VĂN KIỆN QUỐC HỘI TOÀN TẬP TẬP VI(QUYỂN 2) 1984 - 1987

 

BÁO CÁO
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG VỀ TỔNG QUYẾT TOÁN NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1985
(Do ông Vũ Tuân, Bộ trưởng Bộ Tài chính trình bày tại kỳ họp thứ 12, Quốc hội khóa VII, ngày 24-12-1986)

Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Trong kỳ họp thứ 8, khóa VII, tháng 12-1984, Quốc hội đã phê chuẩn dự toán ngân sách nhà nước năm 1985 với tổng số thu 15.600 triệu đồng, tổng số chi 16.200 triệu đồng, bội chi 600 triệu đồng (tính theo tiền mới khi đổi tiền 9-1985).

Trong quá trình thực hiện kế hoạch và ngân sách nhà nước năm 1985, nền kinh tế nước ta gặp nhiều khó khăn do mất cân đối nguyên liệu, vật tư, năng lượng… Nhiều sản phẩm, nhất là những sản phẩm chủ yếu, có số thu lớn đạt kế hoạch thấp; quỹ hàng hóa bán ra không bảo đảm như dự kiến, giá thành và phí lưu thông tăng quá mức, nguồn thu từ khu vực kinh tế quốc doanh giảm sút. Trong khi đó ngân sách nhà nước phải đáp ứng các yêu cầu chi mới về quốc phòng - an ninh, củng cố các tỉnh biên giới phía Bắc, khắc phục hậu quả thiên tai, trợ cấp khó khăn cho cán bộ, công nhân, viên chức ở một số vùng trọng điểm… Giá cả thị trường tăng vọt, quỹ hàng thu mua theo hợp đồng không đủ nên phải tăng khối lượng lương thực, thịt lợn mua giá thỏa thuận, khiến khoản chi bù giá hàng cung cấp tăng nhiều.

Từ tháng 9-1985, sau khi thực hiện các chủ trương, chính sách mới về giá - lương - tiền, ngân sách nhà nước có nhiều biến động lớn:

- Chi tiền lương, phụ cấp và trợ cấp theo Quyết định số 235/HĐBT ngày 18-9-1985 của Hội đồng Bộ trưởng tăng khoảng 1.500 triệu đồng/tháng, cao hơn mức tăng thu từ sản xuất - kinh doanh.

- Giá mua nông sản được điều chỉnh có lợi cho sản xuất nông nghiệp và cho nông dân trong khi giá bán vật tư hàng hóa của Nhà nước chỉ bằng khoảng 70% giá vốn, một số vật tư hàng hóa chỉ bằng từ 50% đến 60% giá vốn.

- Lương mới được thực hiện từ 01-9-1985, giá mới thực hiện sau một tháng (từ 1-10-1985) khiến ngân sách nhà nước phải tăng chi (đối với khu vực hành chính - sự nghiệp) và giảm thu (đối với khu vực sản xuất - kinh doanh) khoảng 1.500 triệu đồng.

- Do thiên tai, ngân sách nhà nước phải chi trên 500 triệu đồng để khắc phục hậu quả, đồng thời miễn giảm thu thuế nông nghiệp trên 400 triệu đồng (khoảng 20 vạn tấn lương thực).

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa VII (tháng 12-1985), Hội đồng Bộ trưởng đã báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 1985. Đến nay, trên cơ sở tổng hợp báo cáo quyết toán của các ngành và các địa phương, Hội đồng Bộ trưởng trình Quốc hội tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1985 như sau:

A- VỀ THU:

I- THU TRONG NƯỚC

Số thu trong nước năm 1985 quyết toán 18.977,1 triệu đồng, đạt 135% kế hoạch, trong đó:

1. Thu nhập thuần túy từ các xí nghiệp quốc doanh 13.607,7 triệu đồng, đạt 135,4% kế hoạch; nếu loại trừ yếu tố giá thì thực tế chỉ đạt 99,6% kế hoạch.

a) Ngành Công nghiệp

Số thu nhập thuần túy nộp vào ngân sách nhà nước 4.756,3 triệu đồng, đạt 139% kế hoạch; nếu loại trừ yếu tố giá thì thực tế chỉ đạt 95,2% kế hoạch.

