuật các ngành là người dân tộc thiểu số vẫn thiếu nhiều, nhất là ở cơ sở xã, hợp tác xã, tập đoàn sản xuất.

Đội ngũ công nhân kỹ thuật người dân tộc thiểu số cũng phát triển chậm. Mấy năm gần đây, các tỉnh ở Tây Nguyên có coi trọng việc tuyển dụng người dân tộc thiểu số ở địa phương vào các nông lâm trường, nhưng nhìn chung thì các xí nghiệp, nông trường, lâm trường đóng tại địa phương miền núi chưa chú ý tuyển dụng người dân tộc địa phương mà nặng về lấy người miền xuôi vào.

Đội ngũ cán bộ và công nhân người dân tộc thiểu số không những còn thiếu nhiều về số lượng mà còn yếu cả về trình độ, năng lực công tác, do việc bồi dưỡng, rèn luyện thiếu liên tục; có một số ít sa sút về tư tưởng, thoái hóa về phẩm chất, bỏ về nhà, v.v.. Nhiều cán bộ chủ chốt ở cơ sở, kể cả chủ nhiệm, đội trưởng, kế toán hợp tác xã ở vùng dân tộc chưa được qua một lớp học nào về nghiệp vụ công tác; thậm chí có cán bộ cũng chưa biết cả chữ quốc ngữ.

Hiện nay hằng năm, còn phải điều một số lượng lớn cán bộ các loại ở miền xuôi lên miền núi công tác. Nói chung, số cán bộ này không an tâm công tác lâu dài ở miền núi, luôn luôn có tư tưởng nhiệm kỳ, xin chuyển về xuôi và quê hương, vì cán bộ hoạt động ở miền núi chịu nhiều thiệt thòi so với cán bộ ở miền xuôi. Tình trạng này đã kéo dài từ lâu nay, ta đã thấy, nhưng chưa có chủ trương, chính sách thỏa đáng để khắc phục.

Sự thiếu thốn về số lượng và chất lượng, sự phát triển chậm và không đồng đều về đội ngũ cán bộ và công nhân người dân tộc thiểu số trên đây đã làm cho phong trào cách mạng ở vùng các dân tộc, miền núi phát triển ở tốc độ chậm và có nơi bị chững lại.

Nguyên nhân của những nhược điểm tồn tại trên, ngoài các khó khăn về khách quan (nền kinh tế chung còn nghèo; bản thân miền núi còn nhiều khó khăn; miền núi còn nhiều tâm lý, tập quán lạc hậu ràng buộc, ngại xa nhà, ngại đi xa, v.v.), cần phải kể đến một số khuyết điểm, thiếu sót sau đây:

- Trước hết về mặt nhận thức đối với vấn đề dân tộc và đào tạo cán bộ và công nhân người dân tộc thiểu số chưa được quán triệt đầy đủ, sâu sắc và đồng đều trong các cấp, các ngành. Tư tưởng xem nhẹ công tác dân tộc và đào tạo cán bộ, công nhân dân tộc thiểu số vẫn còn phổ biến. Từ đó, chưa có sự đầu tư mọi mặt, chưa có những chính sách đặc biệt, thích đáng đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công nhân dân tộc. Quy hoạch về đào tạo cũng chưa cụ thể và chưa có một kế hoạch đồng bộ thống nhất cả nước. Sự chỉ đạo chưa tập trung và nhất quán từ Trung ương đến các địa phương, mà do từng địa phương thực hiện thế nào hay thế đó, không có sự theo dõi, hướng dẫn của các cơ quan có trách nhiệm từ Trung ương.

- Hệ thống trường lớp để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công nhân kỹ thuật cho miền núi, vùng các dân tộc, còn thiếu. Đầu tư ngân sách cho việc xây dựng và phát triển các trường lớp còn ít. Chương trình, nội dung giảng dạy ở các trường dạy nghề, đào tạo công nhân, trường sơ cấp, trung cấp, dự bị đại học và đại học cũng chưa sát với yêu cầu thực tế của sản xuất và đời sống của miền núi, vùng dân tộc thiểu số.