Sản xuất công nghiệp năm 1985 có nhiều khó khăn về vật tư, nguyên liệu, năng lượng, ngoại tệ không cân đối; các ngành, các địa phương đã cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu để nhập khẩu; khai thác, tận dụng nguồn vật tư, nguyên liệu, phế liệu tồn kho ứ đọng…, để khắc phục một phần tình trạng không cân đối. Song vấn đề gay gắt trong sản xuất công nghiệp vẫn là điện, than, nhất là than thiếu nghiêm trọng, khiến sản lượng điện phát ra cả năm không đạt kế hoạch.

Giá trị tổng sản lượng công nghiệp quốc doanh (tính theo giá cố định năm 1982) đạt 59.564 triệu đồng, bằng 102,5% kế hoạch. Trong 24 loại sản phẩm chủ yếu, có 15 loại đạt và vượt kế hoạch. Nhiều sản phẩm đạt kế hoạch thấp (điện đạt 97,7%, vải lụa 96,1%, chè 93,4%, mì chính 35%, xi măng 85,2%, lốp xe đạp 88,4%, săm xe đạp 66,7%…), chất lượng xấu, tiêu thụ chậm làm giảm thu ngân sách 200 triệu đồng.

Công tác quản lý xí nghiệp quốc doanh chuyển biến chậm, mức tiêu hao vật tư, nguyên liệu, năng lượng, v.v. trên đơn vị sản phẩm vượt quá định mức làm tăng giá thành và phí lưu thông, giảm thu ngân sách 600 triệu đồng.

b) Ngành Vận tải quốc doanh

Số thu nhập thuần túy nộp vào ngân sách nhà nước 161,7 triệu đồng, đạt 269,5% kế hoạch. Khối lượng hàng hóa vận chuyển của toàn ngành vận tải quốc doanh đạt 104,6% kế hoạch về tấn/km. Các nhiệm vụ vận chuyển chủ yếu đạt kế hoạch thấp: than (kể cả than cho điện) đạt 84,8% kế hoạch, hàng Bắc - Nam 68%, hàng xuất khẩu 98,7%, v.v. chủ yếu do thiếu nguồn hàng, thiếu nhiên liệu. Giá trị phương tiện của ngành vận tải tăng 265 triệu đồng so với năm 1984, nhưng năng suất phương tiện giảm, không sử dụng hết công suất.

c) Ngành Thương nghiệp - vật tư

Số thu nhập thuần túy nộp vào ngân sách nhà nước 7.704,2 triệu đồng, đạt 123,2% kế hoạch; nếu loại trừ yếu tố giá thì thực ra chỉ đạt 80% kế hoạch.

Trong điều kiện sản xuất công nghiệp và nông nghiệp có nhiều khó khăn, giá cả không ổn định, ngành Thương nghiệp quốc doanh đã cố gắng thu mua nắm nguồn hàng, từng bước mở rộng kinh doanh. Huy động lương thực đạt 3,965 triệu tấn, bằng 21,7% sản lượng lương thực. Có 13 tỉnh, thành phố hoàn thành vượt mức kế hoạch thu mua cả năm từ 2% đến 22,8% (Nghệ Tĩnh 22,8%, Thanh Hóa 20,7%, Đồng Tháp 17,1%, Nghĩa Bình 16%, Vĩnh Phú 11,3%…). Việc vận chuyển lương thực từ miền Nam ra miền Bắc đạt 65,6% kế hoạch; trị giá thu mua hàng công nghệ phẩm đạt 136,1%, nông sản thực phẩm 282,6% kế hoạch. Nhiều mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống thu mua đạt kế hoạch thấp (lợn thịt đạt 96,7%, rau quả tươi 95,4%, muối ăn 71,8%, nước chấm 98,9%, lốp xe đạp 71%…). Do đó, hàng hóa cung cấp phục vụ đời sống cán bộ, công nhân, viên chức, lực lượng vũ trang vừa không đủ, vừa không kịp thời.

Công tác quản lý của thương nghiệp quốc doanh chuyển biến chậm, chưa nắm được phần lớn nguồn hàng công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; tỷ lệ hư hao, mất mát trong quá trình thu mua, vận chuyển, bảo quản vượt quá định mức làm tăng phí lưu thông.

2. Thuế công thương nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước 1.939,9 triệu đồng, đạt 117,5% kế hoạch. Chính quyền các cấp đã tăng cường chỉ đạo công tác quản lý và thu thuế theo pháp lệnh, kết hợp chặt chẽ với công tác quản lý thị trường.

Số thu thuế công thương nghiệp tuy có tăng nhưng chưa theo kịp tình hình sản xuất - kinh doanh và giá cả thị trường tăng, thất thu còn lớn.

3. Thuế nông nghiệp nộp vào ngân sách nhà nước 678,5 triệu đồng, đạt 128% kế hoạch.

Số thuế đã thu trong năm 1 triệu 243 ngàn tấn (quy thóc), đạt 92,5% kế hoạch, trong đó thu bằng hiện vật 1 triệu 75 ngàn tấn, bằng 6,6% sản lượng lương thực. Các tỉnh miền Bắc đạt 614 ngàn tấn (quy thóc), bằng 98,7% kế hoạch, trong đó lương thực 547 ngàn tấn bằng 8% sản lượng lương thực. Các tỉnh miền Nam đạt 627 ngàn tấn (quy thóc) đạt 87% kế hoạch, trong đó thu bằng hiện vật 527 ngàn tấn, bằng 5,8% sản lượng lương thực.

Số thuế nông nghiệp còn thiếu trong ba năm 1983, 1984 và 1985 khoảng 30 vạn tấn, trong đó các tỉnh phía Nam 27,5 vạn tấn. Nhà nước không đủ lương thực phân phối cho các nhu cầu, phải nhập khẩu lương thực bổ sung.

II- THU NGOÀI NƯỚC dưới hình thức vay nợ và viện trợ 6.364,3 triệu đồng, đạt 410,6% kế hoạch, trên cơ sở kim ngạch vay nợ và viện trợ (kể cả viện trợ của các tổ chức quốc tế) khoảng 1.000 triệu rúp - đô la và do thay đổi tỷ giá kết toán nội bộ (do thay đổi hệ thống giá trong nước từ tháng 9-1985).

B- VỀ CHI:

I- CHI XÂY DỰNG CƠ BẢN:

Vốn ngân sách nhà nước cấp phát 10.754,3 triệu đồng, đạt 405,8% kế hoạch, do giá vật tư trong quý IV năm 1985 tăng từ 7 đến 10 lần và tiền lương 4 tháng cuối năm tăng hai lần; nếu loại trừ yếu tố giá và lương thì vốn xây dựng cơ bản vượt kế hoạch 32%.

Vốn đầu tư của ngân sách nhà nước và vốn đầu tư bằng tín dụng của Ngân hàng nhà nước bảo đảm khối lượng 14.750 triệu đồng; trong đó đầu tư vào các ngành sản xuất vật chất 11.500 triệu đồng, chiếm 78% và các ngành không sản xuất vật chất 3.250 triệu đồng, chiếm 22% tổng số vốn đầu tư.

- Ngành Công nghiệp đầu tư 4.667,3 triệu đồng, chiếm 43,4% tổng số vốn đầu tư. Điện lực tăng 3,3 nghìn kW, than tăng 0,3 triệu tấn/năm, trạm biến thế điện tăng 65,8 nghìn kVA, đường dây tải điện tăng 79,6km, cọc sợi tăng 3,5 nghìn tấn/năm…

- Ngành Nông, Lâm, Thủy lợi đầu tư 1.806 triệu đồng, chiếm 16,8% tổng số vốn đầu tư. Khai hoang đưa vào sử dụng 63,8 ngàn ha, diện tích tưới nước tăng 90,5 ngàn ha, diện tích tiêu nước tăng 60,6 ngàn ha…

- Ngành Giao thông vận tải đầu tư 1.957,2 triệu đồng, chiếm 18,2% tổng số vốn đầu tư, tập trung vào các công trình trọng điểm của Nhà nước đã hoàn thành đưa vào sử dụng như cầu Thăng Long, cầu Chương Dương… Giá trị, phương tiện vận tải tăng thêm 764 triệu đồng.