- Việc tạo nguồn cho công tác đào tạo cán bộ dân tộc chưa được chú ý đẩy mạnh. Phong trào giáo dục phổ thông ở miền núi, nhất là ở vùng cao, xa xôi, hẻo lánh, vùng căn cứ cách mạng cũ ở miền Nam, còn rất yếu, nên không có những thanh niên dân tộc vùng cao có đủ trình độ văn hóa để đi học các trường lớp kỹ thuật, chuyên môn. Công tác xây dựng và phát triển Đảng, đoàn ở miền núi cũng chưa mạnh, nên nguồn cán bộ để đào tạo cũng gặp khó khăn.

- Việc bồi dưỡng, huấn luyện về chính trị, chuyên môn nghiệp vụ và kèm cặp thực tế cho cán bộ dân tộc đương chức chưa được chú trọng thường xuyên. Công tác cất nhắc, đề bạt cán bộ dân tộc cũng còn mang nặng tư tưởng bảo thủ, định kiến, hẹp hòi.

- Việc thực hiện các chính sách đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ đối với cán bộ người dân tộc thiểu số và cán bộ miền xuôi lên hoạt động ở miền núi còn nhiều mặt chưa hợp lý, chưa có những chính sách đặc biệt để khuyến khích thúc đẩy (bậc lương và thời hạn nâng bậc: phụ cấp khu vực; phụ cấp thâm niên công tác miền núi; tiêu chuẩn cung cấp lương thực, thực phẩm; chế độ chữa bệnh, nghỉ ngơi, hưu trí; chế độ đầu tư xây dựng trường sở và các chế độ cho học sinh nội trú ở các trường lớp dân tộc…). Chính sách tuyển sinh vào các trường dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học và học bổng cũng chưa thực thể hiện rõ tinh thần ưu tiên, khuyến khích con em các dân tộc thiểu số có số dân ít, ở vùng cao, hẻo lánh, có nhiều khó khăn về sản xuất và đời sống.

II- MỘT SỐ KIẾN NGHỊ VỀ CHỦ TRƯƠNG, BIỆN PHÁP
ĐỂ ĐẨY MẠNH CÔNG TÁC ĐÀO TẠO CÁN BỘ VÀ CÔNG NHÂN NGƯỜI DÂN TỘC THIỂU SỐ TRONG NĂM 1987
VÀ THỜI GIAN TỚI

Thưa các đại biểu Quốc hội,

Như trên chúng tôi đã trình bày: tình hình đội ngũ cán bộ và công nhân người dân tộc thiểu số còn thiếu và yếu so với nhu cầu, nguyên nhân cơ bản là do nhận thức còn xem nhẹ, chế độ chính sách và công tác đào tạo cán bộ của chúng ta còn có nhiều thiếu sót.

Trong báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tại Đại hội lần thứ VI của Đảng đã chỉ rõ: “Có quy hoạch và kế hoạch tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số, nhất là cán bộ các dân tộc thiểu số ở vùng cao, biên giới và một số vùng ở miền Nam”.

Tiếp tục thực hiện nghiêm túc các Nghị quyết của Đại hội IV và V, các chỉ thị của Trung ương Đảng và Nghị quyết mới đây của Đại hội lần thứ VI của Đảng về đào tạo cán bộ người các dân tộc thiểu số, nhằm đáp ứng hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trước mắt là thực hiện kế hoạch nhà nước năm 1987 và 5 năm 1986 - 1990, trước hết, chúng ta cần có sự chuyển biến mới về nhận thức, về chỉ đạo và tổ chức thực hiện đối với công tác đào tạo cán bộ và công nhân người dân tộc thiểu số, coi đây là trách nhiệm của mỗi cấp, mỗi ngành.