- Xây dựng nhà ở, các công trình văn hóa, nghệ thuật, trường học, bệnh viện đầu tư 2.312,5 triệu đồng, chiếm 21,5% tổng số vốn đầu tư. Đã đưa vào sử dụng 406.000m2 nhà ở (trong đó Hà Nội 110.000m2), một số bệnh viện, trạm xá, trường học, cung văn hóa…

Công tác xây dựng cơ bản năm 1985 đã tập trung vào các công trình trọng điểm, nên đã hoàn thành trước thời hạn một số công trình đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, kế hoạch xây dựng cơ bản còn chưa sát khả năng thực tế: ghi khởi công 52 công trình, thực hiện được 31 công trình; hoàn thành xây dựng 34 công trình (kế hoạch là 58 công trình); diện tích tưới nước trong nông nghiệp tăng mới đạt 50% kế hoạch năm…

Công suất sử dụng máy móc, thiết bị trong xây dựng cơ bản còn thấp (khoảng 50%); hao hụt, mất mát vật tư còn phổ biến; giá mua các loại vật tư và tiền thuê nhân công ngoài tăng, giá thành nhiều công trình vượt giá dự toán. Giá trị khối lượng công trình hoàn thành đưa vào sử dụng không tương xứng với số vốn Nhà nước bỏ ra.

II- CHI BÙ GIÁ HÀNG CUNG CẤP cho cán bộ, công nhân viên và lực lượng vũ trang 4.936,3 triệu đồng, bằng 105% kế hoạch, chiếm 14,2% tổng số chi ngân sách nhà nước.

Chi bù giá hàng cung cấp tăng chủ yếu do hàng hóa, vật tư, dành cho thu mua theo hợp đồng không đủ nên phải dùng 16,8 vạn tấn lương thực (quy thóc) mua giá thỏa thuận để bán cung cấp.

III- CHI HÀNH CHÍNH - SỰ NGHIỆP: 9.530,9 triệu đồng, bằng 352,9% kế hoạch, chủ yếu do tác động của việc thực hiện các chủ trương mới về giá, lương, tiền từ tháng 9-1985; riêng khoản chi tăng thêm về tiền lương và các khoản phụ cấp xã hội 4 tháng cuối năm 1985 tăng 6.000 triệu đồng.

1. Chi sự nghiệp kinh tế: 3.354,5 triệu đồng, bằng 575,3% kế hoạch và tăng 373,5% so với 1984, để bảo đảm kinh phí thăm dò địa chất, sửa chữa đường sá, cầu cống, phát triển các trạm trại nông nghiệp…

2. Chi nghiên cứu khoa học: 143,9 triệu đồng, bằng 179,8% kế hoạch, nhằm thực hiện 76 chương trình tiến bộ khoa học - kỹ thuật cấp Nhà nước và hơn 300 chương trình của các Bộ, các ngành và địa phương. Trong năm 1985 đã giám định kết thúc khoảng 1.000 đề tài, trong đó có trên 300 đề tài quan trọng được áp dụng vào sản xuất và mở rộng quy mô sản xuất.

3. Chi đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật: 693,6 triệu đồng, bằng 266,7% kế hoạch, để đào tạo 257,3 ngàn học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và công nhân kỹ thuật.

4. Chi sự nghiệp văn hóa, xã hội: 4004,4 triệu đồng, bằng 294% kế hoạch, bảo đảm kinh phí cho 12.531 cơ sở điều trị, điều dưỡng (trong đó có 224 ngàn giường bệnh) và cho khoảng 13,8 triệu học sinh các trường phổ thông trung học, phổ thông cơ sở, mẫu giáo; trợ cấp lương cho 70,7 vạn cán bộ, bộ đội về hưu, nghỉ mất sức; nuôi dưỡng 11.500 thương binh nặng…

Thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa các đồng chí đại biểu Quốc hội,

Căn cứ vào tình hình thu, chi ngân sách nhà nước năm 1985 như đã trình bày ở trên, Hội đồng Bộ trưởng đề nghị Quốc hội phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước năm 1985 như sau:

- Tổng số thu 25.341.457.801 đồng.

- Tổng số chi 34.609.999.042 đồng.

- Ngân sách nhà nước bội chi 9.268.541.241 đồng.

 

QUYẾT TOÁN THU NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1985

(Theo ngành kinh tế)

Đơn vị: triệu đồng

Nội dung thu

Dự toán 1985

Quyết toán 1985

Tỷ lệ so sánh (%)

Quyết toán 1985 so với dự toán 1985

Quyết toán 1985 so với quyết toán 1984

TỔNG SỐ THU

15.600

25.341,4

162,4

227,4

A- THU TRONG NƯỚC

14,050

18.977,1

 135

197,3

I- Thu từ kinh tế quốc doanh

10.790

14.687,8

136,1

215,6

1. Thu nhập thuần túy

10.050

13.607,7

135,4

 226

- Ngành công nghiệp

3.420

4.756,3

 139

188,2

- Ngành cung tiêu, thương nghiệp, vật tư

6.250

7.704,2

123,2

296,4

- Ngành vận tải

60

161,7

269,5

212,2

- Ngành tín dụng

220

371,7

168,9

156,9

- Các ngành khác

100

613,8

613,8

105,6

2. Khấu hao, hoàn vốn, biến giá

700

826,0

118,0

123,2

- Khấu hao

430

524,6

 122

138,5

- Hoàn vốn, biến giá

70

86,4

123,4

98,4

- Thu nợ dài hạn

200

 215

107,5

105,4

3. Thu sự nghiệp

70

254,1

 363,0

 207

II- Thu từ kinh tế tập thể và tư doanh

2.530

3.057,7

120,8

151,8

1. Thuế công thương nghiệp

1.650

1.939,9

117,5

144,6

2. Thuế hải quan và xuất nhập khẩu

350

439,3

125,5

183,9

3. Thuế nông nghiệp

530

678,5

 128

156,4

III- Thu khác

730

1.231,6

168,7

156,2

Trong đó: - Xổ số

250

297,9

119,1

193,3

 - Công trái

200

 41

20,5

20,5

B- THU NGOÀI NƯỚC

1.550

6.364,3

410,6

417,1

 

TỔNG QUYẾT TOÁN CHI NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC NĂM 1985

(Theo loại vốn)

Đơn vị: triệu đồng

Các khoản chi

Dự toán 1985

Quyết toán 1985

Tỷ lệ so sánh (%)

Dự toán 1985

Quyết toán 1984

TỔNG SỐ CHI

16.200

34.609,9

213,6

299,7

Trong đó:

 

 

 

 

1. Chi đầu tư

3.130

11.673,3

372,9

350,4

a) Vốn xây dựng cơ bản

2.650

10.754,3

405,8

402

+ Vốn tập trung do NSTW cấp phát

2.200

8.938,1

406,2

452,7

+ Vốn tự có do NSĐP cấp phát

400

1.760,2

440

287,8

+ Chuyển dân đi vùng kinh tế mới

50

56

112

63

b) Chi vốn lưu động và dự trữ VTNN

480

919

191,4

140,2

2. Chi hành chính sự nghiệp

2.700

9.530,9

352,9

344,5

a) Sự nghiệp kinh tế

583

3.354,5

575,3

473,5

b) Sự nghiệp nghiên cứu khoa học

80

143,9

179,8

225,1

c) Sự nghiệp đào tạo cán bộ và công nhân kỹ thuật

260

693,6

266,7

314,2

d) Sự nghiệp giáo dục, y tế, văn xã

1.362

4.004,4

294

307

Trong đó:

+ Giáo dục phổ thông

400

1.240,3

310

371,6

+ Y tế

390

751,1

192,5

269,5

+ Xã hội

440

1.361,9

309,5

377,6

e) Chi về quản lý hành chính

415

1.334,5

321,5

284,5

3. Chi trả nợ nước ngoài

100

255,1

255,1

255,3

4. Chi bù giá hàng cung cấp cho cán bộ công nhân viên và lực lượng vũ trang

4.700

4.936,3

105

162,7

 

 

Lưu tại Trung tâm Lưu trữ
quốc gia III, phông Quốc hội.