Chúng tôi đề nghị, cần khẳng định một lần nữa về vai trò và tác dụng của cán bộ dân tộc địa phương là hết sức quan trọng và rất quyết định đối với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị ở mỗi địa phương. Chúng ta đều biết: không ai am hiểu tình hình và tâm tư tình cảm, phong tục tập quán của từng dân tộc bằng chính cán bộ người dân tộc đó. Ở đâu, có cán bộ người dân tộc địa phương vững vàng thì phong trào cách mạng ở đó rõ ràng tiến nhanh, tiến mạnh, tiến vững chắc hơn những nơi chưa có cán bộ người dân tộc - địa phương đảm nhiệm. Kinh nghiệm thực tế những năm đã qua, có lúc chúng ta đã điều động ồ ạt từng đợt cán bộ đi “hạ phóng”, tăng cường cho các huyện và cơ sở ở miền núi, nhưng tác dụng mang lại rất hạn chế, hiệu quả thu được rất thấp, so với mức chi phí khá tốn kém đã bỏ ra.

Trên cơ sở có sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và sự quan tâm chỉ đạo như trên, Hội đồng dân tộc chúng tôi xin đề nghị với Quốc hội, Hội đồng Nhà nước, Hội đồng Bộ trưởng, các Bộ, các ngành liên quan ở Trung ương và các cấp chính quyền địa phương một số kiến nghị về chủ trương, biện pháp thực hiện cụ thể như sau:

1.  Các cấp, các ngành ở Trung ương và các địa phương miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số cần sớm có quy hoạch cụ thể về đào tạo cán bộ và công nhân người các dân tộc thiểu số sát với từng vùng, từng dân tộc. Trên cơ sở đó, có chương trình và kế hoạch hàng năm để thực hiện. Trong kế hoạch, chú ý đến chỉ tiêu tuyển sinh con em các dân tộc ở từng vùng và có các biện pháp tích cực, đồng bộ để tạo nguồn đào tạo cán bộ dân tộc. Cần tạo mọi điều kiện vật chất để đẩy mạnh hơn nữa việc mở các trường lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ và công nhân dân tộc, chú trọng các trường, lớp thanh thiếu niên dân tộc, trường dạy nghề sơ cấp, trung cấp các ngành kỹ thuật ở các địa phương và các trường ở Trung ương. Cần bổ sung chính sách khuyến khích thanh niên các dân tộc ít người ở vùng cao và vùng còn ít cán bộ dân tộc địa phương đi học các trường lớp dự bị đại học, sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đại học. Chương trình giảng dạy ở các trường dân tộc cũng phải được cải tiến phù hợp với yêu cầu của phương hướng kinh tế và đặc điểm từng vùng.

2.  Các loại cán bộ ở miền núi đều cần được quan tâm đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng và mạnh dạn đề bạt sử dụng, từ cấp thấp lên cấp cao, từ trách nhiệm nhẹ đến trách nhiệm nặng… Nhưng trước mắt, cần tập trung sức đào tạo cán bộ cho cấp huyện và cơ sở, trong đó chú trọng đào tạo các loại cán bộ quản lý kinh tế, quản lý hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, các loại cán bộ và công nhân kỹ thuật nông - lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy lợi, giao thông, cơ khí nhỏ, chế biến nông lâm sản, điều khiển máy móc nhỏ, v.v.. Một số cán bộ sơ cấp ở cơ sở cần được nhanh chóng đào tạo trong một thời gian nhất định có đủ cán bộ người dân tộc địa phương đảm nhiệm (như giáo viên mẫu giáo, cấp I, y tá xã…).

Trong mỗi đợt sắp xếp, củng cố tổ chức, bầu cử các cơ quan lãnh đạo và quản lý của Đảng, chính quyền, đoàn thể…, ở những nơi có đồng bào các dân tộc thiểu số nhất thiết phải bồi dưỡng đào tạo được cán bộ dân tộc thiểu số có đủ tiêu chuẩn tham gia.

3.  Đẩy mạnh việc tạo nguồn cho đào tạo cán bộ, trước hết là phát triển giáo dục phổ thông, nghiên cứu xây dựng chương trình cải cách giáo dục sát hợp từng vùng dân tộc.

4.  Việc điều động tăng cường cán bộ các loại ở miền xuôi lên miền núi là vấn đề cần thiết, nhằm bổ sung cho lực lượng cán bộ dân tộc địa phương còn thiếu và để hỗ trợ, học tập lẫn nhau giữa cán bộ các vùng, các dân tộc. Do đó, cần đào tạo và điều động thêm cán bộ các ngành ở Trung ương, ở tỉnh cho các huyện và cơ sở miền núi, đồng thời có kế hoạch chuyển vùng cho các cán bộ đã công tác lâu năm ở miền núi, sức khỏe yếu và gia đình gặp nhiều khó khăn, kể cả việc các địa phương miền xuôi ưu tiên tiếp nhận và sắp xếp công tác cho các cán bộ được chuyển về.

5.  Đi đôi với công tác đào tạo, cần tích cực đẩy mạnh việc bồi dưỡng, nâng cao trình đội chính trị, văn hóa, nghiệp vụ cho cán bộ dân tộc đương chức ở các cấp, các ngành, các địa phương, trước hết chú trọng bồi dưỡng cán bộ ở huyện và cơ sở. Ngoài việc cử đi học các lớp tập trung dài hạn ở tỉnh và Trung ương, chú ý phát triển mạnh các lớp học tập huấn ngắn ngày, kèm cặp thực tế tại chỗ, tổ chức tham quan, học tập các điển hình, v.v..

6.  Đào tạo được một đội ngũ cán bộ và công nhân người dân tộc thiểu số phải rất kiên trì và công phu về mọi mặt, trong đó việc thực hiện chính sách và chế độ về đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng và đãi ngộ đối với cán bộ có tầm quan trọng hàng đầu. Vì vậy, cần thực hiện nghiêm túc các chính sách, chế độ của Trung ương Đảng và Hội đồng Bộ trưởng đã ban hành, đồng thời tiến hành khẩn trương việc nghiên cứu và ban hành bổ sung, điều chỉnh một số chế độ đặc biệt, phù hợp với tình hình và yêu cầu mới. Trước hết, cần cụ thể hóa và thực hiện tốt các chính sách cán bộ miền núi đã ghi trong Chỉ thị 216 ngày 30-01-1975 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, như: tăng ngân sách và vốn đầu tư xây dựng và phát triển các trường lớp dân tộc của các địa phương và các ngành Trung ương; vấn đề bậc lương và thời hạn nâng bậc; chế độ khám chữa bệnh, nghỉ hưu, phụ cấp thâm niên cho cán bộ hoạt động ở miền núi, vùng cao, biên giới; chế độ, tiêu chuẩn tuyển sinh và nội trú của các trường công nhân kỹ thuật, dạy nghề, trung học chuyên nghiệp, dự bị đại học, cao đẳng và đại học các ngành nghề.

7.  Cuối cùng là cần đẩy mạnh thường xuyên công tác tuyên truyền giáo dục, làm quán triệt đầy đủ, sâu sắc và đồng đều hơn nữa nhận thức đối với vấn đề dân tộc, trong đó thấy rõ tầm quan trọng và yêu cầu cấp bách của nhiệm vụ đào tạo cán bộ người các dân tộc thiểu số. Trên cơ sở đó, có kế hoạch và các biện pháp đặc biệt để khắc phục những nhận thức coi nhẹ và những thiếu sót tồn tại, nhằm đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ và công nhân các dân tộc thiểu số tiến lên một bước mới.

Thưa các đại biểu Quốc hội,

Dưới ánh sáng của các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước, nhất là Nghị quyết của Đại hội lần thứ VI của Đảng mới đề ra, với tinh thần đổi mới tư duy, đổi mới phong cách, đổi mới công tác tổ chức - cán bộ của các cấp, các ngành, Hội đồng dân tộc chúng tôi tin chắc rằng công tác đào tạo cán bộ và công nhân các dân tộc thiểu số trong thời gian tới nhất định đạt được kết quả to lớn hơn trước.

Xin cảm ơn và kính chúc kỳ họp lần thứ 12 của Quốc hội thành công tốt đẹp.

 

HỘI ĐỒNG DÂN TỘC CỦA QUỐC HỘI

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.